samedi 5 octobre 2019

DU LỊCH : Mùa nước nổi về muộn ở Đồng Tháp


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


NDĐT- Cả tháng mòn mỏi chờ, người dân Đồng Tháp cứ ngỡ năm nay nước lũ không về. Vậy mà cuối tháng tám này, dòng nước đỏ ngầu từ thượng nguồn đổ về sông Sở Thượng (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), chảy vào các kênh rạch, tràn vào những cánh đồng đã thu hoạch lúa, khiến người dân vui mừng khôn xiết.

Trên các nhánh sông ở huyện Hồng Ngự, ngư dân cũng đã bắt tay vào việc mưu sinh mùa lũ.

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm về các xã ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự. Khác với những ngày trước đó, hoạt động đánh bắt cá dưới sông, trên đồng ngập nước, hoạt động mua bán cá tại các chợ Hồng Ngự, Cả Sách, Trà Đư,… đã nhộn nhịp hơn hẳn. Đi dọc trên các tuyến đường xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự), phường An Lạc (thị xã Hồng Ngự), chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh bà con nông dân cùng ngồi lại với nhau để lựa ra các loại cá đồng, cua, lươn vừa thu hoạch được dưới sông, cánh đồng nước sau nhà.

Có lẽ, điều mà người dân vùng lũ vui mừng nhất là đã có sự xuất hiện của cá linh. Bởi thông thường, mùa cá linh non bắt đầu với con nước đầu mùa lũ của tháng 7 Âm lịch. Khi ấy, cá xuôi theo dòng nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về các nhánh sông Tiền, sông Hậu. Đối với những địa phương ở thượng nguồn tỉnh Đồng Tháp là nơi đón lũ sớm thì cũng đồng nghĩa nơi đây đón mùa cá linh sớm nhất. Thế nhưng cả tháng qua, khi lũ không về, hầu hết bà con nông dân lo lắng, tưởng năm nay sẽ không có cá linh.

Hồng Ngự mùa nước nổi

Anh Nguyễn Văn Kiên (ngụ ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự) phấn khởi cho biết: “Năm nay tưởng lũ không về nữa. Vậy mà không ngờ từ đầu tháng chín đến nay, nước lũ liên tục lên. Nước lũ về nên nhiều loại cá cũng về theo. Mừng lắm vì mấy hôm nay tôi và bà con trong xóm được ăn nhiều loại cá đồng. Mừng nhất là đã mua được cá linh để làm các món kho, canh chua với bông súng, điên điển”.

Anh Nguyễn Văn Năm đặt đú tại kênh Trà Đư.

Mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long là mùa lũ hiền hòa nên khi lũ về sẽ mang lại nhiều sinh kế cho người dân. Lũ về cũng đồng nghĩa với hàng trăm hộ dân ở các huyện đầu nguồn bám theo con nước mưu sinh đặt lờ, lợp, dớn, giăng câu, lưới,… Suốt 25 năm qua, cứ độ đầu tháng 7 Âm lịch hằng năm, anh Nguyễn Văn Năm cùng các con (ngụ khóm Cây Da, phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự) bơi xuồng men theo dòng kênh Trà Đư và cánh đồng Thường Lạc gần nhà để đặt đú, giăng câu lưới. Năm nay, dù chuẩn bị ngư cụ từ khá sớm nhưng gia đình anh cũng như những gia đình trong xóm phải “ngóng lũ”. Quá mỏi mòn chờ đợi, những ngày cuối tháng 8, thấy lũ vẫn bặt tăm, anh bàn với gia đình năm nay gác lại chuyện câu lưới, kiếm nghề khác làm. Tuy nhiên, từ ngày 31/8 đến nay, nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhiều, phía trước nhà anh Năm, gió đã thổi mạnh, báo hiệu một mùa nước lên thật sự bắt đầu, xa xa là cánh đồng đã mênh mông nước. Vừa đặt lại bảy cái đú dưới kênh Trà Đư, anh Nguyễn Văn Năm phấn khởi chia sẻ: “Tôi và mọi người trong xóm cứ nghĩ năm nay thất thu mùa lũ. Tôi cũng không ngờ giờ nước lũ lại về thật rồi. Mấy hôm nay nước bắt đầu lên, dù cá chưa nhiều nhưng những người trong gia đình tôi ai ai cũng phấn khởi. Ngoài có thêm thu nhập từ việc mang cá ra bán ở chợ gần nhà, gia đình tôi còn có cá ăn, tiết kiệm được chi tiêu hằng ngày”.

Nước lũ tràn đồng đón phù sa tại cánh đồng xã Thường Thới Hậu B.

Không chỉ người dân đầu nguồn vui mừng, khi lũ về, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cũng mừng vui không kém. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự Nguyễn Hoàng Nhung cho biết: Từ khi mùa lũ bắt đầu, huyện đã chủ động cho xả nước vào các cánh đồng Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Lạc, Thường Phước 1. Ngoài việc tạo sinh kế cho bà con đánh bắt thủy sản mùa lũ, việc “mở đồng” đón phù sa còn giúp rửa sạch mầm mống sâu bệnh, tăng độ màu mỡ cho đất, qua đó giúp bà con nông dân sản xuất thuận lợi hơn trong mùa vụ tới”. Ông Nhung cũng phấn khởi cho biết, từ khi lũ về đến nay, trong những lần đi công tác, ông cũng nghe bà con nông dân phấn khởi bàn nhau chuyện khai thác cá, tôm mùa lũ.

Nhận định về mực nước lũ ở Đồng Tháp hiện nay, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Tháp Khương Lê Bình cho biết: Đầu tháng 9, mực nước ở các huyện đầu nguồn của Đồng Tháp còn thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 1,5m. Tuy nhiên, trong những ngày tới, mực nước ở các huyện đầu nguồn tiếp tục lên dần. Từ nay đến cuối tháng 9/2019, mực nước tại các nơi trong tỉnh, trong đó có khu vực đầu nguồn chịu ảnh hưởng kết hợp của thủy triều và lũ thượng nguồn nên tăng cao dần đến cuối tháng. Do đó, nhận định đến cuối tháng chín, mực nước tại các nơi trong tỉnh chỉ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng từ 0,2 đến 0,5m.

Dù năm nay lũ về muộn, lượng cá tôm có thể ít hơn những năm trước đây nhưng hiện người dân các huyện đầu nguồn thấy phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bản đồ hành chính tỉnh Đồng Tháp: thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh, huyện Châu Thành, huyện Hồng Ngự, huyện Lai Vung, huyện Lấp Vò, huyện Tam Nông, huyện Tân Hồng, huyện Thanh Bình, huyện Tháp Mười.

Đồng Tháp là một tỉnh hợp nhất từ tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Phong từ năm 1976 thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Vùng đất Đồng Tháp được Chúa Nguyễn khai phá vào khoảng thế kỷ 17-18. Từ đầu thế kỷ 17, đã có lưu dân Việt đến vùng Sa Đéc khẩn hoang, lập ấp. Thời Gia Long, Sa Đéc thuộc huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Ngày 1 tháng 1 năm 1900, Pháp lập tỉnh Sa Đéc. Ngày 9 tháng 2 năm 1913, giải thể tỉnh Sa Đéc, đồng thời nhập địa bàn vào tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh Sa Đéc được chia thành 2 tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc vào thời Việt Nam Cộng Hoà.

Tỉnh Đồng Tháp có đường biên giới quốc gia giáp với Campuchia với chiều dài khoảng 50 km từ Hồng Ngự đến Tân Hồng, với 4 cửa khẩu là Thông Bình, Dinh Bà, Mỹ Cân Thường Phước. Hệ thống đường Quốc lộ 30, 80, 54 cùng với Quốc lộ N1, N2 gắn kết Đồng Tháp với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực.





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire