Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Samsung ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Theo VOA 05/10/2019 - Việt Nam mặc dù là ứng viên hàng đầu để tiếp nhận dòng đầu tư của Samsung sau khi hãng Hàn Quốc này triệt thoái khỏi Trung Quốc nhưng khả năng này không cao, một nhà quan sát kinh tế nhận định với VOA.
Hôm 2/10/2019, Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh đứng đầu thế giới, thông báo họ sẽ đóng cửa nhà máy cuối cùng của họ ở Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, sau khi đã đóng cửa nhà máy ở Thiên Tân hồi cuối năm 2018. Lý do họ đưa ra là ‘cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc’ tại thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Reuters dẫn truyền thông Hàn Quốc cho biết Samsung có 6.000 lao động và sản xuất khoảng 63 triệu chiếc điện thoại ở nhà máy Huệ Châu vào năm 2017, trong tổng số 394 chiếc mà hãng này sản xuất ở các nhà máy trên toàn cầu trong cùng năm, tức chiếm khoảng 16%.
Một phần do chiến tranh thương mại?
Trao đổi với VOA, GS-TS Khương Hữu Lộc, người đang giảng dạy chương trình MBA tại Mỹ và có nhiều năm kinh nghiệm làm giám đốc tài chính cho các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, nói rằng mặc dù không nói ra nhưng ‘chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chắc chắn là yếu tố rất quan trọng’ trong quyết định di dời này của Samsung.
“Họ (Samsung) không biết chiến tranh thương mại kéo dài bao lâu, vì nếu có đình chiến đi nữa thì cũng sẽ tái phát,” ông nói.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng nhìn nhận rằng lý do chính cho việc dời đi của Samsung vì ‘thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ người không còn béo bở nữa’.
“Gần đây điện thoại thông minh của Trung Quốc rất rẻ và cạnh tranh nên số sản phẩm Samsung họ bán ra ở thị trường Trung Quốc đã giảm nhiều.”
Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết thị phần của Samsung ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 1% từ mức 15% cách nay 6 năm và phần thị phần này họ đã bị mất vào những hãng nội địa của Trung Quốc như Huawei và Xiaomi vốn đang phát triển rất nhanh chóng.
Theo ông Lộc phân tích thì thị trường Trung Quốc ‘chủ yếu là tầng lớp trung lưu’ vốn ‘không có khả năng trả từ 800 đến 1.000 đô la Mỹ cho một chiếc điện thoại thông minh’ nên những chiếc điện thoại giá rẻ do các hãng Trung Quốc sản xuất với giá chỉ tầm 300-400 đô la Mỹ hợp với túi tiền của họ hơn.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc ‘đã yểm trợ các công ty của họ rất nhiều (Huawei, Xiaomi, ZTE) để cạnh tranh với các hãng nước ngoài. “Chính vì sự ủng hộ này của chính phủ Trung Quốc đã làm cho những công ty như Samsung và Apple thấy không còn thuận lợi khi sản xuất ở Trung Quốc nữa,” ông nói.
“Nếu không có thuế quan (của Mỹ) thì chuyện đâu còn có đó, những viễn cảnh bị áp thuế đã khiến các hãng này phải tính đến dời đi,” ông Lộc nói thêm.
Một yếu tố nữa khiến các nhà đầu tư vào Trung Quốc cân nhắc, theo ông Lộc, là ‘môi trường lao động ở Trung Quốc không lý tưởng về lâu dài’.
“Giá lao động ở Trung Quốc hiện nay đã cao, khoảng 1/8 hay 1/10 so với Mỹ do hệ thống phúc lợi xã hội đắt đỏ,” ông giải thích. “Tốc độ lão hóa của dân số Trung Quốc ngày càng gia tăng và trong 20 năm nữa dự đoán có đến 70% dân số Trung Quốc trên 65 tuổi.”
Ngoài Samsung, hãng Sony của Nhật cũng cho biết họ đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh ở Trung Quốc để chuyển mảng sản xuất này hoàn toàn sang Thái Lan.
Tuy nhiên Apple, vốn sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc, cho đến nay vẫn duy trì nhà máy ở Trung Quốc bất chấp nguy cơ bị đánh thuế nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Lộc giải thích rằng do Trung Quốc đã tạo ra một ‘hệ thống chuỗi cung ứng chằng chịt rất thuận lợi cho Apple sản xuất với 5 triệu lao động’ bên cạnh thuế má, cơ sở hạ tầng đều thuận lợi cho Apple cho nên nếu hãng này dời đi sẽ ‘tốn hàng tỉ đô la’ và ‘mất thời gian từ 18-24 tháng’.
“Apple có cơ sỏ sản xuất gần như một thành phố ở Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), thuê mướn trên 10.000 nhân công,” Tiến sĩ Lộc cho biết.
Tuy nhiên, ông dự đoán rằng về lâu dài Apple sẽ ‘giảm bớt sản xuất ở Thâm Quyến’.
“Khi Apple thấy Samsung và Sony dời đi và thị trường béo bở của họ ở Trung Quốc không còn nữa cộng với hiểm họa của thuế quan thì tôi tiên đoán Apple sẽ giảm 50% mức sản xuất của họ để chuyển sang các quốc gia khác,” ông nói và cho biết mặc dù việc chuyển đi này rất tốn kém nhưng ‘về đường dài sẽ đỡ hơn’.
Sẽ chuyển sang Việt Nam?
Ngoài Trung Quốc, Samsung cũng có các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Việt Nam và Ấn Độ. Riêng ở Việt Nam, hãng này đã mở nhà máy đầu tiên ở tỉnh Bắc Ninh hồi năm 2009, tức là rất lâu trước khi chiến tranh thương mại xảy ra, và sau đó mở thêm nhà máy thứ hai ở tỉnh Thái Nguyên. Theo Financial Times, thì hiện giờ gần một nửa điện thoại thông minh của Samsung được sản xuất ở Việt Nam.
Năm ngoái, Samsung đã mở nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới ở bang Uttar Pradesh của Ấn Độ để tranh thủ thị trường ngày càng mở rộng của quốc gia này.
Theo nhận định của Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, Việt Nam hiện giờ có nhiều lợi thế để cho hãng Samsung chuyển thêm sản xuất sang, đó là ‘lao động giá rẻ, nhiều kỹ sư, cơ sở hạ tầng ngày càng thuận lợi, những yêu cầu về môi trường không gắt gao’.
“Lao động có trình độ (skilled labor) của Việt Nam mấy năm nay đã được nâng cao và không thua gì Trung Quốc,” ông cho biết.
Tuy nhiên, ông lập luận rằng do Samsung đã duy trì sản xuất gần một nửa sản lượng ở Việt Nam rồi nên ‘khó có khả năng họ dồn thêm nữa vào Việt Nam’ vì ‘hiểm họa sẽ cao’.
“Đại đa số các công ty không muốn dồn sản xuất vào một quốc gia vì nếu có chuyện gì xảy ra như bão lụt, chính trị hay thuế quan thì sẽ bị thiệt hại nặng,” ông Lộc, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn lớn, cho biết. “Họ không muốn dồn hết trứng trong một rổ.”
So sánh giữa Việt Nam và Ấn Độ, ông cho rằng Ấn Độ có lực lượng lao động rẻ cũng như Việt Nam nhưng có trình độ kỹ thuật cao hơn lao động Việt Nam. Ngược lại, Ấn Độ có khoảng cách địa lý xa hơn Việt Nam và phức tạp về ngôn ngữ, văn hóa hơn.
“Hệ thống chính trị của Việt Nam gắn liền với Trung Quốc, nên đầu tư vào Việt Nam có thể bị dính vào thuế quan trong tương lai,” ông cảnh báo.
Về khả năng Apple chuyển sản xuất sang Việt Nam, ông Lộc cho rằng ‘tùy vào khả năng Việt Nam cung cấp nguồn nhân lực đủ để phục vụ cho Samsung lẫn Apple’ nhưng ‘nhiều khả năng Apple sẽ dời sang hai quốc gia khác nhau’.
Về tác động của việc di dời này đối với Trung Quốc, ông Lộc cho rằng nếu cả Apple và Samsung đều dời đi thì sẽ ảnh hưởng không chỉ hàng chục ngàn nhân công làm việc trực tiếp cho họ mà còn hàng triệu việc làm trong chuỗi cung ứng khổng lồ cho hai hãng này ở Trung Quốc.
“Nó cho thấy chiều hướng rất nguy hiểm là các công ty công nghệ đang rời khỏi Trung Quốc. Hai công ty này ra đi thì còn bao nhiêu công ty nào khác nữa sẽ ra đi,” ông Lộc nói.
BÌNH LUẬN
Hãng Samsung triệt thoái khỏi Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại lớn hơn về tương lai kinh tế của Trung Quốc và vai trò của đất nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là vào thời điểm Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.
Kế hoạch rời khỏi Trung Quốc của Samsung cùng với tin một số công ty công nghệ Mỹ như Cisco và Oracle có kế hoạch cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc, có thể có tác động nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế và việc làm trong nước của Trung Quốc cũng như vị thế của nó trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, Trung Quốc phải tránh rơi vào cái bẫy của việc tách rời khỏi Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới.
Nhà máy cuối cùng của Samsung rút khỏi Trung Quốc, thất nghiệp lan rộng
https://www.youtube.com/watch?v=t-M-nOjh8GY
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire