jeudi 9 avril 2015

BIẾN ĐÔNG : Trung Quốc xây “Vạn Lý Trường Thành” trên biển Đông


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Trong những diễn biến khác, liên quan đến sự kiện này, nhiều chuyên gia quốc tế đã phân tích và nhận định rằng, hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ giúp tàu chiến của Trung Quốc phản ứng nhanh, nếu có xung đột trong khu vực. Chiến lược của Trung Quốc là chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bao trùm trên hết Biển Đông, sau khi đã tuyên bố vùng tương tự tại biển Hoa Đông; nhằm tiến tới thực hiện âm mưu giành quyền kiểm soát không chính thức các vùng biển lân cận ở tây Thái Bình Dương.

Trung Quốc tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đảo nhân tạo quanh đảo đá Gạc Ma - hòn đảo mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam từ năm 1988.

'Đó là những căn cứ quân sự mang tính chất tấn công'
Hình ảnh chụp từ vệ tinh của Công ty vũ trụ châu Âu Airbus Denfense & Space (trước đây có tên là EADS, đổi tên từ đầu năm 2014) vào các thời điểm khác nhau từ tháng 3/2014 đến tháng 1/2015 trên bãi Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy sự lấn chiếm xây đảo nhanh chóng của Trung Quốc.


Loạt đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế báo động
(Sydney Morning Herald)

Loạt đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông là những căn cứ quân sự mang tính chất tấn công

Thông tin, hình ảnh của tình báo Mỹ và quan điểm của Chính phủ Mỹ về các hành động của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa rõ ràng là những sự thật không thể chối cãi được.

Trung Quốc đã có những hoạt động hết sức mạnh mẽ, khẩn trương và trên một quy mô rất lớn để xây dựng những công trình quân sự như đường băng sân bay, khu hậu cần, các đồn bốt nhằm phục vụ lực lượng quân sự của Trung Quốc.

Mỹ là một trong những nước có lợi ích gián tiếp ở biển Ðông, đặc biệt về lĩnh vực hàng hải, địa chính trị với tư cách là một nước lớn.

Trung Quốc đang thiết lập các nhịp cầu để làm bàn đạp tấn công. Có thể sẽ có lúc họ dùng vũ lực để đánh chiếm các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam như các năm 1956, 1974, 1988 và cũng có thể họ sẽ tiến hành “chiến tranh xâm lược mềm” như triển khai tàu đánh cá, hoạt động dầu khí và hàng không trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ðây chính là một trong những mũi tiến công hết sức nguy hiểm của Trung Quốc.

Có thể nói đây là những công trình quân sự mang tính chất tấn công và hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Trung Quốc trong việc từng bước đặt các nhịp cầu để có thể vươn ra khống chế và độc chiếm biển Ðông theo yêu sách lưỡi bò của mình.

Bài học Hoàng Sa bị mất vẫn còn đó. Họ từng bước chiếm Hoàng Sa vào năm 1956 và 1974. Ðây là mũi tấn công hết sức nguy hiểm mà chúng ta không thể không cảnh giác.

'Đó là những căn cứ quân sự mang tính chất tấn công'

Mỹ tố Trung Quốc xây “Vạn Lý Trường Thành” trên biển Đông

Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc trên biển Đông đang đặt ra những câu hỏi lớn - tờ Wall Street Journal dẫn lời đô đốc Harry Harris Jr., tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Ông Harris cáo buộc Trung Quốc đang xây dựng một “Vạn Lý Trường Thành bằng cát” trên biển Đông. Đây được coi là lời chỉ trích công khai và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của vị tư lệnh này đối với hoạt đông xây dựng của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.


“Khi nhìn vào sự gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông - bao gồm sự mơ hồ của tuyên bố "đường 9 đoạn" không phù hợp với luật pháp quốc tế - không có gì ngạc nhiên khi thấy quy mô và tốc độ xây dựng các hòn đảo nhân tạo đang đặt ra những câu hỏi lớn về dự tính của Trung Quốc”, đô đốc Harris phát biểu tại một hội nghị an ninh hàng hải do Viện Chính sách chiến lược Australia tổ chức.

Theo ông Harris, Trung Quốc đã tạo ra 4 km² đảo nhân tạo trên biển Đông, và hoạt động xây dựng vẫn tiếp tục diễn ra.


Admiral Harry B. Harris, Jr., USN
Tư lệnh 24, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ

Việc Trung Quốc làm gì tiếp theo sẽ là tín hiệu quan trọng cho thấy liệu khu vực sẽ tiến tới đối đầu hay hợp tác”, ông Harris phát biểu.

Các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đã khiến nhiều nước trong khu vực, bao gồm Philippines và Việt Nam, lo ngại. Australia, một đồng minh lâu năm của Mỹ cũng đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Năm ngoái, Australia đã ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh với Nhật nhằm ứng phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc.

Tư lệnh Harris nói Mỹ duy trì cam kết tái cân bằng lực lượng về phía Thái Bình Dương và đến năm 2020, 60% lực lượng Hải quân Mỹ sẽ nằm trong hạm đội Thái Bình Dương, trong đó có tàu tấn công đổ bộ USS America.

Trước đó, tại hội nghị an ninh ở Canberra, chuẩn đô đốc Christopher J. Paul, phó tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng Mỹ sẽ di chuyển tàu khu trục tàng hình hiện đại nhất của nước này có tên Zumwalt tới khu vực Thái Bình Dương để trấn an các đồng minh. Ông Paul cũng hối thúc hải quân Australia xem xét triển khai tàu chiến mới trong các nhóm tuần tra “tìm-diệt” do Mỹ dẫn đầu.

Chuẩn đô đốc Paul nói, một thế hệ chiến hạm mới của Australia - bao gồm tàu khu trục có năng lực hạt nhân, tàu đổ bộ và tàu khu trục loại nhỏ - sẽ phù hợp hơn với một học thuyết hải quân “cơ bắp” hơn với tên gọi “năng lực tiêu diệt được phân bổ” mà hải quân Mỹ công bố mới đây.


Chinese construction on the Johnson South Reef, November 15, 2014.

Dịch chuyển sang hướng tấn công là cần thiết để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc thể hiện sức mạnh khi cần thiết”, ông Paul phát biểu.

Theo ông Paul, các chiến hạm của Australia đủ năng lực tham gia “các nhóm tìm-diệt trên mặt nước”, trong đó các tàu đổ bộ của Australia sẽ cặp đôi với tàu khu trục của Mỹ, hoặc tàu khu trục có tên lửa đối không của Australia đi kèm với chiến hạm Zumwalt của Mỹ.

Lầu Năm Góc hiện đang xem xét một kế hoạch di chuyển chiến hạm tới Australia thường xuyên hơn và muốn mở rộng các cuộc tập trận hải quân với Ấn Độ. Ngoài ra, lực lượng lính thủy đánh bộ và chiến đấu cơ của Mỹ cũng thường xuyên di chuyển tới khu vực phía Bắc của Australia.

Phát biểu tại hội nghị an ninh ở Canberra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia nói, Chính phủ nước này đang cân nhắc đẩy mạnh xây dựng hạm đội hải quân nhằm duy trì việc làm trong ngành đóng tàu và có thể phản ứng tốt hơn trước xung đột khu vực.


Ý đồ của Trung Quốc về bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa

Bất chấp các tuyên bố mang tính trấn an của giới lãnh đạo, Trung Quốc vẫn tiếp tục kế hoạch khống chế Biển Đông mà chủ bài quan trọng vừa bị ảnh vệ tinh phương Tây lật ngửa : Thiết lập chuỗi đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Trường Sa, làm căn cứ trú quân kiểm soát toàn vùng. Ngay sau khi chuyên san quốc phòng Jane’s Defense công bố loạt ảnh mới về các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Trường Sa vào hôm 15/02/2015, giới chuyên gia quốc tế đã nhất loạt nêu bật các ý đồ bành trướng của Bắc Kinh.


Công trình bồi đắp bãi ngầm Đá Tư Nghĩa

Một cách cụ thể, với các công trình đang trên đường được hoàn thành tại nơi trước đây là bãi ngầm Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Trung Quốc đã nâng thành 7 đơn vị, số đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trên cơ sở các bãi đá hay rạn san hô mà họ đã cưỡng chiếm của Việt Nam hay Philippines.

Ngoài Đá Tư Nghĩa, Trung Quốc cũng đã bồi đắp, cải tạo và mở rộng các « đảo » như Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Én Đất (Eldad Reef) và Đá Vành khăn (Mischief Reef).

Căn cứ vào các thông tin mà Jane’s Defense tiết lộ, một nhà ngoại giao phương Tây đã phải công nhận rằng các công trình do Trung Quốc thực hiện mang quy mô to lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng trước đây, với hệ quả trước mắt là đối phó với các tham vọng của Trung Quốc « sẽ đặc biệt khó khăn » nếu đà này tiếp tục.

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra Trung Quốc có thể sử dụng các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trên Biển Đông vào mục đích gì ?

Dựa trên các công trình mà Bắc Kinh đã và đang cho xây dựng trên các đảo đó, ý đồ đầu tiên hết được cho là liên quan đến lãnh vực quân sự. Một chuyên gia phân tích đã không ngần ngại gọi mỗi đảo nhân tạo đó là một « tàu sân bay không thể đánh chìm ».

Đá Tư Nghĩa chẳng hạn, đã được thiết kế như một pháo đài, vừa có bãi đáp trực thăng, vừa có cầu tàu cho chiến hạm cập bến. Kiến trúc tương tự cũng được ghi nhận trên các đảo khác.

Chuyên gia phân tích của Jane’s Defense đã không ngần ngại gọi các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp là một chuỗi pháo đài giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế toàn khu vực, cả trên không lẫn trên biển. Một chuyên gia phân tích tại Hồng Kông cho rằng các đảo nhân tạo sẽ cho phép Trung Quốc dễ dàng sử dụng đội trực thắng của họ, rất hữu dụng trong công việc săn tìm tầu ngầm.

Ngay cả khi không sử dụng các đảo nhân tạo này vào mục tiêu quân sự chính thống, Bắc Kinh cũng có thể dùng chúng làm chỗ dựa cho lực lượng tàu bán quân sự và tàu dân sự từng được Trung Quốc dùng làm phương tiện áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.

Theo chuyên gia Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ không chỉ là kho tiếp tế nhiên liệu cho các chiến hạm Trung Quốc, mà còn là một nơi cung cấp hậu cần và điểm dừng cho các tàu đánh cá hay tàu cảnh sát biển Trung Quốc.

Ý đồ thứ ba được các chuyên gia nghĩ đến là khả năng Trung Quốc sẽ cho tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông sau khi các cơ sở quân sự, đặc biệt là phi đạo và radar trên các đảo nhân tạo này được hoàn tất và đi vào hoạt động.

Một trong những yếu tố khiến Bắc Kinh cho đến nay còn ngần ngại trong việc thiết lập vùng phòng không trên Biển Đông, chính là vì họ chưa đủ thực lực để buộc nước khác tôn trọng vùng này khi cần thiết.


Bình luận

Người Việt biết rằng không thể dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác nếu xung đột với Trung Quốc nổ ra, đó là lý do tại sao Việt Nam mua tàu ngầm. Biển Đông như vạc dầu sôi, chống bành trướng tốt nhất là du kích dưới nước.


Tàu ngầm Kilo thứ 3 được vận chuyển về Việt Nam, ảnh: WSJ.

Ngày 31/3, tác giả Andrew Browne bình luận trên tờ The Wall Street Journal, để đánh bại đối thủ mạnh hơn mình rất nhiều lần trong chiến tranh, Việt Nam đã sử dụng chiến thuật du kích với một mạng lưới đường hầm rộng lớn chống lại sức mạnh hủy diệt của B-52. Từ sâu trong lòng đất, người Việt đã phát động cuộc tấn công bất ngờ.

Ngày nay khi phải đối mặt với mối đe dọa mới từ Trung Quốc trên Biển Đông, người Việt đang sử dụng chiến thuật tương tự, giấu mình dưới nước. Việt Nam đã mua của Nga 6 tàu ngầm Kilo 636MV, người Mỹ gọi chúng là "hổ đen". Các tàu ngầm này là ví dụ điển hình cho chiến tranh phi đối xứng, nó cho phép lực lượng yếu hơn tạo ra sự không chắc chắn trong tâm trí đối thủ mạnh.

Thỏa thuận mua Kilo 636MV của Việt Nam minh họa cho các nước trong khu vực "không có hy vọng so bì với sức mạnh quân sự của Trung Quốc" đang tìm cách thay thế nhằm chống lại tham vọng (bành trướng) lãnh thổ của Bắc Kinh, thêm một chiều hướng mới và không thể đoán trước những căng thẳng lãnh thổ trên Biển Đông.

Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về tầm nhìn chiến lược "một cộng đồng các lợi ích chung" ở châu Á - Thái Bình Dương hay "vận mệnh chung châu Á", ông cam kết cùng xây dựng một trật tự khu vực thuận lợi hơn với châu Á và thế giới. Nhưng Biển Đông vẫn là một vạc dầu sôi. Riêng lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đặt ở Hải Nam trực tiếp nhòm ra Biển Đông đủ để Indonesia thấy rằng Bắc Kinh ngày càng xem vùng biển này là "sân sau" của họ.

Đối với các quốc gia ven biển như Việt Nam, Malaysia hay quốc gia quần đảo như Indonesia, tàu ngầm là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để đối phó với Trung Quốc. Tất cả các bên đều cảm thấy đang bị Bắc Kinh đe dọa, nhưng không đủ mạnh để đương đầu với sức mạnh quân sự Trung Quốc. Các tàu ngầm Kilo sẽ cung cấp cho Việt Nam một câu trả lời "khiêm tốn nhưng mạnh mẽ" trước sự đe dọa của hải quân Trung Quốc, giáo sư Carl Thayer từ Úc bình luận.


Tàu ngầm Kilo được vận chuyển về Việt Nam, ảnh: WSJ.

Ở các nước khác trong khu vực Đông Á, Hàn Quốc và Nhật Bản có lực lượng tàu ngầm mạnh. Úc đang có kế hoạch chi 40 tỉ USD để mua sắm tàu ngầm mới. Philippines, Thái Lan và Myanmar cũng đang nghĩ đến việc mua lại. Tất cả điều này đang làm cho đáy biển ngày càng đông đúc. Tàu ngầm là một biến số vô hình có thể thay đổi các "phương trình quân sự".

Trong khi tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm là việc khó thì các cuộc tấn công từ tàu ngầm gần như luôn có sức mạnh tàn phá. Hơn một nửa lực lượng tàu bè hàng hải của thế giới qua lại Biển Đông hàng ngày. Trong khi đó Việt Nam với đường bờ biển dài ven Biển Đông đã trở thành trung tâm của một cuộc đấu tranh địa chính trị, có lực lượng quân sự "tốp đầu" ASEAN nhưng cũng là nước dễ bị Bắc Kinh gây áp lực nhất.

Đó cũng là lý do tại sao các cường quốc đang tập hợp lại xung quanh chương trình tàu ngầm của Việt Nam, Andrew Browne bình luận. Ấn Độ đang giúp Việt Nam huấn luyện thủy thủ tàu ngầm, bác sĩ Nhật cung cấp chuyên môn về điều trị các bệnh lý có thể thủy thủ tàu ngầm gặp phải. Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương với Việt Nam. Tuy nhiên người Việt biết rằng không thể dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác nếu xung đột với Trung Quốc nổ ra, đó là lý do tại sao Việt Nam mua tàu ngầm, phòng thủ tốt nhất là tàng hình và đánh lừa đối thủ.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire