Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
TTO ngày 24/10/2016 - Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương xung quanh việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ tràn lan.
Chưa rõ lãnh đạo tỉnh Hải Dương sẽ báo cáo thế nào nhưng chính giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương đương nhiệm xác nhận sở này có 46 biên chế, chỉ có hai chuyên viên, còn lại 44 người đều giữ chức từ phó phòng trở lên.
Chẳng hạn như phòng việc làm - an toàn lao động có 5 phó phòng, văn phòng sở, phòng kế hoạch - tài chính, thanh tra sở đều có 4 phó phòng...
Đáng chú ý, có trường hợp bổ nhiệm phó phòng sau khi được tuyển dụng công chức mới 3 tháng.
Có lẽ chưa ở đâu có chuyện cười ra nước mắt như vậy.
Tiếp nhận một “di sản” từ trên tới dưới đều là “sếp”, ông giám đốc mới của Sở LĐ-TB&XH Hải Dương phải chua chát thốt lên với báo giới:
“Thôi thì bây giờ nhiều lãnh đạo thế, tinh thần là lãnh đạo phải làm cả việc của nhân viên”.
Tương tự, một số nơi khác cũng có tình trạng loạn “sếp”.
Tỉnh Thanh Hóa
Điển hình là tỉnh Thanh Hóa vừa phải báo cáo Thủ tướng về việc Sở NN&PTNT có đến 8 phó giám đốc .
Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết việc Sở NN&PTNT có tới 8 phó giám đốc một phần do ngành có 6 lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phát triển nông thôn, một phần lịch sử để lại.
Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa còn phát hiện toàn tỉnh có hàng chục phó phòng bổ nhiệm dư thừa, cụ thể như huyện Triệu Sơn thừa 32 phó phòng, Thiệu Hóa thừa 20, Tĩnh Gia và Thạch Thành mỗi huyện thừa 17, huyện Yên Định thừa 12...
Nếu các địa phương khác cũng viện lý do nhiều việc, nhiều lĩnh vực nên cần thêm người có chức để phụ trách thì bộ máy quản lý nhà nước vốn đang phình to lại càng rối ren bởi “lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng”.
Thực tế ở nước ta có không ít tỉnh, thành phố rất đông dân, công việc nhiều không kém Thanh Hóa, nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định về cấp phó và mọi việc vẫn được thực hiện trôi chảy.
Việc “lạm phát” lãnh đạo không chỉ có ở địa phương mà còn có ngay cả ở cấp bộ - ngành.
Mấy năm nay, Chính phủ đã ban hành quy định số lượng thứ trưởng, vụ trưởng, vụ phó của mỗi bộ - ngành, nhưng theo thừa nhận của Bộ Nội vụ vào cuối năm 2015, nhiều nơi vẫn có số lãnh đạo vượt mức cho phép.
Đặc biệt là Vụ Kinh tế đối ngoại của Bộ Kế hoạch - đầu tư hiện đang có tới 3 người cùng giữ chức... vụ trưởng và 7 phó vụ trưởng.
Số lượng lãnh đạo nhiều đồng nghĩa số tiền ngân sách phải chi ra không hề nhỏ, kết cục là người dân đóng thuế phải gánh chịu.
Đó là chưa kể có khi hiệu quả công việc bị giảm sút do giẫm chân lên nhau, hoặc đùn đẩy trách nhiệm, tranh cãi dẫn đến mâu thuẫn, bè phái...
Tình trạng loạn sếp còn có thể là biểu hiện của nạn chạy chức, chạy quyền, chạy danh hão. Đã “chạy” tất yếu phải lo lót, bỏ ra “đầu tư” tất phải tìm cách thu lại.
Tham nhũng, thoái hóa, lợi ích nhóm, hạch sách dân cũng đều từ đây mà ra. Liệu có dẹp được loạn "sếp" hay không dù đã cải cách hành chính suốt bao năm qua?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire