Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Giới thiệu
Khổng Tử (còn gọi là Khổng Phu Tử / Vạn thế Sư biểu - Bậc thầy của muôn đời, 27 tháng 8 âm, 551 –11 tháng 4 479 TCN, 72 tuổi) là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á. Chính phủ Trung Quốc hiện nay, trong nỗ lực truyền bá văn hóa Trung Hoa ra thế giới, đã cho thành lập hàng trăm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới.
Triết học của ông nhấn mạnh trên sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức: "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", sự chính xác của các mối quan hệ xã hội, đạo đức và quy phạm làm người, "Đạo Trung Dung" và các đức tính "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín". Các giá trị đó đã có được tầm ảnh hưởng lớn trên mọi học thuyết khác ở Trung Quốc như Pháp gia hay Đạo gia trong suốt triều đại nhà Hán. Các tư tưởng của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học được gọi là Khổng giáo. Khổng giáo được một người Italia là Matteo Ricci đưa vào Châu Âu, ông cũng là người đầu tiên La tinh hoá tên Khổng Tử thành "Confucius". Khổng giáo còn được xem là một tôn giáo lớn của loài người, nhất là dân tộc Trung Hoa.
Các bài giảng của Khổng Tử được nghiên cứu chủ yếu qua cuốn Luận Ngữ, một tập hợp những "mẩu chuyện cách ngôn ngắn", được biên soạn nhiều năm sau khi ông qua đời do các học trò của ông ghi chép lại. Trong gần 2.000 năm ông được cho là người biên soạn hoặc tác giả của Ngũ Kinh: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu (Kinh Nhạc đã bị Tần Thủy Hoàng đốt mất nên còn lại Ngũ Kinh).]
Tiểu sử
Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên, vào thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc, tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Nhiều sử sách ghi rằng ông sinh trong một gia cảnh nghèo, nhưng thực tế gia đình ông có ông tổ ba đời vốn thuộc dòng quý tộc sa sút từ nước Tống dời đến nước Lỗ. Cha của Khổng Khâu, Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn, anh của vua Trụ nhà Thương) là quan võ thuộc ấp Trâu, đến 70 tuổi mới lấy Nhan thị mà sinh ra ông. Năm lên ba, Khổng Khâu mồ côi cha, lớn lên, phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ, nhưng rất ham học.
Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho chuyên quản lý kho tàng, xuất nạp tiền lương công bằng chuẩn xác. Ông cũng từng đảm nhiệm chức quan nhỏ chuyên quản lý nông trường chăn nuôi, súc vật sinh trưởng rất tốt. Nhờ vậy ông được thăng chức lên làm quan Tư không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình.
Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học. Học trò gọi ông là Khổng Phu Tử, hay gọi gọn hơn là Khổng Tử. 'Tử' ngoài ý nghĩa là 'con' ra còn có nghĩa là "Thầy". Do vậy Khổng Tử là Thầy Khổng.
Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng và tìm người dùng các tư tưởng đó. Có nơi ông được trọng dụng nhưng cũng có nơi ông bị coi thường.
Năm 51 tuổi, ông quay lại nước Lỗ và được giao coi thành Trung Đô, năm sau được thăng chức Đại tư khấu (coi việc hình pháp), kiêm quyền tể tướng. Sau ba tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị. Nhưng rồi bị ly gián, gièm pha, ông bèn từ chức và lại ra đi một lần nữa.
Năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Có thể nói Khổng Tử là người thầy tư nhân chuyên thu nhận học trò đầu tiên trong lịch sử giáo dục Trung Quốc. Trước thời ông, trường học hoàn toàn là của nhà nước. Khổng Tử sáng lập ra trường học tư, thu nhận nhiều đồ đệ, đưa giáo dục mở rộng cho bình dân, đem tri thức văn hóa truyền bá cho dân gian, có cống hiến thật to lớn đối với giáo dục thời cổ đại.
Ông mất tháng 4 năm 479 TCN, thọ 72 tuổi.
Giáo dục
Trong cuốn Luận Ngữ, Khổng Tử tự coi mình là một "người truyền đạt lại cái đã có mà không phát minh ra thứ gì khác". Ông rất nhấn mạnh trên tầm quan trọng của sự học, và chương mở đầu Luận Ngữ cũng đề cập tới việc học. Vì thế, ông được người Trung Quốc coi là vị Đại Sư. Thay vì tìm cách xây dựng một lý thuyết mang tính hệ thống về cuộc sống và xã hội, ông muốn các môn đồ của mình phải suy nghĩ sâu sắc cho chính mình và lặng lẽ nghiên cứu thế giới bên ngoài, chủ yếu thông qua các cuốn kinh cũ và qua các sự kiện quá khứ có liên quan (như Kinh Xuân Thu) hay những tình cảm của nhân dân trong quá khứ (như Kinh Thi).
Ở thời đại của sự phân chia, hỗn loạn và những cuộc chiến tranh không dứt giữa các nước chư hầu, ông muốn tái lập Thiên Mệnh để có thể thống nhất "thiên hạ" (mọi thứ dưới gầm trời, ở đây nghĩa là Trung Quốc) và mang lại hòa bình, thịnh vượng cho nhân dân. Vì thế Khổng Tử thường được coi là người đã đề xướng chủ nghĩa bảo thủ, nhưng khi xem xét kỹ những đề xuất của ông ta thấy ông đã sử dụng (và có thể cố ý bóp méo) những định chế và lễ nghi trong quá khứ nhằm đặt ra một hệ thống chính trị mới của riêng mình.
Ông mơ ước về sự khôi phục một vương quốc thống nhất mà những vị vua phải được lựa chọn xứng đáng theo đạo đức (như vua Nghiêu, vua Thuấn) chứ không phải theo dòng họ. Những người cai trị phải hành động vì nhân dân, và họ phải đạt tới mức hoàn thiện. Một vị vua như vậy có thể dùng đạo đức của mình giáo hóa nhân dân thay vì áp đặt mọi người bằng pháp luật và quy định. Ngược lại, một vị vua hoang dâm bạo ngược thì không còn tư cách ngồi trên ngai vàng, và người dân có quyền lật đổ vị vua đó.
Nhiều khía cạnh tư tưởng của Khổng Tử vẫn còn lưu truyền và phát huy đến tận ngày nay. Có được sự trường tồn đó, là ở tinh thần đam mê học hỏi và thái độ nghiêm túc đối với việc học của Khổng Tử.
Ông nói: "Ta đi học là học cho ta, để gây cái phẩm giá của ta, chứ không phải là để khoe với người. Ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình".
Theo Ông, đã không học thì thôi chứ đã học là phải "Học cho rộng, hỏi cho kỹ; nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng tỏ, làm cho hết sức. Có điều không học nhưng đã học điều gì thì phải học cho kỳ được. Có điều không hỏi, nhưng khi đã hỏi điều gì thì phải hỏi cho thật hiểu. Có điều không nghĩ nhưng đã nghĩ điều gì thì phải nghĩ cho ra. Có điều không phân biệt nhưng đã phân biệt điều gì thì phải phân biệt cho minh bạch. Có điều không làm nhưng đã làm điều gì thì phải cố hết sức mà làm cho bằng được… Nếu quả theo được đạo ấy thì tuy ngu mà cũng thành sáng, yếu đuối rồi cũng thành ra khoẻ mạnh".
Khổng Tử cũng nhấn mạnh trên cái mà ông gọi là "Lễ và Nhạc", coi hai thứ đó là những trụ cột của sự cân bằng cho trật tự và sự hài hoà. Lễ là các yêu cầu và quy phạm trong việc đối nhân xử thế; còn Nhạc (âm nhạc, văn nghệ) là để thống nhất mọi con tim cùng chung vui, cũng là để giữ gìn đức hạnh. Ông nói thêm rằng lễ không chỉ là cúng tế, và âm nhạc không chỉ là âm thanh của dùi đánh vào chuông. Cả hai còn là cách truyền đạt giữa lòng nhân của một người và hoàn cảnh xã hội của anh ta; cả hai yếu tố đó đều tăng cường các mối quan hệ xã hội, như Ngũ Thường (năm mối quan hệ chủ yếu):
- Quân thần (vua tôi),
- Phụ tử (cha con),
- Phu thê (vợ chồng),
- Huynh đệ (anh em) và
- Bằng hữu (bạn bè).
Các trách nhiệm luôn được cân bằng, và nếu một thần dân phải tuân lệnh vua, thì thần dân cũng phải can ngăn khi nhà vua sai lầm.
Khổng Tử chú trọng vào sự tu dưỡng đạo đức cá nhân trước tiên, sau đó nuôi dưỡng gia đình, rồi mới đến cai trị thiên hạ bằng lòng nhân từ: "Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình Thiên hạ". Ông nhấn mạnh vào Ngũ thường: "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín":
- Nhân là lòng từ thiện,
- Nghĩa là làm tròn bổn phận,
- Lễ là sự tôn ti trật tự hay quy tắc trong việc đối nhân xử thế với người trên kẻ dưới,
- Trí là trí tuệ minh mẫn làm việc gì cũng phải suy nghĩ,
- Tín là lòng thành thực hiện điều đã nói.
Người ta phải giữ năm đạo đó làm thường, chẳng nên để rối loạn.
Những bài giảng của Khổng Tử sau này được các môn đồ của ông hệ thống thành một bộ văn bản tỉ mỉ về những quy định và cách thức thực hiện nghi lễ. Nhiều thế kỷ sau khi ông đã qua đời, cả Mạnh Tử và Tuân Tử đều viết những cuốn sách quan trọng, và lúc ấy, một triết lý đã được tạo dựng đầy đủ, gọi là Khổng giáo.
Sau hơn 1.500 năm, học giả Chu Hi đã diễn giải ý tưởng Khổng giáo theo một cách hoàn toàn mới, được gọi là Tân Khổng giáo, để phân biệt với những ý tưởng trong cuốn Luận Ngữ. Tân Khổng giáo đã có ảnh hưởng sâu rộng ở Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và nhiều nước châu Á khác cho tới tận thế kỷ 20.
Để đào tạo ra những con người lý tưởng, Khổng Tử đã đề xuất một hệ thống phương pháp giáo dục khá chặt chẽ, với những kiến giải sâu sắc. Có thể nói với hệ thống phương pháp giáo dục này Khổng Tử xứng đáng là một nhà giáo dục lớn. Khổng Tử đã sử dụng nhiều phương pháp dạy học rất độc đáo, có thể khái quát lại gồm :
- Phương pháp đối thoại gợi mở, giảng dạy bằng cách trao đổi giữa thầy và trò, giữa người dạy và người học nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và khoa học, khả năng tư duy của người học. Ông nói: "Kẻ nào chẳng phấn phát lên để hiểu thông, thì ta chẳng giúp cho hiểu thông được. Kẻ nào chẳng ráng lên để tỏ ý kiến mình, thì ta chẳng khai phát cho được. Kẻ nào đã biết rõ một góc, nhưng chẳng chịu căn cứ vào đó để biết luôn ba góc kia, thì ta chẳng dạy kẻ ấy nữa."
- Phương pháp kết hợp học đi đôi với hành, lời nói kết hợp với việc làm, là thực hành điều đã học và đem tri thức của mình vận dụng vào trong cuộc sống. Ông nói: "Người quân tử trước học văn chương (như Kinh Thi, Kinh Thư) đặng mở rộng trí thức của mình; kế đó, người nương theo lễ giáo mà kiềm giữ lấy nết mình; nhờ vậy mà khỏi trái đạo lý. - Quân tử bác học ư văn; ước chi dĩ lễ; diệc khả dĩ phất bạn hỹ phù".
- Phương pháp "ôn cũ biết mới", thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng và học tập. Ông thường nhắc rằng: "Người nào ôn lại những điều đã học, do nơi đó mà biết thêm những điều mới, người đó có thể làm thầy thiên hạ đó - Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỹ".
Khổng Tử đã đưa ra hệ thống các phương pháp giáo dục, phát huy tính năng động, tích cực và sáng tạo của người học. Những phương pháp đó đến nay vẫn có ý nghĩa thiết thực, đem lại hiệu quả cao trong giáo dục.
Trong quá trình giáo dục, Khổng Tử nhấn mạnh: cả thầy và trò đều phải có nghĩa vụ to lớn với nhau.
- Trò phải tôn kính thầy, dẫu sau này có thành đạt, quyền cao chức trọng đến đâu chăng nữa cũng không được bỏ rơi lễ nghĩa, vẫn luôn phải cung kính thầy.
- Ngược lại, người thầy thì phải có tư cách mẫu mực để làm gương cho trò. Người thầy có can trực, đạo đức, như thế mới có thể đào tạo nên những học trò hữu ích cho đất nước.
Trong Lịch sử Việt Nam có chuyện kể rằng: Phạm Sư Mạnh sau khi đỗ đạt, làm quan to ở triều, về thăm thầy là Chu Văn An. Dọc đường qua khu chợ đang họp, ông ra uy để lính thét dân phải dẹp đường. Biết chuyện, Chu Văn An giận Phạm Sư Mạnh làm quan mà tỏ ra hách dịch với dân, làm trái lời thầy dạy, nên không cho gặp mặt. Dù đã là quan lớn triều đình, Phạm Sư Mạnh vẫn phải quỳ gối cả buổi trước cửa nhà thầy để xin tha lỗi, về sau cũng hành xử khiêm nhường không dám hách dịch nữa.
Lý thuyết đạo đức
Lý thuyết đạo đức của Khổng tử dựa trên ba quan niệm chính: Lễ - Nghĩa - Trí
- Khi Khổng tử trưởng thành, Lễ được xem là ba khía cạnh sau trong cuộc đời : hiến tế cho thần thánh, thiết chế chính trị và xã hội, và hành vi hàng ngày. Lễ được xem là quy phạm đạo đức và hành vi mà Thiên thượng (Trời) chế định cho con người, lấy đó mà biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm.
- Đối với Khổng tử, Nghĩa là nguồn gốc của Lễ. Nghĩa chính là cách hành xử đúng đắn. Trong khi làm việc vì lễ, vị kỷ cá nhân chưa hẳn đã là xấu và người cư xử theo lễ một cách đúng đắn là người mà cả cuộc đời dựa trên trí. Tức là thay vì theo đuổi quyền lợi của cá nhân mình, người đó cần phải làm những gì là hợp lẽ và đạo đức.
- Trí là làm đúng việc vì một lý do đúng đắn. Nghĩa dựa trên quan hệ qua lại. Một ví dụ sống theo Nghĩa là tại sao phải để tang cha mẹ ba năm sau khi chết. Lý do là vì cha mẹ đã phải nuôi dưỡng chăm sóc đưa trẻ toàn bộ trong suốt ba năm đầu đời, và là người có trí phải đền đáp lại bằng cách để tang ba năm.
- tình cảm chân thật, ngay thẳng;
- hết lòng vì nghĩa; nghiêm trang, tề chỉnh;
- rộng lượng, khoan dung và siêng năng cần mẫn.
Người có đức Nhân chỉ hành động vì nhân nghĩa, đối lập với kẻ bất nhân chỉ hành động vì lợi.
Hệ thống đạo đức của Khổng Tử dựa trên lòng vị tha và hiểu những người khác thay vì là việc cai trị dựa trên luật pháp có được như một quyền lực thần thánh. Để sống mà được cai trị bằng Nhân thì thậm chí còn tốt hơn là sống trong luật pháp của Nghĩa. Để sống có nhân thì ta theo nguyên tắc vàng của Khổng tử: ông đã tranh luận rằng người ta phải luôn đối xử với người khác đúng như những gì họ muốn người khác đối xử với họ. Đức hạnh theo Khổng tử là dựa trên việc sống hài hòa với mọi người.
Khổng Tử nói: "Muốn nhân mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngu, muốn trí mà không muốn học thì bị cái che mờ là cao kỳ, muốn tín mà không muốn học thì bị cái che mờ là hại nghĩa, muốn trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh, muốn dũng mà không muốn học thì bị cái che mờ là loạn, muốn cương mà không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo khinh suất".
Ông áp dụng nguyên tắc trên như sau: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - Cái gì mà ta không muốn thì đừng làm cho người khác"
Dựa theo mức độ tu dưỡng đạo đức, Khổng Tử chia loài người thành ba hạng :
- Thánh nhân: Bậc hiền giả, người thể hiện và chuyển giao chân lý minh triết.
- Quân tử: Người cao nhã, kẻ phấn đấu để làm điều chân chính.
- Tiểu nhân: Kẻ "hèn mọn", hành động không màng tới đạo đức.
Khổng Tử nói: "Người quân tử sợ ba điều: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân. Kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời, nên không sợ, mà còn khinh nhờn bậc đại nhân, giễu cợt lời nói của thánh nhân. Người quân tử ung dung mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không ung dung".
Môn đồ và là người cháu duy nhất của ông, Tử Tư, tiếp tục duy trì trường phái triết học Khổng Tử sau khi ông qua đời. Trong khi vẫn dựa chủ yếu vào hệ thống đức trị của Khổng Tử, hai trong số những môn đồ nổi tiếng nhất của ông nhấn mạnh trên những khía cạnh khác biệt trong giáo lý của ông. Mạnh Tử tin vào tính thiện vốn có của con người, trong khi Tuân Tử đề cao sự thực tế và những khía cạnh vật chất trong tư tưởng Khổng Tử.
Ở thời Nhà Tống, học giả Chu Hi đã thêm các ý tưởng từ Đạo giáo và Phật giáo vào Khổng giáo. Trong suốt cuộc đời mình, Chu Hi không được mọi người biết tới, nhưng không lâu sau khi ông mất, những ý tưởng đó trở thành một quan điểm chính thống mới về những ý nghĩa thực sự của tư tưởng Khổng Tử. Các nhà sử học hiện đại coi Chu Hi là người đã tạo ra một thứ gì đó khác biệt và gọi tư tưởng của ông là Tân Khổng giáo. Ở thời hiện đại, vẫn có một số học giả nho giáo (xem Tân Khổng giáo) nhưng trong thời Cách mạng Văn hoá, Khổng giáo thường bị những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lên án.
12 câu nói muôn đời giá trị của Khổng Tử
- Biết có lỗi mà không sửa thì đó chính là lỗi.
- Người không có chữ tín sẽ chẳng làm nên việc gì.
- Sự nghiệp chớ nên cầu mong không có chông gai, trắc trở vì không có chúng thì ý chí sẽ không kiên định.
- Có kiến thức thì không nghi ngờ, có lòng nhân thì không ưu tư, có dũng cảm thì không sợ hãi.
- Đừng mong người khác thuận theo ý mình vì nếu được người khác thuận ý sẽ tất sinh tự kiêu.
- Làm việc đừng mong dễ thành công. Vì nếu dễ thành công thì bản thân thường kiêu ngạo.
- Không nhìn điều sai trái, không nghe điều xằng bậy, không nói điều sai, không làm điều càn quấy.
- Điều mình không thích thì đừng làm cho người khác. Đối với quê hương, gia đình nên tránh gây thù, chuốc oán.
- Người không có nhận thức sâu xa sẽ có ngày sẽ gặp phiền muộn, âu lo.
- Mọi thứ đều từ hư vô mà ra.
- Dùng thì đừng nghi, nghi thì đừng dùng.
- Ngồi bàn tiệc đừng ra vẻ anh hùng vì rượu đã làm cho nhiều người gục ngã.
Nếu các bạn coi không rõ hình ảnh « Lời dạy của Khổng Tử », xin mời các bạn truy cập Website dưới đây:
Cảm nghĩ tùy theo các quan điểm khác nhau
Con người ta sinh ra lớn lên già cả rồi bệnh tật mất đi. Cát bụi lại trở về cát bụi. Âu cũng là quy luật thường tình của một kiếp người. Sinh, lão, bệnh, tử vốn là như vậy. Tuổi trung niên đã có những bước thăng trầm trong cuộc sống, có những thành công, có những thất bại trong cuộc sống vật chất, cuộc sống tình cảm.
Ngẫm lại thời gian trôi đi như thoi đưa, không biết bao giờ mới về với ngày xưa, để rồi cùng ôn lại những kỷ niềm thời niên thiếu có buồn, vui, sướng, khổ, có điều ngây thơ, trong trắng chưa vương vấn bụi đường đời.
Đi qua rồi ngẫm lại mới thấy rằng kinh nghiệm cuộc sống đường đời sẽ mãi là những bài học mới cho tất cả chúng ta, dù ở địa vị nào, số phận nào đi chăng nữa. Sang hèn trong kiếp con người ta, không hơn thì cố gắng bằng người, để trong thiên hạ dù là gay đi chăng nữa không để người ta cười người ta khinh.
Các bậc tiền bối dạy đời bằng một quá trình đúc kết kinh nghiệm cuộc sống chắt lọc từ thực tế mà nên triết lý sống.
Đọc hết lời dạy của đức Khổng tử mới là kẻ trọng đạo lý, hiểu hết mới mong có nhân cách hơn người.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire