Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Đây là nội dung trong Nghị quyết 112/NQ-CP đã được Thủ tướng ký ban hành ngày 30/10/2017. Theo đó, Chính phủ thông qua phương án về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
12 số trên thẻ Căn cước công dân sẽ là mã số định danh cá nhân
Cụ thể:
1. Nhóm thủ tục Đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã)
a) Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
b) Thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú bằng một biểu mẫu mới bao gồm nội dung về thay đổi về nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), giảm tải các thông tin đã khai thác được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.
c) Bỏ "Giấy chuyển hộ khẩu (HK07)” ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.
d) Bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.
2. Thủ tục Đăng ký tạm trú tại Công an cấp xã
Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
3. Các nhóm thủ tục:
- Tách sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Cấp đổi sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Cấp lại sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Xóa đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Cấp giấy chuyển hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Cấp đổi sổ tạm trú tại Công an cấp xã;
- Cấp lại sổ tạm trú tại Công an cấp xã;
- Điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú tại Công an cấp xã;
- Gia hạn tạm trú tại Công an cấp xã;
- Hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật tại Công an cấp xã.
Bãi bỏ các thủ tục hành chính này quy định tại Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Ngoài việc bỏ hình thức “sổ hộ khẩu” kể trên, Chính phủ còn đồng ý thực hiện đơn giản hóa hàng chục thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an khác.
BÌNH LUẬN
Bản chất của Nghị quyết 112 không phải là bỏ hộ khẩu mà chỉ thay thế hình thức hộ khẩu giấy sang "hộ khẩu điện tử". Thay vì trước đây làm thủ tục đăng ký thường trú và được cơ quan công an cấp một quyển sổ hộ khẩu. Công an quản lý nhân khẩu dựa vào quyển hộ khẩu này. Nay nhu cầu quản lý nhân hộ khẩu của nhà nước vẫn còn đó nhưng hình thức quản lý khác đi. Cụ thể là công an vẫn quản lý nhân hộ khẩu thông qua mã định danh cá nhân và thủ tục đăng ký cập nhật nơi cư trú trên hệ thống dữ liệu quốc gia.
Sau khi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân (12 số trên thẻ Căn cước) khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Lâu nay, việc kiểm tra tạm trú, tạm vắng, hộ khẩu là một trong những điều mà những nhà hoạt động thường bị sách nhiễu, gây khó khăn nhiều nhất. Dù đang ở khách sạn, nhà người thân hay nhà bạn bè thì công an lấy lý do kiểm tra tạm trú, tạm vắng, sổ hộ khẩu rồi họ vào gây khó khăn nhiều thứ như: Đưa người hoạt động về trụ sở, đuổi đi hay phạt hành chính... Mà việc "kiểm tra" này họ "sử dụng" bất cứ lúc nào, dù là đêm hôm khuya khoắt. Và tất nhiên là cái mục đích kiểm tra thì khác với lý do họ nêu ra.
Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ loại bỏ sự bất đình đẳng, phân biệt đối xử về quyền lợi giữa người có hộ khẩu thường trú và không có như: Vay vốn, xác lập quyền tài sản, lắp đặt Internet, công tơ điện, nước... Việc này sẽ tạo tiền đề cho sự cống hiến, đóng góp, phát triển của địa phương cũng như của quốc gia.
Nói tóm lại, cần có các cải cách hơn nữa để đảm bảo là người nhập cư có được khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam.
Tại buổi họp báo giải về đơn giản hoá thủ tục hành chính theo Nghị quyết 112 của Chính phủ, Thượng tá Trần Hồng Phú, phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), cho biết từ nay đến năm 2019-2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu hay CMND vẫn tiến hành bình thường như cũ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire