Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật.
Hồ sơ Pandora là loạt tài liệu mới được công bố, tiết lộ cách hàng trăm người giàu có, quyền lực nhất thế giới chuyển tài sản tới thiên đường thuế ở nước ngoài.
Hồ sơ Pandora hay tài liệu Pandora là vụ việc 11,9 triệu tài liệu bị rò rỉ (bao gồm 2,9 terabyte dữ liệu) do Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố kể từ ngày 3/10/2021. Theo các cơ quan báo chí của ICIJ, đây là vụ rò rỉ bí mật tài chính lớn nhất của họ. Các tài liệu bị rò rỉ bao gồm hồ sơ, hình ảnh, thư điện tử và các bảng tính đến từ 14 công ty dịch vụ tài chính khác nhau thuộc Panama, Thụy Sĩ và UAE.
Với 11,9 triệu tài liệu được công bố, mức độ nghiêm trọng của vụ việc này đã vượt qua vụ rò rỉ hồ sơ Panama xảy ra vào năm 2016 (vốn chỉ có 11,5 triệu tài liệu mật bị tiết lộ). Vào thời điểm ICIJ công bố hồ sơ Pandora, cơ quan này cho biết họ không xác định được ai là kẻ đã cung cấp những tài liệu này cho họ.
Theo các cơ quan báo chí, ước tính có khoảng 32 nghìn tỷ đô la Mỹ (không bao gồm các loại tài sản có giá trị phi tiền tệ như bất động sản, đồ mỹ nghệ và đồ trang sức) có thể được che giấu nhằm tránh bị đánh thuế.
Các gương mặt cựu lãnh đạo và lãnh đạo xuất hiện trong Hồ sơ Pandora - REUTERS
Vụ rò rỉ
Tổng cộng, có 35 người, bao gồm các nhà lãnh đạo quốc gia đang tại vị và cựu lãnh đạo quốc gia có tên trong vụ rò rỉ Pandora, cùng với 400 quan chức đến từ gần 100 quốc gia. Trong số những cái tên này, có:
- cựu Thủ tướng Anh Tony Blair,
- Tổng thống Chile Sebastián Piñera,
- Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta,
- Tổng thống Montenegro Milo Đukanović,
- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky,
- Vua Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar,
- Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba
- Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso.
Ngoài ra có:
- hơn 100 tỷ phú,
- 29.000 công ty quốc tế,
- 30 người là lãnh đạo đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm
- cùng 336 chính trị gia
đã được nêu tên trong lần rò rỉ đầu tiên của hồ sơ Pandora vào ngày 3/10/2021.
Vua Jordan Abdullah II tại Strasbourg, Pháp, hồi tháng 1/2020. Ảnh: Reuters.
Là một trong những nhân vật chính của vụ rò rỉ hồ sơ Pandora, Vua Abdullah II của Jordan được cho là đã đầu tư hơn 100 triệu đô la Mỹ vào những bất động sản trên khắp lãnh thổ Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, bao gồm những căn nhà ở Cliffside Drive, Malibu, Washington DC, Luân Đôn và Ascot.
Tony and Cherie Blair have furiously denied wrongdoing after their financial arrangements emerged in the Pandora Papers ( Image: PA)
Trong khi đó, một công ty ở Anh do Cherie Blair điều hành cũng được cho là đã giao dịch tổng cộng 6,45 triệu bảng tiền bất động sản ở London bằng cách mua đứt Romanstone International Limited, một công ty ở Quần đảo Virgin. Bằng cách này, Blair sẽ tiết kiệm được 312 nghìn bảng tiền thuế trước bạ so với việc mua bất động sản trực tiếp. Tên của Tony Blair (chồng Cherie Blair) cũng xuất hiện trong một báo cáo về thu nhập chung cho khoản thế chấp có liên quan.
Hồ sơ Pandora cũng tiết lộ rằng vào năm 2018, một khối văn phòng do gia đình Tổng thống Aliyev (Azerbaïdjan) sở hữu đã được bán cho Crown Estate, một tổ chức bất động sản của Hoàng gia Anh với số tiền 66 triệu bảng, qua đó giúp Aliyev thu về 31 triệu bảng tiền lãi. Trong khi một khối văn phòng khác trị giá 33 triệu bảng cũng đã được bán cho gia đình ông này trong năm 2009, sau đó được chuyển nhượng cho người con trai là Heyder Aliyev.
Ở Nga, một cộng sự thân thiết của Vladimir Putin được cho là cũng sở hữu một bất động sản bí mật ở Monaco.
Trong khi đó Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babiš, người từng hứa hẹn về việc truy quét tham nhũng và trốn thuế trong cuộc vận động tranh cử của mình, đã che giấu việc bản thân sử dụng một công ty đầu tư ở nước ngoài với mục đích mua 8 bất động sản, bao gồm 2 biệt thự ở Mougins, vùng Côte d’Azur với giá 12 triệu bảng.
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cũng có tên trong hồ sơ này, bất chấp vào năm 2018 ông đã khẳng định rằng: "Tài sản của mỗi một người công chức phải được kê khai một cách công khai để mọi người có thể thắc mắc và đặt câu hỏi. – liệu tài sản nào là hợp pháp?". Theo đó, Kenyatta cùng với 6 thành viên trong gia đình của ông được cho là có liên quan đến 13 công ty nước ngoài.
Những cái tên đình đám khác được nhắc tới trong vụ này bao gồm:
- Ca sĩ Shakira đã tạo lập nhiều tài khoản ở nước ngoài trong thời gian bị xét xử vì tội trốn thuế.
- Bên cạnh đó hồ sơ Pandora còn có người mẫu Claudia Schiffer;
- vận động viên cricket người Ấn Độ Sachin Tendulkar;
- Alexandre Cazes, nhà sáng lập trang dark web có tên AlphaBay, người từng dính dáng tới một vụ buôn ma túy bất hợp pháp;
- Bộ trưởng Bộ Tài chính Pakistan Shaukat Fayaz Ahmed Tarin cùng một số thành viên trong gia đình của các tướng lĩnh hàng đầu nước này;
- Giám đốc điều hành của Kênh truyền hình Nga Konstantin Ernst.
Ngoài ra, một số nhân vật như Miguel Bosé, Pep Guardiola và Julio Iglesias cũng có tên trong hồ sơ này.
"Hồ sơ Pandora" điểm mặt giới tinh hoa châu Á
Phản ứng chung của nhiều nhân vật bị nêu tên trong "Hồ sơ Pandora" là khẳng định không làm gì sai hoặc phủ nhận sự liên quan đến công ty, quỹ tín thác ở các thiên đường thuế.
Nhiều nhân vật có ảnh hưởng ở châu Á có tên trong "Hồ sơ Pandora" vừa được Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố hôm 3/10/2021. Họ thuộc số hàng ngàn người khắp thế giới bị xem là có liên hệ đến những công ty hoặc quỹ tín thác tại các thiên đường thuế.
Malaysia
Tại Malaysia, hơn 10 người nổi tiếng, trong đó có ít nhất 4 chính trị gia còn hoạt động, có tên trong "Hồ sơ Pandora".
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz hôm 4/10/2021 cho biết đang tham vấn đội ngũ pháp lý sau khi trang tin Malaysiakini cho rằng ông vẫn còn liên hệ với Công ty Capital Investment (Labuan) Limited. Theo ông Aziz, công ty này hiện thuộc về Tập đoàn Kenanga và ông đã từ bỏ vai trò điều hành, lãnh đạo tập đoàn vào năm 2010.
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz. Ảnh: Reuters Cũng theo trang Malaysiakini, "Hồ sơ Pandora" nhắc đến ông Zahid Hamidi, chủ tịch đảng Tổ chức Dân tộc Malaysia thống nhất (UMNO), trong vai trò giám đốc của Công ty Breedon Limited, trụ sở ở Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI).
Trong khi đó, một số nhân vật như cựu bộ trưởng tài chính Daim Zainuddin và nghị sĩ William Leong khẳng định họ không làm gì sai trong các giao dịch liên quan đến công ty tại thiên đường thuế.
Indonesia
Còn tại Indonesia, 2 bộ trưởng và một số doanh nhân cũng có tên trong "Hồ sơ Pandora".
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto nói với trang Tempo rằng ông không biết gì về các công ty mà ông bị tố đã thành lập ở BVI.
Phát ngôn viên của Bộ trưởng Điều phối hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan xác nhận ông này từng làm việc cho Công ty Petrocapital SA đăng ký tại Panama từ năm 2007 đến 2010 nhưng nói thêm khi đó ông chưa làm việc cho chính phủ.
Bộ trưởng Airlangga Hartarto. Ảnh: tribunnews.com "Hồ sơ Pandora" cũng hé lộ ông Dennis Uy, một trong nhà gây quỹ hàng đầu cho Tổng thống Rodrigo Duterte và là người giàu thứ 6 của Philippines, là chủ sở hữu Công ty China Shipbuilding and Exports Corp tại BVI.
Bộ trưởng Giao thông Arthur Tugade và các người con của ông kiểm soát Công ty Solart Holdings Limited tại BVI.
Pakistan
Imran Khan 2019. Một số cái tên nổi bật trong chính phủ của Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng có tên trong "Hồ sơ Pandora", buộc nhà lãnh đạo này lên tiếng sẽ tiến hành điều tra và có hành động phù hợp nếu phát hiện hành vi sai trái.
Ấn Độ
Ông Sachin Tendulkar. Ảnh: Reuters
Tại Ấn Độ, khoảng 300 cái tên được nhắc đến, trong đó có siêu sao môn bóng gậy Sachin Tendulkar, một số chính khách, cựu quan chức chính phủ...
Nhật Bản
Trong khi đó, hơn 1.000 công ty và cá nhân ở Nhật Bản có tên trong "Hồ sơ Pandora", nổi bật là Takao Yasuda (nhà sáng lập chuỗi cửa hàng Don Quijote) và Masayoshi Son (Chủ tịch Tập đoàn SoftBank). Cả hai công ty này khẳng định không có chuyện phạm pháp gì ở đây.
Trung Quốc
Doanh nhân Feng Qiya là chính khách Trung Quốc duy nhất được nói đến kể từ khi "Hồ sơ Pandora" được công bố. Feng Qiya đã lập Công ty Linkhigh Trading ở nước ngoài vào năm 2016 nhưng doanh nghiệp này hiện không còn hoạt động.
Hồng Kông
Tại Hồng Kông, tỉ phú Tung Chee Hwa và cựu Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh bị cho là có liên quan đến các công ty ở thiên đường thuế.
Công ty luật Alcogal của Panama giúp người giàu giấu tiền ở thiên đường thuế
Theo Hồ sơ Pandora, hãng luật danh tiếng Alcogal của Panama dính sâu vào việc thành lập các công ty bình phong ở nước ngoài để giấu tiền cho hơn 160 chính trị gia và nhân vật công chúng.
Cuộc điều tra Hồ sơ Pandora có sự tham gia của 600 nhà báo thuộc các tờ báo lớn như Washington Post, BBC và Guardian, dựa trên những tài liệu rò rỉ từ 14 công ty dịch vụ tài chính trên thế giới. Họ chỉ ra rằng, hãng luật Aleman, Cordero, Galindo & Lee - còn gọi là Alcogal - đã tham gia lập ra các công ty bình phong để chuyển tiền cho nhiều nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới. Hãng thậm chí bắt tay với một số nhân vật nằm trong những bê bối tài chính tai tiếng nhất trong thập niên vừa qua.
Theo Hãng tin Bloomberg, cách đây hơn 20 năm, ông Jaime Aleman - cựu đại sứ Panama tại Mỹ - đang bận rộn với việc xây dựng hình ảnh Panama thành điểm đến làm ăn ổn định và hứa hẹn.
Trong một báo cáo, ICIJ liệt kê 14.000 thực thể ở Belize, quần đảo Virgin thuộc Anh và Panama đã được tạo ra nhờ sự giúp đỡ của Alcogal, trong nỗ lực giấu tiền cho khoảng 15.000 khách hàng kể từ năm 1996. Điều đáng chú ý là có tới gần 2 triệu trong tổng sổ 11,9 triệu tập tài liệu rò rỉ trong Hồ sơ Pandora liên quan đến Alcogal.
Theo ICIJ, hãng luật này đóng "vai trò hàng đầu về trốn thuế và bảo vệ tài sản".
Trong một thông điệp đăng trên Twitter ngày 4/10/2021, Hiệp hội ICIJ này viết: "Trong ba thập niên qua, Alcogal đã trở thành thỏi nam châm thu hút những người giàu có và quyền lực từ Mỹ Latinh cùng nhiều nơi khác tìm đến để giấu tài sản ở nước ngoài".
"Các hãng như Alcogal đã thúc đẩy nền kinh tế ngầm, giúp các khách hàng giàu có tìm chỗ cất giấu tiền, nhiều trường hợp để tránh xa con mắt của những người truy thu thuế và điều tra tội phạm", ICJI nhấn mạnh thêm.
Phía Alcogal bác bỏ các cáo buộc nêu trên và cho biết đang xem xét hành động pháp lý để bảo vệ danh tiếng của mình "một cách mạnh mẽ khi cần thiết".
"Alcogal bác bỏ sự phỏng đoán, thiếu chính xác và sai lệch trong Hồ sơ", hãng tuyên bố.
Cựu Tổng thống Panama Ricardo Martinelli đến trụ sở Hệ thống hình phạt buộc tội ở Thành phố Panama, vào ngày 21 tháng 7 năm 2021. Ảnh: STR / AFP qua Getty Images.
Một số chính trị gia bị nêu trên trong Hồ sơ Pandora cũng đã lên tiếng đáp trả, trong đó có cựu Tổng thống Panama Ricardo Martinelli. Ông khẳng định mình không liên quan bất cứ điều trì trái pháp luật.
BÌNH LUẬN
Thiên đường thuế là một lãnh thổ nơi việc thành lập các công ty thương mại là một trong những hoạt động kinh tế chính, hoặc trong một số trường hợp là hoạt động duy nhất. Lãnh thổ cung cấp lợi thế tài chính khổng lồ cho công dân từ các quốc gia khác - đặc biệt là những người muốn tìm cách giảm gánh nặng thuế - và thiên đường này cũng bảo vệ sự ẩn danh của những công dân này.
Trong những năm gần đây, một trong các khái niệm trở thành chìa khóa để xác định các lãnh thổ có thể được coi là thiên đường thuế là chúng ít có xu hướng chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng từ các quốc gia khác. Mặc dù vậy, không có danh sách toàn cầu hoặc chính thức về các khu vực pháp lý như vậy và mỗi quốc gia có thể tự quyết định mình sẽ ký các thỏa thuận thuế hoặc chia sẻ thông tin với ai. Các hiệp ước này đã cho phép Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) loại bỏ khoảng 30 quốc gia khỏi danh sách các quốc gia không hợp tác về các vấn đề thuế.
Vào năm 2015, Ủy ban Châu Âu đã công bố danh sách về 30 quốc gia mà họ coi là thiên đường thuế. Đáp lại, một số quốc gia này đã trình bày "cam kết" hợp tác với các khu vực pháp lý khác, và kết quả là danh sách này đã giảm xuống còn 12 quốc gia không hợp tác: American Samoa, Anguilla, Dominica, Fiji, Guam, Palau, Panama, Samoa, Trinidad & Tobago, Quần đảo Virgin, Vanuatu và Seychelles.
Một số trong hàng chục người nổi tiếng được gọi tên trong Hồ sơ Pandora. Ảnh Reuters
Hồ sơ Pandora có điểm khác biệt và tương đồng nào với Hồ sơ Panama?
Cả Hồ sơ Pandora và Hồ sơ Panama đều là các dự án do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) dẫn đầu. Các tài liệu liên quan đến cả 2 vụ rò rỉ đều bắt nguồn từ các nhà cung cấp ở nước ngoài.
Khối lượng của cả 2 lần rò rỉ là tương tự nhau, mặc dù Hồ sơ Pandora với 2,94 terabyte dữ liệu của chúng chỉ nhiều hơn một chút so với 2,6 terabyte từ Hồ sơ Panama. Hồ sơ Pandora cũng có dữ liệu của hơn 29.000 công ty, gần gấp đôi so với vụ rò rỉ trước đây.
Lập một công ty trong một thiên đường thuế có hợp pháp không?
Việc có một công ty trong thiên đường thuế là hợp pháp với điều kiện là các tài sản và thu nhập có được từ hoạt động của họ phải được kê khai cho các cơ quan có thẩm quyền nơi người thụ hưởng thường trú. Trên thực tế, việc các công ty lớn hoạt động trên thị trường toàn cầu tạo dựng sự hiện diện quốc tế bằng cách đặt các công ty con của họ ở một số vùng lãnh thổ như vậy là điều bình thường để giảm bớt gánh nặng về thuế.
Các vấn đề bắt đầu khi các công ty này và lợi nhuận của họ được cố tình che giấu trong các khu vực pháp lý nói trên. Nhờ sự mờ ám đó, các dòng tiền bất hợp pháp được che giấu, mở ra cánh cửa cho hối lộ, rửa tiền, trốn thuế hoặc tài trợ cho khủng bố.
THAM KHẢO
(VN) Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế
(International Consortium of Investigative Journalists - ICIJ)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Li%C3%AAn_%C4%91o%C3%A0n_nh%C3%A0_b%C3%A1o_%C4%91i%E1%BB%81u_tra_qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF
(VN) 'Hồ sơ Pandora' hé lộ tài sản hơn 100 tỷ phú, nguyên thủ
https://vnexpress.net/ho-so-pandora-he-lo-tai-san-hon-100-ty-phu-nguyen-thu-4366677.html
(VN) Hồ sơ Pandora: “Bố già” Alcogal!
https://diendandoanhnghiep.vn/ho-so-pandora-bo-gia-alcogal-207777.html
(US) Pandora Papers: An unprecedented leak exposes the inner workings of a shadow economy
https://www.youtube.com/watch?v=dHAtIFyDB8k
(FR) "Pandora Papers" : qui sont les dirigeants épinglés pour des montages financiers offshore ?
https://www.francetvinfo.fr/economie/impots/paradis-fiscaux/pandora-papers-qui-sont-les-dirigeants-epingles-pour-des-montages-financiers-offshore_4794657.html