vendredi 31 juillet 2015

DU LỊCH : Phố Tây ở Sài Gòn


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Ở Sài Gòn từ lâu đã có một khu phố Tây. Và phố Tây nay đã lan vào tận các ngõ hẻm. Từ Đề Thám rẽ vào bất cứ con hẻm nào, loanh quanh lòng vòng thể nào cũng lại ra Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, thậm chí là Đỗ Quang Đẩu.


Một hình ảnh quen thuộc ở khu phố Tây - Ảnh: Yến Trinh

Hầu như tất cả hẻm ở phố Tây đều thông nhau, và luôn có bóng dáng các chàng trai cô gái mắt xanh tóc vàng vác balô vào ra liên tục.

Hẻm ở đây cũng ồn ào, xô bồ như bất cứ hẻm lao động nào ở Sài Gòn, có điều đặc sản tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp... trộn vào nhau “tả pín lù” thì không đâu có được.


Khách sạn - phòng tập thể ở Phố Tây

Giá phòng ở khu phố Tây trung bình 12USD/đêm/người (khoảng 260.000 đồng). Nếu khách sạn được giới thiệu trên các trang du lịch nước ngoài (Trip Advisor) thì mức giá có thể đẩy lên 22 USD/đêm/người. Tuy nhiên đến mùa thấp điểm thì mức giá này có thể chạm đáy 140.000 đồng/người.

Vào mùa cao điểm của khách Tây (chủ yếu từ các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Úc, Anh) là từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau để tránh mùa đông, giá phòng ở khu này được đẩy lên và thường xuyên hết phòng vào ngày cuối tuần.

Trong khi đó khách du lịch Nhật, Hàn, Trung Quốc lại thường đến nhiều vào khoảng tháng 2 đến tháng 4. Và theo các chủ khách sạn, từ năm 2011 trở lại đây, lượng khách đến từ các nước Đông Nam Á cũng bắt đầu đông hơn nên việc kinh doanh dịch vụ khách sạn tương đối đồng đều giữa các mùa.

Ở đây còn có dạng phòng tập thể (dorm room) với mức giá thấp hơn, khách sẽ ở trong những căn phòng tối đa sáu người xa lạ với diện tích chừng 9m2, kê khoảng ba giường tầng và tất nhiên tài sản mạnh ai nấy giữ.


Phố Tây lúc 0 giờ

Bề ngang chưa đến 1,5m, dài khoảng 200m nhưng hẻm 104 Bùi Viện có hơn 20 nhà nghỉ guest house nằm sát nhau. Ban đêm, vừa đặt chân vào con hẻm này, khách bộ hành ngay lập tức ngợp với hàng chục bảng hiệu nhấp nháy xanh đỏ chào mời.

Các vị khách nước ngoài thích thú với văn hóa vỉa hè khi khám phá phố tây. Ảnh: Anvat.

Khác với những con hẻm ở Sài Gòn thường tĩnh lặng nửa đêm về sáng, hẻm phố Tây đặc biệt nhộn nhịp vào thời điểm này.

Lý do là dân du lịch bụi thường chọn đi vé giá rẻ và giờ đáp máy bay loại vé này luôn vào khoảng nửa đêm. 0g30 đêm đầu tháng 6, một người Mỹ vác balô cao lêu nghêu bước xuống taxi, lanh lẹ bước thẳng vào hẻm, đến nhà nghỉ anh đã đặt sẵn trên mạng Agoda. "Đây là lần đầu tiên tôi tới VN và tôi không nghĩ con đường này lại bé đến thế. Tuy nhiên, tôi thấy ngoài kia (đường Bùi Viện - PV) người ta còn đang uống bia với nhau ồn ào nên cũng không lo lắng nhiều". Phía sau anh là một tốp khách người Hàn Quốc cũng kéo vali lạch cạch trên con hẻm gồ ghề, ngó nghiêng bàn bạc, chọn lựa nhà nghỉ.

Bên trong các nhà nghỉ không ai có vẻ ngái ngủ. Vài lon bia, đĩa đậu phộng, một người Scotland đang cùng vài ba người bạn mới quen dạo đàn guitar hát ề à những bản nhạc đồng quê xứ sương mù, mặc cho những vị khách vác balô ra vào tấp nập. Anh nói “Tôi ở đây được một tháng và rất thích không khí ở đây, gần gũi, thân thiện. Tôi nghĩ VN là một nơi dễ sống”.

Trầm lắng hơn, vài vị khách khác ngồi kiểm tra email, lướt Facebook hoặc chụm đầu vào nhau tìm chỗ đi chơi. Cứ thế, phải đến chừng 3 giờ sáng không khí của dãy nhà nghỉ này mới yên tĩnh đôi phần.

Những phút thư giãn về đêm ở phố Tây - Ảnh: Y.Trinh

“Lẩu thập cẩm” hẻm

Khu vực này được phân chia khá rõ ràng: đường Đề Thám, Phạm Ngũ Lão là nơi tập trung hầu hết các công ty, dịch vụ du lịch (đặt tour, đặt xe).

Đường Bùi Viện chuyên về phòng trọ, hàng quán ăn uống. Đường Đỗ Quang Đẩu là bar, quán cà phê và các quán ăn lề đường.

Các nhà nghỉ trong hẻm yên tĩnh hơn ngoài phố, phố rực sáng ánh đèn 
và tiếng nhạc đến 1, 2h khuya. Ảnh: Shean.

Tại Bùi Viện, nếu như hẻm 104 trứ danh với vô số nhà nghỉ và chỉ cần bước ra đầu hẻm là dãy quán bia đông đúc thì hẻm 40 Bùi Viện là một không khí hoàn toàn khác.

Hẻm ở đây yên tĩnh với khá nhiều nhà hàng nhỏ nhắn, thậm chí còn có sân vườn. Tối thứ bảy, những nhà hàng VN ở đây khá đông khách, người nước ngoài đi theo từng tốp 10, 20 người.

Một phụ nữ người Úc cho biết: “Các nhà hàng ở đây giá cả cũng không đắt đỏ, chúng tôi lại có thể kê bàn ăn chung tạo không khí gia đình, món ăn VN lại ngon”.

Xích lên một chút, hẻm 175 Phạm Ngũ Lão lại là địa điểm thu hút đông đảo người Việt đi chơi phố Tây. Mỗi tối lượng khách Việt vào ra khu vực này chiếm đến hơn 2/3, tiếng Việt ở đây nhiều hơn hẳn tiếng Anh, dù đang ở trung tâm phố Tây.

Từ các quán rượu trẻ trung, quán ăn Tây bình dân, đến những quán bar tụ họp dân mê bóng đá tứ phương, đủ các đội bóng, từ M.U đến Chelsea, Barcelona, Real Madrid.

Ở đây đến chừng 4 giờ sáng, sau khi hò reo khản cổ theo từng trận cầu thì chỉ còn toàn những bản rock ballad thập niên 1970 và những người già ngồi ôn lại ký ức xưa cũ của các đội bóng...

Trái ngược với khu vực đầu đường khá sang trọng này là những hẻm nhỏ tăm tối, mờ ảo trong ánh đèn neon cuối đường Bùi Viện giao Đỗ Quang Đẩu.

Khu vực này tập trung khá nhiều quán bar, quán cà phê, nhạc mở thâu đêm suốt sáng. Các dịch vụ như xăm (tattoo), massage, spa cũng tập trung chủ yếu ở đây. Không khí đặc quánh mùi khói thuốc, bia rượu của các tay chơi và cả các “cánh bướm đêm”.

Phòng trọ ở đây thường được thuê theo kiểu “mì ăn liền”, vài giờ là trả, không ở lâu dài như đoạn trên nên giá có phần mềm hơn, chỉ dao động từ 140.000 - 250.000 đồng/đêm.


Ở hẻm với Tây

“Nhập gia tùy tục”, khách du lịch khi đã ở trong những con hẻm thì cũng bắt đầu làm quen với cuộc sống hẻm nơi đô thị nhộn nhịp này.

Dù là người nước ngoài nhưng ai nấy cũng áo thun ba lỗ, quần soọc, dép lê loẹt quẹt đi từ đầu hẻm đến cuối hẻm, vui vẻ chào hỏi như bất kỳ người VN nào ở đây, chỉ số ít người Tây đi dạy tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ là “đóng bộ” đàng hoàng.

Sáng, ngồi lẫn trong hơn chục người đang xì xụp ăn hủ tiếu, uống cà phê ở quán cóc đầu hẻm, không khó để nhận thấy những chàng trai, cô gái lần đầu lóng ngóng cầm đũa, săm soi ly cà phê cóc nhỏ xíu. Tối, Tây cũng ra đường, bày bàn ghế, mồi nhậu, rộn ràng tận khuya.

Vào những ngày lễ như Noel, năm mới, phố đông khách cả tây lẫn ta 
với các hoạt động náo nhiệt. Ảnh: Hoài Sơn.

Phần lớn người nước ngoài đến phố Tây chỉ trong hai, ba ngày, như một điểm luân chuyển để đi Campuchia hoặc đi miền Tây, ra miền Trung...

Tuy nhiên cũng có không ít người ở đây lâu, thuê phòng mức giá 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, thường là phục vụ công việc kinh doanh, sáng tác nghệ thuật (chụp ảnh, viết sách) hoặc đi dạy.

Một người Úc đã ở khu này suốt 10 tháng qua cho biết: “Cuộc sống ở đây mỗi ngày luôn có nhiều cái mới, dịch vụ giặt ủi, ăn uống, xe cộ đi lại đều rất dễ dàng và tôi đã quen hết với những người trong khu này nên tôi nghĩ có thể mình sẽ ở đây thêm 1, 2 năm nữa”.

Người Việt trong hẻm cũng trở nên quen thuộc với khách Tây, gọi nhau, nói chuyện như hàng xóm, dù nhiều khi chỉ là tiếng Anh bồi kèm theo huơ chân múa tay.

Mùa mưa đường ngập, cả xóm Tây ta đều hô hào nhau tát nước, lội bì bõm trong nước. Những người bán hàng ở đây ít ai chào mời bằng tiếng Việt, kể cả các tiệm tạp hóa bán chai nước, hộp sữa.

Một chủ một tiệm tạp hóa nhỏ cho biết: “Khách Tây balô trả giá dữ lắm, có mấy cửa hàng tiện lợi ở ngoài kia mà họ đâu có mua, vô đây mua để cò kè giảm được đồng nào hay đồng đó!”.

Một chủ phòng cho thuê cho biết.“Đừng tưởng Tây là phải giàu! Lắm khi tôi thấy họ còn... nghèo hơn người Việt mình nữa. Đặc biệt là những Tây ở chơi VN lâu, hết tiền, ban đầu thuê phòng đẹp giá cao, sau chuyển sang phòng giá còn bằng một phần ba”.

Còn một chủ nhà có ngăn phòng chia khách nước ngoài, nói thêm: “Lừa, quỵt tiền là chuyện không hiếm ở đây. Ở được chừng một tuần họ nói lịch trình thay đổi, phải mua vé máy bay gấp nên xin lại hộ chiếu rồi đi thẳng luôn. Đến khi mình kiểm tra phòng có mấy bộ quần áo vứt lại, coi như mất trắng tiền phòng!”.


Nhận xét về phố Tây ở Sài Gòn

Bước vào những con hẻm ở phố Tây - Sài Gòn, một thế giới hoàn toàn khác hiện ra, với những căn nhà tồi tàn, dột nát, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và thậm chí có thể sập bất cứ lúc nào.


Phố Tây là một khu phố bao gồm các con đường Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu thuộc quận 1. Trước đây, khu vực này vắng người nên việc giao thương buôn bán không mấy tấp nập.



Kể từ năm 2009, nơi đây trở nên đông đúc nhờ các ông bà khách là “Tây ba lô” thường xuyên lui tới, từ đó nhiều dịch vụ ăn theo như nhà hàng, khách sạn, quán bar, công ty lữ hành cùng các tiểu thương kéo đến làm ăn, buôn bán. Tên khu phố Tây cũng có từ đó



Mặt tiền các con đường ở “phố Tây” tại trung tâm TP HCM đa phần là khách sạn, nhà hàng, quán bar, cửa hàng bán hàng lưu niệm…




 ...nhưng phía sau những khung cảnh hào nhoáng đó là những khu nhà chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và thậm chí có thể sập bất cứ lúc nào.



Bước vào những con hẻm ở phố Tây, một thế giới hoàn toàn khác hiện ra, với những căn nhà xuống cấp nghiêm trọng, dột nát, che tạm bợ bởi các tấm bạt, ny-lông và thùng giấy. Phía ngoài khu phố Tây lộng lẫy bao nhiêu thì bên trong lại tồi tàn bấy nhiêu



Tương tự, bên trong các con hẻm Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu… chỉ rộng chừng 1m, có nhiều nhà làm bằng gỗ đã mục nát, nhiều người cùng sinh hoạt trong một căn nhà nhỏ với đồ đạc chất cả ra lối đi. Càng vào sâu bên trong, hẻm càng nhỏ và chỉ vừa một chiếc xe máy.



Đi một vòng các hẻm Bùi Viện; Đỗ Quang Đẩu; Đề Thám, người ta sẽ thấy quần áo được phơi trên những bức tường phủ đầy rong rêu bụi bẩn.



Bên trong nhà ở các con hẻm, dù buổi sáng hay ban đêm cũng đều tối om, mùi hôi khó chịu bốc lên nồng nặc. Người đi vào đây phải vịn 2 vách tường, lần dò từng bước khó khăn mới đi được.




Do lịch sử để lại nênkhu phố Tây có nhiều hẻm hẹp, nhà diện tích nhỏ. Những căn nhà ở đây được xây dựng từ những năm trước 1975, bằng gỗ, nhiều căn nhà đã xuống cấp, dụng cụ nấu ăn như bếp gas, bếp than chất cùng đồ đạc dễ cháy, có nhà nấu ăn trước cửa, bên cạnh những thứ dễ bắt lửa. Thêm vào đó, hệ thống các đường dây điện chằng chịt, vá víu, cũ kỹ khiến nguy cơ cháy nổ rất cao, nhất là vào thời điểm hanh khô, đe dọa cả một khu dân cư lớn nằm giữa trung tâm TP.HCM



Trong hẻm có những căn nhà chỉ vỏn vẹn hơn 10m2 nhưng là nơi sinh sống của 5 - 6 người. Để có đủ chỗ cho các thành viên nằm ngủ, mọi vật dụng trong nhà được chất gọn lại. Nhà vệ sinh cũng xem là chỗ nấu ăn. Bà Bùi Thị Hoa (65 tuổi, một cư dân ở khu phố Tây) chia sẻ. “Gia đình tôi sống như vậy đã mấy chục năm nay. Cha mẹ nghèo khổ, giờ con cái cũng vậy, nên tất cả đều ở chung vào đây hết. Mọi sinh hoạt khó khăn, vướng víu nhưng cũng đành chịu".



Để bảo đảm an toàn về PCCC, thời gian qua UBND quận 1 cùng UBND phường Phạm Ngũ Lão cũng đã hỗ trợ kinh phí để người dân xóa nhà gỗ, nhà ván.



Được biết, năm 2005, UBND TP.HCM đã có đề án quy hoạch để xây dựng phố Tây bao gồm tuyến đường Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn. Tuy nhiên đến nay, tiến độ triển khai vẫn giậm chân tại chỗ, chưa có nhà đầu tư nào bỏ vốn lập dự án đầu tư khu vực này. 

















lundi 27 juillet 2015

THẾ GIỚI : Du khách VN trộm cắp ở nước ngoài


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Thời gian gần đây, tình trạng người Việt Nam ăn cắp đồ tại Thụy Sỹ, Singapore, Nhật ... lại có xu hướng gia tăng. Điều đó khiến cho hình ảnh người Việt thêm xấu xí trong mắt các bạn nước ngoài.


Du khách Việt ăn cắp hàng hiệu ở Thụy Sĩ

Tháng 7/2015, trên trang cá nhân, một hướng dẫn viên chia sẻ câu chuyện hai khách người Việt bị cảnh sát bắt giữ tại Thụy Sĩ do ăn cắp đồ trong một cửa hàng thời trang.

Theo hướng dẫn viên này, cuộc hành trình đưa đoàn khách 29 người Việt tới du lịch ở Pháp và Thụy Sĩ đã kết thúc tốt đẹp nếu không xảy ra vụ việc đáng tiếc. Hai thành viên trẻ trong đoàn bị bắt tại Zurich vì ăn cắp 3 chiếc kính mát hiệu Gucci và Louis Vuitton với trị giá khoảng 300 euro/chiếc.

Sau khi nhận được thông báo, hướng dẫn viên và người của công ty du lịch đã phải tới sở cảnh sát để tìm hiểu sự việc và yêu cầu cơ quan này giúp đỡ xử lý vụ việc ngay trong đêm vì đoàn phải bay sớm vào ngày mai. Cuối cùng, cơ quan cảnh sát đã yêu cầu nộp phạt 2.000 fanc Thụy Sĩ (tương đương khoảng 2.000 USD).

Giấy xử phạt của cơ quan chức năng

“Nghĩ mà xót xa. Tôi cảm thấy xấu hổ vì tôi cũng là người Việt Nam trong chuyến đi này. Mặc dù còn vài tour đi các nước khác nữa nhưng tôi không muốn nhận tour nữa”, anh bày tỏ.

Bình luận về câu chuyện của hướng dẫn viên này, một thành viên cho hay: “Tội nghiệp cho bạn HDV quá. Thôi đành 'mũi dại lái chịu đòn' vậy. Hy vọng sẽ không còn chuyện như vậy xảy ra trong những hành trình kế tiếp của bạn”.

Cảnh sát Thụy Sĩ lập biên bản phạt 2 du khách của Việt Nam vì tội ăn trộm


Người Việt bị bắt tại Nhật vì ăn cắp quần áo

Tháng 9/2014, truyền thông Nhật vừa đồng loạt đưa tin về vụ bắt giữ 6 người Việt, cả nam lẫn nữ. Qua điều tra, cơ quan an ninh Nhật Bản xác nhận họ đã hơn 100 lần ăn cắp quần áo Uniqlo mang về Việt Nam bán.

Vụ bắt giữ với tài khoản gần 1,9 tỷ đồng. (Ảnh: ANN News)

Theo Asahi, cơ quan cảnh sát cho hay, những người trên lần lượt bị bắt khi sau khi thực hiện các vụ ăn cắp tại cửa hàng quần áo Uniqlo tại đường Showa-ku, thành phố Nagoya, tỉnh Aichi. Nhóm đối tượng này đã thực hiện hơn 100 phi vụ trót lọt, chuyển về Việt Nam để bán lại.

Nhãn hiệu thời trang Uniqlo là một thương hiệu của Nhật Bản rất được ưu chuộng tại Việt Nam. Các loại quần áo của hãng thời trang này sau khi vận chuyển về Việt Nam được bán với giá gấp 3-4 lần.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát Tokyo đã bắt giữ nữ tiếp viên của một hãng hàng không VN để phục vụ điều tra việc mang hàng xách tay bị nghi có nguồn gốc trộm cắp, rồi “tuồn” từ nước này về Việt Nam theo đường hàng không.

Sau 22 ngày bị tạm giữ tại Nhật Bản để phục vụ điều tra, nữ tiếp viên đã được cơ quan cảnh sát thả.

Tấm biển cảnh cáo dành cho người Việt. (Ảnh: Vietnamnet).


Những câu chuyện về người Việt ăn cắp

Những câu chuyện về người Việt ăn cắp, như giám đốc một công ty tên tuổi ở TP.HCM, vẫn lấy trộm ô dù trong siêu thị tại Nhật, lan truyền nhanh trên mạng xã hội khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ. Không chỉ ở Nhật Bản, mà các nước và vùng lãnh thổ khác như Thái Lan, Đài Loan cũng đều có biển cảnh báo về thói trộm cắp vặt của một số người Việt.

Cách đây không lâu, báo chí Singapore cũng đã đưa tin về vụ nhóm mười khách du lịch quốc tịch Việt Nam chuyên móc túi khách đi mua sắm và ăn trộm hàng từ các siêu thị. Trong khi rà soát nơi ở của những người này, cảnh sát tìm thấy tới 60 điện thoại di động cùng máy nghe nhạc iPods và nhiều quần áo vẫn còn nguyên giá tiền.


BÌNH LUẬN

Thời gian qua thông tin trên mạng nói đã có những hành vi vi phạm của du khách người Việt như trộm cắp đồ trong siêu thị, gây mất trật tự nơi công cộng. Các hành vi này “ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh văn hóa của người Việt Nam ở nước ngoài”.

Tháng 7/2015, mọi người bực tức với cái tin Singapore từ chối rất nhiều phụ nữ Việt nhập cảnh. Nhưng chúng ta cảm thấy như thế nào khi đi du lịch mà bị họ đối xử kiểu vậy?

Một tấm biển cảnh báo người Việt ở Đài Loan

5 tháng và 1000 người bị trả về ngay lập tức từ Singapore

Từ trước đến giờ vẫn nghĩ du lịch Singapore rất dễ và mọi người thường chọn Singapore để du lịch vào dịp hè vì đơn giản là nó đẹp, không quá xa vì chi phí hoàn toàn phù hợp với nhiều người Việt Nam. Nhưng có ai ngờ, cũng chỉ là số ít đến đó để thực hiện những việc tệ nạn không mấy tốt đẹp nên vô tình ảnh hưởng đến việc đất nước này gây khó dễ cho du khách đến từ Việt Nam.

Nhưng điều vô lý nhất của Singapore đó chính là hành vi quy chụp và từ chối ngay cả những người đến đây với lí lịch và mục đích rõ ràng, gây ra không ít phiền toái. Phần lớn họ lại là nữ, khi mà tất cả phụ nữ Việt bị gom hết vào 1 phòng, tra hỏi, chụp hình, lăn tay,…họ là du khách không phải tội phạm.

Còn nhớ cách đây không lâu, lúc Singapore đang tổ chức Seagame, những hành động đẹp của người Việt tại đây là nhặt rác giúp họ đã được cộng đồng tán dương và họ đã gọi chúng ta là những người láng giềng đáng yêu, và đây là cách mà họ đối xử với những người láng giềng đáng yêu đó!


Nhật, Thái, Hàn,…treo bảng rêu rao người Việt ăn cắp, tham ăn, xả rác bằng cả tiếng Việt

Thêm 1 câu hỏi nữa, liệu đây là cách họ làm dịch vụ sao? Khách hàng là thượng đế nhưng có vẻ đây là một cách đuổi khéo thượng đế của họ. Chưa cần biết chất lượng phục vụ và đồ ăn của họ có ngon như thế nào, bất kì ai trong chúng ta nhìn thấy những tấm bảng này đã cảm thấy bị chạm lòng tự ái rồi.

Những lời cảnh cáo được viết bằng tiếng Việt như trên, tại nhiều quốc gia còn khiến không ít người cảm thấy buồn và xấu hổ khi hình ảnh, đất nước mình đang trở nên xấu xí trong mắt người nước ngoài.


Thái Lan từng bắt khách đến từ Việt Nam phải xòe tiền chụp hình khi nhập cảnh

Bảng thông báo phân biệt đối xử ở Thái Lan

Dẫu biết việc chứng mình tài chính khi đến Thái Lan là tất nhiên nhưng chỉ lạ ở chỗ, chỉ Việt Nam và một số nước khác bị bắt làm việc này. Hành động này chả khác nào xúc phạm người khác, một việc làm cũng tương tự như những gì đang diễn ra tại Singapore. Suốt một thời gian chúng ta la ó phản đối, phía Việt Nam cũng bắt Thái Lan giải trình và bây giờ thì yêu cầu này cũng đã bị gỡ bỏ vì chắc chắn Thái Lan cũng biết việc làm này vô duyên đến cỡ nào.

Còn nhiều điều mà du khách Việt bị phân biệt đối xử nữa, đây không hẳn là việc làm chạm lòng tự ái nhưng có ai để ý chúng ta xin Visa du lịch, thăm người thân ở một số nước cũng gặp không ít khó khăn hay không. Dù sao thì những việc này dù muốn dù không cũng đã và đang xảy ra, thay vì chúng ta “tiên trách kỉ, hậu trách nhân” đổ lỗi cho những người làm sai để nhiều người khác bị vạ lây thì ngay bây giờ hãy tự chấn chỉnh bản thân và thái độ của mình khi đi du lịch nước ngoài.

Cũng không ít ý kiến cho rằng, họ đã không tôn trọng chúng ta thì thôi, không cần đi sang nước họ làm chi, đây theo tôi không phải là cách mà chúng ta giải quyết vấn đề. Phải dùng hành động để giải quyết hậu quả, cứ trở thành một người du lịch văn hóa, dần dần những việc này sẽ không xảy ra nữa.


Tục ngữ có câu :
Một con sâu làm rầu nồi canh

Câu tục ngữ này, có ý nghĩa giáo dục rất thiết thực, là lời nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tập thể.

Nhưng ở tục ngữ khác có câu :

Mía  sâu có đốt, nhà dột có nơi

Câu tục ngữ này lại mang ý trái ngược lại. một cây mía gọi là bị sâu thực ra nó chỉ bị hư một vài đốt chứ không phải hư cả cây mía. Và nếu nhà bị dột thì cũng chỉ có dột ở một vài chổ thôi. Như vậy câu tục ngữ muôn đề cập đến một vấn đề : trong xa hội có người xấu, cũng có người không phải xấu hoàn toàn, không thể nhận định qua một người mà kết luận đánh giá cả tập thể.

Hai câu tục ngữ trên đều là những bài học quý báu. Nó thể hiện được ý thức, đạo đức của con người. mỗi lời dạy là điều nhắc nhở chúng ta tự rèn luyện mình : phải luôn nêu cao ý thức trách nhiệm đối với tập thể và phải khách quan xem xét đánh giá những người chung quanh một cách công bằng nhằm giúp họ tránh xa cái xấu, vươn tới cái đẹp. nghiêm khắc với chính mình , rộng lượng với mọi người chính là nét đẹp đáng quý trong tâm hồn con người Việt Nam.