Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Vắng dược sĩ, nhà thuốc lắm vi phạm
"Khi triển khai nhà thuốc GPP (thực hành tốt nhà thuốc) vai trò của dược sĩ rất quan trọng. Nếu đã đứng tên mở nhà thuốc thì dược sĩ phải có mặt chứ, sao lại ngửa tay nhận tiền thuê bằng rồi để mặc nhà thuốc muốn làm gì thì làm"
Bà Phạm Khánh Phong Lan (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM)
Theo TTO ngày 10/01/2017, vì không phải là chủ nhà thuốc thực sự, nên không ít dược sĩ sau khi cho thuê bằng cấp đã bỏ mặc nhà thuốc muốn làm gì thì làm. Chỉ khi có đoàn thanh tra đến, dược sĩ mới vội vã đến “trình diện” kiểu đối phó.
Dù bị thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất liên tục nhưng vi phạm của nhà thuốc vẫn cứ tiếp diễn với đủ các kiểu vi phạm, chung quy cũng chỉ vì thuê mướn bằng dược sĩ để mở nhà thuốc.
Bán thuốc không cần toa
Trong vai một người bị ho khan đã hơn 10 ngày và chưa uống loại thuốc nào, chúng tôi ghé vào một nhà thuốc đối diện Bệnh viện Chợ Rẫy để mua thuốc uống. Phía bên ngoài nhà thuốc này có in chữ đạt chuẩn GPP.
Tại đây, một nhân viên bán thuốc tư vấn với chúng tôi nên đi bác sĩ để được khám bệnh, nhưng khi chúng tôi nói chúng tôi muốn mua thuốc uống thì nhân viên này bán cho chúng tôi hai ngày thuốc với lời dặn “nếu uống thấy bớt bệnh thì ra mua tiếp”. Giá tiền thuốc cho hai ngày là 40.000 đồng.
Chúng tôi hỏi trong đó có thuốc kháng sinh không thì nhân viên này nói có và chỉ cho chúng tôi biết đó là viên thuốc màu trắng có tên Ciprofloxacin 500mg - trong khi theo quy định, thuốc kháng sinh là thuốc cần phải kê toa mới được mua.
Trên đường Hai Bà Trưng, đoạn từ cầu Kiệu đến chợ Tân Định, nhiều hiệu thuốc tây lớn tập trung tại đây. Đầu giờ chiều 09/01/2017, tại một nhà thuốc trên đường này, khi chúng tôi vào và mô tả triệu chứng là bị đau rát cổ họng, nhiều đờm, ho, chảy nước mũi và ngạt mũi, nhân viên bán thuốc liền hỏi muốn uống liều mấy ngày.
Chúng tôi bảo muốn uống ngắn ngày thì nhân viên vừa lấy thuốc trong lọ lớn và cắt từ vỉ ra năm loại thuốc, mỗi loại 2-3 viên, và bảo uống trước trong 1 ngày rồi lấy thêm. Giá thuốc là 20.000 đồng. Cùng lúc đó, một người đàn ông khác cũng đang mua nhiều loại thuốc ở đây mà không có toa thuốc.
Tại nhà thuốc này, chúng tôi hỏi để mua thêm thuốc trị đau co thắt đại tràng thì nhân viên đưa ra hai loại thực phẩm chức năng và nói nếu muốn chấm dứt cơn đau nhanh thì uống thuốc giảm đau.
Thấy tấm biển “Dược sĩ tư vấn” để ở một góc bàn, chúng tôi ngỏ ý hỏi để được tư vấn mua thuốc trị đau co thắt đại tràng, thì được nhân viên bán thuốc trả lời: “Giờ dược sĩ bận rồi, dược sĩ không có ở đây”.
Không có dược sĩ, bán cả thuốc hết hạn
Theo thông tin của thanh tra Sở Y tế TP, chỉ từ ngày 19-12 đến 23-12-2016 đã có 32 nhà thuốc ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP bị xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền từ 4 đến 23 triệu đồng/nhà thuốc, PV), trong đó có đến 23 nhà thuốc có hành vi vi phạm “Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định của pháp luật” (tức vắng mặt dược sĩ khi nhà thuốc hoạt động).
Điển hình nhất là nhà thuốc M.C ở xã Tân Xuân, H.Hóc Môn bị phạt đến 23 triệu đồng vì các vi phạm: dược sĩ vắng mặt; không mở sổ hoặc phương tiện khác để theo dõi hoạt động mua, bán thuốc; bán lẻ thuốc đã hết hạn sử dụng. Tương tự, trước đó từ ngày 12-12 đến 16-12-2016 cũng có 23 nhà thuốc bị phạt tiền vì có những hành vi vi phạm, trong đó có 14/23 nhà thuốc khi được kiểm tra không có mặt dược sĩ.
Đáng lo ngại, vì không có dược sĩ quản lý chuyên môn nên đã có đến 7 nhà thuốc có hành vi vi phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân là bán thuốc hết hạn sử dụng. Hành vi này bị thanh tra phạt tiền từ 10-15 triệu đồng/nhà thuốc. Ngoài ra còn có hai nhà thuốc bị phạt tiền vì bán thuốc không có đơn thuốc bác sĩ với mức phạt 350.000 đồng/nhà thuốc.
“Ba vấn đề đáng lo”
Khi trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nói hoạt động nhà thuốc ở TP hiện nay có ba vấn đề rất đáng lo.
1. Bán thuốc không theo đơn bác sĩ
Bệnh nhân hỏi mua gì nhà thuốc cũng chiều ý bán, kể cả những thuốc như kháng sinh bắt buộc phải có đơn bác sĩ. Điều này dễ dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh do vi trùng lờn thuốc, gây ảnh hưởng sức khỏe cho người bệnh khi bệnh nặng phải dùng kháng sinh thì không đáp ứng thuốc. Tuy nhiên, vi phạm bán thuốc không có toa bác sĩ có mức phạt rất nhẹ (200.000 - 500.000 đồng).
2. Dược sĩ vắng mặt tại nhà thuốc khi mở cửa hoạt động nên bệnh nhân không được tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc đầy đủ.
Còn nhà thuốc không được quản lý chuyên môn chặt chẽ, để xảy ra vi phạm như bán lẻ thuốc quá hạn dùng, bảo quản thuốc không đúng hướng dẫn, để thuốc chung với sản phẩm không phải là thuốc...
3. Mua, bán thuốc không có hóa đơn, chứng từ.
Khi không có hóa đơn, chứng từ sẽ không biết rõ nguồn gốc xuất xứ thuốc từ đâu và chất lượng thế nào.
Nói về trách nhiệm quản lý y tế trên địa bàn, bà Phong Lan nói rằng từ khi thực hiện nhà thuốc GPP đã giúp bộ mặt và chất lượng hoạt động nhà thuốc thay đổi khá nhiều so với trước đây. Ngoài việc tăng cường hậu kiểm, xử phạt vi phạm, Sở Y tế TP cũng đã thực hiện giải pháp tình thế là thường xuyên tập trung nhân viên nhà thuốc, kể cả dược trung và dược tá, đến Sở Y tế TP để tập huấn, đào tạo thêm.
Ngoài ra, sở còn tăng cường kiểm tra việc bán thuốc phải có toa của bác sĩ, nhưng “đúng là việc này còn khó thực hiện vì bác sĩ phòng mạch thường không kê đơn cho người bệnh mà vẫn bán thuốc. Không có đơn thuốc thì nhà thuốc không có đơn để bán nên lại bán thuốc không có đơn bác sĩ. Cái vòng luẩn quẩn này vẫn chưa giải quyết được”, bà Phong Lan cho biết.
Quá nhiều nhà thuốc?
Ở các con đường gần Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi ghi nhận có gần 40 nhà thuốc. Phía trước cổng chính Bệnh viện Chợ Rẫy, trên đường Nguyễn Chí Thanh gần 10 nhà thuốc san sát nhau. Trên đoạn đường Thuận Kiều chỉ khoảng vài trăm mét, ngay bên tay trái của bệnh viện, chúng tôi đếm được gần 20 nhà thuốc...
Cách Bệnh viện Chợ Rẫy không xa là Bệnh viện Đại học Y dược. Xung quanh bệnh viện này, các nhà thuốc cũng mọc lên như nấm sau mưa. Đoạn đường Đặng Thái Thân, bên hông bệnh viện này, cũng chỉ khoảng vài chục mét nhưng có đến 6 nhà thuốc. Đoạn đường Mạc Thiên Tích, nằm ở cổng sau của Bệnh viện Đại học Y dược, cũng có khoảng 10 nhà thuốc.
Theo bà Phong Lan, Luật dược hiện nay rất mở. Trước đây quy định mỗi nhà thuốc cách nhau 50m nhưng bây giờ bỏ hết. Xung quanh bệnh viện thì nhà thuốc san sát trong khi ở vùng sâu, vùng xa lại rất hiếm nhà thuốc.
“Thực chất nhà thuốc bán gì? Trừ những nhà thuốc lớn, nhà thuốc chuỗi của các công ty dược phẩm lớn có bán thuốc đặc trị, còn đa số nhà thuốc chủ yếu bán thuốc thông thường. Trong khi hầu hết người dân có bảo hiểm y tế. Khi có bệnh thì họ vô bệnh viện khám bệnh, lấy thuốc, không mua bên ngoài” - bà Phong Lan chia sẻ.
BÌNH LUẬN
Theo quy định, dược sĩ mới tốt nghiệp phải có 5 năm thực hành mới được cấp chứng chỉ hành nghề, và tư vấn thuốc cho người bệnh. Tình trạng trên đã đẩy dược sĩ đi làm trình dược viên, nhiều nhà thuốc muốn hoạt động đã đi thuê bằng để đối phó.
Để hạn chế tối đa tình trạng dược sĩ cho thuê bằng và đề nghị Bộ Y tế nên có quy định cụ thể trong luật, dược sĩ ở địa phương nào thì chỉ được mở nhà thuốc ở địa phương đó. Yêu cầu các nhà thuốc cung cấp danh sách dược sĩ để người dân cùng cơ quan quản lý thực hiện công tác giám sát. Các cơ sở đào tạo phải công khai danh sách những người đã tốt nghiệp để thuận tiện cho việc rà soát, phát hiện bằng giả. Luật dược sửa đổi không nên quá cứng nhắc mà cần phải có những quy định sát sườn với thực tế để tránh tình trạng ngành y tế “tự chặt vào chân mình” như những gì đang diễn ra.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire