jeudi 18 décembre 2014

PHONG TỤC : Lễ Giáng Sinh


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Chúng ta đã bước vào tháng 12 với những nhộn nhịp của Mùa Giáng Sinh. Người ta chen chúc nhau mua sắm và nhìn vào mức độ mua sắm để đo lường sự phát triển hay suy thoái của nền kinh tế. Riêng bạn nhìn thấy gì trong Mùa Giáng Sinh? Có bao giờ bạn tự hỏi vậy ý nghĩa của những hình ảnh quen thuộc như cây thông Noel, ngôi sao giáng sinh, vòng lá mùa vọng hay cây kẹo gậy ?



Mùa giáng sinh về len lỏi trong các con phố, len lỏi trong từng ngõ ngách, từng hơi thở của cuộc sống. Trải dài khắp Việt Nam và trên toàn thế giới, tháng 12 đâu đâu cũng rộn ràng bởi những khúc ca vui nhộn và ngập tràn màu sắc của ông già Noel, của tuyết phủ trắng xóa, của những nhánh cây thông xanh rực rỡ… Ngừng lại với vòng quay hối hả của những ngày cuối cùng của năm cũ, có bao giờ bạn tự hỏi vậy ý nghĩa của những hình ảnh quen thuộc này?


Nguồn gốc lễ Giáng Sinh

Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Nô-el, hay Nô-en (từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta) là một ngày lễ quốc tế kỷ niệm ngày Chúa Giê-su sinh ra đời của phần lớn người Cơ Đốc giáo (thuật ngữ Hán-Việt) hay Kitô giáo (thuật ngữ phiên âm). Họ tin là Giê-su được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của Đế quốc La Mã giữa năm 6 TCN và năm 6.


Một số nước ăn mừng ngày này vào 25 tháng 12, một số nước lại vào tối ngày 24 tháng 12. Tuy nhiên, những người theo Chính Thống giáo Đông phương (Orthodoxe) vẫn sử dụng lịch Juliêng để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.

Nguyên thủy, lễ giáng sinh là của những người theo đạo Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của người lãnh đạo tôn giáo mình, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng dần dần, theo thời gian và qua các lễ hội của phương Tây, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình. Kết quả là bây giờ, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế, với ông già No-el, cây Giáng sinh và cây thông no-el.


Ý nghĩa lễ Giáng Sinh

Ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chúa, Noel là một ngày lễ gia đình, một ngày đặc quyền để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình. Lễ này dưới mọi hình thức được biểu lộ, tạo những kỷ niệm chung và duy trì tình cảm giữa mọi người trong gia đình. Mỗi người tìm được, bằng cách thức riêng của mình, để tạo dựng mối liên hệ : chia sẻ với nhau một bữa ăn chung, một đêm không ngủ, nghe thuật lại một câu chuyện, quây quần bên cạnh cây sa pin Noël… Với địa vị ngày càng lớn lao của trẻ con trong gia đình, ngày Noel trở thành một buổi lễ của trẻ em : một đêm thần diệu mà hầu như tất cả mọi ước nguyện trẻ con được thành sự thật trong sự sung sướng của những người lớn.

Ngày Noel cũng là một thông điệp của hoà bình : « Vinh danh Thượng Đế trên cao – Bình an cho người dưới thế » : đây là câu được hát bởi những thiên thần báo tin sự xuất hiện của vị cứu thế và Noel cũng là ngày người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu…


Cây thông Noel

Vào mùa đông, trong khi mọi cây cối đều héo rũ thì riêng mình cây thông vẫn xanh tươi. Chính bởi vậy, người cổ đại đã coi thông là loại cây phục sinh. Để có sự hoà hợp con người và thiên nhiên, hơn 500 năm trước trong mùa Giáng sinh, người ta dùng thông làm cây Christbaum, thông xanh tươi, có mùi thơm màu xanh biểu tượng cho sự sống nên mang đến ánh sáng hy vọng. Vào ngày đông chí, họ trang trí cây thông với trái cây, hoa và lúa mỳ.


Lần đầu tiên cây thông được biết đến như loại cây của ngày lễ Noel là ở Đức. Trước đây, người Đức cho rằng cây sồi là cây Thánh. Tuy nhiên Boniface (sinh vào năm 680) đã thuyết phục được các đạo sỹ không tin vào điều đó bằng cách cho đốn một cây sồi. Khi cây sồi đổ, nó đè bẹp mọi vật nằm dưới đường đổ của nó, trừ một cây thông nhỏ. Cây thông trở thành cây của Chúa Jesus.

Bởi vậy mà vào lễ Noel, người Đức đã từng có truyền thống trồng những cây thông nhỏ. Thời Trung đại, trong nhiều lễ hội tại Ðức đều xuất hiện cây thông. Dần dần hình ảnh của loài cây này xuất hiện thường xuyên hơn và nó được coi là trung tâm của lễ hội, nơi mọi người cùng nắm tay nhau nhảy múa xung quanh cây thông được trang trí công phu.

Đến thế kỷ thứ 11, cây thông Noel còn được coi là cây thiên đường. Điều này giải thích lý do vì sao mà người ta còn treo thêm lên cây những trái táo đỏ, để gợi lại hình ảnh trái cấm của Adam và Eva. Đến thế kỷ 14, cây thông Noel được gắn thêm ngôi sao ở trên đỉnh cây. Đây chính là biểu tượng của ngôi sao Bethleem chiếu sáng trên bầu trời khi chúa hài nhi ra đời. Ngôi sao này đã dẫn đường cho ba vị thần cư ngụ ở phương đông: Gaspard, Melchior và Balthasar đến gặp chúa. Đã từng có giả thuyết khoa học cho đó chính là sao chổi Halley.


Chuông thánh đường


Tại đất nước Tây Ban Nha, các chuông nhà thờ ngân vang vào lúc nửa đêm báo hiệu Chúa ra đời. Trong một số nền văn hóa Á Châu, tiếng chuông được dùng báo hiệu cho quần chúng biết một việc vui hay một sự kiện buồn nào đó vừa xảy đến. Ở những quốc gia Tây phương, tiếng chuông rung lên chào mừng Chúa Cứu thế xuống trần.


Ngôi sao Noel

Ngôi sao trong lễ Giáng sinh có ý nghĩa đặc biệt. Theo tương truyền, lúc Chúa vừa chào đời thì trên trời xuất hiện một ngôi sao rực rỡ. Ánh sáng tỏa ra mấy trăm dặm. Từ các vùng phía đông xa xôi nay thuộc lãnh thổ Iran và Syria, có 3 vị vua được mặc khải tin rằng cứ lần theo ánh sáng ngôi sao tìm tới chắc chắn sẽ gặp phép lạ gọi là lễ ba vua. Từ đó, ba vị tìm theo sự dẫn đường của ánh sáng để đến được hang đá thành Bethelem nơi Chúa đã ra đời. Ba vị này quỳ trước mặt Chúa, dâng lên Chúa các phẩm vật trầm hương, mộc dược và vàng bạc châu báu.


Ngôi sao trở thành biểu trưng ý nghĩa trong mùa Giáng sinh và được treo chỗ trang trọng nhất ở các giáo đường, cơ sở tôn giáo trong đêm Giáng sinh để nhớ đến sự tích trên. Ngôi sao còn tượng trưng cho phép lạ của Thượng đế.


Cây kẹo gậy

Vào năm 1800, một người làm kẹo ở Ấn Độ muốn biểu đạt ý nghĩa của lễ Giáng sinh qua một biểu tượng được làm bằng kẹo. Ông thực hiện ý tưởng của mình bằng cách uốn cong một trong những thỏi kẹo thành hình một chiếc gậy kẹo.


Qua cây gậy kẹo của mình, ông đã kết hợp những biểu tượng thể hiện tình yêu và sự hy sinh của Chúa Jesus. Màu trắng biểu hiện cho sự trong trắng và vô tội của Chúa Jesus. Sau đó, ba sọc nhỏ tượng trưng cho những đau đớn mà Ðức Chúa đã phải chịu trước khi ngài chết trên cây thập tự giá.

Ba sọc đó còn biểu hiện ba ngôi thiêng liêng của Chúa (sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần). Ông thêm vào một sọc đậm để tượng trưng cho máu mà Chúa đã đổ cho loài người. Khi nhìn vào cái móc của cây gậy, ta thấy nó giống hệt cây gậy của người chăn cừu vì Chúa Jesus chính là người chăn dắt con người. Nếu bạn lật ngược cây gậy, nó sẽ trở thành chữ J tượng trưng cho chữ cái đầu tiên của tên Chúa Jesus.


Vòng lá mùa vọng

Theo những người Thiên chúa giáo, vòng lá mùa vọng được kết bằng lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy. Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên chúa.


Theo đúng nghi thức của những người Thiên chúa giáo, trên vòng lá mùa vọng sẽ cồn 4 cây nến bao gồm 3 cây màu tím, màu của mùa vọng, cây thứ 4 là màu hồng là màu của Chúa nhật thứ ba mùa vọng.


Ngày nay, với sự phổ biến của Giáng sinh trên khắp thế giới, vòng lá mùa vọng này đã dần thay đổi so với ý nghĩa ban đầu. Những ngày này, ra đường bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những vòng hoa nguyệt quế (vòng hoa mùa vọng) như là một biểu tượng của Giáng sinh.


Vài hàng về Tết Dương lịch

Tại Việt Nam, cũng bắt nguồn từ thời Pháp thuộc, khi đó lịch Tây bắt đầu được sử dụng, các công sở lúc đó được nghỉ những ngày này để tổ chức lễ hội đón năm mới - thường được tính bắt đầu từ lễ Giáng sinh.

Tết Dương lịch hay còn gọi là Tết Tây là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm của nhiều dân tộc trên thế giới. Tết này là ngày đầu tiên hàng năm theo dương lịch, loại lịch hiện được dùng phổ biến tại Việt Nam, tuy âm lịch vẫn còn được dùng trong các lễ hội, giỗ, tết hay sự kiện văn hóa cổ.


Bắt nguồn từ phương Tây, ở thời La Mã và Hy Lạp, họ biết làm lịch, đã tạo ra Dương lịch.

Tết Dương lịch đã được Việt hóa và trở thành một ngày lễ truyền thống. Ngày này được nhà nước cho phép nghỉ ngơi và tổ chức nhiều lễ hội liên quan. Đây cũng là một dịp để mọi người có thể đi chơi, thăm hỏi, gặp gỡ nhau hoặc tổ chức đi du lịch...


Chúc bạn một mùa Giáng sinh vui và một năm mới hạnh phúc.
Je vous souhaite un joyeux Noël et une bonne et heureuse année.
Wish you a happy Christmas and a happy new year.


dimanche 7 décembre 2014

BLOG : Tiếng Việt qua 2 miền Nam-Bắc


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Ngôn ngữ là công cụ người ta dùng để biểu đạt ý nghĩa và tình cảm của mình đối với người khác, qua đó để người ta hiểu nhau. Nó có thể cấu tạo bởi hình thức biểu ý, cũng tức là âm thanh - tiếng nói, nét mặt hoặc là điệu bộ bằng tay. Tài liệu dưới đây cho thấy nhiều từ ngữ vui cười của hai miền Nam-Bắc.

Sau ngày Việt Nam thống nhất ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam thực sự bước vào sự thay đổi ngôn ngữ. Thể chế chính trị thay đổi, kéo theo xã hội, đời sống, văn hoá và cùng với đó, ngôn ngữ cũng thay đổi. Miền Bắc thay đổi không kém gì miền Nam. Tiếng Việt miền Bắc đã chịu sự thâm nhập của một số ít ngữ vựng miền Nam. Người dân miền Nam tập làm quen và dùng nhiều từ ngữ mà trước đây họ không bao giờ biết tới. Những: đề xuất, bồi dưỡng, kiểm thảo, sự cố, hộ khẩu, căn hộ, ùn tắc, ô to con, xe con, to đùng, mặt bằng, phản ánh, bức xúc, tiêu dùng, tận dụng tốt, đánh cược, chỉ đạo, quyết sách, đạo cụ, quy phạm, quy hoạch, bảo quản, kênh phát sóng, cao tốc, doanh số, đối tác, thời bao cấp, chế độ bao cấp, chế độ xem, nâng cấp, lực công, nền công nghiệp âm nhạc, nhà cao tầng, đáp án, từ vựng, hội chứng, phân phối, mục từ, kết từ, đại từ, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân,v.v...dần dà đã trở thành những từ ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân miền Nam.


Song song với việc thống nhất đất nước, Việt Nam đã thống nhất hoá tiếng Việt. Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01 tháng 7 năm 1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.

Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định. Những từ ngữ thông dụng miền Nam ngày xưa mất dần dần. Những từ ngữ thông dụng khác như ghi danh, đi xem đã bị thay thế bằng đăng ký, tham quan.

Bắc bảo Kỳ, Nam kêu Cọ (gọi là Kỳ Cọ)
Bắc gọi lọ, Nam kêu chai
Bắc mang thai, Nam có chửa
Nam xẻ nửa, Bắc bổ đôi

Ôi ! Bắc quở Gầy, Nam than Ốm
Bắc cáo Ốm, Nam khai Bịnh
Bắc định đến muộn, Nam liền la trễ
Nam mần Sơ Sơ, Bắc nàm Lấy Lệ

Bắc lệ tuôn trào, Nam chảy nước mắt
Nam bắc Vạc tre, Bắc kê Lều chõng
Bắc nói trổng Thế Thôi, Nam bâng quơ Vậy Đó
Bắc đan cái Rọ, Nam làm giỏ Tre,

Nam không nghe Nói Dai, Bắc chẳng mê Lải Nhải
Nam Cãi bai bãi, Bắc Lý Sự ào ào
Bắc vào Ô tô, Nam vô Xế hộp
Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam đạp thắng

Khi nắng Nam mở Dù, Bắc lại xoè Ô
Điên rồ Nam Đi trốn, nguy khốn Bắc Lánh mặt
Chưa chắc Nam nhắc Từ từ, Bắc khuyên Gượm lại
Bắc là Quá dại, Nam thì Ngu ghê

Nam Sợ Ghê, Bắc Hãi Quá
Nam thưa Tía Má, Bắc bẩm Thầy U
Nam nhủ Ưng Ghê, Bắc mê Hài Lòng
Nam chối Lòng Vòng, Bắc bảo Dối Quanh

Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp, hấp tấp Bắc vặt Ngô
Bắc thích cứ vồ, Nam ưng là chụp
Nam rờ Bông Bụp, Bắc vuốt Tường Vi
Nam nói: mày đi ! Bắc hô: cút xéo.

Bắc bảo: cứ véo ! Nam : ngắt nó đi.
Bắc gửi phong bì, bao thơ Nam gói
Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn !
Bắc gọi tiền đồn, Nam kêu chòi gác

Bắc hay khoác lác, Nam bảo xạo ke
Mưa đến Nam che, gió ngang Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng, Nam nói chửi hay.
Bắc nấu thịt cầy, Nam thui thịt chó.

Bắc vén búi tó, Nam bới tóc lên
Anh Cả Bắc quên, anh Hai Nam lú
Nam : ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi !
Bắc mới tập bơi, Nam thời đi lội.

Bắc đi phó hội, Nam tới chia vui
Thui thủi Bắc kéo xe lôi, một mình xích lô Nam đạp
Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo
Khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy

Bắc quậy Sướng Phê, Nam rên Đã Quá !
Bắc khoái đi phà, Nam thường qua bắc.
Bắc nhắc môi giới, Nam liền giới thiệu
Nam ít khi điệu, Bắc hay làm dáng.

Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu
Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo.
Bắc nạo bằng gươm, Nam thọt bằng kiếm
Nam mê phiếm, Bắc thích đùa.

Bắc vua Bia Bọt, Nam chúa La-De
Bắc khoe Bùi Bùi lạc rang, Nam : Thơm Thơm đậu phọng
Bắc xơi na vướng họng, Nam ăn mãng cầu mắc cổ
Khi khổ Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn

Nam toe toét « hổng chịu đèn », Bắc vặn mình « em chả »
Bắc giấm chua « cái ả », Nam bặm trợn « con kia »
Nam mỉa «tên cà chua», Bắc rủa « đồ phải gió »
Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ

Bắc vờ vịt lá mơ, Nam thẳng thừng lá thúi địt
Khi thấm, Nam xách thùng thì Bắc bê sô
Nam bỏ trong rương, Bắc tuôn vào hòm.
Nam lết vô hòm, Bắc mặc áo quan

Bắc xuýt xoa « Cái Lan xinh cực ! »,
Nam trầm trồ « Con Lan đẹp hết chê ! »
Phủ phê Bắc trùm chăn, no đủ Nam đắp mền
Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền mới lâu


Để xem video Tiếng Việt qua hai miền Nam - Bắc, xin mời các bạn truy cập Youtube dưới đây:
https://www.youtube.com/embed/gVcEcVL7qsQ





lundi 1 décembre 2014

BLOG : Khổng Tử (Confucius)


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Khổng Tử là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á.


Giới thiệu

Khổng Tử (còn gọi là Khổng Phu Tử / Vạn thế Sư biểu - Bậc thầy của muôn đời,  27 tháng 8 âm, 551 –11 tháng 4 479 TCN, 72 tuổi) là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á. Chính phủ Trung Quốc hiện nay, trong nỗ lực truyền bá văn hóa Trung Hoa ra thế giới, đã cho thành lập hàng trăm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới.

Triết học của ông nhấn mạnh trên sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức: "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", sự chính xác của các mối quan hệ xã hội, đạo đức và quy phạm làm người, "Đạo Trung Dung" và các đức tính "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín". Các giá trị đó đã có được tầm ảnh hưởng lớn trên mọi học thuyết khác ở Trung Quốc như Pháp gia hay Đạo gia trong suốt triều đại nhà Hán. Các tư tưởng của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học được gọi là Khổng giáo. Khổng giáo được một người Italia là Matteo Ricci đưa vào Châu Âu, ông cũng là người đầu tiên La tinh hoá tên Khổng Tử thành "Confucius". Khổng giáo còn được xem là một tôn giáo lớn của loài người, nhất là dân tộc Trung Hoa.

Các bài giảng của Khổng Tử được nghiên cứu chủ yếu qua cuốn Luận Ngữ, một tập hợp những "mẩu chuyện cách ngôn ngắn", được biên soạn nhiều năm sau khi ông qua đời do các học trò của ông ghi chép lại. Trong gần 2.000 năm ông được cho là người biên soạn hoặc tác giả của Ngũ Kinh: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu (Kinh Nhạc đã bị Tần Thủy Hoàng đốt mất nên còn lại Ngũ Kinh).]


Tiểu sử

Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên, vào thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc, tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Nhiều sử sách ghi rằng ông sinh trong một gia cảnh nghèo, nhưng thực tế gia đình ông có ông tổ ba đời vốn thuộc dòng quý tộc sa sút từ nước Tống dời đến nước Lỗ. Cha của Khổng Khâu, Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn, anh của vua Trụ nhà Thương) là quan võ thuộc ấp Trâu, đến 70 tuổi mới lấy Nhan thị mà sinh ra ông. Năm lên ba, Khổng Khâu mồ côi cha, lớn lên, phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ, nhưng rất ham học.

Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho chuyên quản lý kho tàng, xuất nạp tiền lương công bằng chuẩn xác. Ông cũng từng đảm nhiệm chức quan nhỏ chuyên quản lý nông trường chăn nuôi, súc vật sinh trưởng rất tốt. Nhờ vậy ông được thăng chức lên làm quan Tư không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình.

Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học. Học trò gọi ông là Khổng Phu Tử, hay gọi gọn hơn là Khổng Tử. 'Tử' ngoài ý nghĩa là 'con' ra còn có nghĩa là "Thầy". Do vậy Khổng Tử là Thầy Khổng.

Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng và tìm người dùng các tư tưởng đó. Có nơi ông được trọng dụng nhưng cũng có nơi ông bị coi thường.

Năm 51 tuổi, ông quay lại nước Lỗ và được giao coi thành Trung Đô, năm sau được thăng chức Đại tư khấu (coi việc hình pháp), kiêm quyền tể tướng. Sau ba tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị. Nhưng rồi bị ly gián, gièm pha, ông bèn từ chức và lại ra đi một lần nữa.

Năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Có thể nói Khổng Tử là người thầy tư nhân chuyên thu nhận học trò đầu tiên trong lịch sử giáo dục Trung Quốc. Trước thời ông, trường học hoàn toàn là của nhà nước. Khổng Tử sáng lập ra trường học tư, thu nhận nhiều đồ đệ, đưa giáo dục mở rộng cho bình dân, đem tri thức văn hóa truyền bá cho dân gian, có cống hiến thật to lớn đối với giáo dục thời cổ đại.

Ông mất tháng 4 năm 479 TCN, thọ 72 tuổi.


Giáo dục

Trong cuốn Luận Ngữ, Khổng Tử tự coi mình là một "người truyền đạt lại cái đã có mà không phát minh ra thứ gì khác". Ông rất nhấn mạnh trên tầm quan trọng của sự học, và chương mở đầu Luận Ngữ cũng đề cập tới việc học. Vì thế, ông được người Trung Quốc coi là vị Đại Sư. Thay vì tìm cách xây dựng một lý thuyết mang tính hệ thống về cuộc sống và xã hội, ông muốn các môn đồ của mình phải suy nghĩ sâu sắc cho chính mình và lặng lẽ nghiên cứu thế giới bên ngoài, chủ yếu thông qua các cuốn kinh cũ và qua các sự kiện quá khứ có liên quan (như Kinh Xuân Thu) hay những tình cảm của nhân dân trong quá khứ (như Kinh Thi).


Ở thời đại của sự phân chia, hỗn loạn và những cuộc chiến tranh không dứt giữa các nước chư hầu, ông muốn tái lập Thiên Mệnh để có thể thống nhất "thiên hạ" (mọi thứ dưới gầm trời, ở đây nghĩa là Trung Quốc) và mang lại hòa bình, thịnh vượng cho nhân dân. Vì thế Khổng Tử thường được coi là người đã đề xướng chủ nghĩa bảo thủ, nhưng khi xem xét kỹ những đề xuất của ông ta thấy ông đã sử dụng (và có thể cố ý bóp méo) những định chế và lễ nghi trong quá khứ nhằm đặt ra một hệ thống chính trị mới của riêng mình.

Ông mơ ước về sự khôi phục một vương quốc thống nhất mà những vị vua phải được lựa chọn xứng đáng theo đạo đức (như vua Nghiêu, vua Thuấn) chứ không phải theo dòng họ. Những người cai trị phải hành động vì nhân dân, và họ phải đạt tới mức hoàn thiện. Một vị vua như vậy có thể dùng đạo đức của mình giáo hóa nhân dân thay vì áp đặt mọi người bằng pháp luật và quy định. Ngược lại, một vị vua hoang dâm bạo ngược thì không còn tư cách ngồi trên ngai vàng, và người dân có quyền lật đổ vị vua đó.

Nhiều khía cạnh tư tưởng của Khổng Tử vẫn còn lưu truyền và phát huy đến tận ngày nay. Có được sự trường tồn đó, là ở tinh thần đam mê học hỏi và thái độ nghiêm túc đối với việc học của Khổng Tử.
Ông nói: "Ta đi học là học cho ta, để gây cái phẩm giá của ta, chứ không phải là để khoe với người. Ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình".

Theo Ông, đã không học thì thôi chứ đã học là phải "Học cho rộng, hỏi cho kỹ; nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng tỏ, làm cho hết sức. Có điều không học nhưng đã học điều gì thì phải học cho kỳ được. Có điều không hỏi, nhưng khi đã hỏi điều gì thì phải hỏi cho thật hiểu. Có điều không nghĩ nhưng đã nghĩ điều gì thì phải nghĩ cho ra. Có điều không phân biệt nhưng đã phân biệt điều gì thì phải phân biệt cho minh bạch. Có điều không làm nhưng đã làm điều gì thì phải cố hết sức mà làm cho bằng được… Nếu quả theo được đạo ấy thì tuy ngu mà cũng thành sáng, yếu đuối rồi cũng thành ra khoẻ mạnh".

Khổng Tử cũng nhấn mạnh trên cái mà ông gọi là "Lễ và Nhạc", coi hai thứ đó là những trụ cột của sự cân bằng cho trật tự và sự hài hoà. Lễ là các yêu cầu và quy phạm trong việc đối nhân xử thế; còn Nhạc (âm nhạc, văn nghệ) là để thống nhất mọi con tim cùng chung vui, cũng là để giữ gìn đức hạnh. Ông nói thêm rằng lễ không chỉ là cúng tế, và âm nhạc không chỉ là âm thanh của dùi đánh vào chuông. Cả hai còn là cách truyền đạt giữa lòng nhân của một người và hoàn cảnh xã hội của anh ta; cả hai yếu tố đó đều tăng cường các mối quan hệ xã hội, như Ngũ Thường (năm mối quan hệ chủ yếu):
  1. Quân thần (vua tôi),
  2. Phụ tử (cha con),
  3. Phu thê (vợ chồng),
  4. Huynh đệ (anh em) và
  5. Bằng hữu (bạn bè). 

Các trách nhiệm luôn được cân bằng, và nếu một thần dân phải tuân lệnh vua, thì thần dân cũng phải can ngăn khi nhà vua sai lầm.

Khổng Tử chú trọng vào sự tu dưỡng đạo đức cá nhân trước tiên, sau đó nuôi dưỡng gia đình, rồi mới đến cai trị thiên hạ bằng lòng nhân từ: "Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình Thiên hạ". Ông nhấn mạnh vào Ngũ thường: "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín":
- Nhân là lòng từ thiện,
- Nghĩa là làm tròn bổn phận,
- Lễ là sự tôn ti trật tự hay quy tắc trong việc đối nhân xử thế với người trên kẻ dưới,
- Trí là trí tuệ minh mẫn làm việc gì cũng phải suy nghĩ,
- Tín là lòng thành thực hiện điều đã nói.
Người ta phải giữ năm đạo đó làm thường, chẳng nên để rối loạn.

Những bài giảng của Khổng Tử sau này được các môn đồ của ông hệ thống thành một bộ văn bản tỉ mỉ về những quy định và cách thức thực hiện nghi lễ. Nhiều thế kỷ sau khi ông đã qua đời, cả Mạnh TửTuân Tử đều viết những cuốn sách quan trọng, và lúc ấy, một triết lý đã được tạo dựng đầy đủ, gọi là Khổng giáo.

Sau hơn 1.500 năm, học giả Chu Hi đã diễn giải ý tưởng Khổng giáo theo một cách hoàn toàn mới, được gọi là Tân Khổng giáo, để phân biệt với những ý tưởng trong cuốn Luận Ngữ. Tân Khổng giáo đã có ảnh hưởng sâu rộng ở Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và nhiều nước châu Á khác cho tới tận thế kỷ 20.

Để đào tạo ra những con người lý tưởng, Khổng Tử đã đề xuất một hệ thống phương pháp giáo dục khá chặt chẽ, với những kiến giải sâu sắc. Có thể nói với hệ thống phương pháp giáo dục này Khổng Tử xứng đáng là một nhà giáo dục lớn. Khổng Tử đã sử dụng nhiều phương pháp dạy học rất độc đáo, có thể khái quát lại gồm :

  1. Phương pháp đối thoại gợi mở, giảng dạy bằng cách trao đổi giữa thầy và trò, giữa người dạy và người học nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và khoa học, khả năng tư duy của người học. Ông nói: "Kẻ nào chẳng phấn phát lên để hiểu thông, thì ta chẳng giúp cho hiểu thông được. Kẻ nào chẳng ráng lên để tỏ ý kiến mình, thì ta chẳng khai phát cho được. Kẻ nào đã biết rõ một góc, nhưng chẳng chịu căn cứ vào đó để biết luôn ba góc kia, thì ta chẳng dạy kẻ ấy nữa."
  2. Phương pháp kết hợp học đi đôi với hành, lời nói kết hợp với việc làm, là thực hành điều đã học và đem tri thức của mình vận dụng vào trong cuộc sống. Ông nói: "Người quân tử trước học văn chương (như Kinh Thi, Kinh Thư) đặng mở rộng trí thức của mình; kế đó, người nương theo lễ giáo mà kiềm giữ lấy nết mình; nhờ vậy mà khỏi trái đạo lý. - Quân tử bác học ư văn; ước chi dĩ lễ; diệc khả dĩ phất bạn hỹ phù".
  3. Phương pháp "ôn cũ biết mới", thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng và học tập. Ông thường nhắc rằng: "Người nào ôn lại những điều đã học, do nơi đó mà biết thêm những điều mới, người đó có thể làm thầy thiên hạ đó - Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỹ". 
Theo Khổng Tử, muốn tiến bộ người học phải luôn cố gắng nỗ lực, siêng năng trau dồi tri thức cho mình, phải luôn có thái độ cầu tiến, vượt lên. Người học nhất định phải có thái độ khách quan trong học tập, không được vị kỷ tư dục, võ đoán, cố chấp, tự phụ chủ quan - "vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã".

Khổng Tử đã đưa ra hệ thống các phương pháp giáo dục, phát huy tính năng động, tích cực và sáng tạo của người học. Những phương pháp đó đến nay vẫn có ý nghĩa thiết thực, đem lại hiệu quả cao trong giáo dục.

Trong quá trình giáo dục, Khổng Tử nhấn mạnh: cả thầy và trò đều phải có nghĩa vụ to lớn với nhau.
- Trò phải tôn kính thầy, dẫu sau này có thành đạt, quyền cao chức trọng đến đâu chăng nữa cũng không được bỏ rơi lễ nghĩa, vẫn luôn phải cung kính thầy.
- Ngược lại, người thầy thì phải có tư cách mẫu mực để làm gương cho trò. Người thầy có can trực, đạo đức, như thế mới có thể đào tạo nên những học trò hữu ích cho đất nước.

Trong Lịch sử Việt Nam có chuyện kể rằng: Phạm Sư Mạnh sau khi đỗ đạt, làm quan to ở triều, về thăm thầy là Chu Văn An. Dọc đường qua khu chợ đang họp, ông ra uy để lính thét dân phải dẹp đường. Biết chuyện, Chu Văn An giận Phạm Sư Mạnh làm quan mà tỏ ra hách dịch với dân, làm trái lời thầy dạy, nên không cho gặp mặt. Dù đã là quan lớn triều đình, Phạm Sư Mạnh vẫn phải quỳ gối cả buổi trước cửa nhà thầy để xin tha lỗi, về sau cũng hành xử khiêm nhường không dám hách dịch nữa.


Lý thuyết đạo đức

Lý thuyết đạo đức của Khổng tử dựa trên ba quan niệm chính: Lễ - Nghĩa - Trí
  • Khi Khổng tử trưởng thành, Lễ được xem là ba khía cạnh sau trong cuộc đời : hiến tế cho thần thánh, thiết chế chính trị và xã hội, và hành vi hàng ngày. Lễ được xem là quy phạm đạo đức và hành vi mà Thiên thượng (Trời) chế định cho con người, lấy đó mà biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm.
  • Đối với Khổng tử, Nghĩa là nguồn gốc của Lễ. Nghĩa chính là cách hành xử đúng đắn. Trong khi làm việc vì lễ, vị kỷ cá nhân chưa hẳn đã là xấu và người cư xử theo lễ một cách đúng đắn là người mà cả cuộc đời dựa trên trí. Tức là thay vì theo đuổi quyền lợi của cá nhân mình, người đó cần phải làm những gì là hợp lẽ và đạo đức. 
  • Trí là làm đúng việc vì một lý do đúng đắn. Nghĩa dựa trên quan hệ qua lại. Một ví dụ sống theo Nghĩa là tại sao phải để tang cha mẹ ba năm sau khi chết. Lý do là vì cha mẹ đã phải nuôi dưỡng chăm sóc đưa trẻ toàn bộ trong suốt ba năm đầu đời, và là người có trí phải đền đáp lại bằng cách để tang ba năm.
Cũng như Nghĩa xuất phát từ Lễ, thì Nghĩa cũng xuất phát từ Nhân. Nhân là cách cư xử tốt với mọi người. Nhân là trung tâm của các đức tính :
  • tình cảm chân thật, ngay thẳng;
  • hết lòng vì nghĩa; nghiêm trang, tề chỉnh;
  • rộng lượng, khoan dung và siêng năng cần mẫn. 

Người có đức Nhân chỉ hành động vì nhân nghĩa, đối lập với kẻ bất nhân chỉ hành động vì lợi.

Hệ thống đạo đức của Khổng Tử dựa trên lòng vị tha và hiểu những người khác thay vì là việc cai trị dựa trên luật pháp có được như một quyền lực thần thánh. Để sống mà được cai trị bằng Nhân thì thậm chí còn tốt hơn là sống trong luật pháp của Nghĩa. Để sống có nhân thì ta theo nguyên tắc vàng của Khổng tử: ông đã tranh luận rằng người ta phải luôn đối xử với người khác đúng như những gì họ muốn người khác đối xử với họ. Đức hạnh theo Khổng tử là dựa trên việc sống hài hòa với mọi người.

Khổng Tử nói: "Muốn nhân mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngu, muốn trí mà không muốn học thì bị cái che mờ là cao kỳ, muốn tín mà không muốn học thì bị cái che mờ là hại nghĩa, muốn trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh, muốn dũng mà không muốn học thì bị cái che mờ là loạn, muốn cương mà không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo khinh suất".


Ông áp dụng nguyên tắc trên như sau: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - Cái gì mà ta không muốn thì đừng làm cho người khác"

Dựa theo mức độ tu dưỡng đạo đức, Khổng Tử chia loài người thành ba hạng :

  1. Thánh nhân: Bậc hiền giả, người thể hiện và chuyển giao chân lý minh triết.
  2. Quân tử: Người cao nhã, kẻ phấn đấu để làm điều chân chính.
  3. Tiểu nhân: Kẻ "hèn mọn", hành động không màng tới đạo đức.

Khổng Tử nói: "Người quân tử sợ ba điều: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân. Kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời, nên không sợ, mà còn khinh nhờn bậc đại nhân, giễu cợt lời nói của thánh nhân. Người quân tử ung dung mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không ung dung".


Môn đồ và là người cháu duy nhất của ông, Tử Tư, tiếp tục duy trì trường phái triết học Khổng Tử sau khi ông qua đời. Trong khi vẫn dựa chủ yếu vào hệ thống đức trị của Khổng Tử, hai trong số những môn đồ nổi tiếng nhất của ông nhấn mạnh trên những khía cạnh khác biệt trong giáo lý của ông. Mạnh Tử tin vào tính thiện vốn có của con người, trong khi Tuân Tử đề cao sự thực tế và những khía cạnh vật chất trong tư tưởng Khổng Tử.


Ở thời Nhà Tống, học giả Chu Hi đã thêm các ý tưởng từ Đạo giáoPhật giáo vào Khổng giáo. Trong suốt cuộc đời mình, Chu Hi không được mọi người biết tới, nhưng không lâu sau khi ông mất, những ý tưởng đó trở thành một quan điểm chính thống mới về những ý nghĩa thực sự của tư tưởng Khổng Tử. Các nhà sử học hiện đại coi Chu Hi là người đã tạo ra một thứ gì đó khác biệt và gọi tư tưởng của ông là Tân Khổng giáo. Ở thời hiện đại, vẫn có một số học giả nho giáo (xem Tân Khổng giáo) nhưng trong thời Cách mạng Văn hoá, Khổng giáo thường bị những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lên án.


12 câu nói muôn đời giá trị của Khổng Tử

  1. Biết có lỗi mà không sửa thì đó chính là lỗi.
  2. Người không có chữ tín sẽ chẳng làm nên việc gì.
  3. Sự nghiệp chớ nên cầu mong không có chông gai, trắc trở vì không có chúng thì ý chí sẽ không kiên định.
  4. Có kiến thức thì không nghi ngờ, có lòng nhân thì không ưu tư, có dũng cảm thì không sợ hãi.
  5. Đừng mong người khác thuận theo ý mình vì nếu được người khác thuận ý sẽ tất sinh tự kiêu.
  6. Làm việc đừng mong dễ thành công. Vì nếu dễ thành công thì bản thân thường kiêu ngạo.
  7. Không nhìn điều sai trái, không nghe điều xằng bậy, không nói điều sai, không làm điều càn quấy.
  8. Điều mình không thích thì đừng làm cho người khác. Đối với quê hương, gia đình nên tránh gây thù, chuốc oán.
  9. Người không có nhận thức sâu xa sẽ có ngày sẽ gặp phiền muộn, âu lo.
  10. Mọi thứ đều từ hư vô mà ra.
  11. Dùng thì đừng nghi, nghi thì đừng dùng.
  12. Ngồi bàn tiệc đừng ra vẻ anh hùng vì rượu đã làm cho nhiều người gục ngã.


Nếu các bạn coi không rõ hình ảnh « Lời dạy của Khổng Tử », xin mời các bạn truy cập Website dưới đây:


Cảm nghĩ tùy theo các quan điểm khác nhau

Con người ta sinh ra lớn lên già cả rồi bệnh tật mất đi. Cát bụi lại trở về cát bụi. Âu cũng là quy luật thường tình của một kiếp người. Sinh, lão, bệnh, tử vốn là như vậy. Tuổi trung niên đã có những bước thăng trầm trong cuộc sống, có những thành công, có những thất bại trong cuộc sống vật chất, cuộc sống tình cảm.

Ngẫm lại thời gian trôi đi như thoi đưa, không biết bao giờ mới về với ngày xưa, để rồi cùng ôn lại những kỷ niềm thời niên thiếu có buồn, vui, sướng, khổ, có điều ngây thơ, trong trắng chưa vương vấn bụi đường đời.

Đi qua rồi ngẫm lại mới thấy rằng kinh nghiệm cuộc sống đường đời sẽ mãi là những bài học mới cho tất cả chúng ta, dù ở địa vị nào, số phận nào đi chăng nữa. Sang hèn trong kiếp con người ta, không hơn thì cố gắng bằng người, để trong thiên hạ dù là gay đi chăng nữa không để người ta cười người ta khinh.

Các bậc tiền bối dạy đời bằng một quá trình đúc kết kinh nghiệm cuộc sống chắt lọc từ thực tế mà nên triết lý sống. 

Đọc hết lời dạy của đức Khổng tử mới là kẻ trọng đạo lý, hiểu hết mới mong có nhân cách hơn người.