lundi 23 mars 2015

THỜI SỰ : Kế hoạch đốn hạ 6.700 cây xanh ở TP Hà Nội


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Kế hoạch đốn hạ 6.700 cây xanh ở TP Hà Nội được đưa tin trên nhiều báo Việt Nam và nước ngoài như DailyMail, The Sun Daily và cả trang thông tấn Reuters.

Hà Nội đình chỉ hàng loạt cán bộ liên quan vụ chặt cây

Ai là người chỉ đạo thảm sát cây xanh Hà Nội?

Theo báo kienthuc.net.vn cập nhật vào ngày 21 tháng 3 năm 2015 đã viết như sau :

Chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là trì trệ, chậm chạp và độ chuyên nghiệp, năng động thì thua xa các thành phố khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Bộ máy làm việc của các cấp chính quyền Hà Nội cực kỳ quan liêu, mang nặng tư duy thời bao cấp và đối với dân thì luôn "hành là… chính"!

Tuy nhiên, trong vụ "thảm sát" cây xanh có tổ chức này, thì các cơ quan chức năng liên quan đến "dự án thay cũ đổi mới cây xanh" lại thể hiện một động thái nhanh, quyết liệt, mạnh mẽ và cả… âm thầm.

Chỉ trong một thời gian ngắn mà lực lượng chỉnh trang đô thị đã “chặt phăng” khoảng 2.000 cây, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ, cây có giá trị.

Lực lượng này làm việc nhiệt tình chưa từng thấy, làm việc cả ngày lẫn đêm, làm việc dưới áp lực cao (trong tình trạng vừa làm vừa nghe dân chửi).

Điều này cho thấy các lực lượng chỉnh trang đô thị của thành phố cũng “không phải hạng vừa”. Chỉ có điều lâu nay chưa có cơ hội thể hiện!

Vụ chặt 6.700 cây xanh nếu không bị người dân và dư luận chặn lại thì có thể coi là một cuộc “thảm sát” cây chưa từng thấy ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, chỉ riêng việc đã chặt phăng 2.000 gốc cây cũng đủ đưa Hà Nội lên “đầu bảng” trong việc chặt phá cây xanh trong cả nước.

Trong buổi họp báo chiều ngày 20/3/2015, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã thông báo việc ngừng chặt phá cây xanh nhưng lại né tránh tất cả các câu hỏi liên quan đến việc quy trách nhiệm. Lúc này, các cơ quan báo chí mới lôi ra thông tin là chính quyền thành phố chịu “sức ép” từ các nhà tài trợ nên phải khẩn trương làm.

Qua sự khẩn trương và mạnh mẽ lần này, người dân cứ thầm ước ao: Giá mà từ trước đến nay, “các anh ấy” cũng chịu khó thế này thì bộ mặt đô thị Hà Nội đâu có đến nỗi “nguệch ngoạc” như bây giờ.­!

Ai la nguoi chi dao tham sat cay xanh Ha Noi

Người ta không thể không đặt dấu hỏi là tại sao họ lại thảm sát cây "thần tốc" đến vậy. Và trong vụ thay cây này, ai sẽ là người … bán được lắm cây nhất?

Cây xanh, nếu là cây trong vườn nhà anh, thì chặt hạ thế nào là tùy. Nhưng cây trong ngoài đường, bằng tiền thuế của dân từ bao đời nay, là bóng mát, là giữ môi trường, là tạo cảnh quan… thì muốn làm gì cũng phải suy nghĩ, nghiên cứu cho thấu đáo.

Còn như cái ông quan chức nào đó, mở miệng ra bảo "chính quyền làm không cần phải hỏi dân", thì cũng nên cho ông này đi nơi khác. Sao lại có thứ quan chức ăn nói hồ đồ đến vậy?

Có rất nhiều khuất tất trong vụ chặt hạ cây xanh này. Chúng ta hoan nghênh tinh thần thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, và rất mong ông Chủ tịch cho điều tra làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân trong vụ " thảm sát" cây này.

Điều người dân muốn được biết một cách minh bạch là: Ai là người ký duyệt cho vụ thảm sát cây này? Trước đó, đã có nghiên cứu khoa học nào về việc thay cây này chưa? Một việc lớn đến như vậy mà tới Chủ tịch còn không biết, vậy phải chăng Phó Chủ tịch đã lộng quyền? Số tiền phải bỏ ra thay cây là bao nhiêu? Và số cây này được mua từ đâu? Và cuối cùng là số gỗ của 6.700 cây (nếu được chặt sạch theo đúng kế hoạch) thì sẽ sử dụng thế nào? Bán cho ai?

Và trước những hậu quả đã trông thấy, phải coi đây là một cuộc "phá hoại tài sản, phá hoại môi trường có tổ chức".


Chi phí chặt, đào gốc một cây xà cừ lên đến 35 triệu đồng

Không tính tiền vận chuyển, công đào một gốc cây xà cừ đường kính 120 cm là 10 triệu đồng, công cưa chặt là 25 triệu đồng.

Theo báo vtc.vn cập nhật vào ngày 23 tháng 3 năm 2015 đã viết như sau :

Theo đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 cho lĩnh vực duy trì công viên cây xanh, được áp dụng từ ngày 1/1/2015, các chi phí cho việc cắt tỉa cây, giải tỏa cây đổ, chặt hạ, đào gốc cây xà cừ có đường kính trên 120 cm đều ở mức trên 10 triệu đồng.

Cụ thể, để chặt hạ một cây xà cừ có đường kính trên 120 cm, ngân sách thành phố sẽ chi 25 triệu đồng tiền chặt, 10 triệu đồng tiền đào gốc. Cũng với đường kính như trên, nếu chỉ cắt tỉa không sử dụng xe nâng thì chi phí là 13,3 triệu và trường hợp giải toả cây gãy đổ là trên 10 triệu đồng.

Theo đơn giá của Hà Nội, việc đào gốc xà cừ có đường kính 120 cm 
được tính phí 10 triệu đồng. Ảnh: Quý Đoàn.

Tại cuộc họp cuối tháng 1 của Sở Xây dựng Hà Nội về việc chặt hạ cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú để phục vụ thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đại diện Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV công viên cây xanh khẳng định quy trình chặt hạ, đo đếm củi gỗ, đấu giá rất chặt chẽ và không có thất thoát.

Khi được hỏi về quy trình, giá một mét khối củi gỗ, ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng quản lý Hạ tầng, môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng) cho hay việc thu hồi củi gỗ cây bóng mát sau khi chặt hạ được liên ngành kiểm tra, sau đó trừ vào quyết toán. “Quy định của nhà nước là chặt chẽ, chắc chắn không có thất thoát”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Phó tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hưng cho biết, về nguyên tắc cây xà cừ cao bao nhiêu, đường kính thế nào thì sẽ tương ứng bao nhiêu mét khối gỗ. Công ty có 3 bộ phận liên quan phối hợp đo đếm tại hiện trường về số lượng, dài rộng đường kính, đoạn nào sâu, không sâu… sau đó mới đưa ra thống nhất.

Theo ghi nhận của PV VTC News, nhiều cây xà cừ
có đường kính hơn 1 mét, không bị sâu mục.

Ông Phó tổng giám đốc công ty cây xanh cho hay, củi gỗ thu hồi công ty không được tổ chức đấu thầu. Giá trị một mét khối gỗ tùy theo từng thời điểm trung tâm thẩm định giá Sở Tài chính đưa ra. “Sau một quý, thường là 3 tháng. 

Công ty báo cáo Sở Tài chính, Sở giới thiệu một công ty đấu thầu, công ty này đứng ra tổ chức thông báo các tổ chức, cá nhân muốn mua củi gỗ đến đấu thầu. Tiền đấu thầu thu được sau đó nộp vào ngân sách”, ông Hưng nói về quá trình bán củi gỗ sau khi bị chặt hạ.

Thống kê của Sở Xây dựng, cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài trong đó 25 loài có số lượng lớn như xà cừ (5.000 cây), muồng (5.500), bằng lăng (5.500), sấu (2.200)... Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã có 500 cây các loại bị chặt hạ.


Báo quốc tế đồng loạt đăng vụ chặt 6700 cây xanh Hà Nội

Theo báo kienthuc.net.vn cập nhật vào ngày 21 tháng 3 năm 2015 đã viết như sau :

Kế hoạch đốn hạ 6.700 cây xanh của TP Hà Nội được đưa tin trên nhiều báo nước ngoài như DailyMail, The Sun Daily và cả trang thông tấn Reuters.

Giới truyền thông nước ngoài đã đồng loạt đưa tin về việc thành phố Hà Nội hoãn kế hoạch đốn dỡ hàng nghìn cây xanh vào hôm 20/3/2015 sau khi kế hoạch này gây bất bình cho dư luận vì lo ngại có thể ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.

Báo quóc té dòng loạt dang vụ chat 6700 cay xanh HN

Trang Daily Mail dẫn lại từ trang thông tấn Reuters về kế hoạch
đốn hạ 6.700 cây xanh tại Hà Nội. 

Cụ thể, trang thông tấn Reuters đã đưa tin về kế hoạch này, sau đó được trang The Daily Mail dẫn lại với tiêu đề: “Thủ đô Việt Nam đảo ngược kế hoạch chặt đốn cây do phản đối của người dân”.

Tin này cho hay: tuần này, các phương tiện truyền thông xã hội đã đi vào chỉ trích khi thành phố bắt tay vào chặt 500 trong tổng số 6.700 cây xanh trong thành phố được mệnh danh là “Paris của châu Á”. Tin tức về việc UBND thành phố Hà Nội hoãn lại kế hoạch này đã trở thành bản tin nóng trên các phương tiện vào trưa 20/3/2015.

“Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội cũng như các sở ban ngành ngừng việc đốn hạ cây,” theo đài truyền hình VTV thông báo.

Báo quóc té dòng loạt dang vụ chat 6700 cay xanh HN-Hinh-2

Trang The Sun Daily của Mỹ cũng đăng tin về kế hoạch chặt hạ cây xanh của Hà Nội.

Trước đó, tờ The Sun Daily của Mỹ cũng đăng tin về kế hoạch chặt 6.700 cây xanh tại Hà Nội vấp phải sự phản đối của công chúng vào thứ 5 (19/3/2015).

Tờ báo còn nhắc đến trang Facebook có tên “6.700 người vì 6.700 cây xanh” được lập ra nhằm mục đích phản đối kế hoạch này. Trang Facebook trên đã nhận được 23.000 lượt thích chỉ trong 3 ngày.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã xem xét lại kế hoạch xây dựng sau khi dư luận có nhiều phản ứng tiêu cực. Nhiều ý kiến cho rằng điều này gây lãng phí và ảnh hưởng đến màu xanh của thành phố. Trong khi đó, có ít nhất 500 cây xanh trên đường phố thủ đô Hà Nội đã bị đốn hạ.


Đề án chặt hạ 6.700 cây xanh: Đừng chỉ thanh tra ra những “con kiến”

Băn khoăn về đề án chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phạm Sỹ Liêm đánh giá vụ việc còn ẩn chứa nhiều điều không ổn. “Mong rằng việc thanh tra mà Hà Nội đang triển khai đừng chỉ tìm ra những con kiến”.

Theo báo dantri.com.vn cập nhật vào ngày 23 tháng 3 năm 2015 đã viết như sau :

Chiều nay 23/3, hội thảo “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” đã được Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức.

“Chưa hiểu hết về chức năng của cây xanh”



 Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phạm Sỹ Liêm ví đề án
6.700 cây xanh như một cuộc "thảm sát Mỹ Lai với cây cối"

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) - qua đề án 6.700 cây xanh và những phát biểu của lãnh đạo các đơn vị liên quan vừa qua cho thấy “họ chưa hiểu hết về chức năng của cây xanh đô thị, tác dụng và tác hại của nó”.

“Cây cối như một người bạn với con người, cùng sinh ra và lớn lên. Thế mà cùng được 40-50 tuổi rồi mà chặt hàng loạt cây xanh như thế... Cây cối còn như một chứng nhân lịch sử, qua thời gian biết được nhiêu chuyện, ghi được nhiều chuyện. Thế giới người ta chỉ cần lấy một mẫu khảo cổ thì đã có thể đọc vanh vách thời đó như thế nào rồi cơ mà”- TS Liêm phân tích.

Chưa hết, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phạm Sỹ Liêm còn rất băn khoăn về việc Hà Nội phê duyệt cho một loạt đơn vị không hề có liên quan, chuyên môn nào về trồng cây xanh như Công ty tư vấn xây dựng đầu tư Hà Thành, Công tyTNHH MTV Cơ điện công trình, Công ty CP Công nghệ thương mại Bình Minh.

“Tôi nghe nói một cây sấu như thế đã có giá tới 30 triệu đồng rồi, nhẩm tính sơ sơ số tiền họ đốn hạ mang bán thì cũng được rất nhiều tiền rồi. Nhưng lại mua một cây mới trồng vào đấy, lại tốn bao nhiêu tiền nữa. Chặt cây cũ, trồng cây mới thì gọi là tài trợ, không lấy tiền nhà nước ư? Nghe chừng không ổn. Những cái này diễn ra, chúng ta không nên ngây thơ quá về sự vụng về, thiếu hiểu biết, hay kém kinh nghiệm. Đều có sự đo đếm hết, không phải tự nhiên mà như vậy đâu. Tôi mong rằng việc thanh tra mà Hà Nội đang triển khai đừng chỉ tìm ra những con kiến”- ông Liêm thẳng thắn.

“Cây cũng như người, bị bệnh phải chữa chứ không thể đem chôn”

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - cho biết trước đây ông từng được mời tham tham gia vào đề án đánh giá tác động môi trường cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

“Trong đề án đó không hề nhắc tới việc phải chặt hạ hàng cây xà cừ dọc hai bên đường Nguyễn Trãi”- ông Đăng công bố thông tin gây sốc.

Theo ông Đăng, khi thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nếu thấy không chặt cây hàng cây dọc đường Nguyễn Trãi sẽ không thể thi công được thì phải thành lập hội đồng đánh giá, lập hồ sơ và gửi tới Bộ Tài nguyên- Môi trường thẩm định; được phê duyệt thì mới được thực hiện.

Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải (Công ty Luật Hà Nội) khẳng định: Luật Thủ đô do chính Hà Nội đề xuất, xây dựng để rồi Quốc hội thông qua đã có điều khoản cấm chặt phá cây xanh, trừ trường hợp bất khả kháng.

“Chúng tôi nghiên cứu thì thấy việc chặt phá cây xanh vừa qua còn không cấp phép. Họ chỉ sử dụng toàn công văn để chỉ đạo. Từ đầu tới cuối, họ không làm theo luật lệ nào cả. Tôi nghiên cứu mãi các văn bản liên quan mà không biết họ áp dụng theo luật nào”- luật sư Hải nói.

GS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam - nói rằng việc cây xanh bị bệnh là chuyện hết sức bình thường, vấn đề là cứu hay không cứu.

“Cây cũng như con người, bị bệnh thì phải cứu chữa, chứ không thể đem chôn ngay được. Tôi đi nhiều nước trên thế giới thấy họ cũng luôn tìm mọi cách để cứu cây, chứ không phải cứ thấy câu sâu bệnh là chặt hạ ngay”- GS. Dũng nói.

“Tôi có may mắn đi được 30 thủ đô các nước, không có thủ đô nào như ở Hà Nội ta. Khi mở rộng Thủ đô Hà Nội tôi đã trình bày và ngạc nhiên vì Thủ đô mình lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau Bắc Kinh (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản). Thủ đô của ta quá lớn, so với các nước quá đẹp vì hồ và cây. Chúng ta thấy nhiều thủ đô hoành tráng, nhưng cây xanh thì thua chúng ta. Nhưng hồ thì chúng ta biết rồi, chúng ta đã mất rất nhiều hồ. Trước đây làm gì có chuyện ngập lụt đâu, thế mà giờ đã có việc ngập nước tới bụng, ngập cả xe đạp. Đau đớn lắm rồi, nhưng giờ lại tính chặt tới 6.700 cây xanh, tức là 1/7 tổng số cây ở Hà Nội. Tôi thử tưởng tượng rằng nếu đầu tôi rụng mất 1/7 tóc đi thì thành cái đầu hói mất rồi”- GS. Nguyễn Lân Dũng đưa ra hình ảnh so sánh.

TS. Phó Đức Tùng - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị (Đại học Lâm nghiệp) - đặt câu hỏi: “Tại sao những cây xanh ở Hà Nội yếu, bệnh tật? Đó là vì Hà Nội chưa bao giờ trồng cây đường phố đúng kỹ thuật cả. Trồng cây đô thị khác hẳn với các loại cây ở nông thôn, đồi núi, không phải cứ khoét khoét đất lên rồi trồng cây xuống như thế được. Nếu trồng như thế thì cây mới không thể có khả năng phát triển bằng một cây cũ được. Với điều kiện trồng, chăm sóc như thế thì một số cây vô giá trị như Hà Nội nói (cây nông, dâu da xoan, gòn,…) cũng có giá trị; không loại cây nào có thể sống được ngoài những cây vô giá trị ấy. Tương tự như việc không thể diệt hết cá rô phi trên sông Tô Lịch để thả vào đó những con cá chép rồng đắt giá được”.

Đã chặt 500 cây, 1.000 hay 2.000 cây?

GS Nguyễn Lân Dũng nói thêm: “Con đường từ Ngã Tư Sở vào Hà Đông dài hơn 11 km nhưng nói như GS. Đăng thì không nằm trong quy hoạch của tuyến đường đó, không cần phải chặt hạ khi triển khai dự án đường sắt đô thị. Thế thì càng phải thanh tra, làm rõ việc này. Nghệ sĩ Chiều Xuân đã phải khóc để kiên quyết giữ cây xanh trước cửa nhà trên đường Nguyễn Thái Học, rồi bao nhiêu văn nghệ sĩ đã lên tiếng, bao nhiêu bài vè, bài thơ đau đớn về chuyện này. Tôi cho rằng phải đặt ra chuyện truy cứu trách nhiệm của những người đề xuất chủ trương này, chứ không thể dừng lại kiểm điểm, ngừng công tác để kiểm điểm được”.

GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết lãnh đạo Hà Nội nói rằng đã chặt hạ 500 cây nhưng ông lại nghe được thông tin nói rằng đã có hơn 1.000 cây bị chặt.



Hà Nội nói đã có 500 cây bị chặt hạ
nhưng các chuyên gia, nhà khoa học không tin con số này. 

Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải nhẩm tính: Đường Nguyễn Chí Thanh đã chặt hạ gần 400 cây, đường Nguyễn Trãi 500 cây là thành 900 cây rồi nên con số Hà Nội đưa ra rất đáng ngờ.

“Tôi có người bạn đã đi lòng vòng qua nhiều tuyến phố và thấy phố nào cũng có gốc cây bị chặt hạ. Người bạn này đã nhẩm tính phải có khoảng 2.000 cây bị chặt hạ rồi chứ không thể là 500 cây được. Tàu điện trên cao đường Nguyễn Trãi mấy năm nữa mới xong mà các anh ấy đã chặt hết sạch, trước cả kế hoạch. Về mặt luật pháp hoàn toàn không thấy cơ sở pháp lý nào cả. Chính vì thế việc thanh tra của Hà Nội phải có sự tham gia của nhiều tổ chức, đoàn thể để giám sát thì mới minh bạch được”- ông Hải nói.

GS. Nguyễn Lân Dũng đề nghị việc thanh tra chuyện chặt cây ở Hà Nội phải để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, vì đến nay truyền thông các nước lớn trên thế giới đều đã lên tiếng cả rồi nên không thể để Hà Nội thanh tra.

Cây trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ, không phải vàng tâm

TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam - cho biết đã lấy mẫu cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh đem về nghiên cứu.



TS. Nguyễn Tiến Hiệp (đứng) khẳng định cây trồng trên
đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ chứ không phải vàng tâm.

“Chắc chắn đó là cây mỡ chứ không phải cây vàng tâm. Mà là cây mỡ bình thường, gỗ không tốt đâu, nó là nguyên liệu trồng để làm giấy ở vùng Tuyên Quang, Yên Bái, đường kính 20cm đã cưa rồi. Bộ lá của nó thưa, nó không thể thích hợp ở đây được. Tôi dự đoán khả năng chết rất cao, bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Hà Nội có lúc nắng nóng tới 40-45 độ thì khả năng chết rất cao”- ông Hiệp nói.

GS. Nguyễn Lân Dũng bình luận thêm: “Anh Hiệp là chuyên gia trong lĩnh vực này thì nói chính xác rồi. Tôi thì cho rằng 10 năm nữa nó cũng chắc chắn không có bóng mát đâu, bởi cành nó bằng ngón tay thôi. Chúng ta không nên quan tâm hàng cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm hay mỡ, bởi cả 2 loại cây này đều không phù hợp để làm cây xanh ở Hà Nội. Ở đây không phải đất chua, không có chất mùn và nhiệt độ cao thì làm sao có thể trồng được 2 loại cây đó chứ”.


Một trong những đường đẹp nhất Việt Nam trước và sau khi chặt cây

Theo báo news.zing.vn cập nhật vào ngày 23 tháng 3 năm 2015 đã viết như sau :

Nhìn từ trên cao, đường Nguyễn Chí Thanh, con đường từng được bình chọn đẹp nhất Việt Nam, nay trơ trụi, không còn màu xanh đầy sức sống như trước.

 

 
 Nguyễn Chí Thanh từng được bình chọn là tuyến đường đẹp nhất Việt Nam trong một cuộc thi do Bộ Giao thông vận tải tổ chức. Tuy nhiên, những hình ảnh và ký ức đẹp đẽ về con đường này sẽ chỉ còn là hoài niệm.

 

 

 

 


THẾ GIỚI : Hơn 10.000 người Pháp ký tên phản đối chính phủ chặt cây

Theo báo tuoitre.vn cập nhật vào ngày 22 tháng 3 năm 2015 đã viết như sau :

Hơn 10.000 người Pháp đã ký vào hai bản kiến nghị phản đối việc chính phủ lên kế hoạch chặt bỏ cây xanh nằm quá gần đường quốc lộ để ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông.

Một đường có hai hàng cây ở vùng nông thôn Pháp - Ảnh: Telegraph

Theo báo Telegraph, nhà chức trách Pháp cho biết cây cối nằm sát đường quốc lộ ở các vùng nông thôn là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Ước tính mỗi năm có 400 người ở Pháp chết vì đâm xe vào cây.

“Trên những con đường có hàng cây, một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn chết người” - ông Chantal Perrichon thuộc Hội đồng An toàn đường bộ quốc gia khẳng định.

Mới đây Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve yêu cầu chính quyền các địa phương lên danh sách các con đường có hàng cây để xử lý. Trên thực tế, luật Pháp cấm trồng cây cách đường 1,5m và thời gian qua nhà chức trách đã chặt hàng ngàn cây trồng quá gần đường.

Tuy nhiên kế hoạch mới của Bộ Nội vụ có thể khiến nhiều ngàn cây bị chặt bỏ. Và đã có hơn 10.000 người ký vào đơn kiến nghị phản đối kế hoạch này. Họ cho rằng cây xanh đóng vai trò sinh thái quá quan trọng và trên thực tế giúp giảm tai nạn giao thông.

“Cây xanh đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe người dân” - ông Georges Cingal, thành viên Ủy ban Môi trường và xã hội châu Âu (CESE), người viết một trong hai đơn kiến nghị, khẳng định. Ông cho biết theo một nghiên cứu của Anh, các hàng cây có thể giúp người lái xe xác định tốc độ, phát hiện các điểm đường cong…

Chuyên gia giao thông Chantal Pradines của Hội đồng châu Âu cho rằng cây xanh trên đường quốc lộ ở Pháp đã đạt đến độ tuổi không thể thay thế và có tầm quan trọng lớn về môi trường sinh thái, do đó không thể chặt bỏ.


Bình luận

Cây xanh có ý nghĩa vô cùng quan trong như hấp thụ khí CO2 và thở ra oxy cho con người. Vì vậy, việc chặt hạ hàng ngàn cây xanh, làm mất đi thảm xanh của thiên nhiên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến con người, nhiệt độ, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và ô nhiễm không khí đang ngày nhức nhối hơn.

Đối với Hà Nội, từ trước đã được cộng đồng thế giới biết đến là thành phố xanh với nhiều dãy cây cổ thụ được trồng cách đây cả trăm năm. Chính các cây xanh này cũng đã góp phần tạo nên một Hà Nội thanh lịch, hài hòa giữa thiên nhiên và môi trường.

Một điều nữa chúng ta cần phải nghĩ là, nếu việc chặt cây chúng ta làm không tốt có thể sẽ ảnh hưởng đến việc giáo dục. Bởi từ nhiều năm nay, Nhà nước đã có chủ trương kêu gọi toàn dân trồng cây, trồng rừng. Chủ trương này cũng đã được đưa vào giáo dục trong các trường học nhằm hướng tới mục đích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Như Trung Quốc, thời gian qua ô nhiễm không khí, khói bụi đang ảnh hưởng rất lớn đên cuộc sống của người dân. Trước thực trạng này, Trung Quốc đã kêu gọi nhân dân trồng rừng, trồng cây để giảm ô nhiễm. Việc này cho thấy, cây xanh rất có ý nghĩa đối với cuộc sống. Đây là một bài học mà chúng ta cần phải ghi nhận và rút kinh nghiệm trước khi nghĩ đến việc đánh đổi cây xanh./.





vendredi 20 mars 2015

BLOG : Cuộc đời của 4 đại gia Sài Gòn thời xưa


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Vào cuối thế kỷ 19, Sài Gòn - Chợ Lớn nổi lên bốn vị phú hộ có gia sản kếch xù, được mệnh danh là "Tứ đại phú hộ" mà tiếng tăm còn truyền lại đến bây giờ qua câu nói dân gian "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định" (Huyện Sỹ - Tổng đốc Phương - Bá hộ Xường và Bá hộ Định)


Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt: Giàu hơn vua Bảo Đại

Nhất Sỹ tên thật là Lê Phát Đạt (1841-1900) được phong huyện hàm nên gọi là Huyện Sỹ, một trong những người giàu nhất Sài Gòn vào nửa đầu thế kỷ 20. Cháu ngoại ông là Nguyễn Hữu Thị Lan, vợ vua Bảo Đại, tức Nam Phương Hoàng Hậu.

Nhân vật số một của Tứ đại phú hộ là Huyện Sỹ, người có tên khai sinh là Lê Nhứt Sỹ, sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình theo đạo Công giáo. Từ nhỏ ông đã được các tu sỹ người Pháp đưa đi du học ở Malaysia. Tại đây, ông đổi tên thành Lê Phát Đạt do tên cũ của ông trùng với tên một người thầy dạy.

Sau khi về nước, ông được Chính phủ Pháp bổ nhiệm làm thông ngôn, từ năm 1880 làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Dù đã đổi tên nhưng người quen vẫn gọi ông bằng tên cúng cơm, vì vậy mà cái tên Huyện Sỹ đã gắn bó với số phận của ông. Sự giàu có nhanh chóng của Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt bắt đầu từ một việc trớ trêu. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, dân cư tản mát, nhiều ruộng đất trở nên vô chủ, bán rẻ mạt mà không ai mua. Chính quyền thuộc địa ép Lê Phát Đạt, khiến ông bất đắc dĩ phải đi vay mượn mà mua liều. Không ngờ ruộng của ông trúng mùa liên tiếp mấy năm liền, khiến ông bỗng chốc phát tài. Dù nhiều tiền của nhưng ông không tiêu xài phung phí mà còn dạy người nhà thói cần kiệm.

Nhà thờ huyện Sỹ ở HCM.jpg
Nhà thờ Huyện Sỹ là một nhà thờ Công giáo cổ,
tọa lạc tại số 1 đường Tôn Thất Tùng, quận 1

Là người mộ đạo, ông đã dùng gia sản khổng lồ của mình để xây các nhà thờ bề thế ở Sài Gòn, là nhà thờ Huyện Sỹnhà thờ Chí Hòa ngày nay. Người con trai của ông là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền ra xây nhà thờ Hạnh Thông Tây, nay thuộc quận Gò Vấp.

Các con cái của Huyện Sỹ đều là những đại điền chủ sở hữu vô số đất đai ở Nam Kỳ lục tỉnh, nhận nhiều bổng lộc từ triều đình nhà Nguyễn dù không phải người hoàng tộc. Sau này, một người cháu ngoại của Huyện Sỹ là Nguyễn Hữu Thị Lan đã trở thành hôn thê của vua Bảo Đại, được biết đến với danh xưng Nam Phương hoàng hậu. Mức độ giàu có của gia tộc Huyện Sỹ được đồn thổi là lớn hơn rất nhiều lần so với vua Bảo Đại.

Sự giàu có của Huyện Sỹ ngày nay còn được thể hiện một cách rõ nét qua các công trình xây dựng mà ông để lại. Nổi bật số đó là nhà thờ Huyện Sỹ, công trình mà ông đã hiến 1/7 tài sản cá nhân để xây dựng. Nhà được khởi công xây dựng từ năm 1902 và đến năm 1905 hoàn thành theo thiết kế của linh mục Bouttier, tiêu tốn khoảng 30 ngàn đồng bạc Đông Dương thời bấy giờ.

Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt qua đời năm 1900, trước khi ngôi nhà thờ tâm huyết của ông được xây dựng. Sau khi vợ của ông là bà Huỳnh Thị Tài mất năm 1920, con cháu đã đưa thi hài hai ông bà về chôn ở gian chái sau cung thánh của nhà thờ Huyện Sỹ. Nơi đây cũng đặt tượng của ông cùng vợ và các con. Ngày nay, nhà thờ Huyện Sỹ là một điểm đến thu hút khách du lịch, đặc biệt là đối với những ai muốn tìm hiểu về cuộc đời của đại gia giàu có bậc nhất Sài Gòn thời xưa.

Nhà thờ Hạnh Thông Tây - 53/7 Quang Trung, Q.Gò Vấp

Trước đây có một con đường ở phường 7, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh mang tên Lê Phát Đạt, gần nhà thờ Chí Hòa. Khoảng năm 2000, con đường này đổi tên thành đường Đặng Lộ.


Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương: Tiến thân nhờ theo Pháp

Nhì Phương là Đỗ Hữu Phương  sinh cuối tháng 6 năm 1841 tại Chợ Đũi (Sài Gòn) được phong hàm Tổng đốc nên còn gọi là Tổng đốc Phương, người gốc Hoa sinh tại Sài Gòn, ngoài chữ Hán ông còn nói giỏi tiếng Việt, nói được một ít tiếng Pháp.

Cha ông là một người giàu có, tục gọi là Bá hộ Khiêm. Ông này đã cưới con gái một vị quan người Quảng Nam vào Nam Kỳ làm Tri phủ (sau về hưu với chức Lang trung bộ Binh) và sinh ra ông.

Đỗ Hữu Phương (1841 - 1914), nhân vật số hai trong “Tứ đại phú hộ” sinh tại Sài Gòn, là con của Bá hộ Khiêm – một người giàu có của đất Nam Kỳ lúc đó. Ông được đánh giá là người rất khôn ngoan, có sự nghiệp gắn với chính quyền Pháp.

Năm 1859, khi quân Pháp tiến đánh Gia Định, Đỗ Hữu Phương lui về Bà Điểm, Hóc Môn lánh thân và chờ thời. Năm 1861, ông được nhận làm cộng sự của người Pháp với sự giới thiệu của cai tổng Đỗ Kiến Phước. Sài Gòn Chợ Lớn thời đó chia làm 20 hộ. Đỗ Hữu Phương được chính quyền cho làm hộ trưởng, từ đó lần lượt leo lên nhiều chức vụ khác nhau.

Chân dung tổng đốc Phương

Từ năm 1866 - 1868, Đỗ Hữu Phương chỉ huy hoạt động do thám phong trào chống đối Pháp và tham gia dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và lân cận. So với những tay sai khác của Pháp, ông tỏ ra khéo léo và mềm mỏng, chủ trương tránh gây đổ máu, chuốc thù oán. Bằng sự khôn khéo của mình, ông đã thuyết phục nhiều nhân vật nổi dậy quy hàng, đồng thời xin chính phủ Pháp ân xá cho họ.

Dù vậy, Đỗ Hữu Phương tỏ ra rất không thương xót với những người nổi loạn cứng rắn. Ông đã thẳng tay trừng trị Thủ khoa Huân (Đỗ Hữu Huân) - một trong những bạn hồi thơ ấu, khi bị nhà lãnh đạo khởi nghĩa này bội tín. Bản thân Đỗ Hữu Phương đã có lần suýt chết vì sự chống trả của quân khởi nghĩa.

Với các công trạng của mình, Đỗ Hữu Phương tiếp tục thăng tiến. Đến năm 1872, ông trở thành hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn và năm 1879 làm phụ tá Xã Tây Chợ Lớn cho Antony Landes.

Tận dụng chức vụ này, Đỗ Hữu Phương thường ngầm làm trung gian để giới thương gia người Hoa hối lộ cho các viên chức Pháp và bỏ túi những lợi nhuận khổng lồ. Ông giàu lên nhanh chóng, uy thế lớn đến mức quan Toàn quyền Paul Doumer cũng biết tiếng và ghé thăm. Lợi dụng cái bóng của Paul Doumer, ông thâu tóm được một diện tích đất ruộng lên đến 2.223 mẫu.

Trên đường quan lộ, Đỗ Hữu Phương vẫn thăng tiến như diều gặp gió, được thưởng tam đẳng bội tinh, thăng Tổng đốc hàm và nhận được nhiều ưu đãi khác. Năm 1881, ông gia nhập quốc tịch Pháp, các con đều được đưa sang Pháp du học.

Ông được người Pháp ca ngợi rằng: “Phương tích cực phục vụ cho sự nghiệp của nước Pháp, không chỉ với khả năng quân sự mà còn với sự hiểu biết tường tận về xứ này, đặc biệt là Chợ Lớn”. Trên thực tế, Đỗ Hữu Phương là một trong những tay sai đắc lực nhất cho các sĩ quan Pháp trong việc bình định xứ Nam Kỳ.

Ðỗ Hữu Phương mất năm 1914. Đám tang của ông được tổ chức rất trọng thể. Thi hài của ông được quàn nửa tháng mới chôn, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách viếng. Trâu, bò, lợn, gà được mổ liên miên để cúng và đãi khách.


Bá hộ Xường : Đại gia ngành thực phẩm

Tam Xường hay Bá hộ Xường, tên thật là Lý Tường Quan, tự Phước Trai, sinh năm 1842, mất năm 1896. Do ông còn có tên là Xường, lại rất giàu có nên người ta còn gọi là Bá hộ Xường, hay Hộ Xường. Bá hộ Xường là “đại phú hào” kinh doanh trên lãnh vực lương thực, cung cấp độc quyền mặt hàng cá, thịt cho Sài Gòn và các tỉnh. Ông được xếp ở vị trí thứ ba trong số bốn người giàu có nhất Nam Kỳ.

Cuộc đời và sự nghiệp của Bá hộ Xường - Lý Tường Quan được ghi chép lại rất ít, hầu hết chỉ còn lưu lại trong những giai thoại. Theo đó, Lý Tường Quan là người Minh Hương (Hoa Kiều trung thành với nhà Minh) chống lại nhà Thanh nên đến lánh nạn ở miền Nam Việt Nam.

Thông thạo cả tiếng Hoa lẫn tiếng Pháp, Lý Tường Quan trở thành thông ngôn cho Pháp và được chính quyền thực dân tin tưởng, trọng dụng. Tuy vậy, địa vị mà nghề thông ngôn mang lại không làm Lý Tường Quan thỏa mãn. Khoảng năm 30 tuổi, ông bỏ nghề này và nhảy vào thương trường.

Lĩnh vực mà Lý Tường Quan nhắm đến là cung cấp lương thực, thực phẩm cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Biết tranh thủ thời cơ khan hiếm hàng hóa, lại giỏi lấy lòng quan Tây để được che chở, nâng đỡ, ông nhanh chóng trở thành đại gia số một trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm lúc bấy giờ.

Với lợi nhận từ việc kinh doanh thịt cá, Bá hộ Xường bắt đầu mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán, gia sản lại càng được mở rộng.

Dinh thự của Bá hộ Xường rất bề thế, ngày nay tọa lạc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Một công trình khác ông để lại là khu nhà mồ cổ xây dựng năm 1896, hiện thuộc địa phận quận Tân Bình, TP HCM. Toàn bộ công trình tuy không đồ sộ nhưng rất khoáng đạt và tinh tế, là sự kết hợp của lối kiến trúc gôtich với phong cách Á Đông.

Bá hộ Xường qua đời năm 1896. Sau khi ông mất, hầu hết tài sản bị con cháu ăn xài, tiêu phí hết.


Bá hộ Định và các “ứng viên” khác

Trong câu truyền miệng trong dân gian “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định”, nếu ba vị trí đầu tiên của Tứ đại phú hộ được phân định rõ ràng thì vị trí thứ tư lại có nhiều “phiên bản” khác nhau. Đôi khi “Tứ Định” được thay thế bằng Tứ Hỏa, Tứ Trạch hoặc Tứ Bưởi.

Tứ Định” ở đây chính là bá hộ Định, một thương gia có tên thật là Trần Hữu Định. Ông vốn là chủ tiệm cầm đồ rồi được chính quyền Pháp cho làm Hộ trưởng kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vải sợi, phất lên thành đại gia nhờ biết nắm thời cơ những lúc hàng khan hiếm, tương tự như bá hộ Xường. Và cũng giống bá hộ Xường, sau khi bá hộ Định mất, gia sản của ông bị con cháu tàn phá tan hoang.


Trong vị trí thứ tư của Tứ đại phú hộ, “Tứ Hỏa”, thường được gọi là Chú Hỏa, là nhân vật gắn với nhiều giai thoại về sự giàu có. Chú Hỏa (1845-1901) có tên thật là Hứa Bổn Hòa, có tổ tiên là người Hoa ở Phúc Kiến chống chính quyền mãn Thanh nên di cư sang Việt Nam. Vốn là người nhặt ve chai, Chú Hỏa đã trở nên giàu có một cách lạ kỳ.

Thiên hạ đồn rằng, khi đi nhặt ve chai Chú Hỏa đã nhặt được cả túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ và dùng số vàng đó làm ăn rồi giàu lên nhanh chóng. Các phiên bản khác của giai thoại này thay túi vằng bằng bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng, hoặc những thứ đồ cực kỳ quý hiếm trong những món đồ vứt đi.

4 phú hộ lừng danh đất Sài Gòn giàu cỡ nào?
Khách sạn Majestic được chú Hoả xây dựng.

Rồi có cả những giai thoại cho rằng chú Hỏa an táng mộ cha đúng long mạch nên làm ăn phát đạt hay thừa hưởng cả một kho báu của nhà Minh để lại. Những giả thiết có phần thực tế hơn cho rằng Hỏa đã tích cóp để trở thành chủ đại lý ve chai, hoặc được một ông chủ người Pháp thương tình giúp đỡ, từ đó có vốn liếng để làm ăn.

Dù sự thật như thế nào thì Chú Hỏa đã chứng tỏ được mình là một nhà kinh doanh có tài. Ông là chủ nhân của công ty bất động sản Hui Bon Hoa, từng sở hữu trên 20.000 căn nhà ở Sài Gòn.

Công ty của Chú Hỏa đã xây dựng nhiều công trình có giá trị, còn tồn tại đến nay như Bảo tàng Mỹ thuật, Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, khu nhà khách Chính phủ v..v.


Ngoài ra, “Tứ Trạch” trong Tứ đại phú hộ là Trần Trinh Trạch (1872-1942). Tương truyền, ông xuất thân nhà nghèo, đi làm mướn cho một điền chủ nhập tịch Pháp nên có vốn chữ nghĩa tiếng Pháp. Sau này, ông đi làm viên chức cho tòa hành chính tỉnh Bạc Liêu. Nhờ vốn kiến thức về luật pháp mà ông giàu lên nhờ thu mua tài sản điền địa của các địa chủ thất vận.

Trần Trinh Trạch được xem là một trong những đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam năm 1927- ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành, trụ sở đặt tại Sài Gòn.

Người con trai thứ ba của ông chính là Công tử Bạc Liêu, một cậu ấm ăn chơi khét tiếng cả Nam Kỳ.


Tứ Bưởi” trong Tứ đại phú hộ chính là Bạch Thái Bưởi, người được xem là nhà tư sản dân tộc tiêu biểu thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.


Một số đại phú gia khác

Bên cạnh Tứ đại phú hộ, còn khá nhiều đại địa chủ và đại tư sản khác khá nổi tiếng như:
  • Quách Đàm (1863-1927) là một thương gia gốc Hoa, có công xây dựng nên Chợ Bình Tây.
  • Trương Văn Bền (1883-1956), người xây dựng thương hiệu Xà bông Cô Ba nổi tiếng.
  • Trần Chánh Chiếu (1868-1919), một đại điền chủ ở Nam Kỳ



mardi 3 mars 2015

PHONG TỤC : Tết Nguyên tiêu - Rằm Tháng Giêng


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Ngày Rằm tháng Giêng (15 tháng 1 âm lịch - 05/03/2015) còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người Việt Nam. Việc cúng lễ trong ngày này phần lớn được tổ chức tại chùa, vì ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Vào ngày này, người Việt thường đi chùa lễ Phật để cầu mong quanh năm an lành cho bản thân và gia đình. Hoặc cũng có gia đình Việt Nam tụ tập ở nhà trưởng họ hay nhà thờ họ.



Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên Tiêu

Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (Vu lan - rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười). Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khỏe mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn Tết bù... Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.

Đêm ngày rằm tháng Giêng âm lịch cũng là Tết Nguyên Tiêu cổ truyền của nhân dân Trung Quốc và Đài Loan, cũng gọi là Tết Hoa Đăng hay "Lễ hội đèn hoa" hoặc "Hội hoa đăng". Do đó những nơi có người Hoa sinh sống lễ đón rằm tháng Giêng thường treo đèn kết hoa, mọi người ra ngắm cảnh hoa đăng, đố câu đối... Ở Việt Nam, những nơi có đông cộng đồng người Hoa sinh sống như Chợ Lớn, Hội An cũng có nhiều sinh hoạt đặc biệt. Ở Philippines, có lễ hội diễu hành truyền thống vào ngày rằm tháng giêng, đánh dấu khởi đầu năm mới.


Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Hồi đó, các cung nữ sau tết Nguyên Tiêu, đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ, nhưng cung vua canh phòng cẩn mật, làm thế nào để ra gặp mặt cha mẹ? Đông Phương Sóc nhiều trí thông minh khi nghe được tin này, bày tỏ sự đồng tình, tìm cách giúp các cung nữ thực hiện nguyện vọng gặp mặt cha mẹ. Bước đầu tiên, Đông Phương Sóc tung tin, hỏa Thần sẽ cử người đến thiêu hủy thành Trường An, khiến trong nội thành hoang mang khiếp sợ.

Sau đó, Đông Phương Sóc hiến kế với vua Hán Vũ rằng, tối ngày Rằm mọi người trong cung phải đi lánh nạn ở ngoài cùng vua, các đường to ngõ hẻm, trước nhà sau sân trong nội thành đều treo đèn lồng đỏ, tạo nên cảnh giả thành Trường An lửa cháy hừng hực, nhờ đó đánh lừa Hỏa Thần.

Vua Hán Vũ đã đồng ý phương án này của Đông Phương Sóc, thế là các cung nữ nhân Tết Nguyên Tiêu thực hiện nguyện vọng gặp mặt người thân. Từ đó, cứ đến ngày rằm tháng Giêng đều phải treo đèn lồng.


Còn có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, đến tối ngày Rằm tháng Giêng, bà con nông dân ra đồng ruộng tập trung cây cỏ lá khô, châm lửa thiêu hủy để diệt sâu bọ.

Một số ý kiến khác cho rằng, Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Rằm tháng Giêng chính là ngày vía Phật tổ Adiđà, ngày không chỉ dành riêng cho thiện nam tín nữ, mà còn là ngày của mọi người, của những đôi nam thanh nữ tú đến chùa cầu duyên.

Cũng có ý kiến cho rằng, ngày Rằm tháng giêng còn là ngày vía Thiên quan, trong dân chúng đây là dịp lên chùa cúng dâng sao giải hạn (hoặc cúng tại nhà), giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.

Đêm Rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, thấm đẫm chất nhân văn ở cả thành thị lẫn nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ.


Tập tục và lễ hội

Ở Trung Quốc và Đài Loan , Tết Nguyên Tiêu ,rằm tháng giêng được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và tập tục đốt đèn trên cây nêu trước cửa nhà, chơi lồng đèn ngũ sắc, kéo dài từ 13 đến 17 tháng Giêng.

Ở Thái Lan lễ hội Rằm tháng Giêng là lễ Hội cúng dường đức Phật, đức Pháp và đức Tăng qua hình thức tụng Tam Tạng Kinh từ 07 đến 10 ngày

Ở Ấn độ quanh khu vực thánh địa nơi đức Phật ngồi đắc đạo dưới gốc Bồ đề nhiều quốc gia như Tích Lan, Miến Điện, Lào, Thái, Campuchia, Tạng truyền. Mở những pháp hội tụng Tam Tạng Pali cúng dường  đức Phật

Ở Việt Nam,  Tết Nguyên Tiêu hay Rằm tháng Giêng, phần lớn tổ chức tại chùa,


Bài văn khấn cúng Rằm Tháng Giêng
(ngày lễ Nguyên Tiêu, lễ Thượng Nguyên)


- Kính lạy chư vị Tôn thần cai quản khu vực này
- Kính cáo các vị chư gia Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, cùng chư vị tiền nhân họ...(ghi họ chủ nhà)
   Chúng con là:....................................................................
   Hiện nay ở tại...................................................................
   Cùng toàn gia kính bái
   Kính cẩn thưa rằng:
   Nay là tháng
   "Tam dương khai thái"*
   Rằm tháng Giêng
   "Vạn tượng canh tân"*
   Lung linh trong ánh trăng ngần
   Là ngày Thượng nguyên đón tết
   Một năm mới
   Nguyên tiêu hanh cát
   Đêm trăng vàng
   Dát bạc lung linh
   Phiêu diêu trong khói hương trầm
   Tiền tổ gia tiên đông đủ
   Nay chúng con
   Lòng thành tâm cỗ bàn đủ đầy
   Cùng hương hoa phù tửu dâng lên
   (Kể các thứ cúng)
   ........................................................................
   Xin kính thỉnh
   Cao tằng tổ khảo, tiên linh
   Cao tằng tổ tỷ, vị tiền
   Thụ hưởng!
   Toàn gia thỉnh nguyện thành tâm
   Tiên tổ ra ân ban phúc
   Cho quanh năm, hanh thông mọi việc
   Vạn sự làm luôn được gặp may
   Gia tiên đức cả cao dày
   Cháu con ghi tạc ơn này dài lâu.
                                        Cẩn cáo


Bảng các ngày lễ âm lịch quan trọng cho 10 năm: 2015 - 2024



Bình luận

Đến ngày Rằm tháng Giêng, người Việt lại ăn một cái Tết nữa, là Tết Nguyên Tiêu hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên. Tết này tổ chức tại chùa và tại gia. Vào ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình Việt sẽ tiếp tục làm cơm cúng thịnh soạn dâng lên bàn thờ gia tiên với quan niệm

“Giỗ tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”


Rằm Tháng Giêng ở Việt Nam tách khỏi quan niệm này và đưa vào ngày Tết Nguyên Tiêu ý nghĩa tôn giáo, bởi thế mà dân gian còn có câu

Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng

Vào ngày này, người Việt sau khi hoàn tất việc cúng bái tại gia, thường lên chùa dâng hương và đặc biệt hay lên chùa vào lúc trời tối, khi trăng tròn đầu năm đã lên cao.

Dù kinh điển nhà Phật không nói đến ngày rằm Tháng Giêng nhưng trong dân gian thì đây là dịp thích hợp để lên chùa dâng sao giải hạn, ước nguyện điềm lành.