Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Phan Văn Anh Vũ sinh ngày 2/11/1975, biệt danh
Vũ nhôm, là một doanh nhân Việt Nam. Ông sống tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, được xem là trùm bất động sản ở Đà Nẵng.
Phan Văn Anh Vũ là
- Cựu chủ tịch Hội đồng thành viên The Sunrise Bay Đà Nẵng,
- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 ở Đà Nẵng
- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 ở TP.HCM,
- Chủ tịch hội đồng thành viên công ty IVC.
Kể từ đầu năm 2017,
Vũ nhôm được nhắc nhở tới nhiều liên quan đến các cuộc điều tra của công an về vấn đề bất động sản ở Đà Nẵng.
Tại buổi gặp mặt sỹ quan quân đội cao cấp đã nghỉ hưu ngày 21/12 nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
Trương Quang Nghĩa cho biết Vũ “nhôm” mang quân hàm Thượng tá công an.
Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2017, ông tuần tự rút vốn khỏi các công ty mình quản lý.
Trong tháng 12 năm 2017, ông đột ngột bỏ trốn và bị Bộ Công an ra lệnh truy nã 22/12.
Ngày 28/12/2017, ông bị Cục quản lý xuất nhập cảnh
Singapore tạm giam, khi ông định rời khỏi Singapore sang Malaysia, vì ông Vũ mang theo 2 hộ chiếu với 2 nhân thân khác nhau mà đều do chính quyền Việt Nam cấp.
Ngày 04/1/2018, ông Vũ bị trục xuất về Việt Nam và bị công an bắt tại sân bay Nội Bài.
Sự nghiệp
Ông Vũ là con trai út trong một gia đình nghèo đông anh em. Ông phải bỏ học từ lớp 11 để đi làm thêm phụ giúp gia đình. Lúc đầu ông phụ giúp người khác làm nhôm kính, sau đó mở cửa hàng kinh doanh nhôm kính cao cấp ở số 32 đường Quang Trung, thành phố Đà Nẵng. Vì vậy ông có biệt danh Vũ "nhôm".
Phan Văn Anh Vũ - Vũ nhôm
Năm 1997, ông thành lập
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng 79. Đường kinh doanh của Vũ "Nhôm" đa phần là các thương vụ thâu tóm, mua bán đất vàng. Ông Vũ được cho là có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc thao túng thị trường địa ốc Đà Nẵng và các khu đất vàng bằng cách chuyên lập ra các dự án và xin đất của Nhà nước (
ngay từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm bí thư Thành ủy và ông Trần Văn Minh làm chủ tịch Ủy ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng.), rồi bán lại mang lại nguồn thu hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng.
Cột mốc là
Công ty Cổ phần Xây dựng 79 có trụ sở chính tại Đà Nẵng, được thành lập từ năm 2002, trong đó ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Công ty CP Xây dựng 79 hoạt động kinh doanh đa ngành:
xây dựng, bất động sản, khách sạn nhà hàng...Ông Vũ "Nhôm" từng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 (có trụ sở tại TP HCM). Ông cũng là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (TP Đà Nẵng) và có chân trong Công ty I.V.C. Ngoài ra ông còn nắm giữ 80% cổ phần ở Công ty TNHH Phú Gia Compound.
Thoái vốn trốn chạy
- Tuy nhiên, ngày 26/4/2017, ông Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79.
- Tại Công ty TNHH Minh Hưng Phát, công ty tặng xe cho cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, (nay đổi tên thành Công ty TNHH Phú Gia Compound), ngày 7/4/2017 ông Vũ đã rút toàn bộ 40 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.
- Tại dự án Vành Trăng Khuyết (The Sunrise Bay), Công ty CP Xây dựng 79 và Công ty CP Nova Bắc Nam 79 của ông Vũ từ ngày 19/4/2017 - 28/6/2017 đã rút 100% vốn khỏi Công ty TNHH Sunrise Bay chủ sở hữu dự án. 99% cổ phần của công ty này đang được nắm giữ bởi Công ty CP Thương mại đầu tư phát triển Hoàng Huy. Người đại diện pháp luật của Hoàng Huy hiện tại là bà Phan Đỗ Hạnh kiêm Tổng Giám đốc là người của Công ty CP Cảng Rau Quả (VGP).
- Công ty CP Nova Bắc Nam 79 hiện cũng không còn cổ phần của ông Vũ và đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong. Trong tháng 12 năm 2017, Chấn Phong thoái vốn tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) và thu gần 400 tỷ đồng.
Sở hữu kẹt lại
Theo Ngân hàng Đông Á, Công ty xây dựng Bắc Nam 79 và ông Phan Văn Anh Vũ đang
sở hữu 637 tỉ đồng tại DongABank. Lý do ông Vũ không thể thoái vốn ở đây là vì từ đầu tháng 8/2015, Ngân hàng Đông Á đã nằm trong diện giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các cổ đông của DongA Bank chỉ có thể bán cổ phần DongA Bank nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt.
Sai phạm, biếu tặng xe, nhượng nhà
Sáng 10/4/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ về việc
thi công hút cát trái phép dưới biển Cửa Đại- Hội An vận chuyển về để xây dựng tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước- Đà Nẵng. Theo báo Tạp chí Giao thông vận tải, dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước chưa có đánh giá tác động môi trường mà hãng The Sunrise Bay Đà Nẵng vẫn cho thi công trong nhiều năm qua; đến khi bị đình chỉ thi công thì vẫn mở bán nhà phố, biệt thự công khai rầm rộ.
Việc ông
Nguyễn Xuân Anh sử dụng ô tô do Công ty TNHH Minh Hưng Phát biếu tặng, cũng như 2 căn nhà 45-47 Nguyễn Thái Học của Công ty IVC và Công ty TNHH Minh Hưng Phát, cả hai công ty được cho là có liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ, là một trong những lý do khiến ông Anh mất chức
bi thư thành ủy Đà Nẵng cũng như chức
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. 2 căn nhà 45-47 đều là nhà công sản, nhà trước bán cho công ty IVC 2008, còn nhà sau cho Công ty TNHH Minh Hưng Phát 2009. Cả ông
Hồ Ánh, thư ký của Nguyễn Xuân Anh, cho tới đầu năm 2018 Phó phòng Tổng hợp Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng và vợ cũng được vợ chồng ông Vũ "nhôm" 2013 ủy quyền toàn quyền sử dụng lô đất, nhà, tài sản gắn liền trên thửa đất tại địa chỉ 51 Nguyễn Thái Học.
Ông Nguyễn Xuân Anh khi còn là Bí thư thành ủy Đà Nẵng
Năm 2016, công ty Nova Bắc Nam 79 của ông Phan Văn Anh Vũ cũng đã tặng Công an TP Đà Nẵng
50 xe mô tô Yamaha Exciter 150cc thêm
4 mô tô đặc chủng đang đặt. Tổng số 54 mô tô do công ty này tài trợ trị giá trên 4 tỷ đồng.
Các nghi ngờ sai phạm khác trong bất động sản
Trong tháng 9 năm 2017, Cơ quan An ninh điều tra (A92-Bộ Công an) đã có Công văn 817 điều tra 9 dự án đầu tư và 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay.
Các dự án, nhà công sản trên đều nằm tại trung tâm TP Đà Nẵng và được xem là những khu đất vàng (Thương vụ như khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng mang lại cho ông Vũ con số chênh lệch lên tới gần 500 tỷ đồng.
Năm 2006, UBND thành phố chuyển nhượng cho ông H. và bà N., với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỉ đồng.
Đến năm 2008, ông H. và bà N. không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá chuyển nhượng là 581,526 tỉ đồng (
thu chênh lệch 495,374 tỉ đồng)
- Khu đô thị Harbour Ville do Công ty CP Đầu tư Mega làm chủ đầu tư.
- Trong đó có dự án khu công viên An Đồn. Hiện khu đất này đã được xây dựng thành Trường mẫu giáo ABC rộng 3.600m2 (trường này do bà Phan Thị Anh Thư làm hiệu trưởng, là chị ruột của ông Phan Văn Anh Vũ.
- Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước trước đây của Công ty TNHH Daewon Cantavil thuộc Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc), sau đó được ông Phan Văn Anh Vũ mua lại.
- Dự án khu du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty I.V.C do ông Phan Văn Anh Vũ làm chủ tịch.
- Dự án Phú Gia Compound có quy mô 2 ha. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Phú Gia Compound, được cho là có liên quan đến ông Vũ.
- Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound) do Công ty CP đầu tư Nhất Gia Phúc làm chủ đầu tư.
Cả sáu dự án này hoặc các công ty ông Vũ là chủ đầu tư hoặc có liên quan đến ông. Trong số các nhà công sản có 2 căn nhà được nhường cho ông
Nguyễn Xuân Anh sử dụng.
Nhân chứng
Cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (2007-2015) kiêm Chủ tịch Hội đồng Định giá của thành phố, tiến sĩ
Võ Duy Khương cho biết, do phản đối chủ trương bán tài sản công thiếu minh bạch, ông đã bị người lãnh đạo cao nhất của thành phố lúc ấy cho thôi chức Chủ tịch Hội đồng Định giá, từ khoảng năm 2010 và giao nó cho một Phó giám đốc Sở Tài chính.
Võ Duy Khương, Cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (2007-2015)
Cho đến
trước năm 2014, trong số 31 khu nhà đất công sản ở những vị trí đắc địa nhất được bán trực tiếp hoặc gián tiếp cho Vũ nhôm, đã có tới 30 khu được bán thẳng với giá rẻ mạt không qua đấu giá hoặc được hợp thức hóa thủ tục đấu giá một cách hình thức.
Năm 2014, khi ông
Khương trở lại làm Chủ tịch Hội đồng Định giá, ông kiên quyết đưa ra đấu giá công khai minh bạch một số công sở và công sản, trong đó có khu nhà Sở Tư pháp ở đường Bạch Đằng. Tuy nhiên, trong số 6 công sở chủ trương mang ra bán đấu giá tại thời điểm đó, việc đấu giá khu nhà Sở Tư pháp đã phải dừng lại do có một văn bản của một cơ quan rất có quyền lực ở Trung ương gửi đến
ép phải bán trực tiếp khu công sở này cho Công ty của Vũ nhôm. Tập thể lãnh đạo thành phố không muốn làm “mất lòng” cái cơ quan quyền lực đó ở Trung ương nên thống nhất bán thẳng cho Công ty của Vũ nhôm.
Khu đất công phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng
Năm 2013, Thanh tra chính phủ từng thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong đó có đề cập đến việc ông
Hoàng Hải và bà
Trung Thị Lâm Ngọc (vợ ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank))
bỏ túi gần 500 tỷ đồng nhờ mua khu đất công phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng.
Theo đó,
năm 2006, UBND TP Đà Nẵng chuyển nhượng khu đất trên cho ông
Hải và bà
Ngọc với tổng giá trị hợp đồng 84 tỷ đồng. Đến năm 2008, hai người này không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông
Phạm Đăng Quan với giá chuyển nhượng
581 tỷ đồng (thu chênh lệch 495 tỷ đồng).
Vụ kiện nhà báo tội vu khống
Tại thời điểm 8/4 đến 14/5/2017, Tạp chí
GTVT điện tử (
tapchigiaothong.vn) đã liên tục đăng đàn
8 kỳ báo phanh phui về những sai phạm nghiêm trọng của Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (
The Surise Bay Đà Nẵng). Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ những sai phạm mà Tạp chí GTVT điện tử nêu ra.
Nhà báo Dương Hằng Nga
Tuy nhiên, nhà báo
Dương Hằng Nga, trưởng VPĐD Tạp chí Giao thông Vận tải khu vực miền Trung và Tây Nguyên, người viết loạt bài này bị ông
Phan Văn Anh Vũ đâm đơn kiện tại Tòa án quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) với tội vu khống.
Vụ kiện kéo dài 5 tháng, nguyên đơn là ông Phan Văn Anh Vũ lại vắng mặt không có lý do trong suốt quá trình hòa giải, thu thập bằng chứng. Vì không có chứng cứ nên Tòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án.
Công an cấm nhà báo xuất cảnh
Cùng thời điểm đâm đơn kiện tại Tòa án, ông Phan Văn Anh Vũ còn gửi đơn kiến nghị đến Cơ quan An ninh Điều tra - Công an Đà Nẵng rằng phải “
xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm của nhà báo Dương Hằng Nga”. Chỉ từ một tờ đơn của ông Phan Văn Anh Vũ, Công an Đà Nẵng đã cấm nhà báo xuất cảnh từ ngày 8/6/2017 trên toàn quốc. Theo luật, một vụ việc dân sự thì chỉ 1 cơ quan thẩm quyền đó là Tòa án giải quyết. Nhưng Cơ quan An ninh điều tra lại vào cuộc điều tra lại cấm xuất cảnh như theo luật hình sự.
Việc cấm xuất cảnh lại không được thông báo cho đương sự được biết.
Quan điểm Công an
Trả lời việc này, đại tá
Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp Công an TP Đà Nẵng cho rằng: “
Vào thời điểm đó, công an thành phố tiếp nhận được đơn, tin báo tội phạm đối với công dân Dương Thị Hằng Nga. Thực hiện theo thông tư quy định về tiếp nhận thông tin, tin báo tố giác tội phạm thì Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.Đà Nẵng thực hiện các bước theo tiến trình tiếp nhận xử lý thông tin tố giác tội phạm”. “
Quá trình này được sự giám sát của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố. Áp dụng các thông tư, quy định của Chính phủ là Nghị định136 của Chính phủ và thông tư 21 của Bộ Công an thì Công an Đà Nẵng ra lệnh cấm xuất cảnh 3 tháng đối với công dân Dương Thị Hằng Nga”
Quan điểm luật sư
Theo Luật sư
Phạm Xuân Đạt (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, vụ việc Công an Đà Nẵng cấm nhà báo Dương Hằng Nga là hoàn toàn sai trái. Việc cấm không đúng thẩm quyền này, hình sự hóa vụ việc lên là làm tổn thất đến tinh thần cũng như vật chất của nhà báo, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của 1 công dân, chưa nói đến là 1 nhà báo hoạt động tác nghiệp theo Luật báo chí cho phép.
Và Luật sư
Trần Văn Cường (Văn phòng Luật sư Trần Văn Cường- Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cũng cho hay, vụ việc cấm nhà báo Dương Hằng Nga mà Công an Đà Nẵng là hoàn toàn không đúng thẩm quyền.
Khám xét nhà, khởi tố và truy nã
Tối ngày 21 tháng 12 năm 2017, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với Công an thành phố Đà Nẵng khám xét nhà ông Phan Văn Anh Vũ.
Tối ngày 22.12.2017, cơ quan an ninh điều tra đã phát lệnh truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ. Trước đó, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã có quyết định khởi tố Phan Văn Anh Vũ tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước theo điều 263, Bộ luật hình sự năm 1999. Anh Vũ được xác định không có mặt nơi cư trú ở số 82 đường Trần Quốc Toản (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Nhận định
Sáng 28-12-2017, tại phiên Chính phủ họp trực tuyến với 63 tỉnh thành cùng các bộ, ngành, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Huỳnh Đức Thơ cho biết dư luận Đà Nẵng cho rằng các vụ việc nổi cộm của ông Vũ tại Đà Nẵng chủ yếu là liên quan đến đất đai, bất động sản, nhưng quyết định khởi tố chỉ nói liên quan đến việc làm lộ bí mật Nhà nước.
Ông Huỳnh Đức Thơ
Ông Thơ đề nghị sớm xử lý các tài sản đứng tên ông Vũ và các tài sản nghi vấn để thuận lợi cho việc điều tra và xử lý sau này, vì ông Vũ đã rút vốn ra khỏi 5 công ty và chuyển nhượng các tài sản cá nhân.
Phong tỏa tài sản
Ngày 11/01/2018, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thông tin về việc phong tỏa các giao dịch tài sản liên quan ông Phan Văn Anh Vũ: Ngày 27/12/2017, UBND TP có văn bản yêu cầu ngừng giao dịch tài sản liên quan 4 cá nhân:
Phan Văn Anh Vũ, Lê Văn Sáu, Trần Đại Vũ và
Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ ông Vũ). Ngoài ra, TP yêu cầu kiểm tra, rà soát tất cả bất động sản trên địa bàn TP liên quan 4 người có tên nêu trên.
Cá nhân bị phong tỏa tài sản
Ngoài hai vợ chồng Phan Văn Anh Vũ, còn có
Lê Văn Sáu (sinh 1975),
Trần Đại Vũ (sinh 1975) cũng bị phong tỏa tài sản.
Lê Văn Sáu
Theo báo điện tử
nhadautu "
ông Lê Văn Sáu là Chủ tịch HĐQT thứ hai của Công ty CP Nova Bắc Nam 79 (nay là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong) - pháp nhân đã góp 500 tỷ đồng theo mệnh giá, tương đương 10% vốn Đông Á Bank.
Ông Lê Văn Sáu cũng là người tiếp quản và đứng tên sở hữu 45% phần vốn từ Xây dựng Bắc Nam 79 sau khi doanh nghiệp này thoái hết vốn tại Nova Bắc Nam 79 đầu tháng 7/2015. Với việc Nova Bắc Nam 79 tăng vốn từ 6 tỷ đồng ban đầu lên 206 tỷ đồng rồi 438 tỷ đồng vào cuối năm 2016, tỷ lệ vốn 45% của ông Lê Văn Sáu tương đương số tiền gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên vị này đã thoái toàn bộ vốn tại Nova Bắc Nam 79 vào ngày 17/11/2017, chừng 1 tháng trước thời điểm ông Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố, truy nã.
Ở Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, ông Lê Văn Sáu cùng ông Phan Văn Anh Vũ là các cổ đông sáng lập. Trong đó ông Phan Văn Anh Vũ góp 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn, ông Lê Văn Sáu góp 20 tỷ đồng (2,86%). Cả hai nhà đầu tư trên đã thoái sạch vốn khỏi Xây dựng Bắc Nam 79 vào ngày 26/4/2017.
Ngoài ra, ông Lê Văn Sáu còn là đại diện theo pháp luật của cừa hàng Cafe - Bar Memory Lounge có tiếng tại số 7 Bạch Đằng, Q. Hải Châu, Đà Nẵng. Đây là 1 trong số 31 nhà công sản mà Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ những sai phạm trong việc thực hiện dự án, mua bán, chuyển nhượng tại Đà Nẵng."
Bị tạm giam ở Singapore
Một luật sư người Singapore,
Choo Zheng Xi, đại diện cho ông Vũ nói ngày 3.1.2018, Cục quản lý xuất nhập cảnh Singapore giữ thân chủ của ông khoảng lúc 11 giờ sáng ngày 28/12/2017, vì
ông Vũ mang theo 2 hộ chiếu với 2 nhân thân khác nhau mà đều do chính quyền Việt Nam cấp. Luật sư này trước đó cho biết gia đình của ông Vũ 'cũng đang ở Singapore và lo lắng về số phận của họ'.
Victor Pfaff, một luật sư ở Frankfurt đại diện cho Vũ, xác nhận đã viết đơn vào ngày 31.12.2017 gửi cho tòa đại sứ Đức ở Singapore xin cho ông Vũ được thu nhận vào nước Đức. Theo lá thư đó,
ông Vũ là một thượng tá tình báo làm việc cho Tổng cục 5 của Bộ Công an Việt Nam, nơi đảm nhiệm vụ bắt cóc
Trịnh Xuân Thanh. Ông Vũ có thể đưa cho nhà chức trách Đức "
những thông tin quý giá về vụ bắt cóc ông Thanh" "và "
những tin tức khác".
Blogger Người Buôn Gió cho biết ông Vũ đã liên lạc với ông từ hai tháng trước để hỏi thăm liệu anh ta có thể được tị nạn ở Đức nếu anh ta cung cấp cho các điều tra viên cảnh sát Đức biết chi tiết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông Vũ cho là mình đang bị rơi vào tình thế nguy hiểm trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa cơ quan tình báo của Công an, phe ông làm việc cho Tổng cục 5 Bộ Công an và cơ quan tình báo của quân đội trong công việc kinh doanh đất đai tại thành phố Đà Nẵng.
Trục xuất về Việt Nam
Ngày 4/2018, ông Vũ đã về Việt Nam và bị công an bắt tại sân bay Nội Bài. Theo một lá thư của Cục quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA) gởi cho luật sư Choo viết ngày 4.1.2018, ông Vũ bị bắt vì sử dụng hộ chiếu không phải danh tính thực của ông.
Chính quyền Việt Nam cho Singapore biết hộ chiếu ông Vũ dùng là hộ chiếu giả mạo. Ngoài 2 hộ chiếu Việt Nam, ông Vũ còn sở hữu một hộ chiếu với quốc tịch
Antigua và
Barbuda. Lệnh bắt giữ và lệnh trục xuất ông Vũ được ký vào ngày 30.12.2017. Ông Vũ cũng có tên trong thông báo Đỏ của Interpol.
Vụ án tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình
Ngày 4.4. 2018, qua điều tra về Vũ nhôm Cơ quan CSĐT Bộ công an đã đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố ông
Trần Phương Bình - nguyên tổng giám đốc DAB và 20 đồng phạm hoàn tất về tội Cố ý làm trái, vi phạm quy định trong cho vay xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB). Trong hàng loạt sai phạm của ông Trần Phương Bình có việc ông Bình
đã xuất quỹ sai nguyên tắc, chi 200 tỉ cho Phan Văn Anh Vũ - người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 để Vũ mua cổ phần của DAB. Ông Vũ phải có trách nhiệm hoàn trả 200 tỉ đồng cho DAB.
Trần Phương Bình và Vũ nhôm
Ngày 18.4.2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trần Phương Bình vì liên quan đến hành vi chiếm đoạt 200 tỉ đồng của DAB.
Bị khởi tố vì liên quan
Ngày 17.4.2018, cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam ông
Trần Văn Minh, nguyên chủ tịch Đà Nẵng từ 2006-2011, và khởi tố ông
Văn Hữu Chiến, nguyên chủ tịch Đà Nẵng từ 2011-2014, do liên quan vụ Vũ "nhôm".
Trần Văn Minh, nguyên chủ tịch Đà Nẵng từ 2006-2011
Ông Minh bị bắt về tội danh "
Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015 và "
Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại điều 229 Bộ luật hình sự năm 2015.
ông Văn Hữu Chiến, nguyên chủ tịch Đà Nẵng từ 2011-2014
Ông Chiến, hiện là chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng, bị khởi tố để điều tra về hành vi "
Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015 và "
Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại điều 229 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ông Nguyễn Điểu - nguyên Giám đốc Sở TN&MT TP.Đà Nẵng.
Các người khác cũng bị khởi tố là ông
Nguyễn Điểu, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường thành phố Đà Nẵng, ông
Trần Văn Toán, nguyên phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường thành phố Đà Nẵng và
Lê Cảnh Dương, giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng. Cả 3 cùng bị khởi tố về hành vi "
Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại điều 229 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông
Phan Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo (Tổng cục 5), cấp bậc trung tướng, vì liên quan đến vụ án của ông Phan Văn Anh Vũ. Đồng thời Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng khởi tố và bắt tạm giam
Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, về hành vi "
Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Nguyễn Hữu Bách bị Bộ trưởng Công an Tô Lâm còn ông Phan Hữu Tuấn bị Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân. Cả 2 bị cáo buộc đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ bí mật Nhà nước, qua đó giúp sức cho Vũ "nhôm" thâu tóm nhiều dự án đất đai tại Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Sai phạm quan chức Đà Nẵng
Từ năm 2007 đến nay rất nhiều nhà đất công sản ở Đà Nẵng được bán có dấu hiệu vi phạm khi không thực hiện theo đúng qui định Luật Đất đai. Các cá nhân lãnh đạo TP Đà Nẵng lúc bấy giờ có ông
Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (nguyên chủ tịch UBND TP) và
Nguyễn Bá Thanh bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Các cơ quan, cá nhân có liên quan là ông
Nguyễn Điểu (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường),
Đào Tấn Bằng (nguyên phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng),
Lê Cảnh Dương, giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng.
Cụ thể, rất nhiều khu đất, nhà công sản được bán cho ông Vũ được tập thể lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng thống nhất bán không qua đấu giá, người đứng đầu UBNDTP Đà Nẵng lúc đó là ông Trần Văn Minh.
Liên quan đến
dự án Đa Phước dưới thời ông
Văn Hữu Chiến, ngày 17-1-2013, Thanh tra Chính phủ công khai thông báo về kết luận thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư có liên quan đến việc quản lý sử dụng đất đai với
thất thoát được chỉ ra là trên 3.400 tỉ đồng. Riêng khu đất 29 ha thuộc dự án sân golf Đa Phước giao cho Công ty CP 79 thấp hơn giá TP quy định, làm lợi cho Công ty CP 79 là hơn 570 tỉ đồng.
Trong các văn bản liên quan vụ bán
sân vận động Chi Lăng một cách nhanh chóng cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh có bút phê của ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ngày 18.4, ông
Nguyễn Điểu cho biết, "
Thời tôi làm Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường chủ yếu phải thực hiện theo lệnh của anh Thanh (tức Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) để hợp thức hóa các thủ tục mua bán. Còn anh Trần Văn Minh và anh Văn Hữu Chiến là người trực tiếp ra các quyết định giao đất. Sở không được tham mưu gì cả."