lundi 22 septembre 2014

MÔI TRƯỜNG : Tình trạng ngập nước ở Saigon


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Sài gòn là một thành phố ven biển, có địa hình khá bằng phẳng nhưng thấp, chịu tác động trực tiếp của dòng chảy lũ từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn (phía thượng nguồn), đồng thời chịu triều cường từ biển Đông, do vậy thường xảy ra ngập úng, đặc biệt là những năm gần đây. Cơn mưa kéo dài đã làm rất nhiều tuyến đường ở Sài Gòn bị ngập nặng, giao thông và sinh hoạt của người dân bị tê liệt hoàn toàn.


Muốn hiểu về triều cường thì trước hết bạn phải hiểu thủy triều là gì?

Thủy triều là hiện tượng nước biển, nước sông lên xuống trong ngày do ảnh hưởng dưới sức hút của Mặt Trăng, Mặt Trời.

Còn triều cường là lúc dao động của thủy triều lên cao và lớn nhất. Triều cường xảy ra khi Mặt Trăng, Mặt Trời, Trái Đất nằm thẳng hàng nhau. Tức là vào ngày mồng 1 và rằm 15 (âm lịch hàng tháng).


Quy hoạch không hợp lý

Phần lớn rừng đầu nguồn có chức năng điều tiết nước đã bị chặt phá nặng nề; ở cuối lưu vực sông Đồng Nai, Sài gòn dễ bị tác động bởi lũ đầu nguồn tràn về.
Trong cơn bão số vừa qua, mực nước có nơi ngập đến ngang thắt lưng. Có những lúc sắp tới mùa mưa, vậy mà tình trạng ngập úng triền miên vẫn chưa có gì khả quan.

Tình trạng thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, thứ nhất là do thành phố nằm trên khu vực đất yếu, đất trũng. Thành ra là kết hợp những đợt mưa, triều cường và thoát nước chậm, sẽ gây úng ngập nhất định.

Lịch sử phát triển thành phố thời gian qua, có giai đoạn phát triển thiếu mô hình phù hợp. Sài Gòn phát triển theo dạng vết dầu loang. Tức là lực thì có hạn, không có tiền để làm đường xá vượt ra ngoài xa. Cuối cùng là do sự phát triển đó, khi gặp những khu vực trũng yếu không thể phát triển đô thị; người dân vẫn đến ở, nhà thầu vẫn cứ xây dựng làm cho những khu vực, thay vì nó được ngấm, hút nước và thoát nước; do phát triển lan tỏa, những khu vực này bị chiếm dụng. Kết hợp với nền đất thấp yếu, vấn đề ngập lụt tất nhiên sẽ xảy ra.

Chỉ hơn 10 năm đô thị hóa, khả năng chứa nước trong thành phố đã giảm gần 10 lần. Theo Trung tâm Nghiên cứu và quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn, tình trạng ngập lụt hiện nay tại Sài gòn không phải do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mà do quản lý đô thị kém. Chính tình trạng chuyển đổi diện tích bề mặt tự nhiên có khả năng thấm 50% nước mưa thành bề mặt đô thị bê tông hóa với khả năng thấm khoảng hơn 10% lượng nước mưa, đã làm gia tăng tình trạng ngập nước ở Sài gòn.

Quá trình đô thị hóa trong hơn chục năm này, đã làm biến mất 47 con kênh. Có thể thấy rằng, tình trạng Sài gòn ngập lụt hôm nay là hậu quả của thái độ chưa quan tâm đúng mức ngay từ khâu hoạch định phát triển đô thị. Vậy đến nay, thực trạng này đã được giải quyết đến đâu ?

Hiện nay tình hình giảm ngập nước vẫn còn đang là lúng túng bài toán hiện trạng. Chính vì vậy mà thành phố có một Trung tâm chống ngập, có quyền đề xuất với thành phố các bài giải về vấn đề chống ngập.

Là một thành phố luôn bị ngập, nhưng hầu hết hệ thống thoát nước cũng như các đê bờ bao của Sài gòn đã cũ kỹ và quá tải. Không ít dự án chống ngập được triển khai, nhưng tiến độ thi công là đáng quan ngại. Chính quyền thành phố đã từng yêu cầu các đơn vị đình chỉ thi công đối với các công trình chống ngập kéo dài có chất lượng yếu kém.

Trong mắt người dân Sài gòn, chỉ cần một cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường biến thành sông chẳng còn lạ lẫm. Khi nhắc về trận bão, người dân ở đường Âu Cơ, Tân Phú kể "Mưa thì ngập. Mấy mùa mưa trước, nó ngập lên đến đầu gối luôn. Đường cống chạy chậm quá, tất cả nước đổ ra thì ngập từ ngoài đường tràn vô nhà người ta. Xe người ta đi, nó ngập gần nửa cái bánh xe."  


Dân tự ứng phó

Theo kết luận một cuộc khảo sát, 75% các khu vực bị ngập ở Sài gòn không phải do triều cường cao, mà do khả năng thoát nước của hầu hết hệ thống chỉ đáp ứng lượng mưa thấp. Ban Quản lý dự án chống ngập nước thành phố cho rằng, tất cả các dự án hiện nay đều thiên về giải pháp công trình với mức độ bảo vệ hữu hạn. Vì vậy, dễ bị tổn thương khi đối phó với các biến cố vượt thiết kế.

Cần phải cân bằng giữa biện pháp trực tiếp xây dựng công trình chống ngập với các phương pháp xây dựng ý thức chung. Về biện pháp lâu dài, chúng ta bắt đầu phải có khả năng phát triển hạ tầng kỹ thuật một vài chục km xa hơn, ra khỏi thành phố. Phát triển đường tàu điện, đường giao thông chính thì mới đưa dân ra những chỗ đất cao được. Mở những khu đô thị ở những khu đất cao và đất tốt. Làm sao khuyến khích người dân ở những vùng đất trũng yếu bị ngập nước, người ta sẽ chuyển dịch đến những vùng đất cao. Như vậy trả lại cho thành phố những khu vực đất không phát triển dân cư mà phát triển cây xanh, hồ điều tiết nước.Như thế thì tình hình ngập nước sẽ giải quyết được rốt ráo. Hai việc được tiến hành song song.


Các thông tin giải quyết ngập úng thuộc tầm vĩ mô này, xem ra chưa đến được người dân. Những biện pháp tự ứng phó trong thực tế thì đơn giản hơn. Một người dân SG nói "Tôi đâu có biết ý kiến người ta ra làm sao. Giờ chỉ biết đợi mưa xong, múc nước đổ đi, lau nhà thôi. Người ta làm bờ ngăn cái thềm nhà nhưng mà nước vẫn tràn vô."

Nếu mực nước biển dâng 1 m, nguy cơ sẽ có trên 20% diện tích Sài gòn bị ngập. Khả năng chống ngập của Sài gòn có vẻ chưa đủ ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Vấn nạn này khó có thể giải quyết rốt ráo, nếu chưa được xem như là một chính sách an sinh xã hội.


Những quận nào ở Sài Gòn hay bị ngập nước ?

“Điểm mặt” những vùng ngập

Danh mục chính thức về số điểm ngập trên địa bàn Sài Gòn do Sở Giao thông công chính (nay là Sở Giao thông vận tải - GTVT) thống kê từ đầu năm 2008 kết thúc ở một con số hết sức tròn trĩnh : 100 điểm ngập. Trong đó có :

  • 54 điểm ngập do mưa, 
  • 12 điểm ngập do triều và 
  • 34 điểm ngập do mưa kết hợp với triều. 
Nhưng nếu chia theo địa bàn phân bố thì có thể thấy điểm ngập xuất hiện rộng khắp ở các khu vực cả nội thị, vùng ven lẫn ngoại thành, chỉ thiếu quận 3, quận 4, quận 9 và huyện Cần Giờ.

Chỉ riêng khu vực nội thành đã có tới 66 điểm ngập phân bố dọc bốn lưu vực chính gồm :

  • Hàng Bàng (28 điểm), 
  • Tân Hóa - Lò Gốm (15 điểm), 
  • Nhiêu Lộc - Thị Nghè (17 điểm) và 
  • Tàu Hủ - Kênh Đôi - Kênh Tẻ (6 điểm). 
Đáng chú ý là có đến 77,3% số lần ngập hằng năm xuất hiện tại hai lưu vực Hàng Bàng và Tân Hóa - Lò Gốm.

Quan sát trong những năm gần đây cho thấy mỗi trận mưa lớn kéo dài trên 30 phút với lượng mưa khoảng 60mm là điểm ngập đồng loạt xuất hiện, mặc dù có đến hai tiểu dự án kết hợp chống ngập với cải thiện môi trường bằng nguồn vốn ODA tại hai lưu vực này. Trong đó, khu vực bến xe Chợ Lớn - chợ Bình Tây, bùng binh Cây Gõ - Minh Phụng là những địa chỉ ngập nặng, ngập triền miên.

Ở các quận vùng ven, bức tranh ngập nước cũng chưa có dấu hiệu cải thiện. Anh Lê Chí Hùng (nhà ở đường Ba Tơ, quận 8) cho biết công ty anh ở quận 3 nên ngày hai lượt đi về qua đường Phạm Thế Hiển.

Chỉ cần ngang qua cầu Chà Và, nhìn mực nước kênh Tàu Hủ là biết đường Phạm Thế Hiển sẽ ngập ở đoạn nào, sâu bao nhiêu. “Chừng nào đoạn đường từ cầu Nhị Thiên Đường về cầu Bà Tàng triều lên mà không ngập, tui sẽ gọi điện mời nhà báo tới nhà làm gà ăn mừng” - anh Hùng hóm hỉnh. Trong khi đó, dù kênh Nước Đen đoạn thuộc quận Tân Phú đã được bêtông hóa bằng hệ thống cống hộp nhưng vẫn không thoát ngập bởi những cơn mưa lớn. Cũng dọc tuyến kênh này, đoạn thuộc phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) còn bi đát hơn khi nằm ngay rốn ngập Gò Cát.

Tại các quận huyện ngoại thành tình hình cũng không mấy sáng sủa. Sau những cơn mưa hoặc lúc triều cường, người đi đường từ nội thành ra chỉ cần vượt qua được cầu Bình Triệu là lọt ngay vào điểm ngập Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức).

Nói là “điểm” nhưng thực tế đường này thường xuyên bị ngập kéo dài từ ga Bình Triệu đến tận cầu Gò Dưa. Đường Lê Văn Lương bị ngập do địa hình chung của huyện Nhà Bè nằm ở dưới dốc, còn đường tỉnh lộ 9 (huyện Củ Chi) cũng đang tồn tại một điểm ngập ở đoạn từ cầu Rạch Tra đến cầu Bà Đế.

Lướt qua danh mục những điểm ngập do cơ quan chức năng TP công bố không khó để nhận ra còn nhiều điểm ngập khác chưa được đề cập. Nếu hỏi người dân, chắc chắn danh mục những điểm ngập sẽ còn được nối dài vượt xa con số 100 điểm ngập theo thống kê của cơ quan chức năng.

Theo danh mục chính thức, quận 2 chỉ có hai điểm ngập trên đường Quốc Hương đoạn trước Trường đại học Văn hóa (phường Thảo Điền) và đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ chợ Giồng Ông Tố đến cầu Xây Dựng.

Không hiểu vì vô tình hay hữu ý, cơ quan chức năng “quên” một vũng ngập khổng lồ đã tồn tại nhiều năm nay là khu vực dọc đường Lương Định Của thuộc phường An Khánh và phường Thủ Thiêm. Muốn tìm chứng tích của vũng ngập này, hãy ghé thăm trụ sở UBND của phường An Khánh và phường Thủ Thiêm. Bất kể giờ nào cũng có thể nhìn thấy ngấn nước còn in hằn trên chân tường, có nơi cao quá gối.

Cách đây không lâu, báo Tuổi Trẻ từng có bài viết đề cập vùng trũng phường Bình Hưng Hòa và phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), nơi giao nhau của kênh Nước Đen và hợp lưu kênh 19-5 với kênh Tham Lương. Chỉ riêng khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa (dọc đường Tân Kỳ Tân Quý) từ đầu mùa mưa đến nay đã chịu năm trận ngập nặng, nhất là trận ngập sau cơn mưa chiều 6-9. Thế nhưng trong danh sách cập nhật mới nhất của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là Trung tâm chống ngập) do Sở GTVT chuyển giao không thấy nhắc tới khu vực này.

Khó hiểu hơn, các tuyến đường Ung Văn Khiêm, D2 và Điện Biên Phủ (đoạn từ cầu Văn Thánh đến cầu Sài Gòn) thường xuyên bị ngập khi có mưa kết hợp với triều cường cũng không được nhắc đến trong danh mục 100 điểm ngập. Tương tự, một số điểm ngập khác như đường Hồ Văn Tư, Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức), đường Nguyễn Xiển (quận 9) và các con đường ở khu dân cư Đồng Diều (quận 8) đều bị lọt sổ.

Những điểm ngập kể trên chỉ là “ngập sỉ” với tần suất xuất hiện dày đặc sau những trận mưa hoặc triều cường. Riêng những điểm “ngập lẻ” với chu kỳ không đều đặn có lẽ không thể kể xiết. Trong số này có thể kể đến những điểm ngập bất thình lình do bể bờ bao, vỡ đê hoặc do các công trình thi công hạ tầng gây ra, nhất là các công trình... chống ngập.

Bức tranh ngập của TP vốn đã loang lổ là vậy những diễn biến gần đây cho thấy tình hình càng có chiều hướng bi đát hơn. Theo Trung tâm chống ngập TP, mùa mưa năm nay các khu vực quanh công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), đường Phan Văn Khỏe, Mai Xuân Thưởng (quận 6), một số tuyến đường thượng lưu kênh Nước Đen (quận Tân Phú) đã cải thiện về độ sâu, diện tích và thời gian ngập so với năm 2007. Tuy nhiên, tổng hợp báo cáo đến cuối tháng tám, Sở GTVT mới xóa ngập được 5/12 điểm và giảm ngập được 6/14 điểm đã đăng ký thực hiện trong năm 2008.

Trong khi đó, chỉ riêng tháng 7 và nửa đầu tháng 8-2008 trên địa bàn TP đã xuất hiện 16 điểm ngập mới. Điều đáng nói là một số điểm ngập mới này xuất hiện ngay khu vực trung tâm TP như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Lê Lợi, Lê Lai (quận 1)... Đặc biệt, cơn mưa kỷ lục với lượng mưa một số trạm đo được 140mm đã làm “lộ mặt” cùng lúc đến 87 điểm ngập. Trong đó, đường Lê Lợi đoạn từ vòng xoay Quách Thị Trang (trước chợ Bến Thành) đến đường Nguyễn Huệ hiếm khi ngập đã “lặn” sâu hơn nửa mét dưới làn nước.


18 "điểm nóng" về ngập nước ở Sài Gòn

Sở Giao thông Vận tải Sài Gòn vừa công bố danh sách 18 điểm thường xuyên ngập nước và có nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên các tuyến đường. Những điểm thường xuyên gây ngập úng tập trung ở các quận: 5, 6, 7, 8, 11, 12, Thủ Đức và Bình Tân. Trong danh sách, Q.Thủ Đức đứng đầu bảng với 6 điểm. Kế đến là Q.Bình Tân xếp vị trí thứ 2 với 3 điểm ngập.

Những điểm ngập đều tập trung ở các trục đường chính có nhiều phương tiện giao thông qua lại. Các tuyến đường: Tỉnh lộ 43, Kha Vạn Cân, Gò Dưa, Đặng Văn Rành, Dương Văn Cam, Hồ Văn Tư (Q.Thủ Đức); Hồ Học Lãm, Kinh Dương Vương, Trần Đại Nghĩa (Q.Bình Tân).


Để khắc phục tình trạng ngập nước, trong năm 2014, Sài Gòn sẽ có thêm 4 cống kiểm soát triều được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 2.600 tỉ đồng, gồm cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân và cống điều tiết kết hợp âu thuyền tại cửa rạch Nước Lên.

Các cống kiểm soát triều này sẽ được hoàn thành vào năm 2017, nhằm giảm ngập do triều cho các khu vực vùng trũng nằm dọc hai bên rạch Bến Nghé thuộc quận 1, 4, hai bên kênh Tẻ thuộc quận 4, 7, hai bên sông Phú Xuân thuộc quận 7, Nhà Bè, kết hợp ngăn triều, chống ngập và điều tiết giao thông thủy.


Theo Trung tâm chống ngập, hiện nay TP đang triển khai xây dựng cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng vốn đầu tư 290 tỉ đồng từ ngân sách để giảm ngập cho khu vực hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc Q.1, Bình Thạnh. Công trình hiện đạt 75% khối lượng, dự kiến hoàn thành và vận hành vào cuối năm 2013.

Cũng theo kế hoạch được trung tâm đề ra, ngoài 4 cống kiểm soát triều được khởi công trong năm 2014, dự kiến sẽ có 3 cống kiểm soát triều khác sẽ được khởi công trong năm 2015 và hoàn thành năm 2017 gồm cống kiểm soát triều Sông Kinh, Rạch Tra và Vàm Thuật. Tổng vốn đầu tư của 3 cống kiểm soát triều này gần 2.300 tỉ đồng.


Sài Gòn ngập do cống thoát nước lỗi thời

Cơn mưa chiều tối 15/8/2014 làm nhiều tuyến đường tại TP.HCM ngập nặng. Nhiều người dân cho biết họ bị thiệt hại tài sản do mức ngập cao hơn những đợt mưa trước.

Ngày 16/8, ông Lư Thanh Lương ở đường Lũy Bán Bích, P.Tân Thới Hòa (Q.Tân Phú) cho biết gia đình ông phải tát nước, lau nhà, rửa bàn ghế đến 22h30 ngày 15/8 mới xong.

Cơn mưa chiều cùng ngày đã làm đường Lũy Bán Bích ngập nặng, nước tràn vô nhà ông và những nhà lân cận gây hư hại nhiều đồ đạc trong nhà. Nhà ông Lương bị nước ngập hơn 20cm, làm hư tủ lạnh và một CPU máy vi tính.

Tàu lửa “nằm đường” vì ngập nước. Sau cơn mưa chiều 15/8, nhiều khu vực gần kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị ngập nặng do nước cống tràn lên đường. Một số người dân ở cuối đường Út Tịch (quận Tân Bình) đoạn giáp với đường Hoàng Sa cho biết họ phải dọn nhà đến 20g mới xong do nước mưa, nước cống tràn vào nhà. Ông Lê Tiến Thịnh, nhà ở số 51 đường Út Tịch, cho biết sau khi mưa ngớt thì nước từ cống tràn lên mặt đường gây ngập sâu đến 1m, xe máy “chết” la liệt, taxi không chạy được. Nhà ông Thịnh bị nước tràn vô gây ngập gần 50cm, làm hư hại hai CPU máy vi tính và một số tài liệu. Theo ông Thịnh, lúc đường ngập, nước dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn thấp hơn so với mặt đường đến 2m nhưng nước trên đường không có chỗ thoát xuống kênh.

Người dân ở khu vực ngã tư Phan Xích Long - Nguyễn Công Hoan (quận Phú Nhuận) cũng cho hay sau trận mưa ngày 15/8, nước cống tràn lên đường gây ngập mặt đường khoảng 40cm, nặng hơn so với những cơn mưa trước đây. Cơn mưa chiều 15/8 cũng làm ngập tuyến đường sắt đoạn qua cầu Hang ở Q.Gò Vấp khiến chuyến tàu lửa PT1 từ Phan Thiết về Sài Gòn phải nằm ở ga Bình Triệu chờ nước rút. Một cán bộ ga Bình Triệu cho hay nếu tàu chạy trên đường sắt khi nước ngập sẽ dễ bị trật bánh, gây tai nạn nên cơ quan chức năng đã quyết định cho tàu ngừng. Đến 19h5, tàu PT1 mới tiếp tục hành trình về ga Hòa Hưng, trễ ba giờ so với kế hoạch.

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn Sài Gòn có gần chục cơn mưa lớn, nhỏ gây ngập. Những khu vực hay ngập là đường Kinh Dương Vương, Hồng Bàng, Tân Hóa (quận 6), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm, D1, D2 (quận Bình Thạnh), Lũy Bán Bích (quận Tân Phú)...


“Tôi thấy những cơn mưa gần đây không lớn nhưng đường vẫn cứ bị ngập. Mà càng ngày nước ngập càng sâu hơn”, ông Trần Đình Nguyên, một người dân ngụ trên đường D1 (quận Bình Thạnh), nhận xét.


Ngập do công trình và mưa quá khả năng thoát nước cống

Theo ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập Sài Gòn, cơn mưa ngày 15-8 khá lớn, lượng mưa đo được tại trạm Cầu Bông (quận 1) lên đến 79,8mm xuất hiện trong thời gian khoảng 35 phút.

“Thiết kế cống thoát nước ở mức 85mm trong ba giờ mưa. Vì vậy nên nước thoát không kịp, gây ngập tại nhiều khu vực”, ông Long giải thích. Ngoài ra trời mưa vào lúc triều cường đang lên cũng làm hạn chế khả năng thoát nước của các tuyến cống ra sông rạch. Hiện TP đã có nhiều hệ thống đê bao ngăn triều, trạm bơm đi vào hoạt động, phải chăng các công trình này chưa phát huy hiệu quả? Ông Long cho rằng đã có gần 40 trạm bơm đặt tại nhiều khu vực để hỗ trợ bơm nước từ các tuyến cống ra kênh. Nhưng cơn mưa chiều 15/8 có lượng mưa lớn, xảy ra thời gian ngắn nên nước thoát chậm hơn bình thường. Hạng mục trạm bơm (công suất 68 m3/giây) thi công chưa đồng bộ nên chưa phát huy tác dụng chống được tổ hợp mưa lớn kết hợp với triều cường. Ngoài ra, nhiều điểm ngập do bị ảnh hưởng của các công trình đang thi công. Ông Hồ Long Phi, giám đốc Trung tâm biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng thiết kế cống thoát nước chịu được trận mưa 85 mm như trên đã được phê duyệt và thực hiện từ trước năm 2000. Cụ thể, theo dự báo trước năm 2000 thì các trận mưa 85 mm sẽ xuất hiện với chu kỳ hai năm lặp lại một lần, các trận mưa 95mm chu kỳ ba năm một lần và những trận mưa 105mm năm năm xuất hiện một lần. Thiết kế khả năng thoát nước này phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cũng như khả năng tài chính trước đây. Tuy nhiên thiết kế cống thoát nước này đã lỗi thời so với hiện tại.


Sau đây là những hình ảnh Sài Gòn ngập nước















Xin chúc bạn mọi điều tốt đẹp nhất.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire