Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, Việt Nam. Cầu nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 125 km về hướng Tây Nam, trên Quốc lộ 1A, là trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cầu này chính thức khởi công ngày 6-7-1997 và hoàn thành vào ngày 21-5-2000, với số vốn khoảng 90,86 triệu đô la Úc. Đây là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam với kinh phí xây cầu do chương trình AusAid của Úc góp 66%, Việt Nam góp 34%. Cầu dài 1.535 mét, phần cầu chính là cầu treo dây giăng dài 350 mét, nhịp giữa thông thuyền 350 mét; chiều cao thông thuyền 37,5 mét, phần cầu phụ mỗi bên gồm 11 nhịp, dài 437,6 mét; chiều rộng mặt cầu 23,6m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 lề cho người đi bộ…
Giới thiệu tổng quan về Vĩnh Long
Vĩnh Long là một tỉnh nằm ở khu vực ĐBSCL, thuộc miền Nam Việt Nam. Vĩnh Long cách thành phố Hồ Chí Minh 136 km về hướng Bắc theo quốc lộ 1, cách thành phố Cần Thơ 33 km về hướng Nam theo đường quốc lộ 1. Tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, dạng địa hình khá bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 2 độ, không có núi đồi, địa hình lòng chảo, trũng ở trung tâm và cao dần về phía Bắc, Đông Bắc và Nam Đông Nam, bị chia cắt bởi nhiều con sông và kênh rạch.
Vĩnh Long là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Kông, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và ở trung tâm khu vực ĐBSCL, vị trí giáp giới như sau :
- Phía Bắc và Đông Bắc giáp các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre;
- Phía Tây Bắc Đông giáp tỉnh Đồng Tháp;
- Phía Đông Nam giáp với tỉnh Trà Vinh;
- Phía Tây Nam giáp các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ.
Điều kiện tự nhiên
Tỉnh Vĩnh Long là trung tâm và là hình ảnh thu nhỏ của đồng bằng sông Cửu Long bởi sự đa dạng và trù phú của vùng đất giữa hai dòng sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang.
Địa hình Vĩnh Long tương đối bằng phẳng, sông rạch chằng chịt, giao thông thuận tiện. Trên địa bàn tỉnh có quốc lộ 1A và quốc lộ 53 đi ngang qua, đây là cầu nối giao thông quan trọng giữa Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Cần Thơ.
Vĩnh Long có khí hậu nhiệt đới 2 mùa. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình năm là 27ºC, lượng mưa trung bình năm từ 1.300-1.500mm.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Là tỉnh ở giữa đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long có đất đai màu mỡ do được sông Tiền và sông Hậu bồi đắp phù sa hàng năm. Trồng trọt là một thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh cây lúa (90% diện tích đất trồng lúa), hàng năm người dân Vĩnh Long còn thu hoạch hàng trăm ngàn tấn trái cây như cam, nhãn, quít, bưởi, dừa... và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Vĩnh Long có nhiều đình, chùa như đình Long Thanh, tịnh xá Ngọc Viên, chùa Phước Hậu, chùa Tiên Châu, chùa Saghamangala...
Dân tộc, tôn giáo
Vĩnh Long có 3 dân tộc chính : Việt, Khmer, Hoa. Người Khmer trong tỉnh tuy chiếm tỉ lệ nhỏ (2%), nhưng nơi đây vẫn mang đậm nét truyền thống văn hóa lễ hội của người Khmer.
Giao thông
Bến xe khách liên tỉnh cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Có các tuyến đi bến xe miền Tây Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Sa Đéc, Rạch Giá và các nơi khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Những món ăn dân dã ở Vĩnh Long
Cá tai tượng chiên xù
Ở Vĩnh Long, cá tai tượng trở thành món ngon đệ nhất nhờ cách chiên xù. Cá để nguyên vảy, làm sạch ruột và cho vào chảo dầu đang sôi trên bếp. Người chế biến phải canh lửa và lật cá cẩn thận để các mặt giòn, thịt không bị nát.
Nhờ đó, lớp vảy có độ giòn rụm còn thịt cá dai thơm, ăn kèm bánh tráng, bún và các loại rau sống chấm nước mắm tỏi ớt chua ngọt.
Thông thường, nhắc đến khoai lang, nhiều người nghĩ ngay đến món chè thanh mát hay chiên giòn. Nhưng người dân Vĩnh Long lại sáng tạo ra món khoai luộc ghém cùng mắm sống.
Khoai lang sau khi hấp hoặc luộc chín để nguội, xắt thành miếng nhỏ. Tiếp theo chuẩn bị thêm dừa khô nạo, muối mè, đậu phộng, các loại rau thơm. Khi ăn, thực khách dùng lá cuốn từng miếng khoai lang, thêm ít dừa, đậu phộng và rau, chấm đều trong chén mắm cá linh hoặc cá sặc đậm đà. Vị ngọt, thơm, bùi của khoai và dừa cùng với các loại rau trong từng cuốn giúp món ăn không bị ngấy.
Cá cháy
Cá cháy là đặc sản Vĩnh Long, hơi nhiều xương nhưng thịt thơm và có trứng bổ, rất béo. Với loại cá này, cách chế biến đơn giản nhất là nấu cháo ăn kèm rau tần ô, rau đắng, xà lách và chút gừng thái nhuyễn. Ngoài ra, đầu bếp còn tẩm ướp cá và kho liu riu trên bếp đến khi nào xương rục ra là có thể ăn với cơm trắng. Canh chua cá cháy cũng là món ăn thanh đạm, giúp đổi vị trong các bữa ăn hàng ngày.
Ngoài kho nồi đất đặc trưng hay chiên nước mắm, cá rô còn được nấu canh với bông so đũa. Chỉ cần một kg bông so đũa và khoảng chục con cá rô cỡ nhỏ là đủ nấu thành nồi canh ngon ngọt.
Cá rô đánh vảy làm sạch, giữ lại phần mỡ béo ở bụng. Nước canh phi tỏi thơm nấu sôi, thả cá vào, đợi chín, sau đó mới cho thêm bông so đũa. Nêm nếm gia vị vừa vặn và thêm chút hành ngò thơm là món ăn sẵn sàng để thưởng thức.
Cây thanh trà có vóc dáng khá giống xoài, trái nhỏ, tròn tựa quả chanh, vỏ màu xanh và khi chín chuyển sắc vàng tươi. Ruột trái mềm, vị chua ngọt đặc trưng. Trái thanh trà mới bóc vỏ thường được chấm muối ớt hoặc cắt từng miếng cho vào ly, thêm đường, đá, một ít muối, dầm lên làm sinh tố uống giúp thanh nhiệt cơ thể.
Không chỉ vậy, khi hơi chín tới, ruột trái thanh trà còn cứng, thường được người dân dùng để ngào đường làm mứt. Ngoài ra, trái chín còn làm gia vị cho các món kho, canh chua.
Vĩnh Long từ lâu đã nổi tiếng với giống bưởi Năm Roi ít hạt, múi đều và vị ngọt thanh. Đây là món quà thông dụng, du khách thường mua về khi ghé đất Vĩnh Long. Từng múi bưởi căng tròn, mọng nước chấm trong chén muối Tây Ninh đậm vị tôm là món tráng miệng, ăn vặt hấp dẫn.
Ca dao là một thuật ngữ thường được dùng để gọi những câu, những bài thơ dân gian. Ca dao thường nằm tron một kết hợp chặt chẽ của hai hình thức sáng tạo nghệ thuật là văn học và âm nhạc. Do vậy, người ta hay gọi ca dao là văn học hát. Đây là những sáng tác trữ tình miêu tả tâm trạng, tư tưởng, tình cảm (đời sống nội tâm) của người bình dân. Đời sống nội tâm ấy của người bình dân có mối liên quan chặt chẽ với hoàn cảnh sống của họ.
Vĩnh Long vốn là một tỉnh nổi tiếng có nhiều di tích lịch sử với nhiều giai thoại, huyền thoại… Đây là vùng đất trù phú, cây trái oằn sai, sông dài nước ngọt quanh năm, người dân hiền hòa chất phác và có tình yêu sâu đậm với nơi 'chôn nhau cắt rốn' của mình. Tình yêu quê hương đất nước sâu đậm và thiết tha được người bình dân xưa gửi gắm qua từng địa danh, di tích, sản vật,.v.v… của quê hương mình. Hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò, đình miếu… của miền quê sông nước Nam bộ nói chung, của Vĩnh Long nói riêng được thể hiện khá đậm nét trong ca dao xứ Vĩnh :
' An Bình đất mẹ cù lao,
Thơm hương hoa bưởi, ngọt ngào nhãn long.
Khách về nhớ mãi trong lòng,
Cù lao nho nhỏ bên dòng Tiền Giang'
Người dân ở cù lao An Bình bao đời nay vẫn luôn luôn tự hào với những sản vật của quê hương: bưởi, nhãn long… Mảnh đất cù lao như người mẹ hiền cung cấp biết bao màu mỡ cho cây trái xum xuê, tươi tốt. Ai đã một lần đến với nơi đây lòng không khỏi vấn vương bởi hương hoa của bưởi hay hương vị ngọt ngào thanh tao của trái nhãn long. Hương thơm, vị ngọt ấy như muốn giữ chân du khách hãy nán lại đất cù lao này.
Để đến được với cù lao, du khách phải lụy đò. Vì vậy, hình ảnh chiếc đò lại rất phổ biến và như là người bạn đồng hành trên sông nước của người xứ Vĩnh:
' Bình Lương gió lộng về chiều,
Bến đò Tân Tạo có nhiều khách sang.
Đò dọc rồi lại đò ngang,
Đò qua chợ Vĩnh, đò sang An Bình'
Cũng như nhiều địa phương khác ở Nam bộ, Vĩnh Long là tỉnh có hệ thống kênh rạch chằn chịt, lưu thông chủ yếu bằng đường thủy. Do đó, hình ảnh chiếc đò đưa khách sang sông đã trở nên thân thuộc với người dân vùng đất này. Có thể nói, chiếc đò chính là cầu nối quan trọng để giúp mọi người sang bên kia bờ. Song, có một điều khá lý thú ở phương tiện vượt sông này, đó chính là sự xuất hiện cùng một lúc hai loại hình đưa đò: 'đò dọc' và 'đò ngang'. Được biết, 'đò dọc' là loại phương tiện đưa khách từ nơi này đến nơi khác dọc theo chiều dài của con sông; 'đò ngang' là loại phương tiện đưa khách từ bờ bên này sang bờ bên kia của con sông.
Khi đề cập đến địa danh, ca dao Vĩnh Long có câu:
'Lịch thay địa phận Trà Ôn,
Miếu ông Điều Bát lưu tồn đến nay'
Hiện nay, Trà Ôn là một huyện của tỉnh Vĩnh Long. Trà Ôn được biết đến là một vùng đất khá nổi tiếng với nhiều địa danh và nhân vật như: chợ nổi Trà Ôn, chùa Phước Hậu, miếu ông Điều Bát, đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, v.v…
Nói về nhân vật lịch sử, ca dao Vĩnh Long cũng có câu:
' Vĩnh Long có cặp rồng vàng,
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Công Thần'
Quả thật, đất Vĩnh Long xưa thường được mệnh danh là nơi văn hiến, là vùng đất hiếu học của Nam kỳ lục tỉnh. Trong đó, cụ Phan Thanh Giản (Phan Công Thần) là người miền Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ, từng giữ chức Kinh lược phó sứ Vĩnh Long (phụ tá Nguyễn Tri Phương), về sau là Kinh lược đại sứ. Còn cụ Bùi Hữu Nghĩa (Thủ khoa Nghĩa) hiện đang được nhân dân quận Bình Thủy (Tp. Cần Thơ) thờ kính rất tôn nghiêm và long trọng.
Bên cạnh đó, tình yêu nam nữ được hòa nhập vào từng địa danh của xứ sở quê hương mình là một trong những cách mà người Vĩnh Long bộc bạch tâm sự:
' Bình Lương là chốn náo nương,
An Bình là chỗ tình thương đậm đà'
Thế đó, yêu quê hương chính là gắn bó, tự hào về quê hương mình. Ôi! Thương quá quê hương, với mảnh đất khô cằn sỏi đá, với những con người chân lấm tay bùn. Ta lớn lên, nhưng với quê hương – người mẹ hiền yêu dấu, ta mãi mãi là một đứa trẻ thơ. Chính tình cảm tha thiết và mãnh liệt về quê hương sẽ là nhân tố thúc đẩy và hình thành nhân cách mỗi người trong chúng ta.
Đến với ca dao ta như đến với thế giới tâm hồn. Ca dao Vĩnh Long đã thể hiện rõ nét tâm tư tình cảm của người Việt Nam nói chung, người Vĩnh Long nói riêng, bởi lẽ các tác giả dân gian cũng chính là người Vĩnh Long – những con người lao động hiền lành. Tâm tình của họ tưới lên mảnh đất khô cằn và những lời ca tuyệt đẹp ấy như những hoa trái mà chúng ta đã thu được từ mồ hôi, nước mắt, giúp chúng ta khôn lớn, trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hiểu biết và cảm xúc. Từ đó, giúp ta thêm yêu mến và tự hào về quê hương, đất nước của chính mình.