mardi 21 novembre 2017

THẾ GIỚI : Lễ Tạ ơn (Thanksgiving)


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Đối với nhiều người dân Mỹ, lễ Tạ ơn mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng gắn với huyền thoại lập quốc, cũng là dịp để sum họp, quây quần bên gia đình.

Bức tranh The First Thanksgiving at Plymouth 
(Lễ Tạ ơn đầu tiên tại Plymouth) của Jennie A. Brownscombe năm 1914

Lễ Tạ ơn có tên tiếng Anh là Thanksgiving và thường gắn liền với hình ảnh những chú gà tây quay trong suy nghĩ của nhiều người. Ngày lễ này được tổ chức hàng năm chủ yếu tại Mỹ và Canada, là dịp người dân Bắc Mỹ đoàn tụ, sum họp và dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình.


Lễ Tạ ơn đầu tiên được tổ chức khi nào?

Lễ Tạ ơn đầu tiên của Mỹ được tổ chức vào tháng 11/1621 tại Plymouth, Massachusetts, nhằm tỏ lòng biết ơn những người da đỏ và mừng vụ mùa đầu tiên ở vùng đất mới.

Chuyện bắt đầu khi một nhóm người hành hương từ châu Âu sang Mỹ trên chiếc tàu Mayflower vào tháng 11/1620. Họ cập bến tại Plymouth thuộc vùng New England đúng vào lúc mùa đông ở đây vô cùng khắc nghiệt. Cùng với đó, cuộc sống thiếu thốn và dịch bệnh đã giết chết 46 người trong số 102 của đoàn.

Bức tranh The First Thanksgiving của Jean Leon Gerome Ferris, 
người da trắng mời người da đỏ cùng ăn

May mắn là họ gặp những người của dân da đỏ tốt bụng, cung cấp lương thực và dạy họ trồng bắp, săn thú rừng. Tháng 11/1621, đoàn di dân mời các thổ dân da đỏ đến ăn mừng lễ Tạ ơn Thượng Đế đã ban phước cho mùa gặt thành công, giúp họ tồn tại và sinh sôi phát triển.


Lễ Tạ ơn ngày nay ở Mỹ diễn ra bao giờ?

Tuy có nguồn gốc lâu đời song lễ Tạ ơn mới chỉ bắt đầu trở thành ngày lễ quốc gia quan trọng tại Mỹ từ thế kỷ 19. Trước đó, tổng thống Mỹ đầu tiên là George Washington từng công bố một lễ Tạ ơn toàn quốc vào ngày 26/11/1789 nhưng hình thức này không được duy trì vì sau đó mỗi vùng hoặc bang tự tổ chức riêng.

Abraham Lincoln là tổng thống đầu tiên tuyên bố lễ Tạ ơn thành ngày lễ hàng năm của nước Mỹ. Lễ Tạ ơn bắt đầu được ấn định tổ chức vào ngày thứ Năm trong tuần thứ tư của tháng 11 từ 1941 dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Vì thế ngày này có thể không phải là thứ Năm cuối cùng của tháng 11 như nhiều người lầm tưởng (thí dụ năm 2012 có đến 5 ngày thứ Năm).

Diễu hành Lễ tạ ơn Macy's hàng năm do chuỗi cửa hàng bán lẻ Macy's tổ chức ở 
thành phố New York (Mỹ). Ảnh: Reuters.  


Ý nghĩa lễ Tạ ơn với người Mỹ?

Đối với nhiều người dân Mỹ, lễ Tạ ơn mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng gắn với huyền thoại lập quốc. Những người hành hương trên con tàu Mayflower năm 1620 là nhóm đầu tiên đặt chân đến Tân Thế giới, sống sót và gây dựng thuộc địa đầu tiên Massachusetts.

Những nỗ lực di cư trước đó của người Anh đều thất bại. Song ngày lễ này lại gợi cho người Mỹ bản địa nỗi buồn về sự bất công mà họ phải chịu đựng những năm sau đó.

Gà tây nướng lò, một món ăn thường thấy trong ngày Lễ Tạ ơn

Bánh Pumpkin (Pumpkin pie) thường dùng trong mùa Lễ Tạ ơn tại Bắc Mỹ

Dẫu sao đây cũng là dịp để người dân nước này sum họp, quây quần bên gia đình, cùng nhau thưởng thức bữa ăn ấm cúng và gửi cho nhau những lời cám ơn. Vì thế, lễ Tạ ơn còn được xem là kỳ nghỉ của gia đình.


Các lễ tạ ơn tại Hoa Kỳ và Canada






lundi 20 novembre 2017

THẾ GIỚI : Thất bại đàm phán thành lập chính phủ liên minh Đức


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận




Theo tin tổng hợp Internet ngày 20/11/2017 - Vị thế của thủ tướng Đức, Angela Merkel bị suy yếu. Đàm phán thất bại giữa đảng bảo thủ CDU của thủ tướng Angela Merkel với hai đối tác chính là đảng Xanh và đảng Tự Do FDP để thành lập chính phủ liên minh.

Tối ngày 19/11/2017, đảng FDP chính thức thông báo rút lui, ngưng mọi đàm phán thành lập liên minh chính phủ với thủ tướng Merkel và đảng Xanh để cầm quyền. Gần hai tháng sau bầu cử Quốc Hội nước Đức vẫn chưa thành lập được chính phủ mới. Đây là kịch bản lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử Cộng Hòa Liên Bang Đức từ năm 1949.



Theo hãng tin Reuters, biến cố mới đã bất ngờ đẩy nước Đức vào tình thế khủng hoảng chính trị, cùng với đó là tương lai không chắc chắn về nhiệm kỳ thứ tư của của bà Angela Merkel.


Ngày 20/11/2017, ngay sau khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền, bà Merkel cho biết sẽ thông báo với tổng thống Đức về việc bà không thể thành lập được một liên minh.

Với quyết định bất ngờ của FDP, chính trường Đức đang đứng trước những lựa chọn chưa từng có tiền lệ ở thời đại hậu Thế chiến thứ hai: Hoặc bà Merkel vẫn thành lập một chính phủ thiểu số với đảng Xanh (Greens), hoặc tổng thống Đức sẽ phải tiến hành tổ chức lại một cuộc bầu cử mới sau khi các đảng đã không thể đàm phán để thành lập một chính phủ.

Đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD), các đối tác liên minh hiện tại của bà Merkel và cũng là đảng lớn thứ hai trong cuộc bầu cử hồi tháng 9, đã bác bỏ khả năng lặp lại một liên minh với những người theo đường lối bảo thủ.


Phát biểu trước báo giới về diễn biến tiêu cực bất ngờ với vẻ mệt mỏi, thủ tướng Angela Merkel nói: "Đây là một ngày phản ánh sâu sắc việc nước Đức sẽ tiếp tục như thế nào. Trong tư cách thủ tướng, tôi sẽ làm tất cả để đảm bảo đất nước được quản lý tốt trong những tuần khó khăn sắp tới".

Ngay sau tuyên bố rút khỏi các đàm phán thành lập liên minh của lãnh đạo đảng FDP, ông Christian Lindner, lúc 23g00 GMT ngày 19-11 (tức 06g00 ngày 20-11 giờ Việt Nam), đồng euro đã rơi xuống mức tỉ giá thấp nhất trong 2 tháng qua so với đồng yen Nhật.

Lãnh đạo FDP tuyên bố họ quyết định từ bỏ việc đàm phán vì không thể tìm thấy điểm chung về các vấn đề chủ chốt trong trong khi thương thuyết với hai đảng phái còn lại là liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của bà Merkel và đảng Xanh (Greens).

"Thà là không cầm quyền còn hơn là cầm quyền sai trái. Tạm biệt!", ông Lindner tuyên bố như vậy trước các nhà báo.

Sau kết quả tổng tuyển cử vừa qua, 3 đảng phái giành thắng lợi đã dành hơn 4 tuần để tham gia các cuộc đàm phán nhằm thành lập liên minh cầm quyền, giải quyết những khác biệt trong các vấn đề chính như nhập cư, khí hậu và chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên tất cả những nỗ lực đàm phán đã không đi đến kết quả thống nhất.

Một điểm bế tắc đáng kể là câu chuyện nhập cư. Theo đó, những người theo quan điểm bảo thủ mong muốn duy trì một mức trần về số người tị nạn được Đức tiếp nhận hàng năm, tuy nhiên đảng Xanh phản đối yêu cầu này.

Tuy nhiên theo ông Lindner, ngoài những vấn đề đáng kể còn khúc mắc thì một vấn đề lớn nữa là ba đảng phái đã không thể xây dựng đủ lòng tin lẫn nhau, điều thiết yếu để đảm bảo có được một chính phủ ổn định điều hành đất nước trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo.

Đây cũng là thất bại của thủ tướng Đức, Angela Merkel. Bà bị suy yếu vì kết quả bầu cử hồi tháng 9 vừa qua : đảng CDU của bà về đầu nhưng với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục. Bà Merkel buộc phải tìm kiếm liên minh để lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ thứ tư.


dimanche 19 novembre 2017

THẾ GIỚI : Hàng ngàn người Việt có nguy cơ bị trục xuất?

Theo BBC-Thùy Linh Nguyễn ngày 9 tháng 11 2017


Khoảng 8.500 người Việt tại Hoa Kỳ có thể bị bắt, giam giữ và trục xuất về Việt Nam, các tổ chức hoạt động vì cộng đồng tại Hoa Kỳ cho biết.

Các tổ chức bắt đầu lo ngại khi có thông tin trong vài tháng gần đây, nhiều người đột nhiên bị bắt, giam giữ, điều chuyển và bị thẩm vấn để trục xuất về Việt Nam.

Con số người bị bắt giữ đã lên đến mức kỷ lục, NBC News dẫn lời bà Đinh Quyên, Chủ tịch Trung tâm Hành động Hỗ trợ Đông Nam Á (SEARAC).

Các tổ chức hoạt động vì cộng đồng ở Philadelphia, California, New York gần như đồng loạt đưa ra cảnh báo khẩn vào cuối tháng 10.


Gần 9.000 người có thể bị trục xuất

Cảnh báo khẩn của SEARAC hôm 30/10 ghi rằng: "Trong vài tuần gần đây, ICE (Cơ quan Kiểm sát Nhập cư và Hải quan) đã tái bắt giữ một số người Việt đã có lệnh trục xuất mà họ không thể trục xuất trước đây."

Cảnh báo khẩn của SEARAC cho biết tổ chức này phát hiện hồi tháng 9 rằng Hoa Kỳ đã gửi hồ sơ của 95 cá nhân có thể bị trục xuất cho Hà Nội để chính quyền Việt Nam xem xét.

SEARAC cũng ghi nhận các trường hợp lẽ ra không thuộc đối tượng bị trục xuất nhưng vẫn bị bắt giữ trong thời gian vừa qua.


"Từ tháng 10 đến tháng 11, một phái đoàn quan chức Việt Nam sẽ đến Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc phỏng vấn ở bang Georgia," cảnh báo ghi thêm.

Cảnh báo kêu gọi cộng đồng chia sẻ rộng rãi và ngay lập tức liên hệ các tổ chức để được nhận hỗ trợ pháp lý.


Đối tượng nào có thể bị trục xuất?

Theo dữ liệu của Bộ Nội An Hoa Kỳ vào năm 2016, hiện có khoảng 8.560 người Việt có lệnh trục xuất nhưng vẫn sinh sống tại Mỹ. Lí do là vì từ sau chiến tranh, Việt Nam luôn từ chối tiếp nhận những người Việt Hoa Kỳ muốn trục xuất.

Theo Biên bản Ghi nhớ được hai nước ký hồi 2008, Hà Nội chỉ chính thức đồng ý tiếp nhận các cá nhân gốc Việt đến Hoa Kỳ sau năm 1995 - là năm hai nước bình thường hóa quan hệ.


Từ 1998 đến 2016, đã có khoảng 624 người Việt bị đưa về Việt Nam, theo thông tin chính thức của Bộ Nội An.

"Kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ luôn nỗ lực tìm cách trục xuất càng nhiều người càng tốt," ông Huỳnh Học Diệu, người đứng đầu tổ chức VietUnity nói với BBC.

Tuy nhiên, "thường họ chỉ trục xuất người đến Hoa Kỳ sau 1995", ông Diệu giải thích thêm.
Nay, đã có những trường hợp đến Hoa Kỳ từ trước 1995 nhưng vẫn bị bắt và giam giữ.

Trong số 95 hồ sơ bị chuyển cho phía Việt Nam hồi tháng 9, có ít nhất ba người đến Hoa Kỳ trước 1995, không thuộc đối tượng bị trục xuất theo thỏa thuận ký năm 2008, NBC dẫn lại thông tin của SEARAC.


Katrina Dizon Mariategue, nhân viên tư vấn Chính sách Nhập cư của SEARAC cho BBC biết tổ chức này bắt đầu phát hiện ra vụ việc sau khi một luật sư thông báo về việc một người Việt đến Hoa Kỳ trước 1995 bị bắt giữ và điều chuyển đến bang Georgia.

Bà Mariategue cho biết năm ngoái Hoa Kỳ trục xuất 35 người Việt; năm nay nếu 95 hồ sơ kia được tiếp nhận thì con số bị trục xuất sẽ tăng gấp 3 lần.


Trump sẽ nêu vấn đề với Việt Nam tại APEC?

Ông Huỳnh Học Diệu, người hiện cũng đang làm việc cho phó thị trưởng thành phố San Jose, California, bình luận rằng chính phủ Trump "đã có một số hành động gây hại đến cộng đồng dân nhập cư."

"Đây không phải là điều ngạc nhiên. Ông Trump muốn giới hạn nhập cư, muốn trục xuất dân nhập cư, và ông ấy ủng hộ dự luật RAISE Act," ông Diệu nói.

"Bây giờ điều chúng tôi lo ngại nhất là chuyến thăm đến Việt Nam của Trump. Với số lượng người bị bắt giữ mang tính kỷ lục, đây là bằng chứng cho thấy chính phủ Trump đang nỗ lực khiến phía Việt Nam tiếp nhận thêm người bị trục xuất."

"Điều này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều gia đình, con cái phải rời xa cha mẹ. Đây là điều không ai mong muốn," ông Diệu nói thêm.


Cùng mối quan ngại với ông Diệu, bà Mariategue nói rằng việc Hoa Kỳ muốn trục xuất cả những cá nhân tới Mỹ trước 1995 là một tín hiệu xấu.

Bà e rằng Washington đang tìm cách tái thỏa thuận hoặc mở rộng Biên bản Ghi nhớ năm 2008 để có thể trục xuất thêm người. "Nếu như vậy, có khả năng khoảng 9.000 người Việt sẽ bị ảnh hưởng," bà Mariategue nói.

Tháng trước, chính phủ ông Trump đã ra lệnh trừng phạt đối với Campuchia và ba nước châu Phi khác vì đã không chịu tiếp nhận người bị trục xuất.

Cũng đồng tình với ông Diệu, bà Mariategue nói: "Chúng tôi lo ngại rằng ông ấy sẽ đặt vấn đề này với Việt Nam vì ông đã có những lời bình luận trong quá khứ về việc trừng phạt những nước không tiếp nhận người bị trục xuất."

BBC đã liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để xác nhận thông tin nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.





mardi 14 novembre 2017

BLOG : Tuổi Thơ Trên Thành Phố Sài gòn



Tuổi Thơ Trên Thành Phố Sài gòn
Tác giả: Pham Doanh


Nhà tôi gần chợ Thái Bình
Con đường nhỏ, tên Cống Quỳnh dễ thương
Tuổi thơ xách cặp đến trường
Trên đường Phát Diệm cùng phường, Quận Hai
Những ngày đó cứ nhớ hoài
Mùi thơm mực tím trong bài Giáo Khoa
Nhớ sao là những hàng quà
Cổng trường, bánh cuốn hay là bánh kem

Lắc xí ngầu trúng cà rem
Hôm nào thua hết chết thèm mất ăn
Miếng xoài trái cóc ê răng
Mẹ cho tiền tháng, một tuần hết ngay
Được cô em gái thơ ngây
Tha hồ dụ khị, hỏi vay mượn tiền
Em gái tôi tính dịu hiền
Cho anh vay mãi chẳng phiền một câu
Nếu giờ tính cả lãi đầu
Chắc tôi phải cất nhà lầu trả em

Trôi qua ngày tháng êm đềm
Những chiều đi bắt dế mèn đá chơi
Tạt hình, la hét om trời
Bắn bi, nút phéng, vui ơi kể gì
Nhà tôi vốn gốc bắc kỳ
Lũ con nít chọc nhiều khi mích lòng
Chúng kêu là “bắc kỳ con”
Rồi đòi bắt “bỏ vô lon” cho đầy
Đánh nhau tại “Cá rô cây”
Bây giờ nhớ lại, thường hay tức cười
Nhớ sao khẩu súng đầu đời
Cuốn bằng giấy trắng, vụng ơi vụng là

Bao nhiêu rạp hát gần nhà
Khải Hoàn, Quốc Tế hay là Thăng Long
Thêm vài phút có Đại Đồng
Tối ngày trốn học lông bông đó hoài
Chờ anh xé vé ngáp dài
Lén vào coi cọp, gặp ngay chú mình
Về nhà bố đánh thất kinh
Mẹ thương xót quá, me xin bớt đòn
Cô hàng xóm, tuổi còn non
Giúi cho một trái cóc dòn, nín ngang

Tuổi thơ là tuổi phá làng
Tạt lon, đánh đáo, giật khăn trên đường
Trời mưa cả bọn tắm truồng
Hò nhau bắt cá đường mương, bẩn người
Có cô hàng xóm đứng coi
Ánh nhìn nghịch ngợm, nét cười tinh ranh
Làm mình ngượng quá, chuồn nhanh
Đó là lần cuối mà anh tắm đường
Nhiều khi chợt thấy vấn vương
Mơ hồ bóng dáng dễ thương nhớ hoài

Sài gòn ngày đó rất hay
Xung quanh các phố còn đầy đất hoang
Người ta chưa sống lan tràn
Cả thành phố, chín trăm ngàn, thế thôi
Đường còn vắng, ít xe hơi
Honda chưa có, hay ngồi xích lô
Đôi khi thấy chiếc xe thồ
Khoan thai chậm rãi, ngựa ô chở hàng
Sàigòn nay sống vội vàng
Số dân năm triệu, cửa hàng như nêm
Sài gòn khi trước bình yên
Con người có vẻ cũng hiền hơn nay

Phố của tôi chẳng mấy dài
Đến Hồng Thập Tự chỉ vài bước chân
Đầu kia là Nguyễn cư Trinh
Phía sau, Đất Thánh, nơi kinh hoàng nhiều
Là nơi chắc tột cùng nghèo
Nhà trên mồ mã tiêu điều hoang vu
Nước đen trên vũng ao tù
Ánh đèn hiu hắt tối mù bước chân
Nơi đây là chốn trú thân
Những phường quái kiệt, những dân khốn cùng
Nghĩ ra mới thấy lạ lùng
Phía ngoài đường cái một vùng khang trang
Chỉ cần vào một hẽm ngang
Là ta sẽ thấy lầm than của đời
Con người sống với ma trơi
Bùn lầy nước đọng như thời khai quang
Lối đi rộng khoảng chín gang
Công an chẳng dám ngang tàng vào đây

Cuối tuần hóng gió sân bay
Trên Tân Sơn Nhất chỉ vài phi cơ
Bến Bạch Đằng đẹp như thơ
Trai thanh gái tú bên bờ sông êm
Tuy rằng chẳng có giới nghiêm
Nhưng đèn đô thị nửa đêm cũng tàn
Rồi trong những chủ nhật vàng
Đi chơi sở thú, xếp hàng mỏi chân
Vườn Bách Thảo, dạo trong sân
Nửa giờ rình đợi, cù lần chẳng ra
Xem con voi có cặp ngà
Bao nhiêu thú lạ trăm hoa nở cành

Đường ra đến chợ Bến Thành
Nhà thờ Huyện Sĩ, nổi danh Sài gòn
Lúc xưa vườn trẻ chim non
Vỡ lòng nét bút vẫn còn run run
Kìa Ngã Sáu, thật tưng bừng
Bao nhiêu hàng quán như cùng về đây
Nhìn lên Thánh Gióng cầm cây
Cỡi con ngưa sắt, đạp mây về trời
Dưới chân ngài, nhậu đã đời
Vào Mỳ Kim Phụng ăn chơi vịt tiềm
Bên kia là quán bò viên
Cháo lòng, tàu hủ, bột chiên, phở “Tài”

Đi cho hết đường Lê Lai
Là ra Lê Lợi, phố dài người đông
Mỗi lần đi, háo hức lòng
Khu thanh lịch nhất Sài gòn là đây
Khu này người Pháp họ xây
Như bên xứ họ, trồng cây xanh đường
Đường Công Lý nắng còn vương
Người mua sách báo vẫn thường đến đây
Kem Bạch Đằng phía bên này
Cà phê sữa đá, một ngày lên hương

Khu Pasteur, quán ngập đường
Tỏa mùi phá lấu vị hương thơm nồng
Phía bò bía, ồ quá đông
Bò khô dầu dấm cũng không có bàn
Eden Thương Xá hạng sang
Chủ nhân người Ấn hay quàng sà rông
Hôm nay vào Rex mất công
Phim hay một vé trăm đồng đó nghe
Đường Catina ngợp nắng hè
Ghé Givral để ăn chè Phục Linh
Vào Xuân Thu kiếm sách hình
Cuối đường Nguyễn Huệ đẹp xinh bến tàu

Ngày xưa đi quá khỏi cầu
Phan Thanh Giản, đã thấy màu nông thôn
Nơi đây là những cánh đồng
Ngày nay phố xá, chẳng trồng trọt chi
Có lần cả bọn cùng đi
Trường đua Phú Thọ, những khi ngựa về
Không tiền mua vé, mà mê
Chui rào coi cọp, bị đe mấy lần
Bên đường, cư xá sĩ quan
Có người bác ruột cũng hàng tá thôi
Rừng cao su cạnh đó rồi
Lữ Gia cư xá, chú tôi có nhà

Đi về trong phố không xa
Chợ Trần quốc Toản chỉ là ba cây
Mẹ tôi thường ghé qua đây
Cá tươi, tôm sống nơi này có tên
Phở Tàu Bay ở gần bên
Người dân xứ đạo chẳng quên bao giờ
Ngay bên cạnh có nhà thờ
Sau khi xem lễ, họ chờ vô ăn

Xa thành phố đã bao năm
Một thời thơ ấu vẫn hằn trong tim
Khi về chẳng biết có tìm
Được chăng những lúc êm đềm khi xưa
Sài gòn dù những cơn mưa
Dù cho nắng đổ, dù chưa phục hồi
Tên người, ta giữ trong đời
Như bao kỷ niệm của thời thơ ngây.


Phạm Doanh



mardi 7 novembre 2017

THẾ GIỚI : “Paradise papers” Thêm một vụ lách luật tránh thuế lớn bị phát lộ


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Sau vụ Panama papers, hôm qua 05/11/2017, hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra và hàng trăm ban biên tập các báo trên thế giới tiếp tục cho công bố một khối lượng lớn các tài liệu phát giác các hành vi giấu tiền ở các thiên đường thuế của nhiều công ty đa quốc gia và những nhân vật quan trọng ở châu Âu cũng như Bắc Mỹ. (Theo rfi ngày 06/11/2017)

Hồ sơ lần này mang tên gọi “Paradise papers” có tâm điểm là Appleby, một văn phòng luật đặt trụ sở tại quần đảo Cayman Bermuda.

Hơn 13 triệu hồ sơ tài liệu thu được từ 19 điểm thiên đường thuế đã phát giác những cách thức né tránh thuế đang rất phổ biến trên quy mô thế giới. Trong số các tài liệu mà báo chí vừa phát giác, người ta thấy có tên của 120 chính trị gia và lãnh đạo trên thế giới, trong đó có nữ hoàng Anh Elisabeth II hay một số người thân cận với tổng thống Donald Trump, như ngoại trưởng Rex Tillerson…


Hình thức giấu tiền được thực hiện qua một loạt khoản đầu tư vào các công ty bình phong đặt ở hải ngoại.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson xuất hiện trong hồ sơ “Paradise papers” trên tư cách nhà quản trị một công ty đăng ký tại Bermuda có hoạt động khai thác dầu tại Yemen, trong thời gian ông còn lãnh đạo tập đoàn ExxonMobil (từ 2006-2016).

Theo bà Cécile Prieur, trưởng ban biên tập báo le Monde, người tham gia cuộc điều tra trên, trong danh sách các nhân vật liên quan, người ta còn thấy “13 nhân vật rất thân cận với tổng thống Putin. Họ là các bộ trưởng, cố vấn hay nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử của Putin và những người này cất giấu một số lượng rất lớn tài sản tại các thiên đường thuế”.

Về phần các công ty, người ta thấy có những tên tập đoàn lớn như Nike hay Apple. Tất cả những cá nhân và công ty được nêu danh trong tài liệu đều thực hiện thao tác né tránh thuế thông qua văn phòng luật Appleby, hoặc các văn phòng tư vấn kinh doanh đặt tại Bermuda hoặc tại các thiên đường thuế.

Khác với vụ Panama Papers bị tung ra năm 2016, vụ việc lần này không liên quan đến việc rửa tiền mà chỉ là các thao tác cất tiền nhằm hạn chế tối đa nghĩa vụ thuế.




Thiên đường thuế

Theo nhóm điều tra Hồ sơ Thiên đường  BBC Panorama ngày 06/11/2017 - Bộ hồ sơ tài chính mới bị rò rỉ đã cho thấy cách tầng lớp siêu giàu và đầy quyền lực, gồm cả công ty đầu tư của Nữ hoàng Anh, đã đầu tư tiền vào các "thiên đường thuế".

Bộ trưởng Thương mại trong chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị phát hiện có cổ phần trong một công ty làm ăn với chính những người Nga bị Mỹ trừng phạt.

Vụ rò rỉ, được đặt tên Hồ sơ Thiên đường, gồm tới 13,4 triệu văn bản, đa số là của một công ty hàng đầu về tài chính bình phong hải ngoại.

Chương trình BBC Panorama tham gia cùng gần 100 cơ quan truyền thông điều tra kho tài liệu này.
Giống như vụ Hồ sơ Panama năm 2016, các văn bản lần này cũng do tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung thu thập.

Tờ báo này đã nhờ tới Hiệp hội Phóng viên điều tra Quốc tế (ICIJ) phụ trách cuộc điều tra.
Các tiết lộ mới nhất hôm Chủ nhật 5/11 chỉ mới là một phần nhỏ, và những tuần tới, các báo sẽ còn công bố chi tiết hồ sơ tài chính và thuế của nhiều cá nhân và công ty bị nêu trong kho dữ liệu.

Chúng cho thấy nhiều chính trị gia, công ty đa quốc gia, người nổi tiếng, người giàu có đã dùng mạng lưới phức tạp của các quỹ, công ty bình phong để giấu tiền khỏi sở thuế hoặc che giấu các thương vụ của họ. Đa số các thương vụ này không phạm luật.


Đầu tư hải ngoại của công ty thuộc Nữ hoàng Anh



Vì sao dính líu Nữ hoàng Anh?

Hồ sơ Thiên đường cho thấy khoảng 10 triệu bảng tiền của Nữ hoàng Anh từng được đầu tư tại lãnh thổ ưu đãi hoặc không đánh thuế.

Tiền được Duchy of Lancaster cho vào các quỹ ở Quần đảo Cayman và Bermuda.

Duchy of Lancaster là nơi cung cấp thu nhập cho Nữ hoàng, và quản lý các khoản đầu tư cho bất động sản 500 triệu bảng của Nữ hoàng.

Các khoản đầu tư này đều hợp pháp, và không có bằng chứng là Nữ hoàng không đóng thuế. Nhưng có thể có câu hỏi liệu Hoàng gia Anh có nên đầu tư ở các "thiên đường thuế" hay không.



Có những khoản đầu tư nhỏ vào nhà bán lẻ BrightHouse, từng bị tố cáo bóc lột người nghèo, và chuỗi cửa hàng Threshers, sau này phá sản và nợ 17,5 triệu bảng tiền thuế.

Duchy of Lancaster nói họ không dính líu các quyết định của các quỹ, và không có bằng chứng là Nữ hoàng biết về các khoản đầu tư cụ thể nhân danh bà.


Wilbur Ross : Liên hệ với Nga



Khó xử cho Ross và Trump?

Ông Wilbur Ross từng giúp ông Donald Trump thoát khỏi phá sản hồi thập niên 1990 và được bổ nhiệm làm bộ trưởng thương mại dưới thời Tổng thống Trump.

Tài liệu cho biết ông Ross vẫn có lợi ích trong một công ty tàu biển thu hàng triệu đôla mỗi năm nhờ vận chuẩn dầu khí cho một công ty năng lượng Nga. Cổ đông công ty này có con rể Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai người bị Mỹ trừng phạt.

Sẽ lại có câu hỏi về mối liên hệ giữa Nga và nhóm cố vấn của ông Donald Trump.

Chính quyền của ông Trump đã dính cáo buộc rằng Nga đồng lõa để tác động cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ông Trump đã gọi cáo buộc là "tin giả".


BÌNH LUẬN

Rò rỉ tài liệu từ đâu?

Đa phần dữ liệu là từ một công ty pháp lý đặt ở Bermuda, Appleby. Họ giúp khách hàng ở các khu vực có mức thuế thấp hoặc bằng không.

Tờ báo Süddeutsche Zeitung lấy được tài liệu của công ty này, và các công ty chủ yếu ở khu vực Caribê. Tờ báo không cho biết nguồn cung cấp.

Các cơ quan truyền thông tham gia điều tra nói việc này có lợi cho công chúng vì tài liệu rò rỉ từ các thiên đường thuế thường bộc lộ những sai phạm.

Công ty Appleby phản hồi rằng "không có bằng chứng sai phạm về chúng tôi hay khách hàng".


Một số tin liên quan công bố hôm 05/11/2017

Một cố vấn của Thủ tướng Canada Justin Trudeau dính líu các khoản đầu tư hải ngoại, có thể khiến Canada thiệt hàng triệu đôla tiền thuế.

Rò rỉ đặt câu hỏi về Stephen Bronfman, người gây quỹ cho đảng của ông Trudeau, và cũng là bạn thân của ông.

Nhà tài trợ của đảng Bảo thủ Anh, Lord Ashcroft, đã bỏ qua các quy định về việc quản lý đầu tư hải ngoại, theo tài liệu rò rỉ. Ông đã cho Quỹ Punta Gorda ở Bermuda các tài sản trị giá hàng trăm triệu đôla năm 2000. Hồ sơ Thiên đường cho thấy ông thỉnh thoảng ra quyết định mà không hỏi viên chức của quỹ.

Hồ sơ Thiên đường cũng đặt câu hỏi ai kiểm soát câu lạc bộ bóng đá Everton FC và liệu quy định của Premier League có bị phá vỡ không.

Farhard Moshiri bán cổ phần Arsenal năm 2016 để mua gần 50% Everton. Nhưng rò rỉ cho thấy cổ phần gốc của ông ở Arsenal là "quà" của đại gia Alisher Usmanov, người kiểm soát 30,4% Arsenal.

Điều này đặt câu hỏi phải chăng tiền của ông Usmanov nay ở trong Everton. Ông Moshiri đã bác bỏ cáo buộc tiền này là quà.


Thuật ngữ "tài chính hải ngoại" là gì?

Tóm gọn lại, đó là nơi nằm ngoài kiểm soát một quốc gia, để công ty hay cá nhân có thể chuyển tiền, tài sản, lợi nhuận nhằm tranh thủ thuế thấp.

Chúng thường được gọi là "thiên đường thuế" hay trong ngành thì gọi là "trung tâm tài chính hải ngoại". Đó thường là các hòn đảo nhỏ, ổn định, bí mật, có những mức độ kiểm tra sai phạm khác nhau.

Vương quốc Anh có vai trò lớn, một phần vì nhiều lãnh thổ hải ngoại của Anh chính là "trung tâm tài chính hải ngoại". Và còn vì nhiều luật sư, kế toán, ngân hàng ngồi ở London và làm cho ngành công nghiệp này.

Brooke Harrington, tác giả cuốn Capital Without Borders: Wealth Managers and the One Percent, cho rằng tài chính hải ngoại chỉ dính líu tới .001% người giàu toàn thế giới. Những tài sản khoảng 500.000 đôla cũng là quá nhỏ, không đủ để đóng các khoản phí.



lundi 6 novembre 2017

THỜI SỰ : Việt Nam chính thức bỏ 'Sổ hộ khẩu'


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Đây là nội dung trong Nghị quyết 112/NQ-CP đã được Thủ tướng ký ban hành ngày 30/10/2017. Theo đó, Chính phủ thông qua phương án về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.


Đồng thời, các thủ tục liên quan đến đăng ký xe, lĩnh vực xuất nhập cảnh… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân.

12 số trên thẻ Căn cước công dân sẽ là mã số định danh cá nhân

Cụ thể:

1. Nhóm thủ tục Đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã)

a) Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

b) Thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú bằng một biểu mẫu mới bao gồm nội dung về thay đổi về nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), giảm tải các thông tin đã khai thác được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.

c) Bỏ "Giấy chuyển hộ khẩu (HK07)” ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.

d) Bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.

2. Thủ tục Đăng ký tạm trú tại Công an cấp xã

Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

3. Các nhóm thủ tục:

- Tách sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);

- Cấp đổi sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);

- Cấp lại sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);

- Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);

- Xóa đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);

- Xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);

- Hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);

- Cấp giấy chuyển hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);

- Cấp đổi sổ tạm trú tại Công an cấp xã;

- Cấp lại sổ tạm trú tại Công an cấp xã;

- Điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú tại Công an cấp xã;

- Gia hạn tạm trú tại Công an cấp xã;

- Hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật tại Công an cấp xã.

Bãi bỏ các thủ tục hành chính này quy định tại Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

Ngoài việc bỏ hình thức “sổ hộ khẩu” kể trên, Chính phủ còn đồng ý thực hiện đơn giản hóa hàng chục thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an khác.


BÌNH LUẬN

Bản chất của Nghị quyết 112 không phải là bỏ hộ khẩu mà chỉ thay thế hình thức hộ khẩu giấy sang "hộ khẩu điện tử". Thay vì trước đây làm thủ tục đăng ký thường trú và được cơ quan công an cấp một quyển sổ hộ khẩu. Công an quản lý nhân khẩu dựa vào quyển hộ khẩu này. Nay nhu cầu quản lý nhân hộ khẩu của nhà nước vẫn còn đó nhưng hình thức quản lý khác đi. Cụ thể là công an vẫn quản lý nhân hộ khẩu thông qua mã định danh cá nhân và thủ tục đăng ký cập nhật nơi cư trú trên hệ thống dữ liệu quốc gia.

Sau khi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân (12 số trên thẻ Căn cước) khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Lâu nay, việc kiểm tra tạm trú, tạm vắng, hộ khẩu là một trong những điều mà những nhà hoạt động thường bị sách nhiễu, gây khó khăn nhiều nhất. Dù đang ở khách sạn, nhà người thân hay nhà bạn bè thì công an lấy lý do kiểm tra tạm trú, tạm vắng, sổ hộ khẩu rồi họ vào gây khó khăn nhiều thứ như: Đưa người hoạt động về trụ sở, đuổi đi hay phạt hành chính... Mà việc "kiểm tra" này họ "sử dụng" bất cứ lúc nào, dù là đêm hôm khuya khoắt. Và tất nhiên là cái mục đích kiểm tra thì khác với lý do họ nêu ra.

Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ loại bỏ sự bất đình đẳng, phân biệt đối xử về quyền lợi giữa người có hộ khẩu thường trú và không có như: Vay vốn, xác lập quyền tài sản, lắp đặt Internet, công tơ điện, nước... Việc này sẽ tạo tiền đề cho sự cống hiến, đóng góp, phát triển của địa phương cũng như của quốc gia.

Nói tóm lại, cần có các cải cách hơn nữa để đảm bảo là người nhập cư có được khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam.

Tại buổi họp báo giải về đơn giản hoá thủ tục hành chính theo Nghị quyết 112 của Chính phủ, Thượng tá Trần Hồng Phú, phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), cho biết từ nay đến năm 2019-2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu hay CMND vẫn tiến hành bình thường như cũ.



THẾ GIỚI : Vụ xả súng Texas có ít nhất 26 người thiệt mạng


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


* * * Cầu nguyện cho Texas * * *


Ít nhất 26 người thiệt mạng trong vụ xả súng ở nhà thờ tại buổi hành lễ hôm Chủ Nhật 05/11/2017. (Theo BBC - franceinfo với AFP cập nhật 06/11/2017)


Vụ tấn công xảy ra tại nhà thờ First Baptist ở Sutherland Springs, một thị trấn nhỏ ở Hạt Wilson, Texas.

Tay súng, được cho là bị giết chết sau đó, bước vào nhà thờ và nổ súng vào khoảng 11 giờ 30 giờ địa phương (17:30 GMT) hôm Chủ Nhật 05/11/2017.



Thống đốc Greg Abbott xác nhận số người chết và nói đó là vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử Texas.

Giám đốc khu vực Sở Công Chính của bang Texas, Freeman Martin cho biết các nạn nhân có độ tuổi từ 5 đến 72. Giới chức nói ít nhất 20 người bị thương đã được đưa tới bệnh viện.

Ông Martin mô tả kẻ bị tình nghi là một người da trắng khoảng ngoài 20 tuổi, mặc bộ đồ đen và áo gi lê, cầm theo một khẩu súng trường.

Ông ta đã bắn từ lúc còn bên ngoài nhà thờ, rồi bước vào trong và xả đạn, Martin nói.
Một cư dân địa phương "đã giằng lấy khẩu súng trường bắt đầu bắn" về phía nghi phạm, trước khi tay súng lái xe bỏ trốn.

Người này tiếp tục lái xe đuổi theo và đâm vào xe nghi phạm tại tuyến đường thuộc quận Guadalupe.
Cảnh sát tìm thấy nghi can đã chết trong xe, nhưng không rõ do tự sát bằng súng hay do bị bắn, ông Martin nói thêm.


Tay súng được xác định là Devin P Kelley, 26 tuổi, theo tường thuật của truyền thông Mỹ. Cảnh sát chưa xác nhận danh tính của kẻ tình nghi.

Theo phát ngôn viên của Không quân Mỹ Anna Stefanek, Kelley trước đây từng phục vụ trong hàng ngũ không quân. Anh ta làm công tác hậu cần tại căn cứ không quân Holloman, New Mexico từ năm 2010 cho đến khi bị trục xuất.

Mục sư Frank Pomeroy của nhà thờ First Baptist nói với ABC News rằng con gái ông, Annabelle, 14 tuổi, chết trong vụ bắn súng.

Ít nhất 10 nạn nhân, trong đó có 4 trẻ em, được điều trị tại Hệ thống Y tế Đại học ở San Antonio gần đó.

Cảnh sát trưởng Joe Tackitt cho biết chính quyền không biết tên của bất kỳ nạn nhân nào khi họ khám nghiệm tại hiện trường vụ án.

Các quan chức cho biết 23 người thiệt mạng tại chỗ, bên trong nhà thờ, và có hai người bị bắn chết bên ngoài. Một người tử vong tại bệnh viện.

Nhân chứng Carrie Matula nói với NBC News: "Chúng tôi nghe tiếng súng bán tự động... chúng tôi chỉ cách nhà thờ khoảng 50 mét."

"Đây là một cộng đồng rất nhỏ, vì vậy mọi người đều rất tò mò về những gì đang xảy ra."
Sutherland Springs là một cộng đồng nông thôn nhỏ chỉ với vài trăm cư dân, nằm khoảng 30 dặm (50km) về phía Đông Nam thành phố Texas thuộc San Antonio.

Các nhân viên FBI tại San Antonio được điều động. Hiện chưa rõ động cơ của tay súng.

FBI cũng cho biết, mặc dù chỉ có một tay súng được nhắc tới nhưng các nhân viên đang tìm kiếm khả năng có thêm các nghi phạm khác.

Hình ảnh và video từ hiện trường cho thấy khu vực xảy ra vụ xả súng đang bị niêm phong.


Một số máy bay trực thăng đã đến để vận chuyển người bị thương, phóng viên Max Massey của APMM 12 nói.

Tổng thống Donald Trump, hiện đang trong chuyến công du châu Á, đã lên án "hành động tội ác" và nói rằng người Mỹ sẽ sát cánh bên nhau.
"Và qua những giọt nước mắt và qua nỗi buồn, chúng ta đứng dậy mạnh mẽ hơn," ông Trump nói thêm.

Vụ việc xảy ra trong đêm 01/10/2017, chỉ một tháng sau khi hơn 58 người chết và hàng trăm người bị thương tại một lễ hội âm nhạc ngoài trời ở Las Vegas trong vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ.


BÌNH LUẬN

Vụ giết người này không phải là lần đầu tiên ở nhà thờ. Vào tháng 6 năm 2015, Dylann Storm Roof (April 3, 1994) người da trắng đã giết 9 giáo dân ở Nhà thờ Emanuel ở Charleston (South Carolina), một biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại "chế độ nô lệ" (Noirs contre l’esclavage). Dylann Roof bị kết án tử hình vào tháng 01/2017.

Hàng năm, có hơn 33.000 ca tử vong liên quan đến súng được báo cáo ở Hoa Kỳ - bao gồm 22.000 vụ tự tử - theo một nghiên cứu gần đây. Cuộc tranh luận về việc điều tiết vũ khí, được khởi động lại với mỗi lần bắn.

Mặc dù vậy, Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA - National Rifle Association) thì luôn lập luận rằng tội phạm có súng nên người dân cũng cần có súng để chống trả và nực cười thay khi thủ phạm nổ súng hàng loạt lại chính là một trong những dân thường được sở hữu súng hợp pháp đó và khi sự việc xảy ra thì cũng chẳng ai chống trả nổi.

Cựu Tổng thống Obama đã thuyết phục quốc hội Mỹ thông qua luật hạn chế sử dụng vũ khí nhưng bị quốc hội Mỹ phủ quyết. NRA còn nói là nếu người dân biết sử dụng súng thành thạo thì bảo vệ bản thân tốt hơn.


mercredi 1 novembre 2017

THẾ GIỚI : Khủng bố bằng xe bán tải ở New York


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Một xe bán tải đâm người đi đường ở New York, Mỹ trong vụ tấn công khủng bố, làm 8 người chết, hơn 10 người bị thương.


Xe bán tải lao vào đường dành cho người đi xe đạp và đi bộ vào lúc 15h05 chiều 31/10 tại Hạ Manhattan, New York, gần các trường học và một công viên khi học sinh và phụ huynh đang chuẩn bị mừng Halloween. Vụ đâm xe cách khu tưởng niệm 11/9 chỉ vài khu nhà, theo Reuters.


Cảnh sát cho biết nghi phạm lái xe bán tải thuê, lao vào người đi xe đạp và đi bộ trước khi đâm vào một xe buýt trường học, làm hai người lớn, hai trẻ em bị thương.

Trong số 8 người chết, 6 người được xác định chết tại hiện trường và hai người chết tại bệnh viện gần đó. 11 người bị thương nghiêm trọng nhưng vết thương không nguy hiểm đến tính mạng.

Nghi phạm 29 tuổi bước ra khỏi xe, cầm hai khẩu súng trước khi bị cảnh sát bắn vào bụng và bị bắt. Một khẩu súng sơn và súng hơi được thu thập tại hiện trường, cảnh sát cho biết.


Khi được hỏi tại họp báo về thông tin kẻ lái xe hô "Thánh Allah vĩ đại", James O'Neill, cảnh sát trưởng New York cho biết một tuyên bố của nghi phạm khi bước ra khỏi xe và hoàn cảnh chung của cuộc tấn công khiến các nhà điều tra xác định đây là "vụ khủng bố".

Tổng thống Donald Trump, người đã hạn chế số người nhập cư vào Mỹ, nhanh chóng tuyên bố Mỹ "không được" cho phép phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng "trở lại hoặc vào đất nước sau khi đánh bại chúng" ở nước ngoài.

Ông Trump gọi nghi phạm là một kẻ "rất bệnh hoạn" và "loạn trí".

New York Times dẫn lời hai quan chức hành pháp cho biết nghi phạm là người Uzbekistan, đến Mỹ vào năm 2010. Theo các nguồn tin của CBS News, nghi phạm tên là Habibullaevic Saipov. Người này hiện trong tình trạng nghiêm trọng.

Saipov, gốc Uzbekistan, sống ở Mỹ gần 7 năm và đã được cấp thẻ xanh, theo một nhân viên điều tra. Ông này còn cho biết Saipov vào Mỹ qua cửa khẩu ở sân bay quốc tế Kennedy và từ đó đến nay chưa một lần xuất cảnh.

Thị trưởng New York Mayor Bill de Blasio lên án "hành động khủng bố hèn nhát" nhằm vào dân thường vô tội.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho rằng nghi phạm dường như hành động một mình. "Không có bằng chứng gợi ý về một âm mưu lớn hơn hay kế hoạch rộng hơn. Đây là hành động của một cá nhân nhằm làm người khác đau đớn, có thể gây chết người", ông nói.

Đây là vụ khủng bố chết người đầu tiên ở New York kể từ sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, trong đó những tên không tặc thuộc tổ chức Al-Qaeda làm máy bay đâm vào toà Tháp đôi. Nó gợi nhớ đến những cuộc tấn công tương tự tại châu Âu hồi năm ngoái.