Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Donald Trump (70 tuổi)
Đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 kể từ ngày 20/01/2017
Donald Trump là ai?
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trump Organization, tổ chức điều hành nhiều sân golf và khu nghỉ mát sang trọng ở Mỹ và trên thế giới, xuất thân từ khu Queens, thành phố New York.
The Trump Organization sở hữu, điều hành, phát triển và đầu tư vào bất động sản trên khắp thế giới như Trump International Hotel & Tower tại Chicago, Illinois
Sáng lập viên Trump Entertainment Resorts là con thứ tư trong năm người con của ông Fred và bà Mary Trump. Thân phụ ông là một nhà xây dựng và phát triển bất động sản chuyên xây và điều hành các khu chung cư của tầng lớp trung lưu của New York.
Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông vào năm 1977 với bà Ivana Trump, một người mẫu thời trang New York, kết thúc vào đầu thập niên 90.
Ivana Marie Trump
Ông cưới vợ nhì, bà Marla Trump, vào năm 1993 nhưng đến năm 1997 thì đệ đơn ly hôn nữ minh tinh màn bạc này.
Marla Ann Maples 2007
Ông kết hôn với người vợ hiện tại, bà Melania Trump, một người mẫu gốc Slovania, cách đây 11 năm. Trong số các khách mời danh tiếng tại đám cưới này có vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton.
Qua ba đời vợ, ông có tổng cộng 5 người con, lớn nhất sinh năm 1977 và nhỏ nhất sinh năm 2006.
Con gái cả của Trump, Ivanka, giữ chức phó chủ tịch của The Trump Organization
Thuở nhỏ, ông Trump là một đứa trẻ năng động và quyết tâm cao. Ông có thành tích về mặt học vấn lẫn công tác xã hội. Khi tốt nghiệp trung học vào năm 1964, ông là một ngôi sao thể thao của trường lớp và là một học sinh ‘cốt cán’. Sau đó, ông vào Đại học Fordham và hai năm sau chuyển lên Trường Tài chính thuộc Đại học Pennsylvania. Năm 1968, ông tốt nghiệp với văn bằng kinh tế.
Trong thời gian đi học, ông từng bước theo cha vào nghề phát triển bất động sản, làm việc cho cha khi nghỉ hè và sau khi tốt nghiệp đại học, ông gia nhập công ty Elizabeth Trump & Son của cha mình.
Trump Tower, tại 725 Fifth Avenue, ở Midtown Manhattan
Đến năm 1971, ông được giao quyền điều hành và đổi tên công ty thành "The Trump Organization". Ông cũng dời chỗ ở tới khu Manhattan, nơi ông bắt đầu kết giao với những người có ảnh hưởng. Nhìn thấy những cơ hội kinh tế béo bở của thành phố New York, ông đã sớm bắt tay vào các dự án xây dựng lớn ở Manhattan, mở đường cho các nguồn lợi nhuận khổng lồ, vận dụng các thiết kế kiến trúc bắt mắt, và gây chú ý công luận.
Thời Chiến tranh Việt Nam, ông Trump không bị gọi quân dịch vì lý do học tập và sức khỏe.
Khách sạn Trump Las Vegas
Trong thập niên 80, ông thu mua và xây dựng nhiều công trình ở thành phố New York, trong đó có Tháp Trump (1983), Trump Plaza và nhiều sòng bạc ở Atlantic City, New Jersey.
Năm 1996, ông thâu tóm và trở thành giám đốc sản xuất của nhiều cuộc thi sắc đẹp danh tiếng như Hoa Hậu Hoàn Vũ, Hoa Hậu Mỹ, Hoa Hậu Mỹ tuổi teen.
Tháng 10 năm 1999, Trump từng loan báo thành lập một ủy ban thăm dò để thông báo quyết định có nên tìm kiếm sự đề cử để tranh chức Tổng thống năm 2000, nhưng rút lui sau kết quả không như ý tại cuộc bầu cử sơ bộ bang California.
Năm 2001, ông Trump khánh thành Trump World Tower, tòa cao ốc đối diện trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Từ đầu năm 2004, chương trình truyền hình thực tế ‘The Apprentice’ do Trump là người điều khiển dẫn dắt bắt đầu lên sóng NBC.
Năm 2005, ông mở trường thu lợi nhuận mang tên Đại học Trump với các lớp giảng dạy về địa ốc, thu mua và quản lý tài sản. Tuy nhiên, kể từ khi khai trương, trường này đã vướng vào những tai tiếng và tranh cãi với nhiều vụ kiện tụng tố cáo ông Trump gian lận, quảng cáo dối và vi phạm hợp đồng.
Ngôi sao của Trump trên Đại lộ Danh vọng Hollywood
Ngày 16/1/2007, tên ông được khắc tên lên ngôi sao trên con đường của những người nổi tiếng Hollywood Walk of Fame.
Cuối năm 2011, Donald Trump lọt vào danh sách 10 người đàn ông được dân Mỹ ngưỡng mộ nhất, xếp thứ 7, theo thăm dò của USA Today và Gallup. Đứng đầu là Tổng thống Barack Obama.
Tháng 3 năm 2016, cùng với 13 người khác, ông Trump được xếp hạng 324 trong danh sách những tỷ phú của thế giới với tài sản trị giá 4.5 tỷ đôla.
Tháng 6 năm ngoái, ông tuyên bố ứng cử Tổng thống 2016 với chiến dịch tranh cử dựa trên nền tảng chủ nghĩa đại chúng, nhận được sự ủng hộ từ những người bất mãn vì việc làm Mỹ bị xuất khẩu ra các nước có giá nhân công rẻ, những người phản đối chính sách du nhập di dân của Mỹ và bất bình với đảng Dân chủ.
Trump tại Manchester, New Hampshire, ngày 8 tháng 2 năm 2016
Logo và khẩu hiệu của chiến dịch
Ông Trump nhận đề cử của đảng Cộng hòa làm ứng viên Tổng thống vào ngày 21/7 tại Đại hội Toàn quốc Cộng hòa ở Cleveland. Trong bài diễn văn dài hơn 1 tiếng đồng hồ tại đó, ông Trump đề ra những việc sẽ giải quyết nếu đắc cử Tổng thống trong đó có vấn đề kinh tế, di dân, thương mại, chống khủng bố-bạo lực. Ông cũng cam kết sẽ thương thảo lại các thỏa thuận thương mại quốc tế, bãi bỏ chương trình hỗ trợ y tế cho người thu nhập thấp Obamacare do Tổng thống Obama đề xướng, bảo vệ quyền sở hữu súng, và tái thiết quân đội.
Bản đồ bầu cử đỏ rực thể hiện chiến thắng áp đảo của ông Trump - Đồ họa: TTO
Ông là nhân vật gây chú ý và gây tranh cãi không chỉ bằng những câu nói ‘đụng chạm’ chính giới, những lời phát biểu bị lên án là kỳ thị người Hồi giáo, khinh miệt di dân, xúc phạm phụ nữ, mà còn qua công việc kinh doanh của ông với những mối làm ăn bị gãy đổ, nhiều lần bị kiện tụng, nhiều lần khai phá sản mà qua đó có thể được lợi về thuế, từ chối công khai hồ sơ thuế cá nhân, và hoạt động tài chính của quỹ từ thiện Donald Trump.
Ông bị một số đảng viên cao cấp của Cộng hòa quay lưng khi đoạn ghi âm ông đùa cợt nhục mạ phụ nữ vào năm 2005 được công khai hôm 7/10/2016 dù ông đã chính thức lên tiếng xin lỗi. Trong số những người phản đối từ nội bộ đảng Cộng hòa kêu gọi ông rút lui khỏi cuộc đua Tổng thống có cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice.
Xu hướng đảng phái chính trị của nhân vật trực ngôn Donald Trump biến chuyển rất nhiều lần. Trước 1987, ông thuộc đảng Dân chủ, nhưng sau nhiều lần thay đổi, cuối cùng ông trở về đảng Cộng hòa.
Lý do giúp Trump chiến thắng
Nhiều người Mỹ đã sốc trước những gì diễn ra tối 8/11/2016. Chiến thắng của Donald Trump đi ngược lại dự đoán trước đó của các nhà thăm dò cũng như giới phân tích.
Donald Trump sẽ là tổng thống đầu tiên bước vào Nhà Trắng mà không có bất kỳ kinh nghiệm chính trị, ngoại giao hay quân sự nào cả. Và chắc chắn cả thế giới sẽ bối rối với Tổng thống Donald Trump.
Chuyện gì đã xảy ra?
Các thăm dò sai lầm
Đến sáng 8/11, Reuters/Ipsos vẫn dự đoán khả năng thắng của bà Clinton là 90%, Upshot của New York Times từ đầu mùa đến sát giờ bầu cử luôn để tỉ lệ của bà Clinton cao hơn Donald Trump, có lúc lên đến 92%-8%. Trước lúc bầu cử, tỉ lệ này là 84%-12% nghiêng về bà Clinton.
Donald Trump đã bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8/11. Ảnh: Reuters
Sai lầm lớn nhất có lẽ vì các cử tri hiện nay là thế hệ mới hoàn toàn. Cách thăm dò truyền thống bằng gọi điện thoại cố định của các hãng đã không còn chính xác nữa. Lối thăm dò này bỏ qua hoàn toàn những người trẻ mà ngày nay họ sống phần lớn trên mạng xã hội hay gắn chặt đời sống của mình quanh chiếc smartphone.
Đầu năm nay, cách thăm dò truyền thống cũng đã thất bại thảm hại với Brexit cũng như thăm dò về trưng cầu dân ý cho độc lập của Scotland.
Các nhóm cử tri 'giấu mặt' của Trump
Giới phân tích nói nhiều về các nhóm cử tri Trump “giấu mặt” hoặc là “số đông im lặng”. Biểu hiện rõ nhất có lẽ là việc nhiều cử tri của Trump ngại không trả lời mình ủng hộ cho ứng viên nhiều bê bối như vậy.
Trump và những người ủng hộ trong buổi vận động tranh cử tại Muscatine, Iowa tháng 1 năm 2016. Nhiều người cầm bảng ghi dòng chữ "Nhóm đa số trầm tĩnh ủng hộ Trump".
Tại các điểm bỏ phiếu ở các bang tranh chấp, nhiều cử tri bỏ phiếu cho Trump đã lắc đầu từ chối khi hỏi bỏ phiếu cho ai.
Nước Mỹ cần sự thay đổi
Nước Mỹ cần thay đổi và các cử tri chán ghét với cách Washington bế tắc trong nhiều năm nay. Họ cần một thay đổi đột phá và cảm thấy một người “bên ngoài” với lối ăn nói bạt mạng, khác thường như Trump có thể mang lại sự thay đổi. Đó là cú đòn mạnh đối với giới thượng tầng ở nước Mỹ.
Phân biệt sắc tộc
Nhóm cử tri đông nhất của Donald Trump là nhóm cử tri da trắng và có học vấn thấp ở các vùng nông thôn. Đây là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất của toàn cầu hoá: những việc làm đơn giản được chuyển đến các nước đang phát triển như Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ... trong khi nhóm này không kịp thích nghi với nền kinh tế.
Nhiều người Mỹ đã khóc khi Clinton thất bại. Ảnh: Reuters.
Họ không thể hoà nhập lại với thế giới của những Facebook, Google, Apple mà ưu tiên thường dành cho giới trẻ, có học. Họ là lực lượng ủng hộ mạnh mẽ nhất của Trump.
Những “bất ngờ tháng 10”
Hàng loạt tiết lộ từ Wikileaks đã huỷ hoại danh tiếng của bà Clinton, đẩy thêm sự nghi ngờ của cử tri về độ trung thực cũng như uy tín của bà. Các tiết lộ này phát hiện bà nhận được chỉ dẫn từ bạn thân trong các cuộc tranh luận (gian lận), quỹ Clinton nhận tiền từ vua Morocco và đương nhiên là câu chuyện những bê bối email của bà.
Ngoài ra, cú giáng của FBI liên quan tới vụ email chỉ 10 ngày trước bầu cử cũng đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Phe Trump đã có thêm sinh khí và năng lượng trong cuộc đua vào phút chót.
Cuộc đua giữa Trump và Clinton không chỉ thu hút sự chú ý của người dân cả nước Mỹ. Ở Australia, những "fan cuồng" của vị tỷ phú đang reo hò vui mừng không kém những người ủng hộ Trump trên đất Mỹ. Ảnh: Getty
Nhiều người sững sờ, không thể tin vào những gì đang diễn ra. Tại trung tâm hội nghị Javits ở New York, nơi dự kiến tổ chức tiệc ăn mừng chiến thắng của bà Clinton, một người đàn ông tên Theo buồn bãi nói: "Bạn không thể tưởng tượng được lại có nhiều sự thù ghét trên đất nước này đến vậy". Ảnh: AFP
"Giờ là lúc nước Mỹ hàn gắn những vết thương của sự chia rẽ. Tôi nói rằng đây là lúc chúng ta đến bên nhau như một dân tộc đoàn kết", Trump phát biểu trong tiếng hô vang "USA".
Chuyển giao quyền lực
Từ giờ tới ngày tân TT nhậm chức 20/1/2017, người dân Mỹ sẽ có 2 tổng thống: người đương nhiệm và người kế nhiệm. Đó sẽ là 73 ngày chuyển giao quyền lực tưởng như dài bất tận.
Vào ngày 19/12 tới, 538 đại cử tri của nước Mỹ sẽ được tập hợp từ 50 tiểu bang và thủ đô Washington DC để bầu ra tổng thống và phó tổng thống theo nguyện vọng của người dân. Kết quả (đã biết trước) sẽ được Phó Tổng thống đương nhiệm Joe Biden “thông báo” trước Thượng viện.
Việc chuyển giao sẽ chính thức diễn ra vào trưa ngày 20/1/2017. Tuy nhiên, ông Donald Trump đã phải bắt đầu tiến hành chuẩn bị để trở thành tổng thống ngay từ lúc này.
Lịch trình bận rộn của Trump
Công việc của ông sẽ bao gồm hoàn thiện các chương trình nghị sự quan trọng cho 100 ngày làm việc đầu tiên, nhận vô số các bản báo cáo tóm tắt về chính sách và lựa chọn các thành viên chủ chốt của chính quyền sắp tới.
Việc đề cử nội các của tổng thống tân cử thường bắt đầu trong vòng vài tuần kể từ ngày bầu cử. Ví dụ, Tổng thống Barack Obama đã chính thức công bố bà Hillary Clinton làm ứng viên cho vị trí ngoại trưởng vào ngày 1/12/2008.
Những người được đề cử sẽ được Thượng viện xác nhận và tuyên thệ nhậm chức sau lễ nhậm chức của tân tổng thống.
Donald Trump vẫy tay chào khi rời điểm bầu cử sau khi bỏ phiếu bầu tổng thống tại New York, ngày 8/11. Ảnh: AFP.
Trên thực tế, quá trình chuyển giao quyền lực đã bắt đầu ngay lập tức, ngay sau khi bà Hillary Clinton gọi điện chúc mừng đối thủ.
Kẻ khóc người cười trước kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons.
Nhìn chung, điều này được thực hiện trong vài giờ sau khi các khu vực bỏ phiếu đóng cửa và hầu hết các kết quả đã rõ ràng, trừ khi có yêu cầu kiểm phiếu lại hoặc người thua cuộc tố cáo có vi phạm trong hoạt động bỏ phiếu (như việc ông Trump đã nói sẽ thực hiện nếu thua).
Obama cũng không rảnh
Theo thuật ngữ chính trị, tổng thống đương nhiệm, Barack Obama, được gọi là “vịt què” (lame duck). Ông có nhiệm vụ nhanh chóng mời người kế nhiệm của mình đến tham quan Nhà Trắng. Thông thường, cuộc dạo chơi này thân thiện đến đâu còn tùy thuộc vào sắc thái chính trị của người được bầu.
Mặc dù vậy, ông Obama cũng chưa được nhàn rỗi. Ông sẽ ở lại trong phòng Bầu dục sau ngày bầu cử và có 73 ngày để hoàn thành danh sách những việc cần làm khi còn là tổng thống.
Vị tổng thống Mỹ thứ 44 có thể sẽ cố gắng thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hoàn thành việc đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo. Thượng viện cũng sẽ đưa ra quyết định về Merrick Garland, người mà ông Obama đề cử cho Tòa án tối cao vào tháng 3.
Tổng thống Obama có 73 ngày để hoàn thành công việc trước khi chính thức rời Nhà Trắng.
Ảnh: Getty.
Vào ngày 20/1/2017, Donald Trump, tổng thống kế tiếp của Mỹ sẽ tuyên thệ nhậm chức ở trước điện Capitol.
Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức, cam kết trung thành với Hiến pháp Mỹ đồng thời nhận lấy danh dự và trách nhiệm của một tổng thống. Tân tổng thống sẽ đọc diễn văn nhậm chức, sau đó dùng bữa trưa do quốc hội tổ chức và diễu hành trên Đại lộ Pennsylvania để tới Nhà Trắng.
Obama từng nhiệt tình chỉ trích Trump có trí tuệ và tính khí không thích hợp để kế nhiệm ông tại phòng Bầu dục. Giờ đây, ông buộc phải chào đón người kế nhiệm này trong buổi sáng ngày Nhậm chức vào đầu năm sau và nhìn ông Trump đọc lời tuyên thệ.
Trong khi các nghi lễ đang diễn ra, nhân viên tại Nhà Trắng sẽ bận rộn di chuyển đồ đạc của chính quyền Obama để chuẩn bị cư gia và văn phòng cho những người chủ mới của họ.
Sau một loạt sự kiện trang trọng, ông trùm bất động sản cuối cùng sẽ định cư trong căn nhà mới và nhận công việc mới với tư cách là tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Từ giờ cho đến lúc đó, quãng thời gian hơn 2 tháng này sẽ là một khoảng trống đáng sợ với nước Mỹ. Ở Syria hay bất cứ nơi nào khác, người ta có thể lợi dụng sự bất ổn về thể chế của giai đoạn này, khi Barack Obama không có quyền điều hành hoàn toàn hợp pháp, còn Donald Trump vẫn chưa chính thức có quyền can thiệp vào công việc của chính phủ.
Bà Clinton thắng bầu cử phổ thông vẫn không thể trở thành tổng thống
Kết quả công bố cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton nhận được nhiều phiếu bầu hơn so với đối thủ Cộng hòa Donald Trump trong ngày bầu cử 8/11, nhưng vẫn không thể trở thành tổng thống.
Bà Hillary Clinton. (Ảnh: AFP)
Theo kết quả công bố đến thời điểm hiện tại, bà Clinton giành được hơn 59,8 triệu phiếu bầu phổ thông, chiếm 47,7% số phiếu bầu, trong khi đó, ông Trump giành 59,6 triệu phiếu bầu chiếm 47,5% số phiếu.
Tuy nhiên, chiếm nhiều số phiếu bầu phổ thông hơn cũng không giúp bà Clinton chiến thắng trước ông Trump. Điều này là bởi lá phiếu của cử tri Mỹ không trực tiếp bầu ra tổng thống mà chỉ chọn ra những người đại diện (đại cử tri) ở bang mình để bầu tổng thống. Một quy tắc nghiệt ngã nữa trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đó là hầu hết các bang ở Mỹ đều áp dụng quy tắc "được ăn cả", nghĩa là một ứng viên chỉ cần giành nhiều phiếu phổ thông hơn ở một bang nào đó thì đồng nghĩa sẽ giành trọn số phiếu đại cử tri ở bang này. Nói cách khác, hàng triệu lá phiếu phổ thông bầu cho ứng viên còn lại sẽ trở nên vô nghĩa.
Thực tế là, dù bà Clinton giành nhiều phiếu phổ thông hơn ông Trump, nhưng thất bại ở các bang tranh chấp, nên số phiếu đại cử tri của bà Clinton tính đến thời điểm hiện tại là 232 phiếu, thấp hơn so với 290 phiếu của ông Trump. Như vậy, ông Trump mặc dù thua về số phiếu phổ thông nhưng vẫn đắc cử tổng thống.
Như vậy, bà Clinton trở thành ứng viên đầu tiên kể từ năm 2000 thắng bầu cử phổ thông nhưng không thể trở thành tổng thống. Năm 2000, ứng viên Dân chủ Al Gore cũng giành chiến thắng áp đảo trong bỏ phiếu phổ thông nhưng lại thua trong bỏ phiếu đại cử tri, nên cuối cùng đối thủ Cộng hòa George W. Bush đã đắc cử tổng thống. Đây cũng là một trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi trong lịch sử Mỹ.
Tỉ phú Donald Trump đã chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhờ giành nhiều hơn số phiếu đại cử tri theo quy định. Thế nhưng cuộc kiểm phiếu vẫn chưa kết thúc và tính đủ thì ông Trump được 306 phiếu đại cử tri còn bà Clinton 232 phiếu.
Theo qui định về bầu cử Tổng thống ở Mỹ, người dân tuy được đánh dấu chọn tên cụ thể ứng cử viên Tổng thống mình mong muốn nhưng thực chất chỉ là bầu gián tiếp. Phiếu của các cử tri được gọi là phiếu phổ thông.
Quyền bầu cử trực tiếp tổng thống nằm trong tay Đại cử tri đoàn (Electoral college). Cả nước Mỹ hiện có 538 đại cử tri.
Kết quả chiến thắng từng bang của hai ứng cử viên ông Trump & bà Clinton
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire