Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Một trường học dạy kỹ năng theo dõi và bắt quả tang công chức nhận hối lộ đang thu hút sự chú ý tại Hàn Quốc.
Luật “3-5-10”
Luật chống tham nhũng của chính phủ Hàn Quốc đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 28-9 vừa qua.
Theo đó, các đối tượng nằm trong quy định của luật không được tham dự các bữa ăn có trị giá quá 30.000 won (24 euro) hoặc nhận quà có giá trị vượt quá 50.000 won. Đối với việc tặng phong bì chứa tiền mặt trong các đám cưới hoặc đám ma, số tiền không được vượt quá 100.000 won.
Hiện nay, luật này còn được gọi tắt là “luật 3-5-10” [dựa theo mức tiền bị giới hạn - ND].
Ngoài việc phải đóng tiền phạt, người vi phạm có thể đối mặt với nguy cơ bị truy tố hình sự trong một số trường hợp nghiêm trọng như nhận quà trị giá hơn 1 triệu won, hoặc tổng trị giá quà cáp nhận trong một năm vượt quá 3 triệu won.
Theo ước tính, luật chống tham nhũng tác động trực tiếp lên khoảng 4 triệu người gồm công chức, nhân viên tại các cơ quan nhà nước, giáo viên và phóng viên.
Ngoài ra, người dân nào phát hiện công chức vi phạm luật và báo với chính quyền kèm theo bằng chứng đầy đủ có thể nhận tiền thưởng lên đến 200 triệu won (hơn 180.000 USD).
Trường học chống tham nhũng
Sau khi luật chống tham nhũng ra đời, ở Hàn Quốc cũng xuất hiện một ngôi trường kỳ lạ dạy kỹ năng theo dõi và bắt quả tang các vụ nhận phong bì, quà cáp.
Nơi này dạy học viên đủ mọi cách thức để “canh me” và thu thập bằng chứng như dùng camera, rình rập, chụp ảnh, và thậm chí là… lục thùng rác.
“Các bạn có thể tìm thấy hóa đơn rút tiền từ thẻ tín dụng trong thùng rác ở các nhà hàng”, ông Moon diễn giải.
“Các bạn cần phải tìm cho được chứng cứ”, vị hiệu trưởng nhấn mạnh, đồng thời phát cho học viên các tập sách về luật chống tham nhũng.
Vừa qua, hai học viên của trường này mang theo máy ảnh trà trộn vào một đám cưới ở Gangnam, khu phố xa xỉ, hiện đại bậc nhất Hàn Quốc để “thực hành”.
Thầy Moon yêu cầu học viên tự tìm cách trà trộn vào các đám cưới hoặc đám ma.
“Bạn phải xem xét đối tượng của mình. Hãy xem cáo phó trên báo chí để biết người nào thuộc tầng lớp thượng lưu đang tổ chức tang lễ”, Moon nói trong một cuộc phỏng vấn.
Lớp học gần đây nhất của ông Moon thu hút 10 người đến dự tại một văn phòng gần tòa án ở Seoul.
Dấu hiệu tích cực
Kể từ khi luật chống tham nhũng được áp dụng, số lượng người thuê các sân golf giảm đáng kể.
Trong khi đó, khách đến tham dự đám cưới cũng ít hơn rất nhiều. Tại các bệnh viện, ban quản lý thậm chí còn dán thông báo yêu cầu không tặng quà cho bác sĩ.
Các nhóm thực khách đề nghị tách hóa đơn, điều gần như chưa từng xảy ra ở Hàn Quốc.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 6, Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc cho biết các công ty tiêu dùng và giải trí có thể lỗ đến 11,5 ngàn tỉ won (10,43 tỉ USD) một khi luật chống tham nhũng được áp dụng.
Otgoutugs Ochir, một bà nội trợ 46 tuổi gốc Mông Cổ nói với Reuters mình hy vọng có thể mua được căn hộ nhờ số tiền kiếm được từ việc báo cáo các vụ vi phạm.
“Nếu số người kiếm tiền bất chính giảm thì con cái tôi sẽ được sống ở môi trường tốt đẹp hơn”, bà Ochir cho biết.
Trong khi đó, đám cưới ở Gangnam mà hai học viên của ông Moon Seoung-ok trà trộn vào không hề trưng bày hoa, một trong các thủ tục gần như không thể thiếu tại tiệc cưới ở Hàn Quốc.
Song Byung-soo, 60, một trong hai học viên, nói rằng đây là dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy các công chức bắt đầu dè chừng.
“Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Tôi đã từng ngần ngại vì việc mình làm sẽ khiến người khác bị tổn thương. Tuy nhiên, sau khi tham gia lớp học, tôi thấy mọi thứ đều ổn cả”, ông Song nói.
“Nếu những người như chúng tôi có thể khiến cho xã hội minh bạch hơn, không còn các trường hợp thiên vị hay tham nhũng thì đó là mục đích tốt”, ông giải thích.
TTO - BÌNH MINH
BÌNH LUẬN
Ngày 28/09/2016, đạo luật mới về chống tham nhũng bắt đầu có hiệu lực tại Hàn Quốc. Đây là một nỗ lực mới của chính quyền nhằm diệt trừ nạn tham nhũng tràn lan trong mọi tầng lớp xã hội ở nước này.
Tuy nhiên, đạo luật mới bị giới báo chỉ chỉ trích là có thể bị sử dụng để ngăn cản phóng viên săn tin, thậm chí đạo luật bị xem có một số điều khoản vi hiến.
Ở Hàn Quốc, người ta có thói quen « mua » giáo viên để con họ được điểm tốt, tặng quà cho một phóng viên quảng cáo dùm sản phẩm. Giới doanh nghiệp thì ai cũng rành cách hối lộ công chức để thủ tục giấy tờ êm xuôi trót lọt.
Nhưng cả hai vụ nói trên đã không bị đưa ra xét xử, vì không có gì chứng minh là những món quà, những khoản tiền đó là hối lộ. Chính do sự phản đối của dư luận sau hai vụ này mà đạo luật chống tham nhũng mới đã được soạn thảo.
Khái niệm tham nhũng tại Việt Nam
Điều đáng báo động là một số cán bộ, công chức coi việc tham nhũng trở thành bình thường. Họ cho rằng, đối tượng quản lý đương nhiên phải "bồi dưỡng" khi muốn thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của người cán bộ, công chức.
Đó chính là biểu hiện của sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức một cách nghiêm trọng. Hơn thế, tham nhũng còn xâm phạm những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, khi người thực hiện hành vi tham nhũng có khi là giáo viên, bác sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội - những người xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire