Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Trước sức ép dư luận, Sóc Trăng hủy dự án camera (VOA)
Thông cáo báo chí của Tỉnh ủy Sóc Trăng, 30/9/2019, đăng trên Pháp luật TP HCM và mạng xã hội
Tin tức trên các báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động và Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết quyết định hủy bỏ được đưa ra tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng hôm 30/9.
Dù cho rằng việc lắp đặt camera giám sát khu vực có nhà riêng của các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là “chủ trương đúng đắn” của tỉnh, song Ban Thường vụ khẳng định khi dự án được thực hiện, đã có những cái sai “về quy mô, số lượng, nguồn kinh phí lắp đặt”, theo các bản tin.
Hôm 27/09209, báo chí cho hay lãnh đạo Sóc Trăng xác nhận rằng ở thời điểm đó họ đang triển khai kế hoạch tốn gần 1 tỷ đồng để lắp camera an ninh tại nhà riêng 16 cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đại tá Lê Minh Quang, Giám đốc Công an Sóc Trăng, được trang tin Zing và một số báo trích lời rằng: "Gắn camera ở đây là những điểm phòng chống khủng bố nằm trong quy định”.
Thông tin về dự án dẫn đến nhiều bàn luận và chỉ trích trên báo chí và mạng xã hội. Nhiều người cho rằng dự án này không cần thiết và lãng phí.
Một bản tin của Zing đăng hôm 28/09/2019 dẫn lời đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng rằng một tỉnh nghèo như Sóc Trăng mà chi gần 1 tỷ đồng lắp camera cho nhà riêng lãnh đạo chính là “đặc quyền, đặc lợi” và "không thể chấp nhận".
Ông Trương Châu Hữu Danh, một Facebooker có tổng cộng tới hơn 93.000 người theo dõi, giải thích thêm với VOA vì sao dư luận phản ứng tiêu cực về dự án:
“Một phần là do tỉnh Sóc Trăng là một trong những tỉnh nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ở Sóc Trăng, đồng bào Khmer rất là nhiều, người dân rất hiền. Tình hình an ninh trật tự ở tỉnh đó không có vấn đề gì phải lo lắng, phải đến mức lắp cho nhà riêng của cán bộ cả”.
Người dân Sóc Trăng nói riêng và người sử dụng mạng xã hội trên cả nước nói chung bày tỏ bất bình còn vì họ có kinh nghiệm từ nhiều chương trình lắp camera bảo vệ đường phố ở vùng ĐBSCL do người dân góp tiền thực hiện. Các chương trình này cho thấy kinh phí cho mỗi chiếc camera rất thấp, “chỉ vài trăm nghìn đồng”, vẫn theo lời ông Danh.
Tại cuộc họp hôm 30/09/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định hủy dự án lắp đặt camera an ninh nhà riêng của các cán bộ trong ban này, đồng thời, thu hồi số tiền hơn 882 triệu đồng đã chi lắp đặt tại nhà của 12 cán bộ.
Bản thông cáo của ban nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội với lời bình của nhiều người rằng đây là thắng lợi của cộng đồng mạng khi lên tiếng phản biện về các động thái của các đảng cộng sản hay chính quyền các cấp ở Việt Nam.
Vẫn theo lời ông Trương Châu Hữu Danh:
“Mạng xã hội gần đây rất mẫn cảm với những thông tin dính đến cán bộ. Có dính đến cán bộ trong đó, người dân quan tâm gấp nhiều lần, và do đó việc xử lý của cơ quan chức năng cũng rất nhanh”.
Sóc Trăng gần đây bị dư luận chú ý do có những vấn đề về sử dụng ngân quỹ. Hồi đầu tháng 8, báo chí đưa tin công an tỉnh này chi gần 40 tỷ đồng cho “quà biếu, tiếp khách” trong giai đoạn từ tháng 1/2011 đến tháng 10/2016, góp phần dẫn đến tình trạng họ phải “mượn kinh phí ngân sách trung ương và địa phương” và chưa trả hết, “còn nợ trên 5,4 tỷ đồng”.
BÌNH LUẬN
Camera an ninh trước nhà một cán bộ Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: CTV
Lấy tiền thuế bằng mồ hôi, công sức của dân để phục vụ việc cho gia đình cá nhân của các Ủy viên Ban TV Tỉnh ủy. Trang bị camera ở phòng làm việc, ở công sở thì nghe còn được, nhưng đây lại trang bị ở nhà riêng thì rõ ràng là sai quy định của Luật Ngân sách.
Việc lắp camera cho các cán bộ Tỉnh ủy Sóc Trăng được lấy từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước có đúng luật hay không phải chờ kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Nhưng ở đây, cần xem xét dưới 2 khía cạnh:
1. Các tỉnh khác có làm như Sóc Trăng hay không và đây có phải là chủ trương chung được phê duyệt đối với cán bộ cấp tỉnh ủy.
2. Việc chi tới gần 1 tỉ đồng để lắp 16 camera an ninh có phù hợp với một tỉnh không quá giàu có như Sóc Trăng.