lundi 9 février 2015

PHONG TỤC : Những món ăn Tết bị kiêng kị theo quan niệm của người Việt


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Nhiều món ăn Tết từ thịt chó, xôi trắng, cá mè, trứng vịt lộn … được ưa chuộng hàng ngày lại bị kiêng kị trong ngày đầu năm mới theo quan niệm truyền thống của cha ông từ xưa.


Thịt chó

Bên cạnh những món ăn Tết truyền thống không thể thiếu trong ngày đầu năm như bánh chưng xanh, giò, gà luộc…, có nhiều món ăn ngon hằng ngày lại bị “cấm cửa” vì bị cho là “kém may mắn”. Thịt chó Thịt chó là thức ăn giàu chất dinh dưỡng và là món “khoái khẩu” của nhiều người. Thậm chí, thịt chó coi được coi là “quốc hồn quốc túy”, là nét ẩm thực riêng có của người Việt Nam.


Thế nhưng, người ta quan niệm rằng ăn thịt chó vào đầu năm hay đầu tháng thì cả năm, cả tháng đó sẽ xui xẻo, không may mắn. Tuy vậy, thịt chó lại được coi là món giải xui nếu ăn vào cuối tháng.


Thịt vịt

Thịt vịt là món ăn kiêng kỵ vào dịp đầu tháng và đầu năm của người miền Bắc và miền Trung. Món ăn này bị xem là không tốt, kém may mắn, nhất là vào dịp đầu năm.


Người ta cho rằng, nếu ăn thịt vịt sẽ đen đủi, “tan đàn, xẻ nghé”. Thay vì sử dụng thịt vịt, người ta dùng thịt gà với ý nghĩa cát tường hơn. Giống như thịt chó, vào những ngày cuối tháng, món thịt vịt lại được xem là món ăn “giải đen”.


Trứng vịt lộn

Món trứng vịt lộn ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, quan niệm của người miền Trung và miền Bắc rất kiêng ăn trứng vịt lộn đầu tháng, đầu năm.


Họ quan niệm rằng, nếu ăn trứng vịt lộn vào đầu tháng, đầu năm thì cả tháng, cả năm sẽ không được may mắn. Mọi thứ đều xảy ra trái với ý mình.


Mực

Mực cũng là loại thực phẩm có trong danh sách “đen” của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nguyên nhân của điều này xuất phát từ quan niệm “đen như mực”  của ông cha ta từ nhiều năm trước.


Theo quan niệm, nếu ăn mực vào đầu năm thì cả năm sẽ đen đủi, ăn mực đầu tháng sẽ không may mắn. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ còn không cho con ăn mực trước ngày thi. Nhiều người kị ăn mực khi đi xa vì có công việc quan trọng.


Tôm

Nếu người miền Bắc không kiêng kỵ tôm vào ngày Tết thì người miền Nam lại rất ít sử dụng món ăn này. Người miền Nam cho rằng tôm đầu to và đi giật lùi, nếu ăn tôm vào đầu năm sẽ khó “đầu xuôi, đuôi lọt”. Mọi việc trong năm mới sẽ không thể thuận buồm xuôi gió, không thăng tiến và phát tài phát lộc được.


Cá mè

Người miền Bắc và miền Trung đều kiêng ăn cá mè đầu năm. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do chữ “mè” đi theo với chữ “mè nheo”.Hơn nữa, cá mè còn tanh và nhiều xương hơn các loại cá khác. Có lẽ vì thế, họ quan niệm loài cá này sẽ mang đến một năm đen đủi. Nhất là với người miền Trung, họ cho rằng ăn cá mè đầu năm thì cả năm sẽ bị “hãm tài”.


Chuối

Với người miền Bắc, chuối là loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả thì với người miền Nam lại tránh ăn chuối những ngày đầu năm do sợ ảnh hưởng đến việc thăng tiến. Nguyên nhân là do chữ “chuối” nói lái đi sẽ thành “chúi” theo giọng miền Nam nghĩa là không thể ngẩng lên được. Cũng có người theo sách nho bảo ” tiền đàng bất khả thụ ba tiêu ” (Trước nhà thì không được trồng chuối). Và trái chuối cũng mang hình tượng không đẹp.



 Đu đủ

Người miền Bắc hoặc miền Nam đều quan niệm đu đủ là thứ không thể thiếu trong mâm ngũ quả, mang đến một năm đầy đủ, sung túc. Tuy nhiên, người miềnTrung lại kiêng ăn quả này. Họ coi trọng nguyên tắc liên tưởng theo ngữ nghĩa của tên gọi, nên cũng tránh những loại quả có tên "xui xẻo". Theo đó, không chọn quả đu đủ vì tên gọi này phát âm giọng miền Trung nghe gần như “thù đủ” với ý nghĩa không cát tường. Điều tương tự cũng diễn ra với quả lê và cam khi gọi lái thành “lê lết” và “ cam chịu”. Vì cái lẽ “quýt làm cam chịu”, mà trái cam không được bày biện trên mâm ngũ quả vào dịp Tết ở miền Nam.



Bình luận

Bên cạnh kiêng nhiều món ăn, người Việt còn kiêng cho lửa, nước do quan niệm cho đi may mắn; tránh nói giông hoặc nói xui như: "Chết rồi!", "Tiêu rồi!", kiêng làm vỡ bát đĩa, cãi vã; quét nhà... trong “3ngày Tết, 7 ngày Xuân", Những kiêng cử này tựu trung       đều phản ánh mong ước về một cuộc sống êm đềm, sung túc, may mắn cho cả năm. Ngày nay, dù khoa học công nghệ phát triển, quan niệm “Có thờ có thiêng - Có kiêng có lành” trong món ăn Tết vẫn tồn tại như một nét văn hóa tinh thần trong tâm hồn người Việt.


Mâm cỗ Tết

Mâm cỗ Tết đủ lệ bộ là 4 bát, 6 đĩa. Bốn bát gồm bóng  thập cẩm nấu với nước dùng gà, canh măng, chân giò hầm nấm và miến nấu lòng gà. Sáu đĩa là xôi, thịt gà luộc, thịt đông, đồ xào, giò lụa và dưa hành muối.


Mâm cỗ Tết có nhiều màu sắc hài hoà nhưng cũng thay đổi theo từng miền Nam-Trung- Bắc. Những món ngon thường thấy trong ngày tết cổ truyền của người Việt. Mỗi món ăn mang một hương vị và có ý nghĩa riêng của từng món. Các bạn hãy tìm hiểu và tự tay mình chế biến những món ăn ngon và hấp dẫn để góp phần thêm hương vị tươi vui trong không khí ngày xuân.


Xin xăm

Xin xăm là một hình thức tin vào các thẻ xăm có ghi lời sấm báo trước điềm lành hay dữ trong năm và thường cần có thầy cúng bàn xăm...


Ngày nay, giới trẻ đi chùa xin xăm chỉ mang tính chất giải trí và không còn mang màu sắc tôn giáo hay thần linh.


Ngày tối kỵ

Ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch là ngày tối kỵ trong năm người việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành. Có câu ca dao của miền Nam như sau :

Mồng năm, mười bốn, hăm ba
Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn !

Trong năm thì ngày mồng 5 đầu năm là ngày kị đối với nhiều người tin vào và điều này rất phổ biến trong Nam. Nhưng có người lại nói rằng đó là ngày Nguyệt kỵ, chỉ kiêng xuất hành mà thôi. Còn mở hàng, làm ăn, giao dịch vẫn có thể. Một số quan niệm đó ngày không tốt, nhưng có ý kiến cho rằng đó là ngày dành cho vua.


Khi 89% “ông đồ” viết sai chữ!

Mới đây, trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức sát hạch những “ông đồ” sẽ được vào cho chữ thiên hạ tại hồ Văn (nằm trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám) nhân dịp xuân Ất Mùi. Và kết quả đưa ra vào ngày 1/2/2015 đã khiến thiên hạ giật mình : Cuộc sát hạch có 2 phần, phần chữ Hán và phần quốc ngữ, thì 70% số “ông đồ” viết sai chữ quốc ngữ, còn phần sát hạch chữ Hán, chỉ có 11% đạt chuẩn, đủ điều kiện vào hồ Văn để cho chữ thiên hạ.

Người Việt có truyền thống yêu chữ, trọng chữ. Nên đầu xuân, ai cũng muốn “thỉnh” được một vài chữ ưng ý mang về, treo ở những chỗ trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình. Đó là một nét văn hóa, một sinh hoạt văn hóa đẹp, và đó cũng chính là nguyên nhân hình thành “phố ông đồ” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dấu tích của trường đại học đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Với người Việt, thì chữ Hán, dù đã qua thời hoàng kim (nếu tính từ khoa thi chữ Hán cuối cùng do triều Nguyễn tổ chức vào năm 1918, dưới triều vua Thành Thái) được gần 100 năm, nhưng vẫn được coi là một thứ chữ sang trọng.

Con số 89% số “ông đồ” giả đó, đã góp phần làm phong phú thêm cho những cái giả khác đang hiện hữu trên đất nước Việt Nam. Đó là tiến sỹ giả, thạc sỹ giả, cử nhân giả, bác sỹ giả.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire