lundi 21 décembre 2015

PHONG TỤC : Mùa Giáng Sinh cuối năm 2015 & Tết Dương lịch 2016


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Chúc bạn một mùa Giáng sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc.
Je vous souhaite un joyeux Noël et une bonne et heureuse année 2016.
Wish you a happy Christmas and a happy new year 2016.



Chúng ta đã bước vào tháng 12 với những nhộn nhịp của Mùa Giáng Sinh. Người ta chen chúc nhau mua sắm và nhìn vào mức độ mua sắm để đo lường sự phát triển hay suy thoái của nền kinh tế. Riêng bạn nhìn thấy gì trong Mùa Giáng Sinh? Có bao giờ bạn tự hỏi vậy ý nghĩa của những hình ảnh quen thuộc như cây thông Noel, ngôi sao giáng sinh, vòng lá mùa vọng hay cây kẹo gậy ?



Mùa giáng sinh về len lỏi trong các con phố, len lỏi trong từng ngõ ngách, từng hơi thở của cuộc sống. Trải dài khắp Việt Nam và trên toàn thế giới, tháng 12 đâu đâu cũng rộn ràng bởi những khúc ca vui nhộn và ngập tràn màu sắc của ông già Noel, của tuyết phủ trắng xóa, của những nhánh cây thông xanh rực rỡ… Ngừng lại với vòng quay hối hả của những ngày cuối cùng của năm cũ, có bao giờ bạn tự hỏi vậy ý nghĩa của những hình ảnh quen thuộc này?


Nguồn gốc

Lễ Giáng sinh - Noël, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh là một ngày lễ quốc tế kỷ niệm ngày Chúa Giê-su sinh ra đời của phần lớn người Cơ Đốc giáo hay Kitô giáo. Họ tin là Giê-su được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của Đế quốc La Mã giữa năm 6 TCN và năm 6.


Một số nước ăn mừng ngày này vào 25 tháng 12, một số nước lại vào tối ngày 24 tháng 12. Tuy nhiên, những người theo Chính Thống giáo Đông phương (Orthodoxe) vẫn sử dụng lịch Juliêng để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.

Nguyên thủy, lễ giáng sinh là của những người theo đạo Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của người lãnh đạo tôn giáo mình, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng dần dần, theo thời gian và qua các lễ hội của phương Tây, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình. Kết quả là bây giờ, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế, với ông già No-el, cây Giáng sinh và cây thông no-el.


Ý nghĩa Noël

Ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chúa, Noël là một ngày lễ gia đình, một ngày đặc quyền để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình. Lễ này dưới mọi hình thức được biểu lộ, tạo những kỷ niệm chung và duy trì tình cảm giữa mọi người trong gia đình. Mỗi người tìm được, bằng cách thức riêng của mình, để tạo dựng mối liên hệ : chia sẻ với nhau một bữa ăn chung, một đêm không ngủ, nghe thuật lại một câu chuyện, quây quần bên cạnh cây sa pin Noël… Với địa vị ngày càng lớn lao của trẻ con trong gia đình, ngày Noel trở thành một buổi lễ của trẻ em : một đêm thần diệu mà hầu như tất cả mọi ước nguyện trẻ con được thành sự thật trong sự sung sướng của những người lớn.


Ngày Noël cũng là một thông điệp của hoà bình : « Vinh danh Thượng Đế trên cao – Bình an cho người dưới thế » : đây là câu được hát bởi những thiên thần báo tin sự xuất hiện của vị cứu thế và Noël cũng là ngày người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu…


Cây thông Noël

Vào mùa đông, trong khi mọi cây cối đều héo rũ thì riêng mình cây thông vẫn xanh tươi. Chính bởi vậy, người cổ đại đã coi thông là loại cây phục sinh. Để có sự hoà hợp con người và thiên nhiên, hơn 500 năm trước trong mùa Giáng sinh, người ta dùng thông làm cây Christbaum, thông xanh tươi, có mùi thơm màu xanh biểu tượng cho sự sống nên mang đến ánh sáng hy vọng. Vào ngày đông chí, họ trang trí cây thông với trái cây, hoa và lúa mỳ.


Lần đầu tiên cây thông được biết đến như loại cây của ngày lễ Noel là ở Đức. Trước đây, người Đức cho rằng cây sồi là cây Thánh. Tuy nhiên Boniface (sinh vào năm 680) đã thuyết phục được các đạo sỹ không tin vào điều đó bằng cách cho đốn một cây sồi. Khi cây sồi đổ, nó đè bẹp mọi vật nằm dưới đường đổ của nó, trừ một cây thông nhỏ. Cây thông trở thành cây của Chúa Jesus.

Bởi vậy mà vào lễ Noël, người Đức đã từng có truyền thống trồng những cây thông nhỏ. Thời Trung đại, trong nhiều lễ hội tại Ðức đều xuất hiện cây thông. Dần dần hình ảnh của loài cây này xuất hiện thường xuyên hơn và nó được coi là trung tâm của lễ hội, nơi mọi người cùng nắm tay nhau nhảy múa xung quanh cây thông được trang trí công phu.


Đến thế kỷ thứ 11, cây thông Noël còn được coi là cây thiên đường. Điều này giải thích lý do vì sao mà người ta còn treo thêm lên cây những trái táo đỏ, để gợi lại hình ảnh trái cấm của Adam và Eva. Đến thế kỷ 14, cây thông Noel được gắn thêm ngôi sao ở trên đỉnh cây. Đây chính là biểu tượng của ngôi sao Bethleem chiếu sáng trên bầu trời khi chúa hài nhi ra đời. Ngôi sao này đã dẫn đường cho ba vị thần cư ngụ ở phương đông: Gaspard, Melchior Balthasar đến gặp chúa. Đã từng có giả thuyết khoa học cho đó chính là sao chổi Halley.


Chuông thánh đường


Tại đất nước Tây Ban Nha, các chuông nhà thờ ngân vang vào lúc nửa đêm báo hiệu Chúa ra đời. Trong một số nền văn hóa Á Châu, tiếng chuông được dùng báo hiệu cho quần chúng biết một việc vui hay một sự kiện buồn nào đó vừa xảy đến. Ở những quốc gia Tây phương, tiếng chuông rung lên chào mừng Chúa Cứu thế xuống trần.


Ngôi sao Noël

Ngôi sao trong lễ Giáng sinh có ý nghĩa đặc biệt. Theo tương truyền, lúc Chúa vừa chào đời thì trên trời xuất hiện một ngôi sao rực rỡ. Ánh sáng tỏa ra mấy trăm dặm. Từ các vùng phía đông xa xôi nay thuộc lãnh thổ Iran Syria, có 3 vị vua được mặc khải tin rằng cứ lần theo ánh sáng ngôi sao tìm tới chắc chắn sẽ gặp phép lạ gọi là lễ ba vua. Từ đó, ba vị tìm theo sự dẫn đường của ánh sáng để đến được hang đá thành Bethelem nơi Chúa đã ra đời. Ba vị này quỳ trước mặt Chúa, dâng lên Chúa các phẩm vật trầm hương, mộc dược và vàng bạc châu báu.


Ngôi sao trở thành biểu trưng ý nghĩa trong mùa Giáng sinh và được treo chỗ trang trọng nhất ở các giáo đường, cơ sở tôn giáo trong đêm Giáng sinh để nhớ đến sự tích trên. Ngôi sao còn tượng trưng cho phép lạ của Thượng đế.


Cây kẹo gậy

Vào năm 1800, một người làm kẹo ở Ấn Độ muốn biểu đạt ý nghĩa của lễ Giáng sinh qua một biểu tượng được làm bằng kẹo. Ông thực hiện ý tưởng của mình bằng cách uốn cong một trong những thỏi kẹo thành hình một chiếc gậy kẹo.


Qua cây gậy kẹo của mình, ông đã kết hợp những biểu tượng thể hiện tình yêu và sự hy sinh của Chúa Jesus. Màu trắng biểu hiện cho sự trong trắng và vô tội của Chúa Jesus. Sau đó, ba sọc nhỏ tượng trưng cho những đau đớn mà Ðức Chúa đã phải chịu trước khi ngài chết trên cây thập tự giá.

Ba sọc đó còn biểu hiện ba ngôi thiêng liêng của Chúa (sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần). Ông thêm vào một sọc đậm để tượng trưng cho máu mà Chúa đã đổ cho loài người. Khi nhìn vào cái móc của cây gậy, ta thấy nó giống hệt cây gậy của người chăn cừu vì Chúa Jesus chính là người chăn dắt con người. Nếu bạn lật ngược cây gậy, nó sẽ trở thành chữ J tượng trưng cho chữ cái đầu tiên của tên Chúa Jesus.


Vòng lá mùa vọng

Theo những người Thiên chúa giáo, vòng lá mùa vọng được kết bằng lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy. Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên chúa.


Theo đúng nghi thức của những người Thiên chúa giáo, trên vòng lá mùa vọng sẽ cồn 4 cây nến bao gồm 3 cây màu tím, màu của mùa vọng, cây thứ 4 là màu hồng là màu của Chúa nhật thứ ba mùa vọng.


Ngày nay, với sự phổ biến của Giáng sinh trên khắp thế giới, vòng lá mùa vọng này đã dần thay đổi so với ý nghĩa ban đầu. Những ngày này, ra đường bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những vòng hoa nguyệt quế (vòng hoa mùa vọng) như là một biểu tượng của Giáng sinh.


Vài hàng về Tết Dương lịch

Tại Việt Nam, cũng bắt nguồn từ thời Pháp thuộc, khi đó lịch Tây bắt đầu được sử dụng, các công sở lúc đó được nghỉ những ngày này để tổ chức lễ hội đón năm mới - thường được tính bắt đầu từ lễ Giáng sinh.

Tết Dương lịch hay còn gọi là Tết Tây là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm của nhiều dân tộc trên thế giới. Tết này là ngày đầu tiên hàng năm theo dương lịch, loại lịch hiện được dùng phổ biến tại Việt Nam, tuy âm lịch vẫn còn được dùng trong các lễ hội, giỗ, tết hay sự kiện văn hóa cổ.



Bắt nguồn từ phương Tây, ở thời La Mã và Hy Lạp, họ biết làm lịch, đã tạo ra Dương lịch.

Tết Dương lịch đã được Việt hóa và trở thành một ngày lễ truyền thống. Ngày này được nhà nước cho phép nghỉ ngơi và tổ chức nhiều lễ hội liên quan. Đây cũng là một dịp để mọi người có thể đi chơi, thăm hỏi, gặp gỡ nhau hoặc tổ chức đi du lịch...


5 nhà thờ đẹp ở Sài Gòn

Vào dịp Giáng sinh, các nhà thờ ở Sài Gòn lộng lẫy với đèn điện ấp áp, hang đá, cây thông rực rỡ.

Nhà thờ Đức Bà (đường Đồng Khởi, quận 1)

Nhà thờ Đức Bà có quy mô lớn, cổ xưa và đặc sắc nhất thành phố. Trong quá trình xây dựng, toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang.

Ngôi nhà thờ xây bằng gạch ngói Marseille, kính màu và khung sườn thép mang từ Pháp sang kết hợp với đá xanh Biên Hòa. Các ô cửa cuốn tròn kiểu Roman cùng cung vòm gãy kiểu Gothique gợi nhớ tới thánh đường lớn ở Paris.

Nhà thờ Đức Bà hoàn toàn không có chỗ cho nến (đèn cầy) mà được chiếu sáng hoàn toàn bằng đèn điện ngay từ khi xây dựng. Ngày nay, nhà thờ Đức Bà không chỉ là nơi hành lễ của người công giáo mà còn trở thành một biểu tượng quen thuộc của người dân Sài Gòn, là một điểm tham quan yêu thích của mỗi du khách đến với Sài Gòn.

Nhà thờ Huyện Sĩ (Tôn Thất Tùng, quận 1)

Nhà thờ Huyện Sĩ tọa lạc trên một khu đất cao và rộng hơn một mẫu, nằm ở góc đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) và Frère Guilleraut (nay là đường Tôn Thất Tùng), nhà thờ Huyện Sĩ hiện là một trong những ngôi nhà thờ có khuôn viên thoáng đãng nhất Sài Gòn.

Nhà thờ Huyện Sĩ được xây theo nguyên mẫu nhà thờ nhỏ ở Pháp. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc tân Gothique. Đây là một trong số ít công trình sử dụng vật liệu đá granít Biên Hòa, tại mặt tiền, đế và các cột chính điện. Loại đá này rất cứng nên không có các chi tiết trang trí truyền thống nhưng lại thể hiện ý muốn phô trương sự giàu có.

Nhà thờ do ông Lê Phát Ðạt (ông ngoại của Hoàng hậu Nam Phương), tức Huyện Sỹ một trong tứ đại hào phú Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định) hiến đất và bỏ tiền ra xây dựng. Công trình được hoàn thành năm1905.

Nhà thờ Tân Định (289 Hai Bà Trưng, quận 3)

Nhà thờ Tân Định tọa lạc trên con đường Hai Bà Trưng nhộn nhịp, nhà thờ Tân Định là một trong những kiến trúc đẹp nhất của TP HCM. Tổng thể kiến trúc mang phong cách Gothic kết hợp Roman, pha chút Baroque ở những nét trang trí. Màu sơn hồng và những đường nét hoa văn trang trí màu trắng làm cho toàn bộ công trình nổi bật trên nền trời xanh, tạo một vẻ lộng lẫy và tươi mới.

Nhìn từ phía mặt tiền, du khách có thể thấy tòa tháp chính và hai tháp phụ. Hai bên tháp phụ có những tháp đèn, có nhiều lỗ thông gió và những hoa văn tạo vẻ vững chãi, rất duyên dáng. Hai dãy hành lang có mái vòm, lợp ngói vảy cá, những ô cửa tròn với hoa lá trang trí, tượng thiên thần rất tinh xảo.

Thánh đường bên trong khá bề thế với hai hàng cột Gothic, dẫn tới bàn thờ chính. Cùng với mặt tiền, hai hàng cột này được đánh giá là những nét đẹp nhất trong cả công trình kiến trúc. Hàng cột biên bên trái là tượng các thánh nữ, bên phải là tượng các thánh nam. Các bàn thờ trong thánh đường được làm bằng đá quý đưa từ Ý sang.

Nhà thờ Cha Tam (25 Học Lạc, quận 5)

Nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn khá đặc biệt bởi sự hòa trộn độc đáo, thú vị giữa kiến trúc và văn hóa Đông, Tây. Giống như các nhà thờ ở Châu Âu, nhà thờ Cha Tam được xây dựng lối kiến trúc Gothique, nhưng các yếu tố văn hóa Hoa vẫn được coi trọng. Như cổng nhà thờ xây kiểu tam quan, tên nhà thờ ghi bằng chữ Hán, mái lợp ngói âm dương, các đầu đao cong, hai bên cây thánh giá, có hai con cá chép... bốn cây cột nơi chính điện sơn đỏ, là màu không phổ biến trong nhà thờ Công giáo. Nơi treo hình tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh là hai bức liễn sơn son thiếp vàng, chạm chữ màu đen: nhưng bên trong lại trang trí hoành phi liễn đối như đền miếu người Hoa..

Nhà thờ Cha Tam hay còn gọi là nhà thờ Phanxicô Xaviê hoàn thành vào đầu thế kỉ 20 do linh mục Pierre d’ Assou, người đứng ra xây dựng nhà thờ và cũng là vị cha sở đầu tiên, nên dân gian quen gọi là nhà thờ Cha Tam. Sau khi xây dựng nhà thờ, cha sở Tam Asson còn xây được một trường học, nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú, một số nhà ở cho thuê.

Nơi đây còn ghi nhận dấu chứng lịch sử đặc biệt khi là nơi cuối cùng Ngô Đình Diệm và em ruột Ngô Đình Nhu đã đến cầu nguyện trước khi tự nộp mình cho phe đảo chính,trong cuộc đảo chính quân sự nổ ra năm 1963. Nhưng rồi cả hai ông đều bị một sĩ quan trong lực lượng đảo chính hạ sát ngay trên đường áp tải từ nhà thờ Cha Tam về Bộ Tổng tham mưu.

Nhà thờ Chúa Cứu Thế (38 Kỳ Đồng, quận 3)

Nhà thờ Chúa Cứu Thế tọa lạc trên đường Kỳ Đồng, Dòng Chúa Cứu Thế và Tu viện Sài Gòn có khuôn viên rộng rãi, là điểm đến của nhiều bạn trẻ và các giáo dân trong những ngày cuối tuần hay dịp lễ. Nhìn từ ngoài, nhà thờ không có gì đặc biệt, không có nét gô-tích cổ kính, cũng không uốn lượn họa tiết Đông phương. Chỉ đến khi bước vào trong, ngồi vào ghế, mới thấy đẹp, cái đẹp của không gian thoáng rộng vì không bị hàng cột vướng tầm mắt, cái đẹp của những phiến tường trắng tinh thanh thoát, tương phản với những hàng ghế gỗ dài màu nâu gụ ấm áp.

Ngoài ra phía sau nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam còn có 1 nhà sách khá lớn, bạn có thể tìm đọc nhiều loại sách khác nhau liên quan đến tôn giáo Thiên Chúa.

Vào dịp Giáng sinh nơi đây đặc biệt đông đúc với "khu chợ" giáng sinh hoành tráng. Tối Noel, khắp nơi dòng người đông nghẹt nô nức đi lễ Giáng sinh và hát mừng Chúa ra đời ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Bạn sẽ cảm nhận được sự trang trọng và lòng thành kính giống như các giáo dân vẫn thường hướng về đấng tối cao của họ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire