dimanche 25 décembre 2016

SỨC KHOẺ : Những biến đổi trong cơ thể khi uống nước


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Có người tưởng rằng, khi uống một cốc nước, nước chảy qua cơ thể rồi chảy ra ngoài, tương tự như khi nước chảy qua một đoạn ống. Thực ra khi đi qua cơ thể con người, nước sẽ phát sinh một loại biến đổi phức tạp.



Người lớn mỗi ngày cần uống chừng hơn 2 lít nước ở thể lỏng. Ngoài ra còn hấp thụ khoảng hơn 1 lít nước ở trái cây, rau, canh, thức ăn…

Ngoài việc hấp thụ hơn 3 lít nước từ bên ngoài còn khoảng hơn 11 lít nước thường xuyên trao đổi giữa các hệ thống và bộ phận cơ thể người.

Ví dụ: Khi nuốt nước bọt thì nước bọt từ miệng chảy xuống dạ dày, sau đó sẽ có một lượng nước tương đương với số nước bọt ấy qua mạch máu đi vào tuyến nước bọt bù vào chỗ nước bọt vừa nuốt xong.

Nước uống vào bụng sẽ qua dạ dày và ruột trở lại máu.

Bởi thế, hơn 11 lít nước trong cơ thể sẽ liên tục tuần hoàn giữa máu và các bộ phận trong cơ thể.

Trong hệ thống mạch máu của mỗi người có khoảng 5-7 lít máu, trong đó 3-4 lít là nước. Một người dù uống liền 10 lít nước thì máu của người đó cũng không vì thế mà loãng vì thành phần chất lỏng và chất rắn trong máu bao giờ cũng duy trì ở mức cân bằng.

Khi uống 1 lượng nước vào bụng, ¼ lượng nước đó sẽ vào ruột, ¼ vào gan, ¼ vào bắp thịt, ¼ vào thận và bàng quang. Bắp thịt, cơ bắp là kho chứa nhiều nước nhất trong cơ thể.

Cơ bắp người lớn tuổi có thể hấp thụ và giữ lại nhiều nhất đến 34 lít nước.

Khi nước chứa trong gan đưa vào máu sẽ kích thích thận sinh ra nước tiểu, nước tiểu chứa đầy trong bàng quang, cơ thể sẽ bài tiết lượng nước dư thừa ấy ra ngoài.


Nguồn sưu tầm: Cuốn "10 vạn câu hỏi vì sao – Cơ thể con người" - NXB Hồng Đức, trang 139.






MÔI TRƯỜNG : Phát triển các nguồn năng lượng mặt trời


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Pháp có đường năng lượng mặt trời 

Con đường năng lượng mặt trời tại Tourouvre-au-Perche của Pháp được xây dựng với chi phí 5 triệu euro sẽ được thử nghiệm trong thời gian hai năm.

Giai đoạn thử nghiệm sẽ đánh giá hiệu quả thực tiễn của việc con đường năng lượng mặt trời này có cung cấp đủ điện năng cho hệ thống đèn đường của địa phương hay không - Ảnh: EPA

Theo báo Guardian, Pháp vừa khai trương tuyến đường năng lượng mặt trời.

Con đường đặc biệt dài 1 km tại ngôi làng nhỏ Tourouvre-au-Perche tại vùng Normandy của Pháp được phủ lên bề mặt các tấm thu năng lượng mặt trời có tổng diện tích 2.800 mét vuông. Tham gia lễ khánh thành con đường mới ngày 22/12/2016 có Bộ trưởng sinh thái Pháp, bà Ségolène Royal.

Với chi phí xây dựng 5 triệu euro (5,2 triệu USD), con đường năng lượng mặt trời sẽ được khoảng 2.000 tài xế sử dụng mỗi ngày trong thời gian thử nghiệm 2 năm để đánh giá hiệu quả thực sự, xem nó có thể sản sinh đủ điện năng cho hệ thống đèn đường của ngôi làng có 3.400 cư dân này không.

Năm 2014, một con đường năng lượng mặt trời tương tự từng được khánh thành tại Krommenie ở Hà Lan. Con đường này cũng đã sản sinh được 3.000 kWh điện năng, tương đương với nhu cầu năng lượng trung bình của một gia đình trong một năm. Tuy nhiên chi phí xây dựng nó lại đủ để chi trả cho 520.000 kWh điện.

Trước khi triển khai xây dựng con đường năng lượng mặt trời tại Normandy, hãng xây dựng Colas, một phần của tập đoàn viễn thông Bouygues đã lắp đặt các tấm thu năng lượng mặt trời tại bốn bãi đậu xe hơi trên toàn nước Pháp.

Bà Royal cho biết và mong muốn cứ 1.000 km đường xa lộ ở Pháp lại có 1 km được lắp đặt các tấm thu, như vậy Pháp có tổng cộng khoảng 1 triệu km xa lộ, tuy nhiên các tấm thu năng lượng mặt trời đặt trên các bề mặt phẳng không đạt hiệu quả bằng các tấm thu lắp trên các bề mặt dốc như mái nhà.

Dư luận phản biện tại Pháp cho rằng đây không phải cách sử dụng hiệu quả nguồn tiền thuế của dân.

Họ cho rằng, mặc dù họ không nghi ngờ về việc đây là một tiến bộ công nghệ, nhưng để phát triển các nguồn năng lượng có thể tái tạo, họ cho rằng sẽ có những giải pháp tiết kiệm và hiệu quả hơn cách làm này.


Độc đáo ngói năng lượng mặt trời 

Nhà sản xuất cho biết mái nhà làm bằng ngói năng lượng mặt trời rẻ hơn so với mái nhà làm từ ngói truyền thống, nó còn có thể tích năng lượng cung cấp cho gia chủ sử dụng.

Ngôi nhà lợp ngói năng lượng mặt trời - Ảnh: techcrunch.com

Elon Musk, người sáng lập đồng thời là CEO của công ty Tesla (Mỹ), mới đây công bố loại ngói mới vừa đẹp vừa có thể thu năng lượng mặt trời. Nguồn năng lượng này không chỉ cung cấp đủ cho ngôi nhà mà còn có thể dự trữ bằng nguồn pin Powerwall 2.0.

Elon Musk

Theo Elon Musk, loại ngói này có khả năng thu được 98% năng lượng mặt trời, tức chỉ kém 2% so với các tấm pin mặt trời truyền thống, bù lại nó đẹp hơn nhiều so với pin mặt trời và đẹp hơn cả ngói truyền thống.

Đặc biệt giá cả nó cũng mềm hơn so với ngói truyền thống, mặc dù Tesla từ chối cung cấp mức giá chi tiết. Họ cho biết tổng chi phí mái ngói mặt trời còn tùy thuộc vào phương thức lắp đặt cụ thể của từng ngôi nhà.

Tesla nói họ đang làm việc với công ty khác để cải thiện lớp phủ bề mặt của ngói nhằm tăng hiệu suất thu năng lượng lên.

Dự kiến loại ngói mặt trời này được bán ra vào mùa hè năm tới. Musk cho biết do chúng được chế tạo bằng kính nên tuổi thọ "50 năm không là vấn đề gì" - tức cao hơn hẳn ngói truyền thống, kể cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Mọi người đang tìm hiểu loại ngói độc đáo - Ảnh: techcrunch.com

Loại ngói này được nói là có tuổi thọ lâu hơn ngói truyền thống - Ảnh: techcrunch.com

Nó còn có khả năng thu năng lượng mặt trời cung cấp cho ngôi nhà - Ảnh: techcrunch.com





samedi 24 décembre 2016

DU LỊCH : Bức tượng Manneken Pis ‘chú bé đứng tè’ ở Bỉ


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Bỉ là một quốc gia xinh đẹp và giàu có, kinh tế phát đạt khiến rất nhiều người hâm mộ cuộc sống của người dân nước này. Tại thủ đô Brussels, Bỉ có một biểu tượng nổi tiếng là bức tượng “chú bé đứng tè”. Người dân Bỉ coi biểu tượng này bảo vật quốc gia. Liên quan đến “chú bé đứng tè” này có một câu chuyện lịch sử mà người Bỉ cho rằng, cậu bé là anh hùng dân tộc.



Manneken Pis (nghĩa đen Cậu bé đi tiểu trong tiếng Marols, một phương ngữ tiếng Hà Lan được nói ở Brussels, trong tiếng Pháp là le Petit Julien) là một điểm mốc nổi tiếng ở Brussels. Thực chất nó là một bức tượng điêu khắc kiêm đài phun nước nhỏ bằng đồng, diễn tả một chú bé trần truồng đi tiểu vào bồn nước của đài phun. Tượng được thiết kế bởi François Duquesnoy và được dựng năm 1618 hoặc 1619. Nó cũng mang những ý nghĩa văn hóa tương tự như tượng nàng tiên cá ở Copenhagen.


Bức tượng nổi tiếng này tọa lạc trên giao lộ Rue de l'Étuve/StoofstraatRue du Chêne/Eikstraat. Nó nằm gần những địa điểm nổi tiếng như quảng trường Lớn BruxellesTòa thị chính Brussels.


Lịch sử và truyền thuyết

Bức tượng đồng cao 61 cm đặt ở góc phố Rue de l'Etuve Rue des Grands Carmes được làm năm 1619 bởi nhà điêu khắc Brussels là Hieronimus Duquesnoy the Elder, cha của François Duquesnoy. Bức tượng này nhiều lần bị đánh cắp: bức tượng hiện nay có từ năm 1965. Phiên bản phục dựng gốc được giữ tại Maison du Roi/Broodhuis ở Grand Place.

Manneken Pis mặc quần áo Judo.

Có một số truyền thuyết đằng sau bức tượng này, nhưng nổi tiếng nhất là truyền thuyết về Công tước Godfrey III của Leuven. Năm 1142, quân đội của lãnh chúa hai tuổi đã chiến đấu chống lại quân đội của Berthouts, lãnh chúa của Grimbergen, tại Ransbeke (nay là Neder-Over-Heembeek). Binh lính đã đặt lãnh chúa nhỏ tuổi trong một cái giỏ và treo dưới một cây để khích lệ họ. Từ trên cây, cậu bé đi tiểu vào binh lính của Berthouts, những kẻ thua trận.

Một truyền thuyết khác là vào thế kỷ 14, Brussels bị bao vây bởi các thế lực nước ngoài. Thành phố đã tổ chức phòng thủ, do đó những kẻ tấn công đã hình thành một kế hoạch đặt chất nổ tại các bức tường của thành phố. Một cậu bé tên Julianske đã theo dõi khi quân xâm lược thực hiện kế hoạch. Cậu bé đã đi tiểu vào dây dẫn cháy và nhờ đó cứu được thành phố. Vào thời kỳ đó (giữa thế kỷ 15, có lẽ sớm nhất là năm 1388) có một bức tượng tương tự làm bằng đá. Bức tượng đã bị đánh cắp nhiều lần.

Manneken Pis ăn mặc như một Người làm đàn ống (21 tháng 6, 2009)

Một câu chuyện khác (thường được kể cho khách du lịch) là về một thương gia giàu có, trong chuyến thăm thành phố với gia đình, cậu con trai yêu quý của ông đã mất tích. Vị thương gia này vội vã thành lập một đội tìm kiếm mà lùng sục khắp nơi của thành phố để tìm cậu bé, và họ tìm thấy cậu bé đang đi tiểu vui sướng trong một khu vườn nhỏ. Vị thương gia, đã xây dựng đài phun nước coi như một món quà tri ân người dân địa phương vì đã giúp ông tìm được con trai.

Một truyền thuyết khác là một cậu bé đi lạc khỏi mẹ khi đang mua sắm ở trung tâm thành phố. Người phụ nữ hoảng lạn, do mất đứa con, đã kêu gọi tất cả mọi người mà cô đi qua, bao gồm cả thị trưởng của thành phố tìm kiếm đứa con cho cô. Một cuộc tìm kiếm toàn thành phố đã bắt đầu và cuối cùng đứa bé được tìm thấy, khi đang đi tiểu ở một góc phố nhỏ. Câu truyện được lưu truyền theo thời gian và bức tượng được dựng lên để tưởng nhớ đến câu truyện ngụ ngôn nổi tiếng.

Còn một truyền thuyết khác kể về đứa trẻ, bị đánh thức bởi đám cháy và đã dập tắt lửa bằng nước tiểu của mình, điều này cuối cùng đã giúp lâu đài của nhà vua khỏi bị đám cháy.





DU LỊCH : Bức tượng Victor Noir (1852-1870)


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Bức tượng tạc hình một nhà báo nổi tiếng người Pháp được coi là biểu tượng của sự sinh sản. Nhiều phụ nữ cho rằng, chỉ cần chạm tay vào bộ phận “nhạy cảm” trên bức tượng, họ sẽ thụ thai thành công.

Victor Noir (1852-1870)

Nghĩa trang Père Lachaise ở thủ đô Paris, Pháp, là nơi an nghỉ cuối cùng của nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có những tên tuổi như Oscar WildeJim Morrison. Trong khu nghĩa trang, người ta còn thấy một bức tượng kỳ lạ, được nhiều du khách tới thăm theo cách rất đặc biệt. Bức tượng bằng đồng tạc hình của nhà báo nổi tiếng nước Pháp Victor Noir (1852-1870). Nhà báo qua đời khi tuổi đời còn khá trẻ, sau một cuộc đấu súng tay đôi. Sau đó, khoảng hơn 100.000 người đã tới tham dự lễ tang của ông.


Qua dấu vết thời gian, bức tượng đồng ngả sang màu xanh xám do bị oxy hóa. Tuy nhiên, phần bờ môi, mũi và cằm của bức tượng luôn ở tình trạng sáng bóng do thường xuyên được các du khách tới vuốt ve hay đặt lên đó nụ hôn.


Tác phẩm bằng đồng này còn có điểm chú ý kỳ lạ. Ngoài bờ môi và mũi, “phần nhạy cảm” của tượng cũng nhẵn bóng. Bức tượng còn mang trong mình một truyền thuyết kỳ lạ. Chỉ cần chạm lên “phần nhạy cảm” của tượng, phụ nữ sẽ thụ thai dễ dàng hơn. Chẳng thế mà bức tượng của Victor Noir trở thành một trong những biểu tượng sinh sản nước Pháp.


Người ta tin rằng, nếu một phụ nữ đặt nụ hôn lên môi tượng, sau đó chạm tay lên “phần nhạy cảm kia”, các quý cô sẽ dễ dàng có thai, hoặc cải thiện các kỹ năng trong chuyện “phòng the”. Nhìn vào tình trạng hiện tại của bức tượng, có thể thấy, rất đông quý bà quý cô đã tin vào truyền thuyết này.


Dĩ nhiên, sau mỗi lần như thế, các quý cô sẽ đặt một bông hoa lên mũ hay bàn tay bức tượng như một lời cảm ơn. Điều này cũng lý giải tại sao xung quanh mộ nhà báo Victor lại nhiều hoa tươi đến thế.


Bên cạnh những vị khách tế nhị lịch sự, không ít người tới đây có hành vi tạo dáng kiếm nhã, ảnh hưởng tới sự an nghỉ của người đã khuất. Cuối năm 2004, chính quyền thành phố quyết định làm hàng rào chắn quanh ngôi mộ để không ai được chạm tay vào nữa. Tuy nhiên, hành động này vấp phải sự phản đối của người dân. Cuối cùng, chính quyền thành phố buộc phải dỡ bỏ hàng rào.


Hiện nay, tượng nhà báo Victor Noir trở nên nổi tiếng khắp nước Pháp và trên thế giới. Với du khách từng tới thăm, không ai bỏ quên hành động “đặc biệt” trên.






mardi 20 décembre 2016

THỜI SỰ : Thanh Hóa 'Không học, không thi vẫn có bằng'


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Theo Dân trí ngày 20/12/2016 - Tại trường trung cấp kỹ nghệ Thanh Hóa, nhiều học sinh không cần học, thi vẫn được cấp bằng. Ngay cả hiệu phó của trường cũng được cấp bằng nghề trong khi không học, không thi.

Trường trung cấp kỹ nghệ được thành lập theo Quyết định 844/QĐ-UBND ngày 12/3/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở trường dạy nghề thủ công nghiệp, thuộc Liên minh Hợp tác xã (HTX) Thanh Hóa.

Trường có nhiệm vụ đào tạo trung cấp và sơ cấp nghề; bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật – công nghệ, nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do sự buông lỏng quản lý nên Trường trung cấp kỹ nghệ liên tục xảy ra các sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng… Mới đây, Liên minh HTX Thanh Hóa đã có kết luận nhiều sai phạm xảy ra tại trường này liên quan đến việc công tác tuyển sinh đào tạo.

Đặc biệt, có lớp có học sinh vừa là học viên dự thi vừa là giám khảo, có trường hợp Phó hiệu trưởng không học, không thi vẫn được cấp bằng nghề.

Nhiều học sinh không cần học, không cần thi vẫn có thể lấy bằng 
tại trường trung cấp kỹ nghệ Thanh Hóa

Cụ thể, lớp sửa chữa thiết bị máy may khóa 1/2015 có 9 học sinh, trong đó có 5 học sinh không đủ điều kiện để cấp chứng chỉ nhưng nhà trường vẫn cấp chứng chỉ cho cả 9 học sinh.

Lớp trung cấp điện liên thông có 3 học sinh không đủ điều kiện học trung cấp nhưng vẫn được cấp bằng trung cấp nghề, trong đó có 1 bằng của Phó hiệu trưởng nhà trường là ông Nguyễn Văn Tước.

Nhà trường đã công nhận tốt nghiệp cho 12 học sinh lớp sơ cấp Hàn khóa 6/2015, trong đó có ông Vũ Văn Hoạt vừa học sinh dự kiểm tra đồng thời là giáo viên coi kiểm tra.

Danh sách 6 học sinh đăng ký lớp trung cấp Mộc năm 2013 phiên chế thành lớp May công nghiệp khóa 16 năm 2015. Tất cả danh sách 15 học sinh lớp May 16 không dự kiểm tra, không có kết quả kiểm tra nhưng vẫn có quyết định công nhận tốt nghiệp.

Lớp trung cấp Điện khóa 9 năm 2015 có 21 học sinh trong đó có 23 học sinh không học chỉ có tên trong danh sách lớp nhưng vẫn báo cáo kết quả tuyển sinh, đào tạo năm 2015.

Mặc dù đã có ý kiến bằng văn bản của thường trực Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa yêu cầu trong thời gian được giao quyền điều hành, những vấn đề liên quan đến công tác tổ chức khi thực hiện ông Lê Thế Kiệm- Phó hiệu trưởng nhà trường phải xin ý kiến Liên minh.

Tuy nhiên ông Kiệm không báo cáo xin ý kiến Thường trực Liên minh về việc điều động, phân công hai trường hợp đó là bà Nguyễn Thị Hương (điều động làm việc tại Phòng tổ chức hành chính) và bà Lê Thị Hằng (phân công kiêm nhiệm việc tuyển sinh giới thiệu việc làm).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX Thanh Hóa cho biết: “Trách nhiệm của Liên minh là tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xem xét kỷ luật theo đúng quy định. Trên cơ sở phân tích rõ từng sai phạm, xem xét các hình thức kỷ luật nếu có”.

Trước đó, trong lĩnh vực đào tạo nghề, trường trung cấp kỹ nghệ từng vi phạm nhiều lần. Cụ thể, theo kết luận thanh tra toàn diện trường TCNKN số 1329/KL-TTTH ngày 11/12/2014 của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa thì hoạt động đào tạo nghề của trường TCNKN giai đoạn 2010 -2014 không hiệu quả; chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo hằng năm thấp, thế nhưng khi làm dự toán, quyết toán kinh phí Sự nghiệp đào tạo, nhà trường đã khai tăng số lượng chỉ tiêu tuyển sinh, cụ thể giai đoạn 2010 – 2014, thực tế số lượng học viên đào tạo chỉ có 559 học viên; nhà trường báo cáo là 2.546 học viên (tăng 1.987 học viên, vượt 355%); quyết toán là 1.667 học viên (tăng 1.018 học viên, vượt 182%).

Nguyễn Thùy






jeudi 1 décembre 2016

THAM NHŨNG : Cán bộ phường thu lại 50% tiền đền bù đất của dân Thanh Hóa


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Theo tin tổng hợp Internet ngày 01/12/2016, nhiều hộ dân phường Đông Cương (Thanh Hóa) phản ánh, sau khi họ nhận xong tiền đền bù, lập tức bị cán bộ phường Đông Cương đến tận nhà “xin” lại gần một nửa.

Bà Lũy sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ, bị cán bộ thu lại tiền đền bù đất đai không rõ lý do. 
Ảnh: Nguyễn Dương.

Nhiều hộ dân ở phường Đông Cương, TP Thanh Hóa thuộc diện nhận tiền đền bù đất đai của dự án. Tuy nhiên, họ chưa kịp đưa số tiền về nhà thì bị cán bộ phường thu lại 50%.

Nhiều hộ dân trú tại phố 7 và phố 8, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện đền bù khi Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Tuấn Minh lấy đất triển khai dự án Văn phòng thương mại.

Sau khi nhận được tiền đền bù, một số hộ dân bị cán bộ phường Đông Cương thu lại khoảng 50% nhưng không rõ lý do.

Bà Lê Thị Lũy (73 tuổi, trú tại phố 7, phường Đông Cương, TP. Thanh Hóa), 
một trong những hộ dân trong diện đền bù của dự án.

Cụ Lũy (73 tuổi) sống ở phố 7, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) cũng vừa bị cán bộ phường thu lại 11 triệu đồng trong tổng số 21 triệu đồng đền bù đất ruộng ở cánh đồng Hà Đá.

"Họ nói thu lại tiền để đóng vào ủy ban, nhưng không nói dùng vào việc gì. Sau khi thu, cán bộ bảo ký vào giấy gì đó, nhưng tôi không biết nội dung", bà Lũy kể.

Bà Lũy chia sẻ cũng tính sửa sang lại căn nhà sau khi nhận tiền đền bù đất ruộng nhưng vì số tiền bị thu lại một phần và bà tuổi đã cao, không sống được bao lâu nên thôi.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Quan Trung (63 tuổi, ở thôn 8), nhận tiền đền bù hơn 30 triệu đồng cho khoảng 1 sào đất. Thế nhưng, gia đình ông bị cán bộ của phường thu lại hơn 20 triệu đồng.

"Tôi thắc mắc tại sao thu tiền thì họ nói thu để làm giấy tờ này, giấy tờ nọ. Tôi không rõ họ thu vào mục đích gì", ông Trung bức xúc nói.

Nhiều hộ dân ở phố 7 và phố 8 phản ánh, họ cũng rơi vào hoàn cảnh như gia đình bà Lũy và ông Trung.

Trong số các hộ bị thu lại tiền, gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (giáo viên về nghỉ hưu, ở phố 8) là hộ duy nhất được cán bộ phường trả lại số tiền đền bù đất đai bị phường thu.

Bà Phượng cho hay nhận hơn 100 triệu đồng thì bị thu 65 triệu.

"Tôi thắc mắc ai cấp quyết định cho phường thu lại? Tại sao thu không biên lai, hóa đơn thì họ không trả lời được. Vì có chút hiểu biết pháp luật, tôi nhiều lần khiếu nại nên họ thỏa thuận trả lại", bà Phượng nói.

UBND phường Đông Cương, TP Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Dương.

Sáng 1/12, trao đổi với Zing.vn, ông Lê Đình Mão, Chủ tịch UBND phường Đông Cương, thừa nhận có sự việc trên.

Tuy nhiên, ông Mão lý giải đây không phải là "thu" lại tiền của dân mà phường "kêu gọi" các hộ dân đóng góp xây dựng địa phương trên tinh thần tự nguyện.

Theo Chủ tịch UBND phường Đông Cương, việc này do cấp dưới của ông triển khai. Khi triển khai, các cán bộ phường có tổ chức họp dân và khi thu có hóa đơn.

Về câu hỏi tại sao đóng góp địa phương lại thu của các hộ một số tiền lớn như vậy? Ông Mão không giải thích được.

"Hôm trả tiền đền bù cho dân, tôi đi công tác. Không hiểu cấp dưới triển khai thế nào mà họ thắc mắc, khiếu nại. Tôi sẽ chỉ đạo rà soát, trả lại tiền cho người dân", ông Mão nói.

Ông Đào Trọng Quy, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, cho biết sẽ yêu cầu lãnh đạo phường Đông Cương báo cáo sự việc.


BÌNH LUẬN

Những thông tin những ngày gần đây trên báo chí trong nước cho người ta thấy hệ thống điều hành ở  Việt Nam là một "nhóm quan lớn” tập hợp bằng nhiều “nhóm quan nhỏ” để cai trị và tham nhũng.


Thời gian qua có rất nhiều chuyện lùm xùm, tiêu cực, có cả hiện tượng "vô chính phủ" đang phát triển một cách tự phát ở Thanh Hóa cũng như các tỉnh khác ở Việt Nam. Cần phải xử lý trách nhiệm, cách chức một số cán bộ chủ chốt ở Thanh Hóa và đưa ra tòa xử nghiêm những kẻ lạm quyền ở các địa phương, các ngành vì họ đang phá vỡ trật tự kỷ cương, phép nước, làm mất lòng tin của nhân dân với chính quyền, để vực dậy sự phát triển lành mạnh, tích cực ở Thanh Hóa.

Bà Lê Thị Lũy (73 tuổi, trú tại phố 7, phường Đông Cương, TP. Thanh Hóa), một trong những hộ dân trong diện đền bù của dự án.

Báo chí cần tiếp tục vào cuộc và làm đến cùng để tìm ra sự thật, giúp dân lấy lại số tiền họ đã bị thu và xử lý nghiêm loại "quan tham" này. Đừng bỏ mặc dân, dân họ sẽ bị thua thiệt với sự ăn chặn trắng trợn này .

Như người Việt Nam vẫn thường nói :

Ăn chặn, ăn bớt riết rồi quen thành tật "gặp cái gì ăn cái đó".

Cướp đêm là lũ, cướp ngày là quan...



jeudi 24 novembre 2016

XÃ HỘI : Những tuyến đường có tên kỳ lạ ở Sài Gòn


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Bia Truyền Thống, Vào Chùa Pháp Thạnh, Bờ Bao Tân Thắng, Dân Công Hỏa Tuyến, Tự Lập, Tự Cường... là những tuyến đường có tên kỳ lạ ở TP.HCM tồn tại nhiều năm qua.

Bia Truyền Thống là tên gọi tuyến đường nhỏ nằm bên phải Nhà bia ghi danh liệt sĩ xã Tân Tạo, quận Bình Tân giao cắt với đường Tỉnh lộ 10.


1.774 đường mang tên tạm

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển cho biết toàn thành phố có 1.774 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường “có vấn đề” như tên không có ý nghĩa, tên trùng, tên khác nhau của cùng một nhân vật; nhiều tên đường còn ghi sai tên danh nhân; tên thiếu thẩm mỹ…

Vừa qua, UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó chủ tịch TP Nguyễn Thị Thu về đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM”.

Theo đó, Phó chủ tịch TP đề nghị rà soát, khảo sát các con đường, cây cầu, quảng trường, công viên, công trình công cộng xem có tên nào không có ý nghĩa, thiếu tính thẩm mỹ hoặc trùng tên. Từ đó, đề nghị Sở Văn hoá & Thể thao đề xuất giải pháp điều chỉnh theo lộ trình phù hợp, tránh gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của người dân.


Những tên đường thử thách tài suy luận ở Sài Gòn

Đường Kênh Nước Đen: Trước đây đường này từng là một dòng kênh dơ bẩn, sau đó cải tạo lại một phần trồng cây xanh hai bên và phần gia cố bờ kè được quận Bình Tân, TP.HCM đặt thành tên đường. Giao cắt với đường này là tuyến đường mang tên Ấp Chiến Lược, các tuyến đường kế bên cũng được gắn biển gồm: Tên Lửa, Mã Lò, Ao Đôi.

Đường Bờ Bao Tân Thắng và đường "ăn theo" Bờ Bao 1 là những tuyến đường mới thuộc phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú khi xây dựng khu đô thị và trung tâm thương mại tại đây.

Thuộc hẻm đường Lê Văn Khương, quận 12 nhưng một đoạn đường vào ngôi chùa bên trong mang tên Vào Chùa Pháp Thạnh. Bảng tên đường này cũng giống như các tuyến đường khác từ bảng màu xanh đến cột sơn viền trắng đỏ.

Tại quận 12 và huyện Hóc Môn lâu nay tên đường khó hiểu đã trở thành "đặc sản". Nhiều người như cảm thấy vào ma trận khi hàng trăm con đường được viết tắt tên các địa phương, xã và thêm 1 đến 3 số phía sau để phân biệt. Phường Trung Mỹ Tây có hàng chục đường viết tắt thành TMT thêm số, phường Thới An viết thành TA thêm số, phường Tân Chánh Hiệp là TCH thêm số, phường Tân Thới Nhất được gọi là TTN...

Trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh lâu nay xuất hiện những tên đường ghi danh các đơn vị bộ đội như đường Sư Đoàn 9, Bộ Đội An Điền, Dân Công Hỏa Tuyến, Kênh Trung Ương, Thanh Niên.

Các tuyến đường mang tên Liên Khu, Liên Ấp thêm các số phía sau xuất hiện nhiều trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh

Những tuyến đường liên khu này cũng kéo theo nhiều địa điểm mang tên theo.

Tại khu vực quận Tân Bình, nằm khá gần nhau, giao cắt với đường CMT8 là các tuyến đường mang tên Tự Lập, Tự Cường, Chấn Hưng...

Rất nhiều tên đường lạ lâu nay vẫn tồn tại khắp nơi trên địa bàn thành phố như đường Sinco (quận Bình Tân), Cống Lở (quận Tân Bình), Quán Tre (quận 12), Bông Sao (quận 8)...

Nhiều tuyến đường mới được đặt tên khác thường gây khó nhớ cho người từ nơi khác đến như đường Tuyến 5/2004 XTT ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

Những tuyến đường có tên được đánh giá là "dễ thở" hơn đặt tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố thường dùng chữ cái viết tắt CN cộng thêm số để phân biệt. Bên cạnh đó, TP.HCM đang có vô số tuyến đường mang chữ cái và số trùng nhau trên nhiều địa bàn khiến việc tìm kiếm rất khó khăn. Nhiều tên đường không hiển thị trên bản đồ.





jeudi 17 novembre 2016

DU LỊCH : Chợ Campuchia ở Sài Gòn (Lê Hồng Phong Q10)


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Tìm mua một vài trang sức độc đáo, thưởng thức món num bò chóc thơm ngon hay lê la những quán chè đặc trưng của xứ chùa tháp là những trải nghiệm trong khu chợ Campuchia ở Sài Gòn.

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM, chợ Campuchia, hay còn gọi là chợ Miên, chợ Cam gồm hàng chục gian hàng lớn nhỏ chuyên kinh doanh sỉ và lẻ các loại đặc sản được mang đến từ xứ Angkor.

Chợ Lê Hồng Phong nằm tại con hẻm 374/51, quận 10, trên con đường cùng tên, được người Sài Gòn gọi thân mật là chợ Campuchia hay chợ Nam Vang, bởi nơi đây đa phần là người Việt gốc Campuchia. Hơn nữa, tất cả sản phẩm bày bán đều được nhập khẩu từ Campuchia, từ quần áo, giày dép, trang sức, đến các món ăn dân dã, đặc sản, nhằm phục vụ người bản xứ và một phần người Việt yêu thích những nét văn hóa, ẩm thực Campuchia.

Đến đây du khách sẽ bắt gặp tất cả nhịp sống sôi động của khu chợ. Sáng sớm mọi người chen chúc bên quán bún num bò chóc nổi tiếng, xế trưa tất bật bên những hàng cá khô, đến chiều lại thưởng thức những món chè đặc trưng Campuchia. Dạo quanh khu chợ Campuchia chẳng khác gì như bạn đang đi du lịch của xứ sở chùa tháp giữa lòng Sài Gòn bởi mọi thứ ở Campuchia bạn có thể dễ dàng tìm được tại đây.

Những sạp khô bày bán được xếp trông rất đẹp mắt và dễ dàng cho du khách lựa chọn. Ảnh: blogspot


Thưởng thức bún Nam Vang

Ghé đến đây du khách đừng quên thưởng thức món bún cá num bò chóc nổi tiếng của xứ Nam Vang. Quán bún của Tư Xê có mặt tại đây từ trước 1975, quán lúc nào cũng đông đúc khách.

Quán Tư Xê có tiếng từ nhiều năm, tại đây bán đầy đủ tất cả các mặt hàng. Nhưng nhiều người biết đến quán Tư Xê bởi đây là nơi duy nhất bán món bún Num-Bo-Chóc một trong những đặc sản của người dân Campuchia. Mỗi tô bún có giá 30.000-40.000 đồng. Toàn bộ nguyên liệu chế biến được lấy từ Campuchia sang.

Thực khách đến thưởng thức phải chờ hơi lâu, đôi khi đến lượt lại hết bún vì quán chỉ lấy đúng số lượng bán từ 7h-10h sáng. Tô bún sóng sánh với màu vàng tươi của nghệ, cọng xanh của đậu đũa, màu tím của bông súng non, thêm những miếng rau vàng xanh của bông điên điển và màu trắng của thịt cá lóc trắng phau, sẽ làm cho thực khách nuốt nước miếng thèm thuồng.

Món bún Num-Bo-Chóc

Tất cả những nguyên liệu để làm món num bò chóc này đều được nhập khẩu từ Campuchia và cả chủ quán cũng là người Campuchia nên hương vị không thể lẫn vào đâu được.


Mua cá khô Biển Hồ

Cá khô ở đây được bày bán rất nhiều, các gian hàng treo lủng lẳng đủ loại, nào là khô cá sặc, khô cá lóc, khô cá trèn, khô cá sấy và đặc biệt là khô cá tra phồng được bắt từ Biển Hồ rộng lớn của Campuchia. Những con cá tra dài gần nửa mét được treo lủng lẳng trên những sạp hàng, con nào con nấy vàng ươm rất bắt mắt. Nếu tiện tay ghé mua làm quà hay mua thưởng thức cho riêng mình chủ sạp sẽ tận tình chỉ cho bạn vài cách chế biến sao cho ngon.

Chợ cũng bán cả lá sầu đâu dành để trộn khô. Gỏi khô trèn sầu đâu cũng là món ăn đặc sản của người Campuchia.



Đặc biệt là món khô cá sấy trộn gỏi sầu đâu, cách chế biến đơn giản nhưng lại có vị ngon đặc trưng. Khô nướng chín xé nhỏ, thêm ba rọi, tôm khô, dưa leo và lá sầu đâu trộn đều tay rồi nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Chấm miếng gỏi sầu đâu với mắm me thực khách sẽ cảm nhận nhiều dư vị khó tả.


Độc đáo các loại chè Campuchia

Quầy buôn bán các ẩm thực đặc trưng Campuchia ở chợ này cũng rất đa dạng, với các loại bún Num bo chóc (bún cá Nam Vang), bánh lọt xào, bí hầm trứng, các loại chè… Thu hút được khá đông người mua, bởi hương vị độc đáo mang đậm nét đặc trưng ẩm thực của xứ sở chùa tháp.

Chè bí chưng trứng gà

Trái bí ngô móc ruột và đổ hỗn hợp gồm: nước dừa, đường, sữa, trứng sau đó chưng cách thủy khoảng một giờ đồng hồ để khi nhân bên trong tỏa hương thơm ngào ngạt và trái bí chín là vừa.

Chè Bà-bơ-chon-chang (hay còn gọi là chè bí) được làm bằng bí hấp và sữa đặc, có giá 10.000 đồng/miếng là món ăn được rất nhiều người lựa chọn bởi giá cả không quá đắt và mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe khỏe

Một chén chè bí được cắt khéo leo sao cho vừa có bí vừa có nhân trong, đổ thêm một miếng nước cốt dừa và một ít đá bào nhỏ là ta được một chén chè bí thơm nồng.

Một món đặc sản khác cũng được chế biến từ bí đỏ làm món chè bí sợi. Đây là một món ăn được chế biến rất kỳ công, bí đỏ được bào ra từng sợi hoặc cắt lát sau đó tẩm đường và một số gia vị vào. Món này thường được dùng để ăn chung với chè thập cẩm.

Chè thốt nốt

Được chế biến rất khác so với chè thốt nốt của người Việt ở miền Tây. Chè được ăn kèm với nước cốt dừa và sầu riêng, khi ăn trộn đều để hương vị hòa quyện với nhau.

Chè hạt me

Lựa những hạt me già, hạt cứng có màu nâu đen, khi nấu hạt dẻo và bùi. Trước khi nấu hạt me phải được rang lên, đập vỏ, phơi nắng rồi ngâm nước, hạt me mới trở nên thơm mềm không khác gì hạt đậu.

Chè xôi xiêm

Đây là món ăn mà bạn không nên bỏ qua khi đến đây. Xôi xiêm có vị dẻo mềm của nếp, vị béo thơm của nước cốt dừa, thoang thoảng nhẹ mùi lá dứa và không thể thiếu sầu riêng. Xôi được đơm ra đĩa trét lên một lớp sốt mỏng màu vàng của sầu riêng, thêm chút nước cốt dừa sền sệt, tất cả hương vị hòa quyện với nhau càng làm cho món ăn trở nên thêm ngon.

Chè thập cẩm

Nếu bạn muốn ăn một lần được tất cả các loại chè thì nên kêu chè thập cẩm, chủ quán sẽ cho bạn một chén chè với đầy đủ hương vị gồm bí chưng ngọt thanh, bùi bùi, vị béo tan của sữa hòa chung với trứng gà, vị thơm nồng của sầu riêng, cùng với những hạt me dai, giòn giòn.

Một chén chè thập cẩm đa sắc màu và mùi vị sẽ cho bạn cảm giác ngây ngất khó quên. 
Ảnh: Hivietnam

Một chén chè thập cẩm với đủ mùi vị và đa sắc màu hòa trộn sẽ làm cho bạn ngây ngất đến khó quên khi đã một lần thưởng thức qua.


Ảnh chợ Campuchia ......

Nhiều nhất là các loại khô mà đặc sản nổi bật nhất là món khô cá trèn. Đây là loại khô độc nhất có hương vị đặc trưng của chợ Cam.

Khô cá lóc Biển Hồ cũng thu hút nhiều bà nội trợ bởi thịt khô mềm sau khi chế biến lại có hương vị thơm ngon rất phù hợp để chế biến mồi nhậu.

Chợ cũng bày bán nhiều khô cá sặc. Đặc điểm của khô cá sặc Campuchia là vị mặn vừa phải, con cá khô vừa tươi vừa khô ráo. Đây là loại nguyên liệu phù hợp cho món gỏi xoài.

Khô cá lóc đồng được xẻ như hình bàn tay ướp với tỏi ớt, tiêu và muối. Loại khô này có thể chiên ăn với cơm trắng.

Khô nhái Campuchia cũng được xem như loại đặc sản quý giá của chợ.

Mắm ba khía, dưa mắm, mắm cá lóc trộn đu đủ cũng được bày bán quanh năm.

Được bán nhiều nhất là khô tra lăn phồng Biển Hồ. Không giống cá tra Việt Nam, loại cá này có phần mỡ vàng và thơm. Khi chiên, miếng khô sẽ phồng to. Khô ăn ngon với cơm trắng, canh rau.

Khô trâu gác bếp là một trong những món độc đáo nhất của chợ Miên. Trâu được cắt miếng dài khoảng 50 cm, tẩm ướp gia vị đặc biệt và xông khói nên có mùi vị thơm ngon khi nướng.

Cá chốt đồng phơi khô là món ngon miệng được nhiều người Việt chọn mua ở chợ Campuachia. Đây cũng là món ăn phổ biến tại đất nước láng giềng.

Lạp xưởng bò treo thành những dây dài hơn 2 mét. Lạp xưởng làm từ thịt và mỡ bò có mùi thơm khi chiên. Không như lạp xưởng của người Hoa, lạp xưởng bò của người Campuchia được ướp bằng loại gia vị đặc biệt nên có vị nồng chua lạ miệng.

Khô rắn bông súng còn để nguyên xương trông lạ mắt. Đặc sản này dùng để chiên giòn hoặc nướng trên bếp than.

Ngoài khô mắm, đường thốt nốt cũng được nhiều tiểu thương bày bán. Thành lập từ hơn 20 năm nay, chợ Campuchia Lê Hồng Phong là chợ duy nhất tập trung tất cả các mặt hàng thực phẩm của Campuchia. Tiểu thương của chợ hầu hết là người Việt từng sang sinh sống tại Campuchia hoặc người Việt gốc Khơ Me.

Xúc xích Camphuchia được làm bằng thịt heo, với hương vị cay nồng rất thích hợp ăn kèm với cơm hay bánh mì. Giá bán mỗi dây khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng

Mì tôm ở đất nước Campuchia nay cũng được bày bán ở giữa lòng Sài Gòn

Không chỉ phục vụ cho người dân Campuchia ở Sài Gòn, ngôi chợ này còn thu hút khá đông người Việt đến để tham quan, mua bán và thưởng thức những món ăn với hương vị ẩm thực khá riêng biệt tại đây, hầu hết những người mua đều rất hài lòng với giá cả và các món ăn của chợ Campuchia.


Video Youtube Chợ Campuchia ở Sài Gòn


Ngoài bún num bò chóc và các loại chè đặc trưng, nơi đây còn nổi tiếng bởi các món bánh khọt đổ bằng khuôn đất sét, bánh lọt nấu bằng nước dừa, lá dứa đường phèn, cháo đậu ăn với cá linh cùng rau muống luộc. Trải nghiệm ở đây trong khoảng một ngày trời bạn sẽ khám phá được nhiều điều mới mẻ.