dimanche 8 novembre 2020

THẾ GIỚI : Cuộc đời của tổng thống Joe Biden

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Joe Biden Tổng thống Hoa Kỳ thứ 46

Joseph Robinette Biden, Jr. (còn gọi là Joe Biden sinh ngày 20/11/1942) là Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ. Sau khi đánh bại tổng thống đương nhiệm Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, ông sẽ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 46 vào ngày tháng 1/2021. Là thành viên của Đảng Dân chủ, ông từng là Phó Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ (2009-2017). Ông cũng từng là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện tiểu bang Delaware (1973-2009).

Lớn lên ở Scranton, Pennsylvaniaquận New Castle, Delaware. Ông theo học tại Đại học Delaware trước khi nhận bằng luật tại Đại học Syracuse. 
- 1969 ông trở thành luật sư và được bầu vào Hội đồng Quận New Castle năm 1970.
- 1972 ông được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ từ bang Delaware năm 1972, trở thành thượng nghị sĩ trẻ thứ sáu trong lịch sử Hoa Kỳ. Biden là thành viên lâu năm của Thượng viện và cuối cùng trở thành Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
- 1991 ông phản đối Chiến tranh vùng Vịnh nhưng ủng hộ việc mở rộng liên minh NATO sang Đông Âu và sự can thiệp của khối này vào Chiến tranh Nam Tư những năm 1990.
- 2002 ông ủng hộ nghị quyết cho phép Chiến tranh Iraq nhưng phản đối sự gia tăng quân số của quân đội Mỹ vào năm 2007

Ông cũng từng là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện từ năm 1987 đến 1995, giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách ma túy, phòng chống tội phạm và quyền tự do dân sự. Biden đã dẫn đầu các nỗ lực để thông qua Đạo luật Kiểm soát Tội phạm Bạo lực và Thực thi Pháp luật và Đạo luật chống bạo lực đối với phụ nữ, đồng thời giám sát các đề cử gây tranh cãi của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đối với Robert BorkClarence Thomas. Biden tranh cử vị trí ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ vào các năm 1988 2008 nhưng không thành công.

Biden được bầu lại 6 lần vào Thượng viện Hoa Kỳ và là thượng nghị sĩ lớn tuổi thứ tư khi ông từ chức sau khi giành chức phó tổng thống cùng với Barack Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008. Obama và Biden được bầu lại vào năm 2012. Với tư cách là Phó Tổng thống, Biden đã giám sát chi tiêu cơ sở hạ tầng trong năm 2009 để chống lại Đại suy thoái. Các cuộc đàm phán của ông với các nghị sĩ Cộng hòa đã giúp chính quyền Obama thông qua các đạo luật bao gồm Đạo luật Giảm thuế 2010, giải quyết bế tắc về thuế; Đạo luật Kiểm soát Ngân sách năm 2011, trong đó giải quyết khủng hoảng trần nợ; Đạo luật cứu trợ người nộp thuế của Mỹ năm 2012, đạo luật này đã giải quyết các khó khăn tài chính sắp xảy ra. 

Về chính sách đối ngoại, Biden dẫn đầu các nỗ lực nhằm thông qua hiệp ước START mới giữa Hoa Kỳ và Nga; hỗ trợ can thiệp quân sự vào Libya và giúp hình thành chính sách của Mỹ đối với Iraq thông qua việc rút quân đội Mỹ vào năm 2011. Sau vụ xả súng ở trường tiểu học Sandy Hook, Biden lãnh đạo Đội đặc nhiệm chống bạo lực súng đạn, được thành lập nhằm giải quyết các nguyên nhân của bạo lực súng đạn ở Hoa Kỳ.

Vào tháng 10/2015, Biden nói rằng ông sẽ không tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2016. Vào tháng 1 năm 2017, Obama đã trao tặng Biden Huân chương Tự do Tổng thống. Biden tuyên bố ứng cử Tổng thống năm 2020 vào ngày 25/4/2019 và vào tháng 6/2020, ông đã đạt ngưỡng 1.991 đại biểu cần thiết để đảm bảo sự đề cử của Đảng Dân chủ. Vào ngày 11/8/2020, Biden công bố Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Kamala Harris là người tranh cử cùng với ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.


1. "Siêu năng lực" của Joe Biden

Nguồn : Cuộc trường chinh 4 thập kỷ và "nhân tố X" đưa ông Biden vào Nhà Trắng

Vài ngày sau vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook (Newtown, Connecticut) làm rúng động nước Mỹ năm 2012, điện thoại nhà Mark Barden bất ngờ đổ chuông. Cậu con trai 7 tuổi của anh là một trong những nạn nhân xấu số.

"Phó Tổng thống đấy" - chị dâu của Barden thì thầm. Anh đón lấy ống nghe. Giọng Joe Biden vang lên từ đầu dây bên kia.

Giữa hai người đàn ông, cuộc trò chuyện về gia đình và những mối bận tâm hàng đầu kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. "Ngay lập tức, tôi cảm nhận được sự gần gũi với ông ấy", Barden kể. "Ông ấy cho tôi vài lời khuyên thiết thực, rằng hãy viết ra giấy mọi thứ xuất hiện trong đầu mình mỗi ngày và chấm điểm - 1 là điều tồi tệ nhất, 10 cho điều tốt đẹp nhất. Suốt một thời gian dài chẳng nhìn thấy điểm 10 nào, ông ấy cuối cùng cũng nhận ra niềm hi vọng ẩn bên trong. Thứ bạn nghĩ là tồi tệ thì sẽ luôn tồi tệ. Nhưng rồi chúng sẽ bắt đầu tốt lên".

Barden tin rằng vị chính trị gia kia đã dốc bầu tâm sự với mình bằng "tất cả sự chân thành" và cảm xúc thật tâm đầy mãnh liệt, đến từ chính những gì ông đã đối mặt và tìm cách vượt qua trong quá khứ. Bởi nếu không, ông đã không thể ngồi ghế Thượng nghị sĩ suốt 4 thập kỉ, không thể là Phó Tổng thống Mỹ thứ 47, và cũng sẽ không cầm đầu dây bên kia.


Ở thời này, không chính trị gia Mỹ nào chịu nhiều đau thương và mất mát như Joe Biden. Quãng đường sự nghiệp dài của Biden ghi dấu bằng bi kịch. Năm 1972, vợ và con gái ông qua đời trong một vụ tai nạn bi thảm. Năm 2015, một trong hai người con trai thoát chết trong vụ tai nạn cũng rời bỏ ông mà đi vì một loại ung thư não hiếm gặp. Chừng ấy, vẫn chưa phải là tất cả.

Không chỉ bạn lâu năm, mà các cựu trợ lý và chính trị gia kì cựu tại quê nhà Delaware đều thừa nhận, những đau thương trước đây đã góp phần tạo nên con người Joe Biden ngày hôm nay, đồng thời tác động tới nhiều quyết định lớn lao trong sự nghiệp chính trị của ông – từ các vấn đề được ông lấy làm trọng tâm tại Thượng viện, tới quyết định không tham gia cuộc đua tranh chức Tổng thống năm 2016. 

Joe Biden nổi tiếng là người luôn nhìn nhận vấn đề và bày tỏ quan điểm qua lăng kính soi chiếu về quá khứ. Nhiều người cho rằng điều này khiến ông trở nên gần gũi, dễ cảm thông với người khác hơn. Nói như Steve Israel, cựu Nghị sĩ đảng Dân chủ tại New York, "với nhiều chính trị gia, sự đồng cảm là một chiến lược. Nhưng với Joe Biden, đó là bản năng thứ hai". Gia đình ông Israel cũng từng được Biden gọi điện thoại an ủi của sau khi bố ông nhận chẩn đoán mắc ung thư phổi.

Joe Biden đã biến nỗi đau của mình thành một thứ vũ khí lợi hại trong giao tiếp. "Nếu bạn chưa trải qua bi kịch mất đi người thân - đặc biệt là con cái, thì dù có cảm thông tới mức nào, bạn cũng không thể đặt mình vào vị trí của họ. Nhưng ông ấy thì có. Ông ấy đã từng rơi vào tình cảnh đó", Fred Sears, một người bạn từ thời phổ thông của Biden chia sẻ.

Các chuyên gia tư vấn và chiến lược gia nhìn chung đều đánh giá, sự hòa trộn giữa thâm niên chính trường và kinh nghiệm sống là ưu thế mà chỉ riêng Joe Biden có, trở thành điểm khác biệt của ông với các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ.

So với một Donald Trump từng bị chỉ trích gay gắt khi dùng những lời lẽ thô lỗ để nói về mẹ của một binh lính Mỹ thiệt mạng tại Iraq, thật khó để phủ nhận rằng, thái độ cảm thông của Joe Biden là nhân tố X, hiệu quả không kém bất cứ chính sách cụ thể nào được đưa ra.

"Joe Biden sở hữu siêu năng lực trong việc an ủi, lắng nghe và kết nối với những người vừa đi qua mất mát lớn lao nhất trong cuộc đời… Ông ấy biết ý nghĩa của việc trải qua những mất mát, nhưng cũng biết ý nghĩa của việc đứng lên và tiến về phía trước. Đó chính xác là điều khiến ông ấy trở thành một ứng cử viên phù hợp của đảng Dân chủ", Thượng nghị sĩ Chris Coons bình luận.

"Ông ấy sẽ giúp hàn gắn các mối quan hệ đang rạn nứt sâu sắc giữa Mỹ với thế giới, với các đồng minh. Ông ấy có thể khôi phục sức mạnh và vị thế lãnh đạo của chúng ta trên trường quốc tế. Ông ấy cũng có thể tìm lại cái nhìn lạc quan cho người Mỹ và hàn gắn chia rẽ vốn có từ trước, nay lại đang ngày càng nới rộng dưới thời Trump".


2. Vụ tai nạn kinh hoàng đập tan cuộc sống "trong mơ"

Joe Biden từng có cuộc sống nhiều người ao ước. Ông kết hôn với "mối tình sét đánh" – một nữ sinh viên xuất sắc, hoa khôi của trường. Họ có 3 người con, 2 trai, 1 gái. Ngày 7/11/1972, 2 năm sau khi làm công chức tại hội đồng quận, Joe Biden giành được một ghế trong Thượng viện Mỹ. Trong cuộc chạy đua năm đó, vợ ông vừa là cố vấn cấp cao, vừa là "bộ não" của chiến dịch tranh cử, còn chị gái là quản lý chiến dịch, anh trai là trưởng ban gây quỹ. "Tôi là thành viên Thượng viện Mỹ - Nghe có vẻ phi lý", Biden khi đó bày tỏ. Hai tuần nữa ông mới bước sang tuổi 30.

Mọi thứ diễn ra suôn sẻ tới mức chính Biden phải hoài nghi. "Nó quá hoàn hảo, không thể như vậy được. Thế nào cũng có chuyện xảy ra".

Tháng 12/1972, cú va chạm mạnh với xe tải chở ngô kéo văng bánh của chiếc Chevrolet mà người vợ trẻ của Biden đang lái, đẩy nó lao vào bụi cây, cửa xe chọc vào ghế sau. Neilia Biden, 30 tuổi và con gái Naomi "Amy" Biden, 13 tháng tuổi, tử vong trên đường đến bệnh viện – chưa đầy 6 tuần sau khi chồng bà, Joe Biden, đắc cử Thượng viện. Joseph "Beau" Biden, 3 tuổi, bị gãy xương. Robert Hunter "Hunt" Biden, 2 tuổi, bị thương ở đầu. Các bác sĩ lo sợ vết thương này có thể để lại di chứng mãi mãi.

Joe Biden vội vã trở về từ Washington, bỏ lại cuộc phỏng vấn các nhân viên tiềm năng. Những gì còn sót lại tại hiện trường là hàng nghìn mảnh kính vỡ vụn nằm rải rác khắp ngã tư, những tấm thẻ ghi số điện thoại của các cử tri cũng nhiều vật phẩm ủng hộ Biden vào Thượng viện.

"Vài ngày đầu tiên, cơn choáng váng liên tục bủa vây lấy tôi. Giống như khi bạn mơ thấy mình bất ngờ ngã xuống... chỉ có điều tôi cứ liên tục ngã". Joe Biden tự hỏi làm thế nào để có thể đi tiếp. "Tôi bắt đầu hiểu sự tuyệt vọng khiến người ta dễ dàng buông xuôi thế nào. Tự tử không đơn thuần chỉ là một lựa chọn, mà là một lựa chọn được lý trí mách bảo. Rồi tôi nhìn Beau Hunter đang ngủ. Còn điều kinh hoàng gì ám ảnh giấc mơ của chúng. Liệu ai sẽ giải thích cho tụi nhỏ về sự ra đi của bố chúng. Tôi biết rằng, mình chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu để phải sống".

Nhưng Joe Biden không muốn đến Washington D.C. Ông không muốn có mặt ở Thượng viện nữa. Lãnh tụ đa số tại Thượng viện Mike Mansfield đã thuyết phục Biden bằng cách cho ông 6 tháng thử sức trước khi chính thức quyết định. Cuối cùng, Joe Biden tuyên thệ nhậm chức trong phòng bệnh của con trai, trong lòng tràn ngập sự phẫn nộ với bản thân vì đã bước chân vào con đường gập ghềnh, tự tìm kiếm rắc rối.


Một số người khi đó khuyên Biden nên vùi mình vào công việc. Nhưng chính trị gia trẻ tuổi không muốn thế. Ông chỉ quan tâm đến việc ở bên cạnh 2 cậu con trai. Vậy là mỗi ngày, ông bắt tàu từ Delaware đến D.C rồi lại quay về. Thói quen đi làm bằng tàu hỏa sau này trở thành thương hiệu riêng gắn với cái tên Joe Biden. Trong một bài phát biểu tại Đại học Yale năm 2015, Biden kể lại: "Tôi làm vậy vì muốn được chúc các con ngủ ngon và hôn chúng vào sáng hôm sau. Nhưng nhìn lại, lí do thật sự đằng sau việc tôi về nhà mỗi đêm là bởi tôi cần tụi nhỏ hơn chúng cần tôi".


 Trong mắt các nhân viên cấp dưới, Joe Biden có một "luật bất thành văn" – gia đình luôn được xếp hàng đầu.

Sáu tháng rồi 1 năm trôi qua. Năm thứ hai thậm chí còn tệ hơn năm đầu. "Neilia từng là người bạn tốt nhất của tôi, đồng minh tuyệt vời nhất của tôi, người yêu cháy bỏng của đời tôi", Biden nói về vợ với phóng viên Kitty Kelley của tờ Washingtonian năm 1974. "Càng bên nhau lâu, chúng tôi càng cảm thấy hòa hợp về mọi mặt, từ chuyện vợ chồng tới chuyện thể dục thể thao. Mọi người đa phần dều không thực sự hiểu tôi mất đi những gì, bởi họ chưa từng biết tôi đã từng có điều gì... Khi mất đi một người như vậy, một phần trong tôi đã chết. Chẳng thể lấy lại được nữa".

Tại buổi phỏng vấn năm đó, Kelly đã đếm được tất cả 35 tấm hình của Neilia trong văn phòng làm việc của vị chính trị gia trẻ tuổi. Biden hướng về phía tấm hình vợ mặc đồ bơi rồi nói. "Để tôi chỉ cho cô bức ảnh tôi thích nhất của cô ấy. Cô ấy có thân hình đẹp nhất trong số những người phụ nữ mà tôi gặp".


3. Nỗi đau ám ảnh

Gần 30 năm sau vụ tai nạn cướp đi sinh mạng vợ và con gái, Biden tâm sự: "Có đôi lúc, nỗi đau vẫn trỗi dậy, xâm chiếm lấy tôi".

45 năm sau, trong cuốn tự truyện "Hứa với con nhé, Ba" (Promise me, Dad), ông viết: "Nỗi đau đó hiển hiện hữu hình, chẳng bao giờ rời đi".

Chuyên gia tâm lý Richard Tedeschi (cựu giảng viên Đại học Bắc Carolina – UNCC, Mỹ) nhận định: "Đó là cả một quá trình, không hề dễ dàng. Có rất nhiều đau khổ, rất nhiều đấu tranh".

Năm 1977, qua sự giới thiệu của anh trai, Joe Biden gặp gỡ và tái hôn với Jill Tracy Jacobs (Tiến sĩ Jill Biden là giảng viên tiếng Anh toàn thời gian tại Đại học Cộng đồng Bắc Virginia). Người vợ mới đã phần nào giúp ông vực dậy, khiến ông bắt đầu nghĩ nhiều hơn về việc chỉ đơn giản là tồn tại.

Chiến dịch tranh cử Tổng thống của Joe Biden năm 1987 kết thúc chóng vánh sau khi ông bị tố sao chép một phần bài phát biểu của lãnh đạo Đảng Lao động Anh. Những chỉ trích liên tục dấy lên, rằng Biden là kẻ lừa đảo, đạo văn, hoặc nhẹ nhàng hơn, là quá bất cẩn.


Hồi phục sau 2 cuộc phẫu thuật não và quay trở lại chính trường, Joe Biden thừa nhận bản thân không còn chút ác cảm nào với người đã tố cáo mình - John Sasso, phụ tá của đối thủ cạnh tranh Michael S. Dukakis. "Những cảm xúc tiêu cực cá nhân của tôi về Sasso đều biến mất đâu đó giữa cơn phình động mạch não đầu tiên và khi cục máu đông xuất hiện trong mạch máu não".

Trong bài phát biểu trước hơn 2.700 sinh viên tại Đại học Delaware năm 2001, khi chia sẻ sự đau xót với gia đình các nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, Joe Biden đã nhắc lại vụ tai nạn làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. "Người tài xế loạng choạng đã dừng lại để uống rượu, điều khiển chiếc xe đầu kéo đâm vào vợ con tôi và giết chết họ".

Sáu năm sau, tại Iowa, ông tiếp tục kể lại câu chuyện với những tình tiết tương tự: "Một người đàn ông đã uống rượu thay cho bữa trưa đã đâm vào sườn xe của gia đình tôi...".

Theo các tài liệu được truyền thông Mỹ công bố, Curtis C. Dunn, người lái xe tải, không bị buộc tội. Ông ta được xác định không hề lái xe trong tình trạng say rượu. Khi sự việc xảy ra, một người bạn của Biden đã nhờ Jerome Herlihy, vị cựu thẩm phán, cũng là hàng xóm nhà Biden, đến đồn cảnh sát bang, nơi tài xế lái chiếc xe kia đang bị giam giữ, nhằm đảm bảo mọi thứ ổn thỏa. Ông Herlihy thật sự đã đến và "cuối cùng, tôi đồng tình với quyết định rằng lỗi không phải ở ông ta".

Ông Herlihy giải thích, "Neilia đã ra dấu dừng xe, nhưng chiếc xe tải thì không". Thông tin trên tờ The Independent lại cho hay, cảnh sát xác định Neilia có thể đã đi vào làn đường của xe tải và không nhìn thấy nó tới.


Những cáo buộc của Biden suốt nhiều năm khiến Pamela Hamill, con gái người lái xe tải năm đó rất day dứt. "Những tuyên bố này làm gia đình chúng tôi bị tổn thương. Chúng không đúng sự thật. Chúng tôi không biết nó bắt nguồn từ đâu".

Trong một bài phân tích trên tờ The Atlantic, nhà báo Mark Bowden lý giải: "Biden có xu hướng của một người kể chuyện, muốn kéo dài câu chuyện". Hoặc như chuyên gia tâm lý Rob Zucker chỉ ra trên tờ Politico, Biden chỉ đang "kể lại nỗi đau tột cùng đó" theo cách mình muốn – tìm cách đổ lỗi để cảm thấy nỗi buồn được xoa dịu.

"Đó là thách thức rất thường gặp với những ai phải đối diện với sự ra đi bất ngờ và tàn khốc của người thân. Việc Joe Biden có một cách hiểu khác thực sự là biểu hiện của thách thức đó. Ông muốn sống tiếp. Và vì thế, câu chuyện có đôi chút sai khác này là bởi... ông ấy cần nó".


4. Trào nước mắt, bỏ chạy khỏi cuộc gây quỹ vì nghe nhắc đến con trai

Dòng nhật ký ngày 30/5/2015 của Joe Biden ghi dấu biến cố lớn một lần nữa ập tới với ông. "30/5. 7h51 phút tối. Điều đó đã xảy ra. Chúa ơi, con trai tôi. Thằng bé ngoan ngoãn của tôi". Beau Biden cuối cùng đã không thể chiến thắng căn bệnh về não.

Nhưng, điều để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí những người đến chia buồn với Joe Biden là cách cái mà ông an ủi ngược lại họ. "Ông ấy an ủi mọi người nhiều hơn cả mọi người an ủi ông ấy", Fred Sears kể lại. "Tôi nghe thấy ông ấy nói: Thôi, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, sẽ ổn thôi...".

"Nỗi đau mất Beau Joe Biden đã trải qua thật ngoài sức tưởng tượng", người bạn lâu năm Coons tâm sự. "Sức mạnh mà ông ấy có được khi nhìn thấy Beau và khi đứng tại đám tang thực sự siêu phàm. Ông ấy vẫn đứng đó, chào hỏi, động viên, an ủi những người đến đưa tiễn con trai mình lần cuối. Rồi cả khi tang lễ được cử hành. Cứ thế, suốt vài giờ liền".


Tang lễ diễn ra đúng thời điểm kế hoạch ra tranh cử Tổng thống của Biden đang có một số thuận lợi. Ông có đội phụ tá gồm nhiều nhân viên hàng đầu của Obama, như cố vấn truyền thông Anita Dunn, luật sư bầu cử danh tiếng Bob Bauer. Thậm chí, George Clooney tình nguyện giúp đỡ gây quỹ. Đến tháng 10/2015, Biden thậm chí vẫn còn đang chỉnh sửa bài phát biểu của mình.

Trong một cuộc gây quỹ ở Colorado, Joe Biden đã không cầm nổi nước mắt ngay khi một khán giả nói rằng anh ta từng tham gia phục vụ trong quân ngũ cùng Beau. "Tôi cảm thấy nghẹn ở cổ. Hơi thở của tôi trở nên khó khăn, giọng như muốn vỡ òa. Tôi sợ cảm xúc dâng trào và khán giả sẽ thấy nó. Tôi vẫy tay chào và vội vàng chạy ra xe. Đây không phải là cách một ứng viên tổng thống hành động trước công chúng".


Nussbaum, người soạn diễn văn cho Joe Biden đã gửi cho ông một mẩu giấy nhắn 4 tháng sau cái chết của Beau. "Khi nói về chặng đường tiếp theo, một trong những điều tôi đang nghĩ là làm thế nào để ông có thể kể câu chuyện về một Joe Biden thật sự, dù là trong bối cảnh chiến dịch tranh cử tổng thống hay chuẩn bị rời nhiệm sở. Còn một phần của câu chuyện vẫn chưa được ông kể lại đầy đủ. Nó sẽ gây tiếng vang…, có thể truyền cảm hứng, là niềm an ủi cho những người khác. Cuốn sách viết về sự hồi phục, về bài học từ sự mất mát. Nếu chọn tranh cử tổng thống, nó có thể truyền đi thông điệp mạnh mẽ, khác biệt".

Nhưng khi đó, "ông ấy không quan tâm đến nó", Nussbaum nhớ lại.

Nếu không vì sự ra đi của cậu con trai, có lẽ ông đã tiếp tục cuộc đua của mình. Nhưng Biden từ bỏ, vì ông biết trái tim mình chưa sẵn sàng. "Tôi muốn can đảm sống theo cách Beau muốn. Nhưng tôi không chắc là liệu mình có tìm đủ nguồn năng lượng cho cảm xúc đó không. Từ chính trải nghiệm của mình, tôi đã biết rằng nỗi đau đớn là một quá trình, không có lịch trình, không có thời gian rõ ràng", vị chính trị gia dày dặn kinh nghiệm chia sẻ trong cuốn tự truyện năm 2017.

"Tôi nhớ thằng bé kinh khủng. Beau đã luôn bên cạnh, xua tan đi nỗi sợ trong tôi. 40 năm trước, sau cái chết của Neilia Naomi trong vụ tai nạn, cùng với Hunter, thằng bé đã cứu lấy cuộc đời tôi. Giờ thì tôi phải làm gì đây? Từ khi chúng còn bé, Beau Hunter là nguồn động viên, truyền cho tôi sự can đảm. Thằng bé sẽ nói: Sẽ ổn thôi bố ơi! Con không đi đâu đâu".


5. Tranh cử bằng hình tượng người đàn ông của gia đình

Các chuyên gia trị liệu tâm lý vẫn coi Biden như một ví dụ điển hình về điều mà họ gọi là "vực dậy sau chấn thương". Nhà tâm lý học Tedeschi tại UNCC cho rằng, khi đã đứng dậy được sau tổn thương, người ta sẽ hồi phục dần qua thời gian. Điều này tạo ra "một hệ thống niềm tin và sự thấu cảm, trở thành hành trang để họ có thể đối diện với những tổn thương ở phía trước",  khiến người ta vững vàng hơn, thậm chí là cảm thấy tự do tự tại.

Biden đã luôn muốn trở thành Tổng thống. Ông nói về nó trong trường trung học, rồi trường đại học. Ông đã nói về nó ngay từ trước khi trở thành Thượng nghị sĩ. Hai cậu con trai từng ủng hộ, thúc giục bố nhiều lần.

Những người biết rõ Joe Biden đều tin rằng, hai biến cố lớn nhất, để lại nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời Biden đã tôi rèn sự mạnh mẽ cho vị chính trị gia kì cựu này trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay. Chuyện xảy ra với Beau "giúp Joe Biden thêm thấu hiểu và cảm thông", Bob Gilligan, cựu phát ngôn viên tại Hạ viện bang Delaware cho hay.


Chính bản thân Joe Biden cũng nhận thức rõ tình cảm tích cực từ phía công chúng dành cho ông, ngay từ sau khi cậu con trai Beau qua đời. Trên chương trình Chuyện tối muộn với Stephen Colbert (The Late Show with Stephen Colbert), Biden từng khẳng định, ông không nghĩ rằng mình nhận được nhiều sự chú ý tới vậy.

Trên thực tế, quan sát diễn biến sau Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ diễn ra tối 22/8.2020, Biên tập viên Matt Pearce của tờ Los Angeles Times (Mỹ) nhận định, trong cuộc chiến tranh ghế Tổng thống lần này, Joe Biden xuất hiện trong hình tượng người đàn ông của gia đình tìm cách đưa đời sống chính trị Mỹ trở về trạng thái bình thường. "Sẽ là một cú đánh thực sự nếu ông ta muốn như vậy", chiến lược gia đảng Dân chủ Joe Trippi nhận định.

Trong khi đó, đã có nhiều hoài nghi quanh việc liệu những phẩm chất này của Joe Biden có đủ sức thuyết phục cử tri Mỹ ủng hộ ông nắm giữ quyền lực tối cao.

Nhìn lại lịch sử, suốt 4 thập kỉ lăn lộn chính trường, Joe Biden vẫn chưa có duyên với chiếc ghế Tổng thống, dù đã ra tranh cử tới 3 lần (vào các năm 1984, 1988 và 2008). Cả 3 lần, ông đều không nhận được bất cứ phiếu bầu sơ bộ nào từ tất cả các bang và vùng lãnh thổ để vượt qua vòng đề cử tại chính đảng của mình. Năm 1984, Biden, với kinh nghiệm ít ỏi, chỉ nhận được dưới 0,1% phiếu bầu đề cử. 4 năm sau, tỉ lệ phiếu bầu dành cho ông tiếp tục "giậm chân tại chỗ", một phần là bởi cáo buộc đạo văn. Tỉ lệ ủng hộ 1,4% không thể đưa ông vượt qua ứng viên nặng kí Barack Obama trong cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ năm 2008.


Đến 2016, sau 8 năm làm Phó tướng, Joe Biden thất bại trong việc giành được sự ủng hộ từ đương kim Tổng thống - khi đó là Barack Obama, cho vai trò người kế nhiệm. Cùng lúc đó, sự qua đời của cậu con trai thứ một lần nữa khiến Biden lỡ hẹn.

Lần trở lại đường đua này, Biden cũng gập ghềnh không kém. Ông đã bắt đầu bằng màn thể hiện không mấy nổi bật ở vòng sơ bộ, liên tục tỏ ra đuối sức trước đối thủ Bernie Sanders. Thậm chí, đã có lúc, ông tiến gần sát thất bại bởi tiền đã cạn, còn thứ hạng lại liên tục giảm trong các cuộc thăm dò, không để lại được dấu ấn nào đặc sắc. Tuy nhiên, như một cầu thủ lão luyện, càng chơi càng hay, đồng thời được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhóm tinh hoa đảng Dân chủ, những người không muốn đảng này "bị hủy hoại" khi sa vào đường lối tả khuynh cực đoan của Bernie Sanders, con đường vào Nhà Trắng của ông Biden càng về sau càng thuận lợi. 

Cơ hội thực sự đã đến với chính trị gia này khi ông Donald Trump bỏ lỡ cơ hội kiểm soát đại dịch Covid-19 khi nó mới đổ bộ vào nước Mỹ. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Joe Biden cuối cùng đã hoàn thành cuộc đại trường chinh vào Nhà Trắng kéo dài qua nhiều thập kỷ bằng một chiến thắng ấn tượng, chỉ ít ngày trước sinh nhật lần thứ 78. 

Theo giới quan sát, 4 năm tới sẽ không hề dễ dàng với Biden, với di sản mang dấu ấn mạnh mẽ của người tiền nhiệm Donald Trump, đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu được khống chế, và cả gánh nặng tuổi tác khi ông là Tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ khi vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, nhìn vào chặng đường đầy gian truân, đau thương và mất mát mà ông đã vượt qua trong cả đời tư và sự nghiệp, người Mỹ có quyền hy vọng rằng Tổng thống của họ sẽ hiện thực hóa được slogan tranh cử "Build back better", xây dựng lại một nước Mỹ tốt đẹp hơn.


Kinh nghiệm chính trị Joe Biden 4 thập kỷ cùng những trải nghiệm thăng trầm trong cuộc đời ông đã giúp có thêm sức mạnh và sự ủng hộ của người dân. Sau 3 lần tranh cử Tổng thống thất bại, cuối cùng ông Biden đã chinh phục được đỉnh vinh quang. Còn Tổng thống Trump, người đặt cược tất cả cho cuộc đua năm nay, cuối cùng đã biết đâu là giới hạn.





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire