mardi 11 août 2015

PHONG TỤC : Làm lễ cúng đầy tháng cho con gái hay con trai


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Để khẳng định sự tồn tại và vai trò của một thành viên mới trong gia đình cũng như gia tộc, các bố mẹ sẽ tổ chức một lễ cúng cho đứa con mới sinh của mình khi bé đã tròn một tháng tuổi. Đây là nghi thức có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người.


Làm lễ cúng đầy tháng cho con gái hay con trai đúng cách và những thông tin cần thiết hỗ trợ rất nhiều cho các bà mẹ trong việc cúng thôi nôi cho bé, cầu mong ơn trên đất trời mang lại cho con những điều may mắn và thành công trong cuộc sống sau này. 

Thông thường, theo phong tục nước ta thì khi trẻ con được sinh ra tròn một tháng sẽ được bố mẹ làm lễ tạ ơn đất trời vì "mẹ tròn con vuông" và sau là để trình diện họ hàng nội ngoại về thành viên mới trong gia đình nhằm mong muốn mọi người đón nhận, yêu thương và che chở cho bé trong chặng hành trình dài sau này. 

Trẻ vừa mới chào đời sẽ có khá nhiều bỡ ngỡ với thế giới xung quanh nên cần lắm bàn tay nâng đỡ và hơi ấm từ người mẹ từ trong bụng cho tới khi ra đời nên việc cúng đầy tháng cho con để giúp bé dần cảm nhận được mọi thứ bên ngoài chính là điều vô cùng cần thiết đấy.


Cách tính ngày làm lễ cúng đầy tháng cho con gái hay con trai

Theo cách tính truyền thống, ngày đầy tháng của trẻ sơ sinh được căn cứ vào lịch âm và tùy thuộc vào giới tính của đứa bé. Theo đó, nếu là bé gái sẽ lùi lại 2 ngày và nếu là bé trai sẽ lùi lại 1 ngày như cách ông bà xưa vẫn nói "gái lùi hai, trai lùi một"

Chẳng hạn, nếu bé sinh vào ngày 28/3 âm lịch thì ngày cúng đầy tháng sẽ là ngày 26/4 âm lịch nếu đó là bé gái. Nếu là bé trai thì ngày cúng đầy tháng sẽ là ngày 27/4 âm lịch . Thông thường, lễ này được thực hiện vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. 

Ngày nay, các bố mẹ thường căn cứ ngày sinh của con dựa trên lịch dương và ngày cúng đầy tháng là ngày trùng ngày sinh vào đúng tháng sau. 


Làm lễ đầy tháng cho bé trai, bé gái như thế nào cho đúng quy cách?

Làm lễ đầy tháng cho bé trai, bé gái, ngoài việc chuẩn bị món ăn, thức uống dùng để chiêu đãi khách, bạn còn phải chuẩn bị mâm lễ vật cúng kính 12 Mụ bà và một mâm cúng kính 3 Đức ông


Sau đây là danh sách 12 Mụ bà sẽ luân phiên lo việc thai sản trong 12 năm cho bé và bà mỗi bà sẽ kiêm một việc trong sinh nở giáo dưỡng :
1. Mụ bà Trần Tứ Nương, coi việc sanh đẻ (chú sinh)
2. Mụ bà Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén (chuyển sinh)
3. Mụ bà Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai (thủ thai)
4. Mụ bà Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé
5. Mụ bà Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai (an thai)
6. Mụ bà Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ (chuyển sinh)
7. Mụ bà Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản)
8. Mụ bà Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ (dưỡng sanh)
9. Mụ bà Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống)
10. Mụ bà Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử)
11. Mụ bà Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ (bảo tử)
12. Mụ bà Nguyễn Tam Nương, coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ

Ngoài ra, còn có 3 Đức ông với chức năng truyền dạy nghề nghiệp cho bé trong tương lai : 
1. Thánh sư
2. Tổ sư
3. Tiên sư 


Những gợi ý về việc chuẩn bị các vật phẩm cúng lễ đầy tháng cho bé

Một số gợi ý như sau:

Cúng Mụ bà
- 3 đĩa xôi
- 3 tô chè
- 12 chén chè
- Hàng mã (giấy tiền vàng bạc)

Cúng Đức ông
- 3 chén cháo
- 1 con vịt chéo cánh luộc chín
- Hàng mã (giấy tiền vàng bạc)
- 1 tô cháo


Ngoài ra, có thể sử dụng thêm những vật cúng khác nhưng không bắt buộc:
- 12 đôi hài xanh
- 12 nén vàng màu xanh
- 12 bộ váy áo xanh
- 12 miếng trầu cánh phượng
- 12 bộ đồ chơi
- 12 con cua
- 12 con ốc
- 12 con tôm
- Bánh kẹo, hoa quả,… chia thành 12 phần bằng nhau.


Bài cúng trong lễ đầy tháng cho bé con
  • Sau khi bày lễ vật, một trưởng tộc hoặc người biết thực hành nghi lễ, thắp ba nén hương khấn nguyện vài câu đơn giản như sau:

    "Hôm nay, ngày (mùng)… tháng… (âm lịch), ngày cháu (nội hay cháu ngoại…) họ, tên… tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh thập nhị mụ bàtam đức ông trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên…) mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc".
  • Sau nghi thức cúng kính là nghi thức khai hoa còn gọi là "bắt miếng". Đứa bé được đặt ngay trên bàn giữa, chủ lễ rót trà thấp hương xin phép bắt miếng. Xong, bồng đứa trẻ một tay, tay kia cầm một nhánh hoa điệp (có thể hoa khác) vừa quơ qua, quơ lại trên miệng cháu bé vừa dạy những lời tốt đẹp như sau:

    Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
    Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ,
    Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
    Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến…
  • Tiếp sau là lời chúc mừng và tặng quà hoặc tiền lì xì của khách mời, của dòng họ bà con cho cháu bé và gia đình nhân ngày cháu tròn một tháng tuổi.

  • Lễ đầy tháng là hình thức tín ngưỡng dân gian mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng thờ mẫu, qua đó cho thấy tín ngưỡng dân gian nói chung luôn hướng con người không chỉ biết có hiện tại, tương lai, mà còn nhận rõ truyền thống văn hóa mang tính bản sắc của gia đình – xã hội. Đồng thời Lễ đầy tháng còn là sự biểu hiện của những ước muốn tốt đẹp của các thế hệ trước đối với các thế hệ kế thừa.

Tóm lược

Mong rằng với thông tin liên quan tới việc làm lễ cúng đầy tháng cho con đúng cách và những gợi ý vật phẩm, bạn nên tham khảo trên đây sẽ giúp ích thật nhiều và một số gợi ý cho các bà mẹ. 

Bé con sinh ra ngoài việc đảm bảo thật tốt về mặt thể chất và tinh thần thì cha mẹ cần phải biết các nghi thức cúng quẩy nhằm mang tới những điều nguyện ước tốt lành cho con trong hiện tại cũng như tương lai. 

Con trẻ khi vừa chào đời sẽ hoàn toàn lạ lẫm với thế giới xung quanh mình nên ngoài sự nâng đỡ và sưởi ấm từ cha mẹ cũng cần đến sự yêu thương và đồng hành từ họ hàng nội ngoại nên việc làm lễ cúng như thế nào cho hợp lý và đúng quy cách chính là điểu cần thiết để mọi người chấp nhận bé đến với gia tộc. 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire