lundi 23 novembre 2015

THẾ GIỚI : IS giết người không ghê tay nhờ ‘ma dược’ gây ảo giác


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Đêm 13/11/2015, một toán khủng bố đã đột nhập vào nhà hát Bataclan ở Paris và đã xả súng bắn giết không thương tiếc hàng chục người vô tội. Một số nhân chứng đã thoát chết sau vụ thảm sát đã vô tình thấy mặt những kẻ sát nhân đều ghi nhận dáng vẻ lạnh lùng, vô cảm của những kẻ bắn giết.

Các viên ma túy captagon do các lực lượng an ninh tịch thu được vào tháng 06/2010.
AFP PHOTO/JOSEPH EID

Báo chí Pháp trong những ngày qua đã nêu bật hiện tượng là những người này có lẽ đã hành động dưới tác động của ma túy hay thuốc kích thích. Một số nguồn tin còn cho rằng chất ma túy đó rất có thể là loại Captagon.

Theo Anne Bernas của RFI, Captagon là một loại thuốc kích thích rất phổ biến tại vùng Cận Đông, và là công cụ được tổ chức Nhà nước Hồi giáo sử dụng cho binh lính của họ, đặc biệt là những ứng viên tiến hành các vụ khủng bố tự sát.

Báo Le Figaro trong số ra ngày 15/11/2015 vừa qua đã phỏng vấn được một nhân chứng cho biết đã nhìn thấy những kẻ khủng bố trước khi những kẻ này ra tay tấn công vào nhà hát Bataclan. Những người này ngồi trên chiếc xe Polo màu đen, với dáng vẻ được mô tả như là những xác chết biết đi, như thể là họ được chích ma túy.

Nhân chứng được Le Figaro đặt tên là Christophe này đã kể lại: “Họ (tức là những kẻ khủng bố) đã đậu xe ngay trước mặt tôi vào lúc mà chỗ đậu xe không còn nhiều. Lúc đó tôi đã thấy là hành vi của họ rất quái lạ. Tài xe lái xe đã có vẻ rất vụng về, tựa như là anh ta chưa rành lái xe”.


Những xác không hồn Vô cảm

Vào lúc đó, nhân chứng của báo Le Figaro đang ở nhà hàng Cellar, số 9 đường Crussol, quận 11 Paris gần nhà hát Bataclan. Anh kể tiếp: “Tôi đã ra gặp họ để bảo rằng họ đã đậu xe không đúng luật. Thế nhưng họ không thèm hạ kiếng xe, và đã nhìn tôi một cách dữ dằn. Nhìn họ giống như những thây ma biết đi, chẳng khác gì những người say ma túy”.

Nhận xét kể trên về tính chất vô cảm, nhẫn tâm, giết người không chớp mắt của những tên khủng bố cũng được nhiều người thoát chết trong vụ tấn công xác nhận, khiến cho nhiều quan sát viên cho rằng các thủ phạm đã dùng chất kích thích trước lúc hành sự, và rất có thể đó là chất Captagon, một loại thuốc kích thích gây hưng phấn, làm con người mất hẳn nhân tính. Đây là loại ma túy ngày càng được sử dụng trong hàng ngũ thánh chiến hay nơi những người muốn thực hiện khủng bố tự sát.

Theo tuần báo Pháp Le Point, tác giả vụ khủng bố ở Sousse, Tunisia, tháng Sáu vừa qua, đã sử dụng Captagon, và những ống chích có chất ma túy này đã được tìm thấy tại những nơi cư trú của Salah Abdeslam, kẻ bị cho là đã đứng sau vụ khủng bố ở Paris đêm 13/11, và những đồng lỏa của nhân vật này.

Captagon được tạo nên từ chất fénéthylline, một loại amphétmine được ghi trên danh sách các chất kích thích thần kinh Tổ chức Y tế Thế giới OMS từ 30 năm nay. Loại ma túy này có tác dụng làm cho người uống nó hay chích nó có cảm giác là họ có sức mạnh phi thường, cảm nhận là mình bất bại.


Hoàn toàn mất nhân tính

Giáo sư Jean-Pol Tassin, viện INSERM của Pháp và chuyên gia về hiện tượng nghiện, từng giải thích : « Cũng như các loại amphétamine khác, chất ma túy này dẫn đến việc không biết mệt mỏi, cảnh giác cao hơn và làm mất đi sự đánh giá – jugement-. Nó tạo cảm giác cho người sử dụng là mình đầy uy lực, là ‘vua thế giới’ ».

Nhưng một khi tác động của thuốc kích thích giảm đi, thì người sử dụng bị chuyển qua một loại bệnh tâm lý, với các chức năng tinh thần bi suy thoái, với trạng thái hưng phấn được tiếp nối bằng tình trạng trầm cảm. Về cơ thể thì người dùng chất này không còn cảm thấy đau đớn, sợ sệt...


Cho nên nếu một kẻ khủng bố bị câu lưu trong tình trạng này, tức là tình trạng bị chất ma túy khống chế, thì kẻ khủng bố đó không cảm nhận bất cứ gì, không bị sức ép của bất cứ gì, về cơ thể hay tâm lý.

Những người thoát nạn trong vụ thảm sát ở nhà hát Bataclan đêm 13/11 kể lại là các kẻ khủng bố có vẻ hoàn toàn không còn tri giác, mất đi tính người và có dáng dấp của những người bị say ma túy nặng nề, những dấu hiệu rất giống trạng thái do chất Captagon gây ra.

Mọi người đều nhớ lại hình ảnh chụp được trong vụ khủng bố ở Sousse (Tunisia) cho thấy thủ phạm Seifeddine Rezgui, cầm vũ khí trên tay đi trên bãi biển mặt tươi cười. Dưới hệ quả của chất ma túy, giết người đối với họ là một hành động hoàn toàn không nghĩa lý gì hết.

Captagon hiện nay được bán ở Syria cho chiến binh của phe đối lập, Quân đội Syria Tự do, cho Mặt trận al-Nostra thân al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Giới buôn ma túy trong vùng giàu to nhờ loại thuốc này, tình hình hỗn loạn ở Syria càng tạo điều kiện thuận lợi. Một người đã mỉa mai : « Hiện nay có ai quan tâm đến chuyện này nữa đâu », trong lúc mà sử dụng ma túy là điều cấm kỵ trong luật Hồi giáo.


Một loại ma túy « thịnh hành » trong thế giới Ả Rập

Captagon đang trở thành « thần dược » của kẻ khủng bố, nhưng chất ma túy này phải nói là thường được sử dụng từ lâu trong thế giới Ả Rập. Cách đây 15 năm, những viên thuốc bé nhỏ màu trắng sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria được chủ yếu bán qua các nước vùng Vịnh.

Captagon giống như mọi chất kích thích, loại thuốc này chống lại mệt mỏi,
cải thiện tập trung và làm mất cảm giác tội lỗi

Theo một báo cáo của Cơ quan Liên Hiệp Quốc chống ma túy và tội ác UNODC, thì một viên Captagon chỉ có giá vài cent ở Liban, nhưng khi bán lại cho các nước vùng Vịnh thì giá mỗi viên lên đến vài chục đô la. Ngày 2/11 vừa qua, ngành tư pháp Liban đã kết tội một 10 người về tội buôn ma túy và trong đó có một ông hoàng Ả Rập Xê Út. Những người này đã tìm cách đưa gần 2 tấn Captagon viên ra khỏi Liban, trên một chiếc máy bay riêng. Đây là vụ tịch thu ma túy lớn nhất chưa từng xẩy ra ở phi trường Beyrouth.

Captagon còn là nguồn tiền lớn cho các nhóm vũ trang tại Syria với doanh thu hàng triệu USD

Tháng Tư năm ngoái, 2014, 15 triệu viên Captagon đã bị tịch thu ở hải cảng của thủ đô Liban, ma túy được giấu trong những container bắp ngô. Ngành chống buôn lậu ma túy Ả Rập Xê Út ngày 15/11 vừa qua, cho biết đã tịch thu 22,4 triệu viên amphétamine trong một năm.

Nhưng không phải chỉ có giới khủng bố hiện nay sử dụng amphétamine, theo một số tài liệu, chiến sĩ cảm tử Thần phong Nhật Bản và lính Đức Quốc xã cũng đã sử dụng chất này và do quân đội cung cấp.



jeudi 19 novembre 2015

THỜI SỰ : Tấn công khủng bố tháng 11 năm 2015 tại Paris


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Một loạt các vụ nổ súng và các vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra tại các quận 10 và 11 của thủ đô Paris, Pháp, tại sân vận động Stade de France ở Saint-Denis, phía bắc thủ đô, và các nơi khác trong vùng Île-de-France bắt đầu từ lúc 21:16 thứ sáu ngày 13 tháng 11 năm 2015 cho đến 00:58 ngày 14 tháng 11 năm 2015. Có ít nhất 3 vụ nổ riêng biệt và 6 vụ nổ súng đã được báo cáo xung quanh thủ đô, trong đó có một vụ đánh bom gần Stade de France ở vùng ngoại ô Saint-Denis phía bắc. Cuộc tấn công đẫm máu xảy ra tại nhà hát Bataclan nơi bọn tấn công đã bắt con tin trước khi bị cảnh sát tràn vào khống chế vào lúc 00:58.



Ít nhất 129 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng súng và bom, riêng tại phòng hòa nhạc Bataclan ở trung tâm Paris là 89 người. Có 352 người bị thương trong các vụ tấn công trong đó có 99 người đang trong tình trạng nguy cấp. Một báo cáo cho rằng đã có khoảng 8 tên khủng bố, 7 người đã chết. Các nhà chức trách đang tiếp tục tìm kiếm người còn lại và những kẻ đồng lõa.

Tổng thống Pháp François Hollande

Sau cuộc tấn công Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới toàn bộ nước Pháp trên đài truyền hình vào lúc 23:58. Đây là lần đầu tiên Pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp kể từ năm 1961 và chiến tranh Algeria. Lệnh giới nghiêm cũng lần đầu tiên được đưa ra kể từ năm 1944.


Diễn biến các cuộc tấn công



Sân vận động Stade de France

Sân vận động Stade de France Quận Saint-Denis, vào lúc bom nổ có tới 80.000 khán giả đang xem trận đá bóng giao hữu giữ đội tuyển quốc gia Pháp và đội tuyển quốc gia Đức. Tổng thống Pháp François Hollande và ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng có mặt trong số khán giả. Trận đấu được chiếu trực tiếp ở 66 nước .

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier

Một trong số 3 kẻ khủng bố có vé vào cửa và tính vào sân bóng ở cổng D ở Avenue Jules Rimet 15 phút sau khi trận đấu bắt đầu. Nhân viên an ninh kiểm soát hắn, thấy được giây nịt bom, sau đó vài giây hắn đã lùi ra và cho bom nổ vào lúc 21:20 giờ, giết chết một người ở gần đó. Sau đó cảnh sát đã tìm thấy hắn có mang theo một thẻ hộ chiếu Syria. Kẻ khủng bố thứ 2 định xâm nhập sân bóng ở cổng H nhưng không được, và đã kích nổ bom vào lúc 21:30 giờ. Còn kẻ khủng bố thứ 3 đã cho bom giây nịt nổ cách xa sân bóng ở Rue des Trémies gần quán McDonald’s - vào lúc 21:52 giờ. Không ai bị thương cả.

Sân vận động Stade de France

Cả 3 vụ nổ có thể nghe và cảm nhận được trong sân bóng và trong truyền hình (phút đấu 17 và 20). Đa số khán giả theo lời họ sau này cho đó chỉ là pháo đốt. Trong khi Hollande đã bỏ về khi hiệp đầu chấm dứt, Steinmeier ở lại xem hiệp hai. Trận đấu được cho tiếp tục để khán giả khỏi bị hoảng sợ.

Sau khi trận đấu chấm dứt, khán giả được hướng dẫn ra về. Vì không phải cổng nào cũng mở, nhiều khán giả đã tràn xuống sân. Cả hai đội tuyển quốc gia vì lý do an ninh cũng ở lại trong sân. Đội Đức thì ngủ trên đệm ngay tại sân bóng cùng với đội Pháp với tinh thần đồng đội và vào buổi sáng họ được đưa thẳng ra sân bay.

Trước trận đấu vài giờ đội tuyển quốc gia Đức đã phải rời khỏi khách sạn vì khách sạn đối diện Hotel Molitor Paris ở quận 16 bị đe dọa đặt bom.


Nổ súng vào các quán ăn uống

Le Carillon và Le Petit Cambodge
Cả 2 địa điểm này nằm ở góc phố Bichat và phố Alibert, gần Kênh đào Saint-Martin thuộc quận 10, Paris. Những kẻ khủng bố vào lúc 21 giờ 25' tới bằng xe Seat Leon, đã bắn vào những người ngồi bên ngoài quán bar-cà phê Le Carillon vào khoảng 21:20.

Quán bar-cà phê Le Carillon

Sau đó chúng lao qua phố Bichat tấn công nhà hàng đồ ăn Campuchia có tên Le Petit Cambodge làm hàng loạt người tử vong, tổng cộng 15 người chết, 10 người bị thương . Theo một nhân chứng, một trong các tay súng đã hét lên "Allahu Akbar".

Nhà hàng đồ ăn Campuchia có tên Le Petit Cambodge

Theo các báo cáo những kẻ khủng bố đã "chạy trốn trên 1 hoặc 2 chiếc xe" sau khi xảy ra vụ tấn công. Một trong những chiếc xe bỏ chạy được ghi nhận có giấy phép của Bỉ. Các bác sĩ từ bệnh viện Saint-Louis gần Le Carillon đã tới hỗ trợ khẩn cấp người bị thương.

La Casa Nostra và Café Bonne Bière
Những kẻ khủng bố cũng với chiếc xe Seat Leon ngừng tại một ngã tư. khoảng 21:35 và bắn vào quán ăn Ý La Casa Nostra ở Rue de la Fontaine au Roi 2 và quán nước Café Bonne Bière ở Rue du Faubourg-du-Temple làm 5 người đã chết, 8 người bị thương nặng.

Quán ăn Ý La Casa Nostra

Quán nước Café Bonne Bière

Phố Charonne
Vào lúc 21:38, các kẻ khủng bố lại dùng AK-47 bắn từ một chiếc xe Seat Leon bắn vào quán nước La Belle Équipe ở 92 Rue de Charonne làm thiệt mạng 19 người. 9 người khác bị thương nặng .

Quán nước La Belle Équipe

Đại lộ Voltaire
Khoảng 21:43 một tên khủng bố đã tự dựt bom tự tử tại quán Café Comptoir Voltaire ở 253 Boulevard Voltaire. Một người khác bị thương nặng. Chỗ này chỉ cách nhà hát Bataclan 900 mét.

Quán café Comptoir Voltaire


Xả súng và bắt giữ con tin tại nhà hát Bataclan

Nhà hát Bataclan là nơi có nhiều người thiệt mạng nhất. Vào khoảng lúc 21g40 ngày 13-11 (tức 3g30 sáng 14-11 giờ Việt Nam), 4 kẻ tấn công có trang bị súng AK-47 ra khỏi chiếc xe VW Polo, đột nhập vào khán phòng và bắt đầu xả súng trong khoảng 10 phút vào đám đông.

Nhà hát Bataclan

Lúc đó ban nhạc rock người Mỹ Eagles of Death Metal đang trình diễn trước khoảng 1.500 khán giả. Nửa tiếng sau đó, những kẻ tấn công bắt đầu bắt giữ con tin và trấn áp họ suốt hai tiếng đồng hồ cho tới lúc được cảnh sát giải cứu. Một số người đã bị chúng giết trong lúc bắt giữ làm con tin.

Ban nhạc rock người Mỹ Eagles of Death Metal

Tổng cộng những tên khủng bố đã giết ít nhất 89 người ở đây. Cảnh sát khi tràn vào đã bắn chết một tên khủng bố, 3 kẻ còn lại đã dựt bom đeo nịt tự tử.


Điều tra nhóm khủng bố

Ngày 14 tháng 11 năm 2015, tổng thống Pháp François Hollande cho biết, hung thủ là những người ủng hộ tổ chức IS; những việc làm đã hoạch định ở ngoài nước Pháp và tổ chức với sự giúp đỡ của đồng bọn ở trong nước Pháp.

Tổng công tố viên Molins

Vào ngày 15 tháng 11, tổng công tố viên Molins loan báo 7 kẻ khủng bố đã chết. Trong số 7 người này, 6 kẻ đã dựt bom đeo quanh bụng cùng loại, một kẻ đã chết vì đạn của lực lượng an ninh, trước khi anh ta làm được chuyện đó. Nhóm khủng bố chia ra làm 3 đội, tấn công ba nơi – sân vận động, nhà hát và các quán ăn. Những kẻ khủng bố sân vận động đã không được cho vào vì kiểm soát an ninh đã khám phá ra những bất thường trong quần áo của họ. Hiện tại nhà cầm quyền đang điều tra nhóm bắn vào nhà hàng.

Tất cả những tên khủng bố cho tới giờ được nhận diện là người Pháp từ 20 tới 31 tuổi gốc Ả Rập, sinh ra và lớn lên ở ngoại ô ParisBruxelles (Bỉ). Họ hoặc làm những việc lặt vặt để sinh sống hoặc đang thất nghiệp. Ít nhất một người đã có phạm tội nhẹ. Nhiều người không còn liên lạc với gia đình. Theo các tin tức hiện thời, thì họ chưa bị án tù giam, như vậy họ không thể trở nên quá khích trong khi ở tù. Có lẽ họ trở thành cực đoan khi đã ra nước ngoài: ít nhất 3 người trong nhóm từ cuối năm 2013 đã tới Syria, và ở đó nhiều tháng. Như vậy "thế hệ Syria" có lẽ đã tới châu Âu rồi. Hiện thời người ta đã nhận diện được 5 trong số 7 kẻ khủng bố.

Kẻ chủ mưu Abdelhamid Abaaoud

Theo CNN Abdelhamid Abaaoud, 27 tuổi người Bỉ, cha là người Maroc, có thể là kẻ chủ mưu của toàn bộ vụ tấn công liên hoàn ở Paris đêm 13/11. Y được cho là thân tín của lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi. Tên này là đầu mối kết nối giữa các chỉ huy IS và đối tác ở châu Âu. Báo Le Monde cho biết, Abaaoud cầm đầu đường dây chiêu mộ công dân châu Âu đầu quân cho IS.

Nghi phạm Abdelhamid Abaaoud được cho là chủ mưu
và kẻ điều phối vụ khủng bố ở Paris. Ảnh: Sky News


Nhà chức trách Pháp cho biết, Abdelhamid Abaaoud kẻ bị cáo buộc chủ mưu vụ khủng bố đẫm máu tại Paris, Pháp, đã bị tiêu diệt trong chiến dịch đột kích kéo dài nhiều giờ sáng 18/11 ở Saint-Denis ngoại ô Paris.


3 tên khủng bố đánh bom ở sân vận động Stade de France

Bilal Hadfi, khoảng 19 đến 20 tuổi, mang quốc tịch Bỉ. Tên này được giao nhiệm vụ đánh bom tự sát tại sân vận động Stade de France. Y từng chiến đấu ở Syria trong hàng ngũ IS. Hadfi chết sau khi kích nổ quả bom mà hắn mang theo.


Theo chuyên gia chống khủng bố Guy van Vlierden, Bilal Hadfi từng đi theo Abu Moudjahid Al-Belgiki và Bilal Al Mouhajir, đều là những chỉ huy cấp cao của IS. Trước đây, Hadfi từng đăng một video kêu gọi tấn công khủng bố vào phương Tây trên Facebook.


Ahmad al-Mohammad là chiến binh đội lốt người tị nạn từ Syria được giao nhiệm vụ đánh bom liều chết tại sân vận động Stade de France. Theo nguồn tin Bộ Nội vụ Pháp, Mohammad vừa đến đảo Leros của Hy Lạp vào ngày 3/10 cùng nhiều người tị nạn khác. Anh ta được cấp hộ chiếu khẩn cấp mang tên Ahmad al Mohammad, sinh ngày 10/9/1990. Mohammad đã di chuyển từ Hy Lạp đến Macedonia, rồi đến Serbia và Croatia. Sau đó, tên này đến Paris và tham gia âm mưu khủng bố.

Mohammad Al-Mahmod

Cảnh sát mới tìm được ra danh tính của chiến binh liều chết còn lại trong âm mưu đánh bom ở sân vận động tên là Mohammad Al-Mahmod . Một nguồn tin cho biết hắn đến Paris bằng hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ giả.

3 tên khủng bố xả súng ở nhà hát Bataclan

Ismaël Omar Mostefaï 

Một trong những thủ phạm, có một người gốc Algeria có quốc tịch Pháp, Ismaël Omar Mostefaï (sinh năm 1985 ở Courcouronnes) sau vụ khủng bố ở nhà hát Bataclan đã được nhận diện qua phân tích DNA những ngón tay anh ta mà bị cắt đứt. Mostefaï, có 3 anh trai và 2 chị em gái, đã có con, từ năm 2010 đã bị mật thám ghi nhận vì có khuynh hướng quá khích. Lực lượng đặc biệt của cảnh sát đang giam giữ người cha và một người anh của Mostefaï.

Samy Amimour

Văn phòng Công tố Paris xác nhận, Samy Amimour, 28 tuổi đã thực hiện vụ đánh bom tự sát tại nhà hát Bataclan. Cơ quan chống khủng bố Pháp đã theo dõi Amimour từ năm 2012 khi y bị buộc tội cấu kết với các tổ chức khủng bố. Năm 2012, Amimour trốn đến Yemen, cảnh sát Pháp đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế vào năm 2013 đối với Amimour. Ba thân nhân của y đang bị tạm giữ sau vụ tấn công.

Fouad Mohamed-Aggad (hình đang cập nhật)

Một kẻ đánh bom tự sát thứ ba mà danh tính không được tiết lộ, cũng là một trong số những kẻ tấn công Bataclan.

Cập nhật mới ngày 09/12/2015
Hôm nay 9-12, cảnh sát Pháp công bố kẻ đánh bom thứ ba tại nhà hát Bataclan, thủ đô Paris tối 13/11 là một công dân Pháp. Kẻ đánh bom này là Foued Mohamed Aggad, 23 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố Strasbourg thuộc miền bắc nước Pháp. Sau khi rời khỏi Pháp vào cuối năm 2013 thì điểm đến của hắn là Syria.


Vụ tấn công các nhà hàng

Ibrahim Abdeslam

Ibrahim Abdeslam, 31 tuổi, anh của Salah Abdeslam đã dựt bom tự sát tại quán Comptoir Voltaire. Ibrahim cũng đã mướn một chiếc xe Seat Leon, được sử dụng trong vụ tấn công và sau đó được tìm ra ở gần Paris. Các hung thủ đã dùng xe này để di chuyển trong quận 10, và dùng AK-47 bắn vào các khách ở quán Bar Le Carillon và Le Petit Cambodge. Ibrahim sống ở Molenbeek, Bruxelles.

Salah Abdeslam

Hiện tại người ta đang lùng bắt kẻ khủng bố thứ 8 trong nhóm này, đó là Salah Abdeslam, 26 tuổi quốc tịch Pháp, anh em một tên khủng bố đã chết ở nhà hát Bataclan. Theo báo Le Monde, Salah vào sáng thứ bảy trước cuộc tấn công đã bị cảnh sát biên phòng kiểm soát, nhưng đã cho đi. Trong xe có 2 người khác nữa. Chưa biết rõ là Salah Abdeslam có tham dự cuộc tấn công, nhưng anh ta là người đã mướn chiếc xe VW Golf và chở các hung thủ tới nhà hát Bataclan. Nhờ chiếc xe này mà cảnh sát mới tìm ra manh mối.


Vì sao Pháp là mục tiêu tấn công khủng bố ?

Theo RFI trong năm nay, tính tới ngày 13/11/2015, nước Pháp đã bốn lần là mục tiêu tấn công khủng bố. Sau vụ thảm sát tại tòa soạn của tờ báo trào phúng Charlie Hebdo và vụ tấn công nhắm vào một siêu thị của người Do Thái ở Vincennes hồi tháng Giêng, đến tháng 06/2015 tại vùng Isère, miền trung nước Pháp, một doanh nhân bị chặt đầu, hai người bị thương. Vào mùa hè vừa qua, suýt nữa đã xảy ra tai họa trên chuyến xe lửa cao tốc Thalys từ Amsterdam đến Paris. Thứ Sáu vừa qua, máu lại đổ ngay giữa lòng thủ đô Paris. Mỗi đợt tấn công đó đều có bàn tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo-Daech.

Tour Eiffel

Có nhiều yếu tố giải thích vì sao Pháp liên tục phải đối mặt với các vụ tấn công nói trên. Thứ nhất, Pháp đã bước lên tuyến đầu chống quân thánh chiến tự nhận là « Nhà nước Hồi giáo ». Tổ chức này đã chiếm giữ Raqqa, miền bắc Syria và Mossoul, thành phố lớn thứ nhì của Irak, mở rộng địa bàn hoạt động tại hai nước này.

Từ tháng 09/2014, dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ, Pháp đã cùng với Anh, Úc, Canada, Jordani, Maroc và nhiều quốc gia trong vùng Vịnh tham gia liên minh quốc tế tấn công vào Daech. Cho đến cuối tháng 8/2015, Paris không còn giới hạn các phi vụ oanh kích nhắm vào tổ chức này tại Irak, mà đã mở rộng chiến dịch quân sự sang Syria.

Về phần Daech, từ hơn một năm nay đã đề rõ mục tiêu : sát hại bằng mọi phương tiện công dân của những quốc gia nào chống lại tổ chức Hồi giáo cực đoan này. Pháp không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới tham gia hủy diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo, và cũng không năng động như Mỹ hay một số quốc gia khác trong khu vực vùng Vịnh, thế nhưng về mặt địa lý, Pháp ở trên đất liền, không như Anh Quốc, nên dễ bị tấn công hơn. Còn Mỹ thì ở quá xa những điểm nóng Syria hay Irak.

Ngoài Trung Đông, quân đội Pháp còn đang có mặt tại nhiều nơi ở Châu Phi như Mali hay Trung Phi, với nhiệm vụ duy nhất : bài trừ tận gốc rễ các nhóm Hồi giáo cực đoan. Nói tóm lại, trong mắt Daech, Pháp là kẻ thù số 1 trong cuộc chiến chống những kẻ « phản đạo ».

Lý do thứ hai được các chuyên gia nêu lên để giải thích vì sao nguy cơ của Pháp cao hơn so với các quốc gia khác cũng tham gia liên minh chống Daech, đó là vì Pháp có một đội ngũ tham gia thánh chiến đông đảo hơn cả bất cứ quốc gia nào khác. Theo thống kê của bộ Nội vụ, có hơn 520 thanh niên quốc tịch Pháp, hay thường xuyên cư ngụ trên lãnh thổ Pháp, đã sang Irak và Syria để được huấn luyện và chiến đấu trong hàng ngũ của Daech. Khoảng một nửa trong số đó, sau một thời gian, đã trở về. Hiện vẫn còn có khoảng 700 thanh niên Pháp tìm đường sang Syria hay Irak.

Mehdi Nemmouche

Theo giới điều tra chống khủng bố, thủ phạm vụ khủng bố hụt trên chuyến tàu cao tốc Thalys hồi tháng 8 vừa qua đã từng được huấn luyện tại Syria, tương tự như trường hợp của Mehdi Nemmouche, thanh niên mang quốc tịch Pháp đã nổ súng tại bảo tàng Do Thái ở Bruxelles vào tháng 05/2014, làm 4 người chết. Cảnh sát Pháp cũng tin chắc là Amedy Coulibaly, thủ phạm vụ bắt con tin và thảm sát ở siêu thị của người Do Thái tại Vincennes, sát cạnh Paris hồi tháng 01/2015, cũng từng được Daech huấn luyện. Bạn gái của Coulibaly hiện đang ẩn náu tại Raqqa, cứ địa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Amedy Coulibaly

Sau cùng, Paris là « kinh đô ánh sáng », là địa điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn nhất thế giới,. Đánh vào Paris là đánh vào một biểu tượng của cả một nền văn minh Tây phương. Mục tiêu của quân khủng bố là gây chú ý, bàng hoàng trong công luận. Đó là chưa kể, hình ảnh của một nước Pháp tự do, tôn trọng nguyên tắc của một Nhà nước thế tục, không có những cấm kỵ về tôn giáo, hình ảnh của một xã hội cởi mở, với những phong cách sống phóng khoáng, là những gì mà các phần tử cực đoan Hồi giáo không thể chấp nhận được.


Một năm hoành hành đẫm máu của IS

Trong một năm qua, lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã gây ra hàng loạt vụ khủng bố trên quy mô toàn cầu, giết chết hàng nghìn người vô tội.

Từ một lực lượng khủng bố nhỏ, IS nhanh chóng lớn mạnh và lộng hành ở Syria và Iraq. Ngày nay, tổ chức này “vươn vòi bạch tuộc” tới một phần Trung Đông và Bắc Phi thông qua việc liên minh và thôn tính các nhóm khủng bố khác. Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cho thấy quy mô các vụ khủng bố của IS trên một khu vực rộng lớn.

Bản đồ dưới đây phản ánh vị trí IS tiến hành các vụ khủng bố từ vụ tấn công Mosul, Iraq tới đánh bom ở Abha, Saudi Arabia, vụ chặt đầu ở Ai Cập hay gần nhất và vụ khủng bố ở Paris làm 129 người thiệt mạng.

Sau khi tách khỏi tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda vào đầu năm 2014, Nhà nước Hồi giáo tập trung tăng cường các hoạt động khủng bố ở Iraq và Syria. Nhóm này gây chấn động thế giới khi chiếm Mosul, một trong những thành phố lớn nhất của Iraq, 5 tháng sau khi cắt đứt với al-Qaeda.

Trong tháng 11/2015, IS bắt đầu đứng ra nhận trách nhiệm cho các vụ tấn công ở bên ngoài lãnh thổ Iraq và Syria. Vụ tấn công lấy cảm hứng từ IS cũng xảy ra lần đầu vào tháng 1 tại Tunisia, khi các tay súng bắn địa phương bắn vào khách du lịch. Nó cho thấy sự bành trướng của tổ chức này.

Ngày 20/11/2015 - Bamako của Mali. 21 người chết
Một tuần sau loạt khủng bố đẫm máu tại Paris, vào sáng sớm ngày 20/11/2015, có hai kẻ khủng bố có vũ trang đã tấn công vào khách sạn hạng sang Radisson Blu, thủ đô Bamako của Mali, bắt làm con tin 170 người, đa số là người nước ngoài. Nhưng vụ bắt con tin đã chấm dứt vào cuối buổi chiều này và hai kẻ khủng bố đã bị hạ sát. Khủng bố đẫm máu này làm 21 người chết và 7 người bị thương.

Trong một tuyên bố trên Twitter, nhóm phiến quân Al-Mourabitoun liên hệ với al-Qaeda nhận trách nhiệm về vụ tấn công khách sạn tại Mali. Theo Reuters. Al-Mourabitoun là nhóm phiến quân Hồi giáo ở châu Phi. Đại bản doanh của chúng nằm tại miền bắc Mali.

Ngày 13/11/2015 - Paris, Pháp. 129 người chết
Chuỗi vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra tại nhiều địa điểm ở thủ đô Paris, Pháp, làm 129 người chết và hàng trăm người bị thương. Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Pháp từ sau Thế chiến II. Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ và đóng cửa biên giới. Sau những phản ứng đầu tiên, Tổng thống Pháp François Hollande đã ra lệnh tiến hành các vụ không kích các mục tiêu IS để đáp trả vụ khủng bố.

Ngày 12/11/2015 - Beirut, Lebanon. 43 người thiệt mạng
Vụ đánh bom kép liều chết xảy ra tại khu vực phía nam thủ đô Beirut, nơi nhiều thành viên phong trào Hezbollah sinh sống. Tổ chức theo chủ nghĩa Hồi giáo dòng Shiite chiến đấu cùng chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại các lượng lượng nổi dậy.

Ngày 31/10/2015 - Bán đảo Sinai, Ai Cập. 224 người chết
Một chiếc phi cơ chở khách của hãng hàng không Nga Kogalymavia rơi xuống bán đảo Sinai không lâu sau khi cất cánh trở về Nga làm 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Tình báo phương Tây cho rằng một quả bom đặt trên máy bay là nguyên nhân khiến phi cơ chở 224 người gặp nạn.

Ngày 8/8/2015 - Abha, Saudi Arabia . 15 người thiệt mạng
Một thanh niên 21 tuổi thực hiện vụ tấn công nhằm vào thánh đường Hồi giáo ở Abha. IS công bố một đoạn băng ghi âm đe dọa Saudi Arabia ngay trước khi vụ đánh bom xảy ra. Saudi Arabia là một trong những nước tham gia liên minh không kích IS do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Syria.

Ngày 26/6/2015 - Thành phố Kuwait, Kuwait . 27 người chết
Một kẻ đánh bom tự sát kích nổ quả bom mang trên người khiến 27 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Hung thủ thực hiện vụ tấn công là thành viên của một tổ chức liên kết với IS. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Kuwait trong suốt 20 năm qua. Nạn nhân là những người vừa hoàn tất buổi cầu nguyện ở thánh đường Hồi giáo địa phương.

Ngày 26/6/2015 - Sousse, Tunisia. 38 người chết
Tay súng tấn công vào một khu du lịch nghỉ dưỡng đông đảo du khách châu Âu tại Sousse. Nó là đòn đánh mạnh vào ngành công nghiệp du lịch của Tunisia nhưng phần lớn du khách thiệt mạng và người bị thương là công dân Anh.

Ngày 20/6/2015 - Sanaa, Yemen. 2 người thiệt mạng
Một quả bom xe phát nổ bên ngoài Thánh đường Hồi giáo ở thành phố cổ Sanaa làm 2 người thiệt mạng và 6 người bị thương. IS tuyên bố vụ đánh bom thánh đường Shiite Qabat al-Mahdi nhằm vào nhóm phiến quân Houthis, lực lượng kiểm soát Sanaa từ tháng 9/2014.

Ngày 17/6/2015 - Sanaa, Yemen. 4 người thiệt mạng
Loạt vụ đánh bom xe khách làm 4 người chết và hàng chục người bị thương khi người Hồi giáo ở Sanaa đang kỷ niệm tháng ăn chay Ramadan.

Ngày 22/5/2015 - Qadeeh, Saudi Arabia. 21 người chết
Đây là vụ tấn công đầu tiên của IS vào Saudi Arabia. Ngoài 21 người thiệt mạng, vụ đánh bom liều chết nhằm vào Thánh đường Hồi giáo của người Shiite ở làng Qadeeh còn làm 123 người bị thương. Các tín đồ đang kỷ niệm ngày sinh của một vị thánh.

Ngày 20/5/2015 - Sirte, Libya. 23 người chết
Phiến quân tiến hành vụ tấn công ồ ạt vào các căn cứ quân sự ở Libya. IS tuyên bố chiếm nhiều phương tiện và vũ khí của quân đội Libya trong khi lực lượng này khẳng định tiêu diệt được 23 phiến quân IS. Đôi bên cùng khẳng định chiến thắng

Ngày 18/4/2015 - Jalalabad, Afghanistan. 34 người chết
Một kẻ đánh bom liều chết kích nổ chiếc áo khoác chứa bom mang trên người tại khu vực các quan chức chính phủ Afghanistan đang xếp hàng nhận lương. Vụ tấn công làm 34 người chết và 125 người khác bị thương.

Ngày 13/4/2015 - Tripoli, Libya. 2 người chết
Một ngày trước vụ nổ bom Đại sứ quán Morocco, hai vệ sĩ tại Đại sứ quán Hàn Quốc đã bị sát hại trong một vụ xả súng. IS không nêu lý do thực hiện vụ tấn công.

Ngày 2/4/2015 - Bán đảo Sinai, Ai Cập. 17 người chết
15 binh sĩ và 2 thường dân thiệt mạng khi nhóm phiến quân tiến hành vụ tấn công nhằm vào một chốt gác của quân đội Ai Cập trên bán đảo Sinai. Những kẻ tấn công sử dụng súng phóng lựu và súng trường. Bán đảo Sinai là nơi lực lượng cực đoan thề trung thành với IS chiếm quyền kiểm soát.

Ngày 21/3/2015 - Sanaa, Yemen. 137 người chết
4 kẻ đánh bom liều chết thực hiện các vụ tấn công liên tiếp ở 2 thánh đường tại Sanaa, giết chết 137 người và làm bị thương 300 người khác. Lực lượng al-Qaeda, vốn hoành hành trên Bán đảo Arab, phủ nhận liên quan tới vụ tấn công khiến IS trở thành nghi can chính.

Ngày 18/3/2015 - Tunis, Tunisia. 22 người chết
Hai tay súng người Tunisia thực hiện vụ tấn công tại Bảo tàng Quốc gia Bardo, giết hại nhân viên an ninh và 21 du khách từ các quốc gia như Italy, Tây Ban Nha, Anh, Nhật Bản và Colombia. Hàng chục người khác bị thương. Cảnh sát tiêu diệt các nghi phạm sau vụ đấu súng. Đây là lần đầu tiên IS nhận trách nhiệm cho một vụ tấn công ở Tunisia.

Ngày 15/2/2015 - Libya. 21 người chết
Một video được IS công bố ở Libya cho thấy hình ảnh các chiến binh chặt đầu một người công giáo người Ai Cập. 20 trong số 21 nạn nhân được xác định là những người Công giáo bị bắt cóc tháng 12/2014 và tháng 1/2015 tại thành phố Sirte.

Ngày 29/1/2015 - Bán đảo Sinai, Ai Cập. 27 người chết
4 kẻ tấn công sát hại 27 người trong vài tiếng ở phía bắc Sinai và tỉnh Suez. Phần lớn những người thiệt mạng là nạn nhân trong vụ đánh bom căn cứ quân sự và khách sạn ở el-Arish. Một binh sĩ thiệt mạng khi những kẻ khủng bố tấn công một chốt gác.

Ngày 27/1/2015 - Tripoli, Libya. 10 người chết
5 nhân viên an ninh Libya và 5 binh sĩ người nước ngoài, bao gồm một nhà thầu quân sự người Mỹ, bị sát hại khi những tay súng bịt mặt nã đạn vào khách sạn Corinthia và kích nổ một quả bom xe hơi ngoài cổng. Lực lượng liên kết với IS ở Tripoli nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Ngày 7/1/2015 - Paris, Pháp. 17 người chết
Hai kẻ tấn công thực hiện vụ khủng bố vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, sát hại 10 người bên trong và hai sĩ quan cảnh sát. Al-Qaeda trên Bán đảo Arab nhận trách nhiệm cho vụ tấn công. Trong ngày hôm sau, một người đàn ông sát hại một cảnh sát và tuyên bố lấy cảm hứng từ các vụ tấn công của IS. Sau đó, anh ta bắn chết 4 con tin trong một siêu thị. Cả 3 tay súng trong 2 vụ tấn công đều bị tiêu diệt.

Ngày 5/1/2015 - Arar, Saudi Arabia. 3 người chết
4 tay súng, một mặc áo khoác chứa bom, sát hại 3 nhân viên an ninh trên một chốt gác ở biên giới Saudi Arabia và Iraq. Đây là lần đầu tiên IS trực tiếp tấn công một căn cứ quân sự của Saudi Arabia.


Mỹ, Pháp, Nga quyết định giáng đòn sấm sét xuống đầu IS

Mỹ và Pháp đang chuẩn bị chiến dịch quân sự tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Cụm tàu tấn công Pháp với kỳ hạm là tàu sân bay Charles de Gaulle đang tiến về bờ biển Syria. Cụm chiến hạm tấn công Pháp sẽ giáng những đòn tấn công bằng tên lửa hành trình vào các vị trí của IS.

Tàu sân bay Charles de Gaulle

Có thể lực lượng Hải quân Mỹ sẽ cùng tham gia để hỗ trợ Hải quân Pháp tấn công IS. Tàu sân bay Mỹ Harry Truman cũng đang trên đường cơ động đến gặp cụm tàu hải quân của Pháp với tàu sân bay Charles de Gaulle  ở phía đông Địa Trung Hải. Hàng không mẫu hạm Mỹ có nhiệm vụ phải đến vịnh Ba Tư, những đã quyết  định chờ đợi cụm tàu sân bay Pháp để hỗ trợ đồng minh.

Tàu sân bay Moscow 

Hải quân Nga nói chung và tuần dương hạm Moscow nói riêng đã nhận chỉ lệnh của Tổng thống Nga V.Putin hiệp đồng thông tin với kỳ hạm Charles de Gaulle trong tư cách là đồng minh chống khủng bố IS.