mercredi 3 août 2016

BLOG : 4 nỗi lo của dân 'Tham nhũng - Lãng phí - Thực phẩm bẩn - Ô nhiễm môi trường'


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Tham nhũng - Lãng phí - Thực phẩm bẩn - Ô nhiễm môi trường là bốn vấn đề không mới nhưng lại diễn biến phức tạp và kéo lùi sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia.

Theo GDVN, đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí là việc làm cấp bách hiện nay, không chỉ vì sự phát triển của đất nước mà còn để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều biến động hiện nay.


1. Nạn tham nhũng

Nạn tham nhũng, lãng phí hiện nay là rất đáng báo động. Nó đã và đang phá hoại nền kinh tế, làm khủng hoảng niềm tin của nhân dân, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Đất nước sẽ trở nên suy yếu, nhân dân sẽ bị nghèo đói khi mà tham nhũng, lãng phí đã trở thành “quốc nạn”.


Các năm gần đây, nạn tham nhũng không giảm mà chỉ có “ổn định” (từ dùng của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh) và phát triển.

Các vụ án tham nhũng liên tục được phát hiện và đưa ra xét xử với tên gọi đã nói lên mức độ, quy mô, tính chất nghiêm trọng của nó - “đại án tham nhũng”.

Số tiền tham nhũng cũng được nâng lên càng ngày càng “khủng” và “siêu khủng” với các con số ngàn tỷ và nhiều ngàn tỷ đồng.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng thì trong 10 năm qua, tham nhũng đã gây thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng cho Nhà nước.

Số đối tượng phải xử lý hình sự vì tham nhũng là 118 trường hợp, và, số tiền Nhà nước thu hồi được từ tham nhũng cũng rất “bèo bọt”, chỉ chưa đầy 10% số bị mất vì tham nhũng.


Chúng ta có thể dễ dàng kể tên của nhiều đại án tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân trong những năm gần đây.

- Đó là vụ Vinashin với số tiền thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.

- Đó là vụ tham nhũng tại Agribank - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam thiệt hại gần 2.755 tỉ đồng.

- Đó là vụ Huỳnh Thị Huyền Như với số tiền tham nhũng, lừa đảo, chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng...

- Gần đây nhất, đó là vụ Phạm Công DanhNgân hàng Xây dựng Việt Nam với số tiền thiệt hại rất khủng, trên 9.000 tỷ đồng.

Nhìn những số tiền mà Nhà nước và nhân dân mất đi càng ngày càng lớn, ai mà không đau xót.

Đau xót hơn khi so sánh với tổng giá trị sản phẩm quốc nội mà Việt Nam đạt được trong năm 2015 (năm cao nhất trong 5 năm gần đây) cũng chỉ có 4.192,9 nghìn tỷ đồng, tức là tương đương với số tiền bị mất vì một vụ đại án tham nhũng, như vụ Huỳnh Thị Huyền Như chẳng hạn.


2. Nạn lãng phí

Gần đây, dư luận rất bất xúc, bất bình với các dự án, các công trình nghìn tỷ bỏ hoang, gây ra một sự lãng phí rất lớn, trong khi các công trình thiết yếu, phục vụ dân sinh thì lại thiếu kinh phí xây dựng.


Vào Google gõ từ khóa “các công trình nghìn tỷ bỏ hoang” thì được ngay 1.350.000 kết quả, trong vòng 0,55 giây; gõ từ khóa “các dự án nghìn tỷ bỏ hoang” thì được đáp án “khủng” hơn, 2.910.000 kết quả, chỉ trong vòng 0,28 giây. 

Vậy, chúng ta thử điểm qua vài dự án, công trình như thế để thấy được độ lãng phí “hoành tráng” cỡ nào và đây là danh sách này vẫn còn dài và trong tương lai sẽ còn nữa :

- Đó là Nhà máy thép Vạn Lợi (ở Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ năm 2007, bị bỏ hoang và đã được “khai tử” vào năm 2015.

- Đó là Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ với vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng cũng đang nằm bất động phơi mưa nắng. 

- Đó là Nhà máy bột giấy Phương Nam (ở Long An) với giá trị xây dựng 3.000 tỷ đồng nhưng đã bỏ hoang 10 năm nay.

- Đó là công trình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (ở Hà Nội) với số tiền đầu tư của Nhà nước là 3.200 tỷ đồng nhưng hiện nay nó đang hoang tàn đến thảm hại.

- Đó là Dự án mở rộng Nhà máy thép Thái Nguyên đã bỏ hoang 4 năm nay với số tiền đã đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng...

Ngày nay một số tổng công ty hoặc tập đoàn kinh tế của Nhà nước vì kinh doanh yếu kém và các nguyên nhân khác làm thua lỗ, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cũng không còn là hiếm.


Mấy năm trước, các “ông lớn” EVN, PVN, TKV đều đồng thanh kêu lỗ hàng... nghìn tỷ, đến mức có người gọi đùa là “Dàn đồng ca lỗ” hoặc “Câu lạc bộ lỗ nghìn tỷ” hay  “Lỗ Chí Thâm của Việt Nam”.

ông Trịnh Xuân Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

Gần đây, dư luận cũng xôn xao về các vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh ông Vũ Quang Hải

Hai ông này, trước đây, khi đứng đầu các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương đã góp phần quan trọng làm cho đơn vị mình lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng: ông Vũ Quang Hải là hơn 200 tỷ và ông Trịnh Xuân Thanh là 3.200 tỷ đồng.

ông Vũ Quang Hải

Có điều lạ là cả hai ông này khi đó đều được “chạy” khỏi đơn vị cũ một cách an toàn, rồi sau đó được luân chuyển, bổ nhiệm vào các vị trí quyền lực hơn, “béo bở hơn”. 

Tóm lại, không còn nghi ngờ gì nữa, có thể gọi tham nhũng, lãng phí là hai tên “đồ tể” phá hoại nền kinh tế, phá hoại đất nước.


3. Thực phẩm bẩn

Chưa khi nào cái ăn cái uống lại mang đến quá nhiều nỗi lo như hiện nay. 

- Gà thải loại nhúng hóa chất để biến thành gà đồi vàng óng ánh bắt mắt người mua, thịt heo thối được “phù phép” thành thịt bò tươi rói, lòng lợn, chân gà thối được hô biến thành “đặc sản” tại các nhà hàng…

Tất cả được xử lý và bảo quản với hóa chất dùng để… ướp xác! 

- Chuối ngâm thuốc diệt cỏ, những chiếc xúc xích thơm lừng được làm từ da gà và nội tạng bẩn… 

- Bánh kẹo, mứt, mực khô, bò khô…phục vụ tết người chưa ăn nhưng ruồi nhặng đã nhấm nháp trước, mì tôm gây sỏi thận, nước mắm từ hóa chất công nghiệp, cà phê “tinh chất”…


Hậu quả là mỗi năm ở Việt Nam có 200.000 người mắc ung thư và phân nửa số đó đã từ giã cõi đời, một con số khiến tất cả phải bàng hoàng lo lắng, ngày càng nhiều những ngôi làng ung thư, nhiều căn bệnh lạ chưa từng xuất hiện trong giáo trình Y học.


Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ kệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều, mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống chẳng lẽ bó tay trước những người đang đầu độc dân tộc mình!


4. Ô nhiễm môi trường

Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường

Hiểm họa ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã được cảnh báo từ lâu nhưng sau sự cố Formosa đã gióng lên hồi chuông khẩn thiết về thực trạng phát triển công nghiệp đã tàn phá môi trường nghiêm trọng như thế nào.

Công ty Vedan

Trước đó đã có sự cố công ty Vedan “bức tử” sông Thị Vải nhưng lần này hậu quả khủng khiếp giết chết hệ sinh thái ven biển 4 tỉnh Miền Trung và một loạt các công ty trong nước lẫn quốc tế xả thải trực tiếp ra môi trường gây nên hiện tượng cá chết từ Bắc chí Nam đã là báo động đỏ buộc các cơ quan chức năng không thể “khoanh tay” đứng nhìn.


Bên cạnh đó biến đổi khí hậu và các thế lực “nhân tai” đã khiến vựa lúa lớn nhất nước – Đồng bằng sông Cửu Long lâm vào đợt hạn mặn chưa từng có trong lịch sử, bất ổn xã hội đã xảy ra ở Miền Tây, sản lượng lúa gạo giảm đi chưa từng thấy, giờ đây ngôi vị xuất khẩu gạo - mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ Campuchia và các nước láng giềng.


Bài toán giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường đang trở nên hóc búa hơn bao giờ hết, điều đó đòi hỏi Chính phủ phải hành động quyết liệt, có những quyết sách kịp thời và chuẩn xác.

Nhiều diễn biến xảy ra thời gian qua về việc Trung Quốc tăng cường xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong và âm mưu “điều tiết” dòng nước dòng sông này đã và đang đặt vựa lúa lớn nhất nước vào tình thế nguy nan, đó không đơn thuần chỉ là vấn đề môi trường mà mang bản chất an ninh quốc gia đang bị đe dọa.

Các thảm họa “thiên tai” lẫn “nhân tai” liên tục xuất hiện cho thấy, chúng ta đang vay của tương lai quá nhiều thứ. Khó có thể phát triển bền vững và an toàn nếu cứ đem của dự phòng ra tiêu xài phung phí. 

Dự trữ quốc gia không phải chỉ có tài sản hữu hình như vàng, ngoại tệ… mà đó là tất cả những gì thuộc về lãnh thổ, tài nguyên, văn hóa… 

Đến một lúc nào đó con người sẽ nhận ra rằng tiền, vàng… không thể ăn được!

Hơn lúc nào hết người dân cả nước đang hy vọng, tin tưởng vào một Chính phủ mới, “năng động - đổi mới - sáng tạo” để giúp người dân giải quyết những vấn đề cũ nhưng chưa bao giờ thôi nhức nhối, là trở lực khiến lòng dân bất an, xã hội rối ren, đất nước trì trệ.





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire