Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Theo Báo Giao thông, hàng loạt lan can cầu ở Cần Thơ bỗng nhiên bị đập, bẻ cong để ôtô của cán bộ ra vào dễ dàng.
Cả xã không đập, chỉ đập ở ngõ nhà “quan”
Sau khi nhận phản ánh của nhiều hộ dân sống ở hai ấp Thới Thạnh và Bình Thạnh, xã NTM Giai Xuân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), phóng viên Báo Giao thông đã về tận nơi tìm hiểu sự việc.
Theo đó, trong hàng trăm cây cầu trên địa bàn xã, không có cây nào bị đập lan can để xe lưu thông cho tiện.
Thế nhưng, thực tế của PV, trên con lộ giao thông nông thôn liên ấp Thới Thạnh và Bình Thạnh có đến 7/8 cây cầu bị đập lan can, bẻ cong hình chữ V với lý do để ôtô dễ dàng lưu thông.
Sau hơn một tháng bị đập, các cây cầu bắt đầu bị bể phần thân cầu, có cầu phần lan can bị gãy rời, bắt đầu xuống cấp vì hàng ngày phải “gồng gánh” các loại xe ôtô di chuyển qua.
Theo người dân địa phương, sở dĩ 7 cây cầu này bị đập lan can do đã “lỡ” nằm trên lối vào nhà một số “quan” của huyện Phong Điền.
Một người dân (xin giấu tên) sống ngay cây cầu đầu tiên của con lộ liên ấp kể lại:
Cách đây chừng hơn hai tháng, nhà một cán bộ huyện Phong Điền có đám tiệc và mời nhiều quan chức, cán bộ cấp cao của huyện đến dự. Xe của một nữ cán bộ tên K., là lãnh đạo huyện khi đi vào nhà "quan" này dự tiệc bị va quệt trày xước sơn khi qua cầu.
Điều tra của PV cho thấy, nằm trên con đường bê tông nông thôn ven sông nối liền hai ấp Thới Thạnh và Bình Thạnh có khoảng bốn căn biệt thự khá hoành tráng mọc lên. Đương nhiên gia chủ các biệt thự này thường sử dụng ôtô chạy qua các cây cầu “đau khổ”.
Trong đó, một căn là của ông P.V.T. (hiện là Trưởng ban Tuyên giáo huyện Phong Điền), hai căn còn lại là của vợ và em vợ vị cán bộ này. Một căn nữa là của ông Trương Nhựt Quang, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Phong Điền. Bản thân ông Quang cũng sở hữu một ôtô hạng sang thường xuyên ra - vào con lộ liên ấp có cầu bị đập lan can.
Theo tìm hiểu của PV, phấn đấu suốt 4 năm (từ 2011 - 2015), chính quyền các cấp từ huyện đến thành phố phải huy động hết mọi nguồn lực đầu tư trên 119, 3 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cùng nhiều vấn đề khác cho xã Giai Xuân. Đến đầu năm 2015, toàn xã có hơn 40,4 km đường giao thông liên ấp, liên xã. Tháng 2/2015, Giai Xuân mới được công nhận là xã NTM thứ 5 của TP Cần Thơ.
Tại lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, nhiều đơn vị, tổ chức và cả doanh nghiệp đã tài trợ cho xã khoản kinh phí lớn và vật liệu xây dựng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm giữ vững danh hiệu NTM, phục vụ sinh kế cho người dân. Thế nhưng, chỉ sau hơn một năm, xã này lại "chơi sang" khi chỉ vì ngõ vào nhà "quan" huyện hẹp nên đã đập lan can cầu.
“Do nhu cầu đi lại của bà con hai ấp, phải “mở rộng” cầu để taxi, ôtô vào chở người đi cấp cứu. Đúng là trên con lộ này có nhà của một số cán bộ đang công tác ở huyện. Một trong những cán bộ này là ông Trương Nhựt Quang có gọi điện yêu cầu đập lan can để “mở rộng” cầu. Nhưng nói mở cầu cho "quan" đi là không chính xác lắm, vì người dân ở đây cũng đồng tình”, ông Hùng biện minh.
Ông Huỳnh Đương Quang, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho rằng, chuyện đập lan can cầu ở hai ấp nói trên được tập thể Đảng ủy và Ủy ban đã thống nhất bằng… miệng chứ không có văn bản nào.
“Con lộ liên ấp này làm cũng lâu rồi, do nhu cầu ôtô đi lại nhiều nên xã thống nhất đập lan can để “mở rộng” đường. Đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, anh Quang (ông Trương Nhựt Quang-PV) làm trên huyện có hứa sắp tới sẽ xin vốn của thành phố đầu tư cầu mới nên chúng tôi thống nhất… đập”, vị Bí thư xã giải thích.
Ngoài ra, ông Trương Nhựt Quang còn lý giải, những cây cầu đó trước sau cũng phải xây mới. Huyện đã phê duyệt, Ban QLDA cũng đã ra thiết kế hết rồi, giờ chỉ còn chờ vốn từ thành phố nữa là bắt tay vào làm thôi.
Bình luận
Rất buồn khi nói tới đất nước Việt Nam, tôi không thể tin nổi trong một xã nông thôn mới lại có sự việc lạ lùng đến vậy. Ở nhiều khu vực dân ta còn không có cầu mà đi. Vậy mà, ở đây họ lại chê cầu nhỏ, phá lan can cho ô tô của cán bộ ra vào dễ dàng.
Theo tôi nghĩ rằng các lãnh đạo xã và những quan huyện tiếp tay cho việc phá lan can cầu nên xây ngay cầu mới trả cho dân. Xây một cây cầu đã tốn bao công sức, tiền của người dân và Nhà nước.
Mục đích xây cầu cho xã là để cho dân nông thôn dễ dàng di chuyển. Các quan ở xã-huyện luôn nghĩ mình là người cai quản địa phương nên muốn làm gì thì làm.
Đúng là tàn phá tài sản nhân dân.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire