mardi 4 avril 2017

SỨC KHOẺ : Lợi ích đi bộ



Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Tục ngữ có câu, người già chân già trước. Lý do là vì 2/3 cơ thịt trong cơ thể đều tập trung ở nửa thân dưới, sức khỏe của đôi chân chính liên quan trực tiếp đến tình trạng toàn thân. Đi bộ thong thả từng bước chắc chắn có công hiệu chống lão hóa rất thần kỳ.



12 lợi ích tuyệt vời của việc kiên trì đi bộ mỗi ngày

Theo báo cáo trên The New England Journal of Medicine, một tuần đi bộ trên 3 giờ, có thể giảm 35% đến 40% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tạp chí Natural của Mỹ cũng có nghiên cứu cho rằng, người trên 60 tuổi, một tuần ba ngày, mỗi lần đi bộ trên 45 phút, có thể phòng chống bệnh mất trí ở người già (bệnh Alzheimer). Một tuần đi bộ trên 7 giờ, có thể giảm 20% tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú, có 50% công hiệu chữa trị bệnh tiểu đường loại II.

Từ lâu các nhà nghiên cứu dưỡng sinh đã nhận thấy lợi ích to lớn của việc đi bộ đối với sức khỏe. Nó giúp tăng dung tích phổi, giảm bớt cơn thèm thuốc của người nghiện thuốc lá. Đối với phần lưng, đi bộ có thể làm tăng sức mạnh cơ lưng. Còn đối với đôi chân, đi bộ giống như đã tiến hành rèn luyện sức mạnh cho xương, có thể làm tăng sức mạnh cơ thịt và xương chân một cách rõ rệt.

Có thể tổng kết ra 12 lợi ích cho sức khỏe thân tâm của việc đi bộ như sau:

1. Đi bộ có thể tăng cường chức năng tim mạch, giúp tim đập chậm mà mạnh.

2. Đi bộ có thể làm tăng tính đàn hồi của mạch máu, làm giảm khả năng bị vỡ mạch máu.

3. Đi bộ có thể làm giảm sự tích tụ mỡ ở phần bụng, giữ được dáng vẻ gọn gàng xinh đẹp cho cơ thể.

4. Đi bộ có thể làm giảm sự hình thành các cục máu động, giảm bớt khả năng bị nhồi máu cơ tim.

5. Đi bộ có thể làm giảm sự tích tụ triglyceride và cholesterol trên thành tĩnh mạch, cũng có thể làm giảm cơ hội glucose chuyển hóa thành triglycerides.

6. Đi bộ có thể làm giảm sự sản sinh hormone adrenalin. Quá nhiều adrenalin sẽ gây ra các bệnh động mạch.

7. Đi bộ có thể làm tăng sức mạnh của cơ thịt, làm khỏe đôi chân, gân cốt, và có thể làm các đột xương linh hoạt hơn, thúc đẩy việc trao đổi máu và trao đổi chất.

8. Kiên trì đi bộ hàng ngày sẽ xóa bỏ các triệu chứng thiếu máu cục bộ hoặc huyết áp thấp. Làm cơ thể không còn mệt mỏi, tinh thần vui tươi, làm giảm hồi hộp và tim đập nhanh.

9. Đi bộ giúp bảo vệ môi trường, loại bỏ ô nhiễm không khí, đối với cơ thể khỏe mạnh, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, giảm bớt bệnh tật, cũng có tác dụng thúc đẩy tích cực trong việc kéo dài tuổi thọ.

10. Đi bộ có thể làm tăng cường chức năng bài tiết của tuyến tiêu hóa, thúc đẩy ruột và dạ dày nhu động hoạt động theo quy luật, làm tăng sự thèm ăn, có tác dụng rất tốt đối với việc phòng ngừa các chứng bệnh như cao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh béo phì, táo bón…

11. Đi bộ là một loại phương thức trong tĩnh có động, trong động có tĩnh, có thể làm giảm sự căng thẳng thần kinh. Theo chuyên gia cho biết, khi cảm xúc buồn bực, lo lắng dồn hết vào lồng ngực, đi bộ với bước đi nhẹ mà nhanh khoảng 15 phút, là có thể giảm bớt căng thẳng, ổn định được tâm trạng.

12. Đi bộ trong không khí trong lành ở bên ngoài, hoạt động tư duy của não bộ sẽ trở nên linh hoạt tỉnh táo, giúp loại bỏ mệt mỏi, nâng cao hiệu suất học tập và làm việc. Theo như thử nghiệm của các chuyên gia, người đi bộ mỗi tuần đi bộ 3 lần, mỗi lần một giờ, duy trì liên tục trong bốn tháng so với người không thích vận động, thì người đi bộ có phản ứng nhạy bén, thị giác và khả năng trí nhớ đều chiếm ưu thế hơn.


Như nào đi bộ mới là đúng cách?

Phần trên cơ thể phải thẳng

Cằm đưa ra trước, ngẩng cao đầu, hai vai duỗi về phía sau. Như vậy cột sống duỗi thẳng, khi thở nhẹ, bụng hơi có phập phồng. Khi đi tư thế này, bạn sẽ cảm thấy như chỉ dùng ngực và eo để đi, ngực và thắt lưng hơi nhô ra phía trước.


Tầm mắt thẳng về trước

Nhìn thẳng về phía trước giúp hệ thống hô hấp hoạt động hiệu quả.

Duỗi thẳng gối

Đầu gối không cứng nhắc mà duỗi thẳng, bước chân sải rộng sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn.

Gót chân chạm đất trước

Nên để trọng tâm của thân thể đặt vào gót chân theo đúng trục truyền lực, tránh tạo áp lực lên các phần khác. Tiếp sau khi đó thì chuyển tiếp dần dần đến các mũi chân chạm đất.


Bước chân hướng về phía trước

Thân trên duỗi, đầu gối thẳng, bước đi tự nhiên về phía trước, chân sau phải duỗi thẳng. Bước chân đi để lại dấu chân phải là đường thẳng, không hướng bàn chân sang bên.

Lắc lư cánh tay

Đánh tay cũng rất quan trọng, nó giúp duy trì sự cân bằng lực khi đi bộ.





dimanche 2 avril 2017

THỜI SỰ : Phó Ban Nội chính Đắk Lắk xây biệt thự trái phép


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Tin Internet ngày 02/04/2017 - Ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk) cho biết thời trẻ ông chạy xe ôm thâu đêm để tích cóp tiền xây căn biệt thự hai tầng, nay bị buộc tháo dỡ vì sai quy định - câu chuyện đang gây chú ý cộng đồng.


Ngày 31/03/2017, ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), cho biết đã nhận được báo cáo của UBND phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột) về việc đề xuất xử lý các công trình xây dựng trái phép của bà Quách Thị Tuất (vợ ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk). Theo ông Hưng, đây là công trình xây dựng lớn, liên quan đến cán bộ lãnh đạo tỉnh nên đang xin ý kiến của UBND tỉnh và Tỉnh ủy về hướng xử lý.

Đề xuất cưỡng chế

Ông Phạm Tân, Chủ tịch UBND phường Ea Tam, cho biết qua kiểm tra, phát hiện bà Tuất xây dựng trái phép nhà 2 tầng (hơn 170 m2, xây năm 2012), nhà chòi (19 m2, xây năm 2011), hồ bơi (hơn 153 m2), hồ cá (80 m2)… trên đất nông nghiệp tại phường Ea Tam.

Theo ông Tân, UBND phường Ea Tam đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với việc xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Theo đó, thời hạn xử phạt hành chính đối với hành vi của bà Tuất đã hết nên chỉ buộc tháo dỡ công trình vi phạm trước ngày 25/03/2017, không tháo dỡ thì cưỡng chế, giải tỏa. Sau đó, bà Tuất có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng xin giữ lại các công trình và sẽ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau. Do đó, UBND phường đã báo cáo UBND TP xin ý kiến xử lý.

Trong quy hoạch sử dụng đất của phường Ea Tam đến năm 2020, lô đất của bà Tuất đang sử dụng không thuộc diện được chuyển đổi sang thổ cư” - ông Tân cho biết thêm.

Chiều cùng ngày, ông Bạch Văn Mạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết Tỉnh ủy chưa nhận được báo cáo của TP Buôn Ma Thuột và ông cũng chưa nghe thông tin này. “Khi có thông tin, chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ cho báo chí” - ông Mạnh khẳng định.




Họ không thích tôi nên mới xảy ra chuyện!

Tối 31/03/2017, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thừa nhận xây dựng nhà trên đất nông nghiệp là sai nhưng ông Kỷ cho rằng chính quyền không công bằng.

Ông Kỷ nói: “Sau khi tôi bị kỷ luật cảnh cáo thì UBND phường Ea Tam tới kiểm tra và lập biên bản về việc gia đình tôi xây nhà trên đất nông nghiệp. Tôi nói thẳng là có nhiều người không thích tôi nên mới xảy ra chuyện này. Khu đất này lúc gia đình tôi mua có 1 ngôi nhà cấp 4 và một số ao hồ. Năm 2012, tôi nhờ người xin giấy phép xây dựng nhà nhưng chính quyền trả lời khu đất này chưa quy hoạch khu dân cư chứ không nói là không quy hoạch khu dân cư. Tôi nghĩ trong này vùng sâu vùng xa, đường sá đi lại khó khăn nhưng muốn sống ổn định và làm nông nghiệp nên năm 2012 gia đình bắt đầu xây dựng nhà. Trong thời gian xây dựng, không có bất kỳ cán bộ nào tới yêu cầu tạm dừng xây dựng”.


Cũng theo ông Kỷ, ngôi nhà là tài sản cả đời tích góp của vợ chồng ông. Vợ ông kinh doanh nhiều mặt hàng, còn ông ngoài làm cán bộ nhà nước thì lúc trẻ sau giờ làm việc phải chạy xe ôm thâu đêm để tích góp. Toàn bộ khu vực này có hơn 100 ngôi nhà đều xây dựng trên đất nông nghiệp, nhiều biệt thự 2-3 tầng và có nhà của nguyên lãnh đạo tỉnh nhưng chính quyền chỉ yêu cầu một mình gia đình ông tháo dỡ là không công bằng.

Nếu vợ chồng tôi xây nhà trên đất lấn chiếm của người khác, đất của nhà nước, khi cơ quan chức năng cưỡng chế thì vợ chồng tôi sẵn sàng ra gầm cầu ở. Đằng này gia đình tôi xây trên đất của mình, có sổ đỏ. Vợ chồng tôi sẵn sàng tự sát ngay tại chỗ nếu cưỡng chế. Họ không cưỡng chế ai cả, chỉ cưỡng chế mình gia đình tôi nên chỉ có lấy cái chết để giải oan cho mình. Cả cuộc đời này chỉ còn từng đó (ngôi nhà - PV), không có gì nữa. Nếu họ nghĩ tôi tham ô thì cứ làm đi, sai đâu tôi chịu” - ông Kỷ nói.



BÌNH LUẬN

Theo Báo Người Lao Động phản ánh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Sỹ Kỷ do trong thời gian làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (từ năm 2011-2015) có nhiều sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng giáo viên, đầu tư xây dựng…

Với lối biện minh "cãi chày, cãi cối" như thế thì ai nghe cũng thấy chói tai. Đã có hành vi phạm pháp luật lại còn thêm cái ý tưởng "liều mạng" nữa thì thực sự hết thuốc chữa. Lại còn kể chuyện chạy xe ôm thâu đêm thời còn trẻ để tích góp nữa chứ.


Thế này thì chắc các anh xe ôm
cũng giàu lắm đây. 







samedi 1 avril 2017

THẾ GIỚI : Vụ lật phà Sewol ở Hàn Quốc năm 2014


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Phà Sewol của Hàn Quốc bị lật vào ngày 16 tháng 4 năm 2014. Phà chở 450 người, chủ yếu là học sinh Trường Trung học Danwon đang trên hành trình từ thành phố Incheon đến thành phố Jeju. Lúc 08:58 (KST), khi cách đảo Byungpoong khoảng 2,7 km thì chiếc phà này phát tín hiệu báo nguy.


Nhiều hành khách đã được các tàu cá và tàu thương mại khác cứu sống trước khi tàu của Cảnh sát biển Hàn Quốc và Hải quân Hàn Quốc đến nơi.

Hiện Chính phủ Hàn Quốc, Hải quân Hoa Kỳ, các nhóm dân sự và cá nhân đã nỗ lực thực hiện công tác cứu hộ.Vụ việc khiến hơn 304 người thiệt mạng 9 người mất tích, trở thành tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất Hàn Quốc.


Sáng 23/03/2017, một phần phà Sewol bị chìm cách đây 3 năm ở ngoài khơi tây nam Hàn Quốc đã được đưa nổi lên mặt nước,dự kiến sẽ hoàn thành trong 8 ngày. Chiến dịch trục vớt bị trì hoãn từ năm ngoái do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Trong nỗ lực lần này, các kỹ sư tìm cách đưa chiếc phà nặng 6.825 tấn từ độ sâu 40 m mà không phải cưa nó ra thành từng phần nhỏ. Việc này sẽ giúp tìm kiếm 9 thi thể được cho là vẫn còn mắc kẹt bên trong phà.


Phà Sewol được chế tạo bởi công ty Hayashikane (Nhật Bản). Phà dài 146 m và rộng 22 m. Nó có thể chở 921 hành khách và tối đa có thể chở 956 người tính cả thủy thủ đoàn. Phà do Công ty Hàng hải Cheonghaejin ở Incheon điều hành. Trên phà có chỗ cho 180 xe hơi và có thể chở được 152 container vận tải.


Bối cảnh

Phà Sewol hoạt động tại Nhật Bản suốt 18 năm kể từ năm 1994. Sau khi được Chính phủ Hàn Quốc kiểm định, nó bắt đầu hoạt động tại nước này kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2013. Mỗi tuần, phà chạy hai đến ba chuyến khứ hồi với hành trình từ Incheon đến thành phố Jeju. Sự an toàn của phà được Cảnh sát biển Hàn Quốc kiểm định. Lần kiểm định gần đây nhất là vào ngày 19 tháng 2 năm 2014.


Theo hãng thông tấn AP, Thứ trưởng Bộ An toàn Hành chính Hàn Quốc cho biết có 459 người trên phà: 325 học sinh Trường Trung học Danwon, 15 giáo viên, 30 thành viên thủy thủ đoàn và 89 hành khách khác.


Nguyên nhân phà lật

Khi cách bờ biển tây nam Hàn Quốc khoảng 20 km, chiếc phà bắt đầu nghiêng nghiêm trọng khi hướng về thành phố Jeju. Các hành khách được cứu sống kể lại rằng, họ nghe thấy một tiếng rít lớn và rồi chiếc phà rung lên và dừng lại - hàm ý rằng có thể nó đã bị mắc cạn. Các hành khách cũng cho hay họ nhận được yêu cầu "không di chuyển" theo một thông báo phát ra từ hệ thống liên lạc nội bộ của phà, trong khi đó phà đang chìm dần. Vào lúc cuối ngày, chiếc phà bị lộn ngược và gần như ngập chìm trong nước.



Một thành viên thủy thủ đoàn của một con tàu chính phủ tham gia cứu hộ (người cho biết đã nói chuyện với các thành viên thủy thủ đoàn của phà Sewol) nói rằng vùng này không có đá ngầm và nguyên nhân phà lật là vì nó gặp trục trặc. Tính đến ngày 17 tháng 4, người ta nghi phà Sewol lật là vì cú rẽ gấp của nó khiến hàng hóa đổ dồn về một bên làm cho phà mất thăng bằng và nước tràn vào. Các phân tích sâu hơn đối với Hệ thống Nhận diện Tự động đã xác nhận quả thật có cú rẽ gấp.


Phà Sewol đã về nơi 'an nghỉ cuối cùng' sau 1.080 ngày

Theo zing.vn ngày 01/04/2017 - Sau 3 năm chìm dưới biển, phà Sewol cuối cùng đã được đưa vào bờ. Hơn 100 viên chức làm việc trong các văn phòng "container" dã chiến sẽ tiến hành tìm kiếm người mất tích.

Sau dây cảnh phà Sewol cập cảng Mokpo trong chuyến đi cuối cùng Phà Sewol đã được đưa về cảng Mokpo an toàn từ địa điểm trục vớt sau hành trình 6 tiếng trên biển.

Chiều 31/3, phà Sewol đã về đến bến cảng ở Mokpo, tây nam Hàn Quốc, 1080 ngày sau khi chìm ở vùng biển đảo Jindo 3 năm trước. Korea Times cho biết rất nhiều người thân các nạn nhân đã có mặt tại cảng từ sớm để đón con phà. Ảnh: Getty.

Hành trình vận chuyển phà Sewol từ địa điểm trục vớt về cảng Mokpo kéo dài 6 tiếng trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Trước đó, phà được trục vớt từ độ sâu 40 m trong vòng 4 ngày. Ảnh: Getty.  

Tàu vận tải bán tiềm thủy chở xác phà Sewol di chuyển với tốc độ từ 13 đến 18,5 km/h, vượt qua quãng đường khoảng 90 km. Ảnh: Getty.  

Theo dự kiến, nhà chức trách mất một tuần để dỡ xác phà Sewol từ tàu vận tải và đưa lên bờ. Tuy nhiên, việc này được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn do trọng lượng quá lớn của phà Sewol cũng như điều kiện sóng biển.  

456 module băng tải sẽ được lắp đặt dưới xác phà theo 6 hàng, mỗi hàng 76 module, chia đều trọng lượng gần 7.000 tấn của phà, phục vụ công tác di chuyển phà lên bờ. Ảnh: Getty.  

 Bộ Hải dương và Nghề cá Hàn Quốc cho biết việc di chuyển sẽ diễn ra trong khoảng từ thứ 3 đến thứ 7 tuần sau khi thủy triều dự kiến ở mức thấp nhất. Nếu việc này thất bại, phà có thể bị trượt nghiêng và ngã đổ. Ảnh: Yonhap.  

Sau khi phà được đưa lên bờ thành công, cơ quan điều tra sẽ bắt đầu tìm kiếm thi thể 9 người mất tích. Việc tìm thấy thi thể là niềm mong mỏi lớn nhất của người thân nạn nhân trong suốt 3 năm qua. Ảnh: Xinhua.

Theo Korea Times, chính phủ Hàn Quốc đã cử 105 viên chức từ các bộ hải dương, an ninh, giáo dục, tư pháp, y tế, lao động, môi trường và nội vụ đến Mokpo để phục vụ công tác tìm kiếm nạn nhân. Họ sẽ làm việc trong 55 văn phòng dã chiến dựng lên trong các container trên một khu đất rộng 3.000 m2. Ảnh: Getty.  

Hàn Quốc cũng cử một đội ngũ gồm 10 người từ Cơ quan Pháp y Quốc gia và 6 người thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đảm trách việc nhận dạng thi thể. Cuộc điều tra nguyên nhân tai nạn dự kiến bắt đầu từ ngày 10/4. Ảnh: Getty.  


Hàn Quốc sẽ lùng 32.000 m2 đáy biển tìm thi thể nạn nhân chìm phà Sewol

Hàn Quốc có kế hoạch tìm kiếm quy mô lớn tại hiện trường tai nạn phà Sewol cách đây ba năm, trong đó hơn 300 người chết.

Shanghai Salvage, công ty mới đây nâng phà chìm Sewol, sẽ thực hiện cuộc tìm kiếm dài hai tháng, bao phủ diện tích đáy biển lên tới 32.000 m2, Yonhap dẫn Bộ Hải dương và Nghề cá Hàn Quốc hôm nay cho biết. 

Mục đích cuộc tìm kiếm là thi thể những người còn mất tích và những manh mối khác có thể giúp hiểu rõ hơn về vụ chìm phà. 

Năm 2015, nhóm công ty Trung Quốc do công ty nhà nước Shanghai Salvage đứng đầu thắng thầu trị giá 72 triệu USD, chịu trách nhiệm vớt nguyên vẹn phà lên khỏi mặt nước. 

Bộ cho biết khu vực được chia thành 40 vùng, để 50 thợ lặn tìm kiếm chi tiết. Những rào thép cao 3 m đã được dựng xung quanh nơi phà chìm. 

Phà Sewol được đưa tới Mokpo tuần trước nhưng nó vẫn đang ở trên một tàu nửa chìm do việc đưa nó lên đất liền cần thêm thời gian. Trong khi đó, 9 mảnh xương, cùng một hộ chiếu và đồ dùng cá nhân khác được tìm thấy trên khoang tàu nửa chìm chở phà Sewol, nhưng các thanh tra xác định chúng là xương động vật. 

Hộ chiếu thuộc về thuyền trưởng Lee Joon-seok, người đang thụ án 36 năm tù vì xao nhãng trách nhiệm và bỏ bê nhiệm vụ.