Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, tại Hà Nội hôm 5/8/2019.
Ngoài cam kết trên, tuyên bố chung giữa ông Ngô Xuân Lịch và bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, còn nói rằng hai bên cũng sẽ tăng cường “đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống như tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, tội phạm có tổ chức và buôn lậu, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”.
Tin cho hay, trong cuộc gặp tại Hà Nội hôm 5/8/2019, quan chức chủ nhà và bà Mogherini đã “trao đổi về việc phát triển quan hệ đối tác, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh dựa trên luật pháp quốc tế và cam kết chung”.
“Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh cũng nhằm tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ cấu trúc an ninh khu vực do ASEAN dẫn dắt và các hình thức hợp tác an ninh đa phương khác tại Châu Á, và hỗ trợ xây dựng năng lực, các chương trình đào tạo và hợp tác về quản lý khủng hoảng hiện nay trong khu vực”, tuyên bố chung đăng trên trang web của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam có đoạn.
Bộ Quốc phòng Việt Nam được cho là “ủng hộ mong muốn của Liên minh Châu Âu về việc tham gia vào các cấu trúc quốc phòng an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, trong khi “Liên minh Châu Âu mong đợi Việt Nam tiếp tục có những đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020”.
Trang Facebook của chính phủ Việt Nam hôm 5/8/2019 dẫn lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, nói tại cuộc họp báo sau khi đôi bên thảo luận rằng Hà Nội “hoan nghênh lập trường của EU, ủng hộ tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông”.
Ông Minh được dẫn lời nói tiếp rằng “việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đã và đang gia tăng căng thẳng, làm xói mòn lòng tin và làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định khu vực”.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Việt Nam không trực tiếp nhắc tới Trung Quốc, nhưng lâu nay, chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới đã bị phương Tây chỉ trích “vì quân sự hóa Biển Đông”.
Cuộc họp giữa quan chức EU và Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục “đối đầu” ở Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tin cho hay, ông Minh đã “đề nghị phía EU tiếp tục tham gia đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật và tôn trọng UNCLOS, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ở Biển Đông”.
Trong cuộc họp báo chung với ông Minh, bà Mogherini được cho là đã “trấn an” nhà ngoại giao hàng đầu Việt Nam rằng “Liên minh châu Âu hoàn toàn chia sẻ quan điểm và quan ngại của ngài về tình hình gia tăng căng thẳng trên Biển Đông”.
“Chúng tôi tin rằng sự căng thẳng cũng như quân sự hóa này hoàn toàn không có lợi cho môi trường hòa bình. Liên minh châu Âu luôn ủng hộ quyền tự do hàng hải và bay ngang, vốn là mối quan tâm của mọi quốc gia. Chúng tôi ủng hộ sự minh bạch cũng như sự hoàn tất mau chóng của các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý giữa Trung Quốc và ASEAN”, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu nói.
“Ngài có thể tin vào việc EU sẽ luôn bảo vệ không những sự cần thiết phải giảm căng thẳng mà còn trên hết là sự cần thiết phải tôn trọng hoàn toàn luật lệ quốc tế, trong đó có UNCLOS”.
Theo chính phủ Việt Nam, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, đồng thời là đối tác cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho VN với 400 triệu euro giai đoạn 2014 - 2020.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire