samedi 31 mars 2018

BLOG : Sông Mekong, con đường thứ hai Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Sông Mê Kông

Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.

Bản đồ lưu vực sông Mekong

Tính theo độ dài đứng thứ 12 (thứ 7 tại châu Á), còn tính theo lưu lượng nước đứng thứ 10 trên thế giới (lưu lượng hàng năm đạt khoảng 475 triệu m³). Lưu lượng trung bình 13.200 m³/s, vào mùa nước lũ có thể lên tới 30.000 m³/s. Lưu vực của nó rộng khoảng 795.000 km² (theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông) hoặc hơn 810.000 km² (theo số liệu của Encyclopaedia Britannica 2004). Sông này xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam. Các quốc gia kể trên (trừ Trung Quốc) nằm trong Ủy hội sông Mê Kông.


Giao thông bằng đường thủy trên sông Mê Kông gặp nhiều khó khăn do dòng chảy bị thay đổi nhiều theo mùa, các đoạn chảy xiết và các thác nước cao. So với tiềm năng to lớn nếu được khai thác đúng mức, hiện nay, chỉ một phần nhỏ của sông được dùng trong việc dẫn thủy nhập điền và tạo năng lực thủy điện. Tuy nhiên lưu lượng và nhịp độ nước lũ ban phát nhiều lợi ích: biên độ dao động cao (sai biệt khoảng 30 lần giữa mùa hạn và mùa nước lũ) rất thuận lợi cho lối canh tác ruộng lúa ngập nước cho nhiều vùng rộng lớn.

Đặc điểm thủy năng nổi bật của sông Mê Kông là vai trò điều lượng dòng nước bởi hồ Tonlé Sap - hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á - người Việt thường gọi là "Biển Hồ".


Sông Cửu Long

Bắt đầu từ Phnôm Pênh-Campuchia, nó chia thành hai nhánh:
- bên phải là sông Ba Thắc (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu)
- bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220–250 km mỗi sông. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái.

Tập hợp của cả chín nhánh sông lớn tại Việt Nam được gọi chung là sông Cửu Long.


Sông Mekong, con đường thứ hai Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á

Theo RFA ngày 02/05/2017 - Giữa tháng tư báo chí Thái Lan liên tục đưa tin một đoàn khảo sát Trung Quốc bắt đầu thăm dò các thác ghềnh ở thượng nguồn sông Mekong trên lãnh thổ Thái Lan để có thể phá các thác này mở đường cho tàu bè đi lại giữa các nước hạ lưu và Vân Nam Trung Quốc. Nhiều nhà hoạt động môi trường Thái Lan đã tổ chức phản đối chuyện này.


Tác hại môi sinh và kinh tế

Ngày 25 tháng 4 năm 2017, báo Tuổi trẻ tại Sài Gòn cũng đưa lại thông tin chuyện Trung Quốc khảo sát các thác ở Thái Lan để có thể chuẩn bị phá thác, khơi dòng cho tàu bè lưu thông. Tuy nhiên không thấy báo dẫn lời các chuyên gia trong nước về thông tin này.

Chúng tôi đã trao đổi với Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long để hỏi ý kiến ông về chuyện này.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện trưởng viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long) cho biết là nếu các thác vùng thượng du sông Mekong thuộc lãnh thổ Thái Lan bị phá thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến các loài cá sống ở đó, cũng như là sẽ gây lụt nặng và nhanh hơn vì các ghềnh thác là nơi giữ chậm lại dòng nước lũ. Tuy nhiên Tiến sĩ Tuấn nói rằng việc phá thác này không chắc ảnh hưởng nhiều đến vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam vì nó nằm khá xa.

Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng bộ thủy lợi của Việt Nam nói rằng không thể nói chính xác tác hại của những dự án đó như thế nào vì những vấn đề kỹ thuật mà Việt Nam không có tham gia. Theo ông vấn đề nằm ở chỗ là Việt Nam phải có tầm nhìn xa về những vấn đề như thế này từ trước.

Việt Nam mình có cải dở từ xưa đến nay, theo tôi là không chủ động, cái gì cũng không chủ động. Trên đời này có hai từ đất và nước, mà hai cái từ này theo tôi các nhà lãnh đạo rất là bị động. Đất thì để cho người ta làm này khác rồi la toáng lên, còn nước thì người ta làm đến nơi rồi, duyệt luận chứng, rồi đầu tư rồi thì mới kêu, lúc đó không giải quyết được vấn đề gì hết. Thành ra vấn đề là phải chủ động quan hệ đối ngoại. Coi những việc đó dưới tầm nhìn năm năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 50 năm. Chứ nếu người lãnh đạo đi họp sông Mekong mà sắp đến ngày họp thì cấp dưới báo là Thủ tướng phải đi, rồi chuẩn bị mấy câu, đi họp nói mấy câu ba điều bốn chuyện thì như thế không giải quyết được vấn đề gì cả.

Chuyện đất mà ông Trần Nhơn đề cập là những dự án cho nước ngoài thuê đất rừng mà công luận đã lên tiếng quan ngại cách đây không lâu.

Ông Trần Nhơn nói rằng khi không có tầm nhìn trước thì ngay đối với các quốc gia thân thiện với Việt Nam như Lào và Campuchia thì Việt Nam cũng khó lòng lên tiếng khi sự đã rồi, huống hồ một nước như Trung Quốc.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, người từng tham gia làm chuyên gia bên Lào thuật lại rằng đã từng gặp những nhóm khảo sát người Trung Quốc ở Hạ Lào với những dụ án phá thác ghềnh ở khu vực thác nước lớn nhất Đông Dương này. Tiến sĩ Tuấn nói rằng ngoài những lo ngại về tác động môi trường lên sinh thái của lưu vực Mekong, nhiều người còn lo ngại rằng khi dòng sông Mekong không còn ghềnh thác nữa, Trung Quốc sẽ dùng con đường này để gia tăng ảnh hưởng kinh tế:

Có một số người không phải là về môi trường hay sinh thái, họ lại nhìn sự ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước ở phía dưới này nhiều hơn. Hàng hóa Trung Quốc sẽ có cơ hội tràn xuống vùng này. Điều này cũng đáng lo ngại, vì hàng Trung Quốc ngoài loại tiêu dùng còn có những loại độc hại, những loại hóa chất, thực phẩm độc hại có thể tràn xuống để bán cho người nghèo. Đó là một điều người ta lo ngại.


Khống chế Đông Nam Á bằng sông Mekong

Để giải quyết những xung đột lợi ích giữa các quốc gia có chung dòng sông Mekong, hiện nay có Ủy ban sông Mekong gồm bốn thành viên Việt Nam, Lào, Thái Lan, và Cam Pu Chia.

Ông Trần Nhơn bình luận về hoạt động của ủy ban sông Mekong Việt Nam:

Cái ủy ban sông Mekong khi thì đặt ở bộ thủy lợi, khi thì đặt ở bộ nông nghiệp, rồi bây giờ đặt ở bộ tài nguyên môi trường, theo tôi là rất mờ nhạt trong vài chục năm nay. Cái cách làm việc rất bị động, rất, rất, rất bị động.”

Trên trang web của Ủy ban sông Mekong Việt Nam chúng tôi không thấy đăng tải tin tức về kế hoạch khảo sát và phá thác ghềnh của Trung Quốc tại miền bắc Thái Lan. Tiến sĩ Tuấn nói không rõ là Ủy ban sông Mekong của Thái Lan có tham vấn ủy ban sông Mekong của Việt Nam hay không vì không có thông tin công khai.

Gần đây có những lời đề nghị Trung Quốc tham gia vào Ủy ban sông Mekong với tư cách là một quốc gia có dòng sông Mekong dài nhất. Nhưng theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, người Trung Quốc lúc đầu chỉ muốn thành lập và lãnh đạo một cơ quan gọi là Lan Thương Mekong với trụ sở đặt ở Vân Nam. Lan Thương là đoạn sông Mekong chảy ngang lãnh thổ Trung Quốc. Bây giờ hầu như tất cả các điểm có thể xây dựng thủy điện trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc đều đã hoàn tất các đập nước, nay lại mong hợp tác với các quốc gia ở hạ du.




Trung Quốc muốn độc chiếm Mêkông

Theo RFI ngày 27/07/2017, liên quan đến châu Á, tuần báo Courrier international đăng bài “Dòng sông Mêkông được vẽ lại”, trích dịch từ báo Bangkok Post. Bắc Kinh muốn biến dòng sông này thành một tuyến đường trong mạng lưới vận tải, vốn đã chằng chịt, để chuyển hàng hóa Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á.


Ngày 14/11/2015, Trung Quốc đề xuất chương trình Hợp tác Lan Thương-Mêkông (CLM) với mục đích cải thiện giao thương và hợp tác với các nước cùng chung dòng sông là Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam. Trong cuộc họp đầu tiên giữa các bên vào tháng 03/2016, thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết tháo khoán 1,35 tỉ euro tín dụng và tuyên bố sẵn sàng cấp các khoản tín dụng tổng cộng đến 83,75 tỉ euro nhằm đầu tư vào các công trình hạ tầng lớn và phát triển mạng lưới giao thông trong vùng Mêkông, trong đó có cả hệ thống đường sắt, cảng sông và vận tải hàng không.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, nhiều công trình khai quang khu vực Mêkông đã được tiến hành, kể cả việc dùng chất nổ phá đá và các dốc đứng để thương thuyền 500 tấn có thể qua lại được, thay vì những con tầu 100-200 tấn như hiện nay.

Tờ Bangkok Post cho biết cải thiện khả năng lưu thông trên dòng Mêkông đã được một số nhà công nghiệp người Hoa chú ý ngay đầu những năm 2000. Chỉ đến khi dự án Hợp tác Lan Thương-Mêkông được đưa ra, người dân Thái Lan trong khu vực mới biết đến dự án này.

Từ 20 năm qua, Trung Quốc xây dựng rất nhiều đập thủy điện trên dòng sông chảy qua lãnh thổ và từ đó, mực nước lên xuống phía hạ nguồn do Trung Quốc quyết định. Hậu quả là nhiều loài cá đã biến mất khiến ngư dân phải chuyển nghề, nông dân trồng hoa mầu bên bờ sông luôn ngay ngáy sợ nước lên bất thường vì Trung Quốc xả lũ.

Bên cạnh dự án vận tải đường thủy trên dòng Mêkông, Trung Quốc đã phát triển mạng lưới đường bộ nối với Thái Lan nhờ trục cao tốc R3A (2008) đi qua lãnh thổ Lào, cây cầu hữu nghị thứ 4 (2013) giữa Thái Lan và Lào dẫn đến vùng Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), một hải cảng thương mại mới (2011) tại vùng Chiang Saen (Thái Lan)… Những công trình hạ tầng này đã tạo thêm lực đẩy cho giao thương biên giới, đặc biệt nhờ thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN, có hiệu lực từ năm 2010.


BÌNH LUẬN

Trung Quốc muốn khống chế lưu vực sông Mekong cũng giống như khống chế biển Đông vậy. Nghĩa là họ chiếm các đảo, rồi xây ra thành các thực thể, căn cứ quân sự, để không chế sự đi lại ở biển Đông. Còn ở phía Tây thì họ muốn không chế sông Mekong. Họ hoàn toàn không tham gia gì, không cung cấp các số liệu, rồi xây những đập thủy điện xong rồi bây giờ mới nói chuyện hợp tác.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire