Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Ngồi cùng bàn với một Tổng thống Mỹ đương nhiệm, ông Kim Jong-un đã tạo được một dấu ấn hoàn toàn khác. Cuộc gặp lịch sử này bản thân nó đã truyền đi một thông điệp chiến thắng cho ông Kim, đưa ông từ vị thế là một "người đàn ông tên lửa" (theo cách diễn đạt có phần khiếm nhã của Tổng thống Mỹ Donald Trump) chuyển sang vị thế của một nhà lãnh đạo có trách nhiệm, ngang tầm với Tổng thống Mỹ.
Ông đã chứng tỏ là một lãnh đạo thân thiện và cởi mở, một chính khách sắc bén, có nhận thức xác đáng về cục diện thế giới, có khả năng thích ứng với các hoàn cảnh biến đổi nhanh chóng. Kênh CNN dẫn bình luận của bà Jean H.Lee, chyên gia về Triều Tiên thuộc Trung tâm Wilson của Mỹ, cho rằng “Tổng thống Trump đã phải bay nửa vòng trái đất để gặp gỡ một nhà lãnh đạo của một quốc gia vốn bị coi là nghèo hơn, nhỏ bé hơn, và điều này chứng tỏ thắng lợi của ông Kim Jong Un”. Theo bà, khoảnh khắc hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau cũng là khoảnh khắc thể hiện sức mạnh của người dân Triều Tiên.
Bản tuyên bố chung lịch sử được Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un ký kết khi kết thúc cuộc gặp chỉ dài hơn một trang giấy nhưng đã phản ánh đúng những điều như ông Trump khẳng định rằng đây là văn kiện “tốt đẹp và toàn diện”. Trong đó, Mỹ và Triều Tiên đã cam kết thiết lập quan hệ song phương mới theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng; cam kết nỗ lực nhằm xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài, ổn định và hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.
Hai bên cũng nhất trí thực hiện công tác tìm kiếm và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA). Bản Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hội nghị thượng đỉnh đầu tiên này, giúp hai bên vượt qua căng thẳng và thù địch nhiều thập kỷ qua để mở ra một tương lai mới. Hai bên cũng nhất trí tiến hành cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao và quan chức cấp cao vào thời điểm sớm nhất có thể để triển khai các kết quả của hội nghị.
Tinh thần nổi bật nhất toát lên trong toàn bộ cuộc gặp lịch sử ngày 12/6, đó là dường như hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia đối địch đã trao gửi lòng tin cho nhau. Dường như cả hai đã nhận thức rõ vai trò của mình cũng như cơ hội hiếm có mà mình đang nắm giữ, để từ đó có cách hành xử sáng suốt.
Tại cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nêu rõ: “Con đường để tới được đây không hề dễ dàng. Những định kiến cũ và thực tiễn sai lầm có những thời điểm đã gây trở ngại cho bước tiến của chúng ta, nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả để đến được đây”. Ông Kim cũng khẳng định hai bên đã nhất trí gác lại quá khứ và “thế giới sẽ được chứng kiến những thay đổi lớn lao”.
Về phần mình, Tổng thống Trump không ngại ngần bày tỏ sự tin cậy của mình đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc gặp, ông khẳng định: “Tôi tin. Tôi hoàn toàn tin rằng ông Kim Jong-un sẽ tuân thủ những thỏa thuận hai bên đã ký kết. Ông ấy rất chắc chắn về điều mình mong muốn thực hiện...”.
Ông Trump cũng đánh giá cao năng lực lãnh đạo của ông Kim Jong-un, đồng thời nhấn mạnh rằng những cam kết đưa ra trong tuyên bố chung sẽ mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Triều Tiên. Đáng chú ý, lần đầu tiên, ông Trump thừa nhận tiến trình phi hạt nhân hóa đòi hỏi thời gian lâu dài, và cho biết tiến trình này sẽ sớm được khởi động.
Cùng với những lời lẽ lạc quan như vậy, hai bên cũng có những cam kết bước đầu cho thấy sự nhượng bộ của cả hai để thu hẹp những bất đồng lớn lâu nay. Trong đó, Triều Tiên cam kết phá hủy cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa, còn Tổng thống Trump cam kết chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, thậm chí có thể xem xét rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc trong tương lai.
Ông Trump cũng bày tỏ hy vọng cuộc chiến tranh Triều Tiên sẽ sớm chính thức chấm dứt, đồng thời nhấn mạnh “Quá khứ không quyết định được tương lai. Xung đột ngày hôm qua không dứt khoát sẽ trở thành cuộc chiến của ngày mai. Và lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng kẻ thù hoàn toàn có thể trở thành bạn bè”.
Đối với Mỹ, kết quả tích cực bước đầu của cuộc gặp cho thấy cho thấy ông Trump đã không hoài công vô ích khi đích thân bay nửa vòng trái đất đến “đảo quốc Sư tử”, đảo ngược các luật chơi truyền thống, bỏ qua mọi thông lệ quy chuẩn của Mỹ để ngồi xuống trực tiếp nói chuyện với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Sau chính sách “gây sức ép tối đa”, sự thay đổi của Mỹ trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề xung đột với Triều Tiên (chấp nhận đàm phán trực tiếp ở cấp lãnh đạo cao nhất, thay vì cơ chế đàm phán 6 bên như trước đây) phản ánh đúng chủ trương ưu tiên tiếp xúc song phương mà Tổng thống Trump theo đuổi từ khi nhậm chức, đồng thời cũng rất phù hợp với phong cách lãnh đạo của ông Kim Jong-un.
Với cuộc gặp tại Capella, có thể coi như ông Trump đã bước đầu hoàn thành một sứ mệnh hướng tới hòa bình, ổn định ở bán đảo Triều Tiên, giúp tìm hướng đi tích cực cho một trong những “hồ sơ nóng” nhất của thế giới.
Đây có lẽ là món quà sinh nhật ý nghĩa nhất mà ông Trump đích thân thực hiện, đúng một ngày trước khi ông bước sang tuổi 72. Thành công của cuộc gặp lịch sử này cũng được coi là thành tựu ngoại giao đầu tiên của Tổng thống Trump sau một năm rưỡi cầm quyền. Thành công này càng có ý nghĩa khi nó diễn ra trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, nhất là trong bối cảnh ông Trump đang phải đối mặt với không ít các vấn đề phát sinh do chính sách của mình hơn một năm qua.
Còn với Triều Tiên, sau nhiều thập kỷ chiến tranh, bị cô lập và kinh tế kiệt quệ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang quyết liệt thực hiện mục tiêu cải thiện nền kinh tế, giảm bớt sức ép cấm vận từ bên ngoài. Cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ thành công đồng nghĩa với việc ông đã tiến thêm một bước nữa ra thế giới, sau khi Bình Nhưỡng đã cải thiện đáng kể quan hệ với các cường quốc trong khu vực, từ Hàn Quốc đến Nga và Trung Quốc thời gian gần đây.
Những gì hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đạt được tại cuộc gặp đầu tiên này dù mới chỉ là bước đầu, nhưng chắc chắn sẽ là cú hích vô cùng quan trọng và quý giá cho các bước đi tiếp theo trên con đường bảo đảm an ninh khu vực, thiết lập hòa bình lâu dài cũng như thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên. Lịch sử đã chứng minh rằng giải pháp ngoại giao là con đường tối ưu để giải quyết mọi xung đột, căng thẳng, bởi nó giảm tối thiểu mọi tổn thất và đem lại lợi ích thực chất, bền vững cho tất cả các bên.
Tất nhiên, không thể kỳ vọng một hội nghị kéo dài chỉ nửa ngày có thể giải quyết hết những bất đồng cũng như lấp đầy hố sâu thiếu tin cậy giữa hai quốc gia từng là địch thủ trong nhiều thập kỷ. Để đảm bảo duy trì động lực tích cực mà hội nghị đem lại, các bên liên quan cần tiếp tục nỗ lực hành động thực tiễn, và quan trọng là giữ được sự kiên nhẫn, sáng suốt và lòng tin dành cho nhau.
Dù vậy, bất chấp điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau cuộc gặp này, cái bắt tay của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un vẫn sẽ là một thời khắc lịch sử, và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn được coi là một “hội nghị thế kỷ” mở ra cơ hội xây dựng lòng tin vững chắc, loại bỏ chiến tranh và thù địch kéo dài gần 7 thập kỷ qua.
Toàn Cảnh Hội Nghị Thượng Đỉnh Lịch Sử Mỹ - Triều Tiên
Chữ ký Trump - Kim: Hai trường phái, hai cá tính mạnh
Theo các chuyên gia, dù có chữ ký khác nhau thể hiện hai tính cách riêng biệt, TT Trump và nhà lãnh đạo Kim đều muốn nhấn mạnh dấu ấn riêng thông qua chữ viết.
Chuyên gia phân tích chữ viết Koo Bon Jin cho rằng chữ ký của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong bản tuyên bố chung với Tổng thống Donald Trump ngày 12/6/2018 thể hiện sự tham vọng và cá tính sáng tạo.
Ông Koo nhận định cách ký tên tiết lộ nhà lãnh đạo Triều Tiên là người thường xuyên đưa ra các quyết định theo bản năng hơn là dựa trên lý trí và logic.
"Kim Jong Un viết rất nhanh, điều này thể hiện ông là người nhanh trí và thiếu kiên nhẫn", Koo cho biết. Ngược lại, chữ ký của Tổng thống Trump cho thấy tính cách thận trọng.
"Các ký tự trong chữ ký của ông Kim cách nhau rất xa, điều này mang ý nghĩa ông là người có cá tính sáng tạo, luôn sẵn sàng cởi mở trò chuyện về các ý tưởng mới và không ngừng thay đổi. Nó thể hiện tính cách một nhà lãnh đạo tự tin với nhiều ước mơ và hoài bão lớn", chuyên gia nói.
Mặt khác, bà Leong cho rằng chữ ký của Tổng thống Trump giống những mũi tên và tòa nhà cao tầng, thể hiện ông là người luôn đeo "mặt nạ" che giấu tính cách thật.
"Chữ ký của hai nhà lãnh đạo rất khác nhau, họ có hai cá tính riêng biệt, nhưng cả hai đều muốn nhấn mạnh dấu ấn của mình", bà nói.
Ông Ahn Chan Il, cựu quan chức quân đội tại Bình Nhưỡng, người đứng đầu Viện nghiên cứu thế giới về Triều Tiên tại Seoul, cho rằng cách ông Kim ký tên rất giống với cha và ông nội, những người lãnh đạo tiền nhiệm tại Triều Tiên.
"Không chỉ là gia tộc họ Kim, người Triều Tiên bình thường cũng bỏ nhiều công sức để bắt chước kiểu chữ viết này, họ cho rằng nó đẹp và thiêng liêng", chuyên gia Ahn cho biết. Ông rời khỏi Triều Tiên đến Hàn Quốc năm 1979.
Hãng bút lẫy lừng phục vụ bảy đời Tổng thống Mỹ
Tổng thống Donald Trump thường kí các sắc lệnh hành pháp mới bằng các chiếc bút nhãn hiệu Cross được đặt làm riêng cho ông.
Ông Trump kí sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục. Ảnh: AP
350 chiếc bút mạ vàng đã được chuyển tới Nhà Trắng bởi công ty bút có lịch sử 170 năm tại New England. Công ty này đã cung cấp bút cho bảy đời Tổng thống Mỹ.
Những chiếc bút Cross được sử dụng bởi các nhà lãnh đạo nước Mỹ bắt đầu từ nhiệm kì của Tổng thống Gerald Ford. Từng là một nhà tuyển dụng lớn tại khu vực Rhode Island, nhưng hiện nay công ty này sản xuất hầu hết các sản phẩm của mình tại Trung Quốc. Biểu tượng của nước Mỹ in trên những chiếc bút của Tổng thống được sơn và khắc tại Trung Quốc, các bộ phận khác được sản xuất trong và ngoài nước Mỹ rồi được lắp ráp lần cuối tại Rhode Island.
Tổng thống Barack Obama sử dụng phiên bản bút Townsend của công ty này để ký Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền vàonăm 2010. Ông Obama sau đó đã chuyển sang sử dụng phiên bản Century II, một kiểu bút bọc nỉ giống với loại được sử dụng bởi ông Trump khi ký các sắc lệnh lật ngược chính sách về bảo hiểm y tế của người tiền nhiệm.
Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đã đặt 150 chiếc bút sơn đen đầu tiên trước buổi lễ nhậm chức Tổng thống. Điểm đặc trưng duy nhất phân biệt dòng bút Century II của ông Trump với loại bút được sử dụng bởi ông Obama là chữ ký được khắc trên chiếc bút và lớp kim loại được mạ lên là vàng thay vì crôm.
Nhà Trắng đã không phản hồi câu hỏi về giá của những chiếc bút và ông Trump cảm thấy thế nào khi những chiếc bút được làm tại Trung Quốc. Giá bán lẻ của những chiếc bút này là 115 USD mỗi cây, nhưng công ty sản xuất cho biết Nhà Trắng mua chúng qua một nhà phân phối với ưu đãi giảm giá.
(Từ trên xuống) Những chiếc bút được thiết kế riêng cho các Tổng thống Donald Trump, Barack Obama và George W. Bush với chữ kí và con dấu của Tổng thống được khắc trên vỏ. Ảnh: AP
Cross bắt đầu việc thiết kế bút cho bà Hillary Clinton từ tháng 10 năm 2016 vì nghĩ rằng bà Clinton sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ. Nhưng khi Trump chiến thắng cuộc bầu cử, công ty và những nhà phân phối phải ngừng hợp đồng với Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ để gửi các mẫu thiết kế cho ông Trump.
Công ty cho biết vẫn chưa có nhiều đơn hàng bị hủy do hợp tác với ông Trump, người đã dùng các sản phẩm của họ để kí các sắc lệnh về người nhập cư và tị nạn gây tranh cãi. Với Cross, Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ hay Cộng hòa không quan trọng, quan trọng là họ sử dụng sản phẩm của công ty.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire