samedi 31 mars 2018

SỨC KHOẺ : Lợi và hại đi bộ với người cao tuổi


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Phòng Bệnh hơn Chữa Bệnh 

Kinh nghiệm cổ nhân Âu Á đều cho rằng ngăn ngừa bệnh là việc làm cần thiết và quan trọng hơn là để bệnh xảy ra rồi mới trị bệnh. Thực vậy, khi có dấu hiệu thì bệnh đã gây ra những rối loạn về tinh thần và tàn phá về thể chất của con người. Và dĩ nhiên khi bệnh đã xảy ra là phải chữa chạy, nếu không thì đời sống sẽ bị thu ngắn.

Ði bộ được xem là một phương-pháp phòng-bệnh hơn là chữa-bệnh. Nó tiện-lợi vì bất cứ ai cũng có thể luyện-tập được. Không cần trang-bị dung-cụ gì ngoài một đôi giày. Không cần thể-lực cường-tráng cũng như năng-khiếu. Vì thế, được những người cao tuổi rất ưa-chuộng.



Người cao tuổi có nên tập đi bộ?

Giống như mọi môn thể-thao khác, đi bộ giúp tăng-cường sức-khỏe cho cơ-thể. Nó thích-hợp cho những bệnh-nhân tim mạch. Vì không cần tốn nhiều sức-lực, động-tác đơn-giản, có thể tự điều-chỉnh cường-độ và thời-gian luyện-tập. Tuy nhiên, không phải ai tập đi bộ cũng cho kết- quả tốt. Có nhiều người càng đi lại càng bị đau nhiều hơn, đặc-biệt là những bệnh nhân đau khớp.

Với những khớp gối bình thường, khi duỗi gối, lực ép lên khớp chè đùi gần bằng 0. Khi đi bộ, lực ép này bằng 1/2 trọng-lượng cơ-thể, tức vào khoảng 25-40kg. Người càng béo thì tải-trọng này càng lớn và lực càng tăng khi thời-gian đi càng dài. Ðiều này giải-thích nguyên-nhân vì sao một số người cảm thấy đau gối sau khi tập đi bộ. Cơn đau này không giảm đi mà ngày một tăng dần, tỷ lệ-thuận với thời-gian đi bộ, trọng-lượng cơ-thể và mặt dốc, độ gập-ghềnh của đường tập.

Trên thực-tế, nhiều bệnh-nhân đau khớp dù thấy đau cũng cố- gắng tiếp-tục tập đi bộ. Vì vậy, có thể dẫn đến hậu-quả là khớp ngày càng tổn-thương nhiều hơn. Mà đau chính là dấu-hiệu báo- động của cơ-thể, khi đó cần phải giúp cơ-quan bị bệnh được nghỉ- ngơi để hồi-phục trở lại. Khớp xương cũng vậy, khi đau nhức là do bị viêm khớp, sự nghỉ-ngơi lúc này rất cần-thiết và cũng là phương-pháp giúp giảm đau. Nếu cứ đi bộ trong khi viêm khớp gối, chắc-chắn bệnh- nhân sẽ bị đau hơn.


Ða số người cao tuổi, ai cũng bị thoái-hóa khớp gối (osteoarthritis).Thực-chất của bệnh là tình-trạng lão-hóa của khớp gối qua nhiều năm; Các lớp sụn khớp bị hư-hỏng, trục xương cong vào trong. Càng đi nhiều sẽ càng làm khớp hư thêm. Lý-do là khi đi đứng, sẽ tạo một sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái-hóa. Lớp sụn đó có tác-dụng hấp-thu lực đè ép. Nay tác-dụng này giảm đi hoặc không còn nên sẽ tạo những sang chấn trên hai đầu xương. Gây ra hiện-tượng viêm khớp. Từ đó, dẫn đến cơn đau khớp khi bệnh-nhân đứng hay đi. Vì thế, với những bệnh-nhân này, người ta khuyến-cáo phải hạn-chế đi lại. Khi đi bộ, cần phải có nạng hay gậy nâng-đỡ để giúp giảm tải-trọng lên bề mặt khớp hư.

Với những lý-do trên, các chuyên-gia về xương khớp đã đánh-giá đi bộ không phải là môn thể-thao tốt đối với người cao tuổi.


Tập luyện môn gì thích hợp cho người cao tuổi

Những người cao tuổi không có triệu-chứng đau gối, vẫn có thể tập đi bộ. Nhưng cần lưu-ý đến cường-độ và thời-gian tập-luyện sao cho phù- hợp với cơ-thể. Khi có triệu-chứng đau nhức. Cần giảm bớt mức-độ tập luyện hay nghỉ-ngơi một thời-gian rồi mới tập lại. Có nhiều người tập đi bộ từ thời còn trẻ, không có vấn-đề gì. Nhưng một ngày nào đó, khi tuổi đã cao bỗng thấy có vấn-đề ở đầu gối. Ðó là vì họ không biết giảm bớt sự vận-động cho phù-hợp với tuổi-tác. Chỉ cần đi ít lại, chậm hơn một chút sẽ giúp cơ-thể dễ chịu ngay.

Người cao tuổi rất cần có sự vận-dộng, nhưng phải phù-hợp với thể trạng. Nguyên-tắc vận-động ở người cao tuổi là nhẹ-nhàng, chậm và liên-tục. Tại sao phải như vậy? Vì cơ-thể người cao tuổi như một cái máy cũ- kỹ, quá-trình lão-hóa khiến các hệ-thống cơ-bắp, dây chằng không còn tính đàn-hồi tốt nữa. Những cử-động vừa nhanh, vừa mạnh có thể làm tổn-thương các cơ-bắp và dây chằng vốn dĩ đã chai cứng. Tinh giãn nở đã yếu nhiều. Sự cử-động chậm và nhẹ sẽ giúp co giãn từ từ các dây-chằng và cơ-bắp. Nếu luyện-tập liên-tục và đều-đặn. Nó sẽ giúp cải-thiện rất nhiều sự dẻo-dai của các khớp xương.



Với người cao tuổi, đi xe đạp tốt hơn đi bộ. Tốt nhất là tập võ dưỡng- sinh. Ðặc-điểm của các động-tác trong bài quyền được thực-hiện thật chậm-rãi, phong-thái nhẹ-nhàng, đặt ý-nghĩ và hơi-thở đi theo động-tác của tay chân. Nguyên-lý này hoàn-toàn phù-hợp với thể-chất của người cao tuổi. Thực-tế cho thấy nhiều người tập đã cảm thấy cơ-thể ngày càng khỏe hơn, ít bệnh-tật đau-ốm vặt. Tuy nhiên, cần lưu-ý môn võ dưỡng-sinh hiện nay đã bị người ta cải-biến rất nhiều. Mỗi người thêm-thắt một chút, khiến nó không còn giữ được cái thần-khí nguyên- thủy của người xưa.


Ví dụ người ta cho các cụ ông, cụ bà tập những bài tập khởi-động của các môn thể-dục thể-thao phương Tây như xoay gối, cúi gập người, bẻ lưng, thậm chí chạy nhảy tại chỗ. Những động- tác này rất hại cho các khớp, đặc-biệt là cột sống thắt lưng và khớp gối. Chúng chỉ thích-hợp cho thanh-niên luyện-tập các môn thể-thao mạnh- mẽ. Chứ không phù-hợp với cơ-thể người cao tuổi.


Bệnh nhân tim mạch có nên tập đi bộ ?

Với những bệnh-nhân trẻ tuổi, hệ-thống khớp xương gân cơ còn tốt, thì đi bộ là môn vận-động hàng đầu được chọn-lựa để luyện-tập, có thể giúp nâng cao sức chịu đựng và sức làm việc của tim. Tuy nhiên, sự vận-động quá mức cũng sẽ làm xấu thêm tình-trạng suy tim và bệnh thiếu máu cơ tim. Ðã có những bệnh-nhân tử-vong trong khi đi bộ do cố-gắng tập quá sức. Thời-gian đi bộ và quãng đường đi cần được theo-dõi và giám-sát bởi bác-sĩ.
 
Với người cao tuổi bị bệnh tim mạch thì sao? Sở dĩ bác-sĩ khuyên những bệnh-nhân tim mạch nên đi bộ vì đây là một môn vận-động nhẹ- nhàng, không tốn nhiều sức. Ai tập cũng được vì nó đơn giản, không cần sân tập và trang thiết bị kèm theo. Nhưng một khi đã có vấn-đề xương khớp, tại sao bạn không chọn lựa những môn khác tốt hơn như tập võ dưỡng-sinh, thể-dục tay không, đạp xe đạp, bơi lội. Khi tập đi bộ, cần cân nhắc cường độ theo tuổi tác; Thời gian tập và quãng đường đi cần phải giảm dần theo thời gian (là điều căn bản khác với khi còn trẻ). Ði tập vào buổi sáng cần giữ ấm và mang giày thích-hợp với bàn chân. Khi có triệu-chứng đau gối hay đau lưng thì lập tức phải nghỉ-ngơi hoặc giảm ngay thời-gian đi.


Lợi ích của việc đi bộ 30 phút mỗi ngày

Trong xã hội hiện đại, con người chúng ta đang bị cuốn vào một mạng lưới công nghệ. Bận rộn của công việc khiến nhiều người ít có thời gian để tập thể dục, chăm sóc đến sức khỏe của bản thân.

Đừng nghỉ rằng, đầu tư tiền để tập gym mỗi ngày sẽ giúp cho bạn có được sức khỏe như mong muốn, chỉ cần dành 30 phút đi bộ mỗi ngày cũng sẽ mang lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe của bạn.

Đây là một bộ môn thể thao mà tất cả cả các bộ phận của cơ thể đều hoạt động cùng lúc và đốt cháy lượng calo lớn. Giúp phòng chống nhiều bệnh tật, tinh thần thoải mái, tăng năng suất và hiệu quả trong công việc.


Dưới đây là những lợi ích của việc đi bộ 30 phút mỗi ngày nên biết:

Đi bộ giữ trái tim luôn khỏe mạnh
Đi bộ mỗi ngày làm tăng nhịp tim của chúng ta. Điều này cải thiện lưu thông máu, kiểm soát huyết áp, giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể và làm tăng cholesterol tốt.

Tăng quá trình chuyển hóa trong cơ thể
Đi bộ kích thích hệ tiêu hoá và giúp dạ dày tiết ra nhiều enzym, dịch vị để tiêu hóa thức ăn. Điều hữu ích cho việc thúc đẩy quá trình tiêu hóa và tăng tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể. Ngăn ngừa đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi và các vấn đề tiêu hóa khác.

Ngăn ngừa loãng xương
Đi bộ hàng ngày tăng cường chức năng xương khớp và làm xương luôn chắc khỏe, dẻo dai. Ngoài ra, đi bộ vào sáng sớm sẽ hấp thụ tối đa lượng vitmin D có trong ánh nắng mặt trời làm tăng hấp thụ canxi trong xương. Đi bộ cũng ngăn ngừa các dịch khớp khỏi bị khô, tránh khỏi tình trạng bị bệnh viêm khớp.

Tăng cường cơ bắp
Đi bộ mỗi ngày giúp làm cơ bắp luôn chắc khỏe và tăng tỷ lệ cơ vùng cánh tay, bắp đùi và mông. Không cần phải tập luyện vất vả trong phòng tập Gym

Cải thiện hệ thống miễn dịch
Đi bộ tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách kích thích cơ thể tăng sản xuất bạch cầu. Những người thường xuyên đi bộ được ghi nhận ít có nguy cơ bị cảm cúm hoặc cảm lạnh do nhiễm khuẩn thông thường.

Kích thích hoạt động não bộ
Đi bộ làm tăng hoạt động trong tế bào não của chúng ta. Ngăn ngừa sự mất mát của mô não, nó liên quan trực tiếp đến chứng mất trí nhớ và chứng sa sút trí tuệ ở lứa tuổi già. Mỗi ngày đi bộ được biết đến để cải thiện sức mạnh trí nhớ của bạn và ngăn ngừa các bệnh như Alzheimer

Tăng năng lượng
Đi bộ mỗi ngày giúp phòng chống được nhiều bệnh tật. Chỉ cần đi bộ 30 phút mỗi ngày, cơ thể của bạn sẽ luôn khỏe mạnh, năng động cả về tinh thần và thể chất. Đi bộ làm tăng tuần hoàn máu và khả năng vận chuyển oxy của máu. Oxy cung cấp nhiều hơn cho các tế bào và tạo ra mức năng lượng cao.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Theo các chuyên gia của hiệp hội nghiên cứu bệnh tiểu đường thì đi bộ 20-30 phút một ngày sẽ giúp lượng đường trong máu thấp hơn trong 24 giờ.

Thư giãn, giảm căng thẳng
Đi bộ trong công viên và nghe những bản nhạc yêu thích giúp giảm bớt căng thẳng trong tâm trí của bạn. Ngoài ra, tâm trí bắt đầu sản xuất ra oxytocin, kích thích sự hưng phấn. Điều này làm giảm nguy cơ mắc chứng trầm cảm. Đi bộ là một liều thuốc giảm căng thẳng tự nhiên, đồng thời cải thiện giấc ngủ hiệu quả.

Cải thiện hoạt động của hệ hô hấp
Theo Arthritis Foundation, đi bộ cải thiện hơi thở của bạn. Khi đi bộ, tốc độ hít thở tăng lên, khi đó khí oxy được hấp thụ nhanh hơn vào máu giúp loại bỏ các chất thải độc hại.

Giảm mắc ung thư vú
Một nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Mỹ tập trung vào nghiên cứu việc đi bộ 30 phút mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư vú 14% so với người không bi bộ thường xuyên

Tăng tuổi thọ
Các nghiên cứu cho thấy rằng đi bộ mỗi ngày cùng với chế độ ăn uống lành mạnh làm tăng tuổi thọ ít nhất 5 đến 7 năm. Đi bộ giúp giải quyết hầu hết các vấn đề sức khoẻ của chúng ta. Một chế độ ăn uống điều độ, lành mạnh cùng với 30 phút đi bộ mỗi ngày sẽ giữ cuộc sống của bạn tràn đầy năng lượng, khỏe khoắn và hạnh phúc



BLOG : Sông Mekong, con đường thứ hai Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Sông Mê Kông

Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.

Bản đồ lưu vực sông Mekong

Tính theo độ dài đứng thứ 12 (thứ 7 tại châu Á), còn tính theo lưu lượng nước đứng thứ 10 trên thế giới (lưu lượng hàng năm đạt khoảng 475 triệu m³). Lưu lượng trung bình 13.200 m³/s, vào mùa nước lũ có thể lên tới 30.000 m³/s. Lưu vực của nó rộng khoảng 795.000 km² (theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông) hoặc hơn 810.000 km² (theo số liệu của Encyclopaedia Britannica 2004). Sông này xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam. Các quốc gia kể trên (trừ Trung Quốc) nằm trong Ủy hội sông Mê Kông.


Giao thông bằng đường thủy trên sông Mê Kông gặp nhiều khó khăn do dòng chảy bị thay đổi nhiều theo mùa, các đoạn chảy xiết và các thác nước cao. So với tiềm năng to lớn nếu được khai thác đúng mức, hiện nay, chỉ một phần nhỏ của sông được dùng trong việc dẫn thủy nhập điền và tạo năng lực thủy điện. Tuy nhiên lưu lượng và nhịp độ nước lũ ban phát nhiều lợi ích: biên độ dao động cao (sai biệt khoảng 30 lần giữa mùa hạn và mùa nước lũ) rất thuận lợi cho lối canh tác ruộng lúa ngập nước cho nhiều vùng rộng lớn.

Đặc điểm thủy năng nổi bật của sông Mê Kông là vai trò điều lượng dòng nước bởi hồ Tonlé Sap - hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á - người Việt thường gọi là "Biển Hồ".


Sông Cửu Long

Bắt đầu từ Phnôm Pênh-Campuchia, nó chia thành hai nhánh:
- bên phải là sông Ba Thắc (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu)
- bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220–250 km mỗi sông. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái.

Tập hợp của cả chín nhánh sông lớn tại Việt Nam được gọi chung là sông Cửu Long.


Sông Mekong, con đường thứ hai Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á

Theo RFA ngày 02/05/2017 - Giữa tháng tư báo chí Thái Lan liên tục đưa tin một đoàn khảo sát Trung Quốc bắt đầu thăm dò các thác ghềnh ở thượng nguồn sông Mekong trên lãnh thổ Thái Lan để có thể phá các thác này mở đường cho tàu bè đi lại giữa các nước hạ lưu và Vân Nam Trung Quốc. Nhiều nhà hoạt động môi trường Thái Lan đã tổ chức phản đối chuyện này.


Tác hại môi sinh và kinh tế

Ngày 25 tháng 4 năm 2017, báo Tuổi trẻ tại Sài Gòn cũng đưa lại thông tin chuyện Trung Quốc khảo sát các thác ở Thái Lan để có thể chuẩn bị phá thác, khơi dòng cho tàu bè lưu thông. Tuy nhiên không thấy báo dẫn lời các chuyên gia trong nước về thông tin này.

Chúng tôi đã trao đổi với Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long để hỏi ý kiến ông về chuyện này.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện trưởng viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long) cho biết là nếu các thác vùng thượng du sông Mekong thuộc lãnh thổ Thái Lan bị phá thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến các loài cá sống ở đó, cũng như là sẽ gây lụt nặng và nhanh hơn vì các ghềnh thác là nơi giữ chậm lại dòng nước lũ. Tuy nhiên Tiến sĩ Tuấn nói rằng việc phá thác này không chắc ảnh hưởng nhiều đến vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam vì nó nằm khá xa.

Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng bộ thủy lợi của Việt Nam nói rằng không thể nói chính xác tác hại của những dự án đó như thế nào vì những vấn đề kỹ thuật mà Việt Nam không có tham gia. Theo ông vấn đề nằm ở chỗ là Việt Nam phải có tầm nhìn xa về những vấn đề như thế này từ trước.

Việt Nam mình có cải dở từ xưa đến nay, theo tôi là không chủ động, cái gì cũng không chủ động. Trên đời này có hai từ đất và nước, mà hai cái từ này theo tôi các nhà lãnh đạo rất là bị động. Đất thì để cho người ta làm này khác rồi la toáng lên, còn nước thì người ta làm đến nơi rồi, duyệt luận chứng, rồi đầu tư rồi thì mới kêu, lúc đó không giải quyết được vấn đề gì hết. Thành ra vấn đề là phải chủ động quan hệ đối ngoại. Coi những việc đó dưới tầm nhìn năm năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 50 năm. Chứ nếu người lãnh đạo đi họp sông Mekong mà sắp đến ngày họp thì cấp dưới báo là Thủ tướng phải đi, rồi chuẩn bị mấy câu, đi họp nói mấy câu ba điều bốn chuyện thì như thế không giải quyết được vấn đề gì cả.

Chuyện đất mà ông Trần Nhơn đề cập là những dự án cho nước ngoài thuê đất rừng mà công luận đã lên tiếng quan ngại cách đây không lâu.

Ông Trần Nhơn nói rằng khi không có tầm nhìn trước thì ngay đối với các quốc gia thân thiện với Việt Nam như Lào và Campuchia thì Việt Nam cũng khó lòng lên tiếng khi sự đã rồi, huống hồ một nước như Trung Quốc.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, người từng tham gia làm chuyên gia bên Lào thuật lại rằng đã từng gặp những nhóm khảo sát người Trung Quốc ở Hạ Lào với những dụ án phá thác ghềnh ở khu vực thác nước lớn nhất Đông Dương này. Tiến sĩ Tuấn nói rằng ngoài những lo ngại về tác động môi trường lên sinh thái của lưu vực Mekong, nhiều người còn lo ngại rằng khi dòng sông Mekong không còn ghềnh thác nữa, Trung Quốc sẽ dùng con đường này để gia tăng ảnh hưởng kinh tế:

Có một số người không phải là về môi trường hay sinh thái, họ lại nhìn sự ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước ở phía dưới này nhiều hơn. Hàng hóa Trung Quốc sẽ có cơ hội tràn xuống vùng này. Điều này cũng đáng lo ngại, vì hàng Trung Quốc ngoài loại tiêu dùng còn có những loại độc hại, những loại hóa chất, thực phẩm độc hại có thể tràn xuống để bán cho người nghèo. Đó là một điều người ta lo ngại.


Khống chế Đông Nam Á bằng sông Mekong

Để giải quyết những xung đột lợi ích giữa các quốc gia có chung dòng sông Mekong, hiện nay có Ủy ban sông Mekong gồm bốn thành viên Việt Nam, Lào, Thái Lan, và Cam Pu Chia.

Ông Trần Nhơn bình luận về hoạt động của ủy ban sông Mekong Việt Nam:

Cái ủy ban sông Mekong khi thì đặt ở bộ thủy lợi, khi thì đặt ở bộ nông nghiệp, rồi bây giờ đặt ở bộ tài nguyên môi trường, theo tôi là rất mờ nhạt trong vài chục năm nay. Cái cách làm việc rất bị động, rất, rất, rất bị động.”

Trên trang web của Ủy ban sông Mekong Việt Nam chúng tôi không thấy đăng tải tin tức về kế hoạch khảo sát và phá thác ghềnh của Trung Quốc tại miền bắc Thái Lan. Tiến sĩ Tuấn nói không rõ là Ủy ban sông Mekong của Thái Lan có tham vấn ủy ban sông Mekong của Việt Nam hay không vì không có thông tin công khai.

Gần đây có những lời đề nghị Trung Quốc tham gia vào Ủy ban sông Mekong với tư cách là một quốc gia có dòng sông Mekong dài nhất. Nhưng theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, người Trung Quốc lúc đầu chỉ muốn thành lập và lãnh đạo một cơ quan gọi là Lan Thương Mekong với trụ sở đặt ở Vân Nam. Lan Thương là đoạn sông Mekong chảy ngang lãnh thổ Trung Quốc. Bây giờ hầu như tất cả các điểm có thể xây dựng thủy điện trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc đều đã hoàn tất các đập nước, nay lại mong hợp tác với các quốc gia ở hạ du.




Trung Quốc muốn độc chiếm Mêkông

Theo RFI ngày 27/07/2017, liên quan đến châu Á, tuần báo Courrier international đăng bài “Dòng sông Mêkông được vẽ lại”, trích dịch từ báo Bangkok Post. Bắc Kinh muốn biến dòng sông này thành một tuyến đường trong mạng lưới vận tải, vốn đã chằng chịt, để chuyển hàng hóa Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á.


Ngày 14/11/2015, Trung Quốc đề xuất chương trình Hợp tác Lan Thương-Mêkông (CLM) với mục đích cải thiện giao thương và hợp tác với các nước cùng chung dòng sông là Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam. Trong cuộc họp đầu tiên giữa các bên vào tháng 03/2016, thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết tháo khoán 1,35 tỉ euro tín dụng và tuyên bố sẵn sàng cấp các khoản tín dụng tổng cộng đến 83,75 tỉ euro nhằm đầu tư vào các công trình hạ tầng lớn và phát triển mạng lưới giao thông trong vùng Mêkông, trong đó có cả hệ thống đường sắt, cảng sông và vận tải hàng không.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, nhiều công trình khai quang khu vực Mêkông đã được tiến hành, kể cả việc dùng chất nổ phá đá và các dốc đứng để thương thuyền 500 tấn có thể qua lại được, thay vì những con tầu 100-200 tấn như hiện nay.

Tờ Bangkok Post cho biết cải thiện khả năng lưu thông trên dòng Mêkông đã được một số nhà công nghiệp người Hoa chú ý ngay đầu những năm 2000. Chỉ đến khi dự án Hợp tác Lan Thương-Mêkông được đưa ra, người dân Thái Lan trong khu vực mới biết đến dự án này.

Từ 20 năm qua, Trung Quốc xây dựng rất nhiều đập thủy điện trên dòng sông chảy qua lãnh thổ và từ đó, mực nước lên xuống phía hạ nguồn do Trung Quốc quyết định. Hậu quả là nhiều loài cá đã biến mất khiến ngư dân phải chuyển nghề, nông dân trồng hoa mầu bên bờ sông luôn ngay ngáy sợ nước lên bất thường vì Trung Quốc xả lũ.

Bên cạnh dự án vận tải đường thủy trên dòng Mêkông, Trung Quốc đã phát triển mạng lưới đường bộ nối với Thái Lan nhờ trục cao tốc R3A (2008) đi qua lãnh thổ Lào, cây cầu hữu nghị thứ 4 (2013) giữa Thái Lan và Lào dẫn đến vùng Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), một hải cảng thương mại mới (2011) tại vùng Chiang Saen (Thái Lan)… Những công trình hạ tầng này đã tạo thêm lực đẩy cho giao thương biên giới, đặc biệt nhờ thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN, có hiệu lực từ năm 2010.


BÌNH LUẬN

Trung Quốc muốn khống chế lưu vực sông Mekong cũng giống như khống chế biển Đông vậy. Nghĩa là họ chiếm các đảo, rồi xây ra thành các thực thể, căn cứ quân sự, để không chế sự đi lại ở biển Đông. Còn ở phía Tây thì họ muốn không chế sông Mekong. Họ hoàn toàn không tham gia gì, không cung cấp các số liệu, rồi xây những đập thủy điện xong rồi bây giờ mới nói chuyện hợp tác.