lundi 27 juillet 2015

THẾ GIỚI : Du khách VN trộm cắp ở nước ngoài


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Thời gian gần đây, tình trạng người Việt Nam ăn cắp đồ tại Thụy Sỹ, Singapore, Nhật ... lại có xu hướng gia tăng. Điều đó khiến cho hình ảnh người Việt thêm xấu xí trong mắt các bạn nước ngoài.


Du khách Việt ăn cắp hàng hiệu ở Thụy Sĩ

Tháng 7/2015, trên trang cá nhân, một hướng dẫn viên chia sẻ câu chuyện hai khách người Việt bị cảnh sát bắt giữ tại Thụy Sĩ do ăn cắp đồ trong một cửa hàng thời trang.

Theo hướng dẫn viên này, cuộc hành trình đưa đoàn khách 29 người Việt tới du lịch ở Pháp và Thụy Sĩ đã kết thúc tốt đẹp nếu không xảy ra vụ việc đáng tiếc. Hai thành viên trẻ trong đoàn bị bắt tại Zurich vì ăn cắp 3 chiếc kính mát hiệu Gucci và Louis Vuitton với trị giá khoảng 300 euro/chiếc.

Sau khi nhận được thông báo, hướng dẫn viên và người của công ty du lịch đã phải tới sở cảnh sát để tìm hiểu sự việc và yêu cầu cơ quan này giúp đỡ xử lý vụ việc ngay trong đêm vì đoàn phải bay sớm vào ngày mai. Cuối cùng, cơ quan cảnh sát đã yêu cầu nộp phạt 2.000 fanc Thụy Sĩ (tương đương khoảng 2.000 USD).

Giấy xử phạt của cơ quan chức năng

“Nghĩ mà xót xa. Tôi cảm thấy xấu hổ vì tôi cũng là người Việt Nam trong chuyến đi này. Mặc dù còn vài tour đi các nước khác nữa nhưng tôi không muốn nhận tour nữa”, anh bày tỏ.

Bình luận về câu chuyện của hướng dẫn viên này, một thành viên cho hay: “Tội nghiệp cho bạn HDV quá. Thôi đành 'mũi dại lái chịu đòn' vậy. Hy vọng sẽ không còn chuyện như vậy xảy ra trong những hành trình kế tiếp của bạn”.

Cảnh sát Thụy Sĩ lập biên bản phạt 2 du khách của Việt Nam vì tội ăn trộm


Người Việt bị bắt tại Nhật vì ăn cắp quần áo

Tháng 9/2014, truyền thông Nhật vừa đồng loạt đưa tin về vụ bắt giữ 6 người Việt, cả nam lẫn nữ. Qua điều tra, cơ quan an ninh Nhật Bản xác nhận họ đã hơn 100 lần ăn cắp quần áo Uniqlo mang về Việt Nam bán.

Vụ bắt giữ với tài khoản gần 1,9 tỷ đồng. (Ảnh: ANN News)

Theo Asahi, cơ quan cảnh sát cho hay, những người trên lần lượt bị bắt khi sau khi thực hiện các vụ ăn cắp tại cửa hàng quần áo Uniqlo tại đường Showa-ku, thành phố Nagoya, tỉnh Aichi. Nhóm đối tượng này đã thực hiện hơn 100 phi vụ trót lọt, chuyển về Việt Nam để bán lại.

Nhãn hiệu thời trang Uniqlo là một thương hiệu của Nhật Bản rất được ưu chuộng tại Việt Nam. Các loại quần áo của hãng thời trang này sau khi vận chuyển về Việt Nam được bán với giá gấp 3-4 lần.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát Tokyo đã bắt giữ nữ tiếp viên của một hãng hàng không VN để phục vụ điều tra việc mang hàng xách tay bị nghi có nguồn gốc trộm cắp, rồi “tuồn” từ nước này về Việt Nam theo đường hàng không.

Sau 22 ngày bị tạm giữ tại Nhật Bản để phục vụ điều tra, nữ tiếp viên đã được cơ quan cảnh sát thả.

Tấm biển cảnh cáo dành cho người Việt. (Ảnh: Vietnamnet).


Những câu chuyện về người Việt ăn cắp

Những câu chuyện về người Việt ăn cắp, như giám đốc một công ty tên tuổi ở TP.HCM, vẫn lấy trộm ô dù trong siêu thị tại Nhật, lan truyền nhanh trên mạng xã hội khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ. Không chỉ ở Nhật Bản, mà các nước và vùng lãnh thổ khác như Thái Lan, Đài Loan cũng đều có biển cảnh báo về thói trộm cắp vặt của một số người Việt.

Cách đây không lâu, báo chí Singapore cũng đã đưa tin về vụ nhóm mười khách du lịch quốc tịch Việt Nam chuyên móc túi khách đi mua sắm và ăn trộm hàng từ các siêu thị. Trong khi rà soát nơi ở của những người này, cảnh sát tìm thấy tới 60 điện thoại di động cùng máy nghe nhạc iPods và nhiều quần áo vẫn còn nguyên giá tiền.


BÌNH LUẬN

Thời gian qua thông tin trên mạng nói đã có những hành vi vi phạm của du khách người Việt như trộm cắp đồ trong siêu thị, gây mất trật tự nơi công cộng. Các hành vi này “ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh văn hóa của người Việt Nam ở nước ngoài”.

Tháng 7/2015, mọi người bực tức với cái tin Singapore từ chối rất nhiều phụ nữ Việt nhập cảnh. Nhưng chúng ta cảm thấy như thế nào khi đi du lịch mà bị họ đối xử kiểu vậy?

Một tấm biển cảnh báo người Việt ở Đài Loan

5 tháng và 1000 người bị trả về ngay lập tức từ Singapore

Từ trước đến giờ vẫn nghĩ du lịch Singapore rất dễ và mọi người thường chọn Singapore để du lịch vào dịp hè vì đơn giản là nó đẹp, không quá xa vì chi phí hoàn toàn phù hợp với nhiều người Việt Nam. Nhưng có ai ngờ, cũng chỉ là số ít đến đó để thực hiện những việc tệ nạn không mấy tốt đẹp nên vô tình ảnh hưởng đến việc đất nước này gây khó dễ cho du khách đến từ Việt Nam.

Nhưng điều vô lý nhất của Singapore đó chính là hành vi quy chụp và từ chối ngay cả những người đến đây với lí lịch và mục đích rõ ràng, gây ra không ít phiền toái. Phần lớn họ lại là nữ, khi mà tất cả phụ nữ Việt bị gom hết vào 1 phòng, tra hỏi, chụp hình, lăn tay,…họ là du khách không phải tội phạm.

Còn nhớ cách đây không lâu, lúc Singapore đang tổ chức Seagame, những hành động đẹp của người Việt tại đây là nhặt rác giúp họ đã được cộng đồng tán dương và họ đã gọi chúng ta là những người láng giềng đáng yêu, và đây là cách mà họ đối xử với những người láng giềng đáng yêu đó!


Nhật, Thái, Hàn,…treo bảng rêu rao người Việt ăn cắp, tham ăn, xả rác bằng cả tiếng Việt

Thêm 1 câu hỏi nữa, liệu đây là cách họ làm dịch vụ sao? Khách hàng là thượng đế nhưng có vẻ đây là một cách đuổi khéo thượng đế của họ. Chưa cần biết chất lượng phục vụ và đồ ăn của họ có ngon như thế nào, bất kì ai trong chúng ta nhìn thấy những tấm bảng này đã cảm thấy bị chạm lòng tự ái rồi.

Những lời cảnh cáo được viết bằng tiếng Việt như trên, tại nhiều quốc gia còn khiến không ít người cảm thấy buồn và xấu hổ khi hình ảnh, đất nước mình đang trở nên xấu xí trong mắt người nước ngoài.


Thái Lan từng bắt khách đến từ Việt Nam phải xòe tiền chụp hình khi nhập cảnh

Bảng thông báo phân biệt đối xử ở Thái Lan

Dẫu biết việc chứng mình tài chính khi đến Thái Lan là tất nhiên nhưng chỉ lạ ở chỗ, chỉ Việt Nam và một số nước khác bị bắt làm việc này. Hành động này chả khác nào xúc phạm người khác, một việc làm cũng tương tự như những gì đang diễn ra tại Singapore. Suốt một thời gian chúng ta la ó phản đối, phía Việt Nam cũng bắt Thái Lan giải trình và bây giờ thì yêu cầu này cũng đã bị gỡ bỏ vì chắc chắn Thái Lan cũng biết việc làm này vô duyên đến cỡ nào.

Còn nhiều điều mà du khách Việt bị phân biệt đối xử nữa, đây không hẳn là việc làm chạm lòng tự ái nhưng có ai để ý chúng ta xin Visa du lịch, thăm người thân ở một số nước cũng gặp không ít khó khăn hay không. Dù sao thì những việc này dù muốn dù không cũng đã và đang xảy ra, thay vì chúng ta “tiên trách kỉ, hậu trách nhân” đổ lỗi cho những người làm sai để nhiều người khác bị vạ lây thì ngay bây giờ hãy tự chấn chỉnh bản thân và thái độ của mình khi đi du lịch nước ngoài.

Cũng không ít ý kiến cho rằng, họ đã không tôn trọng chúng ta thì thôi, không cần đi sang nước họ làm chi, đây theo tôi không phải là cách mà chúng ta giải quyết vấn đề. Phải dùng hành động để giải quyết hậu quả, cứ trở thành một người du lịch văn hóa, dần dần những việc này sẽ không xảy ra nữa.


Tục ngữ có câu :
Một con sâu làm rầu nồi canh

Câu tục ngữ này, có ý nghĩa giáo dục rất thiết thực, là lời nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tập thể.

Nhưng ở tục ngữ khác có câu :

Mía  sâu có đốt, nhà dột có nơi

Câu tục ngữ này lại mang ý trái ngược lại. một cây mía gọi là bị sâu thực ra nó chỉ bị hư một vài đốt chứ không phải hư cả cây mía. Và nếu nhà bị dột thì cũng chỉ có dột ở một vài chổ thôi. Như vậy câu tục ngữ muôn đề cập đến một vấn đề : trong xa hội có người xấu, cũng có người không phải xấu hoàn toàn, không thể nhận định qua một người mà kết luận đánh giá cả tập thể.

Hai câu tục ngữ trên đều là những bài học quý báu. Nó thể hiện được ý thức, đạo đức của con người. mỗi lời dạy là điều nhắc nhở chúng ta tự rèn luyện mình : phải luôn nêu cao ý thức trách nhiệm đối với tập thể và phải khách quan xem xét đánh giá những người chung quanh một cách công bằng nhằm giúp họ tránh xa cái xấu, vươn tới cái đẹp. nghiêm khắc với chính mình , rộng lượng với mọi người chính là nét đẹp đáng quý trong tâm hồn con người Việt Nam.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire