mardi 1 septembre 2020

BLOG : Ý nghĩa của việc ăn chay


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Ăn chay không phải là vấn đề mới mẻ gì đối với người Việt Nam. Ngược lại, các dân tộc Tây phương, từ vài chục năm nay đã xem việc không ăn thịt, không ăn cá là một phương pháp dưỡng sinh mới để duy trì một sức khỏe tốt. 


Ăn chay (còn được gọi là ăn lạt hoặc trai giới) là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (như trái cây, rau quả...), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, bơ, phô mai, kem, đạm váng sữa, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (như thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, côn trùng) và kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ (như chả, giò, mắm, ruốc, thịt hun khói...). Việc ăn chay có thể do nhiều lý do khác nhau: tôn giáo, chính trị, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ, kinh tế, sức khỏe...


Ăn chay có phải là tu không?

Trước tiên phải khẳng định rằng: Ăn chay không phải là tu. Ăn chay là để cho thân thanh tịnh, đỡ dầu mỡ, nhẹ bụng và dễ tiêu hoá.

Tu là sự dưỡng của tâm tính, là sự tĩnh của linh hồn. Nên người có tu tập thì thường ăn chay vì thân nhẹ thì hồn mới dễ ngộ Đạo, thân dầu mỡ thì hồn cũng khó ngộ hơn. Nhưng người ăn chay chưa chắc đã là người có tu tập.


Ăn chay không phải là thước đo của sự tu tập.

Ăn chay có hạn chế sát sinh - không sai - nhưng cỏ cây rau củ quả cơ bản cũng là sinh linh hệ thực vật. Vậy nên lấy việc ăn chay ra làm thước đo của sự tu tập là hoàn toàn không đúng. Ăn chay để giảm sát nghiệp.

Nếu bạn là người ăn chay trường và xem đó giống như một thành quả tu tập mà hề không quan tâm đến các pháp tu khác thì chắc chắn đó là một sai lầm nghiêm trọng.

Một người có thể ăn chay vài chục năm nhưng điều đó không nói lên được sự tiến bộ tâm linh trong tu tập.

Ăn chay cũng có thể là một bước tiến hay một thay đổi tốt trong sự tu tập nói chung của ta, nhưng nếu chỉ biết ăn chay thôi mà không biết hành trì bất kỳ một pháp môn nào khác cũng như không quan tâm đến việc tu dưỡng tâm tánh, thì chắc rằng sự ăn chay của bạn sẽ không hề mang lại bất cứ lợi ích nào.


Ăn chay nuôi dưỡng tâm từ bi, hướng thiện

Khi tin nhận và làm theo lời Phật dạy thì người Phật tử phải là người nuôi dưỡng lòng từ bi, hoặc ít nhất cũng là hoan hỷ tán trợ với sự tu tập từ bi của người khác. Đứng trên quan điểm này mà xét thì việc giết hại bất kỳ loài vật nào để ăn thịt, hoặc tán thành những sự giết hại ấy, đều là đi ngược lại với lòng từ bi, đi ngược lại với lời Phật dạy.

Vì vậy, ăn chay theo đạo Phật là để nuôi dưỡng Tâm từ bi. Nuôi dưỡng tính thiện lương, tâm thiện lương trong chính mỗi người.

Ngoài miệng thì niệm Phật lâm râm, nhưng bên trong tâm thì quá hung dữ. Thế nên, cho dù ăn chay nhiều hay thường xuyên niệm Phật mà bản thân không chịu thay đổi cho thiện thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.

Vì vậy, khi nói lời tu, người Phật tử phải nhớ thân miệng thì ý cũng phải phải thiện. Con người chân chính không đặt nặng việc đi chùa thường, tụng kinh giỏi hay ăn chay nhiều, mà phải biết tu ba nghiệp thân khẩu ý cho thiện. Tức là chuyển hóa ba nghiệp ác thành những nghiệp thiện, mỗi khi đi chùa niệm Phật ăn chay là phải nhớ từng hành động lời nói cũng như ý nghĩ luôn luôn phải thiện.

Như vậy, thì có lúc nào là không tu. Chẳng hạn thân cuốc cỏ khi xưa thấy rắn thì lấy cuốc đập chết, nay thấy rắn tránh đi không đập, đó đã là chuyển nghiệp thân ác thành thiện. Xưa khi bản thân tiếp xúc với bạn bè đôi lúc họ nói lời hung dữ làm mình tức giận bèn nói nặng lời cho đỡ ghét, nhưng nay nhớ mình là người tu không được lớn tiếng gây cãi nên cố gắng im lặng mà nhẫn nhịn.

Ðó chính là chuyển nghiệp khẩu ác thành thiện rồi.











Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire