jeudi 2 janvier 2020

PHÁP LUẬT : Mức phạt về nồng độ cồn từ 1/1/2020 với ô tô, xe máy, xe đạp


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Mức phạt đối với người uống rượu, bia lái xe là một trong những mức phạt tăng mạnh nhất tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP so với Nghị định 46 trước đây.

Lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở - Ảnh : Response


Uống rượu lái xe bị phạt bao nhiêu 2020?

Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ 1/1/2020, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng.

Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.



Uống rượu bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu

Trước quy định mới, nhiều người thắc mắc sau khi uống rượu bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu, người uống có thể tiếp tục tham gia giao thông mà không bị phạt.

Về điều này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay thời gian từ lúc uống bia rượu đến lúc cơ thể âm tính với nồng độ cồn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm:

- Lượng rượu, nồng độ rượu tiêu thụ: Người uống càng nhiều thì nồng độ cồn trong máu càng cao. Hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ.

- Thời điểm uống rượu: Cơ thể càng đói hấp thu rượu càng nhanh. Khi có thức ăn, quá trình hấp thu chậm hơn.

- Người uống kéo dài, triền miên, rượu tồn tại trong cơ thể lâu hơn.

- Một số trường hợp cá biệt phụ thuộc vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian chuyển hóa nồng độ cồn.

"Thời gian chuyển hóa nồng độ cồn trong mỗi cơ thể là khác nhau. Vì vậy, không ai biết chắc chắn thời gian bao lâu thì rượu sẽ âm tính trong máu. Người dân phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước, đến tối hôm sau vẫn còn dương tính cồn trong máu và hơi thở”, bác sĩ Nguyên cho hay.

Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cũng cho hay thời gian để cơ thể âm tính với nồng độ cồn sau khi uống rượu bia không chỉ phụ thuộc vào lượng tiêu thụ mà còn ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.

Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau một giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết một đơn vị cồn (tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ tiếp theo.

Như vậy, khi uống một đơn vị cồn, người khỏe mạnh phải mất từ 2-3 giờ, cơ thể mới trở về trạng thái bình thường. Những người có chức năng gan suy yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm, thời gian sẽ lâu hơn.

Thông thường, trong các cuộc nhậu, số lượng uống vượt xa con số một đơn vị cồn. Do đó, để có thể tự lái xe và không bị phạt, người dân cần rất nhiều thời gian để nồng độ cồn trong cơ thể về mức âm tính.

(Tin tổng hợp Internet 1/1/2020)


BÌNH LUẬN

Cồn chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh. Nó làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, khả năng định hướng, điều khiển vận động. Trong các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông, cồn dễ khiến người điều khiển phương tiện gây tai nạn.

Khi uống rượu hoặc bia, lượng cồn trong máu phụ thuộc vào 4 yếu tố:

1. Cân nặng người uống

2. Tốc độ uống,

3. Thời gian uống

4. Nồng độ cồn trong đồ uống.


Luật phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019  (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020) quy định: 

- “Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.”. Như vậy, hành vi ép buộc người khác uống rượu bia là vi phạm pháp luật.

- “Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- “Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động.” là một trong các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu.

Ông bà ta hay nói “Rượu vào, lời ra” vì vậy trong tiệc tùng mà uống “quá chén” rất dễ xảy ra cãi nhau gây mất tình cảm với nhâu. Thậm chí, có nhiều vụ án cố ý gây thương tích hoặc giết người mà nguyên nhân là từ uống rượu bia.

Mặt khác, khi uống rượu bia mà tham gia giao thông rất dễ gây tai nạn giao thông, có thể gây ra thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng cho bản thân mình và cho người khác.


THAM KHẢO

Mức phạt lái xe uống rượu bia ở các nước trên thế giới
https://laodong.vn/the-gioi/muc-phat-lai-xe-uong-ruou-bia-o-cac-nuoc-tren-the-gioi-775955.ldo

Từ 1/1/2020, 'ma men' lái ô tô bị phạt tới 40 triệu, đi xe máy 8 triệu
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/xu-phat-vi-pham-giao-thong-2020-ma-men-lai-o-to-bi-phat-toi-40-trieu-605641.html


VIDEO

Quán nhậu tại TP.HCM hỗ trợ đưa người say về nhà
https://news.zing.vn/video-quan-nhau-tai-tphcm-ho-tro-dua-nguoi-say-ve-nha-post1032164.html

Tài xế từ chối kiểm tra nồng độ cồn
https://news.zing.vn/video-tai-xe-tu-choi-kiem-tra-nong-do-con-post1032046.html
















Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire