jeudi 26 septembre 2019

THẾ GIỚI : Cựu tổng thống Pháp Jacques CHIRAC qua đời ở tuổi 86


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Cựu tổng thống Jacques Chirac, người giữ chức tổng thống Pháp trong hai nhiệm kỳ từ năm 1995, vừa qua đời ở tuổi 86.

Ông Jacques Chirac  (29 tháng 11 năm 1932 - 26 tháng 9 năm 2019) được bầu làm tổng thống Pháp vào năm 1995 và năm 2002. Ông được cho là người đưa nước Pháp vào cộng đồng sử dụng đơn vị tiền tệ euro của châu Âu.

Một trong những cải cách chính trị lớn của ông Chirac là cắt giảm nhiệm kỳ tổng thống Pháp từ 7 năm xuống còn 5 năm, theo BBC.

Năm 1977, ông trở thành thị trưởng đầu tiên được bầu của Paris. Trước đó, chức vụ này đều được chỉ định.

Cựu tổng thống Pháp Chirac qua đời ở tuổi 86. Ảnh: Getty.


Phản đối mạnh mẽ Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003

Ông được cho là người lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất việc Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003.

Trong những năm cuối đời, cựu tổng thống Pháp dính nhiều bê bối tham nhũng.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2007, sức khỏe ông Chirac ngày càng xấu đi. Ông bị đột quỵ năm 2005. Đến năm 2014, vợ ông, bà Bernadette, cho biết cựu tổng thống sẽ không phát biểu trước công chúng do gặp vấn đề về trí nhớ, theo truyền thông Pháp.

Ông Chirac là tổng thống Pháp có thời gian đương nhiệm dài thứ hai trong thời kỳ hậu thế chiến, chỉ đứng sau người tiền nhiệm Francois Mitterrand.

Ông Chirac sinh năm 1932, là con trai của một giám đốc ngân hàng, người sau này trở thành giám đốc điều hành của công ty máy bay Dassault.

Trước khi trở thành tổng thống Pháp, ông Chirac từng hai lần làm thủ tướng và 18 năm làm thị trưởng Paris.

"Chiến tranh luôn luôn là giải pháp cuối cùng. Nó luôn là bằng chứng của sự thất bại. Đây luôn là giải pháp tồi tệ nhất, bởi nó mang đến cái chết và sự khốn khổ", ông nói, đề cập đến việc Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003. Ông cảnh báo rằng bất kỳ sự chiếm đóng nào tại Iraq sẽ gây ra "một cơn ác mộng".

Ông Jacques Chirac cùng bà Angela Merkel sau cuộc họp ở Meseberg vào tháng 2/2007. Ảnh: AFP.

Một trong những hành động vĩ đại nhất của cựu tổng thống Chirac tại Pháp là lên tiếng thừa nhận rằng toàn bộ nước Pháp chịu trách nhiệm về việc 76.000 người Do Thái bị gửi đến các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Thế chiến II, theo Guardian.

Ông cho rằng hành động "điên rồ" của người Đức đã được người Pháp, nhà nước Pháp hỗ trợ. Lời xin lỗi của ông đánh dấu lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Pháp thời hậu chiến thừa nhận hoàn toàn vai trò của Pháp trong thảm kịch này.


Chính trị gia quyến rũ nhưng cũng gây nhiều tranh cãi

Trong suốt sự nghiệp của mình, cựu tổng thống Pháp được coi là một chính trị gia có sức quyến rũ. Trong nhiều thập kỷ, ông đã thu hút công chúng bằng những cái bắt tay vô tận và cử chỉ vỗ lưng của mình.

Trong những chuyến thăm ở Pháp, ông bắt tay nhiều người đến nỗi phải nhúng ngón tay vào thùng đá hoặc đeo thạch cao để tránh cho bàn tay bị phồng rộp. Ông tiếp cận và gần như chạm vào mọi người, từ cái ôm đối với cử tri cho tới việc hôn tay Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tuy nhiên, ông Chirac cũng nhiều lúc bị chế giễu và châm biếm. Ông từng có biệt danh là "siêu dối trá". Sau phiên tòa lịch sử năm 2011, ông trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị kết án tham nhũng với cáo buộc tham ô trong thời gian ông là thị trưởng Paris.

Trong hơn 43 năm trên chính trường, ông Chirac được mô tả là "mối đe dọa" và "sát thủ" đối với đối thủ.

Sinh ra trong gia đình khá giả thuộc tầng lớp tiến bộ ở Paris, ông vẫn tham gia chiến đấu ở tiền tuyến trong chiến tranh Algeria. Ông Chirac là tổng thống Pháp cuối cùng có kinh nghiệm trực tiếp về chiến trường. Điều này khiến ông thận trọng hơn đối với chiến tranh.

Ông Jacques Chirac và bà Margaret Thatcher trong cuộc gặp ở Paris, Pháp năm 1975. 
Ảnh: REX/Shutterstock.

Cựu tổng thống Chirac bị chỉ trích nhiều nhất vì đã không cải cách nước Pháp, khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến các cuộc bạo loạn năm 2005. Trong khi đó, thành tựu của ông tại Pháp bao gồm việc cải thiện an toàn giao thông đường bộ, giúp cứu sống 8.500 người trong vòng bốn năm.

Federic Salat-Baroux, con rể của ông Chirac, cho biết tổng thống thứ 22 của nước Pháp qua đời ở tuổi 86 hôm 26/9/2019. Trong 10 năm qua, ông phải nhập viện nhiều lần vì bị nhiễm trùng phổi, theo Independent.

Trải qua tất cả những thăng trầm trong sự nghiệp chính trị suốt hơn 40 năm, ông Chirac vẫn là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ở Pháp. Tuy nhiên, theo các nhà viết tiểu sử, sự nổi tiếng đó là do việc ông tự cho mình là người của công chúng, chứ không phải vì bất kỳ thành tựu cụ thể nào.


Lễ an táng cho cựu tổng thống Jacques CHIRAC

Theo TTO 30/09/2019 - Dẫu 12 năm dẫn dắt nước Pháp (từ tháng 5-1995 đến tháng 5-2007) có không ít điều tiếng nhưng trong mắt người Pháp, Jacques Chirac vẫn là một dấu ấn khó quên.

Jacques CHIRAC

Tính đến sáng 29/09/2019 đã có ít nhất 5.000 người dân đến Điện Elysée để viết sổ tang kính viếng cựu tổng thống Jacques Chirac.

Trong buổi chiều, lễ viếng ông dành cho dân chúng được tổ chức ngay tại Điện Invalides, với linh cữu của ông được đặt ở cổng nhà thờ tại đây, trong sân điện. Rất đông người dân đã đến chia tay nhà lãnh đạo một thời của mình.

Một thăm dò của Hãng Ifop công bố vào sáng 29/09/2019 cho thấy người Pháp xem ông như "Tổng thống tốt nhất của nền Cộng hòa thứ 5", ngang với "tượng đài" Charles de Gaulle. Có một điều vẫn còn lạ lùng về kết quả này bởi một cuộc thăm dò tương tự cách đây gần sáu năm lại cho kết quả rất khác - khi đó ông Chirac chỉ có được khoảng 10% người yêu thích.


Kết quả thăm dò mới nhất này cũng cho thấy một điều khá bất ngờ: những người trẻ dưới 35 tuổi lựa chọn Chirac nhiều hơn (đến 47%) dù ở lứa tuổi này, họ chưa từng bỏ phiếu cho nhà lãnh đạo được xem là chưa làm được gì đáng kể cho nước Pháp.

Số liệu này cũng phản ánh đúng hiện tượng đang diễn ra: vài năm gần đây, một số vật dụng dành cho giới trẻ có in hình Chirac lại bán đắt như tôm tươi khiến người ta thậm chí phải dùng đến cụm từ "hiện tượng cuồng Chirac".

Cũng có vài lý giải cho hiện tượng này, như chuyện giới trẻ hiện nay soi xét lãnh đạo ở góc cạnh con người hơn là góc cạnh chính trị, nhưng xem ra cũng chưa thuyết phục lắm.


Thật sự thì di sản chính trị của ông trong hai nhiệm kỳ sáu năm được nhớ nhiều nhất là việc không nghe theo lời phát động của tổng thống Mỹ George W. Bush (Bush con) tiến hành cuộc chiến tại Iraq, kế đến là xóa bỏ chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên, và tuyên bố về bảo vệ môi trường ở Johannesburg (Nam Phi) năm 2002 với câu: "Nhà chúng ta đang cháy, thế mà chúng ta cứ mãi nhìn đi đâu".

Tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia danh giá của Pháp cách đây đúng 60 năm, ở tuổi 26, ông Chirac đã vào đời với công việc công chức cấp cao và nhanh chóng đi vào con đường chính trị. Hoạn lộ chính trị của ông khá suôn sẻ với phần đáng nhớ là việc ông làm thị trưởng Paris hơn 18 năm.

Cũng trong giai đoạn này, năm 1979, ông bà Chirac - khi đó đã có hai cô con gái - đã nhận một cô gái gốc Việt 21 tuổi tên Dương Anh Đào làm con nuôi ngay tại sân bay Roissy. Việc nhận con nuôi cấp kỳ ngay ở nơi công cộng này từng gây xôn xao không ít với đồn đoán là cách ông thị trưởng lấy phiếu của cộng đồng người châu Á.


Nhưng như dân gian thường nói "nghĩa tử là nghĩa tận", hôm nay 30/09/2019, nước Pháp chính thức làm lễ an táng cho cựu tổng thống của mình với một ngày quốc tang, với sự hiện diện của khoảng 30 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và các cựu lãnh đạo cùng thời của ông.


Sau lễ tang cấp nhà nước tổ chức ở nhà thờ Saint-Sulpice tại thủ đô Paris, thi hài ông sẽ được đưa đến nghĩa trang Montparnasse cũng ở Paris, đặt cạnh ngôi mộ con gái lớn của ông bà là Laurence (mất năm 2016).


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire