mardi 22 août 2017

BLOG : Việt Nam học càng cao, càng thất nghiệp?


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Tin BBC - Sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong số những người từ 15-24 tuổi ở Việt Nam, theo Bloomberg.



Nguyễn Văn Đức tốt nghiệp hai năm trước với bằng cử nhân kinh tế từ một trong những trường đại học tốt nhất Việt Nam. Nhưng giờ anh đang chạy xe ôm, kiếm khoảng 250 đôla, tức hơn năm triệu một tháng.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước chỉ 2.3% nhưng theo thống kê của Bloomberg về tình trạng thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi, cho thấy sinh viên đại học gặp nhiều khó khăn nhất khi tìm kiếm việc làm, với 17% tỷ lệ thất nghiệp.

Trong khi đó những người theo học khóa Đào tạo nghề Ngắn hạn lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, với chỉ 6%.


Nặng về các môn tư tưởng, chính trị

"Ở đại học, chúng tôi nặng về các môn học lý thuyết và rất nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh với lịch sử về Đảng Cộng Sản," Bloomberg dẫn lời Đức, 25 tuổi.

Báo này cũng nhận định "Sinh viên Việt Nam thường phải dành hầu hết hai năm đầu học về lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội và lịch sử Đảng - làm lãng phí khoảng thời gian nên dành cho các kỹ năng như tư duy phản biện và các kỹ năng khác mà các nhà tuyển dụng đòi hỏi."



Nền kinh tế phát triển cần giáo dục chất lượng cao

Scott Rozelle, nhà kinh tế học từ Stanford University nói
"Những quốc gia đã thành công trong việc chuyển tiếp kinh tế vốn đã có một nền giáo dục chất lượng tương đương các nước phát triển, khi họ vẫn còn là một nền kinh tế thu nhập trung bình."

Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã phát triển các trường đại học chất lượng cao trước khi nền kinh tế cần một lực lượng lao động bằng cấp cao. Ngược lại, các nước như Argentina, Brazil và Mexico đã bị chậm lại sau khi đạt được vị trí mức thu nhập trung bình một phần là vì thiếu sự đầu tư vào giáo dục, chuyên gia Rozella nói.

Việt Nam là một trong những nước có năng suất công nghiệp thấp nhất trong ASEAN. Singapore có năng suất cao gấp 26 lần Việt Nam; Malaysia gấp 6,5 lần, còn Thái Lan và Philippines gấp khoảng 1,5 lần.

"Chính phủ đang cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo đại học và cao đẳng", Tổng chủ biên chương trình giảng dạy mới của Bộ giáo dục Nguyễn Minh Thuyết nói với Bloomberg. "Chúng ta cần cải tổ chương trình giảng dạy để giảm đào tạo các môn không thực tế. Tuy nhiên, tiến độ vẫn còn rất chậm".


Đại học: cần chất hơn lượng

Hơn một thập kỷ qua, số lượng trường đại học ở Việt Nam tăng nhanh chóng, với khoảng 450 trường. Chính phủ mong đợi rằng 560.000 sinh viên sẽ nhập học trong năm 2020.



Trong chương trình Bàn tròn Thứ năm của BBC Tiếng Việt ngày 17/8/2017, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh, từ Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, cho rằng:

"Số trường đại học cao đẳng ở Việt Nam mở ra quá nhiều. Các trường cần có người vào học nên họ muốn tuyển sinh sao cho đơn giản nhất, ai cũng có thể vào được.

Những trường có uy tín cũng rất cần sinh viên vì nguồn thu học phí. Họ cần cạnh tranh để lấy sinh viên. Điều đó là bất hợp lý nhưng hình như không ai muốn thay đổi."


TS Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư toán trường Đại học Toulouse, Pháp, cũng đề cập đến hiện tượng nhiều trường được mở ra để đào tạo "không phải vì mục đích giáo dục mà là vì mục đích kiếm tiền":

"Các trường này đào tạo ra những người tuy có bằng đại học nhưng không có kiến thức. Phần lớn sinh viên Việt Nam học ra kiến thức lõm bõm và không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, kể cả ngành sư phạm."

"Các trường mở ra như nấm, cần giảm ra số lượng đầu vào là điều cần thiết".

TS Dũng cũng nhận xét nếu Việt Nam cần nhiều thợ hơn thì nên mở ra nhiều trường trung cấp kỹ thuật, như kinh nghiệm của một nước phát triển là nước Đức.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire