vendredi 17 octobre 2014

SỨC KHOẺ : Táo bón và bệnh trĩ


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Táo bón lâu ngày là một trong nguyên nhân gây bệnh trĩ. Viêm đại tràng và táo bón lâu ngày là các nguyên nhân chủ yếu gây bệnh trĩ. Ngoài ra, những người làm việc nhiều ở tư thế đứng hoặc ngồi, ăn nhiều chất kích thích, ít chất xơ… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Táo bón

Táo bón là trạng thái đi tiêu phân khô cứng, buồn đi mà không đi được, phải rặn mạnh, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu, trong điều kiện ăn uống bình thường, người bệnh có thể dễ dàng nhận ra táo bón qua các biểu hiện như ít đi cầu, đau bụng, đau đầu và đặc biệt là khó nhọc khi đi nhà xí. Bệnh táo bón trên lâm sàng thấy rất nhiều, nhất là ở người già và người béo. Táo bón lâu ngày là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh trĩ.



Ở Việt Nam, những năm gần đây, tình trạng táo bón trong giới thanh niên, đặc biệt là những người làm việc nơi công sở đang ngày càng tăng mạnh, số người bị táo bón ngày càng lớn. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực công việc nặng nề, tâm lý căng thẳng quá mức, cộng thêm ít vận động, thể dục thể thao và phải ngồi lâu trong văn phòng.


Triệu chứng

Triệu chứng chung của táo bón là khi quá 3 ngày chưa đại tiện hoặc đại tiện dưới 3 lần trong một tuần và có thể có từng cơn đau quặn bụng, phân rắn màu đen và hay von cục (dân dã gọi là cứt sắt), muốn đại tiện được thì phải rặn mạnh đến nỗi có lúc bật cả máu tươi, ở một số người có biểu hiện là khi đại tiện rồi mà vẫn cứ cảm giác vẫn còn phân trong ruột. Tuy chỉ là triệu chứng nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống nhưng táo bón gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân.


Nguyên nhân

Nguyên nhân có thể là triệu chứng khởi đầu của một bệnh lý thực thể nào đó tại đường tiêu hoá như bệnh của đại trường các bệnh toàn thân suy giáp trạng, tăng canxi máu, co thắt, nhu động giảm, phình đại trường... Bệnh ngoài đường ruột như ung thư gây chèn ép... hoặc bệnh toàn thân như chức năng tuyến giáp giảm, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể, một số bệnh lý thần kinh như bệnh Parkinson, thần kinh tâm thần bị ức chế như lo nghĩ, tức giận, buồn phiền… tập quán sinh hoạt thiếu điều độ... Hoặc có thể do rối loạn chức năng vận chuyển của ruột.


Do thói quen ăn uống không khoa học, chế độ ăn nhiều chất  đạm (thịt, cá nước ngọt, sữa, trứng...), ít chất xơ (trái cây, rau xanh và ngũ cốc), ít vận động, ăn uống không hợp lý (thiếu chất xơ, uống ít nước làm cho phân cứng, khó thải ra ngoài), stress, do uống thuốc tây ( thuốc ngủ, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, chống dị ứng, thuốc chữa dạ dày,…)

Lười đi cầu, nén hoặc nhịn việc đi cầu, do thói quen đi đại tiện không đều, bị mất ngủ, căng thẳng thần kinh, do gặp phải những vấn đề ở ruột, hoặc hút thuốc lá, uống quá nhiều trà và cà phê.

Đối với trẻ em, chứng táo bón ở trẻ trong độ tuổi đi học thường do chế độ ăn không đủ nước và chất xơ. Những trẻ ăn chế độ ăn đặc biệt với thức ăn nhanh – giàu chất béo (thịt rán, sữa trứng khuấy sẵn) và đường (kẹo, nước ngọt nhiều đường) có thể bị táo bón thường xuyên hơn.


Điều trị

Táo bón cần quyết tâm điều trị để tránh gây là phiền phức trong cuộc sống, đặc biệt chú trọng đến chế độ ăn uống và lối sống khoa học, thường xuyên vận động, tập thể dục. Đối với trẻ bị táo bón nên điều trị sớm, tránh gây biến chứng sau này. Điều trị táo bón trẻ em là một quá trình lâu dài, toàn diện, đòi hỏi sự kiên nhẫn của cha mẹ, sự phối hợp của gia đình với bác sĩ nhi khoa và bác sĩ dinh dưỡng.

Chế độ ăn uống

  • Nên ăn nhiều các thức ăn chứa nhiều chất xơ (xenlulose), như các loại rau và hoa quả tươi, các loại măng... Chất xơ không hòa tan (có trong rau cải, trái cây…) làm phân xốp, giảm rủi ro phát triển bệnh táo bón. Bổ sung nhiều rau, củ quả để tăng cường chất xơ do chất xơ trong thực phẩm làm khối lượng phân tăng lên đáng kể sẽ kích thích vận động đường ruột, lại có thể bảo lưu thủy phần, tránh phân quá khô.


4 loại rau củ chữa táo bón rất hiệu quả dưới đây:

  1. Củ cải
    Củ cải chia thành củ cải trắng, củ cải đỏ… có thể ăn sống hoặc chế biến thành món ăn. Củ cải tính ngọt, mát, vị cay, có công dụng giải độc, hoá đờm giải nhiệt… Lượng vitamin C trong củ cải gấp 10 lần lê, ngoài ra còn có tác dụng thông tiện, chống ung thư, chống vi khuẩn gây bệnh, ngăn ngừa sỏi mật, làm giảm cholesterol, giúp ngăn ngừa bệnh cao huyết áp. Mỗi ngày có thể ăn khoảng 250g để thông tiện.
  2. Cải thảo
    Cải thảo tính hàn, vị ngọt, có công dụng giải độc trừ nhiệt, thông tiện. Người miệng khô, táo bón, nước tiểu vàng đều có thể ăn cải thảo. Trong cải thảo giàu chất xơ, hàm lượng vitamin A, B, C…phong phú.
  3.  Bầu
    Quả bầu chứa 94% trở lên là nước, là loại quả nhiệt lượng thấp, giàu vitamin A, hàm lượng kali, magiê cao, hàm lượng chất xơ phong phú, cũng có công dụng thông tiện hiệu quả.
  4.  Giá
    Chủ yếu chỉ các loại giá đỗ xanh, giá đậu tương với hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất xơ, vitamin C, nhiệt lượng và chất béo thấp có tác dụng thông tiện lợi tiểu. Ăn giá đỗ thường xuyên còn có thể trị đờm, tăng cường chức năng cho não bộ.
Ngoài ra, để trị chứng táo bón cần điều chỉnh chế độ ăn. Nên ăn nhiều các loại đậu và khoai có chứa nhiều chất xơ; ăn các loại hoa quả tươi như chuối tiêu, táo, lê, dâu tây…. Các thực phẩm cũng có công dụng thông tiện khác như ngân nhĩ, mật ong, hồ đào, rong biển….


  • Nên ăn nho khô là loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ nên là món ăn công hiệu cho người bị táo bón. Nho khô có thể chữa táo bón cho trẻ em bằng phương pháp ép lấy nước cốt và cho trẻ uống tốt nhất vào buổi sáng để đi tiêu dễ dàng.

Nếu xét về giá trị dinh dưỡng thì nho khô là món ăn hữu ích cho sức khỏe vì rất ít chất béo nhưng lại sinh nhiều năng lượng, dễ bảo quản, nhờ đó là món ăn bỏ túi cho người phải lao tâm lao lực. Hơn thế nữa, nho khô là món ăn vặt như thuốc cho người bị cao huyết áp, nhờ tác dụng vừa lợi tiểu vừa bổ sung khoáng tố kalium.

Kết quả một công trình nghiên cứu ở Mỹ cho thấy huyết áp của người hâm mộ nho khô ổn định hơn nhóm không khoái món này. Một số nhà điều trị thậm chí khuyến khích người từ độ tuổi 40 trở lên nên thường ăn nho khô để cầm chân huyết áp.


Nho khô chứa nhiều chất xơ nên là món ăn bầu bạn của người khổ vì táo bón và bệnh trĩ. Cũng nhờ tác dụng kéo chất béo qua đường ruột nên nho khô gián tiếp hạ cholesterol.

Nhiều thầy thuốc vì thế đã không ngần ngại xếp nho khô vào nhóm thực phẩm thích hợp cho người bị bệnh mạch vành. Theo kết quả một công trình nghiên cứu ở Mỹ, sau một tháng áp dụng, lượng LDL trong máu giảm đáng kể trên số bệnh nhân có 80 - 100g nho khô mỗi ngày trong khẩu phần.

Nho khô còn là nguồn giàu chất sắt. Người thiếu máu, đối tượng vừa qua cơn chấn thương xuất huyết, phụ nữ  mang thai, thiếu nữ hay bị rong kinh... nên chọn nho khô để bổ sung chất sắt cần thiết cho cấu trúc lành mạnh của huyết cầu thay vì trông cậy vào thịt, gan rồi khó tránh trục trặc với mỡ máu.


  • Nên uống đủ nước uống 2 lít/ngày, giúp cho làm mềm phân.


  • Ăn một số loại thức ăn có tác dụng nhuận tràng như mật ong, vừng, bơ, sữa bò...

  • Khi đun nấu món ăn, có thể cho tăng một chút dầu ăn, như dầu đậu, dầu hạt cải, dầu vừng, dầu lạc...
  • Ăn một số thức ăn chứa vitamin nhóm B một cách thích hợp, như các loại đậu, lương thực thô, khoai lang, khoai tây, đu đủ..., để thúc đẩy nhu động ruột. Một số loại hoa quả khác như củ cải, cải thảo, bầu và giá đỗ cũng giúp trị táo bón. Ngoài ra quả mơ cũng giúp trị táo bón.
  • Kiêng các thức ăn loại kích thích như rượu mạnh, trà đặc, cà phê, hẹ, tỏi, ớt, ít ăn các thức ăn tanh mặn vị đậm.
  • Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ. Điều này giúp cho cơ thể sẽ dễ dàng bài tiết ra những chất cặn bã để tiết ra bên ngoài vào sáng hôm sau. Trong trường hợp bị táo bón nặng, hãy hoà thêm 2 thìa cà phê thầu dầu vào trong cốc sữa.
  • Uống 1 lít nước ấm và đi bộ khoảng vài phút ngay lập tức sau khi thức dậy vào buổi sáng. Mỗi ngày vào buổi sáng sớm khi tỉnh dậy, uống một cốc nước ấm lúc bụng đói.
  • Uống nước chanh pha lẫn với nước ấm từ 2 - 3 lần/ngày. Ngoài ra nên ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hoá.
  • Ăn chuối tiêu một quả mỗi ngày ăn một lần.

  • Chỉ ăn khi đói, không nên ăn thành nhiều bữa và mỗi bữa ăn nên cách nhau 4 tiếng. Không nên ăn quá nhiều loại thức ăn trong một bữa ăn.
  • Nên hạn chế và tránh ăn những đồ ăn khô như đậu tương, lạc...

Chế độ sinh hoạt
  • Luyện tập đều đặn. Việc luyện tập chính là phương thuốc hữu hiệu giúp phòng ngừa và điều trị bệnh táo bón.
  • Ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ cũng chính là một trong số những thủ phạm gây nên căn bệnh táo bón. Chính vì thế nếu không muốn bị chứng táo bón hoành hành mỗi ngày cần ngủ đủ giấc trong vòng khoảng 8 tiếng/ngày.
  • Cần chú ý đi đại tiện kịp thời, không nên nhịn lâu để đề phòng táo bón.

Dùng thuốc

Các thuốc điều trị táo bón được chia ra các loại sau:
  • Thuốc trị táo bón tạo khối (igol, metamucil),
  • Thuốc trị táo bón thẩm thấu (sorbitol, forlax, lactitol): chứa các muối vô cơ, đường. Khi uống vào, thuốc giữ nước trong lòng ruột giúp thải phân ra ngoài dễ dàng hơn.
  • Các thuốc làm mềm phân (docusat) giúp nước thấm vào khối phân, làm phân mềm và dễ di chuyển hơn
  • Các thuốc bôi trơn (norgalax, microlax) dùng bơm hậu môn.
  • Thuốc trị táo bón kích thích (bisacodyl, cascara), tác động trực tiếp lên thần kinh chức năng vận động bài tiết của ruột, gây co bóp các cơ thành ruột tạo nhu động ruột đẩy phân ra ngoài.
Tuy nhiên, không nên sử dụng bất kỳ một loại thuốc chữa táo bón nào kéo dài quá 8 - 10 ngày, các thuốc trên có nhiều tác dụng phụ, dùng lâu có thể gây biến chứng cho đường ruột, có hại cho gan, thận và đặc biệt nó không giải quyết được gốc rễ của bệnh.

Hiện nay có thể kết hợp phương pháp ăn uống và sử dụng các sản phẩm hỗ trợ để điều trị táo bón, đặc biệt cho bệnh nhân mắc táo bón mạn tính (mắc đi mắc lại nhiều lần): Người bệnh vẫn cần phải có chế độ ăn uống đảm bảo đủ nước và đủ chất xơ, tập luyện vận động hàng ngày. Ngoài ra, kết hợp sản phẩm hỗ trợ giúp cải thiện hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột, kích thích miễn dịch hệ tiêu hóa, các yếu tố khác nhằm ổn định hệ tiêu hóa, bên cạnh việc bổ sung các chất xơ tự nhiên - inulin. Đảm bảo các yếu tố trên thì hạn chế được khả năng mắc táo bón trở lại.


Bệnh Trĩ

Bệnh Trĩ, hay còn gọi là bệnh lòi dom theo dân gian, là bệnh được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn. Có hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại. 
  • Trĩ nội chịu lực nén bên trong nên có chiều hướng sung huyết, chảy máu và đôi khi bị sa. 
  • Trĩ ngoại có thể có huyết khối phát triển rất đau. 
Là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm, vì bệnh tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên bệnh nhân thường bỏ qua và vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại ngùng nhất là phụ nữ. Chỉ đến khi chảy máu nhiều hoặc bị sa búi trĩ thì bệnh đã ở cấp độ nặng, không thể dùng thuốc mà phải chỉ định phẫu thuật.


Dấu hiệu của bệnh

Bệnh trĩ là bệnh do sự căng dãn quá mức tại các tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn gây viêm sưng hoặc xuất huyết. Bệnh trĩ thường xảy ra ở người bị táo bón kinh niên, công việc ít đi lại, ở phụ nữ mang thai. Người mắc bệnh trĩ mới đầu chỉ có cảm giác ngứa rát đôi chút, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn. Bệnh trĩ ngoại thường sớm được phát hiện và điều trị nhanh hơn, do người bệnh có thể sờ thấy khi trĩ ở mức độ nhẹ. Với bệnh trĩ nội, thường người bệnh chỉ nhận biết được khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, búi trĩ sa hẳn bên ngoài hậu môn hoặc bị tổn thương dẫn đến xuất huyết nặng, viêm sưng, nhiễm trùng búi trĩ.


Phân loại

Bệnh trĩ được chia làm 2 loại: Trĩ nội và trĩ ngoại. Bệnh trĩ là sự phồng lớn của một hay nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch trĩ trên hoặc tĩnh mạch trĩ dưới hay cả hai gây nên trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Thực ra, trĩ nội và trĩ ngoại chỉ khác nhau về vị trí phát sinh búi trĩ. Với việc phân biệt hai loại trĩ này sẽ giúp ích cho quá trình thăm khám và điều trị căn bệnh này.


  • Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ trên (trực tràng trên) phồng to, trĩ được hình thành ở trên đường lược được gọi là trĩ nội.
  • Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ dưới (trực tràng dưới) phồng to, trĩ được hình thành ở dưới đường lược được gọi là trĩ ngoại.
  • Trĩ hỗn hợp tức là trên cùng một bệnh nhân xuất hiện cả trĩ nội và trĩ ngoại. Thông thường, khi diễn tiến lâu ngày, phần trĩ nội và phần trĩ ngoại sẽ liên kết với nhau, tạo thành trĩ hỗn hợp. Búi trĩ nội, khi đã sa tới độ 3, thường hiện diện dưới hình thái trĩ hỗn hợp.

Cấp độ bệnh
  • Bệnh trĩ ở cấp độ 1 & 2, người bệnh thường có các triệu chứng sau: Đau và chảy máu khi đại tiện, ngứa hậu môn, tiết dịch gây viêm da, ngứa và ướt viêm quanh hậu môn.
  • Bệnh trĩ ở cấp độ 3 & 4, búi trĩ bên trong (trĩ nội) bị sa quá mức gây nghẹt hay tắc mạch hay gây nứt, áp xe hậu môn, hoặc búi trĩ bên ngoài (trĩ ngoại) bị tổn thương nhiễm trùng gây lở loét, xuất huyết trầm trọng hay tạo thành những cục máu đông nằm trong búi trĩ, có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm và sinh ra các bệnh khác. Người bệnh có thể vừa mắc bệnh trĩ nội vừa mắc bệnh trĩ ngoại. Nếu không sớm điều trị, sẽ làm người bệnh ngày càng có cảm giác vướng víu, khó chịu, chảy máu và đau đớn nhiều hơn mỗi khi đại tiện.
Bệnh trĩ ở cấp độ nhẹ có thể tự chữa trị, nếu để chuyển sang giai đoạn nặng thì việc điều trị bệnh trĩ sẽ trở nên rất khó khăn, phải có sự can thiệp của phẫu thuật.


Liệu pháp

Liệu pháp đầu tiên chữa trĩ nội là dùng chế độ dinh dưỡng có nhiều xơ. Khi đại tiện tránh không được rặn, trĩ nặng và đã bị sa thường phải giải quyết bằng phẫu thuật. Trĩ ngoại có huyết khối phải dùng phẫu thuật.

Dùng thuốc

Có rất nhiều thứ thuốc bôi ngoài để giảm các triệu chứng, các thuốc bôi ngoài thường dùng các chất bôi trơn, các chất làm mềm và làm dịu da, có thể kết hợp trong đó một thuốc tê để giảm đau. Khi không có nhiễm khuẩn, có thể kết hợp với corticosteroid, các chất kết hợp này chỉ có tác dụng ngắn hạn. Một số chất khác hay được kết hợp do tính chất làm dịu như: một số muối bismuth, kẽm oxid, resorcinol …

Các bioflavonoid cũng được kết hợp trong các thuốc bôi ngoài, ở một số nước các chất này còn được dùng theo đường uống, và cùng với một số chất khác như calci dobesilat, tribenosid được dùng do tính chất bảo vệ thành tĩnh mạch.

Y học cổ truyền
Từ ngàn đời nay, đông y đã có nhiều phương pháp giúp điều trị trĩ và táo bón hiệu quả:
  • Ngư tinh thảo (rau diếp cá, rau dấp cá) có thành phần chính là Quercetin, một flavonoid có tác dụng bảo vệ thành mạch rất mạnh. Tinh dầu Diếp cá có chứa decanonyl acetaldehyde có tác dụng kháng sinh mạnh, tiêu diệt cả trực khuẩn mủ xanh, do đó chống viêm nhiễm rất hiệu quả. Cao diếp cá có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón rất tốt.
  • Đương quy là một vị thuốc quý, có tác dụng bổ máu, điều kinh, chống thiếu máu, suy nhược cơ thể. Đương quy có tác dụng hoạt huyết giảm đau, giúp chữa viêm loét, mụn nhọt. Ngoài ra, Đương quy còn có tác dụng nhuận tràng thông đại tiện, chống táo bón.
  • Rutin là một flavonoid aglycon có nhiều trong hoa Hòe. Rutin có hoạt tính vitamin P, có tác dụng làm bền thành mạch, làm giảm tính "dòn" và tính thấm của mao mạch, làm tăng sự bền vững của hồng cầu, giảm trương lực cơ trơn, chống co thắt. Ngoài ra, rutin còn có tác dụng kích thích sự bài tiết của niêm mạc ruột và do vậy giúp nhuận tràng. Rutin được dùng để phòng ngừa những biến chứng của bệnh xơ vữa động mạch, điều trị suy tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch, trĩ, các trường hợp xuất huyết như chảy máu cam, ho ra máu, tử cung xuất huyết, phân có máu….
  • Curcumin là một hoạt chất chính của củ nghệ (Curcuma domestica), có hoạt tính chống viêm do khả năng quét những gốc oxy có liên quan đến quá trình viêm. Curcumin còn có tác dụng ức chế khối u, thông mật, lợi tiêu hóa. Bổ sung Curcumin giúp chống viêm và làm mau lành các vết tổn thương của trĩ.
  • Magiê có tác dụng nhuận tràng, giúp hạn chế chứng táo bón vốn là căn nguyên gây bệnh trĩ. Ngoài ra, Magiê còn là một khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể.
Người bệnh có thể chọn thuốc trị bệnh trĩ từ các bài thuốc đông dược đã được bào chế thành các dạng thuốc viên rất tiện lợi, thích hợp để tự điều trị bệnh trĩ khi bệnh ở mức nhẹ, có hiệu quả điều trị cao, an toàn và không lo tác dụng phụ. Ngoài ra, cần tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà, ớt, tiêu. Ăn đủ chất xơ, uống nhiều nước và thường xuyên tập thể dục, thể thao như bơi lội, đi bộ,…

Đông y chữa từ nguyên nhân gây bệnh đây là một trong những ưu điểm của Đông y so với Tây y (y học hiện đại)


Táo bón lâu ngày là một trong nguyên nhân gây bệnh trĩ

Viêm đại tràng và táo bón lâu ngày là các nguyên nhân chủ yếu gây bệnh trĩ. Ngoài ra, những người làm việc nhiều ở tư thế đứng hoặc ngồi, ăn nhiều chất kích thích, ít chất xơ… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bệnh trĩ là sự phồng lớn của một hay nhiều tĩnh mạch trĩ trên hoặc dưới, thậm chí cả hai (gây trĩ nội, trĩ ngoại hoặc trĩ hỗn hợp). Triệu chứng thường thấy nhất là đại tiện ra máu, thường là màu đỏ tươi, xảy ra ngay sau khi đại tiện. Hiếm khi trĩ gây xuất huyết ồ ạt nhưng lâu ngày nó có thể dẫn đến thiếu máu mạn tính và nặng. Sau một thời gian, trĩ lớn và sa.

Mới đầu, hiện tượng sa xuất hiện lúc đi đại tiện nhưng về sau sẽ liên tục. Bệnh nhân rất đau, nhất là khi ngồi, di chuyển khó khăn. Vùng hậu môn và quanh hậu môn bị sưng phù nhiều, tách rộng ra hai bên sẽ thấy niêm mạc trĩ nội thuyên tắc nằm ở giữa. Hai màu niêm mạc trong và ngoài rất khác nhau.


Tình trạng trĩ nội thuyên tắc có thể tự khỏi. Sau vài ngày, bệnh nhân bớt đau, bớt sưng, trĩ trở vào trong hậu môn. Sau cơn thuyên tắc, trĩ có thể bị xơ hóa, nhỏ lại và bớt chảy máu. Một vài trường hợp bị lở loét bó trĩ hoặc hoại tử từng vùng. Nhiều trường hợp hoại tử tạo ra áp xe vùng hậu môn và vùng chậu.
Khi có các dấu hiệu kể trên, bệnh nhân nên đi khám nhằm loại trừ ung thư đại tràng hay ung thư trực tràng tiềm ẩn. Nếu đã xác định là trĩ, bạn nên dùng khẩu phần nhiều chất sợi, chuối, táo, lê, các loại củ, khoai như khoai lang, khoai từ, bí đỏ… và uống nhiều nước, tránh rặn mạnh khi đại tiện hay khuân vác nặng.
Ngoài ra, người bệnh nên giữ vùng hậu môn cho sạch: rửa bằng nước, không dùng giấy lau khi đi đại tiện; không nên rửa bằng xà phòng vì dễ gây kích thích, ngứa nhiều hơn; ngâm hậu môn với nước ấm ngày 4 lần, mỗi lần 10 phút. Bạn cũng có thể đắp gạc lạnh với số lần và thời gian tương tự. Nếu búi trĩ sa ra ngoài, bạn nên nhét nó nhẹ nhàng vào hậu môn để tránh tình trạng thuyên tắc.
Với tình trạng đau phù và viêm trong các cơn trĩ cấp, người bệnh có thể xử trí bằng cách bôi thuốc mỡ hoặc thuốc đạn có hydrocortisone. Tuy nhiên, bạn không nên dùng quá 2 tuần lễ vì hydrocortisone có thể gây teo niêm mạc hậu môn, dùng lâu dài có thể gây các biến chứng trên tuyến thượng thận và hệ xương khớp. Các trường hợp bị trĩ mãn tính có thể sử dụng thuốc Đông y như bài thuốc Bổ trung ích khí.
Một số phương pháp điều trị trĩ khác như nong hậu môn, thắt búi trĩ bằng dây thun, chích xơ hóa búi trĩ hoặc đốt điện, chích nước nóng…, phẫu thuật cắt trĩ (áp dụng đối với trĩ độ 3 và 4). Trường hợp trĩ ngoại bị thuyên tắc nên mổ ngay lấy cục máu đông. Bệnh nhân sẽ hết đau rất nhanh và phòng được biến chứng do thuyên tắc gây nên.
Để phòng ngừa bệnh trĩ, bạn cần uống nhiều nước (mỗi ngày ít nhất 8-10 ly) để giúp phân mềm và dễ đại tiện; ăn nhiều rau cải, trái cây (giúp phân mềm, khối phân tăng thêm nên bớt phải rặn); vận động để tránh tăng áp lực trong tĩnh mạch, nhất là sau khi ngồi hoặc đứng lâu. Vận động cũng giúp tránh táo bón và giảm trọng lượng nếu bệnh nhân béo phì. Nếu phải ngồi lâu, bệnh nhân không được lót gối mềm dưới mông vì sẽ làm tăng hiện tượng chèn ép các tĩnh mạch.




dimanche 5 octobre 2014

BLOG : Đường (Sugar - Sucre)


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Có một điều tương đồng ở tất cả mọi người, dù già hay trẻ ai nấy cũng đều thích ngọt cả. Một món ăn có vị ngọt vẫn dể hấp dẫn khẩu vị hơn là một món ăn nhạt nhẽo vô vị. Thèm ngọt là một nhu cầu thiết yếu của cơ thể để củng cố năng lượng. Carbohydrate hay Glucide là những hợp chất bao gồm đường (sugar), bột đường hay tinh bột (starch) và chất xơ (fibre). Những chất này rất cần thiết cho chúng ta để sống. Nhưng ngọt quá đôi khi cũng nguy hiểm!


Đường là một hợp chất ở dạng tinh thể, có thể ăn được. Các loại đường chính là sucrose, lactose và fructose. Vị giác của con người xem vị của nó là ngọt. Đường là một loại thức ăn cơ bản chứa carbohydrate lấy từ đường mía hoặc củ cải đường, nhưng nó cũng có trong trái cây, mật ong... và trong nhiều nguồn khác. Nó là nguyên liệu chính để làm kẹo. Sử dụng quá mức đường có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2, béo phì và sâu răng.


Lịch sử

Bánh đường là dạng truyền thống của đường dùng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, cần dùng một cây kẹp để cắt nhỏ đường. Ban đầu, con người nhai mía để lấy chất ngọt. Người Ấn Độ khám phá ra cách tạo tinh thể đường khoảng vào triều đại Gupta, năm 350.


Cây mía có xuất xứ từ vùng nhiệt đới Nam Á (bao gồm 7 quốc gia: Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bhutan và Bangladesh, Sri Lanka và Maldives.) và Đông Nam Á (bao gồm 11 quốc gia: Brunei, Campuchia, Đông Timor, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam). Những giống khác có thể có xuất sứ từ những nơi khác nhau như S. barberi có xuất xứ ở Ấn Độ, S. edule và S. officinarum đến từ Tân Ghi-nê.

Trong cuộc cách mạng nông nghiệp Hồi giáo, các công ty Ả Rập đã thực hiện kỹ thuật sản xuất đường của Ấn Độ và sau đó điều chỉnh và biến nó thành một ngành công nghiệp lớn. Ả Rập đã thành lập nhà máy đường và đồn điền lớn nhất đầu tiên.

Thập niên 1390 chứng kiến sự phát triển vượt bậc, với sản lượng nước mía thu được tăng gấp đôi. Điều này cho phép phát triển nền kinh tế về đường đến Andalusia và Algarve. Thập niên 1420 chứng kiến sự mở rộng sản xuất đến đảo Canary, Madeira và Açores.

Người Bồ Đào Nha đã đem đường đến Brasil. Hans Staden, xuất bản năm 1555, viết rằng năm 1540, đảo Santa Catarina có 800 xưởng sản xuất đường và bờ biển phía bắc Brazil, Demarara và Surinam có 2000 cái nữa. Ước chừng có 3000 xưởng nhỏ được xây dựng trước năm 1550 ở Tân Thế Giới, tạo ra một nhu cầu lớn chưa từng có về bánh răng gang, đòn bẩy, trục xe và các thiết bị khác. Các nghề chuyên về chế tạo khuôn và luyện gang được phát triển ở châu Âu do sự bùng nổ về sản xuất đường.

Sau năm 1625, người Hà Lan mang mía từ Nam Phi đến các đảo ở vùng Caribê — nơi nó được trồng từ Barbados đến đảo Virgin. Những năm 1625 đến 1750 thấy đường trở nên đáng giá như vàng. Cùng với châu Âu thuộc địa hóa châu Mỹ, Caribê trở thành nguồn đường lớn nhất thế giới. Các đảo này có thể cung cấp mía dùng sức lao động của nô lệ và sản xuất đường với giá rẻ hơn rất nhiều so với đường nhập khẩu từ phương Đông.

Trong suốt thế kỷ 18, đường trở nên cực kỳ phổ biến và thị trường đường đã trải qua nhiều cuộc bùng nổ kinh tế. Do châu Âu đã thiết lập các xưởng sản xuất đường trên các đảo lớn hơn ở Caribê, giá đã giảm, đặc biệt ở Anh. Cuối thế kỷ 18, tất cả mọi thành phần trong xã hội đều trở thành khách hàng bình thường của một mặt hàng từng là xa xỉ phẩm. Đầu tiên, đường ở Anh dùng trong trà, nhưng sau đó kẹo và sôcôla trở nên cực kỳ phổ biến. Các nhà cung cấp thường bán đường trong các bánh đường, và người dùng cần phải dùng kẹp cắt đường để cắt thành miếng.


Bắt đầu từ cuối thế kỷ 18, việc sản xuất đường đã được cơ giới hóa nhiều hơn. Động cơ hơi nước đầu tiên được sử dụng trong các nhà máy đường ở Jamaica vào năm 1768, và không lâu sau, hơi nước đã thay thế việc đốt lửa trực tiếp trong chế tạo đường. Cũng trong thế kỷ này, châu Âu bắt đầu thử nghiệm sản xuất đường từ các cây khác. Andreas Marggraf đã tìm thấy sucrose trong rễ củ cải đường và học trò của ông, Franz Achard, đã xây dựng nhà máy sản xuất đường từ củ cải đường ở Silesia. Tuy nhiên nền công nghiệp đường từ củ cải đường đã bùng nổ trong suốt chiến tranh Napoleon, khi Pháp và phần lục địa châu Âu bị cắt nguồn cung cấp từ Caribê. Ngày nay, 30% lượng đường được sản xuất từ củ cải đường.

Ngày nay, một nhà máy đường cỡ lớn khoảng 1500 tấn mỗi ngày cần một nguồn nhân lực thường xuyên khoảng 150 người để sản xuất liên tục 24 giờ.


Các loại đường

Đường là chất phụ gia đứng hàng đầu ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Các loại đường sau đây được coi là thông dụng nhất :

Đường cát (Đường Kính Trắng hay còn gọi là  Đường cát trắng) là loại đường thông dụng nhất hiện nay trên thế giới. Màu trắng, hạt nhuyễn mịn hay hạt to, biến chế từ mía đường. Tên khoa học của đường cát là sucrose hay saccharose. Đường cát qua nhiều giai đoạn tẩy trắng bằng hóa chất cho nên người ta cho rằng ăn đường cát thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe.

Đường thô: có được trong giai đoạn đầu của việc sản xuất đường. Đường thô màu sẫm và hạt to hơn đường cát trắng.

Đường nâu: Màu từ sẫm tới nhạt. Đây là đường cát (trên 90%) được nhà sản xuất trộn thêm mật đường. Người ta quảng cáo rằng ăn đường nâu thơm ngon và tốt cho sức khỏe hơn ăn đường cát trắng.

Đường bột: Đây là loại đường nhuyễn y như bột. Đôi khi người ta thêm tinh bột bắp để giúp đường khỏi bị đóng cục. Đường bột được dùng để phủ bên ngoài của các loại bánh ngọt.

Đường trái cây (fructose): hiện diện một cách tự nhiên trong các loại trái cây.

Đường trong sữa (lactose): các loại sữa đều có chứa lactose một cách tự nhiên.

Mật đường hay mật gỉ (molasse): Sau khi đường cát được trích lấy, phần nước còn lại được gọi là mật đường. Chất này có màu đen, vị ngọt hơi đắng và có chứa nhiều chất khoáng như magnesium và sắt. Mật đường được dùng để nuôi gia súc, để cất rượu cồn ethyl alcohol, hoặc để làm bánh.

Sirô bắp hay High Fructose Corn Syrup (HCFS): Đây là một loại đường nhân tạo được chế biến công nghiệp. Sirô bắp được sử dụng rất rộng rãi trong công nghệ biến chế thực phẩm.

Sirô cây phong (maple syrup): Đây là sirô “Quốc hồn Quốc túy của đất nước Canada”. Nhựa cây phong được trích lấy khoảng tháng ba khi bớt tuyết và trời bắt đầu hơi ấm áp, đến cuối tháng tư lúc cây đâm chồi thì ngưng hứng nhựa. Bốn mươi lít nhựa cây phong đem nấu cô đặc thu được 1 lít sirô.

Mật ong: rất nhiều loại khác nhau. Nói chung mật ong chứa nhiều đường fructose 38%, dextrose 31%, sucrose 1 %, nước 17 %, và các loại vitamin.

Đường nghịch chuyển (invert sugar): có được qua phương pháp làm thủy phân sucrose ra đường glucose và đường fructose với 1 tỷ lệ bằng nhau. Đường nghịch chuyển ngọt hơn đường cát, và thường được dùng để làm chậm lại hiện tượng kết tinh (thí dụ trong các lọ mứt) cũng như để giữ độ ẩm lâu hơn, nhất là đối với các loại bánh ngọt có chứa rất ít chất béo, nhờ vậy sản phẩm sẽ lâu khô và có vẻ tươi mới.

Tại Việt Nam, ngoài những loại đường thông thường như vừa kể trên, có nhiều loại đường khác nữa là: đường thẻ, đường móng trâu, đường chảy dùng để nấu chè hoặc kho cá vì nó rẻ tiền. Đường xắc, dùng làm nước mắm đường. Ở vùng Tân Châu, Châu Đốc thì có đường thốt nốt, đường phèn…


Đường đơn hay đường hấp thụ nhanh

Đây là đường theo nghĩa thông thường mà chúng ta hiểu vv… Những chất tạo vị ngọt này được thấy trong bánh, kẹo, chè, chocola hoặc trong các loại nước ngọt Pepsi, Coca, soda, v.v. Đường mía (saccharose), đường trái cây (fructose), đường sữa (lactose) là những thí dụ điển hình.


Trong ruột, đường đơn chuyển thành glucose và được hấp thụ vào máu một cách rất nhanh chóng. Khi đường huyết tăng, lập tức tụy tạng sẽ tiết ra insulin để giúp tế bào hấp thụ glucose vào, đồng thời kéo đường huyết xuống mức bình thường.


Đường phức hay đường hấp thụ chậm

Vị hơi ngọt, gồm có bột đường (tinh bột) và các chất xơ. Tinh bột được thấy trong bánh mì, khoai tây, cơm, gạo, ngũ cốc, và trong các loại mỳ (pasta). Chất xơ có nhiều trong rau, củ, hoa quả, hạt cũng như trong các loại ngũ cốc làm từ hạt thô (whole grain)…


Đường phức cần sự tác động của một số enzymes để chuyển ra thành glucose rồi mới được hấp thụ vào máu, do vậy đường huyết tăng lên chậm hơn so với trường hợp đường đơn. Đường phức rất cần cho các hoạt động biến dưỡng của cơ thể. Đường đơn và đường phức không thể thay thế lẫn nhau được.


Ăn nhiều đường quá có hại sức khỏe không?

Đường đơn và đường phức đều tạo ra năng lượng. Trung bình một gram đường cho ra 4 Calo. Năng lượng dư thừa sẽ được dự trữ dưới dạng glycogen và mỡ. Ăn ngọt thường xuyên quá, mập ra cũng dễ hiểu mà thôi. Tình trạng béo phì dễ dẫn đến các bệnh tim mạch, tăng áp huyết, và tiểu đường. Ngoài ra việc ăn nhiều đường, kể cả đường thiên nhiên như đường từ trái cây và mật ong cũng có thể đưa đến tình trạng hư răng nếu không chịu súc miệng đánh răng kỹ lưỡng. Ăn nhiều bánh kẹo ngọt cũng có thể làm chất triglyceride (1 loại mỡ xấu ) trong máu gia tăng.

Năm 1998, trên thế giới có khoảng 135 triệu người mắc bệnh tiểu đường (diabetes). Thực phẩm quá dồi dào đường cũng như quá nhiều mỡ dầu chất béo, cộng thêm việc thiếu vận động là một vài trong những nhân tố dẫn đến tình trạng béo phì, bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường. Lối sống vội vã, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay đồ ăn nhanh là những nguyên nhân quan trọng cho sự phát triển nhanh của những căn bệnh ở trên.


Người bị bệnh tiểu đường có thể dùng đường được không?

Theo l’Association Canadienne du Diabète , thì họ vẫn có thể ăn ngọt được, nhưng phải ăn một cách điều độ chừng mực và vừa phải thôi. Họ cũng có thể thay thế đường bằng cách ăn trái cây, rau củ, hoặc các sản phẩm sữa. Trong một ngày họ có thể ăn 10% Calo từ các thức ăn ngọt. Trên đây là những chỉ dẫn chung chung mà thôi. Bệnh mỗi người mỗi khác, nên chỉ có bác sĩ điều trị mới có quyền quyết định.


Chỉ số đường huyết (Glycaemic index, GI) là gì?

GI do giáo sư David Jenkin, Canada nêu ra đầu tiên vào những năm 80. Ý niệm này dần dần đã thay thế ý niệm đường đơn và đường phức ngày nay đã lỗi thời. Chỉ số đường huyết là vận tốc chuyển hóa của 1 carbohydrate ra thành glucose để được hấp thụ vào máu.

Một thức ăn có GI càng cao thì đường huyết càng tăng nhanh. Vì vậy các nhà dinh dưỡng khuyên ta nên dùng những thức ăn nào có GI thấp để ngăn ngừa béo phì, bị bệnh tim mạch và tiểu đường. Trong thực tế, chúng ta thường pha trộn lẫn lộn các loại thức ăn có GI khác nhau trong các bữa ăn hàng ngày. Nhìn chung các loại đường phức tạp như ngũ cốc, cơm gạo, bánh mì, mỳ bún miến phở, spaghetti, và các loại rau xanh là những thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất và chất xơ. Đối với những loại carbohydrate này, đường huyết tăng chậm hơn các loại đường đơn quá tinh khiết như đường cát trắng chẳng hạn. Tuy vậy cũng có một vài ngoại lệ, một số chất đường phức tạp như gạo trắng, bắp, khoai tây lại có GI cao hơn một số đường đơn giản.

GI cũng có thể thay đổi tùy theo nhiều yếu tố khác nhau như : kích thước các phân tử tạo nên sản phẩm, chẳng hạn như ngũ cốc càng nhuyễn, càng tinh khiết thì có GI càng cao, tùy theo cơ cấu sinh hóa (thí dụ gạo Basmati chứa nhiều đường amylose nên có GI thấp hơn gạo trắng hạt dài, là thứ gạo chúng ta ăn hằng ngày), tùy theo cách biến chế nấu nướng, như khoai tây nấu chín trong nồi có GI thấp hơn khoai tây đút lò, bột khoai tây có GI cao hơn GI khoai tây nguyên củ, cà rốt tươi có GI thấp hơn GI của cà rốt nấu chín v.v.

Trong lĩnh vực thể thao, GI rất đáng được các vận động viên quan tâm. Đối với các vận động viên, hôm trước ngày thi đấu, nên ăn những loại thực phẩm có GI thấp và trung bình, như mỳ, spaghetti, chuối, sữa chua để dự trữ năng lượng… Ngày thi đấu thì dùng những thức ăn dễ tiêu, có GI cao như các thỏi bánh kẹo ngọt có nhiều đường và vitamin. Liền ngay sau khi kết thúc cuộc thi đấu nên ăn những món có GI cao để bù đắp lại nhanh chóng năng lượng tiêu hao.


Thức ăn chuẩn là Glucose có GI = 100

Thức ăn có GI thấp hơn 55: Đậu nành, đậu phộng (15), đậu xanh (30), đậu trắng (38), đậu đỏ (40), sữa (30), sữa chua tinh khiết (35), cam (40), táo (39), bột lúa mạch (50), bún (35), gạo Basmati có nhiều amylose (50), cà rốt tươi (35), fructose hay đường trái cây (20), gạo lức, đậu petit pois, khoai lang, bánh mì multigrain, rau cải xanh, cà chua, cà tím, ớt xanh, hành, tỏi, nấm rơm (10), bưởi (22), cam (43), xoài (55), nho tươi (43).

Thức ăn có GI trung bình 56-69: càrem (59), nước cam lon (65), chuối (62), đu đủ (60), bánh mỳ ngũ cốc nguyên hạt (69), trái kiwi (58), khoai mỡ (51), đường cát sucrose, saccharose (65), thơm hay dứa (66).

Thức ăn có GI cao trên 70: cà rốt nấu chín (85), cơm trắng gạo hạt dài (72), các loại ngũ cốc, bột ngô (80), mật ong (90), Pepsi Coca (70), bia (110 ), khoai tây chiên hay khoai đút lò (95), khoai tây nấu chín (70), dưa hấu (72) , bí (75), bánh biscuit khô cracker (78), bánh mì baguette (95).

Ghi chú : chỉ số ở trên áp dụng cho các nguyên liệu nguyên chất, không thêm các loại phụ gia thực phẩm hay chất bảo quản, và cũng là chỉ số có độ chính xác một cách tương đối.


Đường hóa học và các chất thay thế đường

Đây là những chất có vị ngọt nhưng tạo ra rất ít calories. Người ta chia chúng ra làm 2 nhóm :


1. Nhóm có tính dinh dưỡng: Xylitol, Sorbitol và Mannitol. Chúng có vị ngọt nhưng lại có thêm tính nhuận trường nửa, ăn trên 30g/ ngày có thể bị tiêu chảy. Mỗi gram của các chất này chỉ cho ra 2 Calo, trong khi đường cát cho ra 4 calo. Các loại đường này không phổ biến lắm, chỉ thấy được sử dụng trong một số sản phẩm, chẳng hạn như trong kẹo chewing gum.


2. Nhóm không có tính dinh dưỡng: Cyclamate, Saccharin, Aspartame, Sucralose. Những chất này không tạo ra năng lượng, nhưng lại có vị ngọt gấp cả trăm lần đường cát. Chúng thường được đựng trong các bao nho nhỏ màu xanh, vàng để chúng ta bỏ vào café. Kỹ nghệ thực phẩm cũng sử dụng các loại đường hóa học này để tạo vị ngọt cho các loại sản phẩm ít năng lượng và các thực phẩm dành cho người ăn kiêng (diet). Thông dụng nhất là chất aspartame mà chúng ta thấy trong các thức ăn thức uống diet.

Các nhà dinh dưỡng đều đồng ý là các loại đường này có thể thay thế đường cát, nhưng không thể xem chúng là một giải pháp thỏa đáng để giúp ta có một hàm răng tốt, để giảm cân, hoặc để kềm hãm bệnh tiểu đường.


Cần nên đọc kỹ nhãn hiệu

Thông thường trên mổi loại thực phẩm sản xuất theo lối công nghiệp đều có liệt kê bản nguyên liệu (ingredients) sử dụng. Các chất này đều được xếp theo thứ tự quan trọng từ nhiều tới ít. Thường thì các danh từ tận cùng bằng chữ OSE là đường, như sucrose, fructose, dextrose, saccharose, maltose…


Khuyến cáo của cơ quan Liên Hiệp Quốc

Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) và Cơ Quan Lương Nông Quốc Tế (FAO) vừa phối hợp nghiên cứu và nhất trí khuyến cáo mọi người nên cắt giảm số Calories do đường mang vào xuống dưới mức 10%. Nói một cách dễ hiểu, nếu tổng số nhu cầu của một người là 2000 Calories/ngày, thì Calories do đường tinh khiết tạo nên phải thấp hơn 200. Được biết, 1g đường cho 4 Calories, 1 muỗng café đường có khoảng 16 Calories và 1 lon Coke chứa khoảng 9 muỗng đường tương đương với 145 Calories.

Mục đích của Cơ Quan Liên Hiệp Quốc là nhằm giúp ngăn chặn phần nào các loại bệnh mạn tính cũng như các bệnh về tim mạch, bệnh béo phì, bệnh tiểu đường và một vài loại ung thư. Để duy trì một sức khỏe tốt, chúng ta cần theo đuổi một chế độ dinh dưỡng ít dầu mỡ, ít đường, ít muối, không được dùng quá 2400 mg sodium hay 5 g muối, tương đương với 1 muỗng café muối ăn trong một ngày. Đồng thời cần phải ăn nhiều rau củ, trái cây tươi và nên vận động, tập thể dục thường xuyên.

Chắc chắn là khuyến cáo này không làm hài lòng kỹ nghệ bánh kẹo và kỹ nghệ nước ngọt rồi. Một tài liệu khảo cứu mới vừa được phổ biến trong tạp chí JAMA, August 2004 cũng đưa kết luận là các loại nước ngọt như Coke, Pepsi, Soda… vì chứa quá nhiều đường nên là một trong nhiều nguyên nhân quan trọng làm gia tăng sự xuất hiện của bệnh tiểu đường tuýp 2.


Kết luận

Thời đại nào, xã hội nào cũng thế, thức ăn ngọt vẫn dễ hấp dẩn mọi người. Tại Canada, từ 1986 đến 1996, các sản phẩm ngọt đã tăng vọt lên hơn 102%, trong số này nước ngọt tăng hơn 5%. Số người bị béo phì tăng lên một cách đáng ngại: 25% ở trẻ em và 50% ở người lớn.

Công ty Coca Cola và Pepsi Cola không ngừng tìm mọi cách để xâm chiếm thị trường, và khai thác thị hiếu hảo ngọt của dân chúng, đặc biệt là giới trẻ em, sinh viên học sinh. Các nhà dinh dưỡng thường xếp các loại thức ăn thức uống bán trong máy (bánh, kẹo, chip, chocolat, Coca Pepsi…) vào nhóm tạp phẩm (junk food) hay còn gọi là thức ăn rác, không bổ dưỡng gì hết vì chứa nhiều Calorie rỗng (empty calorie), nhiều đường, nhiều caffeine, nhiều gaz, và chất hóa học, nhưng lại không có hoặc có rất ít vitamins.