jeudi 27 août 2015

PHONG TỤC : Ý Nghĩa Vu Lan – Báo Hiếu


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Vu lan còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành; và là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế để thờ cúng.



Sự tích

Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng:

"Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.


Truyền thống lễ nghi

Trong một số nước Á Đông, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 (Âm lịch), để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát.

Ngoài ra, còn có cúng dường, làm phước, phóng sinh, bố thí để hồi hướng công đức cho cha mẹ.

Trung Quốc

Trong văn hóa Trung Hoa, ngày rằm tháng bảy âm lịch thuộc Tiết Trung Nguyên và được gọi là Ngày ma (hồn người chết) và tháng thứ bảy nói chung được coi là Tháng ma, trong đó những con ma và linh hồn, bao gồm cả của tổ tiên đã qua đời, đến từ các cõi âm. Cùng với lễ Thanh minh (vào mùa xuân) và Trùng cửu (vào mùa thu), con cháu còn sống tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên đã qua đời của họ, trong Lễ hội hồn ma, người chết được cho là về thăm những người sống.

Lễ hội Vu Lan tại Hong Kong

Vào ngày thứ mười lăm, cõi thiên đàng và địa ngục và cõi người sống mở cửa và cả tín đồ Đạo giáo và Phật giáo sẽ thực hiện các nghi lễ để chuyển hóa và giải oan khổ của người quá cố. Trọng tâm cho Tháng âm hồn là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nơi mà theo truyền thống hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên của họ kéo dài ngay cả sau khi tổ tiên đã qua đời. Các hoạt động trong tháng này sẽ bao gồm việc chuẩn bị thực phẩm cúng dường nghi lễ, đốt hương, đốt giấy vàng mã, một dạng hiện vật bằng giấy như quần áo, vàng và hàng hóa tốt khác để cúng dường tổ tiên khi họ về thăm. Bữa ăn được chuẩn bị chu đáo (thường là ăn chay) sẽ được phục vụ với các ghế trống cho mỗi người quá cố trong gia đình và đối xử với những người đã chết như thể họ vẫn đang còn sống.


Việt Nam

Tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng Bảy bao giờ cũng phải cúng ở chùa (thờ Phật) trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, khi Mặt Trời đã lặn.

Ngoài ra, theo truyền thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong dân gian, ngày này là ngày "Xá tội vong nhân" nên nhiều nhà có mâm cơm cúng trước nhà, để cúng những vong linh bơ vơ không gia đình, còn gọi theo dân gian là "cúng cô hồn, "cúng thí thực" (tặng thức ăn).

Vào ngày này, mọi gia đình đều cúng hai mâm: cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh (cúng thí thực hay cúng cô hồn) ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè (nếu đường rộng), thời gian cúng có thể là vào buổi sáng, trưa hoặc chiều.

Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm tức đồ mã làm bằng giấy có tính tượng trưng nhưng hình dạng giống như đồ thật như quần áo, giày dép, áo bào, cung điện, ngựa, các vật dụng trang sức..., mũ kepi, người giúp việc ... đến những vật hiện đại: nhà cao tầng, xe ô tô, xe máy, điện thoại... để cho người cõi Âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người Dương trần. Những đồ lễ đó thường được làm tại các cơ sở sản xuất (nổi tiếng là khu phố vàng mã ở Chợ Lớn được vận chuyển đi khắp các tỉnh thành.

Mâm cơm cúng ngoài trời, tại Huế

Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...), các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu (có thể thêm nước ngọt, bia nếu có điều kiện), cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa... và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa. ở chùa khi cúng chúng sinh xong người ta thường gọi những đứa trẻ xung quanh đến rồi cho chúng cùng nhảy vào tranh cướp những vật cúng: như bỏng, oản... tượng trưng cho những cô hồn...

Tại các chùa và hội đoàn Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức "Bông hồng cài áo", là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức này do thiền sư Nhất Hạnh khởi xướng trong cuốn sách viết năm 1962.

Một số địa phương có tục lệ riêng như ở Quy Nhơn thì dân chúng xếp thuyền giấy rồi thả ra biển để tưởng nhớ những ai ra khơi rồi mất tích như hồi thập niên 1980-90 với nạn thuyền nhân vượt biên.

Vào "tháng cô hồn", người Việt Nam theo phong tục tin là tháng không may mắn và có những điều kiêng kỵ như không mua sắm, không đi chơi đêm, không nhổ lông chân, không phơi quần áo, không bơi lội… và tùy vùng còn có thêm những kiêng kỵ khác như không khai trương, mở cửa hàng, lập gia đình, xây nhà,... Nhiều người còn kiêng cữ và ăn chay trong tháng 7 nên các hàng quán bán thức ăn mặn và rượu bia như tại Thành phố Sài Gòn, buôn bán ế ẩm và thường đóng cửa sớm.


Nhật Bản

Tại Nhật Bản ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch, gọi là Obon hay là Bon, thường kéo dài 3 ngày. Vào những ngày này, người Nhật thường có hỏa thiêu lễ vật và vào đêm cuối, thả những chiếc đèn nổi trên sông để hướng dẫn linh hồn người quá cố.

Lễ vật đặt ở bờ sông và sẽ được đốt vào đêm cuối, tại Nhật

Theo truyền thống, kết hợp với một lễ hội múa dân gian, mỗi địa phương có sự tổ chức khác nhau. Để tỏ những ước nguyện của mình, người ta viết ước nguyện rồi treo vào cây trúc với mong ước điều ước đó sẽ trở thành hiện thực.


Bảng các ngày lễ âm lịch quan trọng












Bình Luận

Mùa hiếu hạnh lại đến, gợi lên cảm xúc trào dâng về mẹ cha – những người đã tạo tác ra ta, cho ta vóc hình, sự nghiệp. Dù bạn là ai, người nông phu hay bậc quyền cao chức trọng thì điểm gặp gỡ giữa chúng ta là tinh thần báo hiếu đang tuôn trào trong dòng nhiệt huyết của con tim.




mardi 11 août 2015

PHONG TỤC : Làm lễ cúng đầy tháng cho con gái hay con trai


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Để khẳng định sự tồn tại và vai trò của một thành viên mới trong gia đình cũng như gia tộc, các bố mẹ sẽ tổ chức một lễ cúng cho đứa con mới sinh của mình khi bé đã tròn một tháng tuổi. Đây là nghi thức có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người.


Làm lễ cúng đầy tháng cho con gái hay con trai đúng cách và những thông tin cần thiết hỗ trợ rất nhiều cho các bà mẹ trong việc cúng thôi nôi cho bé, cầu mong ơn trên đất trời mang lại cho con những điều may mắn và thành công trong cuộc sống sau này. 

Thông thường, theo phong tục nước ta thì khi trẻ con được sinh ra tròn một tháng sẽ được bố mẹ làm lễ tạ ơn đất trời vì "mẹ tròn con vuông" và sau là để trình diện họ hàng nội ngoại về thành viên mới trong gia đình nhằm mong muốn mọi người đón nhận, yêu thương và che chở cho bé trong chặng hành trình dài sau này. 

Trẻ vừa mới chào đời sẽ có khá nhiều bỡ ngỡ với thế giới xung quanh nên cần lắm bàn tay nâng đỡ và hơi ấm từ người mẹ từ trong bụng cho tới khi ra đời nên việc cúng đầy tháng cho con để giúp bé dần cảm nhận được mọi thứ bên ngoài chính là điều vô cùng cần thiết đấy.


Cách tính ngày làm lễ cúng đầy tháng cho con gái hay con trai

Theo cách tính truyền thống, ngày đầy tháng của trẻ sơ sinh được căn cứ vào lịch âm và tùy thuộc vào giới tính của đứa bé. Theo đó, nếu là bé gái sẽ lùi lại 2 ngày và nếu là bé trai sẽ lùi lại 1 ngày như cách ông bà xưa vẫn nói "gái lùi hai, trai lùi một"

Chẳng hạn, nếu bé sinh vào ngày 28/3 âm lịch thì ngày cúng đầy tháng sẽ là ngày 26/4 âm lịch nếu đó là bé gái. Nếu là bé trai thì ngày cúng đầy tháng sẽ là ngày 27/4 âm lịch . Thông thường, lễ này được thực hiện vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. 

Ngày nay, các bố mẹ thường căn cứ ngày sinh của con dựa trên lịch dương và ngày cúng đầy tháng là ngày trùng ngày sinh vào đúng tháng sau. 


Làm lễ đầy tháng cho bé trai, bé gái như thế nào cho đúng quy cách?

Làm lễ đầy tháng cho bé trai, bé gái, ngoài việc chuẩn bị món ăn, thức uống dùng để chiêu đãi khách, bạn còn phải chuẩn bị mâm lễ vật cúng kính 12 Mụ bà và một mâm cúng kính 3 Đức ông


Sau đây là danh sách 12 Mụ bà sẽ luân phiên lo việc thai sản trong 12 năm cho bé và bà mỗi bà sẽ kiêm một việc trong sinh nở giáo dưỡng :
1. Mụ bà Trần Tứ Nương, coi việc sanh đẻ (chú sinh)
2. Mụ bà Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén (chuyển sinh)
3. Mụ bà Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai (thủ thai)
4. Mụ bà Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé
5. Mụ bà Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai (an thai)
6. Mụ bà Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ (chuyển sinh)
7. Mụ bà Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản)
8. Mụ bà Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ (dưỡng sanh)
9. Mụ bà Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống)
10. Mụ bà Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử)
11. Mụ bà Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ (bảo tử)
12. Mụ bà Nguyễn Tam Nương, coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ

Ngoài ra, còn có 3 Đức ông với chức năng truyền dạy nghề nghiệp cho bé trong tương lai : 
1. Thánh sư
2. Tổ sư
3. Tiên sư 


Những gợi ý về việc chuẩn bị các vật phẩm cúng lễ đầy tháng cho bé

Một số gợi ý như sau:

Cúng Mụ bà
- 3 đĩa xôi
- 3 tô chè
- 12 chén chè
- Hàng mã (giấy tiền vàng bạc)

Cúng Đức ông
- 3 chén cháo
- 1 con vịt chéo cánh luộc chín
- Hàng mã (giấy tiền vàng bạc)
- 1 tô cháo


Ngoài ra, có thể sử dụng thêm những vật cúng khác nhưng không bắt buộc:
- 12 đôi hài xanh
- 12 nén vàng màu xanh
- 12 bộ váy áo xanh
- 12 miếng trầu cánh phượng
- 12 bộ đồ chơi
- 12 con cua
- 12 con ốc
- 12 con tôm
- Bánh kẹo, hoa quả,… chia thành 12 phần bằng nhau.


Bài cúng trong lễ đầy tháng cho bé con
  • Sau khi bày lễ vật, một trưởng tộc hoặc người biết thực hành nghi lễ, thắp ba nén hương khấn nguyện vài câu đơn giản như sau:

    "Hôm nay, ngày (mùng)… tháng… (âm lịch), ngày cháu (nội hay cháu ngoại…) họ, tên… tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh thập nhị mụ bàtam đức ông trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên…) mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc".
  • Sau nghi thức cúng kính là nghi thức khai hoa còn gọi là "bắt miếng". Đứa bé được đặt ngay trên bàn giữa, chủ lễ rót trà thấp hương xin phép bắt miếng. Xong, bồng đứa trẻ một tay, tay kia cầm một nhánh hoa điệp (có thể hoa khác) vừa quơ qua, quơ lại trên miệng cháu bé vừa dạy những lời tốt đẹp như sau:

    Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
    Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ,
    Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
    Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến…
  • Tiếp sau là lời chúc mừng và tặng quà hoặc tiền lì xì của khách mời, của dòng họ bà con cho cháu bé và gia đình nhân ngày cháu tròn một tháng tuổi.

  • Lễ đầy tháng là hình thức tín ngưỡng dân gian mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng thờ mẫu, qua đó cho thấy tín ngưỡng dân gian nói chung luôn hướng con người không chỉ biết có hiện tại, tương lai, mà còn nhận rõ truyền thống văn hóa mang tính bản sắc của gia đình – xã hội. Đồng thời Lễ đầy tháng còn là sự biểu hiện của những ước muốn tốt đẹp của các thế hệ trước đối với các thế hệ kế thừa.

Tóm lược

Mong rằng với thông tin liên quan tới việc làm lễ cúng đầy tháng cho con đúng cách và những gợi ý vật phẩm, bạn nên tham khảo trên đây sẽ giúp ích thật nhiều và một số gợi ý cho các bà mẹ. 

Bé con sinh ra ngoài việc đảm bảo thật tốt về mặt thể chất và tinh thần thì cha mẹ cần phải biết các nghi thức cúng quẩy nhằm mang tới những điều nguyện ước tốt lành cho con trong hiện tại cũng như tương lai. 

Con trẻ khi vừa chào đời sẽ hoàn toàn lạ lẫm với thế giới xung quanh mình nên ngoài sự nâng đỡ và sưởi ấm từ cha mẹ cũng cần đến sự yêu thương và đồng hành từ họ hàng nội ngoại nên việc làm lễ cúng như thế nào cho hợp lý và đúng quy cách chính là điểu cần thiết để mọi người chấp nhận bé đến với gia tộc. 


BLOG : Hãy sống vì mình, đừng làm nô lệ cho con cái


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Dịch trích dẫn triết lý sống của nữ diễn viên Jane Fonda

Con cái là phần quan trọng chứ không phải tất cả cuộc đời, vì con cái sau này cũng phải có phần đời riêng của nó. Thương con là làm bạn chứ không phải làm nô lệ cho con.

Khi qua tuổi 60, bạn không còn nhiều thời gian ở phía trước nữa, và bạn cũng không thể mang theo những gì bạn đã có, sẽ là vô ích nếu bạn vẫn bận tâm đến việc kiếm tiền và dành dụm. Bởi thế, bạn hãy chi tiêu những đồng tiền mà bạn đã cất giữ để đi du lịch, mua sắm thứ bạn thích, cho đi những gì bạn có thể và đừng quan tâm đến việc nhận lại.

Đừng nghĩ mình phải chắt bóp để sau này còn có tài sản mà chia cho các con các cháu. Nếu con cháu là những động vật ký sinh, là những kẻ nóng lòng chờ đợi bạn nhắm mắt hơn ai hết, bạn lại càng không cần phải lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng, hay việc bạn sẽ bị đánh giá thế nào. Bởi một khi đã trở về với cát bụi, ta sẽ chẳng còn nghe thấy bất kỳ lời khen hay tiếng chê nào nữa.

Ai rồi cũng già và thành cát bụi, còn lo gì người ta khen chê?

Thời gian mà bạn sống vui vẻ trên đời hay để tìm kiếm của cải bằng biết bao gian khó rồi cũng đến hồi phải chấm dứt. Bạn đừng lo lắng nhiều đến mối quan hệ với con cái, bởi lẽ chúng có số phận riêng của chúng, và chúng chắc chắn sẽ tìm được con đường của mình trong cuộc đời. Chớ làm nô lệ cho con cái bạn. Hãy giữ quan hệ với chúng, yêu thương và giúp đỡ khi cần thiết, nhưng đồng thời hãy bằng lòng với số của cải bạn đã dành dụm cho chúng, đừng cố thêm.

Cuộc sống dài hơn cuộc đời lao động. Hãy nghỉ hưu sớm nhất khi bạn có thể và bằng lòng với những gì bạn kiếm được. Đừng kỳ vọng quá nhiều vào con cái. Đa phần, chúng đều yêu quý bố mẹ, nhưng chúng quá bận với công việc và những ràng buộc khác mà chúng muốn quan tâm nhiều hơn. Cũng có những đứa con bất hiếu, chúng có thể tranh giành của cải ngay cả khi bạn đang còn sống và có thể là chúng muốn bạn chết sớm hơn để đoạt chiếm riêng mình. Nói chung, con cái đều cho rằng chúng đương nhiên được thừa hưởng tất cả những gì bạn đang sở hữu trong khi bạn chẳng có quyền gì với tiền bạc của chúng.

Càng lớn tuổi, bạn càng phải tự biết lo cho mình.

Vì thế, sau tuổi 50-60, bạn không cần phí sức, đừng vì để đổi lấy số của cải nhiều hơn mà phải làm việc đến lúc xuống mồ. Tiền của bạn chẳng có chút giá trị nào trước mặt thần chết. Khi nào thì chúng ta được ngừng kiếm tiền? Bao nhiêu thì đủ? 100 triệu hay 10 tỷ? Từ hàng nghìn hecta ruộng đất bạn cũng chỉ ăn được chút ít rau quả và một ổ bánh mì mỗi ngày. Từ vài ba căn nhà bạn đã xây, thực tế là bạn chỉ cần vài mét vuông cho mình: một chỗ ngủ, một chỗ nghỉ ngơi, một chỗ tắm và một chỗ làm bếp. Với chừng ấy thời gian còn lại trên đời, chỉ cần một chỗ ở, một số tiền để ăn, để mặc và một số vật dụng cần thiết khác… thế là bạn đã sống ổn rồi. Chỉ cần tâm hồn vui vẻ, hạnh phúc là được.

Gia đình nào cũng có vấn đề, bất luận là ở chế độ xã hội nào. Bạn đừng so sánh với người khác về phương diện tài chính. Đừng quan tâm đến việc ai có nhiều của cải hơn, hoặc con cái ai thành đạt hơn về vật chất, mà bạn hãy đi chơi nhiều hơn, đến cả những nơi ăn chơi mà bạn chưa có dịp đi lúc còn trẻ. Nếu có điều kiện, nhất thiết bạn phải đi du lịch nước ngoài.

Hãy đi và khám phá nhiều hơn, chứ đừng quanh quẩn đếm thời gian trôi.

Hãy nhanh chóng đặt lên bàn cân để so sánh xem ai có nhiều thời gian rỗi hơn, ai hạnh phúc hơn, ai khỏe mạnh và sống lâu hơn. Đừng bận tâm đến những điều mà bạn không thể thay đổi. Nó chẳng giúp gì cho bạn mà trạng thái tinh thần không tốt còn đẫn đến bệnh tật. Hãy tạo cho mình một tinh thần cân bằng, và hãy xác định xem điều gì khiến bạn hạnh phúc. Với chừng ấy thời gian sống khỏe mạnh và vui vẻ, bạn hãy lên cho mình một kế hoạch, rồi cứ y thế mà thực hiện. Và dù đã lớn tuổi, bạn cũng nên đề ra những mục tiêu nhỏ cho mình, chứ đừng để ngày trôi qua ngày, bạn sẽ mất hết cảm hứng sống.

Một ngày sống mà không có phút giây nào vui vẻ là một ngày mất đi. Một ngày có dù chỉ một giây phút vui vẻ là một ngày được lợi. Một tâm hồn lạc quan thì chữa khỏi bệnh tật nhanh chóng. Nhưng một tâm hồn hạnh phúc thì không có căn bệnh nào phải chữa, bởi nó không quen biết bệnh tật… Hãy giữ cho bạn một trạng thái tinh thần tốt, hãy di chuyển, ra ngoài thường xuyên, đi dưới nắng mặt trời, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất, và hãy vượt qua mọi trở ngại để sống thêm 30-40 năm với thể lực và sức khỏe dồi dào. Sức khỏe là điều quan trọng nhất nếu bạn vẫn còn muốn mình sống có ích.

Hãy bằng lòng với những gì bạn đang có và những gì có ở xung quanh bạn. Và đừng quên bạn bè. Họ chính là sự giàu có của cuộc đời bạn. Hãy giữ mối quan hệ bạn bè lâu dài.

Bạn bè chính là sự giàu có của tuổi già.

Hãy tôn trọng một số nguyên tắc cơ bản:
- Chịu khó nghe và đừng ngắt lời.
- Hãy nói chuyện chứ đừng nhạo báng.
- Hãy cho đi mà không bận tâm đến nhận lại. 
- Hãy trả lời câu hỏi chứ đừng phản đối.
- Hãy tha thứ chứ đừng trách cứ, và đã hứa thì không được quên.

Như thế bạn sẽ không bao giờ cô đơn. Chúc bạn có một cuộc sống dài lâu và đầy đủ!



lundi 10 août 2015

SỨC KHOẺ : Nước chanh


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Chanh là loại cây được trồng rất phổ biến ở nước ta. Ngoài tác dụng giải khát, quả chanh còn là các vị thuốc chữa bệnh rất hiệu quả.

Theo Đông y quả chanh vị chua ngọt, tính bình, vào vị. Lá chanh vị cay ngọt, tính ôn. Rễ có vị đắng, tính ôn. Quả chanh có tác dụng sinh tân chỉ khát trừ thấp an thai. Dùng trong các trường hợp thử nhiệt phiền khát (cảm nắng, mất nước, khát nước, vật vã kích động); ăn kém, nhiễm độc thai nghén nôn ói, tăng huyết áp. Lá chanh có tác dụng hoà đàm, chỉ khái, lý khí, khai vị. Rễ có tác dụng chỉ khái, bình suyễn, hành khí, chỉ thống.

Uống nước chanh hàng ngày là cách dễ nhất để bổ sung lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày cũng như giúp cơ thể hoạt động sung sức. Đặc biệt uống nước chanh buổi sáng rất có lợi cho sức khỏe.


Những tác dụng không ngờ của nước chanh khi bạn uống vào buổi sáng


1. Lợi tiểu 

Trong chanh có chứa chất chống oxy hóa D-limonene - một loại chất có tác dụng kích hoạt các enzym trong gan, giúp thúc đẩy quá trình hoạt động của gan, từ đó giúp gan đào thải chất độc hại trong cơ thể.

Hơn nữa, uống nước chanh, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn vì nó được coi là một chất lợi tiểu trong cơ thể, giúp làm sạch hệ tiêu hóa. Theo đó tốc độ đào thải độc tố cũng nhanh chóng hơn, giúp giữ cho đường tiết niệu của bạn khỏe mạnh.

Vì thế, nước chanh tươi được coi là có khả năng thải độc cơ thể rất tốt. Mỗi sáng uống một cốc nước chanh khiến cho mọi chất cặn bã tồn tại trong cơ thể suốt một đêm dài được thải hết ra ngoài.


2. Tăng cường hệ miễn dịch

Trong nước chanh có chứa nhiều vitamin C, đây là loại chất giúp tăng cường sức đề kháng à ngăn cản các bệnh khi thời tiết lạnh. Vitamin C có trong chanh giúp chống viêm và được sử dụng trong việc điều trị bệnh hen suyễn và các bệnh về hô hấp khác.

Ngoài ra chanh còn giúp tăng cường hấp thu sắt, đóng vai trò trong khả năng miễn dịch. Nước chanh còn chứa nhiều chất kali giúp kích thích trí não phát triển và cân bằng huyết áp.


3. Giảm cân

Nếu béo phì hay thừa cân, bạn không nhất thiết áp dụng chế độ ăn quá khắt khe, dễ dẫn tới tình trạng bị thiếu chất, hạ huyết áp.

Hơn nữa, vỏ chanh có các thớ pectin giúp giảm cân bằng cách ngăn dạ dày hấp thụ đường quá nhanh. Bạn có thể thêm vỏ chanh vào nước lọc hoặc nước chanh ấm. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng để giảm cân bạn nên duy trì thói quen uống một cốc nước chanh mỗi ngày kết hợp cùng chế độ ăn uống khoa học và tập luyện đều đặn.


4. Có lợi cho hệ tiêu hóa

Nước chanh không chỉ giúp giải nhiệt và thanh lọc cơ thể nhờ đẩy độc tố ra ngoài mà thành phần có trong nước chanh còn giống như nước bọt và axit có trong hệ tiêu hoá giúp gan sản xuất ra axit cần thiết cho hệ tiêu hoá của bạn. Nước chanh còn giúp giải phóng độc tố và làm giảm các triệu chứng khó tiêu, ợ chua.


5. Giảm thiểu bệnh đường hô hấp

Một cốc nước chanh ấm vào mỗi sáng sớm sẽ giúp loại bỏ các bệnh nhiễm trùng ở vùng ngực và dừng những cơn ho khan, ho gió lại. Nó cũng được cho là liều thuốc quý giá và hữu ích cho những người đang bị bệnh hen suyễn và thường xuyên bị dị ứng.


6. Giảm stress

Vitamin C có nhiều trong nước chanh là một trong những phương thuốc giúp bạn thoát khỏi tình trạng căng thẳng cho trí não và cơ thể.


7. Làm đẹp da

Vitamin C không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mà còn giúp chống ôxy hoá hiệu quả làm đẹp da, giảm nếp nhăn. Vitamin C giúp cho làn da khoẻ mạnh đẩy lùi một số loại vi khuẩn gây ra mụn trứng cá. Vitamin C giúp trẻ hoá làn da từ bên trong cơ thể nhờ đẩy độc tố ra bên ngoài.


8. Cách uống nước chanh vào buổi sáng

Bạn đừng nên pha nước chanh theo cách thông thường khi uống giải khát tức là pha nước chanh với đường và cho nhiều đá.


Hãy dùng một cốc nước ấmchút mật ong để pha nước chanh. Nước ấm và mật ong cũng rất tốt cho sức khỏe, giúp diệt khuẩn và tăng sức đề kháng. Bộ ba tuyệt vời này sẽ như một chiếc áo giáp bảo vệ cho sức khỏe của bạn.


Nước chanh không phải lúc nào cũng tốt

Nhiều người bệnh uống nước chanh thay cho vitamin C vì nghĩ ở dạng tự nhiên tốt hơn mà không biết vitamin C và nước chanh hoàn toàn khác nhau.

Theo trung tâm Diện Chẩn điều khiển liệu pháp và xoa bóp Việt Nam, có 30 năm kinh nghiệm chữa bệnh cho biết, quả chanh chứa nhiều sinh tố C (40mg%) và một số sinh tố khác  như PP, B2, B1, Caroten.

Vitamin C đối với Tây y lại có giá trị rất lớn như làm bền thành mạch máu, làm ấm người, chống hoại huyết, xơ vữa động mạch, tăng cường sức đề kháng, tính miễn dịch của cơ thể... Chính vì thế, quả chanh rất được đề cao, Tây y coi đây là loại thuốc bổ tự nhiên và vô hại, thậm chí nhiều loại bệnh bác sĩ còn khuyên bệnh nhân nên uống thêm nước chanh, sinh tố C, coi như đó là một liệu pháp có giá trị cao.

Gần đây nhất ở Mỹ, các bác sĩ còn tuyên bố mỗi ngày uống đều đặn vitamin CE thì sẽ chống được bệnh tim mạch và bệnh lão hóa vì hai sinh tố trên đều làm mềm dẻo thành mạch, chống tình trạng mệt mỏi và suy nhược, tăng sức đề kháng cơ thể.

Thật ra trong chanh, sinh tố C chỉ là một thành phần còn lại trong các thành phần khác. Chính hợp chất này ở trong  quả chanh mang tính lạnh (âm) nhất là khi nó được uống vào cơ thể từng người thì lại sinh ra phản ứng sinh lý, hóa học khác nhau.

Chẳng hạn, uống nhiều nước chanh có thể dễ gây xuất huyết loãng máu nhưng Tây y lại chích vitamin C để làm ấm cơ thể hoặc trị bệnh xuất huyết dưới da. Hoặc một người hay nóng nhiệt trong mình (người quá dương) thì họ cảm thấy dễ chịu khi uống nước chanh.

Nhưng trái lại, đối với người âm hàn (thiếu dương khí), lạnh trong người, hay mệt mỏi mà lại dùng nhiều chanh thì càng bị lạnh thêm, mệt mỏi hơn, dễ bị cảm hàn hơn hoặc có thể cứng các khớp ngón tay, đau dây thần kinh. Đó là vì chất chua của chanh thuộc âm. Chính sự dư chất chua này làm cứng cơ, gân, viêm loét dạ dày, đại tràng.

Chanh, cam hay bất cứ loại thức uống nào cũng vậy, không hoàn toàn lợi hay hại, vấn đề là phải dùng đúng. Dù cho là thuốc bổ mà sử dụng quá nhiều cũng trở nên có hại.