dimanche 31 juillet 2016

MÔI TRƯỜNG : Người Sài Gòn trồng rau


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Theo TTO, nhận thấy nhu cầu trồng rau sạch tại nhà đang “hot” nên nhiều cửa hàng kinh doanh cây kiểng tại TP.HCM đã đầu tư, mở rộng việc ươm tạo các loại giống cây con để bán, tạo ra cơn sốt trên thị trường gần đây.


Ông Nguyễn Văn Hành - chủ vựa rau giống Thuận Phong trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) - cho biết việc ươm hạt tạo cây con cần kỹ năng kỹ thuật và tỉ mỉ từng khâu, không dễ ươm với những người tay ngang.

Vì thế, các loại giống rau quả đã ươm thành cây con như mướp, dây bầu, dây bí, rau mồng tơi, rau dền, các loại rau thơm... trồng sẵn trong khay nhựa rất được người thích trồng trọt ưa chuộng.

Về giá cả, ông cho biết nếu là cây giống dài ngày như bầu, bí, mướp... thì giá dao động từ 50.000-100.000 đồng/chậu. Những cây ít ngày như rau răm, rau húng, rau quế, ngò gai, ớt... giá khoảng 15.000 đồng/chậu.

Trước đây, mỗi ngày tui chỉ bán lèo tèo vài chậu rau nhưng nay hơn 50-70 chậu/ngày cũng không đủ hàng đáp ứng” - ông Hành nói.

Tương tự, chị Nguyễn Hồng Nết, chủ vựa rau bên đường Tô Ký (P.Trung Mỹ Tây, Q.12), cho hay hơn 80% khách hàng tới mua giống rau non là các bà mẹ có con nhỏ. Để có nguồn thực phẩm sạch bảo đảm sức khỏe, nhiều bà mẹ chọn mua rau dền, mồng tơi, tía tô, các loại giống cải... về trồng tại nhà.

Do khó khăn trong việc ươm giống, bón phân và tưới nước trong giai đoạn xuống giống nên nhiều “mẹ bỉm sữa” đã tới cửa hàng của chị Nết đặt ươm giống. Các công đoạn làm đất, chọn đất, bón phân hữu cơ, vào chậu... đã được chủ vựa thực hiện kỹ lưỡng.

Cây giống sau năm ngày có thì có thể xuất vườn, lúc này khách hàng mua về tiếp tục chăm sóc. Thường chỉ tưới nước 10-15 ngày là có thể thu hoạch mà không cần phải bón thêm phân.

Do số lượng đặt hàng ươm giống ngày càng tăng nên chị Nết mở rộng 2,5 ha ở huyện Củ Chi để trồng hơn 20 loại rau quả giống.

Cũng theo chị Nết, việc ươm trồng khá khó khăn, cần có kinh nghiệm để đảm bảo có được cây non khỏe mạnh, phát triển tốt.

Đầu tiên là chọn hạt giống và đất tốt. Thông thường phải dùng đất vi sinh được trộn từ hỗn hợp đất, xơ dừa, phân hữu cơ... để hạt dễ nảy mầm. Cách bón thì một phần đất, mười phần phân cây sẽ phát triển tốt. Nên ngâm hạt giống trước khi gieo. Phải ươm làm sao để khi chuyển cây qua môi trường đất khác chúng vẫn tiếp tục phát triển khỏe mạnh” - chị Nết cho biết.

Ghé vào cửa hàng bán rau giống mua liền bốn chậu rau giống mồng tơi, chị Nguyễn Thùy Nương - giảng viên một trường đại học tại TP.HCM - cho biết việc mua loại giống rau non ươm sẵn trong chậu thuận tiện cho việc di chuyển vị trí trồng trên sân thượng.

Loại rau này mua về tự trồng, tận tay chăm sóc, không thuốc kích thích nên an toàn cho gia đình.

Nhà tôi có bốn người lớn và một con nhỏ nên chỉ cần trồng 10 chậu rau là có rau sạch sử dụng trong vòng một tháng, không cần phải đi chợ. Điều lợi ích nữa cho người trồng là cây giống này có thể dùng được nhiều lần và tạo không gian xanh cho gia đình” - chị Nương nói.



vendredi 29 juillet 2016

BLOG : Lợi ích quốc gia


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ”, khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ "bán nước, hại dân"? Vì đồng tiền cho bản thân, họ đã quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc.


Bán nước, hại dân

Theo báo GDVN-Xuân Dương, khái niệm “bán nước” đề cập trong bài viết này không liên quan đến quán nước vỉa hè, đến những xe téc chở nước ngọt bán cho đồng bào vùng khô hạn Đồng bằng sông Cửu Long hay cư dân Hà Nội khi đường ống nước sinh hoạt sông Đà vỡ 18 lần.

“Bán nước” nói ở đây liên quan chủ quyền quốc gia, đến khả năng đất nước có đủ lực lượng và sức mạnh quốc phòng khi buộc phải chiến đấu chống ngoại xâm, đến một xã hội mà người dân giàu có, hạnh phúc vẫn được sống trong an bình chứ không phải nghèo mà an bình.

Từ xưa đến nay, quan niệm phổ biến cho rằng “bán nước” là hành động cấu kết, tiếp tay cho các thế lực ngoại bang nhằm mưu lợi cho bản thân, dòng tộc, phe nhóm… gây thiệt hại tới chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc, nói theo ngôn ngữ dân gian là “rước voi về giày mả tổ”.

Hiểu như thế đúng nhưng chưa đủ.

Những hành động làm băng hoại đạo đức xã hội, biến Nhà nước thành công cụ trấn áp nhân dân, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; gây thiệt hại kinh tế… không đơn thuần chỉ là hại dân, hại nước.

Đó chính là hành động "bán nước, hại dân" bởi chúng làm suy yếu khối đoàn kết dân tộc, suy yếu lực lượng vũ trang, khiến đất nước lệ thuộc vào nước ngoài về kinh tế, quân sự, bị đồng hóa về văn hóa…

Những kẻ đang hàng ngày đem tiền thuế của dân mua đồ phế thải từ nước ngoài, biến đất nước thành bãi rác công nghiệp;

Đổ hàng nghìn tỷ tiền mồ hôi, nước mắt của dân vào các công trình để rồi bỏ hoang;… làm cho đất nước nghèo đi, khiến đứa bé vừa chào đời đã trở thành con nợ, khiến tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm tràn lan, tệ nạn xã hội hoành hành;

Khiến người dân suy giảm niềm tin vào thể chế, vào đội ngũ cán bộ, không thể gọi với cái tên nào khác ngoài cụm từ “bán nước, hại dân”.


Vụ Formosa

Sau khi vụ Formosa xả thải ra biển khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Nguồn nước thải ra đó bao gồm: cyanua, phenol các kim loại nặng.

Điều đáng lưu tâm là việc vận chuyển chất thải công nghiệp rắn mà Formosa ký với Công ty cổ phần xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Công ty Kỳ Anh) do ông Lê Quang Hoà làm Giám đốc, được ký vào tháng 4/2016, đây chính là thời điểm mà vùng biển ven bờ bốn tỉnh miền Trung bị đầu độc bởi chất thải lỏng Formosa  đổ ra biển Vũng Áng.


Báo chí vào cuộc phanh phui chuyện chôn chất thải rắn của Formosa tại một trang trại ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo “hoả tốc”  đến Sở Tài nguyên & Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh, UBND thị xã Kỳ Anh, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng.


Tin cho hay trong tổng số 267 tấn chất thải dạng bùn (chất thải rắn) đã được đưa ra khỏi khu vực công ty Formosa có 189 tấn chất thải công nghiệp, còn lại là chất thải sinh hoạt thông thường.


Những hành động đó thường được nhắc bởi cụm từ “buông lỏng quản lý” nhưng nói một cách nghiêm túc đó là tiếp tay cho người nước ngoài phá hoại kinh tế, môi trường đất nước mình.

Đã đến lúc những hành đông “tiếp tay” đó phải bị xem là bán nước hại dân, phải bị nghiêm trị chứ không chỉ nhắc nhở.


Từ Hồ sơ Panama đến đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Theo báo Đất Việt, mặc dù từ lâu đã có nhiều dư luận về hiện tượng các quan chức Việt âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài, nhưng chỉ đến năm 2016 lần đầu tiên mới bật ra thông tin theo một cách “chẳng giống ai”: sự rò rỉ bất ngờ và sau đó là tiết lộ của vụ Hồ sơ Panama đã lôi ra ánh sáng việc Việt Nam có tới 189 cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các “thiên đường trốn thuế”. Tổng cộng có đến 92 tỉ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua.

Nhưng sau vụ Hồ sơ Panama, mọi chuyện lại trở về khoảng lặng êm đềm trong quá khứ của nó. Không một cơ quan và quan chức nào của Việt Nam muốn tự vạch áo cho người xem lưng. Vì thế đã chẳng có một cuộc điều tra nào, dù chỉ cho có, đối với “Hậu Hồ sơ Panama”.


Chỉ đến tháng 7/2016, ngay trước thời điểm thông qua lần cuối tư cách của gần 500 đại biểu Quốc hội, Việt Nam mới “bỗng dưng” phát hiện một chuyện cười ra nước mắt: nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở… Cộng hòa Malta – một quốc gia chỉ rộng có 300 cây số vuông, nằm ở một xó của châu Âu, tạo ấn tượng nổi bật nhất nhờ vào hai việc: trở thành rổ đựng bóng trong các trận cầu quốc tế, và dễ tránh thuế đánh vào tài sản cá nhân.

Hẳn nhiên với lý do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam về việc công dân Việt Nam không được có hai quốc tịch, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã phải họp đột xuất để bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu của bà Hường.

Tuy nhiên, vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở chỗ tư cách đại biểu quốc hội xen kẽ tư cách “công dân Malta” của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, mà từ vụ việc của bà Hường, người dân đã có hẳn một bằng chứng xác thực về chuyện đến cả đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng chuẩn bị “ra đi tìm đường cứu nước” như thế nào, thay vì trước đây chỉ nghe đồn đoán về “một bộ phận không nhỏ” đã chuẩn bị nhảy lên máy bay chuồn ra nước ngoài nếu Tổ quốc “có biến”.


‘Đặt vé chưa?’ ‘Có thẻ xanh chưa?’

Thật thế, trong những năm gần đây, một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý “Đặt vé chưa?”. Trước đó là một câu hỏi khác “Có thẻ xanh chưa?”.

Cũng đã từ lâu, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, khá phổ biến kinh nghiệm cần một khoản chi phí 500.000 đô la để được nhập tịch Canada. Ngay trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, một đơn thư gửi đến Bộ Chính trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ…

Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là “chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay”. Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý “hồi tố tài sản tham nhũng” và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu.

Hiện tượng các quan tham Trung Quốc chuyển tài sản

Tuy không có số liệu thống kê nào, nhưng bầu không khí ở Việt Nam là khá gần gũi với “người anh em Trung Quốc”.

Theo số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc, riêng trong năm 2011, các chính phủ nước ngoài đã giúp bắt giữ 1.631 người Trung Quốc chạy trốn vì “các hành động tội phạm liên quan đến công việc” và thu hồi 7,8 tỉ nhân dân tệ (1,2 tỉ USD) tài sản nhà nước bị đánh cắp. Phần lớn đối tượng phạm tội đều là quan chức và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước.

Hiện tượng các quan tham Trung Quốc chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình mang ra nước ngoài và họ không giữ gì trong tay, sau khi gia đình định cư an toàn ở nước ngoài những quan tham này mới lên kế hoạch thoát thân, đang trở thành phổ biến ở Trung Quốc.

Điểm đến hàng đầu cho các dòng tiền Trung Quốc chảy ra nước ngoài phi pháp là Mỹ, Châu Âu, Australia, Canada… Tại Mỹ, Los Angeles là điểm đến ưa thích nhất của các quan tham Trung Quốc.

Vụ bê bối chính trị của gia đình Bạc Hy Lai – Cốc Khai Lai bị phanh phui khiến dư luận kinh ngạc về mức độ tham nhũng và cách tẩu tán tiền kiếm được từ tham nhũng của các ông quan tham Trung Quốc. “Xách tay” hàng nghìn tỷ USD ra khỏi đất nước, mua bất động sản cao cấp ở nước ngoài, tiêu tiền cho gái, đánh bạc… là những cách thức tẩu tán tiền ra nước ngoài phổ biến của các quan tham Trung Quốc.

Một bản báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chỉ ra những cách mà các tham quan Trung Quốc thường sử dụng để chuyển tiền ra nước ngoài:

– Một vài người dùng cách đơn giản là tự mình hoặc cho người xách những vali lớn đựng đầy tiền qua biên giới.

– Một số khác sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng hiệu với khối lượng lớn ở nước ngoài, sau đó dùng tiền biển thủ công quỹ hoặc tiền hối lộ để bù vào thẻ tín dụng.

– Trong một số trường hợp, tham quan nhận tiền hối lộ ở nước ngoài và dùng tiền đó mua bất động sản cũng ở nước ngoài, hoặc chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ở nước ngoài.

– Ly dị giả cũng là một cách để các quan tham Trung Quốc tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

– Nếu tinh vi hơn, tham quan sẽ thành lập công ty ở những nơi như British Virgin Islands song song với một công ty trong nước. Kế đó, họ cho công ty trong nước mua nguyên vật liệu từ công ty ở nước ngoài với mức giá “trên trời” rồi để công ty trong nước bán hàng cho công ty nước ngoài với giá dưới mức giá thị trường. Công ty ở trong nước sau đó sẽ phá sản theo một kịch bản có sẵn, rồi công ty ở nước ngoài sẽ thâu tóm công ty phá sản này.

– Một kênh rửa tiền phổ biến khác là các sòng bạc ở “thiên đường casino” Macao. Do quy định kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài, các sòng bạc Macau cho phép khách hàng từ đại lục để Nhân dân tệ trong nhà băng ở đại lục rồi chuyển bằng thẻ tín dụng tới Macao, thường là với số lượng lớn hơn nhiều so với số lượng tiền gửi ban đầu tại ngân hàng. Người thắng bạc có thể được trả bằng đô la Hồng Kông và chuyển số tiền này đến một địa chỉ khác, nhưng cũng có lúc tham quan thắng bạc cầm thẳng số tiền này mang đi…


Thế giới thu hồi tài sản tham nhũng ra sao?

Chỉ đến gần đây mới xuất hiện vài số liệu cho biết số ngoại tệ được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài có năm đã lên đến 19 tỷ USD. Con số này cho thấy rất nhiều quan chức và thương gia đã âm thầm chuyển tiền bạc ra các nước, bất chấp kỷ luật đảng. Nếu quan chức Trung Quốc “thích” những nước như Canada, Mỹ, Anh, Pháp…, thì quan chức Việt Nam có lẽ cũng như vậy.

Không khó để hình dung rằng số tiền từ 500.000 đến 1 triệu bảng Anh mà đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường bỏ ra để nhập quốc tịch Malta có thể chẳng là gì so với những quan chức giàu có ở Việt Nam.

Nhưng cho tới nay, cơ sở pháp lý của Việt Nam, công cụ phòng chống tham nhũng và nhất là thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán vẫn hoàn toàn chưa có biện pháp chế tài. Việc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài vẫn rất dễ thực hiện thông qua các giao dịch điện tử ngầm hoặc đội lốt hợp tác đầu tư thông qua các công ty bình phong ở nước ngoài.

Năm 2014, trong một bài viết cho đài VOA, nhà báo Bùi Tín đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý về cơ chế nhằm thu hồi tài sản tham nhũng từ các chế độ độc tài. Một kinh nghiệm từng có là khi chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các chế độ mới đã không kịp thời xử lý nghiêm những tài sản phi pháp của hệ thống cầm quyền cũ, nên tài sản chung đã bị tẩu tán, phân tán, lọt lưới pháp luật, tạo nên một số “tỷ phú mafia đỏ hậu cộng sản,” những phe nhóm lợi ích thuộc gia tộc các quan chức cầm quyền cũ; nhờ thế số người này vẫn chế ngự và lũng đoạn nền kinh tế và tài chính quốc gia, mặc dù lịch sử đã sang trang.

Tháng 3 năm 2007, cuộc họp liên tịch giữa Tổ chức chống buôn lậu và tội ác của LHQ (UNODC) và một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã lập ra một cơ chế mang tên Stolen Asset Recovery Initiative (StAR– Chương trình thu hồi tài sản phi pháp) nhằm hướng dẫn và giúp đỡ các nước thực hiện việc thu hồi các tài sản phi pháp bị mất bởi nạn hối lộ, tham nhũng, buôn lậu cấp quốc gia và nộp các tài sản được thu hồi đó vào ngân sách nhà nước hoặc vào các quỹ từ thiện quốc tế nhằm giúp các nước đói nghèo trên thế giới.

Trước đó ở châu Âu đã có tổ chức Serious Organized Crime Agency (SOCA – Cơ quan chống tội ác có tổ chức nghiêm trọng) mang tính chất nghiệp vụ pháp lý chuyên giúp đỡ việc truy tìm những người phạm tội ác nghiêm trọng trong đó có tội tham nhũng ở mọi nơi, mọi nước, cũng như tổ chức Financial Crimes Enforcement Network (FICEN – Mạng luới chống tội ác về tài chính), hay tổ chức Agence Gestion et Recourement des Avoirs Confisqués (AGRAC – Cơ quan quản lý và giải quyết tài sản bị tịch thu). Chính những tổ chức này đã tham gia có hiệu quả vào việc giúp cho Indonesia và Philippines thu hồi một số tài sản phi pháp khá lớn của 2 cựu Tổng thống Suharto và Ferdinand Marcos sau khi 2 ông này bị lật đổ và truy tố. Riêng tài sản phi pháp của vợ chồng Marcos đã được thu về cho ngân sách nhà nước là 4 tỷ USD trong tổng số 10 tỷ họ đã tước đoạt của công quỹ và nhân dân.

Các tổ chức trên đã giúp cho chính quyền mới ở Libya thu về hơn 1 tỷ USD của nhà độc tài Gaddafi để trao cho Hội đồng Chuyển tiếp sung vào ngân sách quốc gia; ngoài ra các ngân hàng ở Thụy Sỹ cũng đã tự nguyện trao trả cho chính quyền mới ở Tunisia 60 triệu Francs Thụy Sỹ, cho chính quyền mới ở Ai Cập 410 triệu Francs Thụy Sỹ và cho chính quyền mới ở Libya 650 triệu Francs Thụy Sỹ là tiền ký gửi của các nhà độc tài tham ô Ben Bella, Mubarak và Gaddafi…

Còn với trường hợp Việt Nam thì sao?

Nếu không gấp rút có được một cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, hệ lụy chắc chắn sẽ xảy ra là sau khi đã có “vé”, đến một thời điểm nào đó lớp quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” sẽ nhảy lên máy bay để “chuồn”, bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang.



SỨC KHOẺ : Vệ sinh và sức khỏe răng


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Người Việt chúng ta thường có thói quen đánh răng trước khi ăn sáng, nhưng hành động này liệu có tốt cho sức khỏe răng miệng?

Chải răng đúng cách giúp răng sáng đẹp và hạn chế bệnh lý răng miệng

Theo các khuyến cáo từ nha sĩ thì nên đánh răng 3 lần trong ngày để đảm bảo vệ sinh và sức khỏe răng miệng một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, theo thói quen, người Việt Nam chúng ta thường sẽ đánh răng theo thứ tự “trước”, trước khi ăn sáng, trước khi đi ngủ...

Nhưng sự thật là, nên đánh răng sau khi ăn sáng, sau khi ăn trưa và chỉ trước khi đi ngủ thôi. Hãy cùng xem lý giải vì sao trình tự lại như thế nhé.

Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, trong quá trình ngủ khoang miệng sản sinh và phát triển cân bằng nhiều vi khuẩn có lợi.

Hơn nữa , đánh răng trước khi ăn sáng sẽ không chỉ làm mất đi vi khuẩn có lợi mà còn không đẩy được các mảng bám mới của thức ăn sáng trên răng.

Thời điểm thích hợp được các nha sĩ khuyến cáo đánh răng vào buổi sáng là khoảng 20-30 phút sau khi ăn sáng, đó là thời gian lí tưởng để tuyến nước bọt tiết ra có thể trung hòa các axit, giúp cân bằng độ kiềm hợp lí ở khoang miệng.

Nên đánh răng sau khi ăn sáng (Ảnh: Internet)

Nếu ngại về vấn đề dịch, và mùi hôi trong miệng sau khi ngủ dậy, bạn hoàn toàn có thể súc miệng bằng nước muối ấm hoặc các dung dịch vệ sinh chuyên dụng rồi mới tiến hành thưởng thức bữa ăn sáng.

Và sau đó là chải răng sạch sẽ để bắt đầu ngày mới với hơi thở thơm tho, tự tin hơn.
Bên cạnh đó, việc chọn bàn chải và đánh răng đúng cách cũng giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ răng miệng.

Các bệnh về viêm nướu và sâu răng là do sự hình thành của mảng bám không được chải sạch gây nên.
Ta cần chọn bàn chải lông mềm, có thể dùng bàn chải trẻ em, các sợi lông mềm sẽ dễ dàng luồn vào các kẽ để lấy vụn thức ăn ra.

Thời gian chải răng lí tưởng là 2 phút, không nên đánh lâu hơn sẽ làm mài mòn men răng.


Để vệ sinh lưỡi, bạn có thể sử dụng một dụng cụ cạo lưỡi nhằm loại bỏ các lớp màng bám trên lưỡi. Tuy nhiên, khi cạo, bạn nên thực hiện nhẹ nhàng và từ từ để tránh gây tổn thương lưỡi.

Và quan trọng nhất trong việc đánh răng mà đa số mọi người đều làm lơ chính là cạo sạch lưỡi, vì hơn 50% vi khuẩn ẩn náu ở bề mặt nhám của lưỡi.

Có thể dùng đồ cạo lưỡi chuyên dụng hoặc dùng bàn chải để chà nhẹ vệ sinh lưỡi bạn nhé.

Đặc biệt, không nên đánh răng ngay sau mỗi bữa ăn, vì các axit có trong thực phẩm sẽ làm mềm men răng, do đó nếu đánh răng ngay sau khi ăn dễ dàng làm tổn thương, suy yếu men răng.
Hãy đợi 30 phút sau khi ăn hãy thực hiện chải răng.

Hoặc nếu không có nhiều điều kiện chải răng, bạn hãy sục miệng thật sạch với nước lã, điều này cũng giúp đánh bay 70-80% mảng bám đấy.

Thời điểm chải răng quan trọng nhất trong ngày chính là “trước khi ngủ”. Vì sau 6-8 tiếng không súc miệng, không ăn uống… nên vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong khoang miệng.

Do đó bắt buộc trước khi đi ngủ răng miệng phải sạch, để sáng hôm sau không cần đánh răng trước khi ăn sáng, chỉ cần súc miệng là được.



mardi 26 juillet 2016

THẾ GIỚI : Nhật Bản '19 người trong một trại tâm thần bị giết hại'


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Cảnh sát đến nơi xẩy ra vụ tấn công làm ít nhất 19 người bị sát hại và 45 người bị thương ở trại tâm thần Sagamihara, gần Tokyo, đêm 25 rạng 26/07/2016 (Kyodo/via REUTERS)

Theo RFI, rạng sáng ngày hôm nay, 26/07/2016, một kẻ dùng dao đột nhập vào một trung tâm đón nhận người tàn tật ở vùng Kanagawa, cách thủ đô Nhật Bản khoảng bốn chục cây số. Hung thủ đã giết chết 19 người, làm bị thương hơn bốn chục người khác, rồi sau đó ra đầu thú.

Từ Tokyo, thông tín viên Frederic Charles gửi về bài tường trình :

« Vụ tấn công giết người xẩy ra tại một trung tâm đón nhận những bệnh nhân bị tâm thần nặng, cách Tokyo khoảng bốn chục cây số về phía đông nam. Trung tâm này đặt dưới sự quản lý của một thành phố nhỏ và có thể đón nhận 150 bệnh nhân.

Vào lúc 2 giờ 30 sáng nay, giờ địa phương, trung tâm đã gọi điện báo cho cảnh sát là có một người cầm dao đột nhập vào cơ sở này. Satoshi Uematsu, mặc áo T-shirt đen, 26 tuổi, sau đó đã ra đầu thú ở sở cảnh sát. Người này trước đây làm việc tại trung tâm. Trong chiếc xe hơi dính phủ đầy máu của hung thủ, cảnh sát tìm thấy nhiều con dao.

Hung thủ tự nhận là tác giả vụ tấn công giết người và dường như đã tuyên bố : Tôi muốn gạt bỏ những kẻ tàn tật ra khỏi thế giới này. Cảnh sát đang điều tra xem nguyên nhân gì đã khiến hung thủ giết và làm bị thương nhiều người đến như thế.

Những vụ tấn công tàn sát như vậy rất hiếm khi xẩy ra tại Nhật Bản. Vào ngày này cách nay 15 năm, một người vốn là gác cổng ở một trường học tại Osaka, đã lên cơn điên loạn, đâm chết 8 trẻ nhỏ ».

Hung thủ này sau đó được xác minh tên là Satoshi Uematsu, 26 tuổi.


Hung thủ Nhật từng gửi  thư kế hoạch giết người khuyết tật

Theo TTO, hung thủ giết 19 người ngày 26-7 tại Nhật Bản từng viết một bức thư gửi chủ tịch Hạ viện Nhật Bản mô tả kế hoạch tấn công tương tự những gì đã xảy ra.


Theo AP, trong bức thư viết tháng 2-2016 gửi tới chủ tịch Hạ viện Quốc hội Nhật Bản, Satoshi Uematsu đã nêu ra lý do hắn muốn ra tay thảm sát, thậm chí còn thỏa thuận với chính quyền một số yêu cầu để tiến hành vụ tấn công mà hắn cho là nhằm "khôi phục kinh tế Nhật" và "bảo vệ hòa bình thế giới".

Nghi phạm Satoshi Uematsu ngồi trên xe cảnh sát khi bị đưa đi gặp công tố viên. Ảnh: Reuters

Đọc lại bức thư trong nỗi kinh hoàng chưa nguôi sau vụ tấn công vừa xảy ra tại Nhật, người ta không thể hiểu tại sao có thể tồn tại tư tưởng thú tính như vậy trong một con người.

Chúng tôi dẫn nguyên văn bức thư này theo bản dịch sang tiếng Anh của hãng tin AP:

"Ông chủ tịch Hạ viện Tadamori Oshima kính mến,

Cảm ơn ông rất nhiều vì đã đọc bức thư này. Tôi có thể giết sạch cả thảy 470 người tàn tật.

Tôi hoàn toàn nhận thức rõ lời nói của mình là quái đản. Tuy nhiên, cứ nghĩ về gương mặt mệt mỏi của những người bảo vệ, những đôi mắt lờ đờ của các nhân viên chăm sóc đang làm việc tại trung tâm, tôi lại không thể dằn lòng, và tôi đã quyết định phải hành động hôm nay vì lợi ích của nước Nhật và thế giới.

Lập luận của tôi là tôi có thể giúp phục hồi nền kinh tế thế giới và tôi nghĩ điều đó có thể giúp phòng ngừa Thế chiến thứ 3.

Tôi hình dung về một thế giới mà ở đó một người đa khuyết tật có thể bị loại bỏ với sự đồng thuận của những người bảo vệ, khi người đó rất khó khăn trong việc đảm đương việc nhà cũng như các hoạt động xã hội.

Tôi tin rằng vẫn không có giải pháp nào cho phương thức tồn tại của những người đa khuyết tật. Người tàn tật chỉ có thể tạo ra khổ sở.

Tôi nghĩ giờ là lúc phải tiến hành một cuộc cánh mạng và đưa ra một quyết định khó khăn nhưng không thể tránh khỏi vì lợi ích của nhân loại. Hãy để nước Nhật đi bước đi lớn đầu tiên.

Liệu ông Tadamori Oshima, một người ủng hộ thế giới, có thể sử dụng quyền lực của ông để thế giới tiến lên theo một hướng tốt đẹp hơn không?

Tôi chân thành hi vọng ông sẽ chuyển thông điệp này tới ông Shinzo Abe.

Đây là giải pháp tôi đã tìm ra sau khi suy nghĩ nghiêm túc về việc mà tôi có thể làm cho nhân loại.

Ngài chủ tịch Hạ viện Tadamori Oshima thân mến, liệu ngài có thể sử dụng quyền lực của ngài vì lợi ích của nước Nhật thân yêu và vì toàn nhân loại không?

Xin hãy cân nhắc toàn diện điều này.

Satoshi Uematsu

(địa chỉ, số điện thoại)

Nhân viên tại Kanagawa Kyodokai

Sau đó là kế hoạch rất cụ thể về thời gian, mục tiêu, tốc độ thực hiện việc "giết sạch 260 người khuyết tật"; đồng thời là kế hoạch tự thú sau đó với "thời gian bỏ tù tôi có thể lên tới 2 năm và xin hãy để tôi được sống cuộc đời tự do sau đó. Được vô tội với lý do bị điên. Một cái tên mới (Takashi Iguro), được cấp các hồ sơ đăng ký và giấy tờ tùy thân cần thiết cho cuộc sống hàng ngày như giấy phép lái xe...".

Cảnh sát Tokyo đã nhận được bức thư này và theo hãng tin Kyodo, những lời đe dọa của hắn cũng đã được truyền đạt lại với cảnh sát địa phương nơi tên Uematsu sống.

Thống đốc tỉnh Kanagawa Yuji Kuroiwa xin lỗi vì đã không hành động đủ để ngăn chặn vụ tấn công từ những dấu hiệu cảnh báo ban đầu này.


DU LỊCH : 8 tên gọi lạ ở Sài Gòn


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Sài Gòn đến nay vẫn là một thành phố trẻ so với nhiều tỉnh thành khác trên khắp đất nước Việt Nam nhưng những câu chuyện và lịch sử về nơi này luôn là một đề tài bất tận khiến bao người tò mò và thắc mắc. Những cái tên bạn nghe mỗi ngày như Thủ Thiêm, Lăng Ông Bà Chiểu,… có nguồn gốc từ đâu? Vì sao người ta lại gọi những địa điểm này bằng những cái tên lạ đời đến như vậy?


1. Lăng Ông Bà Chiểu

Tọa lạc tại số 1, đường Vũ Tùng thuộc phường 1, quận Bình Thạnh, Lăng Ông Bà Chiểu nằm tĩnh lặng và trầm mặc ngắm nhìn thành phố trẻ ngày một náo nhiệt, hiện đại hơn. Và nếu có ai đột ngột hỏi bạn rằng Lăng Ông Bà Chiểu thờ ai, vì sao lại có tên gọi như vậy, bạn có trả lời được không?

Lăng Ông Bà Chiểu là khu lăng mộ của Tả Quân Lê Văn Duyệt. (Nguồn: Internet)

Lăng Ông Bà Chiểu (gọi tắt là Lăng Ông, còn có tên gọi khác ít phổ biến hơn là Thượng Công Miếu) là khu lăng mộ của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Chính vì tên gọi đặc biệt mà nhiều người thường hiểu lầm rằng lăng này được lập ra để thờ Ông và thờ Bà tên Chiểu. Thật ra, đây là lăng thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt và do tục lệ kiêng cử tên, cho nên thường gọi là Lăng Ông. Lăng lại nằm kế bên khu chợ Bà Chiểu, và đó là nguồn gốc ra đời của cái tên Lăng Ông Bà Chiểu.


2. Thị Nghè

Điểm qua tên của một số địa danh, kênh rạch, phường ở khu vực quận 1, người ta sẽ dễ dàng nghe đi nghe lại cái tên Thị Nghè, có khi xuất hiện dưới tên của một con rạch, cây cầu, lại có khi xuất hiện như một ngôi chợ, một nhà thờ. Ngoài ra, phần địa giới gồm một phần các phường 17, 19, 21 thuộc quận Bình Thạnh cũng được gọi là Thị Nghè.

Cầu Thị Nghè. (Nguồn: Internet)

Theo quyển “Gia Định thành thông chí”, mục “Trấn Phiên An”, Thị Nghè là tên dân gian của bà Nguyễn Thị Khánh – con gái quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân, và là vợ một viên thư kí. Bà Nguyễn Thị Khánh có chồng là thư kí mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do bà đã có công cho khai hoang đất ở và bắc cầu để tiện việc đi lại cho dân chúng. Cảm phục bà, người ta quyết định gọi cây cầu là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè.

Cho đến ngày nay, cái tên Thị Nghè vẫn còn được giữ lại như một cách hậu thế ghi nhớ công đức của bà Nguyễn Thị Khánh.


3. Bến Nghé

Tên Bến Nghé, ban đầu là tên của một bến nước, sau chỉ một con sông, cuối cùng dùng chỉ một địa phương (vùng trung tâm TP.HCM hiện nay). Để giải thích cái tên Bến Nghé, hiện có hai thuyết:

- Thứ nhất, theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn “Phương Đình dư địa chí” (1900) thì tương truyền, sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế (nghé tức trâu con). Sách “Đại Nam nhất thống chí”, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.

Khu vực phường Bến Nghé ngày nay. (Nguồn: Internet)

- Còn theo học giả Trương Vĩnh Ký, Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer – Kompong có nghĩa là bến, Kon Krabei có nghĩa là con trâu. Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà “người ta thường cho trâu, bò ra tắm” vì có nhiều địa danh cấu tạo bằng “bến + tên thú” như: rạch Bến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé).


4. Thủ Thiêm

Đa số tên gọi cho các con đường, cây cầu, phường, chợ… ở Sài Gòn đều lấy tên những người có công với đất nước, thành phố hoặc đơn giản là chỉ với người dân của khu vực đó. Có vẻ như Thủ Thiêm không phải là một cái tên được đặt theo công thức trên.

Cầu Thủ Thiêm (Nguồn: Internet)

Trước đây, “thủ” là danh từ chỉ đồn canh gác dọc theo các đường sông. Vì khá phổ biến thời trước nên “thủ” đã đi vào một số địa danh hiện nay như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (Sài Gòn), Thủ Thừa (Long An) hay Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa được cho là tên những viên chức được cử đến cai quản các thủ này và đã giữ chức vụ khá lâu nên tên của họ đã được người dân gắn liền với nơi làm việc. Còn Thủ Dầu Một thì ở thủ đó ngày xưa có một cây dầu mọc lẻ loi.


5. Đakao

Đakao – tên gọi mà biết bao người Sài Gòn đã quen mặt, một cái tên gây ấn tượng mạnh mẽ khi vừa nghe thì giống tên Việt Nam nhưng khi viết thì lại mang đậm dáng dấp phương Tây. Lịch sử đằng sau cái tên “nửa người nửa ta” này có gì đặc biệt?

Chợ Đakao (Nguồn: Internet)

Thời xưa, có giai đoạn hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập lại thành “Địa phương Sài Gòn – Chợ Lớn” (Région de Saigon – Cholon) với tổ chức bên dưới là các hộ (quartier), tương đương cấp tổng ở các tỉnh. Người đứng đầu một hộ gọi là Hộ trưởng (Chef de quartier). Tên gốc của vùng đất Đakao ngày nay là Đất Hộ (đất của hộ hoặc đất do hộ quản lí). Trong sách báo và các văn bản thời trước, người Pháp đã phiên âm địa danh Đất Hộ thành Đakao. Trên thực tế, địa danh Đakao chỉ phổ biến rộng tại Sài Gòn từ thập niên 1950 – 1960 trở về sau.


6. Kênh Tàu Hủ

Với tổng chiều dài 22km, vắt ngang giữa TP.HCM và trải dài trên địa bàn 8 quận huyện, kênh Tàu Hủ khiến không ít người thắc mắc về nguồn gốc cái tên “nghe thôi đã thèm” trong khi quanh khu vực này không hề có truyền thống làm tàu hủ?

Tàu Hủ là tên gọi sau này của kênh Ruột Ngựa – được đào vào cuối năm 1772 nhằm thông lưu Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ. Đến ngày nay, kênh Tàu Hủ đã trải dài từ Đông sang Tây Sài Gòn. (Nguồn: Internet)

Theo học giả Trương Vĩnh Ký (viết năm 1885) và Huỳnh Tịnh Của (viết cuối thế kỷ 19), thì đoạn phố đi ngang qua rạch Chợ Lớn được gọi là Tàu Khậu, đó là cách người Triều Châu phát âm từ “thổ khố” (khu nhà gạch), sau trại âm thành Tàu Hủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhìn kinh nước đen và những “món phụ gia” trôi nổi trên ấy, rất hôi thối, mà người dân liên tưởng đến tương chao, tàu hủ cho có phần… thi vị, nên gọi như vậy.

Kênh Tàu Hủ chưa bao giờ mang vẻ đẹp thơ mộng làm say đắm người nhìn, nhưng nó vẫn nằm sâu trong tiềm thức của người Sài Gòn với hình ảnh thuyền lớn thuyến nhỏ buôn bán tấp nập và cả một giai đoạn lịch sử đặc biệt .


7. Ngã tư Bảy Hiền

Là nút giao thông quan trọng thuộc phường 4, quận Tân Bình, ngã tư Bảy Hiền không chỉ gắn liền với những chiến thắng oanh liệt của người dân Sài Gòn năm xưa mà còn mang một chút gì đó bí ẩn đằng sau tên gọi dân dã, gần gũi Bảy Hiền.

Ngã tư Bảy Hiền. (Nguồn: Internet)

Theo Lê Minh Quốc trong sách “Người Quảng Nam”, vùng Bảy Hiền nổi tiếng với làng dệt do những cư dân Quảng Nam vào đây lập nghiệp (sau năm 1954). Theo đó, Bảy Hiền là tên của ông già bán cà phê “cóc” sinh thứ Bảy, tên Hiền. Được biết, ông Bảy Hiền này cai quản các đồn điền cao su của Nam Phương hoàng hậu, tức Nguyễn Hữu Thị Lan – phu nhân vua Bảo Đại.

Đến khoảng năm 1940, người Sài Gòn dần lược bỏ chữ “ông” trong tên gọi, thành ra “ngã tư Bảy Hiền” cho đến ngày nay.


8. Cầu Chà Và

Với bề dày lịch sử hơn 100 năm, cây cầu Chà Và bắc qua kênh Tàu Hủ đã góp phần thông thương vùng Chợ Lớn giữa quận 8 và quận 5. Cầu Chà Và có chiều rộng khoảng 30m, chiều dài 190m, có thêm 2 nhánh phụ lên xuống đại lộ Đông Tây, đảm bảo các phương tiện đi trên cầu không giao cắt nhau nhằm hạn chế tối đa kẹt xe.

Một góc cầu Chà Và. (Nguồn: Internet)

Thật ra, Chà Và là cách người Việt phát âm chữ Java – tên một hòn đảo ở Indonesia. Chà Và dùng để chỉ người đến từ đảo Java, về sau dùng để gọi tất cả những người có màu da ngăm như Chà Bom Bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma Ní (Manila, Philippines). Thế mới rõ vì sao khu vực cầu Chà Và từng là phố chợ của người gốc Ấn Độ chuyên bán vải lại được gọi thành Chà Và. Ngoài ra, ở đầu cầu Chà Và về phía quận 8 có rạp hát Phi Long nổi tiếng, thường xuyên chiếu phim Ấn Độ phục vụ cư dân quanh vùng.




lundi 25 juillet 2016

XÃ HỘI : Quán cơm Nụ Cười : 2.000 đồng một suất


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


2.000 đồng một suất, từ người quản lý đến tình nguyện viên đều phục vụ không lương, quán cơm, nhà hàng cơm từ thiện ở TP.HCM đã mở rộng thành hệ thống rộng lớn.

Đều đặn từ thứ hai đến thứ bảy, khoảng 11g - hệ thống các quán cơm Nụ Cười - lại rộn ràng người lao động nghèo xếp hàng chờ mua phiếu ăn cơm - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Hệ thống các quán cơm Nụ Cười :
- Nụ cười 1: 6 Cống Quỳnh, Q.1 (hoạt động từ thứ 5 đến thứ 7)
Nụ cười 2: 46/22 Nguyễn Ngọc Nhựt, Q.Tân Phú (hoạt động từ thứ 5 đến thứ 7).
Nụ cười 3: 298A Huỳnh Tấn Phát. Q.7 (hoạt động thứ 2,4,6)
Nụ cười 4: 132 Bến Vân Đồn, Q.4 (hoạt động 3,5,7)
Nụ cười 6: 43 đường Trưng Trắc, Q.Thủ Đức. (hoạt động 3,5,7).
Nụ cười 7: 64 Vĩnh Viễn, Q.10, TP.HCM. (hoạt động 2,4,6).

Ngoài ra còn có những quán cơm xã hội khác như ở Đà Nẵng nằm tại một góc đường Ngô Gia Tự, cạnh sân vận động Chi Lăng, là địa chỉ quen thuộc của người bán vé số dạo và các bạn học sinh, sinh viên nghèo tại Đà Nẵng.


Là một hoạt động từ thiện ý nghĩa nên hệ thống quán cơm 2.000 đồng mang tên 'Nụ cười' nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp và tài trợ. Hiện nay tất cả các quán đều có thể tự mình hoạt động ổn định mà chưa cần dùng đến nguồn vốn của quỹ tình thương. Quán thường quyên có các bạn sinh viên, học sinh, nhân viên văn phòng đến tham gia làm tình nguyện viên. Trong ảnh là nhóm của đại học Bách Khoa TP.HCM cùng nhân viên của quán chuẩn bị thức ăn.


Sau khi chuẩn bị xong, đội ngũ nhân viên quán cùng các bạn tình nguyện viên tranh thủ ăn sớm để đến 11h có sức tiếp đón khách.


Sắp đến giờ phục vụ, các thanh niên tình nguyện bắt đầu dọn sẵn cơm ra bàn. Chỉ với 2.000 đồng mà khách được ăn thoải mái không hạn chế, đảm bảo tất cả đều no bụng.


Một phần cơm với đầy đủ cơm, thịt, rau, canh. Dù rất rẻ nhưng tất cả đều đảm bảo vệ sinh, an toàn.


Mỗi ngày đều có nhiều cá nhân đến đóng góp trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Một phụ nữ góp 10 chai nước tương cùng nhiều gia vị nấu ăn khác.


Chưa đến giờ cơm song có một vị khách đến sớm và bị khiếm thị nên được ưu tiên vào dùng trước. Các bạn tình nguyện viên nhiệt tình giúp đỡ dẫn khách vào chỗ ngồi, lấy cơm sao cho thuận tiện nhất.


Ngày nào cũng vậy, gần 11h khách đến xếp hàng khá đông. Thành phần chủ yếu là người lao động nghèo bán vé số, bán báo, chạy xích lô, xe ôm, lượm ve chai. Mọi người đều rất ý thức xếp hàng không hề có cảnh chen lấn xô đẩy.


Mọi người tới đây đều có tinh thần tự giác rất cao, sau khi trả tiến lấy phiếu rồi nhận phần ăn bước vào chỗ ngồi một cách trật tự, không hề chen lấn, ồn ào. Sau khi ăn xong họ tự giác đứng dậy cất mâm và nhanh chóng ra ngoài nhường chỗ cho người mới đến.


Ông Lê Đình Phương (quê Phú Yên, 79 tuổi) bị tật ở chân nên phải ngồi xe lăn đi bán vé số. Ngày nào cũng đều đặn đúng giờ, ông ghé quán để ăn cơm. Ông bảo, cơm ăn ngon còn các em tình nguyện viên rất tốt, đều biết ý bưng cơm ra giúp người tàn tật nên ông không phải xếp hàng như khách khác.


Những trường hợp khách đến ăn gặp khó khăn đều được các bạn tình nguyện viên giúp đỡ chu đáo. Có khi các khách đến ăn lâu ngày thân thiết cùng nhau cũng giúp đỡ nhau rất chân thành. Trong ảnh là chị Thúy, luôn luôn trò chuyện và giúp bác Hai như người thân trong nhà.


Với 2.000 đồng/phần cơm, quán phải bù thêm 12.000 đồng. Bên cạnh đó, tất cả những người quản lý, tình nguyện viên đều hoạt động không lương. Tất cả tiền tài trợ đều chi trực tiếp cho bữa ăn, và dùng cho các hoạt động sửa chữa quán.


Có nhiều người đến quán dùng cơm rồi khi ra về tặng quán một số tiền lớn để đóng góp cho quỹ. Hai bạn trẻ trong ảnh đã để lại 300.000 đồng và không chịu cho biết tên. "Em chỉ muốn góp một phần nhỏ cho những người thật sự cần, đó đã là niềm vui rồi", cô gái nói.


Có rất nhiều những câu chuyện xúc động về các bạn tình nguyện viên, trong đó có chuyện của anh Bùi Quang Long. Tài xế này cứ 12h được nghỉ lại chạy qua quán phụ giúp xong xuôi lại vội chạy về làm việc. Quán còn có chị Nhung, một nhân viên văn phòng, hay phụ giúp giờ cao điểm buổi trưa.


Chú Năm Đồng là người đồng sáng lập ra hệ thống quán cơm Nụ Cười. hiện nay chú và vợ chú quản lý các quán Nụ Cười 1,2,6. Khi trò chuyện chú luôn canh cánh trong lòng, phải làm sao để tìm được những mặt bằng lớn hơn, mở được nhiều “Nụ cười” hơn để phục vụ được thêm nhiều người nghèo.

Bữa cơm 2.000 đồng ở quán cơm Nụ Cười đã giảm nhẹ phần nào những lo toan
của người lao động nghèo - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Chị Lê Thị Phải phải đi giao ve chai cho khách hàng cho kịp, thấy vậy chị Hồ Tâm (phải) đã mang cơm ra cho chị Phải để kịp chuyến đi - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Những trường hợp khách đến ăn gặp khó khăn đều được các bạn tình nguyện viên giúp đỡ chu đáo - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Hai bạn Võ Thị Mỹ Hường và Khưu Ngọc Thiều góp ngày công để hỗ trợ bữa cơm cho người nghèo - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Một người giấu tên góp 3 bao gạo với lời nhắn là giúp những người có hoàn cảnh khó khăn có bữa cơm no hơn - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Quán thường xuyên có các bạn là sinh viên, học sinh… đến tham gia làm tình nguyện viên. Trong ảnh là nhóm sinh viên của Trường đại học Bách khoa TP.HCM đang rửa bát tại quán cơm - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Những bình trà đá miễn phí được đặt ngay bên đường để người lao động giải cơn khát giữa trưa nắng gắt - Ảnh: NGỌC DƯƠNG


Quán cơm từ thiện Yên Vui ở Hà Nội

Sau rất nhiều nỗ lực, sáng ngày 14/12/2020 quán cơm từ thiện Yên Vui ở số 136 ngõ 88 Trần Quý Cáp, Đống Đa, Hà Nội mở bán thử. Quán sẽ đi vào vận hành từ 10h30 các ngày thứ hai, tư, sáu trong tuần.


Các bác các cô gửi tiền ở quầy thu ngân, sau đó vào chọn các suất cơm, tình nguyện viên sẽ mời thực khách ngồi vào bàn ăn - Ảnh: HÀ THANH

"Mời cô, dì, chú, bác vào ăn cơm", "cô bác ăn ngon miệng là quán hạnh phúc lắm ạ", tình nguyện viên đon đả cất lời mời chào thực khách đến ghé quán cơm từ thiện Yên Vui.

Đây là quán cơm thứ 13 do Quỹ từ thiện Bông Sen tài trợ với những suất cơm giá rẻ cho bà con cô bác lao động khó khăn.

2.000 đồng/suất 'cơm Yên Vui', mời cô bác ghé vô dùng thử


Đà Nẵng đã có quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng


Bà Trương Thị Liễu - trưởng bếp quán cơm Nụ Cười - Ảnh: Tấn Lực

Quán cơm Nụ Cười nằm khiêm tốn tại một góc đường Ngô Gia Tự, cạnh sân vận động Chi Lăng, là địa chỉ quen thuộc của người bán vé số dạo và các bạn học sinh, sinh viên nghèo tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng đã có quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng













mardi 19 juillet 2016

SỨC KHOẺ : Những nguyên nhân gây hại cho thận


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Theo boldsky.com, nhiều người chủ quan nghĩ chỉ có rượu bia hay thuốc lá mới gây hại cho thận mà không ngờ còn một số thói quen hàng ngày cũng đang đe dọa sức khỏe của cơ quan này.


Không nói thì ai cũng hiểu thận là một cơ quan quan trọng trong cơ thể, chịu trách nhiệm duy trì cân bằng nước và điện giải trong máu, loại bỏ các độc tố và chất thải trong cơ thể.

Tuy nhiên, chúng ta có một số thói quen hàng ngày dễ gây tổn thương cho thận mà không hề hay biết. Nếu không nhận ra nguyên nhân, không sớm thì muộn, chúng ta cũng khiến bộ phận quan trọng nhất cơ thể bị suy.

Chắc chắn, sau khi đọc danh sách này, nhiều người sẽ giật mình khi thấy mình đang gây hại cho thận khủng khiếp.


Nhịn tiểu


Nhiều khi, vì quá bận việc, chúng ta thường có thói quen nhịn tiểu, trì hoãn đi theo "tiếng gọi của tự nhiên". Nhưng điều này khiến bàng quang phải chứa lượng nước lớn, làm tăng áp suất nước tiểu dễ gây suy thận.


Nhịn tiểu là nguyên nhân gây nên hàng loạt các bệnh về đường tiết niệu

Khi phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đi tiểu buốt, đau tức khu vực bàng quang khi tiểu thì bạn cần đến ngay các bệnh viện để được tư vấn và kiểm tra.


Tiêu thụ quá nhiều muối

Là một gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày, nhưng muối có thể làm cho thận làm việc quá tải nếu bạn tiêu thụ quá nhiều.

Ảnh: Shutterstock


Uống nhiều nước ngọt hoặc cà phê

Cà phê và nước ngọt chứa rất nhiều caffeine, vốn gây hại cho thận. Thói quen này dễ làm tăng huyết áp, gây áp lực lên cho thận.



Không ngủ đủ giấc

Giấc ngủ giúp sửa chữa và tái sinh các mô thận. Ngủ không đủ giấc hoặc rối loạn giấc ngủ có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới thận.


Nghiên cứu từng chỉ ra một giấc ngủ gián đoạn khiến bạn có nguy cơ đối diện với bệnh thận cao hơn.


Không uống đủ nước

Hầu hết chúng ta có xu hướng không uống đủ nước (từ 1,6-2 lít/ngày). Thói quen này có thể dẫn đến mất nước, một trong những nguyên nhân chính gây nên sỏi thận và tổn thương thận.


Vì vậy, bạn phải uống đủ nước để giúp thận đào thải các chất độc ra ngoài cơ thể.


Thiếu vitamin B6

Nghiên cứu chỉ ra vitamin B6 đóng vai trò quan trọng với các chức năng thận. Thiếu hụt vitamin này có thể tăng nguy cơ bị sỏi thận.


Bạn có thể bổ sung vitamin B6 bằng cách ăn các thực phẩm như cá, đậu xanh, gan bò, khoai tây, các loại rau giàu tinh bột và trái cây họ cam quýt.


Thường xuyên uống thuốc giảm đau

Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau có thể hạn chế dòng chảy của máu đến thận, từ đó dẫn đến hư hại cơ quan này.


Tất cả các loại thuốc giảm đau đều có tác dụng phụ, và một trong những tác dụng phụ nguy hiểm nhất là gây ra thiệt hại cho thận do thận phải làm việc cật lực để đào thải hết lượng thuốc đó khỏi máu.


Tiêu thụ quá nhiều protein

Theo các nghiên cứu gần đây, ăn quá nhiều thực phẩm có hàm lượng protein cao không tốt cho thận.

Nguyên nhân bởi việc tiêu hóa các loại protein động vật có thể sản sinh ra nhiều thành phẩm độc hại như là hydrogen sulfide và ammonia khiến thận phải nỗ lực làm việc nhiều hơn.


Về lâu dài, thực phẩm protein dễ làm suy giảm chức năng thận, dẫn đến sự phát triển của sỏi thận và cuối cùng dẫn đến tổn thương thận.


Bỏ qua một số bệnh nhiễm trùng

Một số bệnh nhiễm trùng thông thường như cảm cúm do virus, viêm amiđan, viêm dạ dày liên quan... có thể ảnh hưởng đến thận, vì các vi khuẩn phải đi qua thận để được loại bỏ khỏi cơ thể.

Vì vậy, đừng bao giờ bỏ qua những triệu chứng thông thường trên, cần điều trị phù hợp để tránh hại thận.


Uống quá nhiều rượu và hút thuốc

Các chất độc trong rượu không chỉ hại gan mà còn ảnh hưởng tới thận. Đồ uống này khiến thận phải làm việc quá nhiều và dần dần sẽ bị tổn thương.


Còn hút thuốc lá có liên quan đến bệnh xơ vữa động mạch Việc thu hẹp và xơ cứng mạch máu ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho tất cả các cơ quan quan trọng, bao gồm cả thận.


Theo nghiên cứu này, hai điếu thuốc mỗi ngày là đủ để tăng gấp đôi số lượng của các tế bào nội mô hiện diện trong máu của bạn. Đây là một tín hiệu của tổn thương động mạch.


Lười thể dục

Tập thể dục là một cách tốt để bảo vệ thận. Những người thường xuyên thể dục có nguy cơ bị sỏi thận thấp hơn 31% so với những người lười thể dục.


Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh không những giảm nguy cơ sỏi thận mà còn giúp thận làm việc tốt hơn.


Thiếu magiê

Nếu không được bổ sung đủ magiê, cơ thể sẽ không thể hấp thụ và tiêu hóa canxi đúng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng quá tải canxi và hình thành sỏi thận.


Để ngăn chặn điều đó, bạn nên bổ sung magiê trong chế độ ăn uống của mình bằng cách tiêu thụ các loại rau lá xanh, đậu, hạt giống và các loại hạt...