vendredi 14 juin 2019

BLOG : Ba Tàu nghĩa là gì?


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Ba tàu là cách gọi thiếu thiện cảm của người Việt đối với người gốc Hoa ở Việt Nam. Từ đầu thời kỳ Bắc thuộc (tức thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên), người Trung Quốc đã bắt đầu di cư vào Việt Nam để làm ăn, sinh sống và chung đụng với người Việt. Tùy theo từng thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh tiếp xúc hoặc nguyên nhân di cư mà người Trung Quốc đã tự xưng về tên dân tộc của mình khác nhau, cũng như người Việt đã gọi họ theo các tên khác nhau. Thường người Trung Quốc tự gọi mình là dân các triều đại mà họ cho rằng văn minh, tự hào hoặc cho rằng nó phổ biến và được người bản xứ biết rõ, hoặc đã biết từ lâu như "người Đường" (Thoòng dành), "người Thanh", "người Bắc". Người Hoa còn tự gọi họ theo quê quán: "người Quảng" (Quảng Đông), "người Tiều" (Tiều Châu/Triều Châu), "người Hẹ", "người Khách", "người Hải Nam"... Người Việt còn có lệ gọi người Hoa là "người Ngô".  Lệ này bắt nguồn từ lịch sử thời Xuân Thu có "nước Ngô" và "nước Việt".



Tại sao người Việt lại gọi người Trung Quốc hoặc người Việt gốc Hoa là Ba Tàu?

Đã có nhiều người liên hệ người Tàu với nghĩa tàu bè. Trong Gia Định báo phát hành ngày 16 tháng 2 năm 1870: phần tạp vụ (một bài thuộc vào loại phiếm luận ngày nay) có viết như sau:

 “Người bên Tàu thường gọi là người Trung-Quốc nghĩa là nước ở giữa vì thuở xưa bên ấy có 18 nước chư hầu; chỗ Kinh thành Hoàng-đế ở lại vô ở giữa các nước chư hầu nên gọi là Trung Quốc. Người bên Tàu thường kêu mình là Đường-nhơn hay Thanh-nhơn, nghĩa là người nhà Đường nhà Thanh. An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu, ...

Người Bắc thì kêu là Ngô, nghĩa là nước Ngô, có kẻ lại cắt nghĩa rằng vì nó hay xưng mình là Ngô (tức ngộ) nghĩa là tôi.

Kêu Các-chú là bởi người Minh-hương mà ra; mẹ An-nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy.

Còn kêu là Chệc là tại tiếng Triều Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép, cũng như An-nam ta, thấy người ta tuổi đáng cậu, cô, chú, bác thì kêu tâng là chúcậu vân vân. Người An-nam ta nghe vậy vịn theo mà kêu các ảnh là Chệc...”

Ngoài ra, Huỳnh-Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị cũng giải thích: “Người An Nam thấy tàu bè khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu”.

Có nhiều tìm tòi hơn là ý kiến của Vương Duy Trinh khi ông cho rằng Tàu là biến thể ngữ âm của Tào, là tiếng mà từ đời Tam Quốc, người Việt đã dùng để gọi nước Ngụy của Tào Tháo.

Có cách giải thích khác như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn Chợ Lớn và Hà Tiên. Còn từ Tàu thì bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam.

Lại có giải thích khác: Người Việt thường xưng hô theo thứ tự như anh Hai (con cả), anh Ba (con thứ)... Vì lý do đó mà người Tàu thường lễ phép gọi thân mật người Việt đang làm ở các cơ quan Pháp thời đó là anh Hai (cậu Hai) và xem mình là em (anh Ba). Từ đó người Việt mới gọi anh Ba (Tàu) là vậy.

Theo nhà nghiên cứu An Chi, ông cho rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là “quan”. Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung quan cai trị là người Trung Quốc cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là tàu (tức tào theo âm Hán Việt hiện đại), nghĩa là quan. Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan – đây là tuyệt đại đa số - cũng được "vinh dự" gọi là Tàu.

Còn từ "ba" ý rằng nhiều không đếm được hoặc không muốn đếm, ví dụ như ta hay nói:

- Nấu ba hột gạo (ba không có nghĩa là chỉ nấu đúng ba hột, mà theo nghĩa hàm ý là nấu ba hột gạo thì ai ăn ai nhịn)
- Thằng ấy ba hoa: nhiều chuyện
- Nhậu ba sợi: nhậu lai rai
- Thằng này ba trợn

Như vậy Tàu có thể hiểu là tàu bè, có thể hiểu là “tào” (nghĩa là quan như ông An Chi giải thích) nhưng khi dùng kèm với từ ba thì rõ ràng có hàm ý coi thường, không quan tâm. Do đó dùng từ Ba Tàu để chỉ người Hoa là có hàm ý khinh miệt (kiểu như: ôi, chấp gì mấy thằng Ba Tàu!).




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire