jeudi 8 octobre 2020

SỨC KHOẺ : Bệnh bạch cầu

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Bài viết này mang tính chất tham khảo và 
không thể thay thế ý kiến của các bác sĩ chuyên môn.



Bạch cầu trong cơ thể người bệnh tăng đột biến

 Bệnh bạch cầu là gì?

Bệnh máu trắng hay bệnh bạch cầu (Tiếng Anh : Leukemia - Tiếng Pháp : Leucémie) là một bệnh lý ác tính của hệ tạo máu, một trong những bệnh của nhóm bệnh ung thư máu. Căn bệnh này xảy ra do bạch cầu trong cơ thể người bệnh tăng đột biến trong tuỷ xương và làm ức chế sự phát triển của những tế bào máu bình thường. 

Bạch cầu trong cơ thể vốn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cơ thể nên chúng hoạt động khá mạnh. Khi loại tế bào này tăng số lượng một cách bất thường, chúng sẽ cạnh tranh nguồn dinh dưỡng và không gian sống với hồng cầu (tế bào máu vận chuyển ô-xy) và hoạt động không đặc hiệu (tiêu diệt tế bào bình thường trong cơ thể). Hồng cầu bị cạnh tranh nguồn sống và không thể hoạt động bình thường, vì vậy người bệnh sẽ có dấu hiệu bị thiếu máu dẫn đến chết. Đây cũng là căn bệnh ung thư duy nhất không tạo ra khối u rắn.


Hiện nay căn bệnh này đã có một số biện pháp điều trị nhưng hiệu quả không cao. Người dân ở các vùng nhiễm phóng xạ thường có tỉ lệ bị bệnh này rất cao (như 2 thành phố Hiroshima Nagasaki sau thời Chiến tranh Thế giới thứ hai ở Nhật). Gần đây có một số nghiên cứu kết luận rằng, bệnh ung thư bạch cầu hay bạch cầu cấp đều không qua yếu tố di truyền.

Bạch cầu cấp là bệnh lý ung thư máu thường gặp nhất. Dữ liệu từ Dự án Quan sát Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2018: Ở Việt Nam, bệnh bạch cầu đứng thứ 7 trong tất cả ung thư mới mắc, nhưng là nguyên nhân tử vong đứng thứ 5, sau ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú.

Bệnh bạch cầu cấp có thể xảy ra với bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên trẻ em và người lớn có một chút khác biệt về thể bệnh bạch cầu cấp thường gặp. Bạch cầu cấp được chia làm hai dòng chính: bạch cầu cấp dòng tuỷ (người lớn mắc nhiều hơn) và bạch cầu cấp dòng lympho (trẻ em mắc nhiều hơn).


Triệu chứng


Khi dạng bạch cầu ung thư phát triển nhanh trong tủy làm đau nhức, đồng thời chiếm chỗ và làm giảm sự phát triển những tế bào máu bình thường khác. Bệnh nhân có thể có những chứng sau:

- Thiếu máu: Xanh xao, mệt mỏi, hay chóng mặt, giảm trí nhớ, giảm sức tập trung. Trẻ em thì chậm lớn, hoạt động thể lực hằng ngày bị giảm sút…

- Xuất huyết: Người bệnh dễ bị bầm da, các chấm xuất huyết, các đốm mảng bầm có thể xuất hiện mà không có va chạm gì. Có thể chảy máu ở các cơ quan khác như chảy máu răng, chảy máu kết mạc mắt, chảy máu mũi, tiêu phân đen, tiểu máu, rong kinh, nặng nề nhất có thể là xuất huyết não.

- Sốt/Nhiễm trùng: Người bệnh có thể sốt cao kéo dài nhiều ngày, điều trị thông thường không thể dứt sốt. Nguyên nhân sốt có thể là do các tế bào ác tính giải phóng ra các chất trung gian gây sốt. Hoặc cơ địa bị suy giảm miễn dịch của bệnh nhân bị bạch cầu cấp.

- Các triệu chứng xâm lấn của tế bào ác tính: gan lách to, nổi hạch, đau đầu, nôn ói, sưng đau nướu răng…


Điều trị

- Phương thức điều trị chủ yếu của bệnh là hoá trị liệu, sử dụng các thuốc có hoạt tính chống tế bào ung thư. Những thuốc này lợi dụng đặc điểm tăng sinh nhanh không kiểm soát của các tế bào ác tính mà tiêu diệt chúng, trong khi các tế bào bình thường ít bị ảnh hưởng hơn.

- Điều trị hỗ trợ: Trong quá trình điều trị, chắc chắn bác sĩ sẽ phải sử dụng đến các chế phẩm máu như hồng cầu lắng, tiểu cầu để bổ túc cho bệnh nhân suy tuỷ do thuốc. Các kháng sinh mạnh cũng sẽ được cân nhắc sử dụng để điều trị nhiễm trùng.

- Xạ trị (Sử dụng tia xạ để diệt tế bào ung thư) có vai trò hạn chế hơn, thường được dùng với vai trò dự phòng xâm lấn thần kinh.

- Ghép tế bào gốc tạo máu: Đây là một phương pháp điều trị triệt để cùng với hoá trị liệu. Những bệnh nhân có chỉ định ghép tế bào gốc sẽ được khảo sát độ tương thích tế bào gốc với anh chị em ruột hoặc người tình nguyện. Sau đó sẽ tiến tới ghép tế bào gốc tạo máu. Đây là phương thức có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng bệnh nhân cũng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ trong quá trình ghép. Chỉ định này sẽ được hết sức cân nhắc bởi các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm.


Cần lưu ý trong quá trình điều trị

Quá trình điều trị bệnh rất gian nan. Một trong những vấn đề khó khăn nhất đó là nhiễm trùng. Cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý uống thêm thuốc nam, thuốc bắc.

- Vệ sinh xung quanh, rửa tay thường xuyên trong quá trình thăm nuôi.

- Hạn chế thăm nuôi.

- Hạn chế các thức ăn mua từ bên ngoài, tham vấn bác sĩ trước khi cho bệnh nhân ăn uống.

- Giữa các đợt xuất viện của bệnh nhân, hạn chế cho bệnh nhân đến chốn đông người. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần vận động nhẹ nhàng thường xuyên theo hướng dẫn.

- Tuyệt đối không uống rượu bia và các chất kích thích.







Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire