mercredi 30 juillet 2014

SỨC KHOẺ : Điều trị cao huyết áp


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Huyết áp là gì?


Huyết là máu. Áp là áp lực. Huyết áp là áp lực máu lưu thông tác động lên thành mạch.


Huyết áp thể hiện bằng hai chỉ số :
- Huyết áp tối đa còn gọi là huyết áp tâm thu hoặc ngắn gọn là số trên. Đây là áp lực được tạo ra khi tim bóp. Nó phản ánh áp lực của dòng máu kháng lại sức cản của thành động mạch. Huyết áp tối đa bình thường từ 90 đến 140 mmHg (đọc là milimét thuỷ ngân).
- Huyết áp tối thiểu còn gọi là huyết áp tâm trương hoặc ngắn gọn là số dưới. Nó phản ánh áp lực bên trong các động mạch khi tim đang đầy và nghỉ ngơi giữa 2 lần đập. Huyết áp tối thiểu bình thường từ 60 đến 90 mmHg.


Do đó, mỗi người phải luôn biết và nhớ hai chỉ số huyết áp của mình mỗi lần đo huyết áp. 

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Vậy, huyết áp là thứ phải tồn tại đương nhiên trong cơ thể con người giống như áp lực nước trong lòng mương, ống nước…

Cao huyết áp là gì?

Một người được xem là cao huyết áp khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) lớn hơn hoặc bằng 90mmHg

Khi bác sĩ ghi huyết áp của bạn : 180/95mmHg tức là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) của bạn là 180mmHg và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) là 95mmHg.


Huyết áp thay đổi trong ngày, theo tuổi và hoạt động của cơ thể. Huyết áp xuống thấp hơn vào ban đêm, lúc ta ngủ, nghỉ và lên cao hơn khi ta vận động, hay tinh thần bị kích động. Người cao tuổi thường có huyết áp cao hơn người trẻ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh cao huyết áp

- Đau đầu
- Hoa mắt
- Chóng mặt
- Ù tai
- Mỏi gáy
- Choáng váng
- Buồn nôn
- Ngực bức rức
- Tim đập nhanh
- Cảm giác nóng bừng ở mặt,…

là các biểu hiện thường gặp nhưng không phải đặc trưng riêng của bệnh cao huyết áp. Do đó, muốn phát hiện bệnh cao huyết áp chỉ bằng cách đi khám và đo huyết áp tại các cơ sở y tế.

Nếu bạn được chẩn đoán bị huyết áp cao, bác sĩ có thể khuyên bạn nên làm một số xét nghiệm khác, chẳng hạn như :

Điện tâm đồ
Một xét nghiệm để đo hoạt động điện, tốc độ và nhịp tim của bạn thông qua các điện cực gắn liền với cánh tay, chân và ngực. Các kết quả được ghi lại trên biểu đồ.


Siêu âm tim
Đây là một xét nghiệm sử dụng sóng siêu âm để cung cấp hình ảnh của các van tim và buồng tim để có thể theo dõi hoạt động bơm máu của tim và đo lường được độ dày của các buồng tim và thành tim.


Nguyên nhân tăng huyết áp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp :

Di truyền
Yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng khi phát sinh bệnh, đặc biệt là di truyền từ những người ruột thịt (cha, mẹ, ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột). Nguy cơ phát bệnh tăng hơn nếu bệnh sử có ở hai người thân trở lên.


Phòng ngừa : Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ này thì hãy thường xuyên đo huyết áp, trường hợp huyết áp cao có tính hệ thống thì nên đi khám.

Giới tính
Phần lớn các bệnh nhân cao huyết áp là nam giới : Hormone giới tính nam kích thích sự gia tăng huyết áp. Khác với phụ nữ, nam giới có khối lượng cơ thể (kể cả cơ bắp) lớn, có nghĩa là lượng mạch máu lưu thông lớn cũng là điều kiện để mức huyết áp tăng. Gần đây thì tỷ lệ bệnh huyết áp cao giữa nam và nữ đã cân bằng. Sau khi mãn kinh thì việc bảo vệ tự nhiên về hormone của hệ thống tim-mạch ở phụ nữ đã bị giảm.


Phòng ngừa : Khi gần 40 tuổi, kể cả nam và nữ nên chú ý hơn đến tình trạng sức khỏe. Khi cần nên đến kiểm tra tại chuyên khoa nội tiết và dùng liệu pháp hormone.

Stress
Khi bị stress khiến tim đập nhiều hơn, bơm lượng máu nhiều hơn. Nếu stress tiếp diễn trong thời gian dài thì sự căng thẳng kinh niên này làm cho các mạch máu bị hỏng và chứng cao huyết áp trở thành mãn tính (kéo dài).


Phòng ngừa : Học cách kiểm soát cảm xúc của mình, thay đổi thái độ đối với mọi vấn đề. Đối với bất cứ sự kiện nào cho dù thoạt nhìn là nghiêm trọng nhất vẫn có thể xét đoán cả mặt tiêu cực cũng như tích cực. Không làm việc quá sức. Qua nghiên cứu cho thấy, những ai làm việc quá 41 giờ/tuần sẽ tăng thêm 15% nguy cơ bị cao huyết áp.

Lạm dụng rượu và thuốc lá
Uống rượu mạnh hàng ngày sẽ làm huyết áp tăng thêm 5-6mmHg/năm. Các thành phần của khói thuốc lá khi vào máu sẽ gây co thắt mạch máu. Ngoài ra, hút thuốc lá sẽ làm tăng tình trạng thiếu oxy của mô não và đại não.


Phòng ngừa : Nên bỏ dần thói nghiện rượu và thuốc lá. Với người bị huyết áp cao chỉ được phép uống tối đa 60ml rượu mạnh/tuần và 200g rượu vang. Đối với cà phê và trà đặc cũng nên hạn chế dùng 1 tách/ngày. Với phổi thì ngay cả một lượng nhỏ nicotin và cũng gây hại.

Ít vận động
Các chuyên gia cho rằng, những người ít vận động sẽ có nguy cơ bị cao huyết áp nhiều hơn 20-50% so với những người chăm tập luyện và lao động thể chất. Khi quả tim không được rèn luyện sẽ khó chịu được sự gắng sức. Những bài tập luyện thể thao sẽ giúp cải thiện độ đàn hồi của mạch máu, giúp giảm trọng lượng thừa, giảm lượng đường trong máu và giảm mức cholesteron xấu mật độ thấp. Các bài tập luyện thể chất thường xuyên làm giảm huyết áp xuống 5-10 mmHg.


Phòng ngừa : Tăng dần cường độ tập luyện thể chất hàng ngày. Năng đi dạo bộ. Luyện các bài tập nhỏ làm cho thành mạch được linh hoạt và dẻo dai. Nếu bạn quyết định tập thể thao, thích các bài tập nhằm tạo độ bền (tập thở, bơi lội…) cũng không nên tập quá sức sẽ làm tăng áp lực lên tâm thu (Huyết áp tối đa). Vì vậy, tốt nhất nên tập vừa phải (30 phút) mỗi ngày, tăng dần cường độ tập từ ít đến vừa phải và điều độ.

Thừa cân
Đây cũng là một yếu tố khá quan trọng. Những người có trọng lượng cơ thể lớn sẽ bị rối loạn chuyển hóa chất béo, mạch máu mất tính đàn hồi, làm cho chúng bị mòn và bị ảnh hưởng bởi chứng xơ vữa động mạch. Nên biết là khi bị thừa cân thì nguy cơ phát sinh cao huyết áp tăng lên 6 lần và cứ mỗi 500g cân thừa làm huyết áp tăng lên 1 đơn vị.


Phòng ngừa : Theo dõi cân nặng, năng vận động thể chất và có chế độ dinh dưỡng ít calo là cách tối ưu.

Ăn mặn
Tình trạng thừa muối gây giữ nước trong cơ thể, dẫn đến chứng phù nề các cơ quan và các mô dẫn đến bệnh tim mạch.


Phòng ngừa : Giảm lượng muối trong thức ăn, hạn chế 5g (bằng 1 thìa cà phê) muối/ngày. Lưu ý rằng trong nhiều thực phẩm (pho mát, thịt nướng, giò chả, đồ hộp, mionez) đã chứa nhiều muối.

Thuốc
Một số thuốc chứa thành phần có thể làm tăng huyết áp như steroid, thuốc giảm cân, thuốc giảm đau NSAID, thuốc ngừa thai, một số thuốc chống trầm cảm,…


Tăng huyết áp do những nguyên nhân kể trên gọi là tăng huyết áp có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát, tăng huyết áp mắc phải). Loại này chiếm 5%-10%
Tuy nhiên, có đến 90%-95% bệnh nhân tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (còn gọi là tăng huyết áp vô căn hoặc tiên phát, nguyên phát).

Điểm khác biệt là tăng huyết áp có nguyên nhân thì chữa triệt để được, ví dụ tăng huyết áp do hẹp động mạch thận thì sau khi nong động mạch hẹp, huyết áp bình thường trở lại, không phải uống thuốc lâu dài.


Điều trị cao huyết áp như thế nào?

Về sinh hoạt 
Buổi sáng, khi tỉnh dậy không nên vội rời khỏi giường, hãy nằm trên giường cử động chân tay, đầu, cổ cho cơ bắp, mạch máu toàn thân hoạt động bình thường, thư giãn, nhằm thích ứng với sự thay đổi của tư thế cơ thể khi rời khỏi giường, tránh được tình trạng váng đầu chóng mặt do mất thăng bằng đột ngột sau những giờ nằm tĩnh trên giường. Sau đó từ từ ngồi dậy, rồi mới ra khỏi giường vận động. Làm như vậy tránh huyết áp bị dao động. 

Nên rửa mặt và súc miệng bằng nước ấm (30 - 35oC). Nếu nước nóng quá hay quá lạnh đều gây kích thích phần cảm thụ của da, làm co giãn mạch máu xung quanh, dẫn tới ảnh hưởng huyết áp. 

Khi súc miệng xong nên uống một cốc nước ấm, sẽ có tác dụng “rửa” dạ dày, ruột, vừa làm loãng máu, giảm độ đậm đặc của huyết dịch, tuần hoàn máu được thông suốt hơn. Việc tập thể dục buổi sáng ở người cao huyết áp không nên vận động mạnh, chỉ nên đi bộ, thể dục mềm dẻo, hoặc tập thái cực quyền… để giúp tăng cường được khả năng co giãn của mạch máu, có lợi cho việc điều hòa huyết áp. 

Việc quan hệ tình dục vợ chồng ở người huyết áp cao cần hài hòa, nhẹ nhàng, tránh gấp gáp, quá độ sẽ làm ảnh hưởng đến huyết áp, dễ dẫn tới tai biến mạch máu não. Mỗi tuần chỉ nên quan hệ 1 lần. Nên tạo cho mình giấc ngủ ngon. Hạn chế thức quá khuya; trước khi đi ngủ nên ngâm chân vào nước ấm, rồi xoa bóp hai chân để thúc đẩy tuần hoàn máu. 

Ngoài ra, cần hạn chế những nơi đông người; giữ cho tinh thần thư thái, tình cảm ít xúc động. Người xưa đã nói: “Đại nộ thương can” - tức giận quá dễ hại gan, gan bốc hỏa, choáng đầu hoa mắt, gây cao huyết áp, thậm chí đột quỵ rất nguy hiểm. Vì vậy cần biết kiềm chế, tránh những cơn giận dữ nóng nảy không cần thiết. 

Về ăn uống
- Bữa sáng : cần ăn uống nhẹ, thanh đạm, không ăn quá no và cũng không nên nhịn.
- Bữa trưa : cần ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhưng cũng đừng ăn no quá. Ăn xong, hoạt động nhẹ, rồi tranh thủ ngủ trưa ngắn (có thể từ 30 phút đến 1 giờ), nếu không có điều kiện thì ngồi nghỉ sẽ có lợi cho hạ huyết áp. Không nên làm việc gì nặng sau bữa ăn trưa.
- Bữa tối : nên ăn nhẹ, dùng các món ăn dễ tiêu hóa và thức ăn loãng vì nếu cung cấp nước không đủ, sẽ làm cho huyết dịch cơ thể ban đêm trở nên đậm đặc, dẫn đến tắc động mạch gây tăng huyết áp.

Về thực phẩm


Cần tây : Nghiên cứu hiện đại cho thấy, nước ép cần tây có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và hạ huyết áp.

Cải cúc : Là loại rau thông dụng, chứa nhiều acid amin và tinh dầu, có tác dụng làm thanh sáng đầu óc và giáng áp.

Rau muống : chứa nhiều canxi, rất có lợi cho việc duy trì áp lực thẩm thấu của thành mạch và huyết áp trong giới hạn bình thường, là thứ rau đặc biệt thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo triệu chứng đau đầu.

Măng lau : Có công dụng hoạt huyết, thông tràng vị, khai hung cách (làm thoải mái lồng ngực) và chống phiền khát. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, măng lau có khả năng tiêu trừ mệt mỏi, tăng cường thể lực, làm giãn mạch, cường tim, lợi niệu, giáng áp và phòng chống ung thư, là thức ăn rất thích hợp cho người bị cao huyết áp và xơ vữa động mạch.

Cà chua : Là thực phẩm rất giàu vitamin C và P, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1- 2 quả cà chua sống sẽ có khả năng phòng chống cao huyết áp rất tốt, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt.

: Đặc biệt cà tím là thực phẩm rất giàu vitamin P, giúp cho thành mạch máu được mềm mại, dự phòng tích cực tình trạng rối loạn vi tuần hoàn hay gặp ở những người bị cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.

Cà rốt : Có tác dụng làm mềm thành mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và ổn định huyết áp. Nên dùng dạng tươi, rửa sạch, ép lấy nước uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần chừng 50ml. Đây là thứ nước giải khát đặc biệt tốt cho những người bị cao huyết áp có kèm theo tình trạng đau đầu, chóng mặt.

Ngoài ra một số thức ăn tốt cho người cao huyết áp như: Hành tây, Nấm hương, Nấm rơm, Mộc nhĩ, Tỏi, Lạc, Hải tảo, Đậu hà lan, Đậu xanh, Táo, Chuối tiêu, Dưa hấu, Dưa chuột.......


Các biến chứng thường gặp của cao huyết áp

1. Các biến chứng tim mạch do cao huyết áp

Bệnh mạch vành


Cao huyết áp lâu ngày làm hư lớp nội mạc (lớp áo trong cùng) của mạch vành, làm các phân tử cholesterol tỉ trọng thấp (LDL) dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào lớp áo trong động mạch vành, sau đó làm hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành.

Khi động mạch vành bị hẹp nhiều, bệnh nhân thấy đau ngực, nghẹn trước ngực khi gắng sức, khi vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi bệnh nhân ngừng gắng sức (triệu chứng bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ). Đau trước ngực có thể lan lên cổ, lan ra tay trái và ra sau lưng. Nếu mảng xơ vữa động mạch bị nứt, vỡ thì trong động mạch vành hình thành huyết khối, làm tắc động mạch vành và làm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

Suy tim


Cao huyết áp làm tăng khối lượng công việc cho tim. Theo thời gian, điều này có thể làm cho cơ tim bị dày thêm. Khi tim bơm máu chống lại huyết áp tăng cao trong các mạch máu, thì tâm thất trái nở to và số lượng máu do tim bơm mỗi phút (cardiac output) giảm xuống, một tình trạng được gọi là chứng phì đại tâm thất trái. (left ventricular hypertrophy – LVH).  Nếu không điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến suy tim (heart failure).

2. Các biến chứng về não do cao huyết áp


- Xuất huyết não: Khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong.

- Nhũn não: Cao huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự mạch vành), nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây chết một vùng não (còn gọi là nhũn não).

- Thiếu máu não: Cao huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ khiến người bệnh thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh.

3. Các biến chứng về thận do cao huyết áp


Thận đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho huyết áp được bình thường, và ngược lại, huyết áp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thận. Nguyên nhân là do cao huyết áp làm các mạch máu trong thận bị hư hại, làm hỏng bộ lọc cầu thận, ngăn chặn việc đào thải chất cặn bã và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Các chất lỏng dư thừa trong các mạch máu sau đó có thể làm cao huyết áp nhiều hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu của suy thận. Những người bị suy thận hoặc phải ghép thận hoặc phải lọc máu thận thường xuyên, gọi là “chạy thận nhân tạo”.

Người có bệnh tiểu đường có nguy cơ suy thận rất cao.

4. Biến chứng về mắt do cao huyết áp


Cao huyết áp làm hư mạch máu võng mạc, thành động mạch dày và cứng làm hẹp lòng mạch lại. Khi có quá trình xơ cứng thành mạch thì động mạch sẽ đè bẹp tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn làm bệnh nhân hỏng mắt tiến triển theo các giai đoạn.

Cao huyết áp còn làm xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

5. Các biến chứng về mạch ngoại vi
Cao huyết áp làm động mạch chủ phình to, có thể bóc tách và vỡ thành động mạch chủ dẫn đến chết người.

Cao huyết áp làm hẹp động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch chân. Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, bệnh nhân đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại nghỉ (đau cách hồi).



Cách đo huyết áp

Trước khi đo, người được đo cần được ngồi nghỉ ngơi thoải mái, ít nhất trong 5 phút, không nên có sự gắng sức nào trước đó 30 phút. Đồng thời, không được hút thuốc, không được uống cà phê trước khi đo huyết áp. Nơi đo phải thoáng mát, không quá nóng hoặc không quá lạnh.

Cách đo huyết áp bằng máy đo cơ
Đặt ống nghe vào tai với hai càng ống nghe hướng ra trước. Đặt màng loa ống nghe vào dưới dải băng ngay khuỷu tay rồi khóa van xả hơi ở gần bóng cao su.
Bóp bóng cao su làm phồng dải băng và quan sát đồng hồ. Ngừng bơm thêm khi kim ở số 200 (hay cao hơn 30 – 40 mmHg so với chỉ số huyết áp bình thường của huyết áp tâm thu) rồi từ từ xả hơi qua van đã đóng khi nãy (kim tụt xuống 2 – 3 mmHg mỗi giây).

Từ khi bắt đầu xả hơi qua van, tập trung lắng nghe nhịp đập trong khi mắt quan sát đồng hồ huyết áp. Nhịp đập đầu tiên xuất hiện tương ứng với chỉ số ở kim đồng hồ là huyết áp tâm thu.

Tiếp tục xả và lắng nghe cho đến khi không còn nghe được nhịp đập nào cả. Nhịp cuối cùng tương ứng với chỉ số ở kim đồng hồ là huyết áp tâm trương.


Nếu bạn muốn đo lại, hãy chờ khoảng 2 – 3 phút sau khi xả hết khí trong dải băng quấn.

Thông thường, người ta đo huyết áp ở động mạch cánh tay, có thể đo ở mọi tư thế nằm, ngồi, hoặc đứng. Ở nước ta các thầy thuốc thường đo ở tư thế nằm. Để trần cánh tay được dùng đo huyết áp, chú ý đặt ngang vị trí quả tim, chỗ để cánh tay phải êm, quấn bao huyết áp kế quanh 2/3 dưới của cánh tay, trên nếp khuỷu 2cm, đầu dưới cột thủy ngân cũng phải đặt ngang mức với tim bệnh nhân và huyết áp kế đặt trên mặt phẳng. Sờ động mạch cánh tay ở vị trí chỗ gấp khuỷu tay rồi đặt ống nghe lên trên đường đi của động mạch ngay sát bờ dưới bao huyết áp kế, không ấn quá mạnh. Sau đó, bơm hơi cho túi cao su phồng lên, bơm nhanh tới con số cao hơn dự kiến 30 mmHg trên mức áp lực đủ làm mất mạch quay, tai không nghe thấy tiếng đập thì xả hơi từ từ.

Huyết áp tâm thu (Huyết áp tối đa) là con số trên cột thủy ngân hoặc của vạch kim đồng hồ mà khi nghe thấy tiếng đập động mạch đầu tiên, huyết áp tâm trương là con số hoặc vạch kim khi tiếng đập động mạch đó mất đi. Khi đo xong, xả hết hơi trong băng quấn và lại đo thêm 2 lần nữa để kiểm tra. Nên lấy kết quả của lần đo sau vì trạng thái thần kinh của người được đo huyết áp đã ổn định hơn. Người ta hay nhắc đến hiện tượng “áo choàng trắng” – hiện tượng người bị tăng huyết áp do lo lắng, hồi hộp khi ở trong bệnh viện. Đối với người được đo huyết áp lần đầu nên đo ở cả 2 cánh tay xem có bị chênh lệch không.


Với trẻ em, vì cánh tay nhỏ hơn nhiều, nên dùng loại huyết áp kế với dải băng quấn chế tạo riêng cho các em.

Khi đo huyết áp nên mặc áo cộc tay, hoặc vai rộng để có thể xắn tay áo lên dễ dàng. Nhớ thả lỏng cánh tay và điều hòa hơi thở trước khi quấn băng bơm đo huyết áp quanh cánh tay.

Cách đo huyết áp bằng máy đo tự động
Quấn dải băng quanh bắp tay rồi nhấn nút bật công tắc máy đo (hoặc nhấn nút “start”). Máy tự động bơm khí vào dải băng quấn đến một chỉ số nhất định nào đó rồi tự động xả khí từ từ.


Sau đó, kết quả huyết áp được hiển thị trên màn hình của máy đo. Ta nhấn nút xả khí để máy tự động thoát hết khí ra ngoài và tháo băng quấn ra.

Trong trường hợp muốn đo lại, hãy chờ khoảng 2 – 3 phút sau khí xả hết khí trong dải băng quấn.





BLOG : Chữ hiếu xưa và nay


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Chữ hiếu truyền thống người Việt có giá trị rất lớn từ xa xưa và được coi như là nền tảng của đạo đức con người. Con cái vâng lời cha mẹ và các bậc lão niên, cho dù đôi lúc những giáo lý khá khác biệt với nhận thức và mong muốn thực sự của lớp trẻ. Chữ hiếu ngày xưa cũng thường gắn với các lễ nghi và các khuôn mẫu. Nh vậy mà nó vẫn tồn tại và bắt rễ chặt chẽ trong cuộc sống đến tận ngày nay. Thời hiện đại nhiều quan niệm cũng thay đổi. Quan hệ xã hội cũng thay đổi, nhận thức xã hội cũng thay đổi cho nên xét riêng về chữ hiếu cũng có nhiều sự thay đổi cả về quan niệm cũng như cách thực hành của xã hội.

Các bạn có thể tham khảo bài dưới đây với một góc nhìn riêng nhưng có tính tổng quát cao. Hy vọng mỗi người chúng ta sẽ có dịp suy nghĩ về chữ hiếu cho riêng mình.


Chữ hiếu ngày xưa

Đức Phật dạy: “Hiếu thảo đứng đầu muôn hạnh”; “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Dù là con trai, con gái hay con dâu thì hiếu thảo vẫn là cái nết tốt đứng đầu, hiếu thảo là đạo trọng. Từ xưa tới nay, hiếu thảo được xem là đạo lý làm người, là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Từ nhỏ ta đã nghe những lời ru của mẹ như:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

hay là:
“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước sáng ngời biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ thuộc lòng con ơi!”

Ca dao có câu:
“Làm trai nết đủ trăm đường
Trước tiên điều hiếu, đạo thường xưa nay
Công cha đức mẹ cho dày
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ hai thân
Thức khuya dậy sớm cho cần
Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con”

Dù đầy đủ ấm no hay nghèo đói gian khổ, thật diễm phúc cho những ai còn có cha mẹ cạnh bên để kính cẩn, yêu thương và báo đền. Thời gian trôi qua, nỗi lo lắng nhất của người con hiếu thảo chính là sự trắng dần của những sợi tóc trên đầu mẹ, là cái lưng ngày càng còng xuống đầy nặng nề của cha. Hạnh phúc lớn nhất của đời con là có cha có mẹ và con luôn cầu mong cho niềm vui ấy được kéo ra thật dài dù vẫn biết chẳng bao giờ vĩnh viễn .

Mừng thọ là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Chính vì vậy, việc tổ chức mừng thọ là một nét đẹp văn hoá cần được duy trì và đáng trân trọng. Mừng Thọ hoặc Mừng Đại Thọ, Mừng Thượng thọ... là các dịp rất đặc biệt, rất quan trọng và rất nhiều ý nghĩa của mỗi gia đình, đồng thời cũng là cơ hội giúp mọi người trong gia đình có dịp ngồi lại bên nhau mừng tuổi, chúc phúc cho ông bà, cha mẹ, ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu giữa các thành viên trong gia đình, cùng cảm nhận sự hy sinh, nổi vất vả của ông bà cha mẹ và bày tỏ sự quan tâm, tình yêu thương dành cho đấng sinh thành.

Trong Nhị Thập Tứ Hiếu ta bắt gặp hình ảnh cậu bé nhà nghèo nhưng vẫn thể hiện được đạo hiếu. Ngô Mãnh lên tám, nhà nghèo không có màn. Thương cha mẹ bị muỗi cắn, đêm đêm Ngô Mãnh thường cởi áo nằm trần để dụ muỗi. Mặc cho muỗi đốt cậu bé không dám đuổi vì sợ đuổi muỗi đi thì chúng bay sang hút máu cha mẹ :
“Đêm hè không màn trướng
Muỗi nhiều chẳng dám nao
Mặc bay no máu mỡ
Đừng đốt cha mẹ tao”



Hán Vũ Đế đối với mẹ rất hiếu thảo. Sau khi vua lên ngôi thì mẹ vua lâm bệnh nặng. Hằng ngày, ngoài giờ thiết triều Vua luôn ở bên cạnh mẹ để chăm sóc. Khi những người hầu đem thuốc đến, nhà vua nhất định tự mình nếm trước rồi mới dâng mẹ uống. Mẹ của vua nhìn thấy vậy rất đau lòng khuyên vua đi nghỉ để những người hầu chăm sóc. Nhà vua liền quỳ xuống thưa với mẹ :
“Nếu như con không thể hầu mẹ khi còn sống, tự con không làm những việc nhỏ cho mẹ.
Biết khi nào con mới có cơ hội báo đáp ân dưỡng của mẹ?”



Như người con gái xa quê đã tiếc nuối khi không thể chăm sóc cha mẹ.
“Chim đa đa đậu nhánh đa đa, Chồng gần không lấy, để lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu, mẹ già.
Bát cơm đôi đũa, kỹ trà ai dâng?”


Lời bài hát: “Có con chim đa đa nó đậu cành đa . Sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa” . Đó chính là đạo hiếu đã ăn sâu trong tâm thức người Việt Nam chúng ta. Nếu những ai có cha mẹ còn trẻ hãy cảm ơn cuộc đời này vì chúng ta có một thành trì vững chắc để tựa nương. :
“Nếu mình hiếu với mẹ cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghĩa
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công”.


Chữ hiếu thời nay

Tại trước khu chợ Phúc Lộc Thọ, một người gặp một bà già Việt Nam lụ khụ ngả nón ăn mày. Không biết bà sang Mỹ đã lâu hay bây giờ mới qua? Tại sao bà lại phải ăn mày ở cái xứ người già có tiền trợ cấp xã hội đàng hoàng? Ôi, vì sao? tại sao? làm sao?

Trong giờ lễ Chủ Nhật, tại nhà thờ Saint Columban, một vị linh mục đã làm nhiều người nghe phải nhỏ lệ khi ông kể một câu chuyện về một người Mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư, dược sĩ, nhưng rồi cả mười đứa con ấy, không nuôi nổi một bà Mẹ già. Đứa nào cũng có lý do để từ chối không muốn ở với Mẹ.

Linh mục này cũng kể lại lúc ông còn ở Chicago, có một lần trong thời tiết lạnh giá, đến thăm một bà Mẹ, thấy căn nhà rộng mông mênh, không có ai, vì hai vợ chồng đứa con đi làm cả. Điều ông quan tâm là thấy trong nhà rất lạnh, bà Mẹ phải mặc hai áo nhưng vẫn lạnh cóng. Ông có hỏi bà mẹ tại sao không mở máy sưởi, thì bà Mẹ cho biết là không dám mở vì sợ khi con đi làm về, sẽ càm ràm là “tốn tiền điện quá!” Những đứa con sang trọng kia, có thể chờ đến ngày Lễ Mẹ, thì đưa mẹ ra ăn tô phở, hoặc gọi điện thoại về nhà, nói: “I love you, mom!” Thế là đủ bổn phận của một đứa con thành công ở Mỹ đối với người mẹ yêu dấu của mình.

Những Bà Mẹ ở đây là hiện thân của Mẹ Việt Nam đau khổ, đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, nhưng khi con cái phụ rẫy, bỏ bê, cũng im lặng chấp nhận cho đến hết cuộc đời.
Có biết bao nhiêu trường hợp như thế trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Biết bao nhiêu bà mẹ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng tất cả những đau khổ từ khi lấy chồng, sinh con, rồi ráng nuôi dạy con nên người, sau đó lại chấp nhận những đứa con bất hiếu như một định mệnh mà không hề thốt lời than vãn?

Một bà mẹ đã dành dụm bao năm buôn gánh bán bưng để cho con vượt biên một mình, sau đó, khi qua đến Mỹ, thằng con sợ vợ quá, không dám để mẹ ngủ trong phòng, mà bảo mẹ phải ngủ dưới đất trong phòng khách. Một lần, con chó xù của hai vợ chồng đứng đái ngay vào đầu mẹ. Bà mẹ kêu lên, thì đứa con dâu cười, trong khi chồng đứng yên, chẳng dám nói gì.

Bà mẹ khác, không được ở chung với con trai, phải thuê một phòng của người bạn, vì sức khoẻ yếu, lúc nào cũng lo là chết không có ai chôn. Khi nghe nói về bảo hiểm nhân thọ, bà có năn nỉ thằng con trai đứng tên mua giùm, để bà bớt chút tiền già và đóng hàng tháng để mai sau, con có tiền lo hậu sự cho bà, nhưng đứa con dâu nhất định không chịu, cho rằng “tốn tiền vô ích, chết thì thiêu, liệng tro xuống biển là xong, chôn làm gì cho mất thời giờ đi chăm sóc.” Bà cụ uất quá, phát bệnh và qua đời. Không biết rồi bà có được chôn cất đàng hoàng theo ý muốn, hay lại bị cô con dâu vứt tro ra biển.

Không thiếu những bà mẹ khi đến thăm con trai, phải ngồi nhìn vợ chồng ăn uống ríu rít với nhau, vì con dâu không chịu dọn thêm một chén cơm mời mẹ. Một bà mẹ nhớ con nhớ cháu quá, đến thăm con, nhưng sợ con dâu sẽ nhiếc móc thằng chồng, nên vừa vào tới cửa đã vội thanh minh: “Mẹ không ăn cơm đâu! Mẹ vừa ăn phở xong, còn no đầy bụng. Mẹ chỉ đến cho thằng cháu nội món quà thôi!”

Không thiếu những bà mẹ vì lỡ đánh đổ một chút nước trên thảm mà bị con nhiếc móc tơi bời. “Trời đất ơi! Cái thảm của người ta cả vài ngàn bạc mà đánh đổ đánh tháo ra thế thì có chết không?”

Có bà mẹ bị bệnh ung thư, biết là sắp chết, mong được con gái đưa về Việt Nam, nhưng con đổ thừa cho chồng không cho phép về, rồi biến mất tăm, sợ trách nhiệm. Mẹ phải nhờ người đưa ra phi trường, nhờ người dưng đi cùng chuyến bay chăm sóc cho đến khi về tới nhà. Từ lúc đó đến lúc mẹ mất, cả con gái lẫn con rể, cháu chắt cũng chẳng hề gọi điện thoại hỏi thăm một lần.

Một bà mẹ già trên 70 tuổi rồi, có thằng con trai thành công lẫy lừng, bốn năm căn nhà cho thuê, nhưng bà mẹ phải lụm cụm đi giữ trẻ, nói đúng ra là đi ở đợ vì phải lau nhà, rửa chén, nấu cơm, để có tiền tiêu vặt và để gộp với tiền già, đưa cả cho… con trai, một thanh niên ham vui, nhẩy nhót tung trời, hai, ba bà vợ. Mỗi khi gặp bà con, chưa cần hỏi, bà đã thanh minh: “Ấy, tôi ngồi không cũng chả biết làm gì, thôi thì đi làm cho nó qua ngày, kẻo ở nhà rộng quá, một mình buồn lắm!”

Trong một cuộc hội thoại, một bà mẹ đã khóc nức nở vì chỉ đứa con gái phụ rẫy, bỏ bà một mình cô đơn. Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất, chồng chết trong trại cải tạo. Trong bao nhiêu năm, bà đã gồng gánh nuôi con, rồi cùng vượt biên với con, tưởng mang hạnh phúc cho hai mẹ con, ai ngờ cô con chờ đúng 18 tuổi là lẳng lặng xách vali ra đi. Nước mắt bà đã chảy cho chồng, nay lại chảy hết cho con.

Tại những nhà dưỡng lão gần trung tâm Thủ Đô Tị Nạn, có biết bao nhiêu bà mẹ ngày đêm ngóng con đến thăm nhưng vẫn biệt vô âm tín. Một bà cụ suốt ba năm dài, không bao giờ chịu bước xuống giường, vì biết rằng chẳng bao giờ có đứa con nào đến thăm. Bà đã lẳng lặng nằm suốt ngày trên giường như một sự trừng phạt chính mình vì đã thương yêu con cái quá sức để đến tình trạng bị bỏ bê như hiện tại. Sau ba năm, bà mất vì các vết lở, vì nỗi u uất, mà những người chăm sóc bà vẫn không biết gia cảnh bà như thế nào, vì bà không hề nhắc đến. Có điều chắc chắn là khi bà còn là một thiếu nữ, bà phải là một mẫu người làm cho nhiều người theo đuổi, quyến luyến, tôn sùng. Chắc chắn bà đã trải qua bao năm tháng thật tươi đẹp, vì cho đến khi mất, khuôn mặt bà, những ngón tay bà, và dáng dấp bà vẫn khoan thai, dịu dàng, pha một chút quý phái. Nhưng tất cả những bí ẩn đó đã được bà mang xuống mồ một cách trầm lặng.

Một buổi chiều tháng 5, tại một tiệm phở Việt Nam, một mẹ già đứng tần ngần bên cánh cửa. Khi được mời vào, mẹ cho biết mẹ không đói, nhưng chỉ muốn đứng nhìn những khuôn mặt vui vẻ, để nhớ đến con mình, đứa con đã bỏ bà đi tiểu bang khác, để mẹ ở với đứa cháu là một tên nghiện rượu, đã hăm doạ đánh mẹ hoài. Hắn đã lấy hết tiền trợ cấp của mẹ, lại còn xua đuổi mẹ như cùi hủi. Hôm nay, hắn lái xe chở mẹ đến đầu chợ, đẩy mẹ xuống và bảo mẹ cút đi! Mẹ biết đi đâu bây giờ?

Trong một căn phòng điều trị tại bệnh viện Ung Thư, một bà cụ đã gào lên nức nở khi người bệnh nằm bên được chuyển đi nơi khác. “Bà ơi! Bà bỏ tôi sao? Bà ơi! Đừng đi! Đừng bỏ tôi nằm một mình! Tôi sợ lắm, bà ơi!” Những tiếng kêu, tiếng khóc nấc nghẹn đó lặp đi lặp lại làm người bệnh sắp chuyển đi cũng khóc theo. Người y tá cũng khóc lặng lẽ. Anh con trai của người sắp đi xa, không cầm được giọt lệ, cũng đứng nức nở. Cả căn phòng như ngập nước mắt. Mầu trắng của những tấm trải giường, mầu trắng của tấm áo cánh của bà cụ như những tấm khăn liệm, tự nhiên sáng lên, buồn bã. Bà cụ nằm lại đó đã không có đứa con nào ở gần đây. Chúng đã mỗi đứa mỗi nơi, như những cánh chim không bao giờ trở lại.

Trên đại lộ Bolsa, thỉnh thoảng người ta thấy một bà mẹ già, đẩy chiếc xe chợ trên chứa đầy đồ linh tinh. Mẹ chỉ có một cái nón lá để che nắng che mưa. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ như những đường rãnh bùn lầy nước đọng, đâu đó ở chợ Cầu Ông Lãnh, Thủ Thiêm, gần bến Ninh Kiều, Bắc Mỹ Thuận hay ở gần cầu Tràng Tiền, Chợ Đông Ba? Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ? Những đứa con của mẹ giờ chắc đang vui vầy…


LÀM NGƯỜI CẦN PHẢI HIẾU THẢO VỚI CHA MẸ

Con người và thú vật khác nhau ở điểm là con người có trí huệ, biết hiếu thảo, biết giữ tục lệ nề nếp, biết quý trọng lễ, nghĩa. Không hiểu quy củ, không biết hiếu thảo với cha mẹ, không biết những điều kiện căn bản làm người, thì mình với ngựa, dê, trâu, bò có khác gì ?

Hiếu thảo với cha mẹ là biết vâng lời cha mẹ và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn; chứ không phải là nuôi dưỡng cha mẹ, cho cha mẹ áo quần đẹp để mặc, rồi cho là đã hết lòng hiếu thảo rồi! Không phải như vậy!

Thế nào là trọn vẹn chữ hiếu? Ðầu tiên mình phải biết nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, không chống đối, không làm ngược lại lời cha mẹ. Phải hết sức cung kính nghe theo lời cha mẹ dạy; lúc đối đáp với cha mẹ thì phải hết sức "hòa nhan duyệt sắc," nhỏ nhẹ, ngoan ngoãn. Cha mẹ sai bảo điều gì thì phải làm ngay, không được lười biếng hoặc tỏ thái độ không vui, không thích. Nếu mình có điều gì sai lầm, bị cha mẹ rầy la, thì phải hết sức vui vẻ mà tiếp nhận, không được có thái độ cứng đầu, không chịu lãnh hội lời chỉ bảo.