vendredi 19 juin 2015

DU LỊCH : Vài Món Ăn Đặc Sản Của Miền Tây Nam Bộ


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Sẽ có ít người biết rằng, Miền Tây được mệnh danh là quê hương của những món ngon đặc sản Nam Bộ. Với nhiều món ngon mà chúng ta có lục tìm khắp mọi nẻo đường của đất nước cũng không thể tìm ra, chỉ có tại nơi đây, nơi mảnh đất của sông nước, con người Miền Tây mộc mạc, giản dị như chính món ăn của họ vậy. 

Sau đây là vài món ăn đặc sản chỉ có duy nhất ở Miền Tây :

Cá lóc nướng trui

Cá lóc là loại cá rất phổ biển tại vùng miền Tây sông nước, vào những mùa nước cạn hay mùa gặt là thời điểm đánh bắt cá lóc dễ dàng nhất, dụng cụ đánh bắt rất đơn giản chỉ cần 1 nơm tre, hay một chiếc chậu nhỏ là có thể đánh bắt một mớ cá ngon.

Bạn phải chọn cá lóc lớn khoảng 400 – 500g là vừa, lớn quá khó nướng, để nguyên con không cạo vảy, dùng que tre hoặc thanh trúc lụi từng con từ đuôi ra lòng cá, sau đó đặt lên bếp nướng.


Bếp đúng quy cách là để lên mấy hòn gạch và đốt bằng rơm. Nướng cho đến khi cá cháy khét nhưng phải trở mặt cá cho đều. Trong thời gian nướng (chừng khoảng 15 - 30 phút) dùng “chổi” thoa mỡ hành lên mình cá.


Sau đó xẻ đôi con cá dọc theo lưng, lấy bộ đồ lòng của cá cho vào chén nước mắm đường đầm me, tỏi, ớt để làm nước chấm. Và thưởng thức cùng ly rượi đế cùng với bánh tráng mỏng, rau thơm kiến ai kén ăn cũng phải nghiền.


Có nhiều cách nướng cá lóc, nướng than hồng, nướng lá sen, nướng đất, những cách nướng trui bằng rơm vẫn là cách nướng ngon nhất, lửa cháy đều, giữ được thịt cá thơm ngon.


Đuông dừa


Đuông dừa là 1 loại ấu trùng, cánh cứng, có nhiều nhất ở miền tây nam bộ. Đuông dừa rất dễ bắt, nó thường sinh sống trong cổ hũ (bên trong ngọn) của thân cây dừa, cau,…nói chung là các loại cây thuộc họ Cau, khi muốn bắt được ta phải đốn bỏ các cây đó.


Đuông dừa được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như : đuông chiên giòn, gỏi đuông tầu hữu dừa, đuông lăn bột,… Đuông dừa là một loại thức ăn bổ, sạch, chứa nhiều protein và cung cấp nhiều vitamin A, C, B1, chống lão hóa, tăng cường sức khỏe.


Chuột đồng

Thịt chuột là món ăn “khoái khẩu” không chỉ của người miền Tây Nam Bộ mà còn nhiều người nếu có dịp thưởng thức một lần. Đến mùa chuột, bà con nông dân thường xuyên tổ chức những buổi đi săn bắt chuột, trước là cải thiện bữa cơm gia đình, sau nhằm giới thiệu món ngon miệt đồng, cũng là cách làm giảm bớt chuột bảo vệ mùa màng.


Bên cạnh các món ngon từ chuột, người nội trợ ở đồng đất miền Tây Nam Bộ còn nghĩ ra món ngon độc đáo đó là chuột xào kiệu, cùng với hành tây, gốc hành lá, nấm rơm và rau cần tàu, người ta có một món ngon nhớ mãi. Gắp một miếng chuột cho vào miệng, nhai, nghe những sớ thịt chuột mềm trong răng và mỡ của nó tươm tràn trên mặt lưỡi.


Cái vị ngọt béo, thơm của thịt chuột chưa kịp tan hết trong miệng, gắp vài ba củ kiệu, chấm tương ớt, sẽ nghe mùi hăng nồng đặc trưng của kiệu hòa trong mùi hăng nồng của hành tây và rễ hành lá.

Viết đến đây tôi chảy nước miếng ... bởi vì đã có dịp ăn món này tại Vĩnh Long.


Lẩu Mắm

Đối với người dân Miền Tây thì Lẩu Mắm là một món ăn đặc sản ngon nhất, được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Nếu bạn đã từng đến đây và đã một lần thưởng thức Lẩu Mắm thì sẽ nhớ mãi hương vị của Miền Tây sông nước này.


Nguyên liệu chủ yếu để tạo nên một nồi Lẩu Mắm đặc biệt này gồm có: 1 con cá bông lao, hoặc cá hú tùy ý bạn ăn, nửa cân thịt ba chỉ ngon, mực, tôm, đậu bắp, một ít mắm cá sặc, nửa cân xương heo để làm nước dùng.

Gia vị gồm có: 1 bát nước cốt dừa, 1 ít sả bằm, 3 tép sả, ớt, muối, đường nước mắm…khoảng 1 kg bún, rau ăn kèm rau muống, ngói súng, bắp chuối, rau nhút, 1 trái thơm.


Bò tùng xẻo

Nói đến Nam Bộ mà thiếu món bò tùng xẻo hay bò gác chéo thì quả là sai lầm. Người dân Nam bộ thường truyền cho nhau về lịch sử món ăn này. Cách đây hơn nửa thế kỷ, các chủ điền vùng khẩn hoang Nam bộ thường mở tiệc nhậu ngay trên sân vườn hoặc đồng ruộng trong dịp cuối năm hay đầu năm mới.. Thức ăn cho những buổi tiệc kiểu này là nguyên một con bò non được nướng qua lửa than hồng.


Bò được cắt lấy tiết, làm lông sạch, mổ lấy hết ruột rồi nhồi vào bụng các loại lá thơm như kinh lăng, lá sả, tía tô…. xong khâu chặt lại. Ðem bò đặt trên hai cây tre lớn gác chéo, 4 chân cột trên bốn nhánh của hai cây tre để trở mặt dễ dàng (vì vậy có tên bò gác chéo) xong đốt lửa lên nướng cho đến khi bó chín vàng. Lúc ăn người ta cầm dao xọc vào thân bò, thịt sẽ theo hơi nóng xì ra đỏ tươi dùng nĩa găm và dao cắt chấm với tương.

Hiện nay bò tùng xẻo đã trở thành món đặc sản nổi tiếng tại nhiều tỉnh thành của cả nước. Món ăn độc đáo này còn có tên gọi là bò gác chéo chân, có lẽ xuất phát từ tư thế bắt chéo chân bò khi chế biến.


Cá lóc hấp mẻ

Đồng bằng sông Cửa Long là “vựa” cá đồng rất phong phú. Trong các loài cá nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửa Long thì cá lóc là đặc sản tiêu biểu nhất, cá lóc được chế biến rất nhiều món như:  cá lóc đắp bùn, cá lóc nướng trui, cá lóc nướng lá sen, cá lóc hấp bông so đũa khô, chiên, hấp, nấu canh…


Cá Lóc chế biến cũng rất đơn giản, không cần đánh vẩy, cạo nhớt, mổ ruột, hay tẩm ướp gia vị trước. Đặc biệt cá ở đây là cá đồng nên khi ăn thịt rất thơm, mềm, dai rất ngon. Và Cơm mẻ là chất làm chua từ cơm nguội cho lên men, có vị chua dịu, rất đặc trưng.


Hành củ cắt lát mỏng, hành cọng cắt khúc dài, lót dưới khay. Cá ngâm nước muối vài phút, rửa thật sạch, cho lên trên khay. Phủ một chén cơm mẻ lên mình cá, để lửa sôi liu riu. Thấy da cá nhăn nhíu lại là cá đã chín.

Qua vài món ăn đặc sản Miền Tây ở trên hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tại sao Miền Tây mệnh danh là quê hương của những món ngon đặc sản Nam Bộ.


BÌNH LUẬN

Người Tây Nam Bộ bộc trực, thẳng thắn, nhưng cũng rất tinh tế, khéo léo trong ứng xử. Họ sẵn sàng đùa cợt, cười rần để xua tan đi những nỗi nhọc nhằn trong quá trình chinh phục thiên nhiên hoang dại. Và lời nói là nơi thổ lộ rõ ràng nhất.

Lời nói là phương tiện không thể thiếu trong giao tiếp. Trong giao tiếp lại bộc lộ văn hoá ứng xử của người bình dân. Hơn thế, lời nói đã đi vào lời ca, tiếng hát, nó góp phần làm lung linh thêm những tinh thần của người dân quê chơn chất.

Từ lời nói dân gian, chúng ta còn phải học tập nhiều lắm ở họ :

Chim khôn kêu tiếng rãnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.


Những cách nói của người Tây Nam bộ thể hiện qua ca dao

Nói Cà rỡn

Cà rỡn là lời nói với chức năng đùa vui, không thể hiển sự giọng cao thấp, cạnh khoé. Chàng trai thấy cô gái dễ thương, bèn bông lông rằng :

Nước Láng Linh chảy ra Vàm Cú
Thấy em chèo cặp vú muốn hun

Đồng Láng Linh Mùa Nước Nổi

Quả là lời tỏ tình trắng trợn, muốn chuyện … rất nhạy cảm mà dám cất thành lời, nhưng xét cho cùng đối tượng cần nghe hình như không nghe thấy, người dưới sông, người trên bờ, khoảng cách quá xa … Có lẽ, khi gần nhau chẳng ai dám nói kiểu … đó!

Tiếu lâm hơn là lời của “ông” anh rể :

Giữa trưa đói bụng thèm cơm
Thấy đùi em vợ như tôm kho tàu

Đem “đùi” của cô em vợ nõn nà so sánh với “tôm kho tàu” giữa khi bụng đói … thì thật là chỉ có anh ta dám nói những điều mà nhiều người nghĩ, nhiều kẻ muốn, nhưng không ai dám … giỡn kiểu đó!


Nói toạc móng heo

Nói toạc móng heo là cách nói thẳng hết những sự thật, không cần giấu giếm, che đậy. Không xao xuyến làm sao được, bởi hình bóng của người con gái có duyên:

Tóc ngang lưng vừa chừng em bới
Để chi dài bối rối dạ anh

Cũng là cách nói thẳng, ta gặp câu ca đáo để khác:

Nước ròng trong ngọn chảy ra
Thấy em chồng chết anh bôn ba qua liền

Bôn ba là tính từ chỉ sự vội vã, vội vàng trong hành động. Qua lời nói trực tiếp ấy dường như người trong cuộc đã hiểu được nỗi lòng của người nói. Chồng em chết anh vội qua ngay để … giúp đỡ! Tất nhiên là trong cảnh goá bụa, chiếc bóng một mình, có nhiều chuyện cần phải có bàn tay người đàn ông lắm! Nói thật, nói thẳng nhưng không phải là không có ẩn ý trong kiểu nói như vậy! Cảnh giác quá mức sẽ phụ lòng của người hàng xóm tốt bụng, còn nếu “ngây thơ” thì biết đâu … chấp được mối tơ thừa! Nên chăng?


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire