Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Theo tổ chức Transparency International (TI), tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham nhũng & tham ô là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.
Nguồn gốc tham nhũng & tham ô thường xuất hiện nhiều hơn từ các nước có nền kinh tế kém phát triển hoặc có mức thu nhập bình quân/đầu người thấp. Tại các nước này con người thường có ý đồ nắm các cương vị cao trong hàng ngũ lãnh đạo để tham nhũng. Đối với một số nước kinh tế phát triển, có mức thu nhập bình quân/đầu người cao, các cá nhân có sở hữu tài sản lớn mới bắt đầu tham gia chính trường để làm lãnh đạo.
Các tác giả trong cuốn sách Tools to support transparency in local governance (Công cụ hỗ trợ cho tính minh bạch trong công tác cai trị ở địa phương) đã xác định ra qui luật hoạt động của tham nhũng trong thực tế công quyền dưới dạng công thức tạm dịch như sau:
Tham nhũng (Corruption) = Độc quyền (Monopoly) + Bưng bít thông tin (Discretion) - Trách nhiệm giải trình (Accountability)
Công cụ nhận dạng tham nhũng cho thấy được bản chất của tham nhũng, mà con người là yếu tố quan trọng tham gia vào. Nhiều quốc gia họp tại Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng đều thống nhất cho rằng sự minh bạch là một biện pháp chống tham nhũng hữu hiệu nhất.
Công cụ chiến đấu tham nhũng,tham ô = Minh bạch khiếu nại của dân chúng + Minh bạch ngân sách, tài chính + Minh bạch mua sắm
1. Tham nhũng tại Việt Nam
Tham nhũng tại Việt Nam là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Theo định nghĩa thì "tham nhũng" hay "tham ô" là hành vi "của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân". Trích tờ Vietnam Investment Review số 699 ngày 7/3/2005 viết thì tham nhũng tại Việt Nam đã gây "thiệt hại cho nguồn ngân sách chính phủ... ước lượng 30% của đầu tư hạ tầng".
1.1. Bối cảnh
Trong cuộc điều tra năm 2005, Ban Nội chính Trung ương công bố danh sách liệt kê 10 cơ quan tham nhũng phổ biến nhất Việt Nam. Trong đó ba cơ quan dẫn đầu là:
• Địa chính nhà đất,
• Hải quan/quản lý xuất nhập khẩu và
• Cảnh sát giao thông.
Ngoài ra trong số 10 cơ quan được "bầu chọn" có nhiều tham nhũng là cơ quan tài chính, thuế; cơ quan quản lý và các đơn vị trong ngành xây dựng; cơ quan cấp phép xây dựng; y tế; cơ quan kế hoạch đầu tư; cơ quan quản lý và các đơn vị trong ngành giao thông; cảnh sát kinh tế.
Các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận về tham nhũng trong Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ vào ngày 9/6/2006 đều nhận định: "Tham nhũng ở Việt Nam đến mức báo động"
Khi nhắc đến tham nhũng trong khi tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/2011, Chủ tịch nước VN đã nói:"Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này."
1.2. Nhận xét của quốc tế
Theo cách xếp hạng Nhận thức về Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (tức Transparency International - TI), công bố năm 2010 thì Việt Nam được 2.7 trên 10 điểm (những nước có điểm số dưới 5 bị coi là có tình trạng tham nhũng cao).
Sang năm 2011 số điểm và vị trí xếp hạng của Việt Nam cho thấy tham nhũng vẫn là mối lo ngại chính đối với quốc gia này. So sánh hai năm 2010-2011 thì không có thay đổi đáng kể nào trong cuộc chiến chống tham nhũng của chính phủ.
Chỉ số của CPI sau năm 2011 thì dùng 0 đến 100 điểm. Số điểm thấp là nhiều tham nhũng. Con số cao là minh bạch, trong sạch. Theo cuộc khảo xét năm 2012 thì điểm số của Việt Nam tăng nhẹ từ 2,9 (thang 10) lên 31 (thang 100), nhưng vẫn bị tụt 11 bậc, không những so với các quốc gia tiên tiến mà cả với các nước lân bang trong khu vực.
Cuộc khảo sát 95 quốc gia trên thế giới của TI về nạn tham nhũng năm 2013 cho biết 30% dân Việt Nam đã phải đút lót nhân viên công quyền. 55% số người được hỏi cho rằng tham nhũng tăng lên. 38% số người tin rằng các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm chống tham nhũng là không có hiệu quả.
Singapore : Nhờ những nỗ lực chống tham nhũng trong hơn sáu thập niên qua, đến nay, người ta tin rằng tham nhũng ở Singapore đã được kiểm soát. Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp hạng Singapore là một trong năm quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới tính theo Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2012. Quốc đảo này được 87 điểm trên thang điểm 100, đứng trên 171 quốc gia khác về độ trong sạch.
1.3. Biện pháp chống tham nhũng
Hệ thống phòng chống tham nhũng ở Việt Nam khá đồng bộ và phức tạp. Đứng đầu là Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên Chính phủ có Thanh tra Chính phủ do Tổng Thanh Tra chính phủ đứng đầu. Hầu như tất cả các Bộ ngành, UBND đều có cơ quan phòng chống tham nhũng. Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương nói: "tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, hiệu quả của công tác phòng, chống vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi."
Góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ĐBQH ví rằng: "Chống tham nhũng ở nước ta giống như dòng văn học cuối thế kỷ 19 - hiện thực phê phán - thấy hiện trạng nhưng không có giải pháp tháo gỡ." Phát biểu trong phiên thảo luận dự thảo văn kiện trên, ĐB Lâm Đồng nói "Chống tham nhũng phải như quét cầu thang, quét từ trên quét xuống chứ không phải quét từ dưới quét lên".
Ngày 23 tháng 12, Quốc hội thông qua "Luật Phòng chống tham nhũng" trước kia do Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng của Thủ tướng điều hành thì nay sẽ giao cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ vì Ban Chỉ đạo đã không thi hành được đặc nhiệm.
1.4. Số liệu và công luận
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh thực tế, trong tổng số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng, cán bộ cấp xã, phường chiếm tỷ lệ 30,9% còn cấp Trung ương chỉ chiếm rất ít (0,3%). Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010 chỉ có 20 cán bộ nộp lại quà tặng. Trong khi con số của năm 2009 nhiều gấp 10 lần.
Theo thông tấn xã Reuters, tham nhũng là một yếu tố làm giảm hiệu năng hoạt động của chính quyền Việt Nam, bên cạnh các vấn đề như thiếu giải trình, thiếu minh bạch, và guồng máy hành chánh quan liêu cồng kềnh. Hiện nay, tiến trình cải tổ kinh tế Việt Nam cũng như chính sách cải tạo các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu năng, có nguy cơ bị các nhóm bảo thủ và đặc quyền đặc lợi phá hoại nhất là khi chính quyền đặt trọng tâm nhiều hơn đến khía cạnh an ninh. Mặt khác, theo một số nhà phân tích chính trị, trong thời gian từ nay đến Đại hội Đảng Cộng sản vào đầu năm 2011, các cuộc đấu đá nội bộ có thể làm cho tiến trình cải tổ bị tê liệt phần nào.
1.5. Một số vụ tham nhũng nổi tiếng gần đây theo báo chí
- Vụ EPCO - Minh Phụng
- Vụ PMU18
- Vụ tham nhũng PCI
- Vụ tham nhũng Đề án 112
- Vụ Nexus Technologies công ty Mỹ hối lộ quan chức Việt Nam
- Vụ Công ty của Úc Securency hối lộ in tiền Polome ở Việt Nam
- Vụ chia chác đất công ở An Hải, Hải Phòng
- Vụ Vinashin
- Vụ Vinalines, nhân vật chính là cục trưởng cục hàng hải Dương Chí Dũng
2. Chống tham nhũng ở Singapore
Singapore có cơ quan điều tra tham nhũng (CPIB) tách khỏi các cơ quan khác, trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, có quyền độc lập điều tra và ngăn chặn tham nhũng. Chính điều này sẽ giúp cho cơ quan không bị chi phối trong hoạt động điều tra.
Chức năng và nhiệm vụ của CPIB là tiếp nhận và điều tra các tố giác về tham nhũng trong các cơ quan nhà nước và tư nhân; điều tra và làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp trong các tổ chức của nhà nước; ngăn chặn và phòng ngừa tệ nạn tham nhũng bằng cách điều tra, xem xét quá trình và phương thức hoạt động trong các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế đến mức tối đa các điều kiện để tham nhũng nảy sinh.
CPIB hiện có 75 nhân viên, trong đó có 49 nhân viên điều tra (CPI officers) và 26 nhân viên phục vụ. Trong số các nhân viên điều tra, có cả Chủ tịch và 2 Phó chủ tịch CPIB, 5 trợ lý Chủ tịch và 41 nhân viên điều tra chuyên nghiệp được sắp xếp theo các cấp bậc khác nhau. Những người không làm nhiệm vụ điều tra gồm có 4 nhân viên tiếp nhận và xử lý thông tin, 22 nhân viên văn phòng.
Thành viên của CPIB thường là những nhân viên cảnh sát chuyên về lĩnh vực điều tra tham nhũng nên họ có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động điều tra, nghiên cứu, khác với thành viên của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam - gồm những cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị. Nhiệm vụ chính của các thành viên Ban chỉ đạo không phải là chuyên về việc điều tra tham nhũng mà là công việc ở những cơ quan, ban ngành mà họ đang trực tiếp phụ trách. Từ đó dẫn đến một hệ quả là những thành viên này rất am hiểu lĩnh vực mà họ đang hoạt động, nhưng đối với công việc chống tham nhũng thì đó là một nhiệm vụ khá mới mẻ mà chưa chắc họ có thể hoàn thành tốt công việc.
Bên cạnh đó, các thành viên CPIB hoạt động chuyên trách nên dành toàn bộ thời gian và công sức cho công việc. CPIB còn có Ban tiếp nhận thông tin hoạt động liên tục. Những người có thông tin về tham nhũng có thể gởi đơn hoặc gọi điện cho cơ quan CPIB hoặc nhân viên cơ quan này đang thi hành công vụ, hoặc cũng có thể gọi điện cho bộ phận trực ban 24/24 giờ theo một số máy cố định để cung cấp thông tin hoặc phản ánh các vấn đề liên quan đến tham nhũng. Cơ quan điều tra tham nhũng cũng sẵn sàng tiếp nhận các tố cáo về tham nhũng bằng văn bản hoặc các hình thức thông tin khác. Vì thế, CPIB luôn tiếp nhận những thông tin phản ánh một cách nhanh nhạy và đầy đủ, không bỏ sót bất kỳ một tố cáo nào. Điều này sẽ là tiền đề cho những hoạt động điều tra về sau.
Sáu “mũi tên” tiễu trừ tham nhũng của Singapore
- Thực lòng cam kết diệt trừ tham nhũng
- Hoàn thiện pháp luật về chống tham nhũng
- Bản thân cơ quan chống tham nhũng phải liêm khiết
- Cơ quan chống tham nhũng phải hoàn toàn độc lập
- Chăm sóc” những điểm nhạy cảm trong bộ máy chính phủ
- Sử dụng lương như công cụ chống tham nhũng
3. Chống Tham nhũng của Chính phủ Mỹ
Cơ quan Đạo đức Chính phủ Mỹ (US Office Of Government Ethics, OGE) là một cơ quan độc lập trong bộ máy Chính phủ Mỹ nhưng lại lập thành tích nổi bật trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước này. OGE được thành lập năm 1989 theo cải cách pháp luật ("Luật Đạo đức Chính quyền Mỹ năm 1978"), trên cơ sở tách ra từ Văn phòng Chính phủ Mỹ về quản lý nhân sự. OGE tọa lạc tại số nhà 1201 đại lộ New York vùng tây bắc thủ đô Washington. Giám đốc OGE là ông Robert I. Cusick.
3.1. Vai trò của OGE
• Soạn thảo Quy phạm hành vi đạo đức của nhân viên làm thuê trong các cơ quan hành chính;
• Xét duyệt các quy tắc phụ về hành vi đạo đức do các ban ngành hành chính đặt ra;
• Giám sát tình hình thi hành khai báo tài sản công khai và bí mật của các quan chức chính quyền;
• Thẩm xét lý lịch những quan chức được Tổng thống bổ nhiệm (cuối cùng phải được Quốc hội phê duyệt) xem họ có va chạm lợi ích kinh tế (với chính quyền) hay không.
3.2. Vị trí của OGE
Giám đốc OGE do Tổng thống bổ nhiệm, sau khi có sự phê chuẩn của Thượng nghị viện Hoa Kỳ; Giám đốc OGE có nhiệm kỳ 5 năm, không cùng nhiệm kỳ với Tổng thống. Cho tới nay chưa một Giám đốc nào của OGE bị Tổng thống miễn chức. Về cấp bậc, OGE thấp hơn Bộ nhưng giám đốc OGE ngang cấp với Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang FBI (thuộc Bộ Tư pháp) và Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang. Giám đốc OGE chịu trách nhiệm trước Tổng thống; nếu Quốc hội không đồng ý thì Tổng thống không có quyền bãi miễn.
Toàn bộ OGE chỉ có 70 nhân viên, trong đó có 15 luật sư; ngân sách hàng năm là 12 triệu USD. Chính phủ Mỹ có rất nhiều cơ quan lớn. Cơ quan lớn thứ hai trong Chính phủ Liên bang là Bộ Cựu chiến binh (Department of Veterans Affairs) có 250 nghìn nhân viên.
Các bộ ngành trong Chính phủ đều có Văn phòng Đạo đức công chức, Giám đốc Văn phòng đó do bộ trưởng bổ nhiệm. OGE dùng phương thức thẩm duyệt định kỳ để giám sát sự vận hành của các chương trình đạo đức của các bộ ngành. Theo cơ chế tam quyền phân lập, OGE chỉ có quyền quản lý các cơ quan hành chính. Quốc hội và Tòa Tối cao có riêng cơ quan quản lý đạo đức của họ. Các bang và phần nhiều các đô thị đều có cơ quan tương tự, không chịu sự quản lý của OGE.
OGE có cấp bậc không cao, số nhân viên không nhiều, cũng không quản lý Quốc hội, Tòa Tối cao, chính quyền các bang và chính quyền các cấp, nhưng OGE có quyền lực thực tế rất lớn. Theo thống kê, số công chức Chính phủ Liên bang do OGE quản lý là 3,6 triệu người, kể cả Tổng thống, Phó Tổng thống, các bộ trưởng.
3.3. Hoạt động của OGE
Cứ 4 năm một lần, OGE cử cán bộ thẩm tra đến các cơ quan Chính phủ tiến hành kiểm tra tình hình thi hành quy phạm đạo đức. OGE có nhiều cán bộ thẩm tra, mỗi người phụ trách 3-4 cơ quan chính phủ. Thẩm tra xong, họ gửi báo cáo thẩm tra tới Ủy ban Đạo đức của đơn vị sở tại. Nếu phát hiện vấn đề gì trong thẩm tra thì Giám đốc OGE có quyền ra lệnh cho đơn vị đó sửa chữa khuyết điểm trong một thời hạn nhất định, và trong ngày phải báo cáo tình hình sửa chữa. Trong vòng 6 tháng sau khi gửi báo cáo thẩm tra, OGE phải tiến hành tái thẩm tra tình hình chỉnh sửa của đơn vị đó. Nếu đơn vị nào có vấn đề gì nghiêm trọng về đạo đức thì OGE có thể tiến hành thẩm tra bất cứ lúc nào, không cần chờ 4 năm một lần. 60 ngày phải báo cáo tình hình sửa chữa. Trong vòng 6 tháng sau khi gửi báo cáo thẩm tra, OGE phải tiến hành tái thẩm tra tình hình chỉnh sửa của đơn vị đó. Nếu đơn vị nào có vấn đề gì nghiêm trọng về đạo đức thì OGE có thể tiến hành thẩm tra bất cứ lúc nào, không cần chờ 4 năm một lần.
Ngoài Văn phòng Đạo đức ra, các bộ còn có Văn phòng Chánh Thanh tra, phụ trách xử lý các vụ vi phạm trong bộ. Nếu phát hiện quan chức nào phạm luật, OGE có quyền thông báo cho Chánh Thanh tra của đơn vị có quan chức đó và yêu cầu điều tra. Nếu yêu cầu này bị từ chối thì OGE có thể báo cáo thẳng lên Nhà Trắng.
Trường hợp vấn đề nghiêm trọng liên quan tới phạm tội hình sự thì OGE sẽ chuyển hồ sơ tới Vụ Liêm khiết công cộng thuộc Cục Hình sự Bộ Tư pháp hoặc FBI để họ điều tra và khởi tố.
Là một cơ quan phòng chống tham nhũng, OGE còn có chức năng giáo dục và đào tạo. Thí dụ các viên chức mới tuyển dụng dù ở cấp bậc cao thấp thế nào đều phải tiếp thu đào tạo huấn luyện; cương vị khác nhau thì thời gian đào tạo khác nhau, nhưng ít nhất không được dưới một giờ. Những quan chức cần khai báo tài sản công khai hoặc bí mật hàng năm còn phải tiếp thu đào tạo thêm ngoài quy định. Bình thường OGE còn tiến hành đào tạo trên mạng cho các công chức phổ thông. Ngoài ra hơn 1.200 quan chức cấp cao của Chính phủ còn phải tiếp thu đào tạo đối diện trực tiếp một thầy một trò.
Việc giáo dục đạo đức liêm chính trên mạng tiến hành mỗi năm ít nhất một lần, thông thường chủ yếu giáo dục về các chuẩn mực và quy tắc luật pháp hành vi đạo đức. Nói chung đều dùng cách trả lời trên mạng để kiểm tra kết quả học tập. Ai chưa tiếp thu sát hạch trên mạng thì sẽ tiếp thu phụ đạo một thầy một trò, đối diện trực tiếp, cho tới khi đạt yêu cầu sát hạch mới thôi. Để tăng cường hiệu quả đào tạo, sau mỗi điều văn luật pháp đạo đức đều có thí dụ vụ án điển hình được lựa chọn công phu, như vậy học viên hiểu sâu hơn điều văn đó. Giám đốc OGE nói cứ cách 12 đến 18 tháng, OGE lại tổ chức một đại hội toàn quốc, hơn 600 người phụ trách công tác đạo đức trên cả nước về dự.
Có thể thấy công việc chủ yếu của OGE là giám sát hướng dẫn, đào tạo và thẩm tra. Nó không can thiệp quá nhiều vào vụ án cụ thể, song cũng hợp tác với các ban ngành khác trong việc phạt các quan chức có vi phạm nặng.
Thí dụ John Frederick là quan chức phụ trách các công trình xây dựng của Hải quân Mỹ, có nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành hợp đồng một dự án xây dựng của chính phủ do công ty DMI thầu. Vị quan chức này đã nhiều lần ngỏ ý với lãnh đạo DMI muốn kiếm một ít bổng lộc. Thế là DMI bèn chia một phần công trình mình thầu cho công ty do Frederick lập ra. Frederick không báo cáo việc này lên trên. Trong vòng chưa đầy một năm, công ty của ông kiếm được thu nhập 26 nghìn USD, Frederick trích một phần thu nhập này "lại quả" cho lãnh đạo DMI. Như vậy John Frederick đã vị phạm quy định đạo đức cấm nhân viên nhà nước lợi dụng chức quyền để giúp cho cá nhân hoặc tổ chức khác giành được lợi ích kinh tế. Kết quả Frederick bị kỷ luật 6 năm theo dõi, 6 tháng giam lỏng quản chế, lao động phục vụ cộng đồng 100 giờ và nộp phạt 12.000 USD.
4. Nghi vấn về một số vụ tham nhũng nổi tiếng gần đây tại Việt Nam
4.1. Quan chức có vàng khối, tiền tỉ, chỉ... trộm mới biết !
Đăng Bởi Một Thế Giới - 09:44 12-08-2014
"Họ làm việc và hưởng lương cán bộ, công chức như vậy thì lấy đâu ra nhiều tiền thế?", nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đặt vấn đề về việc liên tục xảy ra các vụ trộm liên quan đến khối tài sản khổng lồ của các quan chức.
Chỉ đến khi bị trộm viếng thăm, khối tài sản khủng trị giá hàng chục, hàng trăm cây vàng, hàng tỷ đồng hay vài chục ngàn USD... được giấu kín của nhiều quan chức mới bị lộ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
"Giàu bất chính không sung sướng gì đâu!"
Gần đây, báo chí thông tin nhiều vụ về tài sản của cán bộ, trong đó có cả cán bộ của Thanh tra Chính phủ. Ông bình luận gì về điều này?
Ông Vũ Quốc Hùng: Ở đây tất cả mọi người đều đặt ra câu hỏi họ làm việc và hưởng lương của cán bộ công chức như vậy thì lấy đâu ra nhiều tiên thế? Sự việc tại cơ quan Thanh tra Chính phủ đã gây rất nhiều bức xúc trong dư luận.
Tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội ngày 1.7 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời chất vấn của cử tri về vấn đề tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Tổng bí thư khẳng định dù đã nghỉ hưu vẫn phải làm, vẫn phải kiểm điểm tại cơ quan Thanh tra. Tinh thần là không không nhân nhượng, không cho qua kể cả đã nghỉ hưu.
Tôi thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rất đúng, rất quyết liệt chống tham nhũng. Việc chống tham nhũng không nên trừ một ai cả, chính trong cơ quan thanh tra càng phải làm mạnh, khách quan, công bằng trong phòng chống tham nhũng.
Những sự việc mà gần đây báo chí nêu về tài sản “khổng lồ” của cán bộ đang gây bức xúc dư luận. Cán bộ khi đã nghỉ hưu rồi mới phát hiện ra tham nhũng, sai phạm trong quá trình công tác thì sử dụng luật hồi tố; còn khi nghỉ hưu rồi mới sai phạm thì chính quyền địa phương, tổ chức đảng ở địa phương người đó sinh hoạt hoàn toàn có thể phát hiện và lên tiếng, xem xét.
Nếu làm tốt việc này thì sẽ hạn chế tình trạng có những người đương chức hay chuẩn bị nghỉ hưu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vơ vét nhiều “của nả” rồi “hạ cánh an toàn” là điều đau lòng và đáng báo động.
Không ít người có chức vụ, quyền hạn chỉ tới khi của nả “chìm, nổi” của họ đột nhiên “lòi” ra thì dư luận mới thật sự giật mình. Ông có thấy bất thường không?
Thời gian gần đây chuyện “của chìm, của nổi” của quan chức các tỉnh “lòi” ra qua tay của các tên “trộm” thì mới thấy rằng không có gì là bất thường cả. Ông cha ta đã nói rất đúng là “cháy nhà ra mặt chuột”.
Việc mới đây có vài vụ trộm cắp tài sản tại nhà riêng :
Mất trộm, quan tỉnh lộ 65 cây vàng dưới gầm giường
TAND tỉnh Gia Lai vừa tuyên phạt tổng cộng gần 72 năm tù cho 4 bị cáo gồm: Nguyễn Mạnh Quân, Lê Đình Đạt, Nguyễn Quốc Nam, Nguyễn Ngọc Thuận cùng về tội “trộm cắp tài sản”.Cách đây hơn 1 năm, 4 đối tượng trên đã thực hiện vụ trộm cắp tại nhà riêng của vợ chồng ông Đặng Xuân Thọ - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum và bà Trần Thị Xuân Lan - Trưởng phòng Tổ chức Cục thuế tỉnh Gia Lai.
Trong lúc tìm kiếm, Quân phát hiện dưới gầm giường một valy khóa số, bên trong có nhiều vàng thẻ đóng gói thành dây bọc trong túi nilon, nhiều nhẫn vàng, bông tai, lắc vàng, dây chuyền vàng... Tổng số tài sản do nhóm trộm lấy tại nhà ông Thọ khoảng 2,792 tỉ đồng.
Nhà giám đốc Sở GTVT bị trộm "khoắng" hơn 1 tỉ đồng
Ngày 30.5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Kạn tiến hành tạm giữ hình sự 3 đối tượng Phan Thế Anh (ở xã Lục Bình, huyện Bạch Thông), La Văn Thắng (SN 1993, huyện Chợ Mới) và Đỗ Văn Ngọc (SN 1997, ở phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn) do liên quan đến vụ trộm cắp tài sản hơn 1 tỉ đồng trên địa bàn. Trước đó, ngày 10.5, bà Dương Thị Hạnh, ở phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn (vợ ông Lăng Văn Hòa - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn) trình báo: Ngày 7.5, gia đình bà bị kẻ gian đột nhập lấy trộm 40.000 USD, 5 cây vàng SJC, 1 lắc tay, 1 đôi nhẫn cưới và số tiền gần 100 triệu đồng.
Trộm "hỏi thăm" 57 lượng vàng trong nhà cán bộ tỉnh
Sáng ngày 3.7.2013, Công an TP. Vinh (Nghệ An) đã bắt ba nghi can gồm: Phan Xuân Nam (14 tuổi, trú tại thị trấn huyện Nam Đàn); Lữ Văn Sang (14 tuổi, trú xã Mậu Đức, huyện Con Cuông); Nguyễn Cao Cường (18 tuổi, trú tại phường Hồng Sơn, TP. Vinh) vì liên quan đến vụ trộm 57 lượng vàng và 50 triệu đồng tại nhà một cán bộ văn phòng UBND tỉnh.
Ngày 25.6.2013, nhóm đối tượng này đã đột nhập gia đình bà Trần Thị Anh Đào (53 tuổi, trú tại P.Hưng Dũng, TP. Vinh) cạy tủ, két sắt để trộm số tài sản nêu trên. Được biết, bà Đào là cán bộ văn phòng UBND tỉnh Nghệ An (chồng bà Đào nguyên cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Nghệ An, đã về hưu).
Dư luận thấy rất khó hiểu là vì sao các cơ quan kiểm tra không biết mà chỉ... trộm mới biết?
Vấn đề ở đây không phải là các cơ quan nơi mà cán bộ đó công tác không biết những người này có “của chìm, của nổi” mà cung cách sinh hoạt hiện nay của một số tổ chức, cơ quan sinh hoạt còn nể nang nhau, không dám nhìn thẳng vào sự thật. Còn bản chất của sự việc có thể nhìn thấy, cảm nhận thấy đều biết cả nhưng bản thân người có của không trung thực kê khai.
Những người giàu có không thể giấu dân được (ở đây không gọi đối tượng trộm là dân) nhưng thực tế trong con mắt của nhân dân thì họ luôn có thông tin về độ giàu có của quan chức.
Bởi thế mà cơ quan, tổ chức phải quản lý sao cho được cán bộ, đảng viên để biết được hoạt động của người đó. Quản lý đảng viên, cán bộ nhân viên về hoạt động để kịp thời ngăn chặn hành động bất chính. Nếu để cán bộ công chức làm sai rồi mới phát hiện thì thể hiện sự yếu kém.
Tôi phải khẳng định những người làm giàu bất chính thực chất không sung sướng gì đâu. Vì họ bất chính là bắt đầu tội ác. Tội ác sẽ bị đáp lại bằng tội ác, rủi ro theo quy luật “nhân-quả”. Xã hội nên cảnh báo giúp những người đang say sưa vào làm giàu bất chính để họ được tỉnh ngộ.
Cán bộ liệu có biết được tài sản của Bộ trưởng?
Ông có cho rằng, không ai dại dột đứng tên hết khối tài sản khổng lồ của họ, mà sẽ tìm nhiều cách để phân tán?
Đúng là như vậy, nhưng tôi vẫn hoàn toàn ủng hộ chủ trương kê khai tài sản.
Kê khai tài sản là một chủ trương đúng, không chỉ ở Việt Nam mà các nước tiên tiến hay các nước có chế độ xã hội khác nhau đều thực hiện, đều có sự giám sát quyền lực. Chủ trương này không có gì mới nhưng hiệu quả ở Việt Nam chưa cao.
Nước ta xuất hiện nhiều hình thức trá hình để tẩu tán tài sản như: tài sản chuyển sang con, anh chị em. Thực tế có việc tẩu tán tài sản, không đứng tên tài sản, chuyển người khác đứng tên hộ, chuyện này xảy ra nhiều nơi, nhiều chỗ.
Cần thực hiện quản lý tốt việc kê khai tài sản vì việc này là bảo vệ cán bộ; cán bộ làm ăn bất chính mà lộ ra thì gây ảnh hưởng tới người đó và gia đình, xã hội. Việc phát lộ là hoạt động kiên quyết, nhân văn, không bị sỉ nhục trước phán xét của xã hội, với những người này, họ không còn là công bộc của nhân dân.
Việc kê khai tài sản gắn liền với công tác phòng chống tham nhũng, làm không tốt việc này thì không bao giờ chống được tham nhũng. Càng có chức quyền thì càng phải công khai? Ông có đồng ý với những nhận định trên?
Tôi nghĩ tất cả cán bộ, công chức phải khai báo hết và cần có cơ quan kiểm tra. Các đồng chí lãnh đạo càng cao càng phải kê khai. Từ trên cao xuống đều phải công khai tài sản, mà phải công khai trên báo chí, cơ quan đại chúng, trên bản thông tin của cơ quan chứ không phải chỉ dừng ở hồ sơ lưu cơ quan.
Thực tế là, các cán bộ của cơ quan cấp Bộ liệu có biết tài sản của Bộ trưởng không? Có cơ quan nào đi thẩm tra xem việc khai báo thế có đúng không?
Công tác phát hiện tham ô, tham nhũng nước ta còn quá hạn chế, thực tế cả hệ thống kiểm tra, thanh tra, giám sát cả trong Đảng, trong cơ quan quản lý nhà nước, xã hội đều có nhưng có mấy khi phát hiện tham nhũng đâu.
Phải dựa vào dân, cụ thể là cán bộ, công nhân viên, người trong xã hội. Chúng ta có hệ thống chính trị. Trong hệ thống đó, các thành viên đều nói nhiều về thành tích. Nhưng các vấn đề bức xúc của xã hội thì hệ thống chính trị đã làm gì, trước là tổ chức Đảng, sau đó là cơ quan nhà nước, rồi tổ chức công đoàn, tổ chức đoàn thanh niên. Hiện nay, phát lộ nhiều vấn đề xã hội đến mức báo động, đó là điều mà khiến cơ quan nhà nước phải kiểm điểm.
Vậy theo ông, việc cần làm nhất hiện nay là gì? Công khai, minh bạch như thế nào?
Thực hiện nghiêm túc quy định về kê khai tài sản. Những người đã phát lộ thì đi vào kiểm tra, những người chưa phát lộ thì phải kê khai hoặc công khai, để giúp cho việc nhân dân giám sát. Trực tiếp giám sát là cán bộ, công nhân viên trong cơ quan đó, ở các khu dân cư, công luận.
Khi phát hiện điều gì đó thì có người lắng nghe luôn, cần nghe bằng nhiều hình thức. Ví dụ như Ban nội chính còn mua tin của dân. Điều này là trân trọng sự phát giác của dân. Có người không cần lấy tiền khi cung cấp thông tin nhưng kỳ vọng sự làm việc đến nơi đến chốn của cơ quan nhận được thông tin.
Như vậy, cần phải dựa vào dân, dân cái gì cũng biết. Nghĩa rộng là toàn dân, nghĩa hẹp là những cán bộ nhân viên công nhân ở cơ quan, những người cư trú gần anh, những người tiếp xúc với anh.
4.2. Mất tiền tỉ, Giám đốc sở Đào Anh Kiệt nói gì?
Đăng Bởi Một Thế Giới - 09:03 12-08-2014
Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, số tiền để trong phòng làm việc bị mất trộm là 1 tỉ đồng và 30.000 USD được dùng để mua căn hộ cho con trai.
Chiều 11.8, đại tá Nguyễn Tấn Đạt, trường Công an Q.1 (TP.HCM), cho biết đã chuyển toàn bộ hồ sơ ban đầu đến Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM để điều tra theo thẩm quyền vụ ông Đào Anh Kiệt, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, bị mất trộm 1 tỉ đồng và 30.000 USD, xảy ra ở phòng làm việc của ông (P.Bến Nghé, Q.1). Đại tá Đạt cho biết khi phát hiện bị mất trộm số tiền lớn như trên, ông Kiệt không làm đơn trình báo mà chỉ khai báo vụ việc để Công an Q.1 lập hồ sơ truy xét.
Cùng ngày, một cán bộ PC45 cho biết đã nhận được hồ sơ vụ ông Đào Anh Kiệt mất trộm do Công an Q.1 chuyển lên. PC45 đang truy xét, chưa thể đưa ra nhận định gì về vụ việc.
Được biết, ông Đào Anh Kiệt đã khai báo với Công an P.Bến Nghé (Q.1) việc ông để số tiền 1 tỉ đồng và 30.000 USD trong tủ bàn làm việc tại cơ quan nhưng bị mất.
Trao đổi với PV, ông Kiệt cho biết số tài sản 1 tỉ đồng và 30.000 USD ông bị mất ở cơ quan là số tiền mồ hôi nước mắt của ông, do ông để dành mà có. Ông dùng số tiền này để mua trả góp một căn hộ chung cư cho con trai. Số tiền này do ông rút từ ngân hàng để chuẩn bị giao cho bên bán chứ không phải tiền chung chi, hay tiền tham nhũng, quỹ đen như dư luận đồn đoán. Sau khi đếm tiền, ông bỏ hết vào trong tủ ở phòng làm việc, chìa khoa tủ vẫn cắm trên ổ. Đến khi ông Kiệt tìm chìa khóa để mở tủ nhưng không thấy, gọi thợ khóa đến mở tủ thì số tiền đã không còn.
Ông Kiệt nói: “Tôi không e ngại gì khi đi báo công an về số tài sản bị mất, cũng không ngại bị tiết lộ thông tin. Lúc đầu tôi cố ý giữ thông tin vì sợ mọi người bàn tán nghi ngờ. nguồn gốc số tiền trên tôi đã khai minh bạch, rõ ràng với Đảng, với Nhà nước và Ban phòng chống tham nhũng rồi. Tôi đang rất buồn vì mất tiền, tôi định không cho con trai tôi biết nhưng báo chí đã đăng rồi. Con tôi có nhắn tin an ủi tôi”.
Có dư luận cho rằng một số quan chức mất tài sản nhưng không trình báo, thậm chí cơ quan chức năng hỏi đến cũng nói không có. Khi đi báo công an, ông nghĩ gì, thưa ông?
Những người khác thì sao tôi không biết. Nhưng với tôi, đây là số tài sản lớn tôi dành dụm qua mấy chục năm làm việc mới có. Sao không báo công an được, nó bằng một nửa giá trị căn hộ chung cư tôi định mua.
Thưa ông, vì sao có 30.000 USD mà không hoàn toàn là tiền VN?
Có thời gian tiền VN mất giá, tôi đổi ra tiền USD để dành. Như những người khác tích lũy bằng vàng vậy thôi.
Lương giám đốc của ông được bao nhiêu mỗi tháng mà ông để dành được số tài sản trên?
Tôi đã làm việc tại Sở Tài nguyên - môi trường 37 năm rồi, cũng chừng ấy năm tôi dành dụm. Hơn nữa, nguồn thu nhập tôi đã khai rõ trong bản kê khai tài sản nên tôi không có gì phải ngại.
Trước phòng làm việc của ông có camera, hình ảnh thu được có cho manh mối gì không?
Hình ảnh camera thu được rất khả nghi, tôi đã giao hết cho công an rồi, để họ điều tra và xử lý.
Xin ông cho biết từ trước đến nay, ở Sở Tài nguyên - môi trường có xảy ra vụ mất cắp nào không?
Chưa hề có. Tôi nghĩ vì tôi quên chìa khóa làm cho người ta nhìn thấy phát sinh lòng tham mà lấy thôi.
4.3. Trộm “viếng thăm”, quan chức lộ gia tài “khủng”
24h.com, Thứ Hai, ngày 11/08/2014 17:04 PM (GMT+7)
Tại tòa, “siêu trộm”gây ra 45 vụ đột nhập nhà doanh nhân, quan chức khai nhà đại gia, quan chức mới lắm tiền nhiều của chứ nhà dân thường lấy đâu ra tiền mà đột nhập vào “cho mất công”.
Ngày 11/8, Công an quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cho biết đang điều tra vụ giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hồ Chí Minh bị trộm 1,6 tỷ đồng và 30 ngàn USD tại cơ quan.
Vị Giám đốc Sở cho biết đây là tài sản cá nhân do ông dành dụm, tiết kiệm được.
Đây không phải là lần đầu tiên quan chức lộ tài sản lớn sau khi bị trộm. Trước đó, có cán bộ khiến nhiều người “choáng” vì số tài sản mất quá lớn.
“Siêu trộm” khét tiếng chỉ thích trộm nhà quan chức
Vụ án “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân (SN 1982, Đà Nẵng) thu hút sự chú ý của dư luận bởi số lần trộm cắp và số tài sản rất lớn. Đặc biệt, “siêu trộm” này chỉ thích đột nhập nhà quan chức.
Cụ thể, từ tháng 3/2008 đến tháng 4/2011, Tân đã 45 lần đột nhập tư gia nhà các doanh nhân, quan chức và thành công 36 vụ, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Trong danh sách hàng loạt nạn nhân có một vị giám đốc sở bị mất 110 cây vàng miếng SJC, con trai của một vị chủ tịch thành phố…
Toàn bộ tiền trộm được, Tân mua ô-tô hiệu Venza với giá hơn 1,53 tỷ đồng và mua căn nhà 3 tầng tại tổ 10, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.
Tại tòa, “siêu trộm” này khai nhà đại gia, quan chức mới lắm tiền nhiều của chứ nhà dân thường lấy đâu ra tiền mà đột nhập vào “cho mất công”.
Ngày 10/6/2013, Đặng Ngọc Tân bị tuyên án chung thân về tội trộm cắp tài sản. Vợ của Tân lĩnh 7 năm tù vì tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Đồng bọn của “siêu trộm” này cũng phải lĩnh 14 năm tù.
Cán bộ thuế bị trộm hơn 6 tỷ đồng
Ngày 5/12/2011, nhà một cán bộ chi cục Thuế ở thành phố Hồ Chí Minh bị trộm đột nhập. Chiếc két sắt trong phòng ngủ bị cạy, tài sản bên trong biến mất.
Theo trình báo của nạn nhân, tên trộm đã lấy đi 10 lượng vàng SJC, 2 bông tai hột xoàn, 1 nhẫn kim cương, 6.000 USD, 12 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 5 tỷ đồng đứng tên người vợ. Tổng giá trị số tài sản này là hơn 6 tỷ đồng.
Giám đốc sở mất trộm gần… 3 tỷ đồng
2,792 tỷ đồng là con số chính xác tổng giá trị tài sản mà giám đốc một sở ở Kon Tum bị trộm.
Năm 2012, vị giám đốc sở này mất một va ly khóa số tại nhà riêng. Chiếc valy này chứa nhiều vàng thẻ đóng gói thành dây bọc túi nilon, nhiều nhẫn vàng, bông tai, lắc, dây chuyền vàng…
Vợ của vị giám đốc cũng là lãnh đạo ở một cục thuế.
Sau khi bị mất trộm, vợ chồng nạn nhân báo công an là trộm đột nhập nhưng không mất tài sản gì, sau đó lại báo mất 5 cây vàng.
Lãnh đạo phòng chống tham nhũng tỉnh bị mất ô tô... 800 triệu
Cũng trong năm 2012, tại Đồng Nai, ngôi biệt thự của một lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã bị trộm “thăm viếng” và lấy đi chiếc xe ô tô Toyota Altis trị giá 800 triệu đồng.
Theo chủ nhà, tên trộm đã cắt khóa cổng biệt thự, và khu vực nhà để xe và… đánh xe đi mất.
Trộm “viếng thăm”, giám đốc sở mất hơn 1 tỷ đồng
Ngày 30/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Kạn đã bắt 3 đối tượng vì liên quan tới vụ trộm cắp ở nhà một giám đốc sở ở tỉnh Bắc Kạn.
Theo trình báo của nạn nhân, ngày 7/5, nhà bà bị kẻ gian đột nhập, trộm 40.000 USD, 5 cây vàng SJC, 1 lắc tay, đôi nhẫn cưới vàng và gần 100 triệu đồng tiền mặt.
Trộm “cuỗm” 57 lượng vàng ở nhà cán bộ tỉnh
Gần đây nhất, ngày 25/6/2013, ba tên trộm đã đột nhập vào nhà một nữ cán bộ văn phòng UBND tỉnh Nghệ An và lấy đi 57 lượng vàng cùng 50 triệu đồng tiền mặt.
Chồng nạn nhân là cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Nghệ An, đã về hưu.
4.4. Mất 65 lượng vàng, nhà giám đốc sở khai báo như mất bạc lẻ!
Đăng Bởi Một Thế Giới - 17:22 22-07-2014 - Trùng Dương - VNN
Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt tổng cộng gần 72 năm tù cho 5 bị cáo gồm:
• Nguyễn Mạnh Quân (24 tuổi) 21 năm tù giam,
• Lê Đình Đạt (22 tuổi) 15 năm tù giam,
• Nguyễn Quốc Nam (22 tuổi) 16 năm 8 tháng tù giam,
• Nguyễn Ngọc Thuận (22 tuổi) 12 năm tù giam cùng về tội “trộm cắp tài sản”.
• Lê Đình Trung (25 tuổi) lãnh 7 năm tù vì tội “chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Vụ trộm từng gây xôn xao dư luận tại phố núi Pleiku (Gia Lai) và tỉnh Kon Tum, bởi độ “khủng” về số lượng vàng bị đánh cắp, nhưng khổ chủ lại khai báo như…mất bạc lẻ.
Trộm “vớ bở” valy vàng dưới gầm giường quan
Lật giở hồ sơ vụ án, cách đây hơn 1 năm, vào ngày 31/12/2012, Nguyễn Ngọc Thuận, Nguyễn Mạnh Quân và Lê Đình Đạt bàn kế hoạch đi trộm cắp.
Khoảng 0 giờ ngày 1/1/2013, cả 3 phát hiện nhà số 117 Cao Bá Quát (phường Yên Đổ) của vợ chồng ông Đặng Xuân Thọ - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum và bà Trần Thị Xuân Lan - trưởng phòng tổ chức Cục thuế tỉnh Gia Lai khóa cửa ngoài. Nhóm trộm dùng kềm cộng lực phá hai ổ khóa ngoài đột nhập vào trong để trộm cắp.
Trong lúc tìm kiếm, Quân phát hiện dưới gầm giường một valy khóa số, bên trong có nhiều vàng thẻ đóng gói thành dây bọc trong túi nilon, nhiều nhẫn vàng, bông tai, lắc vàng, dây chuyền vàng…
Sau khi lục lọi không lấy thêm được thứ gì, cả nhóm mang số vàng trộm được về nhà Đạt. Tại đây, Quân và Đạt đã ém một số vàng để tiêu riêng. Số còn lại đếm được 30 miếng vàng SJC 9999 (1 lượng/miếng), 1 dây chuyền vàng 18K (3 chỉ), 1 nhẫn Tango vàng 18K (3 chỉ), 1 dây chuyền vàng 18K (1 chỉ) có gắn móng cọp, 1 máy tính xách tay. Cả nhóm mang vàng về nhà Thuận, đào 1 cái hố bỏ số vàng xuống lấp lại.
Riêng Quân và Đạt về nhà mang số tài sản ém riêng ra đếm được 30 miếng vàng SJC 9999 (1 lượng/miếng), 7 nhẫn vàng 24K (trọng lượng 8 chỉ), 1 lắc vàng 24K có gắn đá cẩm thạch (5 chỉ), 1 dây chuyền 24K (5 chỉ), 1 lắc vàng 18K (3 chỉ)…Cả hai mang số vàng này ra sau vườn bí mật đào hố chôn.
Tổng số tài sản do nhóm trộm lấy tại nhà bà ông Thọ, bà Lan được cơ quan chức năng định giá hơn 2,792 tỷ đồng.
“Trộm của trộm”
Sau khi chia nhau chôn giấu vàng, thiếu tiền tiêu, khoảng 21 giờ ngày 3/1/2013, Quân và Đạt ra sau nhà đào hố lấy 5 miếng vàng đưa cho Trung (anh trai Đạt) nhờ bán giùm.
Sau khi cầm 5 miếng vàng, Trung đưa 10 triệu đồng cho Quân và Đạt gọi là ứng trước. Tiếp đó, ngày 6/1, Quân và Đạt đưa tiếp cho Trung 10 miếng vàng nhờ bán giúp. Ngày 8/1, Đạt lại đến nhà Thuận lấy 20 miếng vàng, 2 dây chuyền, 1 nhẫn Tango, 1 máy tính nhưng Đạt chỉ đưa Trung 20 miếng vàng nhờ bán.
Khoảng 23 giờ cùng ngày, Đạt bàn với Quân đến nhà Thuận trộm nốt số tài sản còn lại. Sau khi kiểm tra vàng, phát hiện bị mất Thuận đã tìm Đạt và Quân hỏi cho ra nhẽ, nhưng cả hai không nói gì mà gọi cho Trung và Nam đến để chia tiền. Khi tất cả có mặt, Trung thông báo đang giữ 20 miếng, và ra điều kiện nếu bán, cả nhóm phải trả công mỗi miếng 30 triệu đồng, bốn kẻ trộm đều nhất trí xuất mỗi người 1 miếng vàng trả công cho Trung.
Đến ngày 10/1, Đạt gặp Trung giao tiếp 10 miếng vàng trộm được tại nhà Thuận. Qua điều tra, cơ quan công an xác định tổng cộng số tiền vàng mà Trung bán là 1,891 tỷ đồng. Trung khai đã đưa cho Quân 280 triệu đồng, Đạt 230 triệu đồng, Thuận và Nam mỗi người 100 triệu đồng…
Trái lại với lời khai của Trung, bốn kẻ trộm khai thực tế chỉ được chia tổng cộng 372 triệu đồng tiền bán vàng từ Trung.
Mất trộm, quan tỉnh “lộ” tài sản khổng lồ !
Về phía gia đình bị hại, quá trình xảy ra trộm đang đi du lịch, 5 ngày sau bà Lan trở về phát hiện nhà bị trộm “viếng thăm”, lấy đi nhiều tài sản quý giá. Tuy nhiên, bà Lan lại trình báo lên Công an phường Yên Đổ (TP. Pleiku) là bị trộm đột nhập nhà, nhưng không bị mất tài sản.
Khoảng một tuần sau, bà Lan lại có đơn trình báo gửi Công an TP. Pleiku, vào đêm 31/12/2012, nhà bà bị kẻ trộm đột nhập lấy cắp 5 cây vàng(?). Qua gần một tháng theo dõi, các trinh sát phát hiện một số con nghiện trên địa bàn TP. Pleiku có dấu hiệu tiêu xài tiền bất thường, nhóm trộm từ đó sa lưới.
Qua lời khai các “con trộm”, khối tài sản khổng lồ bị mất của hai vị cán bộ dần hé lộ. Cụ thể, theo cáo trạng thì vợ chồng bị hại khai rằng, ngoài số tài sản như các “con trộm” khai, họ còn bị mất 3 miếng vàng SJC 9999 (1 lượng/miếng), 11 nhẫn vàng với trọng lượng 12 chỉ, 1 đôi bông tai vàng trắng Ý có gắn 1 viên đá màu trắng, 1 sợi dây chuyền vàng trắng Ý…
Vụ quan tỉnh mất trộm này đã gây xôn xao dư luận tỉnh Gia Lai, Kon Tum suốt một thời gian dài. Người dân nơi phố núi trong các cuộc “trà dư tửu hậu” vẫn đưa câu chuyện quan tỉnh mất trộm để nói vui rằng “mất trộm, lòi vàng nhà quan”.
Được biết, liên quan đến vụ án này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum đang tiến hành kiểm tra lại việc kê khai tài sản của ông Nguyễn Đình Thọ và sẽ có báo cáo gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum.
4.5. Nghi vấn về căn “siêu” biệt thự của ông Trần Văn Truyền tại Sài Gòn
Đăng Bởi Một Thế Giới - 21:00 01-08-2014
Trước nghi vấn về những căn biệt thự bề thế bậc nhất của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, ông Truyền đã đăng đàn nói với báo giới rằng, tại TP.HCM ông chỉ có một căn biệt thự ở quận 9, do người em gái nuôi góp vốn xây dựng.
Như Một Thế Giới đã đưa tin, mới đây Ủy ban Kiểm tra trung ương đã công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên đối với ông Trần Văn Truyền.
Theo đó, Ủy ban đã cử đoàn cán bộ phối hợp với tỉnh Bến Tre để kiểm tra, xác minh toàn bộ tài sản và bất động sản của ông Truyền. Thời gian làm việc kéo dài 90 ngày.
Trước đó, báo chí liên tục phản ánh căn biệt thự quá sang trọng được cho là của ông Trần Văn Truyền, xây dựng trên khu đất rộng hơn 16.000 mét vuông tại ấp 2, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre. Ngoài căn biệt thự trên, ông Truyền còn sở hữu một ngôi nhà mặt tiền tại trung tâm thành phố Bến Tre.
Dư luận còn đặt nghi vấn ông Trần Văn Truyền và người thân đang sở hữu những căn biệt thự khác tại TP. HCM như ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phường Thảo Điền (quận 2) .v.v.
Trước những nghi vấn về khối bất động sản đồ sộ của mình tại TP.HCM, ông Trần Văn Truyền đã khẳng định với báo giới rằng, ông chỉ có một căn biệt thự tại quận 9, do người em gái nuôi góp vốn xây dựng trên nền đất của mẹ nuôi để lại. Ông Truyền còn cho biết, việc này có thể chứng minh bằng tờ di chúc của mẹ nuôi ông.
Một nguồn tin cho chúng tôi biết, cơ ngơi mà ông Truyền nhắc đến nằm trong một khu biệt thự trên đường Long Phước, quận 9.
Dưới đây là một số hình ảnh về căn biệt thự được cho là của ông Truyền:
Biệt thự trên đường Long Phước, quận 9
Khu biệt thự được bao quanh bằng tường rào sơn trắng, với cổng vòm rất cao, kiên cố và bề thế. Đường dẫn vào khu biệt thự dài khoảng 200 mét, xe ô tô tránh nhau thoải mái, được quét dọn sạch sẽ và trông rất trang trọng với hai hàng cau kiểng thẳng tắp.
Tuy nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng hơn 25 cây số, và biệt lập với những nơi dân cư đông đúc, nhưng trên thực tế, đây lại là khu vực được rất nhiều đại gia "xí phần" mua đất. Khu đất mà căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền tọa lạc ước tính rộng tầm 1.500 mét vuông.
Khu biệt thự khá an ninh với cổng chính phía ngoài, và tường rào bao quanh bên trong. Ngoài ra, căn biệt thự nói trên còn lắp đặt camera chống trộm, treo biển đề phòng chó dữ.
Biệt thự xây làm 3 tầng lầu, được trang trí bằng những chi tiết cổ điển như cổng vòm, mái vòm. Sân trước cây cối rợp mát, vườn sau rộng rãi, kéo dài ra tận bờ sông.
Đặc biệt nhất là hệ thống đèn được lắp đặt dọc tường rào, trên các chóp vòm, và tất cả các điểm nhấn trên căn biệt thự. Ban đêm, khi đèn bật sáng, cả căn biệt thự trở nên lung linh, huyền ảo như một cung điện thu nhỏ.
Xét về tổng quan đây là căn nhà cao nhất, bề thế nhất trong khu biệt thự này.
Căn biệt thự có vẻ thanh vắng, chỉ có bảo vệ và những người quét dọn lặng lẽ làm việc. Khi được hỏi đây là căn nhà của ai, tất cả họ đều lắc đầu nói không biết. Người dân xung quanh cũng chia sẻ, họ thấy căn biệt thự đẹp, ô tô ra vào thường xuyên thì rất tò mò nhưng không hề biết chủ nhân là ai.
Gần đây, những dư luận không tốt về vị quan chức từng đứng đầu Thanh tra Chính phủ được các đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri quan tâm.
Căn biệt thự khác của ông Truyền tại Bến Tre
Trả lời cho vấn đề này, ông Trần Văn Truyền khẳng định, ông sẵn sàng cung cấp thông tin để minh định tài sản.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire