Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Vào dịp Tết Nguyên Đán, các gia đình đều chuẩn bị mâm ngũ quả chu toàn và đẹp mắt, dâng lên bàn thờ tổ tiên và các vị thần linh với ước vọng vào một năm mới an lành, thịnh vượng.
Mâm ngũ quả là mâm quả gồm 5 loại khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi và màu sắc. Ngoài ra, "ngũ" còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn: Phúc, quý, thọ, khang, ninh.
Ý nghĩa một số loại quả được thờ trong ngày Tết:
- Lê: Vị ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
- Lựu: Nhiều hạt tượng trưng cho con đàn cháu đống.
- Đào: Thể hiện sự thăng tiến.
- Mai: Hạnh phúc, không cô đơn.
- Quả phật thủ: Giống như bàn tay đức Phật, luôn chở che cho các số phận con người.
- Táo: Có nghĩa là phú quý.
- Hồng, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.
- Thanh long (rồng mây hội tụ): Thể hiện sự phát tài phát lộc.
- Bưởi, dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
- Nải chuối xanh như bàn tay ngửa: Hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.
- Quả trứng gà (hay Lê-ki-ma) như hình đào tiên: Lộc trời.
- Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe và tiền bạc.
- Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy.
Một mâm ngũ quả bày Tết
Dựa vào ý nghĩa của các loại hoa quả trên, tùy theo từng vùng miền với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả miền Bắc
Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu:
- Kim màu trắng,
- Mộc màu xanh,
- Thủy màu đen,
- Hỏa màu đỏ,
- Thổ màu vàng.
Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết.
Vì thế, mâm ngũ quả ngày tết cổ truyền của người miền Bắc thường bao gồm:
- Chuối, dưa hấu (màu xanh);
- bưởi, phật thủ, cam, quýt hoặc quất (màu vàng);
- hồng, ớt hoặc táo tây (màu đỏ);
- đào hoặc lê (màu trắng);
- mận hoặc nho (màu đen).
Mâm ngũ quả miền Trung
Khu vực miền Trung là nơi có đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên.
Người miền Trung thường bày mâm ngũ quả theo những loại quả vốn có sẵn ở quê hương chứ không cầu kì như nhiều miền khác. Các loại quả thường thấy là:
- Thanh long,
- chuối,
- dưa hấu,
- mãng cầu,
- dứa,
- sung,
- cam,
- quýt…
Mâm ngũ quả miền Nam
Người miền Nam bày mâm ngũ quả với quan niệm "Cầu – Sung - Dừa - Đủ - Xài" cũng là từ nói lái của các loại quả:
- mãng cầu,
- sung,
- dừa,
- đu đủ,
- xoài.
Khác với miền Bắc và miền Trung, người miền Nam thường kiêng kỵ một số loại trái không bày trên mâm cúng, do tên gọi của chúng không đem lại may mắn như:
- Chuối: đọc gần giống "chúi" làm ăn không lên được
- Táo (bom), lê: Đổ bể, làm ăn thất bại
- Quýt, cam: Quýt làm cam chịu
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire