Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
CUNG kính mời nhau chén rượu nồng
CHÚC mừng năm đến, tiễn năm xong
TÂN niên phúc lộc khơi vừa dạ
XUÂN mới tài danh khởi thỏa lòng
VẠN chuyện lo toan thay đổi hết
SỰ gì bế tắc thảy hanh thông
NHƯ anh, như chị, bằng bè bạn
Ý nguyện trọn đời đẹp ước mong.
Thông tin lịch nghỉ tết nguyên đán Đinh Dậu 2017
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017: Bộ nội vụ đã thống nhất với lịch nghỉ tết 7 ngày, vào 2 ngày cuối năm Bính Thân và 3 ngày đầu năm Đinh Dậu, không hoán đổi ngày nghỉ, và không đi làm bù.
Ngày mùng 1 và mùng 2 tết Nguyên Đán 2017 rơi vào hai ngày nghỉ cuối tuần là thứ bảy và chủ nhật, vì thế người lao động được nghỉ bù thêm 2 ngày.
Tổng cộng số ngày nghỉ của lịch nghỉ tết Nguyên đán 2017 sẽ là 7 ngày, từ ngày 29 tháng chạp năm Bính Thân đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu (nhằm ngày 26/1/2017 đến hết ngày 1/2/2017 Dương lịch).
Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Ta hay Tết Âm lịch) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Đông Á. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như Tết Táo Quân (23 tháng chạp âm lịch) và Tất Niên (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch)
Vì Tết tính theo Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng Âm lịch).
Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên... Theo phong tục tập quán, Tết thường có những điều kiêng kỵ.
Những phong tục trong ngày Tết Nguyên Đán
Người Việt Nam quan niệm rằng ngày Tết thì tất cả mọi thứ đều phải thật sớm và mới. Do đó trước ngày Tết khoảng hơn 2 tuần, các gia đình đã sắm sửa cho ngày Tết. Họ thường quét dọn, trang trí nhà cửa, mua hoa, sắm thức ăn... thật chu đáo cho ngày Tết. Ngoài ra, tất cả những vật dụng không cần thiết hoặc bị cho là đem lại điềm gở cũng bị vứt bỏ.
Cuối năm
Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng ông Táo (Táo quân).
Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu của gia chủ.
Ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Lễ cúng gồm có hương, nến, hoa quả, vàng mã và hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà kèm theo ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép làm bằng giấy kèm theo cỗ mũ).
Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu, trong khi ở thành phố, phong tục này đã bị lãng quên.
Theo phong tục, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm gở. Cây nêu thường được treo hoặc trang trí thêm những thứ được coi là để dọa ma quỷ như : tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa.
Tất niên
Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu).
Ngày Tất niên đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, nó được gọi là Giao thừa. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Một số cộng đồng lấy con hổ là vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi. Một số cộng đồng khác thì có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang không nơi nương tựa.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire