mardi 3 mars 2015

PHONG TỤC : Tết Nguyên tiêu - Rằm Tháng Giêng


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Ngày Rằm tháng Giêng (15 tháng 1 âm lịch - 05/03/2015) còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người Việt Nam. Việc cúng lễ trong ngày này phần lớn được tổ chức tại chùa, vì ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Vào ngày này, người Việt thường đi chùa lễ Phật để cầu mong quanh năm an lành cho bản thân và gia đình. Hoặc cũng có gia đình Việt Nam tụ tập ở nhà trưởng họ hay nhà thờ họ.



Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên Tiêu

Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (Vu lan - rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười). Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khỏe mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn Tết bù... Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.

Đêm ngày rằm tháng Giêng âm lịch cũng là Tết Nguyên Tiêu cổ truyền của nhân dân Trung Quốc và Đài Loan, cũng gọi là Tết Hoa Đăng hay "Lễ hội đèn hoa" hoặc "Hội hoa đăng". Do đó những nơi có người Hoa sinh sống lễ đón rằm tháng Giêng thường treo đèn kết hoa, mọi người ra ngắm cảnh hoa đăng, đố câu đối... Ở Việt Nam, những nơi có đông cộng đồng người Hoa sinh sống như Chợ Lớn, Hội An cũng có nhiều sinh hoạt đặc biệt. Ở Philippines, có lễ hội diễu hành truyền thống vào ngày rằm tháng giêng, đánh dấu khởi đầu năm mới.


Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Hồi đó, các cung nữ sau tết Nguyên Tiêu, đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ, nhưng cung vua canh phòng cẩn mật, làm thế nào để ra gặp mặt cha mẹ? Đông Phương Sóc nhiều trí thông minh khi nghe được tin này, bày tỏ sự đồng tình, tìm cách giúp các cung nữ thực hiện nguyện vọng gặp mặt cha mẹ. Bước đầu tiên, Đông Phương Sóc tung tin, hỏa Thần sẽ cử người đến thiêu hủy thành Trường An, khiến trong nội thành hoang mang khiếp sợ.

Sau đó, Đông Phương Sóc hiến kế với vua Hán Vũ rằng, tối ngày Rằm mọi người trong cung phải đi lánh nạn ở ngoài cùng vua, các đường to ngõ hẻm, trước nhà sau sân trong nội thành đều treo đèn lồng đỏ, tạo nên cảnh giả thành Trường An lửa cháy hừng hực, nhờ đó đánh lừa Hỏa Thần.

Vua Hán Vũ đã đồng ý phương án này của Đông Phương Sóc, thế là các cung nữ nhân Tết Nguyên Tiêu thực hiện nguyện vọng gặp mặt người thân. Từ đó, cứ đến ngày rằm tháng Giêng đều phải treo đèn lồng.


Còn có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, đến tối ngày Rằm tháng Giêng, bà con nông dân ra đồng ruộng tập trung cây cỏ lá khô, châm lửa thiêu hủy để diệt sâu bọ.

Một số ý kiến khác cho rằng, Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Rằm tháng Giêng chính là ngày vía Phật tổ Adiđà, ngày không chỉ dành riêng cho thiện nam tín nữ, mà còn là ngày của mọi người, của những đôi nam thanh nữ tú đến chùa cầu duyên.

Cũng có ý kiến cho rằng, ngày Rằm tháng giêng còn là ngày vía Thiên quan, trong dân chúng đây là dịp lên chùa cúng dâng sao giải hạn (hoặc cúng tại nhà), giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.

Đêm Rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, thấm đẫm chất nhân văn ở cả thành thị lẫn nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ.


Tập tục và lễ hội

Ở Trung Quốc và Đài Loan , Tết Nguyên Tiêu ,rằm tháng giêng được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và tập tục đốt đèn trên cây nêu trước cửa nhà, chơi lồng đèn ngũ sắc, kéo dài từ 13 đến 17 tháng Giêng.

Ở Thái Lan lễ hội Rằm tháng Giêng là lễ Hội cúng dường đức Phật, đức Pháp và đức Tăng qua hình thức tụng Tam Tạng Kinh từ 07 đến 10 ngày

Ở Ấn độ quanh khu vực thánh địa nơi đức Phật ngồi đắc đạo dưới gốc Bồ đề nhiều quốc gia như Tích Lan, Miến Điện, Lào, Thái, Campuchia, Tạng truyền. Mở những pháp hội tụng Tam Tạng Pali cúng dường  đức Phật

Ở Việt Nam,  Tết Nguyên Tiêu hay Rằm tháng Giêng, phần lớn tổ chức tại chùa,


Bài văn khấn cúng Rằm Tháng Giêng
(ngày lễ Nguyên Tiêu, lễ Thượng Nguyên)


- Kính lạy chư vị Tôn thần cai quản khu vực này
- Kính cáo các vị chư gia Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, cùng chư vị tiền nhân họ...(ghi họ chủ nhà)
   Chúng con là:....................................................................
   Hiện nay ở tại...................................................................
   Cùng toàn gia kính bái
   Kính cẩn thưa rằng:
   Nay là tháng
   "Tam dương khai thái"*
   Rằm tháng Giêng
   "Vạn tượng canh tân"*
   Lung linh trong ánh trăng ngần
   Là ngày Thượng nguyên đón tết
   Một năm mới
   Nguyên tiêu hanh cát
   Đêm trăng vàng
   Dát bạc lung linh
   Phiêu diêu trong khói hương trầm
   Tiền tổ gia tiên đông đủ
   Nay chúng con
   Lòng thành tâm cỗ bàn đủ đầy
   Cùng hương hoa phù tửu dâng lên
   (Kể các thứ cúng)
   ........................................................................
   Xin kính thỉnh
   Cao tằng tổ khảo, tiên linh
   Cao tằng tổ tỷ, vị tiền
   Thụ hưởng!
   Toàn gia thỉnh nguyện thành tâm
   Tiên tổ ra ân ban phúc
   Cho quanh năm, hanh thông mọi việc
   Vạn sự làm luôn được gặp may
   Gia tiên đức cả cao dày
   Cháu con ghi tạc ơn này dài lâu.
                                        Cẩn cáo


Bảng các ngày lễ âm lịch quan trọng cho 10 năm: 2015 - 2024



Bình luận

Đến ngày Rằm tháng Giêng, người Việt lại ăn một cái Tết nữa, là Tết Nguyên Tiêu hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên. Tết này tổ chức tại chùa và tại gia. Vào ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình Việt sẽ tiếp tục làm cơm cúng thịnh soạn dâng lên bàn thờ gia tiên với quan niệm

“Giỗ tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”


Rằm Tháng Giêng ở Việt Nam tách khỏi quan niệm này và đưa vào ngày Tết Nguyên Tiêu ý nghĩa tôn giáo, bởi thế mà dân gian còn có câu

Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng

Vào ngày này, người Việt sau khi hoàn tất việc cúng bái tại gia, thường lên chùa dâng hương và đặc biệt hay lên chùa vào lúc trời tối, khi trăng tròn đầu năm đã lên cao.

Dù kinh điển nhà Phật không nói đến ngày rằm Tháng Giêng nhưng trong dân gian thì đây là dịp thích hợp để lên chùa dâng sao giải hạn, ước nguyện điềm lành.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire