vendredi 22 juin 2018

BLOG : Khi quan chức đi nước ngoài như… đi chợ


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Thông tin gần đây của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý công tác đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ giai đoạn 2012-2016 khiến dư luận thấy sốc nặng.


Thông tin cho hay, khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 lần năm 2014, 22 lần năm 2015, với tổng thời gian ở nước ngoài lên đến 163 ngày, chiếm nửa thời gian làm việc trong năm.

Vũ Huy Hoàng
Cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam
Nhiệm kỳ : 2 tháng 8 năm 2007 – 8 tháng 4 năm 2016

Những con số khiến dư luận giật mình. Chưa nói đến chuyện tốn kém tiền thuế của dân, với những cuộc ngao du xứ người dày đặc như vậy, ông Hoàng còn đâu thời gian, tâm trí thực thi trọng trách bộ trưởng một bộ lớn như Bộ Công thương?

Đấy mới chỉ riêng cá nhân ông Vũ Huy Hoàng. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ còn cho biết: Giai đoạn 2012-2016, một số bộ ngành như Ngân hàng Nhà nước VN, Bộ Tài chính, Công thương...có 14.677 đoàn với gần 42.000 lượt cán bộ xuất ngoại, tiêu tốn khoản ngân sách lên đến 1.004 tỷ đồng.

Cùng thời điểm trên, 6 tỉnh thành gồm Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang cũng đã cử hơn 2.900 đoàn với khoảng 10.900 lượt cán bộ đi nước ngoài. Tổng kinh phí dành cho các chuyến đi này vào khoảng 261 tỷ đồng.

Nếu xếp hạng thì quán quân đi nước ngoài giai đoạn 2012-2016 cấp bộ ngành là Bộ Công thương với hơn 7.500 đoàn và hơn 24.800 lượt cán bộ tham gia; cấp tỉnh thành thì Đồng Nai đứng vị trí số 1 với khoảng 1.170 đoàn và gần 3.600 lượt cán bộ tham gia.

Những con số khủng và nỗi xót xa của dân cũng “khủng” trước việc ngân sách bị xài vô tội vạ. Đơn cử như chi phí cho một chuyến đi của cựu thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa lên đến gần 321 triệu đồng!

Hồ Thị Kim Thoa
Cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam
Nhiệm kỳ : 2010-2017

Quả là một sự phung phí ghê gớm tiền thuế của dân. Trước đây, đã có những chuyến đi nước ngoài núp bóng “nghiên cứu”, “học tập kinh nghiệm”, “thay đổi tư duy” bị phanh phui.

Nghiên cứu gì, học tập gì khi thành phần đoàn đi có cả lái xe và người sắp về hưu?

Nói thẳng, đấy thực chất là những chuyến du hí ngoại quốc bằng tiền… ngân sách (xin loại trừ những chuyến đi ích lợi cho quốc kế dân sinh). Cái gọi là “nghiên cứu”, “học tập kinh nghiệm”, “thay đổi tư duy” chỉ là bình phong, che chắn an toàn cho các bộ, ngành, địa phương, trước búa rìu dư luận. Thật nực cười khi người về hưu, lái xe đi học tập kinh nghiệm xúc tiến thương mại và du lịch; lãnh đạo công ty xổ số đi học tập kinh nghiệm về nước biển dâng!

Có một chi tiết đáng chú ý trong báo cáo rà soát của Thanh tra Chính phủ: Các bộ đã ban hành 27 văn bản, còn 6 tỉnh thành kể trên thì ban hành 58 văn bản. 20 bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương khác được yêu cầu báo cáo cũng đã ban hành 68 văn bản để quản lý các đoàn đi nước ngoài.

Cả một lô văn bản pháp qui nhưng quan chức vẫn đi nước ngoài còn nhiều hơn cả mấy bà quê tôi… đi chợ! Một dạng tham nhũng trá hình.

Phan Thị Mỹ Thanh
Phó Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai
Nhiệm kỳ : 22 tháng 5 năm 2016 – 18 tháng 5 năm 2018

Trở lại chuyện ông Hoàng, bà Thoa, bà Thanh (Phó Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai – Phan Thị Mỹ Thanh, vừa bị UBKT Trung ương kỉ luật cách hết chức vụ – trong hai năm 2012 và 2014 cũng có tới 18 lần xuất ngoại). Chẳng hay sau những chuyến xuất ngoại như con thoi ấy, các ông bà này đã đem về được gì giúp ích cho công việc đương nhiệm, cho sự phát triển của đất nước?

Thế nhưng kết cục thì mọi người ai cũng đã biết. Các vị ấy, kẻ thì bị cách hết các chức vụ đang đảm nhiệm, người thì cả cái chức “nguyên” cũng chẳng còn.

Theo báo điện tử Dân trí 22/06/2018


BÌNH LUẬN

Nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền đang diễn ra ngày càng nhiều, gây bức xúc dư luận. Hầu hết vụ tham nhũng đều do báo chí phát hiện.

Liên quan đến tham nhũng do sự xuống cấp về đạo đức nên có nhiều cán bộ, lãnh đạo với nhiều tài sản bất minh.

Nếu không gấp rút có được một cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, hệ lụy chắc chắn sẽ xảy ra là sau khi đã có “vé”, đến một thời điểm nào đó lớp quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” sẽ nhảy lên máy bay để “chuồn”, bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang.





lundi 18 juin 2018

SỨC KHOẺ : Lợi ích và tác hại của Nghệ


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Nghệ là một không chỉ làm gia vị mà còn có nhiều tác dụng khác trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh. Nhưng nếu dùng quá nhiều nghệ hoặc dùng trong thời gian dài có thể gây ra tác một số tác dụng phụ.


Nghệ cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như protein, chất xơ, niacin, Vitamin C, Vitamin E, Vitamin K, natri, kali, canxi, đồng, sắt, magiê và kẽm.


Nguồn gốc của cây nghệ 

Nghệ (Curcuma longa) là cây thân thảo lâu năm thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), có củ (thân rễ) dưới mặt đất. Nó có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Tamil Nadu, phía đông nam Ấn Độ, và cần nhiệt độ từ 20 độ C đến 30 độ C (68 độ F và 86 độ F) và một lượng mưa hàng năm đáng kể để phát triển mạnh. Cây được thu hoạch hàng năm để lấy phần củ, và được nhân giống từ một phần trong số củ đó vào mùa sau.

Cánh đồng nghệ ở một ngôi làng Ấn Độ.

Khi không được sử dụng ngay, củ được luộc trong khoảng từ 30 đến 45 phút và sau đó đem sấy khô trong lò nóng. Sau đó chúng được nghiền ra thành một loại bột có màu vàng cam sậm mà thường được sử dụng làm gia vị trong ẩm thực Tamil và kể cả các loại cà ri, hoặc để nhuộm màu, tạo màu cho các loại gia vị mù tạc. Thành phần hoạt động của nó là chất curcumin với hương vị hơi cay nóng, hơi đắng, có mùi mù tạc, và ‘mang hương vị của đất’ một cách khác biệt. Curcumin là tâm điểm thu hút vì tính năng chữa bệnh tiềm tàng với một số các chứng bệnh, bao gồm ung thư, Alzheimer, tiểu đường, dị ứng, viêm khớp, và các loại bệnh mãn tính khác. Ấn Độ là nước sản xuất nghệ chính, với những tên gọi theo vùng tùy vào ngôn ngữ và quốc gia.

Vì nghệ là một hợp chất thực vật tự nhiên, nên nó không mang tính độc quyền để được cấp bằng sáng chế riêng.


Lợi ích từ củ nghệ

Curcumin, một trong những thành phần chính của nghệ, có tác dụng chống viêm. Trong khi đó, tất cả các bệnh về cơ bản đều bắt đầu với viêm, từ viêm nướu trong miệng đến bệnh tim, do đó, bổ sung một thìa cà phê nghệ một ngày có thể là một điều tốt cho sức khỏe. Dưới đây là những lý do tại sao nghệ xứng đáng chiếm một chỗ trên giá gia vị của bạn.


1. Củ nghệ có thể giúp cải thiện trí nhớ

Nghiên cứu được thực hiện ở các quần thể người châu Á đã phát hiện ra rằng những người ăn nhiều cà ri có sự cải thiện về nhận thức (thông qua các xét nghiệm đo lường trí nhớ, sự chú ý…) hơn so với những người không ăn nhiều gia vị này. Các nhà khoa học đã ghi nhận lợi ích này đối với nghệ, và đó là lý do nghệ là một phần quan trọng trong chế độ ăn của người châu Á.

Các nghiên cứu gần đây càng nhấn mạnh thêm điều này. Ví dụ, một nghiên cứu hồi tháng 3/2018 được thực hiện ở những người từ 51 đến 84 tuổi cho thấy rằng, những người dùng một chất bổ sung curcumin 90 milligram hai lần một ngày trong 18 tháng đã tăng cường trí nhớ so với những người dùng giả dược. Mặc dù, vẫn cần nhiều nghiên cứu nữa để xác nhận điều này, nhưng các nhà khoa học tin rằng tác dụng chống viêm của chất curcumin có thể bảo vệ não khỏi các bệnh liên quan đến trí nhớ như bệnh Alzheimer.


2. Nghệ có thể ngăn ngừa bệnh tim

Y học hiện đại cũng đã chứng minh nghệ giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, chứng phì đại tim, hồi phục chức năng tim và giảm việc hình thành sẹo.

Gần đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pharmacology của Mỹ cũng cho thấy, không những nghệ giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch mà chiết xuất curcumin từ nghệ còn giúp giảm 65% nguy cơ đau tim ở những người mới trải qua phẫu thuật tim. Trong quá trình phẫu thuật kéo dài làm thiếu lưu lượng máu, cơ tim có thể bị hư hỏng do thiếu nguồn cung cấp máu, chiết xuất curcumin từ nghệ đã được đưa vào sử dụng cho những bệnh nhân này để hỗ trợ chống viêm, làm giảm các cơn đau và co thắt ở tim.

3. Củ nghệ giúp chống lại một số bệnh ung thư

Một đánh giá năm 2015 được công bố trên tạp chí Molecules kết luận rằng chất curcumin có khả năng chống lại một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết nghiên cứu về vấn đề này được tiến hành trong các nghiên cứu in vitro, đã chứng minh curcumin giúp ngăn chặn hoặc làm chậm hoạt động của một số tế bào ung thư.


4. Củ nghệ giúp giảm đau xương khớp

Viêm xương khớp là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng khuyết tật ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến khoảng 30,8 triệu người Mỹ. Một đánh giá nghiên cứu năm 2016 của các nhà khoa học cho thấy, uống curcumin trong 4 tuần có thể giúp giảm đau xương khớp có thể so sánh với việc dùng NSAID hoặc glucosamine.


5. Nghệ là một gia vị lành mạnh

Thức ăn chế biến có nghệ sẽ thêm phầm hấp dẫn, tạo cảm giác ngon miệng…  bởi màu sắc vàng óng của nghệ.

Nghệ được trồng khắp Ấn Độ và các vùng khác của châu  Á; là thành phần chính trong bột cà ri, chế biến món ăn, và làm sinh tố, sữa nghệ…

Dawn Jackson Blatner, một chuyên viên dinh dưỡng và là tác giả của The Superfood Swap cho biết: Bất cứ khi nào bạn cần các loại thực phẩm có màu sắc rực rỡ, bạn sẽ nghĩ đến những hợp chất có trong thực vật, nó lành mạnh và an toàn, trong đó có màu vàng sáng trong củ nghệ…


Tác hại khi dùng nghệ không đúng cách

Mặc dù nghệ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng nếu dùng quá nhiều hoặc dùng trong thời gian dài có thể gây ra tác một số tác dụng phụ nhất định.

Mặc dù không có quy định cụ thể về việc nên dùng bao nhiêu nghệ mỗi ngày vì loại thực phẩm này không được coi là chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, nhưng theo các chuyên gia sức khỏe thì một người lớn khỏe mạnh có thể bổ sung 300-500mg nghệ mỗi ngày.

Bạn nên tránh tiêu thụ quá nhiều nghệ nếu bạn bị bệnh sỏi mật hoặc các bệnh sỏi khác. Nếu bạn đang dùng aspirin, nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng nghệ vì nó là một tác nhân gây ảnh hưởng đến lượng tiểu cầu (ngăn chặn hình thành cục máu đông). Những người mới trải qua phẫu thuật cũng nên tránh dùng nghệ.

Dưới đây là một số tác dụng phụ của nghệ mà bạn cần tham khảo:

Đau bụng

Do có tính cay, dùng nghệ trong một thời gian dài có thể gây ra đau bụng. Để tránh tác dụng phụ này, bạn nên dùng bột nghệ để có thể dễ dàng tan trong ruột, các chất dinh dưỡng được hấp thu ở ruột non nhiều hơn và giảm khó chịu cho dạ dày .


Kích thích tử cung

Nghệ được biết đến là một chất có thể gây kích thích tử cung, vì vậy có thể có lợi cho dòng chảy kinh nguyệt. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú cần phải cẩn thận khi dùng nghệ để tránh bất kì tác hại cho em bé.


Khó hấp thụ

Bổ sung nghệ theo đường uống thường khó hấp thụ được hết các chất dinh dưỡng có trong nghệ. Tuy nhiên, điều này có thể được khắc phục bằng cách bổ sung vitamin tổng hợp có chứa piperine - một thành phần hoạt chất giúp thúc đẩy sự hấp thụ nghệ. Nhờ vậy, bạn có thể nhận được tất cả những lợi ích sức khỏe của nghệ.


Gây chảy máu

Một số hợp chất trong nghệ nếu tiêu thụ vào cơ thể quá nhiều có thể làm chậm quá trình đông máu, vì vậy nó có thể dẫn đến chảy máu. Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc liên quan đến tiểu cầu thì nên lưu ý khi dùng nghệ. Tốt nhất nên tham khảo tư vấn của bác sĩ hoặc tránh dùng nghệ.


Tiêu chảy và buồn nôn

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ nghệ với liều lượng lớn có thể bị tiêu chảy, đổ mồ hôi , buồn nôn do nó có tính cay và kích thích dạ dày. Vì vậy, hãy giảm liều hoặc tránh dùng nghệ nếu bạn bị tiêu chảy và buồn nôn.

Một số lưu ý khi dùng nghệ:

- Không dùng tinh bột nghệ với thuốc tây cùng lúc để đề phòng trường hợp ảnh hưởng đến máu.

- Nữ giới bị rong kinh kéo dài không nên sử dụng tinh bột nghệ vì tinh bột nghệ có tác dụng khai thông khí huyết, vì vậy chỉ có tác dụng chữa tích huyết, bế kinh chứ không thể chữa rong kinh.

- Những người bị bệnh về dạ dày, đường ruột nên uống tinh bột nghệ đen (tinh bột nghệ đen mật ong nước lọc) trước bữa ăn.

- Không nên xem nghệ là thần dược vì nó chỉ có tác dụng khi sử dụng vừa phải. Chất curcumin mặc đù được biết đến với khả năng giảm viêm, chống oxy hóa nhưng nếu sử dụng quá nhiều cùng có thể gây ra tác dụng phụ là buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn chuyển hóa sắt, chặn protein hepcidin, gây ra thiếu sắt ở bệnh nhân mẫn cảm.

- Tiêu thụ curcumin liều cao còn kích thích tuyến thượng thận bài tiết cortisone - một chất có tính kháng viêm cao. Vì vậy, nếu tiêu thụ nhiều nghệ, khả năng kháng viêm của cơ thể sẽ giảm đi.



samedi 16 juin 2018

THẾ GIỚI : Giải bóng đá vô địch thế giới 2018


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 là giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 21 được tổ chức tại Nga. Đây là lần đầu tiên, giải được tổ chức tại một quốc gia thuộc khu vực Đông Âu và cũng là lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Giải đấu được tổ chức tại Nga từ 14 tháng 6 đến 15 tháng 7 năm 2018.

Giải đấu sẽ bao gồm 32 đội tuyển quốc gia, trong đó có nước chủ nhà Nga. Trận chung kết của giải sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 7 ở Moskva tại sân vận động Luzhniki.

Đội vô địch World Cup 2018 sẽ giành quyền tham dự Cúp Liên đoàn các châu lục 2021.

Lễ khai mạc World Cup 2018 diễn ra vào thứ năm ngày 14 tháng 6 năm 2018 tại sân vận động Luzhniki ở Moscow, Nga lúc 3:30 (BST), khoảng nửa tiếng trước trận đấu mở màn giữa hai đội Nga và Ả Rập Saudi

Buổi lễ khai mạc có sự góp mặt của ca sĩ nhạc pop người Anh Robbie Williams, người đã trình diễn ca khúc "Let Me Entertain You" trước khi ca sĩ Nga Aida Garifullina xuất hiện và cùng song ca bài hát "Angels" với Williams. Ngoai ra, Buổi lễ cũng có sự góp mặt của cựu ngôi sao đội tuyển Brazil Ronaldo.


Kết quả bỏ phiếu chủ nhà

Các thủ tục đấu thầu làm chủ nhà các giải vô địch bóng đá thế giới 2018 và 2022 đã bắt đầu vào tháng 1 năm 2009, và các liên đoàn bóng đá quốc gia đã cho đến ngày 2 tháng 2 năm 2009 để đăng ký.

Đại diện đấu thầu Nga kỷ niệm việc trao giải Cúp Thế giới 2018 cho Nga, tháng 12 năm 2010.

Ban đầu, 9 quốc gia nộp hồ sơ xin đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới 2018, nhưng México sau đó rút lui, và hồ sơ của Indonesia đã bị FIFA từ chối hồi tháng 2 năm 2010. Ba quốc gia không thuộc UEFA còn lại (Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ) sau đó đã dần dần rút khỏi quá trình vận động xin đăng cai World Cup năm 2018, và hồ sơ xin đăng cai World CUp 2022 của các các quốc gia thuộc UEFA cũng đã bị loại bỏ.

Như vậy, cuối cùng chỉ còn lại bốn ứng viên xin đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới 2018, trong đó có 2 hồ sơ xin đồng đăng cai gồm có : Anh, Nga, Hà Lan/Bỉ, và Bồ Đào Nha/Tây Ban Nha.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cầm Cúp FIFA World Cup tại lễ trao giải trước ở Moskva, tháng 9 năm 2017

Ủy ban điều hành FIFA 22 thành viên đã triệu tập tại Zürich vào ngày 2 tháng 12 năm 2010 để bỏ phiếu lựa chọn các quốc gia chủ nhà của cả hai giải đấu World Cup 2018 và World Cup 2022. Nga giành quyền được làm chủ nhà của giải đấu năm 2018 trong lượt bỏ phiếu vòng thứ hai khi đạt số phiếu bầu cao nhất ̣(13 phiếu). Bồ Đào Nha/Tây Ban Nha đứng thứ hai, và Bỉ/Hà Lan xếp thứ ba. Hồ sơ của Anh xin tổ chức giải đấu lần thứ hai của họ (lần đầu vào năm 1966) bị loại từ vòng bỏ phiếu đầu tiên.


Kết quả bỏ phiếu như sau:


Quá trình này không phải là không có lời chỉ trích: cáo buộc về sự hối lộ để đem về chiến thắng cho Nga và tham nhũng từ các thành viên FIFA đã được đưa ra đặc biệt bởi Hiệp hội bóng đá Anh. Nó được cho là bốn thành viên của ủy ban điều hành đã yêu cầu hối lộ bỏ phiếu cho nước Anh, và Sepp Blatter nói rằng cuộc bỏ phiếu đã được dàn xếp trước là Nga sẽ thắng.

Garcia Report năm 2014, một cuộc điều tra nội bộ do Michael J. Garcia dẫn đầu, đã bị Hans-Joachim Eckert phát hành ra công chúng, giám đốc điều hành của FIFA công bố về vấn đề đạo đức. Eckert thay vào đó là một bản tóm tắt sửa đổi ngắn hơn, và sự miễn cưỡng của ông (và do đó của FIFA) để công bố báo cáo đầy đủ khiến Garcia từ chức để phản đối. Do tranh cãi như vậy, FA đã từ chối chấp nhận sự tha tội của Eckert khỏi Nga, với Greg Dyke kêu gọi tái kiểm tra vụ việc và David Bernstein kêu gọi tẩy chay Cúp Thế giới.


Tiền 100 rúp của ngân hàng Nga kỷ niệm giấy polymer năm 2018. Tiền giấy bạc kỷ niệm Giải vô địch bóng đá thế giới 2018.

Địa điểm các sân vận động

Tổng cộng có 12 sân vận động ở 11 thành phố của Nga đã được xây dựng và cải tạo cho Giải vô địch bóng đá thế giới.



  1. Samara: Đấu trường Samara (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 45.000). Việc xây dựng chính thức bắt đầu vào ngày 21 tháng 7 năm 2014. Dự án được hoàn thành vào ngày 21 tháng 4 năm 2018.
  2. Nizhny Novgorod: Sân vận động Nizhny Novgorod (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 45.000). Việc xây dựng sân vận động Nizhny Novgorod bắt đầu vào năm 2015. Dự án được hoàn thành vào tháng 12 năm 2017.
  3. Volgograd: Đấu trường Volgograd (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 45.000). Sân vận động chính của Volgograd đã được xây dựng trên địa bàn sân vận động trung tâm đã bị phá bỏ, tại dưới chân của khu phức hợp Đài tưởng niệm Mamayev Kurgan. Sân vận động được đưa vào hoạt động vào ngày 3 tháng 4 năm 2018.
  4. Ekaterinburg: Đấu trường Ekaterinburg (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 35.000). Sân vận động Trung tâm của Ekaterinburg đã được cải tạo cho Giải vô địch bóng đá thế giới. Khán đài của đấu trường sẽ có sức chứa 35.000 khán giả. Dự án cải tạo đã hoàn thành vào tháng 12 năm 2017.
  5. Saransk: Đấu trường Mordovia (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 44.000). Sân vận động ở Saransk dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2012 trong thời gian cho việc khai trương của Spartakiad toàn Nga, nhưng kế hoạch đã được sửa đổi. Lễ khai mạc đã được dời đến năm 2017. Đấu trường tổ chức trận đấu đầu tiên vào ngày 21 tháng 4 năm 2018.
  6. Rostov trên sông Đông: Đấu trường Rostov (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 45.000). Sân vận động nằm bên bờ trái sông Đông. Việc xây dựng sân vận động đã hoàn thành vào ngày 22 tháng 12 năm 2017.
  7. Kaliningrad: Sân vận động Kaliningrad (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 35.000). Các cọc đầu tiên đã được đưa vào mặt đất vào tháng 9 năm 2015. Vào ngày 11 tháng 4 năm 2018 sân vận động mới tổ chức trận đấu đầu tiên.
  8. Kazan: Đấu trường Kazan (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 45.000). Sân vận động được xây dựng cho Đại hội Thể thao Sinh viên Mùa hè thế giới 2013. Kể từ đó, nó đã tổ chức Giải vô địch thể thao dưới nước thế giới và Cúp Liên đoàn các châu lục 2017. Sân vận động này là sân nhà của FC Rubin Kazan.
  9. Moskva: Sân vận động Spartak (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 45.000). Sân vận động là một đấu trường sân nhà với tên gọi FC Spartak Moscow. Theo yêu cầu của FIFA, trong Giải vô địch bóng đá thế giới 2018, nó sẽ được gọi là sân vận động Spartak thay vì tên thông thường là Otkritie Arena. Sân vận động tổ chức trận đấu đầu tiên vào ngày 5 tháng 9 năm 2014.
  10. Sochi: Sân vận động Fisht (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 45.000). Sân vận động là một trong 22 đấu trường trong lịch sử để tổ chức lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội Mùa đông. Sau khi Sochi 2014, đấu trường đã được cải tạo để chuẩn bị cho Cúp Liên đoàn các châu lục 2017 và Giải vô địch bóng đá thế giới 2018.
  11. Sankt-Peterburg: Sân vận động Sankt-Peterburg (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 67.000). Việc xây dựng sân vận động bắt đầu vào năm 2007. Dự án được chính thức hoàn thành vào ngày 29 tháng 12 năm 2016.[45] Sân vận động đã được tổ chức các trận đấu của Cúp Liên đoàn các châu lục 2017 và sẽ là địa điểm cho Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 và Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020.
  12. Moskva: Sân vận động Luzhniki (sức chứa chỗ ngồi trong Giải vô địch bóng đá thế giới: 80.000). Sân vận động lớn nhất trong nước đã được đóng cửa để cải tạo vào năm 2013. Sân vận động được đưa vào hoạt động trở lại vào tháng 11 năm 2017.


Đại bản doanh của các đội tuyển

Các đại bản doanh sẽ được sử dụng bởi 32 đội tuyển quốc gia làm nơi ở và tập luyện trước và trong suốt giải đấu Cúp Thế giới lần này. Vào ngày 9 tháng 2 năm 2018, FIFA đã công bố các đại bản doanh cho mỗi đội tuyển.

  1. Argentina: Bronnitsy, tỉnh Moskva
  2. Úc: Kazan, Cộng hòa Tatarstan
  3. Bỉ: Krasnogorsky, tỉnh Moskva
  4. Brasil: Sochi, vùng Krasnodar
  5. Colombia: Verkhneuslonsky, Cộng hòa Tatarstan
  6. Costa Rica: Sankt-Peterburg
  7. Croatia: Vyborgsky, tỉnh Leningrad
  8. Đan Mạch: Anapa, vùng Krasnodar
  9. Ai Cập: Grozny, Cộng hòa Chechnya
  10. Anh: Sankt-Peterburg
  11. Pháp: Istra, tỉnh Moskva
  12. Đức: Moskva
  13. Iceland: Gelendzhik, vùng Krasnodar
  14. Iran: Bakovka, tỉnh Moskva
  15. Nhật Bản: Kazan, Cộng hòa Tatarstan
  16. México: Khimki, tỉnh Moskva
  17. Maroc: Voronezh, tỉnh Voronezh
  18. Nigeria: Yessentuki, vùng Stavropol
  19. Panama: Saransk, Cộng hòa Mordovia
  20. Peru: Moskva
  21. Ba Lan: Sochi, vùng Krasnodar
  22. Bồ Đào Nha: Ramenskoye, tỉnh Moskva
  23. Nga: Khimki, tỉnh Moskva
  24. Ả Rập Xê Út: Sankt-Peterburg
  25. Sénégal: Kaluga, tỉnh Kaluga
  26. Serbia: Svetlogorsk, tỉnh Kaliningrad
  27. Hàn Quốc: Sankt-Peterburg
  28. Tây Ban Nha: Krasnodar, vùng Krasnodar
  29. Thụy Sĩ: Togliatti, tỉnh Samara
  30. Thụy Điển: Gelendzhik, vùng Krasnodar
  31. Tunisia: Pervomayskoye, tỉnh Moskva
  32. Uruguay: Bor, tỉnh Nizhny Novgorod


Trọng tài

Vào ngày 16 tháng 3 năm 2018, hội đồng FIFA được phê chuẩn việc sử dụng trợ lý trọng tài video (VAR) cho lần đầu tiên trong một giải đấu World Cup .

Vào ngày 29 tháng 3 năm 2018, FIFA đã phát hành danh sách 36 trọng tài và 63 trợ lý trọng tài được lựa chọn để điều khiển các trận đấu.

Vào ngày 30 tháng 4 năm 2018, FIFA đã phát hành danh sách 13 trợ lý trọng tài video, những người sẽ chỉ hoạt động như VAR trong giải đấu.


Tiếp thị

Xây dựng thương hiệu

Kiểu chữ được sử dụng cho xây dựng thương hiệu

Biểu trưng của giải đấu đã được công bố vào ngày 28 tháng 10 năm 2014 bởi các phi hành gia tại Trạm Không gian Quốc tế và sau đó chiếu lên nhà hát Bolshoi của Moskva trong chương trình truyền hình buổi tối.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko nói rằng biểu trưng được lấy cảm hứng từ "Truyền thống nghệ thuật giàu có của Nga cùng lịch sử thành tích và đổi mới của nó", và chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố rằng nó phản ánh "trái tim và tâm hồn" của đất nước. Đối với việc xây dựng thương hiệu, một kiểu chữ được gọi là Dusha (từ Душа, tiếng Nga cho linh hồn) được tạo ra bởi cơ quan thiết kế Bồ Đào Nha Brandia Central vào năm 2014.


Linh vật

Linh vật tượng trưng cho World Cup 2018

Linh vật Giải vô địch bóng đá thế giới chính thức cho giải đấu năm 2018, một con chó sói mang tên Zabivaka ("người ghi bàn" trong tiếng Nga), đã được công bố vào ngày 21 tháng 10 năm 2016.

Zabivaka là một con chó sói được nhân hóa có chiếc áo thun len màu nâu và màu trắng với dòng chữ "RUSSIA 2018" và kính thể thao màu cam. Sự kết hợp giữa áo thun và quần short màu trắng, xanh dương và đỏ là màu sắc quốc gia của đội tuyển Nga. Nhà thiết kế là sinh viên Ekaterina Bocharova, và linh vật đã được lựa chọn bởi bỏ phiếu Internet.

Kết quả bầu cử được công bố vào ngày 22 tháng 10 năm 2016, trong Evening Urgant trên kênh truyền hình số 1 Nga. Chó Sói, có tên Zabivaka, giành được 53% số phiếu bầu. Lần lượt về sau là Hổ (27%) và Mèo (20%). Hơn một triệu người được tham gia bỏ phiếu, mà đã diễn ra trong khi tháng 9 năm 2016.


Bóng thi đấu

Quả bóng "Telstar 18"

Quả bóng chính thức của World Cup 2018 mang tên "Telstar 18", được dựa theo tên và thiết kế của quả bóng Adidas đầu tiên tại World Cup năm 1970. Nó được giới thiệu trước công chúng vào ngày 9 tháng 11 năm 2017.


Chính phủ Nga đã dành ngân sách khoảng 20 tỷ USD , sau đó giảm xuống còn 10 tỷ USD để chuẩn bị cho kỳ World Cup này, trong đó một nửa dành cho cơ sở hạ tầng giao thông. Nước chủ nhà tập trung mạnh vào việc nâng cấp các sân bay tại những thành phố lớn.


jeudi 14 juin 2018

THẾ GIỚI : Quan hệ đối tác Mỹ và Đài Loan


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Theo RFI 13.6.2018 - Vào lúc mọi sự chú ý được dồn vào cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore, Hoa Kỳ vào hôm qua, 12/06/2018, đã khánh thành một cơ quan đại diện mới ở Đài Bắc trị giá 256 triệu đô la. Cơ quan mặc nhiên đóng vai trò đại sứ quán của Mỹ, đã nêu bật quan hệ chiến lược Mỹ-Đài Loan trong tình hình căng thẳng tăng cao giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.

Động thái mới nhất này của Mỹ đã được giới phân tích gắn liền với một loạt « tin đồn » và « sự kiện thật » về việc Washington củng cố thêm sự hiện diện quân sự tại khu vực quanh Đài Loan và quan hệ quốc phòng với Đài Bắc, xem đấy là một trong hai mũi dùi nhằm đối phó với thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh nhằm khống chế tất cả các vùng biển bao quanh Trung Quốc. Mũi tiến công còn lại của Mỹ liên quan đến Biển Đông, mà Đài Loan cũng là một bên có tuyên bố chủ quyền.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 12/06/2018, tuy đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979, nhưng Hoa Kỳ vẫn là đồng minh mạnh mẽ nhất và là nguồn cung cấp vũ khí ngoại quốc chủ yếu cho Đài Loan.

Để duy trì liên lạc với chính quyền Đài Bắc, Washington đã cho mở một cơ sở mang tên gọi chính thức là American Institute of Taiwan AIT – Viện Mỹ Quốc tại Đài Loan. Cơ quan vừa được khánh thành, phần lớn chính là xây trên cơ sở được nâng cấp của viện này.


« Quan hệ then chốt » Mỹ - Đài Loan

Đối với Reuters, trong một tuyên bố rõ ràng là để chọc tức Trung Quốc, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đã đánh giá rằng cơ sở mới của Mỹ một sự tái khẳng định quyết tâm của hai bên nhằm vun bồi một mối « quan hệ then chốt ».


Bà nói thêm : « Tình hữu nghị giữa Đài Loan và Hoa Kỳ chưa bao giờ đầy hứa hẹn như hiện nay. Câu chuyện tuyệt vời về quan hệ Mỹ-Đài Loan còn phải được viết tiếp bằng nỗ lực của những người, một ngày nào đó đến cơ quan này…Và khi nào mà hai bên Mỹ và Đài Loan còn sát cánh bên nhau thì không gì có thể xen vào giữa ».

Theo lời giám đốc AIT, ông Mai Kiện Hoa (Kin Moy), người Mỹ gốc Hoa đầu tiên được cử lãnh đạo cơ quan này, thì khu nhà mới được xây lên từ một cơ sở quân sự bình thường mà AIT sử dụng từ hàng thập niên qua, sẽ trở thành văn phòng đại diện của Mỹ tại Đài Loan vào cuối mùa hè này.

Cơ sở mới của Mỹ tại Đài Bắc trải rộng trên 6,5 ha. Nói chung, văn phòng của AIT ở Đài Bắc có khoảng 500 nhân viên Mỹ và người địa phương, trong lúc chi nhánh ở Cao Hùng có hơn 30 người.

Phát biểu trong buổi lễ khánh thành, bà Marie Royce, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề giáo dục và văn hóa, thông báo là cơ sở mới của Hoa Kỳ là biểu tượng cho sức mạnh và sự năng động của quan hệ đối tác Mỹ-Đài Loan.


Theo bà : « Chúng ta đã đối mặt với bao nhiêu thách thức trong hành trình này, và mỗi lần chúng ta đều vươn lên từ các thách thức đó trên cơ sở nhận thức rõ được rằng quyết tâm phát huy dân chủ được chia sẻ sẽ giúp chúng ta đi lên ». Bà Royce là quan chức cao cấp nhất của chính quyền Mỹ đến Đài Loan từ năm 2015.


Bắc Kinh « cực lực phản đối »

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết đã gởi công hàm « cực lực phản đối » đến Washington về cơ sở mới này cũng như chuyến thăm Đài Loan của nhà ngoại giao Mỹ cao cấp.

Trong buổi họp báo thường kỳ vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác định : « Chúng tôi thúc giục Hoa Kỳ tuyệt đối hành động theo đúng lời hứa với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, sửa đổi hành động sai trái và cố gắng không gây tổn hại đến quan hệ Mỹ-Trung, hòa bình và ổn định ở vùng eo biển Đài Loan ».

Bắc Kinh luôn khẳng định Đài Loan là phần đất Trung Quốc và không loại trừ khả năng dùng vũ lực chiếm đóng. Và Trung Quốc càng bực tức thêm từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống năm 2016. Bắc Kinh nghi ngờ bà Thái Anh Văn muốn thúc đẩy cho một sự độc lập chính thức của đảo và như thế vượt làn ranh đỏ mà lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra.

Trong bài xã luận về ngày khai trương cơ sở mới của Mỹ tại Đài Bắc, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc cho là Bắc Kinh nên cảnh cáo cả Mỹ lẫn Đài Loan về mọi hành vi khiêu khích mới, cho rằng Bắc Kinh « phải tiếp tục tăng cường sức răn đe nhắm vào chính quyền Đài Loan, cho Đài Loan hiểu rõ là Hoa Kỳ không thể là cứu tinh của họ ».

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường tập trận gần Đài Loan, huy động đủ loại oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, Đài Loan đã lên tiếng tố cáo những hành vi hù dọa, đồng thời tiếp tục vận động Mỹ bán cho họ trang thiết bị tối tân, có cả chiến đấu cơ đời mới hầu tăng cường khả năng phòng thủ.


Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực quanh Đài Loan ?

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành vi và lời lẽ hù dọa Đài Loan, Mỹ đã liên tiếp có những động thái ủng hộ Đài Bắc.

Lễ khánh thành cơ quan ngoại giao trên thực tế của Mỹ tại Đài Loan diễn ra trong bối cảnh Quốc Hội Mỹ vừa thông qua một đạo luật bật đèn xanh cho các quan chức chính quyền Mỹ thăm viếng Đài Loan. Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận bán thêm một khối lượng vũ khí trị giá 1,4 tỷ đô la cho Đài Loan. Cả hai động thái đều đã làm Bắc Kinh tức giận.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều thông tin về khả năng Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực quanh Đài Loan, mà gần đây nhất là « tin đồn » về dự định của Mỹ đưa một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.


Theo Reuters hôm 05/06/2018 vừa qua, một số quan chức Mỹ đã tiết lộ rằng Hoa Kỳ trong năm nay, đã từng cân nhắc việc đưa một tàu sân bay đến eo biển Đài Loan nhưng cuối cùng đã không thực thiện kế hoạch đó. Thay vào đó là phương án cho một chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, như tàu Trung Quốc vẫn thường làm.

Lầu Năm Góc dĩ nhiên đã từ chối bình luận về bất kỳ hoạt động tương lai nào, và chưa biết là khi nào thì tàu Mỹ sẽ đi qua eo biển Đài Loan, nhưng đối với Reuters, nếu diễn ra, sự kiện đó sẽ là một dấu hiệu mới của chính quyền Mỹ trong việc hậu thuẫn Đài Loan, sau khi Trung Quốc liên tục tập trận trong khu vực.


Đài Loan và Biển Đông: Chiến thuật lưỡng diện giáp công?

Trùng hợp ngẫu nhiên, hay là chiến thuật lưỡng diện giáp công, sự năng động của Mỹ trên mặt trận Đài Loan, ở phía Bắc đã diễn ra đồng thời với một loạt những hành động cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.




Mới nhất là sự kiện hôm 04/06/2018, Mỹ đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay qua Biển Đông, gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ ở Trường Sa, một động thái nối tiếp theo một bình luận trước đó vài hôm (ngày 31/05/2018) của trung tướng Kenneth McKenzie, giám đốc Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, theo đó « Quân đội Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm đánh chiếm các đảo nhỏ ở khu vực Tây Thái Bình Dương ».



Và trong một động thái đã trở thành thường xuyên, ngày 27/05/2018, hai chiến hạm Mỹ - khu trục hạm USS Higgins DDG-76tuần dương hạm USS Antietam CG54 đã đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, và đã thực hiện các hoạt động diễn tập gần Đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tônđảo Phú Lâm.


Đây là một hoạt động định kỳ, nhưng giới phân tích đã ghi nhận quy mô lớn hơn của chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông của Mỹ, với sự tham gia của hai chiến hạm.

Sự kiện trên đặc biệt có ý nghĩa vì diễn ra chỉ vài hôm sau khi Lầu Năm Góc, ngày 23/05/2018 cho biết là đã hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành Dai Thái Bình Dương RIMPAC sắp mở ra, với lý do Trung Quốc tăng cường việc quân sự hóa tại Biển Đông.





mardi 12 juin 2018

THẾ GIỚI : Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6/2018


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Theo TTXVN - Sau rất nhiều nỗ lực, thiện chí, và cả sóng gió, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử đã diễn ra đúng theo kế hoạch. “Cuộc hẹn” đầu tiên này đã kết thúc tốt đẹp hơn mong đợi, với một tuyên bố chung được hai bên đánh giá là toàn diện, chứng tỏ rằng hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia từng có gần 7 thập kỷ đối địch đã vượt qua “phép thử” của lòng tin và cùng nhau tạo một “cú hích” cho hòa bình và thịnh vượng lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng như đảm bảo an ninh cho toàn khu vực Đông Bắc Á.


Trong suốt cuộc gặp gỡ kéo dài gần 5 giờ đồng hồ, trong đó có hơn 40 phút gặp riêng trực tiếp, hơn 1 giờ đàm phán mở rộng và sau đó là bữa trưa kết hợp làm việc, thế giới đã chứng kiến một Tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên luôn tươi cười, thân thiện, phong thái thoải mái, khác hẳn với những màn “đấu khẩu” ác liệt mà chính hai người đàn ông này đã “ném” vào nhau cách đây nửa năm. Bản thân ông Trump đã liên tục có những phát biểu lạc quan như “chúng tôi đã có cuộc thảo luận hết sức tốt đẹp”, “chúng tôi sẽ đạt được thành công”, hay “chúng tôi sẵn sàng hợp tác với nhau, sẵn sàng giải quyết được vấn đề lớn….”.

Ngồi cùng bàn với một Tổng thống Mỹ đương nhiệm, ông Kim Jong-un đã tạo được một dấu ấn hoàn toàn khác. Cuộc gặp lịch sử này bản thân nó đã truyền đi một thông điệp chiến thắng cho ông Kim, đưa ông từ vị thế là một "người đàn ông tên lửa" (theo cách diễn đạt có phần khiếm nhã của Tổng thống Mỹ Donald Trump) chuyển sang vị thế của một nhà lãnh đạo có trách nhiệm, ngang tầm với Tổng thống Mỹ.

Ông đã chứng tỏ là một lãnh đạo thân thiện và cởi mở, một chính khách sắc bén, có nhận thức xác đáng về cục diện thế giới, có khả năng thích ứng với các hoàn cảnh biến đổi nhanh chóng. Kênh CNN dẫn bình luận của bà Jean H.Lee, chyên gia về Triều Tiên thuộc Trung tâm Wilson của Mỹ, cho rằng “Tổng thống Trump đã phải bay nửa vòng trái đất để gặp gỡ một nhà lãnh đạo của một quốc gia vốn bị coi là nghèo hơn, nhỏ bé hơn, và điều này chứng tỏ thắng lợi của ông Kim Jong Un”. Theo bà, khoảnh khắc hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau cũng là khoảnh khắc thể hiện sức mạnh của người dân Triều Tiên.

Bản tuyên bố chung lịch sử được Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un ký kết khi kết thúc cuộc gặp chỉ dài hơn một trang giấy nhưng đã phản ánh đúng những điều như ông Trump khẳng định rằng đây là văn kiện “tốt đẹp và toàn diện”. Trong đó, Mỹ và Triều Tiên đã cam kết thiết lập quan hệ song phương mới theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng; cam kết  nỗ lực nhằm xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài, ổn định và hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.

Hai bên cũng nhất trí thực hiện công tác tìm kiếm và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA). Bản Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hội nghị thượng đỉnh đầu tiên này, giúp hai bên vượt qua căng thẳng và thù địch nhiều thập kỷ qua để mở ra một tương lai mới. Hai bên cũng nhất trí tiến hành cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao và quan chức cấp cao vào thời điểm sớm nhất có thể để triển khai các kết quả của hội nghị.

Tinh thần nổi bật nhất toát lên trong toàn bộ cuộc gặp lịch sử ngày 12/6, đó là dường như hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia đối địch đã trao gửi lòng tin cho nhau. Dường như cả hai đã nhận thức rõ vai trò của mình cũng như cơ hội hiếm có mà mình đang nắm giữ, để từ đó có cách hành xử sáng suốt.

Tại cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nêu rõ: “Con đường để tới được đây không hề dễ dàng. Những định kiến cũ và thực tiễn sai lầm có những thời điểm đã gây trở ngại cho bước tiến của chúng ta, nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả để đến được đây”. Ông Kim cũng khẳng định hai bên đã nhất trí gác lại quá khứ và “thế giới sẽ được chứng kiến những thay đổi lớn lao”.

Về phần mình, Tổng thống Trump không ngại ngần bày tỏ sự tin cậy của mình đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc gặp, ông khẳng định: “Tôi tin. Tôi hoàn toàn tin rằng ông Kim Jong-un sẽ tuân thủ những thỏa thuận hai bên đã ký kết. Ông ấy rất chắc chắn về điều mình mong muốn thực hiện...”.

Ông Trump cũng đánh giá cao năng lực lãnh đạo của ông Kim Jong-un, đồng thời nhấn mạnh rằng những cam kết đưa ra trong tuyên bố chung sẽ mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Triều Tiên. Đáng chú ý, lần đầu tiên, ông Trump thừa nhận tiến trình phi hạt nhân hóa đòi hỏi thời gian lâu dài, và cho biết tiến trình này sẽ sớm được khởi động.

Cùng với những lời lẽ lạc quan như vậy, hai bên cũng có những cam kết bước đầu cho thấy sự nhượng bộ của cả hai để thu hẹp những bất đồng lớn lâu nay. Trong đó, Triều Tiên cam kết phá hủy cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa, còn Tổng thống Trump cam kết chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, thậm chí có thể xem xét rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc trong tương lai.

Ông Trump cũng bày tỏ hy vọng cuộc chiến tranh Triều Tiên sẽ sớm chính thức chấm dứt, đồng thời nhấn mạnh “Quá khứ không quyết định được tương lai. Xung đột ngày hôm qua không dứt khoát sẽ trở thành cuộc chiến của ngày mai. Và lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng kẻ thù hoàn toàn có thể trở thành bạn bè”.

Đối với Mỹ, kết quả tích cực bước đầu của cuộc gặp  cho thấy cho thấy ông Trump đã không hoài công vô ích khi đích thân bay nửa vòng trái đất đến “đảo quốc Sư tử”, đảo ngược các luật chơi truyền thống, bỏ qua mọi thông lệ quy chuẩn của Mỹ để ngồi xuống trực tiếp nói chuyện với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Sau chính sách “gây sức ép tối đa”, sự thay đổi của Mỹ trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề xung đột với Triều Tiên (chấp nhận đàm phán trực tiếp ở cấp lãnh đạo cao nhất, thay vì cơ chế đàm phán 6 bên như trước đây) phản ánh đúng chủ trương ưu tiên tiếp xúc song phương mà Tổng thống Trump theo đuổi từ khi nhậm chức, đồng thời cũng rất phù hợp với phong cách lãnh đạo của ông Kim Jong-un.

Với cuộc gặp tại Capella, có thể coi như ông Trump đã bước đầu hoàn thành một sứ mệnh hướng tới hòa bình, ổn định ở bán đảo Triều Tiên, giúp tìm hướng đi tích cực cho một trong những “hồ sơ nóng” nhất của thế giới.

Đây có lẽ là món quà sinh nhật ý nghĩa nhất mà ông Trump đích thân thực hiện, đúng một ngày trước khi ông bước sang tuổi 72. Thành công của cuộc gặp lịch sử này cũng được coi là thành tựu ngoại giao đầu tiên của Tổng thống Trump sau một năm rưỡi cầm quyền. Thành công này càng có ý nghĩa khi nó diễn ra trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, nhất là trong bối cảnh ông Trump đang phải đối mặt với không ít các vấn đề phát sinh do chính sách của mình hơn một năm qua.

Còn với Triều Tiên, sau nhiều thập kỷ chiến tranh, bị cô lập và kinh tế kiệt quệ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang quyết liệt thực hiện mục tiêu cải thiện nền kinh tế, giảm bớt sức ép cấm vận từ bên ngoài. Cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ thành công đồng nghĩa với việc ông đã tiến thêm một bước nữa ra thế giới, sau khi Bình Nhưỡng đã cải thiện đáng kể quan hệ với các cường quốc trong khu vực, từ Hàn Quốc đến Nga và Trung Quốc thời gian gần đây.

Những gì hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đạt được tại cuộc gặp đầu tiên này dù mới chỉ là bước đầu, nhưng chắc chắn sẽ là cú hích vô cùng quan trọng và quý giá cho các bước đi tiếp theo trên con đường bảo đảm an ninh khu vực, thiết lập hòa bình lâu dài cũng như thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên. Lịch sử đã chứng minh rằng giải pháp ngoại giao là con đường tối ưu để giải quyết mọi xung đột, căng thẳng, bởi nó giảm tối thiểu mọi tổn thất và đem lại lợi ích thực chất, bền vững cho tất cả các bên.

Tất nhiên, không thể kỳ vọng một hội nghị kéo dài chỉ nửa ngày có thể giải quyết hết những bất đồng cũng như lấp đầy hố sâu thiếu tin cậy giữa hai quốc gia từng là địch thủ trong nhiều thập kỷ. Để đảm bảo duy trì động lực tích cực mà hội nghị đem lại, các bên liên quan cần tiếp tục nỗ lực hành động thực tiễn, và quan trọng là giữ được sự kiên nhẫn, sáng suốt và lòng tin dành cho nhau.

Dù vậy, bất chấp điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau cuộc gặp này, cái bắt tay của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un vẫn sẽ là một thời khắc lịch sử, và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn được coi là một “hội nghị thế kỷ” mở ra cơ hội xây dựng lòng tin vững chắc, loại bỏ chiến tranh và thù địch kéo dài gần 7 thập kỷ qua.

Toàn Cảnh Hội Nghị Thượng Đỉnh Lịch Sử Mỹ - Triều Tiên


Chữ ký Trump - Kim: Hai trường phái, hai cá tính mạnh

Theo các chuyên gia, dù có chữ ký khác nhau thể hiện hai tính cách riêng biệt, TT Trump và nhà lãnh đạo Kim đều muốn nhấn mạnh dấu ấn riêng thông qua chữ viết.

Chuyên gia phân tích chữ viết Koo Bon Jin cho rằng chữ ký của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong bản tuyên bố chung với Tổng thống Donald Trump ngày 12/6/2018 thể hiện sự tham vọng và cá tính sáng tạo.

Ông Koo nhận định cách ký tên tiết lộ nhà lãnh đạo Triều Tiên là người thường xuyên đưa ra các quyết định theo bản năng hơn là dựa trên lý trí và logic.

"Kim Jong Un viết rất nhanh, điều này thể hiện ông là người nhanh trí và thiếu kiên nhẫn", Koo cho biết. Ngược lại, chữ ký của Tổng thống Trump cho thấy tính cách thận trọng.


Chữ ký của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều cũng đối lập hoàn toàn, theo bà Karen Leong, chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể và giám đốc công ty tư vấn Giải pháp Tác dụng có trụ sở tại Singapore.

"Các ký tự trong chữ ký của ông Kim cách nhau rất xa, điều này mang ý nghĩa ông là người có cá tính sáng tạo, luôn sẵn sàng cởi mở trò chuyện về các ý tưởng mới và không ngừng thay đổi. Nó thể hiện tính cách một nhà lãnh đạo tự tin với nhiều ước mơ và hoài bão lớn", chuyên gia nói.

Mặt khác, bà Leong cho rằng chữ ký của Tổng thống Trump giống những mũi tên và tòa nhà cao tầng, thể hiện ông là người luôn đeo "mặt nạ" che giấu tính cách thật.

"Chữ ký của hai nhà lãnh đạo rất khác nhau, họ có hai cá tính riêng biệt, nhưng cả hai đều muốn nhấn mạnh dấu ấn của mình", bà nói.

Ông Ahn Chan Il, cựu quan chức quân đội tại Bình Nhưỡng, người đứng đầu Viện nghiên cứu thế giới về Triều Tiên tại Seoul, cho rằng cách ông Kim ký tên rất giống với cha và ông nội, những người lãnh đạo tiền nhiệm tại Triều Tiên.

"Không chỉ là gia tộc họ Kim, người Triều Tiên bình thường cũng bỏ nhiều công sức để bắt chước kiểu chữ viết này, họ cho rằng nó đẹp và thiêng liêng", chuyên gia Ahn cho biết. Ông rời khỏi Triều Tiên đến Hàn Quốc năm 1979.


Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng có chữ ký nghiêng giống cha, ông nội và anh. Bà có mặt tại lễ ký kết tuyên bố chung hôm 12/6/2018 và là người đưa bút cho anh trai ký tên.


Hãng bút lẫy lừng phục vụ bảy đời Tổng thống Mỹ

Tổng thống Donald Trump thường kí các sắc lệnh hành pháp mới bằng các chiếc bút nhãn hiệu Cross được đặt làm riêng cho ông.

Ông Trump kí sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục. Ảnh: AP

350 chiếc bút mạ vàng đã được chuyển tới Nhà Trắng bởi công ty bút có lịch sử 170 năm tại New England. Công ty này đã cung cấp bút cho bảy đời Tổng thống Mỹ.

Những chiếc bút Cross được sử dụng bởi các nhà lãnh đạo nước Mỹ bắt đầu từ nhiệm kì của Tổng thống Gerald Ford. Từng là một nhà tuyển dụng lớn tại khu vực Rhode Island, nhưng hiện nay công ty này sản xuất hầu hết các sản phẩm của mình tại Trung Quốc. Biểu tượng của nước Mỹ in trên những chiếc bút của Tổng thống được sơn và khắc tại Trung Quốc, các bộ phận khác được sản xuất trong và ngoài nước Mỹ rồi được lắp ráp lần cuối tại Rhode Island.

Tổng thống Barack Obama sử dụng phiên bản bút Townsend của công ty này để ký Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền vàonăm 2010. Ông Obama sau đó đã chuyển sang sử dụng phiên bản Century II, một kiểu bút bọc nỉ giống với loại được sử dụng bởi ông Trump khi ký các sắc lệnh lật ngược chính sách về bảo hiểm y tế của người tiền nhiệm.

Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đã đặt 150 chiếc bút sơn đen đầu tiên trước buổi lễ nhậm chức Tổng thống. Điểm đặc trưng duy nhất phân biệt dòng bút Century II của ông Trump với loại bút được sử dụng bởi ông Obama là chữ ký được khắc trên chiếc bút và lớp kim loại được mạ lên là vàng thay vì crôm.

Nhà Trắng đã không phản hồi câu hỏi về giá của những chiếc bút và ông Trump cảm thấy thế nào khi những chiếc bút được làm tại Trung Quốc. Giá bán lẻ của những chiếc bút này là 115 USD mỗi cây, nhưng công ty sản xuất cho biết Nhà Trắng mua chúng qua một nhà phân phối với ưu đãi giảm giá.

(Từ trên xuống) Những chiếc bút được thiết kế riêng cho các Tổng thống Donald Trump, Barack ObamaGeorge W. Bush với chữ kí và con dấu của Tổng thống được khắc trên vỏ. Ảnh: AP

Cross bắt đầu việc thiết kế bút cho bà Hillary Clinton từ tháng 10 năm 2016 vì nghĩ rằng bà Clinton sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ. Nhưng khi Trump chiến thắng cuộc bầu cử, công ty và những nhà phân phối phải ngừng hợp đồng với Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ để gửi các mẫu thiết kế cho ông Trump.

Công ty cho biết vẫn chưa có nhiều đơn hàng bị hủy do hợp tác với ông Trump, người đã dùng các sản phẩm của họ để kí các sắc lệnh về người nhập cư và tị nạn gây tranh cãi. Với Cross, Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ hay Cộng hòa không quan trọng, quan trọng là họ sử dụng sản phẩm của công ty.





SỨC KHOẺ : Dưa chuột


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Dưa chuột là loại rau được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích cho sức khỏe dưa leo còn mang lại nhiều tác dụng phụ không tốt.


Dưa chuột (tên khoa học Cucumis sativus) (miền Nam gọi là dưa leo) là một cây trồng phổ biến trong họ bầu bí Cucurbitaceae, là loại rau ăn quả thương mại quan trọng, nó được trồng lâu đời trên thế giới và trở thành thực phẩm của nhiều nước. Những nước dẫn đầu về diện tích gieo trồng và năng suất là: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Ai Cập và Tây Ban Nha.



Tác dụng của dưa chuột

Chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe

Nước chiếm đến 90% trong loại thực phẩm này, đồng thời chứa hầu hết các loại vitamin, khoáng chất tự nhiên bạn cần nạp vào cơ thể hàng ngày như vitamin C, chất xơ, vitamin B1, vitamin B2, vitamin V3, vitamin B5, vitamin B6, folic acid, vitamin C, canxi, sắt, magie, phốt pho, kali, kẽm,… mà không phải loại thực phẩm nào cũng có được.

Chính vì vậy ăn dưa chuột mỗi ngày sẽ là phương pháp tốt, hiệu quả và đơn giản nhất để bạn cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất tự nhiên phong phú, cần thiết. Ngoài ra dưa chuột còn được sử dụng rộng rãi trong việc đắp mặt làm đẹp da cho chị em phụ nữ.


Giúp phòng ngừa bệnh ung thư rất hiệu quả

Ngày nay do nhiều yếu tố và nguyên nhân tác động khác nhau mà số người mắc bệnh ung thư ngày càng cao và một trong những biện pháp giúp bạn phòng ngừa bệnh ung thư hiệu quả, dễ làm, dễ thực hiện là ăn và uống nước ép dưa chuột tươi mỗi ngày. Vì trong dưa chuột có chứa lariciresinol, pinoresinol secoisolariciresinol – 3 lignan có tác dụng ngừa ung thư rất tốt, đặc biệt là ung thư vú, buồng trứng, tử cung và tuyến tiền liệt.


Huyết áp ổn định

Trong dưa chuột chứa nhiều magie, kali chất xơ, chính vì vậy nó rất tốt cho những người có huyết áp không ổn định, bất kể là huyết áp cao hay huyết áp thấp. Do đó, khi bạn có vấn đề về huyết áp, hãy sử dụng mỗi ngày một ly nước ép dưa chuột tươi, có thể cho thêm đường, muối đối với người huyết áp thấp và uống nguyên chất đối với người bị huyết áp cao để giúp huyết áp dần ổn định hơn.


Tốt cho sức khỏe răng miệng

Để không ngừng bảo vệ và nâng cao sức khỏe răng miệng, việc làm đầu tiên và đơn giản nhất là hãy ăn dưa chuột tươi mỗi ngày. Vì dưa chuột có hàm lượng nước, chất xơ rất dồi dào giúp răng nướu khỏe mạnh, răng trắng sáng, đồng thời chất phytochemcial có trong dưa chuột còn giúp bạn giết chết các vi khuẩn gây hôi miệng hiệu quả.


Tốt cho hệ tiêu hóa

Với hàm lượng nước, chất xơ dồi dào kết hợp với vị ngọt, tính mát vượt trội, do đó việc ăn dưa chuột tươi hàng ngày sẽ giúp bạn đầy lùi và cải thiện chứng táo bón, ợ chua, đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng, đau dạ dày rất hiệu quả. Với tác dụng này bạn sẽ cảm nhận được rất rõ rệt sau khi ăn dưa chuột đều đặn 2-3 ngày.


Tác dụng của dưa chuột trong việc chữa bệnh thông thường

- Chữa mụn nhọt, rôm sẩy, mẩn ngứa, phát sốt cho trẻ em bằng cách sử dụng 500 g dưa chuột rửa sạch, thái miếng, ép lấy nước, hòa với 20 ml mật ong, uống liên tục trong vòng 5-7 ngày.

- Chữa cổ họng sưng đau: chọn 1 quả dưa chuột già, loại bỏ hết hạt trong quả dưa, cho 20 g mang tiêu (một loại muối dùng nhiều trong đông y) vào, phết cho đều, phơi trong râm cho đến khô, không phơi ngoài nắng. Khi dùng, cắt từng miếng để ngậm sẽ thấy ngay tác dụng rõ rệt;

- Chữa chứng lỵ ở trẻ em: dùng 10 quả dưa chuột nhỏ non trộn ướp với mật ong cho bé ăn

- Chữa vàng da phù nề: dưa chuột 250 g, mã đề tươi bỏ rễ 30 g, nhặt và rửa sạch, thái vừa ăn, nấu dạng canh.


Tác dụng của việc ăn dưa chuột đã gọt vỏ

Trong vỏ dưa chuột có chứa nhiều khoáng chất và vitamin có lợi cho sức khoẻ nên chúng ta vẫn có thói quen giữ lại khi ăn. Tuy nhiên, dưa chuột đã gọt vỏ cũng có những tác dụng rất tốt như chứa hàm lượng calo thấp, không chứa chất béo bão hòa...


Tác hại của dưa chuột

Khiến cơ thể mất nước

Một tác hại lớn của việc ăn quá nhiều dưa chuột là bạn sẽ có nguy cơ mất nước và mất cân bằng trong cơ thể. Theo Đông y, dưa chuột có tính lạnh, nếu ăn nhiều sẽ đi tiểu nhiều, thậm chí người thận yếu có thể hay bị vãi tiểu và nguy cơ liệt dương.

Đặc biệt, hạt dưa chuột chứa cucurbitin và dầu béo có đặc tính lợi tiểu nhẹ. Việc ăn quá nhiều dưa chuột sẽ gây ra tình trạng lợi tiểu quá liều, và có thể dẫn đến mất nước và chất điện từ cơ thể, gây ra sự mất cân bằng, và thậm chí mất nước trong trường hợp nặng.


Cảnh giác với vị đắng của dưa chuột

Các nghiên cứu đã chứng minh các độc tố như cucurbitacins triterpenoids tetracyclic có trong dưa chuột là những yếu tố kích hoạt vị đắng trong dưa chuột. Một nghiên cứu khác thậm chí còn nêu rõ tiêu thụ quá nhiều những chất này còn có khả năng đe dọa tính mạng của bạn.


Gây tổn hại đến cơ thể

Phần lõi dưa chuột rất giàu vitamin C hay acid caffeic. Khi tiêu thu quá nhiều dưa chuột sẽ gây thừa vitamin C, nó sẽ chuyển hóa thành một chất pro-oxy hóa thúc đẩy sự phát triển của các gốc tự do và các tế bào gây tổn hại cơ thể trong điều kiện nhất định.


Gây dị ứng

Một số người có thể bị dị ứng khi ăn nhiều dưa chuột. Dị ứng dưa chuột thường xuất hiện ở khoang miệng, với các triệu chứng như ngứa và sưng trong miệng. Nếu bị dị ứng dưa chuột, bạn có thể khắc phục bằng cách nấu chín thay vì ăn sống. Trong dưa chuột còn có một hợp chất được gọi là cucurbitacin. Hợp chất này nếu được hấp thụ nhiều vào cơ thể có thể dẫn đến chứng khó tiêu và đầy bụng.


Tăng nguy cơ lão hóa sớm

Vitamin C là yếu tố thúc đẩy hệ thống miễn dịch hiệu quả, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các biểu hiện của bệnh cảm cúm và còi xương đồng thời là chất chống oxy hóa mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tiêu thụ quá mức giới hạn vitamin lại gây tác dụng ngược, chống lại bản chất chống oxy hóa, gây sự phát triển và lây lan của các gốc tự do. Vitamin C có rất nhiều trong dưa chuột, vì vậy khi nạp lượng vitamin C quá lớn từ dưa chuột, bạn đang tạo điều kiện cho các gốc tự do "đi lang thang", gây nguy cơ ung thư, mụn trứng cá, lão hóa sớm...


Nhức đầu và khó thở

Dưa chuột cũng là nguồn cung cấp kali dồi dào. Tăng kali máu là một dạng triệu chứng bệnh lý phát sinh do sự hiện diện của hàm lượng kali cao trong cơ thể, dẫn tới đầy hơi, đau bụng. Theo thời gian, các chức năng của thận cũng bị suy giảm một cách đáng kể. Thành phần dưa chuột có tới hơn 90% là nước. Nếu lượng nước trong cơ thể cao hơn khối lượng ròng ủa máu, nó sẽ gây sức ép lên các mạch máu và tim.

Hậu quả là tim và các mạch máy của bạn sẽ phải chịu thiệt thòi ngoài mong muốn. Sự hiện diện quá mức của nước trong cơ thể cũng dễ tạo sự mất cân bằng chất điện giải trong máu, gây hiện tượng thẩm thấu trong tế bào. Điều này sẽ dẫn tới hiện tượng nhức đầu và khó thở.


Tăng các triệu chứng các bệnh về hô hấp

Nếu bạn bị viêm xoang hay bất cứ loại bệnh hô hấp nào, nên bỏ qua dưa chuột trong thực đơn. Các hiệu ứng làm mát của loại rau củ này có thể khiến các biểu hiện bệnh của bạn thêm trầm trọng.


Dư thừa kali

Vỏ dưa rất giàu chất xơ và khoáng chất như silica, kali magiê. Khi lượng kali quá nhiều sẽ gây tăng kali trong máu - một điều kiện dẫn đến giảm chức năng thận. Đồng thời, nó có thể gây ra các bệnh đường ruột, đầy hơi, và đau bụng.


Đầy hơi và phù

Chất cucurbitacin trong dưa leo rất khó tiêu, đặc biệt là đối với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Tình trạng khó tiêu làm bạn bị đầy hơi và phù nề do cơ thể đang cố loại thải các độc tố bằng cách tống đẩy lượng khí gas tích tụ bên trong ra ngoài.


Gây khó chịu cho phụ nữ đang mang thai

Mặc dù việc tiêu thụ dưa leo trong thời kỳ phụ nữ đang mang thai vẫn được xem là an toàn, nhưng nếu ăn quá nhiều có thể gây ra một số tình trạng khó chịu cho thai phụ như đi vệ sinh nhiều hơn, đầy hơi, khó tiêu, thậm chí đau bụng do dư thừa chất xơ.




Dưa chuột có thực sự tốt cho sức khỏe?

Dưa chuột được coi như một loại rau xanh chứa nhiều dinh dưỡng, dùng để giải nhiệt, giảm cân. Nhưng ăn nhiều dưa chuột có tốt hay không là câu hỏi gây tranh cãi.

Mới đây, bác sĩ Steven Gundry, một chuyên gia về tim mạch người Mỹ cho biết ông đã tìm ra mối liên hệ giữa chứng suy giảm trí nhớ và các loại lectin, một loại protein có trong dưa chuột, cà chua và ngũ cốc nguyên hạt.

Phát hiện của bác sĩ Gundry được đăng trên trang Goop.com, một tạp chí về sức khoẻ, làm đẹp được thành lập bởi nữ diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ Gwyneth Paltrow vào năm 2008.

Trong bài báo của bác sĩ Gundry, ông viết: “Một số lectin tương đồng với các protein trong cơ thể, trong khi một số khác trông giống như các hợp chất mà cơ thể coi là có hại, chẳng hạn như lipopolysaccharides (LPS), là các mảnh của vi khuẩn sau quá trình phân chia liên tục và chết trong ruột.
Lectin giống với các protein khác trong cơ thể và LPS có thể tấn công hệ miễn dịch và những vấn đề về sức khoẻ khác như viêm ruột thừa, hội chứng Brain Fog, bệnh về thần kinh và bệnh tự miễn”.

Lectin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm được coi là tốt cho sức khỏe như: cà chua, ớt, dưa chuột, cây họ đậu, ngũ cốc, mầm hạt và một số sản phẩm làm từ sữa. Ông Gundry cảnh báo rằng ăn nhiều những loại thực phẩm chứa lectin có thể khiến chúng ta mắc chứng suy giảm trí nhớ, bệnh Alzheimer, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng trong ruột và các bệnh về thần kinh.

Sau khi được đăng tải, bài báo nhận được nhiều ý kiến trái chiều của độc giả trên mạng xã hội. Một số ý kiến không đồng ý nhưng cũng có rất nhiều ý kiến tán thành với bác sĩ Gundry, trong đó có các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.

Họ thừa nhận rằng đã có bằng chứng cho thấy lectin có hại cho đường ruột và có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe con người.


Bác sĩ người Anh, Tom Greenfield đã tiến hành kiểm tra tác động của lectin lên các nhóm máu khác nhau. Ông phát hiện ra rằng loại protein này ảnh hưởng đối với mỗi nhóm máu là hoàn toàn khác nhau. Điều đó có nghĩa là lectin có thể có hại đối với người này nhưng chưa hẳn đã xấu đối với người khác.

Ông cho biết, lectin có thể làm biến đổi hệ miễn dịch và lượng máu của cơ thể. Chúng có thể ngăn chặn thụ thể insulin, gây ảnh hưởng đến các mạch máu, thậm chí cả mạch máu não dẫn đến các tổn thương cho não.

Nhà dinh dưỡng học Nikki Ostrower, người sáng lập NAO Nutrition & Wellness, cho biết các chuyên gia thường tránh sử dụng thực phẩm chứa lectin trong chế độ ăn nhưng mọi người lại ít biết đến điều đó.

Trước khi có thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng thường phát triển “theo cách riêng của chúng” để chống lại các mối đe dọa và lectin chính là “thuốc trừ sâu” tự nhiên đó. Khi chúng ta ăn những loại thực phẩm này, vô hình chung chúng ta đang nuốt vào “thuốc trừ sâu” tự nhiên và có thể mắc các bệnh về đường ruột chẳng hạn như viêm ruột thừa hay các bệnh tự miễn.

Bà Ostrower khuyên rằng chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn những loại thực phẩm có chứa lectin ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày được và cách tốt nhất để xử lý vấn đề này là nấu chín hoặc chế biến bằng cách ngâm, muối, lên men thực phẩm.

Một số thực phẩm phổ biến có chứa lectin là dưa chuột, cà tím, cà chua, khoai tây, hạt họ đậu, ngũ cốc, sữa. Theo cuốn sách về thực dưỡng The Blood Type Diet, một số lectin cụ thể sẽ có tác động đến các nhóm máu khác nhau. Do đó mọi người nên tránh ăn hoặc ăn ít những thực phẩm tùy theo nhóm máu của mình như:

- Nhóm máu O: tránh ăn lúa mì, dầu đậu nành, lạc (đậu phộng), đậu thận,…

- Nhóm máu A: tránh ăn đậu lima, cà chua, cà tím, đậu garbanzo,…

- Nhóm máu B: tránh ăn thịt gà, ngô, đậu nành, đậu lăng,…

- Nhóm máu AB: tránh ăn thịt gà, ngô, chuối, đậu răng ngựa (fava beans),…



dimanche 10 juin 2018

SỨC KHOẺ : Mất bao lâu để thức ăn được tiêu hóa hết?


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Theo HEALTH+ - Thức ăn phải được chuyển hóa để cơ thể con người có thể tiếp nhận được và quá trình này được gọi là quá trình tiêu hoá. Tìm hiểu thời gian tiêu hóa thức ăn ở người là bao lâu.

Quá trình tiêu hoá bắt đầu khi bạn đưa thức ăn vào miệng, nhai và nuốt. Quá trình đó được tiếp tục thực hiện trong bộ máy tiêu hoá có hình dáng giống như một chiếc ống dài ngoằn ngoèo chạy dọc suốt thân người.

Tất cả các bộ phận của bộ máy tiêu hoá nối liền với nhau và có những chức năng riêng: Miệng nối với hầu trong cổ họng; Hầu vừa là đường vào của thức ăn, vừa là đường vào của không khí; Thực quản đi qua lồng ngực và nối với dạ dày; Dạ dày nối liền với ruột non có hình cuộn lò xo; Bộ phận cuối cùng của bộ máy tiêu hoá là ruột già.

Cùng tìm hiểu quá trình tiêu hóa và thời gian tiêu hóa thức ăn ở người trong gifographic dưới đây:


Gantuyến tụy (còn gọi là lá mía) làm việc rất nhiều để giúp hệ tiêu hóa. Cả hai làm việc với ruột non. Gan cung cấp mật (được lưu trữ trong túi mật) giúp phá vỡ chất béo. Tuyến tụy cung cấp thêm enzyme để giúp tiêu hóa tất cả các loại thực phẩm.


Gan cũng xử lý thức ăn được tiêu hóa từ máu trước khi chúng được gửi đến những bộ phận khác nhau trong cơ thể.​​


Làm gì khi gan, túi mật không hoạt động hiệu quả?

Gan và túi mật không hoạt động hiệu quả có thể ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa cũng như làm tăng nguy cơ viêm gan, gây sỏi mật. Một số thay đổi trong chế độ ăn có thể giúp cải thiện tình trạng gan và túi mật.

Hạn chế các món chiên rán

Mật được tạo ra trong gan, sau đó được chuyển tới tích trữ tại túi mật. Trong quá trình tiêu hóa, túi mật lại chuyển dịch mật qua ống mật xuống ruột non để tham gia vào quá trình tiêu hóa chất béo.

Khi tiêu thụ nhiều chất béo trong các món chiên rán, gan có thể bị quá tải, suy yếu, dẫn đến việc đẩy cả các chất độc vào túi mật khiến túi mật cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, bạn nên hạn chế các món chiên rán để có túi mật và hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.


Tuy nhiên, bạn vẫn cần bổ sung một lượng nhỏ các chất béo lành mạnh từ dầu olive, dầu hạt lanh,… trong chế độ ăn uống hàng ngày.


Chú ý những gì bạn uống

Rượu, cà phê, chocolate,… là các loại đồ uống khiến gan và túi mật phải hoạt động vất vả hơn. Thay vào đó, uống nhiều nước hoa quả, nước ép rau củ từ cần tây, atiso, củ cải đường, táo, mùi tây… sẽ giúp hỗ trợ hoạt động của gan và túi mật.


Ăn nhiều rau củ

Các loại rau củ như củ dền, cần tây, các loại đậu, atiso,… là những thực phẩm tốt cho gan và túi mật, giúp chúng khỏe mạnh hơn cũng như củng cố hoạt động tiêu hóa khi gan và túi mật hoạt động không hiệu quả.



BLOG : Những người nổi tiếng nổi tiếng & thành công - Tại sao họ tự tử?


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Những người tên tuổi nổi tiếng, có sự nghiệp thành công, là niềm mơ ước của bao nhiêu người khác. Tại sao họ lại chọn cái chết bằng tự tử?

Nhà thiết kế thời trang Kate Spade - Ảnh: NBC News

Ngày 05/06/2018, người Mỹ và giới yêu thích thời trang choáng váng khi hay tin nhà nữ thiết kế túi xách, trang sức nổi tiếng Kate Spade đã tự treo cổ trong căn hộ sang trọng của bà ở New York (Mỹ).

Đầu bếp Anthony Bourdain được người Việt biết đến khi cùng tổng thống Obama ăn bún chả tại Hà Nội năm 2016 - Ảnh: The New Yorker

Chỉ ba ngày sau 08/06/2018 , người ta lại như không tin vào mắt mình khi đầu bếp, nhà nghiên cứu ẩm thực nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain chọn cái chết bằng cách tự tử trong một căn phòng ở khách sạn tại Pháp, nơi ông đang quay chương trình cho CNN.

Kate Spade (56 tuổi) và Anthony Bourdain (61 tuổi) đều là hai tên tuổi nổi tiếng ở Mỹ, có một sự nghiệp thành công kéo dài vài chục năm và là niềm mơ ước của bao nhiêu người khác. Tại sao họ lại chọn cái chết bằng tự tử, đó là một câu hỏi dường như không có câu trả lời nào thỏa đáng, ngoại trừ chính họ.

Tại sao người ta có ý định tự sát? Có hàng nhiều nguyên nhân và không nguyên nhân không thể lý giải. Trong đó, trầm cảm được xem là nguyên nhân lớn nhất.

Tại sao người ta trầm cảm? Lại có hàng nhiều lý do khác nhau mà đôi khi người ngoài không thể hiểu được.


Một nam diễn viên hài mua vui cho thiên hạ như Robin Williams lại chọn cái chết bằng cách 
treo cổ.

Trương Quốc Vinh là một trong tứ đại tuyệt sắc Hong Kong. Ảnh: Sina.

Một biểu tượng của âm nhạc và điện ảnh như ngôi sao Hong Kong Trương Quốc Vinh cũng chọn cái chết bằng cách gieo mình từ tầng thượng khách sạn xuống mà chỉ có thể lý giải anh chết vì trầm cảm, cho dù anh đang ở trên đỉnh vinh quang, chẳng thiếu thứ gì để lo lắng và được hàng triệu người tôn sùng.

Ngày 01/04/2003, Trương Quốc Vinh vẫn tập gym trong khách sạn Mandarin Hong Kong cho đến lúc anh leo lên tầng thượng, ngắm nhìn cảnh vật trước mặt và kết thúc cuộc đời mình.

Phải chăng, hai cái chết mới đây của Kate SpadeAnthony Bourdain cũng diễn ra như vậy?

Nhà văn, giới nghệ sĩ, trí thức cũng là những con người trần tục, cho dù có thể họ có một bộ óc thông thái và một trái tim mẫn cảm hơn để sáng tạo. Họ sở hữu trí thông minh, sự thông tuệ, giàu trải nghiệm và có vẻ như thấu hiểu lẽ đời, thấu hiểu con người.

Nhưng chính họ đôi lúc lại bất lực trước chính mình, ở một thời điểm nào đó trong đời, hoặc thậm chí là suốt cả cuộc đời của họ cho đến khi họ tự kết thúc sự sống.

Đã có hàng chục nhà văn hay những nghệ sĩ tài năng, những người nổi tiếng chết bằng cách tự tử. Hầu hết họ là đàn ông như Ernest Hemingway, Jack London, Kurt Vonnegut, Stefan Zweig, Edgar Allan Poe, Hunter S.Thompson, Yasunari Kawabata, Ryunosuke Akutagawa, Dazai Osamu, Yukio Mishima... nhưng cũng có một số nhà văn, nhà thơ nữ như Virginia Woolf hay Sylvia Plath...