mercredi 4 juillet 2018

THẾ GIỚI : Những điều cần biết về việc FED tăng lãi suất


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Lãi suất cao hơn ở Mỹ sẽ có tác động sâu rộng đến mọi ngóc ngách của kinh tế thế giới, từ các khoản vay mua nhà và xe hơi cá nhân, chi phí đi vay của các chính phủ và công ty.


Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED) công bố đợt tăng lãi suất đầu tiên của Hoa Kỳ kể từ tháng 6 năm 2006, và 7 năm sau khi đã đẩy lãi suất cho vay tham chiếu (benchmark lending rate) của mình về 0% nhằm chống lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc đại suy thoái diễn ra sau đó .

Lãi suất cao hơn ở Mỹ sẽ có tác động sâu rộng đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế thế giới, từ các khoản vay mua nhà và xe hơi, chi phí đi vay của các chính phủ và các công ty, đến giá trị của các đồng tiền và hàng hóa cơ bản.

Dưới đây là 5 điều cần biết về đợt tăng lãi suất này của FED:

1. Fed đã làm gì?

Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất tham khảo tiền gửi liên bang một phần tư điểm phần trăm lên mức 0,25 đến 0,5%, và nói rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có thể sẽ tăng tốc trong năm tới.

Động thái này được nhiều người dự kiến từ trước nhưng vẫn đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên – kéo dài gần một thập niên – trong đó FED bơm hàng nghìn tỷ USD tín dụng rẻ vào kinh tế Mỹ để kích thích sự phục hồi của nền kinh tế, vốn tỏ ra kéo dài hơn dự kiến.

2. Tại sao lại tăng lãi suất vào lúc này?

Đối với FED, việc tăng lãi suất thể hiện sự tin tưởng vào nền kinh tế Mỹ sau một đợt phục hồi kéo dài và không đồng đều từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế sâu.

Các quan chức FED bây giờ nhìn nhận nền kinh tế Mỹ đã có đủ tăng trưởng để đảm bảo có thể từ từ hủy bỏ chính sách tín dụng rẻ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm một nửa còn 5% hồi tháng 11 so với 10% hồi năm 2009, và nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm mạnh mẽ là 2,1%.

Lạm phát vẫn còn dưới mức mục tiêu là 2% mà FED đặt ra, nhưng các quan chức tin rằng lạm phát sẽ tăng trong năm 2016 khi thị trường việc làm cải thiện thêm và giá dầu trở nên ổn định.

Các nhà kinh tế cũng cho rằng đây là thời điểm mà Mỹ phải tăng lãi suất để ngăn chặn tình trạng vay tiêu dùng quá mức và các bong bóng đang nổi lên trên thị trường nhà ở cũng như thị trường các tài sản khác.

3. Sẽ có bao nhiêu đợt tăng lãi suất nữa?

Bốn đợt tăng mỗi đợt 0,25% trong năm 2016, bốn đợt tương tự trong năm 2017, và ba hoặc bốn đợt nữa như vậy trong năm 2018.

Nhận định này dựa trên các dự báo mới về mục tiêu mà các quan chức FED đặt ra cho lãi suất tham chiếu của họ trong thời gian tới – lên mức 1,375% vào cuối năm 2016, 2,375% vào cuối năm 2017 và 3,25% vào cuối năm 2018.

4. Tại sao việc Mỹ tăng lãi suất lại quan trọng với phần còn lại của thế giới?

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, những gì xảy ra ở Mỹ gây tác động tới nhiều nơi ở khắp thế giới.

Dù lãi suất FED quy định là lãi suất mà các ngân hàng Mỹ thanh toán cho nhau cho các khoản vay qua đêm, nó lại đặt cơ sở cho lãi suất dài hạn trên khắp hệ thống tài chính toàn cầu từ các khoản vay mua nhà và xe hơi đến các khoản vay dành cho doanh nghiệp và nợ quốc gia.

Các chủ sở hữu nhà có thế chấp hoặc các doanh nghiệp mắc nợ sẽ cần phải tính đến chi phí trả nợ cao hơn.

Về mặt tích cực, những người tiết kiệm bao năm qua nhận được lãi suất huy động rất thấp có thể sẽ được đền bù tốt hơn.

5. Ai sẽ là những đối tượng bị tác động nhiều nhất?

Những người vay mượn nhiều nhất sẽ bị ảnh hưởng nhất. Các nhà kinh tế lo ngại nhất về các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Nga, nơi các công ty và chính phủ đã vay mượn rất nhiều bằng USD và bây giờ sẽ thấy khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản nợ hiện hữu và thu hút cũng như giữ lại các khoản đầu tư từ nước ngoài.

Việc tăng lãi suất cũng sẽ làm đồng USD trở nên mạnh hơn. Nhiều công ty và các nước tại các thị trường mới nổi đã tăng vay nợ bằng đồng USD nhưng thu nhập của lại chủ yếu được tính bằng đồng tiền bản địa, do đó việc thanh toán nợ của họ sẽ trở nên đắt đỏ hơn khi đồng USD tăng giá.

Việc tăng lãi suất của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến cách các nhà đầu tư nhìn nhận rủi ro. Nếu họ có thể kiếm được lợi nhuận hấp dẫn hơn bằng cách đầu tư vào Mỹ, họ có thể tránh xa các khoản đầu tư ở các quốc gia rủi ro hơn.

Việc Mỹ tăng lãi suất cũng xảy đến ở một thời điểm tồi tệ đối với nhiều nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những quốc gia dựa vào xuất khẩu các mặt hàng cơ bản. Giá dầu, kim loại và các mặt hàng nông sản đã giảm mạnh, nên các công ty và chính phủ có thể sẽ phải đối mặt với chi phí vay cao hơn tại một thời điểm khi mà nguồn thu từ khai khoáng và sản phẩm nông nghiệp cũng đang giảm.

Và bởi vì các mặt hàng cơ bản thường được định giá bằng đồng USD, việc đồng tiền này tăng giá càng khiến giá các mặt hàng cơ bản này giảm thêm nữa.

Các nhà đầu tư đã rút 500 tỷ USD ra khỏi các thị trường mới nổi trong năm 2015, là lần đầu tiên dòng vốn chảy ra khỏi các nước này trong suốt một thập niên qua.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu các động thái của FED có gây nên một vụ giẫm đạp nhằm thoái vốn ra khỏi các nước này hay không.

Nhiều đồng tiền của các thị trường mới nổi đã chịu áp lực khi các nhà đầu tư lo lắng về sức khỏe của các nền kinh tế này.

Về mặt tích cực, đồng USD mạnh hơn có thể là điều tốt cho các nền kinh tế châu Âu và châu Á khi nó đồng nghĩa với việc giá các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ trở nên rẻ hơn.


Theo Lê Hồng Hiệp/Nghiên cứu Quốc tế





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire