dimanche 20 août 2017

DU LỊCH : Phố đi bộ Bùi Viện ở Sài Gòn


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Phố đi bộ Bùi Viện (khu phố Tây) sẽ chính thức khai trương, đi vào hoạt động vào tối nay 20/8 trên đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) với nhiều hoạt động nghệ thuật.

Theo zing.fr ngày 20/08/2017 - Sau nhiều lần 'lỡ hẹn", tối 20/8, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với UBND quận 1 chính thức khai trương Phố đi bộ Bùi Viện trên tuyến đường Bùi Viện từ đoạn đường Đề Thám đến Cống Quỳnh (phường Phạm Ngũ Lão).


"Áo mới" cho khu phố Tây

Trước khai trương một ngày, mọi công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, băng rôn, bảng hiệu giới thiệu phố đi bộ thứ 2 của Sài Gòn cơ bản hoàn thành.

Cổng chào phố đi bộ với ý tưởng chiếc nón lá đặc trưng Việt Nam được dựng lên từ nhiều ngày trước thu hút sự chú ý của du khách.

Tuyến đường Đề Thám (phường Phạm Ngũ Lão) nay đã được chỉnh trang, lát gạch vỉa hè sạch đẹp. Nhiều thùng rác cũng được ban quản lý lắp mới để phục vụ việc tham quan của người dân, du khách. Hai bên đường nhiều bảng đèn tuyên truyền, giới thiệu về du lịch TP.HCM cũng được lắp đặt, tạo hiệu ứng cho phố đi bộ vào buổi đêm.


Chiều 19/8, hai sân khấu di động đã được lắp ghép ở hai đầu đường Bùi Viện, phục vụ các chương trình nghệ thuật Việt Nam và nước ngoài vào dịp cuối tuần ở đây.

Theo chị Lê Thị Tú, người dân sống ở khu vực này, đánh giá so với 3 tháng trước, diện mạo đường Bùi Viện sạch đẹp lên rất nhiều. Không những vỉa hè được lát đồng bộ đá hoa cương sạch đẹp mà hệ thống cáp viễn thông, dây điện cũng được ngầm hóa nhìn rất thông thoáng.

Để chuẩn bị cho đêm khai trương, người dân cùng chính quyền đang khẩn trương dọn dẹp lại các bậc tam cấp, trang trí lại cửa hàng, lau chùi, đánh bóng vỉa hè sau những ngày thi công.

"Dù công tác chuẩn bị còn nhiều bất cập, chưa xong nhưng tôi tin đến tối mai mọi thứ sẽ sẵn sàng cho buổi lễ khai trương Phố đi bộ", chị Tú nói.

Còn anh Nguyễn Văn Khánh, nhân viên quán bar mini trên đường Bùi Viện đánh giá: "Vào dịp cuối tuần người dân và du khách đến khu phố Tây này khá đông. Hy vọng phố đi bộ khai trương sẽ thu hút nhiều hơn người dân và du khách đến tham quan, vui chơi, tạo thành một điểm đến mới của du khách khi đến TP.HCM". 


Dù đường Bùi Viện đã hoàn thành việc nâng cấp hạ tầng vỉa hè tuy nhiên 2 tuyến đường Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu vẫn còn ngổn ngang gạch đá rất nhếch nhác. Theo UBND quận 1, việc lát vỉa hè 2 tuyến đường này sẽ hoàn thành trong tháng 8 để đồng bộ với đường Bùi Viện. 


Mong muốn mỗi du khách trở thành một đại sứ du lịch

Để phục vụ cho hoạt động phố đi bộ Bùi Viện, UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) thông báo các xe máy không được lưu thông vào đường Bùi Viện từ 19h đến 2h sáng hôm sau vào dịp cuối tuần. 

Trong thời gian diễn ra hoạt động, Ban tổ chức sẽ thông báo cấm phương tiện lưu thông vào khu vực tuyến đường Bùi Viện (đoạn từ đường Đề Thám đến Đỗ Quang Đẩu).

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó chủ tịch UBND quận 1, để đảm bảo lưu thông cho người đi bộ và du khách, các cơ sở kinh doanh tại phố Bùi Viện chỉ được phép bày bán trên toàn bộ phần vỉa hè, không được tràn xuống lòng đường. Đặc biệt, các ngành hàng được quy hoạch rõ ràng, đa dạng, không trùng lắp, cơ sở kinh doanh phong phú...


Ban tổ chức cũng cho biết trên tuyến đường Bùi Viện sẽ có hai sân khấu phục vụ nghệ thuật cho du khách tham quan. Hai sân khấu do các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài biểu diễn vào dịp cuối tuần, kết hợp giao lưu văn hóa nghệ thuật các nước. Ban quản lý cũng sẽ nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch trong các tuyến hẻm và triển khai một số sự kiện lễ hội có tính đặc trưng cho tuyến phố đi bộ, gắn liền với điều kiện thực tế của khu phố.

"Thành phố mong muốn mỗi du khách trở thành một đại sứ giới thiệu văn hóa nước họ đến cộng đồng du khách trong khu vực thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, lễ hội, diễu hành, du ca, âm nhạc đường phố", bà Hường nói. 

Phố đi bộ Bùi Viện được chỉnh trang đồng bộ vỉa hè, lát mới đá granite trên tuyến đường dài 1.400 m, với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của phố đi bộ Bùi Viện từ 19h đến 2h sáng hôm sau, trong đó từ khung giờ 20-22h sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật.


Lịch sử khu Phố Tây Bùi Viện

Khu tứ giác Đề Thám - Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu - Bùi Viện từ lâu quen thuộc với người dân Sài Gòn qua tên gọi “Khu Tây ba lô”. Năm 1993, khi khu vực Phạm Ngũ Lão được nhắc đến trong tập sách du lịch “Lonely Planet”, nhiều nhóm du khách “bụi” từ Nhật, Pháp, Anh, Mỹ... đã đưa khu Phạm Ngũ Lão vào điểm hẹn khi họ đến Sài Gòn.

Từ đó đến nay nơi này phát triển rầm rộ, nhất là dịch vụ khách sạn, quán ăn, cửa hàng, quán bar, cà phê, liên tục từ sáng đến nửa đêm. Dần dần khu vực trở thành điểm du lịch khép kín gồm cả ăn uống, cắt tóc, cho thuê xe 

Người Việt ở phố Tây ít nhiều đều nói được tiếng Anh.


Nhận xét

Đường Bùi Viện (còn gọi là khu phố Tây ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) có khoảng 20 con hẻm thông qua các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu... với gần 1.000 nhân khẩu. Toàn bộ du khách khi đến phố đi bộ Bùi Viện sẽ được hưởng "four free" (4 miễn phí), gồm: nhà vệ sinh; wifi; cung cấp thông tin, hỗ trợ du khách miễn phí và "nụ cười miễn phí". 

Các bạn có thể tham khảo bài "Phố Tây ở Sài Gòn"








Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire